Sunday, April 29, 2018

Lược Sử Khóa 7/ 68 Không Quân VNCH



Kính thưa quý Niên Trưởng, quý Quan Khách, anh chị em khóa 7/68 KQ và gia đình, 

Xin đa tạ Ban Tổ Chức RU 50 cho chúng tôi dịp may viết lại “Lược sử khóa 7/68 Không Quân VNCH”. Đây là một vinh hạnh, nhưng cũng là một việc không dễ, mong quý vị bổ túc cho những thiếu sót khó tránh khỏi.


Saigon, Việt Nam 1968,  sau hai trận tổng công kích của Việt Cộng, bất ngờ tấn công thủ đô Saigon và hàng chục tỉnh thành khắp miền Nam vào Tết Mậu Thân năm 1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khẩn cấp ban hành lệnh tổng động viên.

Đến giữa năm 1968, thông báo của Bộ Tư Lệnh Không Quân tuyển dụng sĩ quan phi hành và không phi hành được phổ biến trên các nhật báo, đài phát thanh, truyền hình Saigon.

Các ứng viên ngành phi hành đủ điều kiện,  nhận giấy báo, đến trình diện Trung Tâm Y Khoa Không Quân/Tân Sơn Nhất.  Sức khỏe phải toàn hảo, để trở thành phi công điều khiển các loại phi cơ trực thăng, khu trục, quan sát, vận tải của Không Lực VNCH.  Tỷ lệ trúng tuyển là một đến hai phần trăm.

Các ứng viên không phi hành phải trải qua kỳ thi tuyển văn hóa, có phần thi viết về kiến thức tổng quát và trình độ ngoại ngữ. Địa điểm thi là Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, cuộc khảo sát kéo dài hai ngày với trên 3000 người. Số thí sinh trúng tuyển khoảng 200 người. Sau đợt khám sức khỏe,  chưa tới 170 được chính thức tuyển dụng.

Tháng 8 năm 1968, các ứng viên phi hành và không phi hành  trúng tuyển được phép vào căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất / Đoàn Tiếp Liệu / Không Đoàn 33, để nhận quân trang, quân dụng, chuẩn bị cho ngày lên đường nhập ngũ.

Ngày 30 tháng 9 năm 1968, tất cả các tân khóa sinh trình diện tại cổng Phi Long và được quân xa GMC đưa đến Trại Nhập Ngũ số 3 / Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung / Trại Nguyễn Tri Phương. 


(L-R): Võ Đoàn Hồng, Đào Hiếu Thảo,
Trần Quang Tuyến, Mai Đức Tuấn (Harlem, Xoắn)
TTHL Quang Trung
(Đào Hiếu Thảo cung cấp ảnh)

NOTE: Double-click vào hình để xem lớn hơn!



Đức Nhể & Đinh Bá Hạnh
TTHL Quang Trung
(Đinh Bá Hạnh cung cấp ảnh)


L-R: Đức Râu, Hảo Phè, Nguyễn Văn Diệm & Đinh Bá Hạnh,
TTHL Quang Trung
(Đinh Bá Hạnh cung cấp ảnh)


L-R: Hảo Phè, Nguyễn Văn Diệm, Đức Nhể, Đinh Bá Hạnh
phía sau là Phan Tuấn Tú
TTHL Quang Trung
(Đinh Bá Hạnh cung cấp ảnh)




Đào Trọng Hiệp, Phạm Trần Dương, Lê Như Dân, Nguyễn Văn Phương
TTHL Quang Trung 1969
(Nguyễn Văn Phương cung cấp ảnh)

Hai hôm sau, 255 khóa sinh dự bị sĩ quan khóa 7/68 Không Quân (93 Phi Hành, 162 Không Phi Hành) được chuyển đến Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ (nổi tiếng là khắt khe, kỷ luật sắt) Liên Đoàn A, do Đại Úy Trần Văn Hiến, Trung Úy Phạm Văn Tiền chỉ huy, nhập vào Đại Đội 78 do Trung Úy Trần Thế Phong phụ trách.




