Wednesday, November 25, 2015

Đôi Dòng Tản Mạn Về "Phố Xưa"

Nguyễn Giang

Nguyễn Giang

Bài hát không nói gì tới Pleiku, nhưng những người đã từng ở Pleiku đều liên tưởng đến một thời nào đó, với cuộc đời "ngon như ong bay", có tình yêu "góp chung mật sống lâu dài" như Phạm Duy đã viết!

Nhạc Hoàng Khai Nhan thêm một lần nữa đã dẫn chúng ta vào một vùng trời có thời tiết mùa màng se lạnh để những thân hình thiếu nữ có thể khoác lên những chiếc áo len nền nã. Vùng trời ấy cũng không thiếu những con dốc đủ cao để em nũng nịu bắt anh bóp chân buổi tối. Vùng trời ấy có những thung lũng để tâm hồn ta la đà. Có phi trường để thèm những chuyến đi xa. Có những cơn mưa phùn điểm xuyết cho tình yêu đang ở tuyệt đỉnh của sự thăng hoa!

Bài hát bắt đầu ở cung La Thứ gồm nhiều đoạn với 4 câu. Phần khởi đầu của câu kế tiếp được tác giả chuyển sang Re Thứ, một chuyển cung rất "tay nghề" và tài hoa. Tâm hồn người nghe đang chìm lắng và mơ mộng với 4 câu đầu, bỗng chốc được dẫn dắt đến những ý tình cao vút "tưởng chừng thiên thu" với lời dặn dò ân cần: "Hạnh Phúc như tình yêu giữ cho dài lâu!" Lời dặn dò này, mấy ai đã theo được với những mối tình đầu? Ta không thấy phần Điệp Khúc (Chorus) như đa số những bản nhạc khác. (Tôi nghĩ tác giả không muốn sáng tác thêm phần chorus vì điều này làm giảm sự lôi cuốn mượt mà liên tục của bản nhạc!). Câu cuối: "Hẹn sẽ có ngày áo khăn dài về thăm phố đời", bài nhạc được tác giả chuyển sang cung tương đối là Fa Trưởng, âm điệu lên thật cao như một lời hứa ở bên kia cảnh tưởng hay cõi đời, mà không ai đoán được những khúc quanh!

Nghệ thuật viết lời của HKN không cầu kỳ làm dáng như TCS, không sáo ngữ hoặc quá giản dị bình dân như các bài nhạc mà ta hàm hồ gọi là nhạc "sến", đã chuyên chở được những tình ý ngỡ rằng chẳng thể viết thành lời (ý tại ngôn ngoại!). Điều này khiến tôi liên tưởng đến nghệ thuật viết lời của Phạm Duy hoặc Nguyễn Đình Toàn.

Trong nhạc Việt Nam, ca từ đóng vai trò rất quan trọng, hơn hẳn ca từ trong những bản nhạc Âu Mỹ. Nghe lời nhạc Việt Nam, ta thấy ngay sự lãng mạn của một dân tộc. Nghe lời nhạc Tây Phương, sự lãng mạn cũng có nhưng đầy ắp sự xâm lấn của thực tế đời sống. Chỉ có một số hiếm hoi tác giả ngoại quốc chú trọng về ca từ sâu lắng như Simon and Garfunkel với The Sound of Silence, Jacques Brel với Ne Me Quitte Pas, Johnny Mercer với Moon River, Paul Francis Webster với The Green Leaves of Summer, Enrico Macias với Compagnon Disparu... Còn lại thì, Hôm Nay Không Sữa (No Milk Today) cũng là ca từ, Vợ Bạn Tôi (La Femme De Mon Ami) cũng là ca từ, Phương Thuốc Tình Yêu Số 9 (Love Potion Number Nine) cũng là ca từ, 16 tấn (Sixteen Tons) cũng là ca từ... Về sau này, chỉ có nhạc mới từ Việt Nam mới có xử dụng những ngôn từ mà chúng ta cho là thô thiển, nhưng cũng khó nghe được những bài hay.

Bài hát là một tuyệt phẩm! Hoà âm của Quốc Dũng thật lôi cuốn. Giọng alto của Mỹ Tâm rất thích hợp với âm sắc đầm ấm, thiết tha của bài. Tiếng piano và vĩ cầm quyện vào nhau như một lời vỗ về thân ái.


ĐKS Không Lưu Pleiku - Phi trường Cù Hanh

Trong khu vườn âm nhạc Việt Nam có một bài hát nổi tiếng về Pleiku: Còn Một Chút Gì Để Nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Vũ Hữu Định. Phố Xưa của Hoàng Khai Nhan có thể đứng cạnh bản nhạc này mà không chút ngại ngần. Âm điệu mượt mà quyến rũ, ca từ đẹp như thơ, cách chuyển dịch cung bậc phong phú, bài hát thật sự khiến tôi bùi ngùi, khi đôi lúc nhớ về Pleiku của một trời kỷ niệm.


Khu phố chính của Pleiku

Ở đó, có buổi tối lạnh sắt se, lang thang với người nữ xuống khu gia binh, để vào quán nhỏ của tác giả mua vài gói đậu phụng húng lìu. Sau đó, về phòng đắp chăn lên tận cổ mớm cho nhau những hột lạc béo ngậy và thơm phức. Ở đó, có những ngày mưa dầm dề, nước ngập cả căn phòng độc thân, hai đứa ôm nhau trong chăn ấm thích thú nhìn mực nước từ từ dâng. Ở đó, có những cây thông già chứng kiến biết bao lời thề non hẹn biển. Có những con đường đầy hoa Dã Quì vàng rực khiến tâm hồn tuổi trẻ, từ một thành phố ồn ào và bụi bặm là Sài Gòn lên, xao xuyến!


Rừng hoa Dã Quì Pleiku

Bài hát có câu cuối khiến tôi thích nhất: "Hẹn sẽ có ngày áo khăn dài về thăm phố đời!" Cuộc đời trôi nổi với nhiều ràng buộc, mình tự tạo hoặc người khác tạo cho mình, đã khiến tôi chưa một lần về lại Pleiku! Mà có về, chắc gì còn thấy lại những dĩ vãng đẹp ngày nào, tôi nghĩ thế! Thôi đành phải coi đó là một phần đời đã qua, giống như đã cố quên đi cuộc chiến bị phản bội và bức tử của chúng ta!

Một ngày nào đó, ở bên kia cuộc đời, anh sẽ khăn áo dài về thăm phố của chúng mình, em nhé!

Nguyễn Giang

Phố Xưa

Tiếng hát: Mỹ Tâm

Gõ con chuột vào video trên để nghe/xem!



1 comment:

  1. Rất vui khi thấy bài hát đã làm rung động tâm hồn thi sĩ của bác Nguyễn Giang. Ước mong các bạn đã từng ở Pleiku cũng tìm thấy được chút ít hình ảnh kỷ niệm của chính mình. Thân mến. HKN

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!