Saturday, January 24, 2015

Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè

Truyền Thống Quân Chủng KQ/VNCH

Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè


Chuyện tản mạn của Trần Đình Phước

Bất cứ ai, trong hoàn cảnh cá chậu, chim lồng mà không có thân nhân thăm nuôi tiếp tế sẽ cảm thấy hẩm hiu, tủi thân và bất hạnh. Cuộc sống bị giam cầm rất thiếu thốn, khó khăn mọi bề, chưa kể là mang đủ thứ bệnh tật, cũng như bị hành hạ từ thể xác đến tinh thần. Được thăm nuôi là một liều thuốc thần diệu để người đang bị tù đày được niềm an ủi, tăng thêm sức mạnh, hầu chịu đựng mọi đau đớn, nhục nhằn.

Tôi xin viết vài hàng, để nhớ lại một lần thăm nuôi tù cải tạo từ Sàigòn đi Long Khánh vào đầu năm 1983. Chuyến đi này do tôi tự nguyện, vì tôi đã thấm thía thân phận kẻ mồ côi không được ai thăm nuôi. Lúc đó hoàn cảnh gia đình tôi quá tang thương và bi đát! Ở bên ngoài không đủ ăn thì làm sao có thể cứu giúp được tôi.

Tôi đi thăm một Niên Trưởng Không Quân. Mặc dù, tôi không phải thuộc cấp của anh. Nhưng bạn bè tôi và tôi đều ngưỡng mộ: “Anh là một cấp chỉ huy nhân hậu, gương mẫu, đạo đức, thanh liêm, tử tế, thương nhân viên dưới quyền và được nhiều người kính trọng.”

Khi đó, vợ con anh đang ở vùng kinh tế mới, với bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, nên không thể nào có điều kiện để có thể đi thăm nuôi anh.

Chuyến xe khởi hành ở số 54 đường Hoà Hưng-Quận 10, vào lúc 5 giờ sáng. Chủ xe và cũng là tài xế tên Hạnh rất vui vẻ và thông cảm với bà con đi thăm nuôi. Vé xe cho mỗi người là $50.00 (bằng một tháng lương của giáo viên hay công nhân viên lúc đó), nhưng không hiểu sao ông ta chỉ tính tôi nửa giá. Có lẽ nhìn mặt tôi ông thấy tội nghiệp, nên thông cảm tính giá hữu nghị?

Xe chở chật cứng như nêm, hành khách phải ngồi chen chúc lên nhau. Hàng dành cho lối đi, ông cũng cố nhét thêm ba hành khách. Mỗi người đi thăm nuôi thân nhân. Ai cũng cố gắng mang theo các quà cáp càng nhiều, càng tốt. Nếu có người thân ở nước ngoài viện trợ thì quà cáp sẽ rủng rỉnh và chất lượng hơn. Riêng phần tôi, quà chỉ vỏn vẹn chứa trong một cái giỏ đệm, được đan bằng lát gồm: 2 ký đường tán loại Oval, 2 ký muối, 3 hũ chao, ít bánh kẹo, ít chà bông, 1 hũ dưa muối, 1 lon Guigoz đậu phụng, 1 ký mè đen, 1 ký tôm khô, 2 cây thuốc lá hiệu Hoa Mai, 2 bánh thuốc lào Cái Sắn,1 bịch thuốc rê Gò Vấp, nửa ký cà phê loại thường,1cây kem đánh răng,1 bàn chải, ít thuốc bổ, 20 viên Aspirine và 3 viên Fansida (thuốc trị sốt rét rất công hiệu gấp mấy lần Quinine.) Lúc này hoàn cảnh tôi cũng không khá gì! Tôi phải nhờ đến anh em trong gia đình. Kêu gọi một số bạn bè và người quen có lòng tốt, mỗi người góp một chút ít trong chuyến đi của tôi.

Khoảng đường từ Sàigòn đi Long Khánh chưa đầy một trăm cây số. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian di chuyển vì phải qua nhiều trạm kiểm soát của quản lý thị trường và công an kinh tế. Xe chạy cứ một chập là phải ngừng lại, để cho họ leo lên lục soát. Họ cố tình đặt nhiều trạm kiểm soát dọc đường và lưu động để tìm bắt hàng lậu, hàng nhà nước cấm. Thật ra, mục đích chính là bắt bà con đi buôn chuyến phải nộp tiền mãi lộ, hay tìm cách tịch thu hàng hoá mà không cần cho biết lý do. Còn phần các tài xế đều phải “chung” một số tiền gọi là “đóng hụi chết hàng tháng”, tùy theo họ ấn định ở mỗi trạm.