Phan Minh Nhơn, Nguyễn Văn Phương
Cùng các bạn 7/68KQ
Bãi Vượt Sông TTHL Quang Trung
(Nguyễn Văn Phương cung cấp ảnh)





Một nhóm 7/68KQ
Tại TT Huấn Luyện Quang Trung
L-R: Phạm Kim Thành (Cậu 5), Nguyễn Công Hải (Thẹo), Trần Đình Phước (Biển Mặn), Trương Văn Thanh (Lùn), Lê Huy Cận (Lùn)


Ngày tổng khai giảng là 7 tháng 10, 1968, chương trình huấn luyện căn bản kéo dài 8 tuần gồm các môn võ khí, chiến thuật, cơ bản thao diễn, tác xạ…dưới cơn nắng nóng cháy da, thức giấc từ 4 giờ sáng, chà láng giao thông hào,  cơm nhà bàn, cá mối làm chuẩn, là những kỷ niệm để đời tại “trung tâm tàn phá sắc đẹp” này, biến những chàng thư sinh thành người lính chiến rắn rỏi.



7/68KQ's
Phan Minh Nhơn, Võ Đoàn Hồng, Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Diệm
Tại TT Huấn Luyện Quang Trung

Bạn Hồ Viết Yên
Bò Hỏa Lực tại TT Huấn Luyện Quang Trung
(Hồ Viết Yên cung cấp ảnh)



Cuối tháng 12, 1968, khóa 7/68 KQ được chuyển đến Trường Bộ Binh Thủ Đức, nhập Đại Đội 38, Tiểu Đoàn 3, do Đại Úy Nguyễn Văn Vinh và Trung Úy Ninh Xuân Đức chỉ huy. Vì thừa quân số (có thêm 30 khóa sinh HSQ KQ theo học giai đoạn 2), một Trung Đội được gởi qua Đại Đội 34 Bộ Binh, do Trung Úy Khiêm chỉ huy, nhập thànhTrung Đội 341. Sĩ quan cán bộ của Trung Đội 341 là Thiếu Úy Nguyễn Văn Lợi.



7/68KQ Trường Bộ Binh Thủ Đức
(Trương Tấn Thảo cung cấp ảnh)




7/68KQ Trường Bộ Binh Thủ Đức
(Trương Tấn Thảo cung cấp ảnh)


7/68KQ Trường Bộ Binh Thủ Đức
(Trương Tấn Thảo cung cấp ảnh)



7/68KQ Trường Bộ Binh Thủ Đức
(Trương Tấn Thảo cung cấp ảnh)


7/68KQ Trường Bộ Binh Thủ Đức 1969
ĐĐ 34 TĐ 341
(Lương Văn Minh cung cấp ảnh)


Chúng tôi được huấn luyện các môn học như chiến thuật (cấp Trung Đội & Đại Đội), địa hình, võ khí, cơ bản thao diễn, quân phong, quân kỷ, đoạn đường chiến binh, cận chiến, tác xạ, chiến tranh chính trị, lãnh đạo chỉ huy, mưu sinh thoát hiểm, di hành, vượt sông và ứng chiến… Đây là những kiến thức, vốn liếng căn bản của một sĩ quan Trung Đội Trưởng Bộ Binh.



7/68KQ ĐĐ 34 TĐ 341
Ứng Chiến Gia Định 1969
Bìa trái đứng là bạn Nguyễn Đình Chiểu
Bìa phải ngồi là bạn Lương Văn Minh
(Lương Văn Minh cung cấp ảnh)




7/68KQ Hành Quân Mãn Khóa
Cổng Số 9 Trường Bộ Binh Thủ Đức 1969
(Nguyễn Văn Phương chụp & cung cấp ảnh)


Đến ngày mãn khóa, 12 tháng 4, 1969, các khóa sinh 7/68 KQ được mang cấp Chuẩn Úy và được quân xa đón về Bộ Tư Lệnh Không Quân, nhận giấy nghỉ phép một tuần, sau đó trở lại trình diện Khối Huấn Luyện để đi thụ huấn ngành chuyên môn.


