Friday, September 13, 2013

Trở Về

Hoàng Anh



Tôi lơ mơ tỉnh giấc vì tiếng léo nhéo của loa phóng thanh đâu đó. Âm thanh quen thuộc rợn người này tự nhiên làm tôi cảm thấy lòng mình nặng nề, mệt mỏi. Đêm qua, tôi biết tôi đã có một giấc ngủ ngon, rất ngon, sau chuyến đi dài từ Huế vào đây, thành phố của tôi thời thơ ấu. Thành phố mà phải 35 năm sau, tôi mới có dịp trở về.

Nghĩ đến đây, tôi tỉnh ngủ hẳn, vụt dậy ra khỏi giường, kéo màn cửa sổ ra hai bên. Dù buổi sáng mới chỉ bắt đầu, tim tôi đã loạn nhịp, lòng tôi thổn thức khi thoạt nhìn thấy nó. Nó, cái "sa tô đô" của thành phố này vẫn còn đứng sừng sững đằng kia, ngạo mạn với thời gian, bên cạnh dãy nhà Bưu Điện cũ. Tôi đứng lặng trước cảnh vật xưa, như trong mơ. Đó, hướng đó, xa hơn một chút là dãy nhà công chức, nơi có ngôi nhà yêu dấu của chúng tôi.

"Anh thấy không, cái sa tô đô, rồi trường KT đằng kia," tôi nói trong màn nước mắt nhẹ, khi chồng tôi quàng qua vai. "Em muốn mình đi tới đó liền không?" "Mình đi liền đi."

Khi chúng tôi xuống đến phòng khách, vợ chồng em gái tôi đã lóng ngóng chờ sẵn. "Chị, gần thấy nhà mình rồi, em muốn khóc vì nhớ Ba!" Thấy mắt tôi đỏ hoe im lặng, em tôi ngưng liến thoắng. Trời bắt đầu lất phất mưa, hơi lạnh, nhưng chúng tôi vẫn đi bộ ngang qua những vũng nước, ngó ngang ngó dọc. Những bước chân tôi ngổn ngang kỉ niệm, khi nhìn thấy dãy công chức. "Uả có phải đây là trường KT không cháu?" Tôi ngần ngại hỏi thăm một cậu thanh niên đứng bên đường. "Hồi nớ tê, chừ nhà nước tịch thu trường của mấy ông cha, đổi ra là NN, chừ là trường đảng."

Tôi kêu lên: "Trường đảng hèn chi..." Không hiểu người ta giải phóng những gì? mà cái sa tô đô, biểu tượng của thành phố mãi còn mặt trên người màu vôi loang lổ cũ kỹ, chẳng ai đoái hoài giải phóng cho nó được chiếc áo mới! Ngôi trường KT với màu vôi trắng tươi sáng dưới ánh mặt trời, reo vui mỗi ngày với những hồi trống tan trường, nay chỉ còn là một ngôi nhà đá, thăm thẳm lạnh lùng với màu vôi xám xịt.

Gần đến nhà cũ, tôi càng hồi hộp. Tôi chăm chú nhìn bên phải, trong khi chồng tôi ngược lại. Chẳng là vì nhà chúng tôi ở đối diện nhau, chỉ cách một vạt ruộng nhỏ. Tâm hồn tôi đang tràn ngập hình ảnh căn nhà xưa, vuông sân nhỏ nhắn với hai trụ cổng quét vôi màu ivory. Góc trái là một cây trứng cá, tàng cây xòe rộng luôn cho chúng tôi bóng mát mùa hè, cũng là nơi mùa đông chúng tôi đứng rũ áo mưa, xếp cây dù, trước khi bước vào hàng hiên.