Mỗi lần xe sắp đến trạm kiểm soát. Tài xế cho xe chạy rà rà, chầm chậm, rồi ngừng lại cách xa trạm khoảng năm mươi mét. Anh lơ xe vội vàng, lật đật nhảy xuống, chạy thật nhanh đến trạm, trên tay cầm một cuộn giấy báo vo tròn bằng ngón tay trỏ, cột dây thun sẵn, trong chứa một số tiền gọi là “bồi dưỡng”, và dúi thật nhanh vào tay em nhỏ bán thuốc lá lẻ đang đứng kế bên trạm. Khi em này ra dấu hiệu riêng bằng cách đưa tay lên đầu, nhân viên kiểm soát quay lại nhìn thấy tín hiệu “đặc biệt”là coi như xe đã làm xong nghĩa vụ. Lúc đó, họ lẹ làng vẫy tay cho xe đi, để còn tiếp tục kiếm chác với các xe hàng khác đang chờ đến phiên mình thi hành bổn phận.

Mỗi tháng các nhân viên ở trạm phải nộp một phần “Quà Cáp“cho cấp trên. Nếu không nộp đầy đủ thì sẽ bị thuyên chuyển đi nơi khác hay bị đưa về làm văn phòng chỉ ngồi chơi, xơi nước là coi như “trớt quớt.” Ai muốn đứng vững được chỗ này phải “cống nạp” một số tiền rất lớn cho thượng cấp. Sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn thì đã gỡ cả vốn lẫn lời lại dễ dàng.

Tài xế xe nào không biết lễ độ thì họ sẽ tìm cách gây khó khăn, khám xét đủ thứ, bắt xuống hết hàng, có khi đến chiều mới được rời khỏi trạm. Đôi khi xe bị tạm giam, tài xế bị tịch thu bằng lái. Khi đó hành khách bị đuổi xuống hết, tự tìm xe khác tiếp tục đi. Đây là một hình thức tàn nhẫn, sách nhiễu, ngăn sông, cấm chợ gây rất nhiều phiền phức, và khổ sở cho người dân lương thiện.

Khi xe sắp đến thị xã Xuân Lộc, mọi người đều vui mừng, thầm cầu mong không còn gặp bất cứ trở ngại nào nữa, đế cho kịp giờ thăm nuôi. Nếu chậm trễ sẽ bị dời sang ngày hôm sau mới được thăm thì rất nhiêu khê. Phải nằm đường, ngủ bụi. Có một vài trường hợp, khi vừa đến trại, trình đơn thăm nuôi xong, thì được biết thân nhân đang bị thi hành kỷ luật. Thế là không được cho phép gặp người nhà! Lúc đó, phải để quà cáp lại ngoài cổng, nhờ giám thị mang vô giùm (đôi khi không đến tay người thân hoặc bị thất thoát nhiều thứ) và uễ oải ra về trong hờn căm, uất hận.

Ngồi bên cạnh tôi là một bà cụ khoảng ngoài sáu mươi tuổi, với dáng điệu mệt mỏi. Bà đang sắp xếp, kiểm tra và đếm lại các giỏ nylon chất đầy ắp quà và thuốc men trong đó.

Thấy bà cụ mang theo nhiều quà quá! Tôi hỏi bà:" Có ai đi theo phụ giúp bác không? Làm sao bác có thể mang hết các thứ ấy đến trại với sức của người lớn tuổi như bác?” Tôi nói tiếp: “Chắc là bác trai sẽ vui mừng khi nhận được hết các món quà này?” Bà chậm rãi trả lời: “Làm gì có bác trai mà vui với mừng. Tôi đi thăm thằng con giai tôi. Giời ơi! Nó cứng đầu, cứng cổ quá và tính tình lại hay nóng nữa. Nên giờ này vẫn chưa đươc người ta cho về. Trong khi bạn bè cùng lứa, cùng cấp bậc với nó đã được thả gần hết, đã có người vượt biên đến đảo, gửi điện tín về báo tin mừng cho gia đình đã đến được bến bờ tự do. Bác nghĩ mà tội nghiệp và thương cho nó, không biết đến bao giờ họ mới cho nó về sum họp với gia đình?”