Bằng Tốt Nghiệp Sĩ Quan Căn Bản Bộ Binh
Của anh Trần Văn Ria
(Phạm Văn Phú cung cấp ảnh)


Chuẩn bị du học Hoa Kỳ, các sĩ quan phi hành học trường Anh Ngữ tại Saigon, sĩ quan không phi hành học Anh Ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang (54 khóa sinh, do Đại Úy Tôn Thất Lăng phụ trách).


Thư Mời SQKQ Qua Học Anh Văn tại Lackland AFB TX
(Nguyễn Đình Nguyên cung cấp thư)



Bằng Tốt Nghiệp Anh Ngữ
English Language School, Lackland AFB 1970
(Trần Đình Phước cung cấp ảnh)


Những sĩ quan phi hành đầu tiên hoàn tất khóa Anh Ngữ xuất ngoại du học vào tháng 8, 1969.  Sĩ quan không phi hành tốt nghiệp Trường Anh Ngữ Nha Trang, lên đường tháng 9, 1969. Một số bạn đến căn cứ Không Quân Lackland, San Antonio, Texas để tiếp tục các khóa Anh Ngữ. Số khác đi thẳng đến các quân trường thụ huấn chuyên môn.


Khóa 5 Sĩ Quan Bảo Trì Phi Cơ Ngày Mãn Khóa
TTHLKQ Nha Trang
(L-R: Hàng đứng: Huỳnh Công Minh, Nguyễn Tài Xuyên, Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Quang Tầm, 4 SQ Trường Kỹ Thuật, Lương Thế Cường, Lê Cảnh Hối, Nguyễn Văn Phương, Phạm Huy Hùng, Lê Như Dân.  Hàng ngồi: Trần Ngọc Nguyên, Nguyễn Bá Đức, Trương Hữu Trung, Phạm Kim Thành, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Văn Chính, Trần Khánh, Nguyễn Mạnh Trinh - Nguyễn Văn Phương cung cấp ảnh)


Sau khóa Anh Ngữ, sĩ quan phi hành khóa 7/68 KQ được huấn luyện trên các loại phi cơ trực thăng, khu trục và vận tải tại các căn cứ  Không Quân Hoa Kỳ.


Quyết Định Cấp Phát
Chứng Chỉ Trưởng Phi Cơ Trực Thăng UH-1
(Nguyễn Đình Nguyên cung cấp)


Sĩ quan không phi hành được thụ huấn tại các căn cứ Không Quân, Lục Quân Hoa Kỳ tùy ngành nghề chuyên môn.



Khóa 7 70-26A2
Ft Wolter TX
(Đoàn Quý Trọng cung cấp ảnh)




Học Anh Ngữ tại Lackland AFB, 1969
L-R: Chu Văn Hải, Đào Hiếu Thảo, Trình (Khóa 8), Tòng Zimbo, Lê Huy Cận và Nguyễn Đứ Hân (anh của Nguyễn Đức Hoan)
(Chu Văn Hải cung cấp ảnh)




Các Tân Sĩ Quan Trong Quân Phục
Đang Du Học Ở Những Trường Chuyên Môn
(Phước BM cung cấp ảnh)


Phiếu Huấn Luyện Cá Nhân
Để theo dõi sức học hành của khóa sinh du học
(Nguyễn Đình Nguyên cung cấp)



Khóa 7/68 KQ chúng ta có các phi công bay trực thăng H 34, UH 1, Chinook CH 47, khu trục A 1 H, phản lực A 37, F 5, vận tải cơ C 47, C 119, C 123, C 130, quan sát cơ L 19 và U 17.

