Monday, August 11, 2014

Thảy Lỗ

Chuyện Tản Mạn

Hồ Viết Yên


Thảy Lỗ là danh từ quen thuộc của các phi công trực thăng và thường được nhắc tới trong các phi đoàn trực thăng H-34 và UH-1. Tôi được nghe kể lại Phi Đoàn 219 (PĐ219) đã xử dụng phương pháp thảy lỗ này thường xuyên nhất trong các phi vụ nguy hiểm, khó khăn khi phải thả hay bốc những toán biệt kích. Nhưng từ lúc nào các phi công CH-47 Chinook khổng lồ bắt đầu học chơi trò thảy lỗ? Và từ bao giờ các Phi Công Chinook áp dụng phương pháp thảy lỗ này?

Chúng tôi 11 Hoa Tiêu đầu tiên được đưa qua học Chinook sau khi mãn khoá trực thăng UH-1 từ trường bay Fort Hunter, Atlanta, Georgia. Khi đến trường bay Fort Rucker, Alabama, thì chúng tôi gặp những hoa tiêu đàn anh với nhiều giờ bay cùng kinh nghiệm chiến trường đến từ Việt Nam và thêm vào khóa học Chinook đầu tiên này là các Sĩ Quan Liên Lạc tại các trường bay đã hết nhiệm kỳ với cấp bậc Đại uý và Thiếu Tá.

Tôi và Đại Úy Nguyễn Văn Hoa học bay Chinook chung một thầy (Flight Instructor). Anh Hoa là hoa tiêu có nhiều giờ bay, kinh nghiệm chiến trường và anh vừa xong nhiệm kỳ làm Sĩ Quan Liên Lạc tại trường bay Fort Hunter. Trong những lúc rảnh rỗi anh thường hay kể chuyện những phi vụ của anh và bạn bè trong các phi đoàn trực thăng H-34 và UH-1. Anh có biệt tài kể chuyện, thường chuyện anh kể rất lôi cuốn và tôi rất thích nghe. Nhất là chuyện bay bổng ở Việt Nam.

Tháng 9 năm 1970 mãn khóa chúng tôi về nước. Phi Đoàn Chinook đầu tiên 237 được thành lập. Anh Hoa là trưởng Phòng Hành Quân (PHQ). Trong lúc đợi người bạn đồng minh Hoa Kỳ bàn giao máy bay Chinook, thì Bộ Tư lệnh Không Quân tạm thời đưa chúng tôi lên đồn trú tại phi trường Phú Lợi, tỉnh Bình Dương và bắt đầu bay chung với các phi công Mỹ.


Phi trường Phú Lợi

Sinh hoạt ở đây, dù đợi phi vụ hay nghỉ ngơi sau những phi vụ trong ngày thì chúng tôi đều quanh quẩn trong PHQ và anh Hoa cũng thường có mặt ở đó. Thỉnh thoảng có thì giờ thì anh dùng xe Jeep của Phi Đoàn để chỉ cho anh em muốn học lái. Thì giờ còn lại thì chúng tôi hay quây quần bàn chuyện tiếu lâm, tán dóc cho qua giờ. Anh Hoa hầu như lúc nào cũng tham dự vào và kể nhiều chuyện tiếu lâm rất vui làm chúng tôi cười quên cả ngày giờ. Thỉnh thoảng anh cũng kể những chuyện bay bổng về các phi vụ của thời xa xưa trên trực thăng H-34 hay UH-1.

Qua những câu chuyện đó, có chuyện H-34 và UH-1 thảy lỗ. Những động tác thường đi đôi với câu chuyện tạo thêm phần hấp dẫn và thu hút, có vài lần anh kể đi sâu vào nhiều chi tiết của cách thảy lỗ. Câu chuyện đó cũng như nhiều câu chuyện khác gần như ít ai còn nhớ. Riêng tôi có lẽ vì được nghe câu chuyện này nhiều lần và những chi tiết mà anh diễn tả đã in trong trí nhớ của tôi từ lúc nào!

Chúng tôi là những phi công trẻ vừa rời trường bay từ Mỹ về nước thì được điều động ngay vào những phi vụ đổ bộ, tiếp tế, chuyển quân cho vùng 3 chiến thuật. Thời điểm này các phi vụ hầu hết là vùng Tây Ninh, đến căn cứ Thiện Ngôn và sau đó vượt qua bên kia biên giới Việt Miên, bay đến Kampong Chàm, có nhiều phi vụ tôi đã bay đến Phi Trường Nam Vang, thủ đô của Campuchia và những vùng Tây Bắc xa xôi khác trong lòng đất Miên.