Tôi còn nhớ khung cửa sổ sơn màu pạc sỉu, có lần tôi đã mất mấy ngày tìm mua cho được vải may màn hợp màu. Ba tôi ngồi kia, thư thái bên cạnh me tôi đang ngồi móc cho tôi kiểu áo ưa thích, mỉm cười nghe mấy đứa em tôi gào theo tiếng đàn guitar thùng của anh họ tôi... "Hôm nay không sữa, chắc em ra đi thật xa, chiếc chai lăn trong góc nhà, bóng dáng em chưa xóa nhòa..." hay ... "Một ngón tay nhúc nhích này, hai ngón tay nhúc nhích này..." Ôi, gia đình tôi đó, căn nhà xưa đây, người cha yêu kính như còn đứng đâu đó... Em gái tôi bỗng đứng sát vào ôm tay tôi nghẹn ngào "Chị, đây nì chị, nhà mình số 77 đây, răng nhà lạ rứa?" Hai cánh cửa sắt nặng nề im ỉm che kín một chỗ buôn bán. "Ôi có gì lạ đâu em, cả một đất nước đổi thay, bao nhiêu con người thay đổi, mình làm sao giữ được căn nhà nhỏ bé kia?"

Tôi rời căn nhà xưa, theo chồng đang xăm xăm tới trước một shop thời trang, treo đầy quần áo "si đa". Nhà anh đây, giọng anh chắc nịch. Hả? Tôi ngạc nhiên. Căn nhà xinh xắn của gia đình chồng tôi, nơi chứng tích mối tình đầu của tôi, có khung cửa sổ bên nớ, nơi anh vẫn ngồi trong góc, cuốn cong tờ báo thành ống nhòm qua bên ni, mỗi khi thấy có tôi ra đứng ở sân. Căn nhà có cái giếng nhỏ ngay phía trong cửa hậu, nơi có lần anh trêu tôi: "hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua, bữa ni qua không nói qua qua mà qua qua!" Ôi còn cái sân đâu không thấy? Cái sân trước có mấy bụi cúc vàng đưa hương trong gió, chứng kiến bao lần tôi se sắt tiễn anh đi.

Trời vẫn bụi mưa. Con đường xưa em đi, bây giờ đang lầy lội mua bán. Tôi không còn tìm đâu ra chút êm đềm của ngày xưa, dù trong khoảnh khắc. Còn: người muôn năm cũ tìm đâu bây giờ?

Chúng tôi tiếp tục đi bộ trong mưa bay, ngang qua nhà thờ chính. Ngày xưa giờ nầy, chuông đổ ngân nga làm rung động tâm hồn cả những người ngoại đạo như tôi. Vẻ quạnh hiu của nhà thờ làm tôi chợt nhớ bài hát của NTT: "Tiếng amen đều âm u, hòa trong gió buồn đêm mơ, làm xao xuyến tâm hồn nhớ, ngày vui qua..."

Mang tiếng chuông nhà thờ trong tim, tôi thẫn thờ đến trước cổng ngôi trường cuối cùng của tôi ở thành phố này. Ôi tất cả đổi thay. Trường xưa cũng ngập tràn thay đổi. Những dãy lầu vây quanh làm sân trường như hạn hẹp lại, cột cờ nhỏ bé theo! Mảnh vải đỏ căng trước gió làm tôi thấy rờn rợn.

Tôi biết, chỉ cần bước vài bước qua hành lang xi măng kia, là tôi sẽ nhìn thấy lại phòng học ngày xưa. Những trái tim trong giờ sinh vật cho dễ nhớ. Những con đường hẹn hò trong giờ địa để khỏi quên. Những giờ văn nghệ bỏ túi mà tôi biết thế nào P. cũng hát bài "Nghèo" để tặng một người. Ôi chiếc ghế đá dưới gốc cây phượng đỏ, nơi tôi và đám bạn xúm nhau coi tờ ĐẶC SAN THỦ ĐỨC vừa nhận được chiều qua... Vẫn còn đây, những cây khuynh diệp già, mùa thu hay đánh rơi những sợi tóc héo hon bên cửa sổ, cho tôi vò nát trong tay để giữ lấy mùi hương.

"Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ, nhiều nét đổi thay, từng mái rêu mờ..."

Chỉ có hai ngày để trở về. Sáng hôm sau chúng tôi trở ra ĐN để kịp chuyến bay chiều vào SG. Tôi hỏi me tôi nếu bà muốn, năm tới tôi sẽ về đem bà ra thăm ngoài nớ một chuyến. Bà lắc đầu mà tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Vì, "đâu còn phút sum vầy, đâu còn thắm niềm say, lạnh lùng ngắm trời mây..."



Hoàng Anh

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!