Ngành không phi hành, anh em khóa chúng ta được đào tạo và phục vụ về Quản Đốc Nhân Lực, Bảo Toàn (Bảo Trì), Tiếp Liệu, Không Lưu Khí Tượng, Kiểm Báo, Quân Báo, Hành Chánh, Tài Chánh, Truyền Tin Điện Tử, Huấn Luyện, Chuyển Vận, Chiến Tranh Chính Trị, Quân Cảnh, Phòng Thủ, Kiến Tạo, Vũ Khí, Data Automation…



7/68KQ Chờ Đi Du Học
chụp ảnh kỷ niệm tại Đại Đội Hành Dinh Không Quân
(Trần-Công Anh-Dũng cung cấp ảnh)


Trước tháng 4, 1975, nhiều bạn cùng khóa được gởi đi học các ngành kỹ sư công chánh, công nghệ… tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ để đào tạo nhân tài cho kế hoạch Hậu Chiến.

Khóa 7/68 KQ có mặt tại Bộ Tư Lệnh Không Quân, Tư Lệnh Bộ (Văn Phòng ba vị Tướng Lãnh số 1, 2 và 3 của KQVN), các Sư Đoàn 1, 2, 3, 4, 5, 6 Không Quân, Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận, Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, Liên Đoàn Kiểm Báo.


Không Vụ Bạ Cá Nhân
(Nguyễn Đình Nguyên cung cấp)


Ngày 7 tháng 10 năm 1970, khóa 7/68 KQ thăng cấp Thiếu Úy Hiện Dịch Thực Thụ. Ngày 7 tháng 10, 1972, thăng cấp Trung Úy Hiện Dịch Thực Thụ.  Có một số anh em được thăng cấp Đại Úy Hiện Dịch Nhiệm Chức từ giữa năm 1974.



768KQ Nghị Định Tr/Úy
Nghị Định Thăng Cấp Trung Úy
(Tổng cộng 5 trang)
(Cung cấp bởi Đào Trọng Hiệp)


Thưa quý Niên Trưởng, quý anh chị khóa 7/68 KQ, kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, qua 18 ngàn 250 ngày mà anh em chúng ta còn đến được với nhau, còn ở đây sum họp chung vui, thật là một may mắn quý báu trong những ngày còn lại của một kiếp người ngắn ngủi, phù du.

Nửa thế kỷ đã qua, nhưng những nick name độc đáo, bất hủ vẫn luôn ghi nhớ trong tim óc chúng ta, xin list ra sau đây (thứ tự theo tên): 



Ba Can Đảm, Biên Lùn, Cận Lùn, Cảnh Hù, Cảnh Kều, Châu Công Công, Chính Sẹo, Công Gồng, Công Ngủ, Đỗ Hột Le, Đổng Da Trâu, Đức Cớp (Đức Cống), Đức Nhể, Đức Râu, Đức Y Tá, Dũng Điếm, Dũng Mexico, Giang Thi Sĩ, Hải Mèo, Hải Phè, Hải Thẹo, Hạnh Hynos, Hảo Phè, Hiển Trố, Hiếu Giả Địch, Hiếu Phè, Hòa Lậu, Hoa Number One, Hoàng Già, Hồng Lìn, Huấn Ma Gà, Hùng Đít Diêu, Hùng Nhà Thờ, Hùng Râu, Hưng Tabu, Hùng Tàu, Hưng Tôn Giáo, Hùng Trâu Nước, Khải Sữa, Khanh IBM, Kim Méo, Lập Huế (Lập Trọ Trẹ, Lập Rỗ, Lập Trắng, Liêm Già, Long Giác Đấu (Long Phó Nhòm), Luận Lucky, Mai Đầu Bạc, Minh Cà Hùm, Minh Nhủi, Nghĩa Dừa, Nguyên Bi Vuông, Nguyên Cò, Nhan Bố Già, Ông Già Củ Nừng (Xuyên Thầy Bói), Phiên Mù, Phước Biển Mặn, Phương Baby, Quế Xích Lô, Quí Đầu Bò, Quỳnh Móm, Sơn Con, Sơn Trâu Nước, Sơn Tù Trưởng, Tâm Hột Le, Tâm Nhà Bếp, Tân Côn Đồ, Tấn Lìn, Thân Đèn Cầy, Thân Khỉ (Thân Đại Khí, Thân Thấy Chưa), Thành Cáo, Thành Cậu Năm Sadec, Thanh Cún, Thanh Lùn, Thành Lưỡi Lê, Thành Truyền Tin, Thảo Đại Diện (Thảo Hột Mít, Thảo Babylac), Thảo Mặt Ngựa, Thốn Lùi, Tịnh Khùng (Tịnh Trung Tướng), Tín Chửa, Tín Khùng, Toản Nhà Bàn, Tòng Zimbo, Trí Đen, Trí Sữa (Trí Thư Ký Đại Đội), Triết Hội Đồng, Trực Ngựa, Trung Chứng Chỉ, Trung Kỷ Luật (Trung Mù), Trung Quân Cảnh, Tuân Thầy Bói, Tuấn Heo (Tuấn Harlem, Tuấn Xoắn), Tuyến Trâu, Tú Lùn, Tý Chuột, Xuân Mũi Đỏ, ... (Xin các bạn vui lòng bổ túc!)

