Tuesday, March 15, 2016

Một Cú Shock

Hồi Ký

Xanh Thỵ Nhạn Trắng

Chiếc xe chạy từ từ ra khỏi hầm của đèo Hải Vân. Cũng đã 11 giờ rưỡi trưa rồi. Trời nóng bức khó chịu. Đây là lần đầu tiên tôi cùng Lương vào Đà Nẵng vào giờ này.

Thường thì chúng tôi đi chuyến xe sớm nhất, vào lúc 5 giờ sáng để khoảng 7 giờ rưỡi là có mặt tại nhà con gái út rồi. Nhưng hôm nay, mãi la cà cà phê và ăn sáng với nhóm bạn tại Huế, nên đi muộn.

Chiếc xe quá tải, với lượng hành khách nhồi nhét, cộng thêm với không khí oi bức bên ngoài, làm tôi cảm thấy mệt nhừ. Nhìn lên băng ghế phía trên, tôi thấy hình như Lương cũng vậy. Tôi thấy chàng ngã người, dựa vào thành ghế với dáng vẻ không được ổn. Tôi muốn hỏi đôi lời cùng chàng, nhưng khoảng cánh khá xa nên đành chịu, bởi lẽ lúc lên xe, không còn chỗ, nên chàng phải lên ngồi vào ghế ngay đằng sau của bác tài xế, còn tôi thì đành ké mông vào chiếc ghế, cạnh lối lên xuống của xe. Tôi nhìn đoạn đường phía trước mặt, và ước chừng nửa tiếng nữa, là mình có thể đón xe taxi để về nhà...

Khẽ vỗ nhẹ vào vai người phụ xe, tôi nói khẽ:

-- Ngang trường Bách Khoa cho cô xuống nghe em...

-- Cô có hành lý gì gởi sau cốp xe không?

-- Có chứ, hai xách tay màu đen, hồi sáng em cầm giúp đó mà.

Xe chạy thêm 1 đoạn nữa, tôi thấy Lương đổi chỗ ngồi với người bên cạnh. Chàng có vẻ mệt, khiến tôi nhấp nhỏm ngồi không yên. Một cảm giác bất an, khiến tôi càng nôn nóng mong đến nơi từng giây, từng phút...

Chiếc xe vội dừng vì có hành khách xuống dọc đường, chú phụ xe nhanh nhẩu chạy lui đằng sau cốp xe, để lấy hành lý cho khách. Tôi cũng vội vã băng theo, để nhờ lấy hành lý sẵn cho mình. Gom 2 chiếc xách đen và 2 chiếc ba lô lè kè bên mình, tôi nhảy lên xe, đặt hành lý cạnh cửa lên xuống chờ đợi.

Xe vừa chạy ngay đến lối rẽ ra đường biển, thình lình tôi chợt nghe tiếng Lương nói với bác tài:

-- Xuống... Cho xuống...

Chiếc xe đột ngột dừng lại. Cậu thanh niên ngồi cạnh, hồi nãy đổi chổ cho Lương, nói với bác tài:

-- Chậm một tí... bác ấy đang mệt...

Lương lúi húi chen người bước ra để xuống xe. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-- Ủa, đã đến trường Bách Khoa đâu anh...

Lương đáp cộc lốc:

-- Xuống...

Và băng mình bước xuống xe.

Chú phụ xe phụ chuyển hành lý của chúng tôi xuống đặt ở vệ đường, và xe tiếp tục chạy.

Tôi ngỡ ngàng nhìn Lương, đang lảo đảo bước nhanh vào chiếc quán nhỏ bên cạnh đường.

Đó là một chiếc lều nhỏ, được dựng tạm, để sửa xe cộ bị hỏng dọc đường, của một người nào đó. Bên trong trống vốc, chỉ có một bình nước 5 lít đang uống dở, và khoảng 4, 5 chiếc ghế dựa, bằng nhựa, đang được xếp chồng lên nhau. Có một người đàn ông đang ngồi đợi xe ở nơi ấy.

Tôi nói nhanh:

-- Cho em mượn tạm 1 chiếc ghế được không anh?

Người đàn ông không nói, đứng dậy và bỏ đi. Tôi chưa kịp lấy ghế cho Lương ngã lưng, thì đã thấy Lương gieo người nằm phịch xuống nền nhà của quán.