Những phi vụ bay đổ bộ lính thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) bất thình lình xuống để tiêu diệt những căn cứ hậu cần và tiếp liệu của Việt Cộng (VC) và Cộng Sản Bắc Việt đã đặt theo biên giới và sâu trong đất Miên.

Bay đi thì đổ bộ lính chiến, tiếp tế, đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm. Bay về thì chở chiến lợi phẩm như súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng và nhất là lương thực mà VC dự trữ để tiếp tế cho bọn bộ đội của chúng đang ẩn trốn trong lãnh thổ của miền Nam Việt Nam. Những chiến lợi phẩm và tù binh VC bị bắt sống đã được chúng tôi đưa về từ chiến trường Campuchia hằng ngày.

Chúng tôi cảm thấy hãnh diện và hăng say thi hành các phi vụ trên đất Miên và chứng kiến những chiến thắng từ khắp các mặt trận gởi về. Bay không biết mệt chỉ thấy hãnh diện vì mình đang đóng góp vào cuộc chiến để bào vệ sự tự do cho miền Nam Việt Nam.

Nhưng thật không may cho QLVNCH và buồn cho vận nước đó là sự ra đi của Đại Tướng Đỗ Cao Trí, vị chỉ huy trưởng mặt trận, bị tử nạn máy bay khi cất cánh lên từ phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh. Cái chết thật bí mật mà trong phi hành đoàn đó có một người bạn cùng khoá trực thăng UH-1 với tôi và từ đó cuộc hành quân lùng soát và tiêu diệt Việt Cộng bên phần đất Campuchia cũng chấm dứt.


Tướng Trí và một cuộc họp dã chiến
với đơn vị trưởng của L/L đồng minh Hoa Kỳ, tại mặt trận

Không bao lâu, VC đã lợi dụng đất Miên để chuyển nhiều vũ khí, đạn dược, xe tăng, cũng như nhiều súng phòng không sang bố trí suốt vùng đất từ biên giới Việt Miên đến Tây Ninh. Phi trường Thiện Ngôn ngắn, nhỏ nằm trên đoạn đường này và do bộ tư lệnh của Lữ Đoàn Nhảy Dù đóng giữ. Khi tiếp tế cho căn cứ Alpha (A) phía Tây Bắc của Thiện Ngôn thì Thiếu Úy Trịnh Tiến Khang đã bị trúng viên đạn phòng không. Khang là hoa tiêu đầu tiên của PĐ237 hy sinh cho Tổ Quốc. Từ đó mỗi khi phải tiếp tế cho căn cứ A sát biên giới hoặc biên giới Việt Miên chúng tôi bắt đầu xử dụng phương cách đáp theo kiểu thảy lỗ học hàm thụ qua những lần được nghe kể.


Sân bay Thiện Ngôn

Nhưng trực thăng H-34 và UH-1 nhỏ, gọn thì thảy lỗ là chuyện nhỏ! Chinook móc 1 kiện hàng 4 tấn phía ngoài, nằm dưới bụng máy bay. Bình thường đáp mà không khéo đập tàu dễ dàng hay nhẹ cũng lủng bụng, huống chi nghĩ đến chơi trò thảy lỗ. Dầu vậy, thì chúng tôi cũng vẫn nghiên cứu và tập cách đáp này.

Sau một thời gian thực tập khá lâu trước khi áp dụng lối đáp không sách vở này thì chúng tôi thấy có thể thực hiện được. Đều cần thiết là người Co-Pilot phải giữ BEEP cho thật nhuyễn vì beep không kịp mà để mất vòng quay thì sẽ rớt, đập tàu và về chầu ông bà, còn beep lẹ quá có thể bị over torque, tàu sẽ bị hư động cơ, Trưởng Phi Cơ sẽ bị khiển trách nặng nề, chưa kể đến thời gian và sự tốn kém để thay thế 2 động cơ mới. Trong Phi Đội của tôi có Trung Úy Tạ Văn Sáu (mà chúng tôi hay gọi là chị Sáu) giữ beep cho kiểu đáp này là tuyệt vời. Dầu vậy, muốn đáp kiểu này cho an toàn thì người Trưởng Phi Cơ và người Co-pilot còn phải ăn khớp với nhau trong nhiều động tác.

Thực tập thành công lối đáp mới. Mỗi khi chúng tôi cất cánh từ Tây Ninh để tiếp tế cho căn cứ A hay các tiền đồn trên vùng biên giới Việt Miên hay những vùng có phòng không của Việt Cộng thì chúng tôi thường bay ở cao độ 8.000 tới 10.000 bộ cho những ngày quang đãng, không mây. Ngày có mây thì chúng tôi bay trên mây cho tới khi căn cứ bạn nằm ngay phía dưới bụng phi cơ lúc đó chúng tôi mới bắt đầu xuống theo kiểu trôn ốc, xoáy theo vòng tròn 360 độ, giảm sức nâng tối đa, vòng càng nhỏ thì mức độ an toàn càng cao, còn vòng rộng quá, không nằm trong vòng kiểm soát của quân bạn thì dễ lãnh đạn.