Xin kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ các bạn đồng khóa đã anh dũng hy sinh đền nợ nước, cùng các bạn đã vĩnh viễn từ bỏ cõi đời này.

Trân trọng kính chào và cầu chúc quý anh chị và gia quyến luôn an vui, may mắn, hạnh phúc, mạnh khỏe và thành đạt.

Đào Hiếu Thảo
Số quân 67/601 585
Chỉ số: 7254 & 7016
KBC 3011






10 comments:

  1. Nick name "Long Giác Đấu" đâu không thấy ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có ngay rồi đó bạn hiền! Cám ơn bác nhắc!

      Delete
    2. Cám ơn Bác Nhan ! Không có tên nick yêu quí là hờn giận đấy ! Ngày đó các Bác gọi Long Giắc Đấu sao mà tức thế. Nhưng bây giờ lại ngược lại, mỗi lần ai gọi là Long Giác Đấu tự nhiên thấy "những ngày xưa thân ái" nó lại hiển hiện trong lòng và thấy bồi hổi làm sao đâu.

      Delete
  2. Năm mươi năm mà vẫn nhớ và sum họp với nhau, hãnh diện và cám ơn đã được cùng khóa với các bạn.
    Thân đại khí,

    ReplyDelete
  3. Không Quân VNCH có nhiều khoá, Tôi dám chắc khoá 7/68 KQ là khoá có nhiều tình cảm gắn bó keo sơn nhất.
    Hội ngộ 50 năm sắp đến sẽ nói lên tình cảm này!
    Tôi hãnh diện là có biệt danh "Phước Biển Mặn".
    Tôi hát bài hát này nghe cũng được. Hát đề không bị ứng chiến và được đi phép đặc biệt.
    Tôi cũng dễ chảy nước mắt,
    tdp - BM

    ReplyDelete
  4. Ông già "Củ Nừng" Nguyễn tài Xuyên.(thầy bói)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn nickname của bác Nho là gì?

      Delete
    2. Quý bạn biết tại sao tôi có nickname là Tề Thiên không? Lúc trung đội đang lao xao đặt nickname cho nhau, vì vốn thích phim Tề Thiên Đại Thánh từ thuở bé nên tôi phải làm đủ trò để có biệt danh này, chẳng hạn như ăn nhai độn phùng hai má cho giống khỉ, nhảy loi choi, nhào lộn v..v.. Cuối cùng, nhờ tôi có danh số E 72 trước ngực nên đã được các bạn chấp nhận đặt cho nickname là Phú Tề Thiên vì có 72 phép thần thông.
      Phạm văn Phú

      Delete
  5. Quý bạn biết tại sao tôi có nickname là Tề Thiên không? Lúc trung đội đang lao xao đặt nickname cho nhau, vì vốn thích phim Tề Thiên Đại Thánh từ thuở bé nên tôi phải làm đủ trò để có biệt danh này, chẳng hạn như ăn nhai độn phùng hai má cho giống khỉ, nhảy loi choi, nhào lộn v..v.. Cuối cùng, nhờ tôi có danh số E 72 trước ngực nên đã được các bạn chấp nhận đặt cho nickname là Phú Tề Thiên vì có 72 phép thần thông.
    Phạm văn Phú

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!