Tôi lại hỏi tiếp: ”Thế anh ấy cấp bậc và chức vụ gì mà bị giữ lâu quá hở bác?” Bà trả lời: “Nó chỉ là Sĩ Quan Không Quân, cấp bậc và chức vụ tầm thường thôi! Đâu phải ông Tá hay ông Tướng gì cho cam. Nhưng tính nó hay cãi bướng và không biết nhẫn nhịn, nên nó tự làm khổ tấm thân. Mặc dù, gia đình bác đã nhiều lần khuyên nhủ Hãy im lặng là vàng.”

Tôi tiếp tục hỏi: ”Bác có thể cho cháu biết anh ấy tên gì và làm việc ở đâu không?” Bà cho tôi biết con trai bà tên T..., làm Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị ở Bộ Tư Lệnh Không Quân. Khi bà vừa nói xong, thì tôi liên tưởng ngay đến T... Tôi liền diễn tả con trai bà, vóc dáng cao ráo, giọng nói rõ ràng, nửa Nam, nửa Bắc và khuôn mặt có nét hao hao giống bà. Tôi cho bà biết, con trai bà cùng khoá với tôi. Hồi ở quân trường. Anh và tôi ở chung Trung Đội. Anh nóng tính, lúc nào cũng như sắp gây gổ đến nơi. Anh em trong khoá chọc quê hay đùa giỡn môt tí là anh sẵn sàng cung tay, múa chân quyết ăn thua đủ. Nhưng may mắn trong suốt khoá học không xảy ra chuyện gì đáng tiếc! Quả đúng như bà nói!

Bà hỏi tôi:

- "Sao cháu được về sớm và bây giờ đi thăm nuôi ai vậy?”

Tôi trả lời với bà:

- "Do may mắn” và biết “Nín Thở Qua Sông” nên được về sớm. Nay thấy một đàn anh gặp khốn đốn, hoạn nạn, đang sống trong tuyệt vọng mà gia đình thì ở xa và hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, nên cố gắng tìm cách đi thăm một lần, để cho anh ấy giữ vững tinh thần, lạc quan chịu đựng, vì không biết đến bao giờ được về đoàn tụ với vợ con.

Chẳng những thế, đôi khi lại:

Đến đây thì ở lại đây,
Chờ khi xanh cỏ, xanh cây mới về

Bà rất ngạc nhiên vì bà đi thăm nuôi trên tuyến đường này bao nhiêu lần. Đây là đầu tiên bà mới gặp trường hợp thăm nuôi như vậy. Sau đó bà tháo kim băng nơi túi áo bà ba nâu, lấy ra hai tờ giấy mười đồng đưa cho tôi và nhờ tôi cầm biếu cho anh ấy, gọi là chút quà. Nhưng tôi lịch sự từ chối khéo và cám ơn lòng tốt của bà đã nghĩ đến Niên Trưởng của tôi cùng chung cảnh ngộ, giống như con trai bà.

Đang trao đổi câu chuyện với bà nửa chừng thì phải ngưng lại, vì tài xế Hạnh cho biết xe đã đến ngã ba Ông Đồn. Tất cả những ai đi thăm nuôi thân nhân ở hòm thư Z30A và B Xuân Lộc - Đồng Nai phải xuống xe, đem theo tất cả quà cáp, chuyển sang xe khác vào trại. Riêng, những ai đi thăm nuôi thân nhân ở hòm thư Z30C và D Hàm Tân – Phan Thiết, thì cứ ngồi yên trên xe, để ông ta chở đi tiếp.

Khi đó, tôi mới biết bà đi Hàm Tân thăm anh T... Tôi xuống xe, chào từ giã bà, không quên chúc sức khoẻ và nhờ bà chuyển lời thăm đến con trai bà.“Cầu chúc anh sớm được về với gia đình, để bà không phải lặn lội thân già đi thăm con.” Bà cám ơn tôi và cũng chúc gia đình tôi bình an, cũng như chúc cho Niên Trưởng tôi được sớm về sum họp cùng gia đình.

Nghe đâu khoảng đầu năm 1984, vào dịp Tết Giáp Tý, anh T… được trả tự do từ trại Z30C Hàm Tân - Thuận Hải, mà không phải “Nín thở qua sông hay Im lặng là vàng.” Niên Trưởng của tôi cũng được cho về từ trại Z30A Xuân Lộc - Đồng Nai, hình như cũng trong khoảng thời gian này. Hiện anh và gia đình đang định cư ở San José. Thỉnh thoảng anh em gặp nhau, ngồi tâm sự bên ly cà phê đắng của quán Vĩa Hè, H.O hay Paloma để tìm về một thoáng hương xưa, hầu quên đi quảng đời tị nạn, tha phương nơi xứ người, mà nơi đây: cái tình, cái nghĩa, sự tương kính và cách đối xử giữa con người với nhau đôi khi rất bạc bẽo, tàn nhẫn, trắng tựa như vôi!