Lật đật không kịp kéo đống hành lý ở vỉa hè vào gọn một nơi, tôi lao đến, nắm lấy tay Lương. Bàn tay chàng lạnh ngắt, tua túa mồ hôi ướt rịn, nhớp nháp. Khuôn mặt thì tái tím. Lương nằm nhắm mắt, bất động. Cả một thế giới đổ sầm dưới mắt tôi.

Tôi run run xoa vào ngực Lương và hỏi:

-- Anh thấy thế nào? Mệt lắm phải không?

Lương gật đầu và nói:

-- Nước...

Vói tay vặn nước vào cái nắp bình, tôi đổ nhẹ vào miệng chàng từng hớp nhỏ. Chàng có vẽ lai tỉnh hơn, nói thật khẽ:

-- Anh đau bả vai bên trái quá, tay không cử động được nữa rồi, gọi xe chở anh vào nhà con đi...

Tôi vội vã nhìn quanh, để tìm một sự trợ giúp, nhưng nơi chúng tôi xuống xe, chung quanh chả có nhà, chả có ai... May thay, ở xéo bên kia đường, tôi thấy có 2 chiếc taxi màu vàng đang đổ.

Tôi chạy vội sang. Hai bác tài xế, một đang ngủ trong xe, và một đang ngã người trên ghế chơi game. Tôi gõ vào cửa kiếng của xe và nói nhanh:

-- Anh ơi, xe có chạy không? chở cho tụi em về nhà với...

Thật tình lúc đó, tôi không dám bảo với họ tình trạng hiện tại của Lương, sợ họ sẽ từ chối, nên chỉ nói có vậy...

Người tài xế quay xe, chạy sang hướng đống hành lý tôi đặt cạnh vệ đường. Tôi chạy theo như một người mất hồn.

Cùng anh ta dìu Lương đặt nằm dài lên băng ghế sau của xe, tôi mới lôi xềnh xệch những chiếc xách tay, đặt vào cốp xe mà tay chân run lẩy bẩy.

Đây là số hành lý cuối cùng mà chúng tôi chuyển vào Đà Nẵng, để 28 tây này vợ chông tôi bay sang Mỹ, thăm các con như đã dự tính. Nhưng với tôi, bây giờ là vô nghĩa, tôi chỉ mong sao xe chóng đến nhà con gái, rồi sẽ tính sau.

Xe dừng lại, tôi phóc xuống gọi rối rít:

-- V ơi, ra phụ với mạ dìu ba vào... ba mệt.

Cậu con rể cùng cô con gái chạy ùa ra, cùng tôi dìu Lương vào nhà.

Chàng duội người trên 2 vai xốc của chúng tôi. Hai bàn chân duội thẳng, kéo lê trên sàn nhà, như 1 người không còn sức sống nữa. Con gái út tôi lật đật chạy sang nhà đối diện gọi bác sĩ.

Tôi đặt chàng nằm bệt xuống sàn nhà, trong phòng của con gái. Bác sĩ đo huyết áp và bắt mạch cho chàng. Huyết áp chàng tụt quá thấp, chỉ còn dưới 8/6, còn mạch thì hầu như không bắt được. Tôi thét lớn:

-- Gọi xe cấp cứu nhanh lên con...

Rể tôi bấm số lia lịa để gọi, gọi đến 4, 5 cuộc, nhưng chả ai bắt máy. May mà bà bác sĩ dùng đường dây nóng khẩn cấp của phòng khám để gọi, xe cấp cứu mới đến.

Bác sĩ đi theo xe cấp cứu lại lắc đầu cùng con gái:

-- Không xong rồi... mạch không còn... nguy đây... chuyển băng ca vào gấp...

Người ta đưa băng ca vào, chuyển chàng ra xe. Tôi theo lên cùng chàng. Hàng xóm kéo đến xem rất đông, lố nhố ở cửa lớn và các cửa sổ chỉ chỏ, nói, hỏi... nhưng tôi chả thể nói bất cứ một câu gì.