Chinook to và nặng, kiện hàng mang dưới bụng cũng nặng cho nên tốc độ rơi xuống rất nhanh. Kìm hãm chiếc Chinook lại trên bãi đáp nhỏ đã được chỉ định là 1 nghệ thuật. Lẹ làng đặt kiện hàng vào đúng chỗ quân bạn muốn và cất cánh trước khi Việt Cộng pháo kích thì mới mong sống sót.

Có những lúc vào bãi đáp nhìn hoài mà không thấy bóng 1 người lính nào hết, gọi máy hỏi thăm quân bạn trên tần số thì mới biết họ đang nằm dưới những hố cá nhân để phòng ngừa bị pháo kích. Thường chúng tôi hay xin quân bạn cho trái khói để biết hướng gió và chỗ thả hàng nhưng những vùng này hầu như quân bạn luôn luôn từ chối. Có bay nhiều, thấy nhiều, mới thông cảm được cảnh khổ cực, nguy hiểm, của những người lính chiến ngoài mặt trận và từ đó mình mới thương và cảm thông cho sự hy sinh của những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà.

Khi cất cánh trở ra thì chúng tôi kéo phi cơ lên thật nhanh quay tròn theo trôn ốc trên phạm vi đồn trú của quân bạn cho tới khi lấy đủ cao độ an toàn thì lấy hướng bay về. Thường sau những chuyến đáp như vầy lỗ tai chúng tôi đều bị lùng bùng. Nhưng đó là chuyện nhỏ, hoàn tất phi vụ và còn sống mới là chuyện chính.

Với thời gian, quen dần lối đáp mới, chúng tôi trở thành những chàng phi công Chinook thảy lỗ nghề nghiệp. Từ đó trở đi trên khắp 4 vùng chiến thuật, từ mũi Cà Mau cho tới Bến Hải, đặc biệt những ngày đi biệt phái cho biệt đội Pleiku, biệt đội Cần Thơ, hay biệt đội Đà Nẵng, chúng tôi áp dụng phương cách thảy lỗ này để hoàn tất các phi vụ dầu bãi đáp có nguy hiểm hay đang bị VC vây quanh.

Gởi đến các bạn bài này để nhớ lại vị Tướng anh hùng và 2 người bạn đồng đội đã hy sinh cho Tổ Quốc và cũng đặc biệt tặng đến anh Hoa, người anh dễ mến, vui tính, hiền hoà, thương anh em và lúc nào cũng vui cười.

Chúc các bạn và gia đình, vui, trẻ trung, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Hồ viết Yên
K7/68KQ – PĐ237 / PĐ241 Chinook

1 comment:

  1. Tôi thích lối viết văn của Yên, thành khẩn, nhẹ nhàng và duyên dáng như Yên trong đời thường. Đặc biệt, chúng ta không tìm thấy 1 dấu vết nào của sự khoe tài, khoe mẽ như trong khá nhiều các bài viết của amh em bay bổng. Nói giản dị là " nổ". Hình như tôi có nghe thấy ở đâu đây câu nói: " Đã là KQ thì phải nổ, vì nếu không nổ thì chẳng phải là KQ".
    Những bài viết của HVY rất có giá trị, vì đã đưa chúng ta gần gũi với anh em lấy nghề bay làm nghiệp d ĩ, với nnhững hi sinh, khổ nhọc, kể cả đau xót và hân hoan, được dàn trải trước mắt chứng ta bởi 1 ngòi viết khiêm tốn nhưng cũng đầy tự hào cho 1 lý tưởng thiết tha hy sinh cho đất nước. Chúng ta có còn gì để đòi hỏi hơn từ những con người như thế? Họ quả đã cống hiến tất cả những sinh lực của tuổi trẻ vào chiến tranh mà không đòi hỏi 1 điều gì, dù chỉ là 1 lời cảm ơn xuông! Quanh ta, họ vẫn thấp thoáng đây đó( những Thân, những Triết, những Yên, những Công, những Lương. ..), họ vẫn cho chúng ta nghe những chuyện kể, vui có, buồn có, nhưng nỗi ngậm ngùi luôn vướng vất. Phải chăng, đời sống, riêng với anh em phi công, nào có thể thiếu những chất xúc tác kể trên?

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!