Có một lần anh hỏi tôi: “Em chưa một ngày giờ nào làm việc với anh, mà sao lại đi thăm nuôi anh. Trong khi hoàn cảnh em, cũng như gia đình em đâu dư dả gì?” Câu hỏi này làm tôi nhớ lại lúc được vào thăm anh ở Z30A - Đội 5B máy cưa, tôi phải trải qua các thủ tục đầu tiên - tiền đâu từ lúc bắt đầu làm đơn xin đi thăm nuôi ở địa phương, chờ đợi chính quyền phường cứu xét chấp thuận cho phép đi thăm. Lo chuẩn bị thực phẩm cần thiết. Sau đó tìm hỏi chỗ mua vé xe, thu xếp mọi chuyện gia đình và khi đến được trại phải trải qua rất nhiều cam go, bị hạch sách, bị hoạnh hoẹ, bị điều tra, bị vặn vẹo, hỏi tới, hỏi lui và chất vấn đủ điều, đủ cách, vì tôi không phải là thân nhân ruột thịt của anh, mà tại sao lại đến đây. Trong khi đó, nghề nghiệp của tôi lại là cựu tù cải tạo với giấy tạm tha cho về và có thể bị đưa trở lại trại tiếp tục “cải tạo mút mùa Lệ Thủy” bất cứ lúc nào! Ngoài ra, họ có thể gây bao nhiêu khó khăn, rắc rối và tôi sẽ gặp nhiều bất trắc, nguy hiểm không lường được vì dám cả gan đi vào hang hùm.

Tôi đã trả lời với Giám Thị phụ trách cho thăm nuôi là:” Nhà nước luôn luôn khuyến khích thân nhân đi thăm nuôi cải tạo viên để họ an tâm học tập, tin tưởng vào chánh sách và đường lối của nhà nước. Hầu học tập cho mau tiến bộ, để trở về sum họp với gia đình.”

Tôi có làm đơn xin phép thăm nuôi, được chính quyền địa phương xác nhận. Nếu anh không đồng ý thì tôi ra về. Nghe tôi nói xong, anh ta liên lạc hỏi lại cấp trên. Cuối cùng, tôi cũng được giải quyết cho gặp mặt chỉ ba mươi phút, thay vì một tiếng.

Sở dĩ, tôi phải trả lời cứng rắn, quyết liệt, vì tấm lòng, vì tình chiến hữu, nên tôi điếc không sợ súng. Đã lỡ leo lên lưng cọp, nên tôi không còn sợ hãi và sẵn sàng chấp nhận bất cứ mọi tình huống, cho dù xấu nhất có thể xảy đến cho tôi.

Anh đã xúc động, nước mắt rưng rưng, vì quá bất ngờ, khi gặp mặt một thằng em trong quá khứ chưa hề nhận được bất cứ một ân huệ nào từ anh. Tôi chỉ cười và nói với anh: “Lá rách mà đùm lá nát trong lúc khó khăn, hoạn nạn” mới quý anh ơi! Xin anh hãy quên đi “Đừng bao giờ nhắc lại câu hỏi này nữa!”

Viết vài hàng để nhớ lại một lần trên chuyến xe đò thăm nuôi tù cải tạo. Tình cờ gặp thân mẫu bạn T..,Một bà Mẹ Việt Nam đúng nghĩa. Lúc nào cũng thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã và bi đát của con mình. Luôn luôn kề cận chăm sóc, lo lắng, sẵn sàng chịu bao nhiêu khổ ải. Nghe đâu, bà đã mất ở Úc Đại Lợi cách đây mấy năm.

Cầu chúc bà yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng vì bà đã sống suốt một cuộc đời tận tụy, hy sinh cho chồng con. Cầu xin bà phù hộ cho các con cháu, những người chung quanh đưọc bình an và hạnh phúc.

Riêng, phần tôi đã làm được một điều đúng theo truyền thống của Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hoà:

“Không Bỏ Anh Em - Không Bỏ Bạn Bè.” (*)

Trần Đình Phước
(San José – California - Cuối năm 2014)


(*) Tựa đề trích trong bài viết “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè.” Tác giả là Nhà Văn Không Quân - Đào Vũ Anh Hùng.

1 comment:

  1. I tip my hat and admire your compassion, camaraderie and
    noble action.
    Nguyễn Đình Nguyên

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!