Sự ứa nghẹn dâng tràn lên cả ngực. Bác sĩ ở xe cấp cứu gắn máy thở oxy, sau khi đã bơm thuốc vào miệng chàng. Nước mắt tôi ứa ra, chảy thành dòng trong lặng lẽ. Chàng nắm lấy bàn tay tôi mệt nhọc bảo:

-- Anh không chết đâu... đừng sợ...

Rồi nhắm mắt nằm yên.

Tôi siết lấy bàn tay chàng. Bàn tay lạnh ngắt và nhão nhoẹt. Thế giới chao đảo quanh tôi. Trước mắt tôi là cả một màn xám buồn u tối. Từng phút, từng giây... sao mà dài thế...

Tôi hỏi ông bác sĩ:

-- Còn xa nữa không anh?

-- Sắp đến rồi, qua khỏi ngã tư này là đến thôi...

Xe đến bệnh viện. Lương được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ ở đây nhanh chóng làm các thủ tục, như lấy lời khai của người nhà, chớp quang tuyến, đo huyết áp, bắt mạch, đo nhịp tim rồi chuyển ngay vào phòng trong, để làm thêm các xét nghiệm khác...

Chỉ trong chốc lát, họ đã có kết luận về tình trạng của chàng. Họ gọi chúng tôi lại và hỏi:

-- Chị là vợ của anh Đoàn Lương phải không? Và đây là người nhà của anh ấy à???

Tôi nhìn chăm vào 2 tấm hình chớp quang tuyến, mà 2 bác sĩ đang cầm trên tay và khẽ gật đầu.

Vị bác sĩ dè dặt bảo cùng tôi:

-- Rất tiếc phải thông báo để chị và người nhà rõ, là tình trạng anh ấy rất nguy kịch. Một phần tim của anh ấy, đang ở trong tình trạng gần như hoại tử. Hiện tại khả năng đột tử của anh ấy là 90%. Chỉ còn một cách duy nhất là phải mổ cấp cứu...

Tôi nói như hụt hơi: -- Dạ, trăm sự nhờ các anh mổ gấp cho...

-- Nếu gia đình đồng ý mổ thì chuẩn bị 75 triệu nộp gấp, để chuyển bệnh nhân vào phòng mổ... Cũng cần nói để chị và người nhà rõ, là khả năng sống sót của anh ấy rất là nhỏ, vì chỉ cần trong lúc mổ, một rung động nhẹ của tâm nhĩ là anh ấy sẽ đi... do vậy người nhà nên chuẩn bị tâm lý, và quyết định gấp...

-- Dạ, chúng tôi quyết định mổ cho anh ấy, dù chỉ còn 1 chút hy vọng ạ...

Các con tôi, đứa thì chảy nước mắt, đứa thì lật đật ra ngân hàng gần đó rút tiền tiết kiệm. Còn tôi chả hiểu vì sao lại rất tỉnh táo, chạy đi làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị mổ cho chàng. Trong đầu óc tôi bây giờ chỉ có một điều duy nhất, đó là giành lấy sự sống của chàng, càng nhanh càng tốt, nếu không, tôi sẽ mất chàng vĩnh viễn...

Trong cái xui cũng có cái may, nhờ chúng tôi có mua bảo hiểm y tế tại phường, chàng lại mổ dạng cấp cứu, do vậy dù trái tuyến, chúng tôi chỉ đóng tạm phân nữa số tiền đã được quy định, số tiền đó vừa đủ với số tiền tiết kiệm của con tôi có trong tài khoản.

Chàng lập tức được đưa ngay vào phòng mổ. Chúng tôi ngồi chờ đợi bên ngoài. Mỗi phút, mỗi giây kéo dài như vô tận.

Một bác sĩ gọi chúng tôi vào phòng kế cận, và cho chúng tôi xem tình trạng của chàng trước khi mổ, được soi rọi lớn trên chiếc màn hình lớn của máy tính.

Theo tay chỉ và hướng dẫn của bác sĩ, chúng tôi được biết, và nhìn thấy nhánh động mạch lớn dẫn máu vào tim của chàng, bị đứt vì 2 cục máu đông bám vào thành động mạch, nó đang đưa tòn ten, lơ lửng như 1 sợi dây điện bị đứt ngang sau cơn bão vậy. Bác sĩ còn chỉ cho chúng tôi, một nhánh động mạch khác của chàng, đang bị xơ vữa 50% nữa...

Con gái kế út của tôi bụm mặt khóc tức tưởi, luôn miệng nói:

-- Tội cho ba, tội cho ba quá...

sau đó chúng tôi phải ra ngoài hành lang tiếp tục đợi...

Các cuộc gọi của bà con, anh em và các con ở xa, liên tục được gọi đến... Tôi giao điện thoại cho các con và rể tôi trả lời.

Phải nói thời gian chờ đợi là cái khoảng thời gian tồi tệ nhất, mà tôi đã từng gặp... .

Từng phút từng giây chảy dài trong căng thẳng và lo âu. Miệng mồm tôi đắng nghét, ngực thì như bị chèn bởi một tảng đá vô hình, đến ngộp thở. Nhìn theo các con cứ đi tới, đi lui ở hành lang, tôi biết tụi nó cũng đang có cảm giác bồn chồn, bất an giống tôi bây giờ...

Thình lình cánh cửa phòng mổ chợt mở. Một bác sĩ vừa đi ra. Chúng tôi không ai bảo ai, nhất tề đứng dậy, nín thở đợi chờ...

Ông ta bảo:

-- Đã ổn rồi, hồi nãy phải 2 lần kích điện mà tim không nhảy, sau đó phải chích thuốc trực tiếp vào tim, may sao... nhờ vậy đã đặt stent nối lại rồi... Tuy vậy, vẫn chưa biết sẽ tiến triển thế nào... Thông thường các bệnh nhân khác, sẽ được chuyển ra phòng ngay sau khi đặt sten, nhưng ông nhà chắc phải đợi đã, bởi lẽ ông ấy như một cây khô gần chết, mới được tưới nước, phải có thời gian để ngấm và hồi phục...

Đó là tin tốt lành mà tôi chờ đợi. Tôi rối rít cám ơn và muốn nhảy lên vì sung sướng.

Như một người vừa nhặt lại được điều mình vừa vuột mất, tôi đưa tay lên ôm chặt ngực mình, lòng sướng vui vô tận... Niềm hân hoan cũng lan tỏa trên khuôn mặt các thành viên trong gia đình.

Rể tôi thở phào nói:

-- May thật, may mà ba đã được cứu, nếu không con lo là sẽ bị các anh chị khác trách...

Tôi hiểu ý nó muốn nói gì rồi. Vì thực ra, chuyến đi sáng nay của chúng tôi, là vào ở cùng con gái và các cháu vài ngày, bởi lẽ rể tôi sẽ lên Ba Mê Thuộc để dự đám cưới em ruột của nó trong 2 ngày sắp đến. Tôi dự tính ngày rể tôi quay về, chúng tôi sẽ quay ra lại Huế, sắp đặt một vài thứ rồi quay lại vào Đà Nẵng và bay sang Mỹ... Bởi thế tụi nó áy náy cũng là đúng thôi...

Cánh cửa phòng mổ lại mở. Chiếc băng ca được đẩy ra khỏi phòng trong niềm vui vỡ òa của gia đình, chứ không như lúc nó được đẩy vào, với những âu lo, sợ hãi... Tôi là người nhanh chân nhất chạy theo nó.

Vừa chạy tôi vừa nắm lấy bàn tay chàng. Hơi ấm từ bàn tay chàng tỏa sang, báo hiệu một sự sống đang được hồi sinh...

Chàng mở mắt nhìn tôi, dịu dàng, nhưng không nói. Nhưng như thế đã là tất cả đối với tôi...

Người ta chuyển chàng về phòng bệnh, của những bệnh nhân cũng vừa mổ và đặt sten như chàng. Bác sĩ mổ chính cho chàng vào thăm và bảo:

-- Cho anh ta nằm yên bất động ở băng ca trong vòng 3 ngày, rồi mới chuyển xuống giường sau vậy.

Tôi líu ríu cám ơn ông ta đã giúp chàng lấy lại sự sống. Bác sĩ bảo với chúng tôi:

-- Chúng tôi chỉ làm những gì có thể... phải nói là mạng anh ấy quá lớn mới vượt qua được như vầy...

Sau đó, tôi bảo các con và rể tôi về nhà, còn tôi ở lại với chàng. Tôi hỏi chàng có mệt không. Chàng bảo:

-- Anh thấy khỏe hơn nhiều, cánh tay trái của anh không còn nhức nữa, và có thể hoạt động trở lại rồi...

Tôi cầm tay chàng bóp nhẹ, và khẽ cúi xuống xoa nắn 2 bàn chân của chàng, hai bàn chân mà trước đây mấy tiếng đã xuội đơ, nay đã trở lại bình thường. Quả thật sự tiến bộ của y học là hết sức thần kỳ, vượt lên trên những gì tôi tưởng tượng... Mừng đến muốn chảy nước mắt luôn...

Sau đó các y tá đến, hỏi tôi về thẻ bảo hiểm của chàng. Họ bảo phải nộp ngay trong ngày hôm nay, để làm bảo hiểm, chứ để sang ngày mai là không thể thanh toán được. Tôi lật đật gọi điện ra cho rể đầu của tôi, dặn nó lên nhà, thuê thợ phá khóa nhà, phá khóa của tủ, để lấy thẻ bảo hiểm gởi xe đò chạy tuyến Đà Nẵng mang vào. Lại thêm 1 rắc rối nữa, là họ tiếp tục hỏi chứng minh nhân dân của chàng kèm theo. Thế là phải gọi điện ra nhà lại, bảo phá khóa lần 2, lấy và tiếp tục gởi xe khác đem vào nữa...

Buổi chiều, anh trai và vợ chồng em gái của Lương ở Huế, đã có mặt tại phòng bệnh để thăm chàng. Ai cũng nghĩ là tình trạng của Lương thật tồi tệ, họ nghĩ là làm sao sớm gặp được chàng, kẻo không kịp... nhưng khi vào đến nơi, thấy Lương khỏe, ai cũng mừng. Hôm đó chả hiểu vì sao Lương nói thật nhiều, không chịu ngưng nghĩ. Chàng có vẻ rất hưng phấn như vừa thoát qua 1 kiếp nạn lớn.

Các bạn bè ở nhóm thể dục buổi sáng, khi nghe tin Lương bị nhập viện, cũng tức tốc thuê 1 chiếc xe lớn từ Huế, cùng nhau vào ghé thăm. Họ đến nơi vào lúc trời chập choạng tối, mừng rỡ vì thấy tình trạng hiện tại của Lương. Thăm hỏi xong, họ tức tốc quay về Huế, đến nhà cũng đã gần 11 giờ tối. Cái tình cảm của mọi người đã dành cho chúng tôi, phải nói là chúng tôi rất cảm động và nhớ hoài.

Liên tiếp những ngày sau đó, nào bạn trong phi đoàn cũ của Lương, bạn của tôi, bà con, khi hay tin đều có ghé thăm, han hỏi. Nhiều người ở xa, khi nghe tin cũng gọi điện về han hỏi. Ai cũng mừng và chúc Lương chóng khỏe.

Phần tôi, tuy Lương đã qua cơn nguy kịch, nhưng tôi vẫn nơm nớp lo âu. Mặc dầu các con và rể tôi thay nhau chăm chàng nhưng hầu như ban ngày tôi đều túc trực cạnh chàng, chỉ buổi tối là các con tôi không chịu để tôi ở lại trực. Phần việc đó rể út tôi đảm trách mà thôi...

Chỉ sau 2 ngày, chàng được chuyển vào nằm ở phòng bệnh. Bệnh nhân ở đây rất đông. 2 người 1 giường bé tí, người nhà chả có nơi để đặt mông ngồi ké cho đỡ mỏi. Cũng may ở phòng đặc biệt, có bệnh nhân vừa xuất viện, con gái kế út của tôi vội đăng ký và thế là chàng được chuyển sang phòng ấy, với 1 người 1 giường thoải mái hơn nhiều.

Sau 1 tuần điều trị, làm lại các xét nghiệm, siêu âm tim, kiểm tra phổi... chàng được xuất viện, và về nhà con gái kế út, để chàng được yên tĩnh nghĩ ngơi. Cũng bởi 2 vợ chồng nó đi làm cả ngày, tối mới về nên chúng tôi ăn uống tại nhà con gái út, cũng gần đó và buổi tối mới về ngủ mà thôi...

Chúng tôi dự tính 1 tháng sau, sau khi tái khám, chúng tôi sẽ quay về Huế, bởi lẽ nếu quay về sớm, đi xe cộ đường dài cũng rất ngại...

Nhưng... rồi một sự cố quan trọng khác khiến chúng tôi phải quay về Huế sớm hơn dự tính.

Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó. Đó là một ngày chủ nhật. Vợ chồng con gái kế út tôi nghĩ làm, nên chúng nó đi chợ, nấu cơm trưa để chúng tôi về cùng ăn. Khi vừa đặt chân đến nhà nó, tôi chợt nghe điện thoại mình đổ chuông. Thấy số lạ, tôi hỏi:

-- Xin lỗi, ai vậy nhỉ???

Có tiếng trả lời:

-- Con đây bà Nhạn... Bà Nhạn ơi bà cố mất rồi...

Tôi hốt hoảng hỏi dập dồn

-- Con nói sao??? Mệ mất rồi à... hồi nào...

-- Dạ cách đây chừng 10 phút...

Hai chân tôi như nhủn ra, tôi gieo người xuống chiếc ghế gần đó, và nói trong đứt quãng nghẹn ngào:

-- Mạ mất rồi anh ơi...

Cả nhà bàng hoàng không nói được 1 câu gì. Đây là 1 điều không tưởng với tôi. Tôi nhớ hôm trước lúc tôi vào Đà Nẵng, mạ tôi vẫn khỏe cơ mà. Tôi không thể nào ngờ những đau thương, muộn phiền lại cứ dập dồn đến với tôi, như người ta vẫn hay bảo “Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai” vậy.

Đứng dậy, bước đi như người mộng du, tôi nói trong thẫn thờ:

-- Chắc em phải ra Huế ngay bây giờ...

Các con bàn tính để Lương ở lại, tôi sẽ ra nhà 1 mình, nhưng chàng không đồng ý và cương quyết bảo:

-- Không, anh sẽ ra cùng em...

Cuối cùng cả 2 chúng tôi cùng bắt xe về Huế ngay. Ngồi trên xe, chốc chốc tôi lại hỏi chàng:

-- Anh có mệt không...

-- Không, em yên tâm...

Cũng may chuyến xe buổi trưa vắng khách, 2 hầm Phú Gia và Phước Tượng cũng vừa làm xong, do vậy xe không phải chạy qua đèo vất vả như trước...

Ba tôi đón tôi trong làn nước mắt:

-- Mạ con đi rồi con ơi... Buổi sáng mạ con còn ăn sáng với ba, xong ba mới đi chùa. Buổi trưa cơm dọn ra, ba bảo mạ ra ăn, mạ đi ra ngồi và bảo:

-- Sao em thấy mệt quá...

-- Mệt ở đâu???

-- Cũng không biết nữa...

-- Thôi, ráng ăn một miếng rồi uống thuốc...

Thế rồi tự dưng mạ con ngã người ra, tựa vào thành ghế, 2 chân xuội dài và đái ra quần. Ba gọi vợ chồng em con vào, cùng phụ đưa bà lên nằm ở tấm phản... và bà đi luôn ngay sau đó...

Thế là mạ tôi đã ra đi vĩnh viễn. Bà hưởng thọ được 92 tuổi. Tội cho bà, là đã không kịp nhìn thấy một đứa con nào trước khi mất. Tôi nhìn khuôn mặt của bà... Vẫn như người nằm ngủ... Bên tai tôi vẫn vang đều tiếng tụng kinh, của các đạo tràng đang tụng hộ niệm cho bà...

Những ngày tang đám của mạ tôi, Lương thi thoảng ghé về 1 chốc rồi lại lên nhà nằm. Chàng còn rất yếu. Không ngồi lâu được. Tôi thì như con thoi, chân thấp chân cao, lo cơm nước cho chàng, rồi lại chạy về nhà ba tôi lo đám điếu... Tôi mệt phờ người, lại mất ngủ triền miên, vì quá lo khi hằng đêm nghe giọng thở mệt nhọc của chàng... Bởi thế người tôi gầy rộc. Từ 65 kg, tôi chỉ còn lại 58 kg, cọng thêm khuôn mặt teo tóp, bơ phờ, khiến lúc ra đường, mọi người đều lên tiếng quở...

Nhiều người đã an ủi tôi;

-- Đừng buồn nữa, lo ăn uống bồi dưỡng vào, kẻo chị mà đau, lấy ai chăm anh Lương đây... Cứ nghĩ lại đi, đồng ý là xui thật đó, nhưng trong cái xui, anh chị lại gặp may rất nhiều. Nếu hôm đó anh Lương bị đột quỵ giữa đường thì sẽ thế nào ?Lúc đó chạy lui Huế cũng không xong, mà vào Đà Nẵng cũng không cứu kịp... đó là chưa kể nếu anh bị đột quỵ ngay lúc đang trên máy bay sang Mỹ nữa thì sao... có lẽ bó tay thôi. Hoăc giả dụ anh chị có khỏe mạnh, để đi sang Mỹ thăm con đi nữa, thì vừa sang được mấy hôm, nghe tin mạ chị mất, anh chị không cuống cuồng tìm mua vé, bay về lại Việt Nam hay sao?

Nghiệm lại cũng thấy đúng, và tôi lại tự an ủi với chính tôi, để bớt buồn phiền...

Phải nói bình thường tôi ít quan tâm đến sức khỏe. Tôi thường nói đùa:

-- Kệ, có số mạng cả, lo làm gì...

Nhưng từ khi Lương xảy ra chuyện không hay và mạ tôi mất, tôi mới lưu tâm và bắt đầu lo sợ từng chút một... Nhất là những hôm Lương tái khám về, sau khi uống thuốc, chàng ho liên tục.

Ban đêm, khi vừa đặt lưng nằm xuống giường, chàng lại ho như muốn xé toang cả lồng ngực, từ đầu hôm đến sáng. Tôi bất lực nhìn chàng vật vã. Có đi khám lại, bác sĩ bảo thuốc có phản ứng phụ gây ho, đổi thuốc, lại cũng cứ ho... cứ thế mãi hoài... thi thoảng ngưng được vài hôm rồi cũng ho lại như cũ...

Cứ thế, tôi sống như sống với lo âu và hồi hộp. Đành rằng con người ai rồi cũng phải ra đi... và những biệt ly là chuyện không thể nào tránh khỏi, nhưng với tôi, nỗi ám ảnh sợ mất người mình thương yêu, cứ đè nặng và hằn sâu trong tâm tưởng... Hằng đêm, khi không ngủ được, tôi nhìn sang Lương, và cảm thấy sung sướng vì vẫn còn chàng bên cạnh. Tôi cứ nghĩ nếu hôm đó Lương ra đi, rồi mạ tôi mất... Ui chao, buổi tối về nằm chèo queo một mình mà rụng rời...

Tôi cũng rút ra được 1 điều rõ ràng hơn hết, là cuộc sống này quả là quá mong manh. Sáng có, chiều mất, bởi thế phải sống và giành dựt từng khoảnh khắc an vui, hạnh phúc bên những người thân yêu, đừng tỵ hiềm hay ganh ghét với ai mà thêm khổ. Cuộc sống đã trả lại cho tôi những mầm sống, tôi phải biết nâng niu và gìn giữ nó một cách cẩn thận hơn.

Và điều tôi nhận thức rõ ràng nhất là sau cơn đau này, Lương luôn muốn tôi ở bên cạnh, không muốn rời nửa bước... Có vượt qua tất cả, mới thấy không gì hơn tình cảm vợ chồng, nhất là càng về già lại cần có nhau. Tôi mong những ngày tháng bên nhau này sẽ kéo dài, kéo dài mãi mãi mà thôi...

Xanh Thỵ Nhạn Trắng

1 comment:

  1. "Cuộc sống này quả là quá mong manh. Sáng có, chiều mất, bởi thế phải sống và giành dựt từng khoảnh khắc an vui, hạnh phúc bên những người thân yêu, đừng tỵ hiềm hay ganh ghét với ai mà thêm khổ. Cuộc sống đã trả lại cho tôi những mầm sống, tôi phải biết nâng niu và gìn giữ nó một cách cẩn thận hơn....Có vượt qua tất cả, mới thấy không gì hơn tình cảm vợ chồng, nhất là càng về già lại cần có nhau. "
    Tôi hoàn toàn đồng ý!

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!