Saturday, April 9, 2016

Chuyến Đi Nam Mỹ

Hồ Viết Yên


Khởi hành từ phi trường LAX lúc 8 giờ sáng, ngày 31 tháng 12 năm 2015, để bay tới Rio De Janeiro thủ đô của Ba Tây (Brazil) và cuối cùng từ Santiago thủ đô của Chí Lợi (Chile) trở về Hoa Kỳ vào lúc 8 giờ sáng, ngày 22 tháng 1 năm 2016. Như vậy, chúng tôi đã làm cuộc hành trình dài 23 ngày, nói cho xôm tụ và nổ như pháo tết, cuộc hành trình dài hai năm… Đây là cuộc hành trình đầu tiên tới vùng đất Nam Mỹ cho nên có nhiều bỡ ngỡ và mới lạ đối với mọi người trong nhóm.

Chúng tôi 4 cặp cùng phi đoàn CH-47 Chinook trước năm 1975, đã từng đi “cruise” với nhau nhiều lần và luôn luôn thuận chèo xuôi mái nhưng lần này thì khác, thiên nhiên đã không ưu đãi chúng tôi hết lòng. Dầu sao, chuyến đi cũng đã hoàn tất trong niềm vui với nhữngcảm nhận phần nào về cuộc sống và sinh hoạt của người dân vùng Nam Mỹ này.



(Rio De Janerio – Yên, Lập, Tài, Thái trên lầu của Prodigy hotel)

Ngay khi tới Phi trường Rio De Janeiro, chúng tôi nôn nóng về khách sạn để nghỉ ngơi vì chuyến bay quá dài và mọi người cũng khá mệt. Sau khi check in, chúng tôi về phòng và thả mình trênchiếc nệm mới tinh. Thật là sung sướng và thoải mái. Cũng xin nói đây là khách sạn mới hoàn tấtcho nên cái gì cũng mới và sạch sẽ. Sau vài giờ nghỉ ngơi lấy sức, chúng tôi thả bộ ra trước kháchsạn. Vị trí của khách sạn rất đẹp, bên trái là eo biển, phiá trước mặt gần nơi chúng tôi đứng là một cái hồ thông ra eo biển với những du thuyền hạng trung và cỡ nhỏ của tư nhân giàu có cập bến. Xa hơn nữa về phiá trước mặt chúng tôi là những dãy núi chập chùng hùng vĩ. Cao nhất và oai nghiêm nhất vẫn là tượng đài Chúa Giêsu (Christ Redeemer) dang đôi tay che chở trên đỉnh của những dãy núi này…

Sau 4 ngày lưu ngụ tại Rio De Janerio, chúng tôi đã có dịp thăm viếng vài nơi như tượng đài Chúa Giêsu nổi tiếng trên thế giới, bờ biển thật thơ mộng và thu hút du khách Copacabana. Mộtđiều khiến chúng tôi không mấy thoải mái về thành phố này là vẽ bậy (graffiti) khắp nơi và tình trạng an ninh yếu kém. Sự tiếp đón du khách rất là hời hợt và thiếu chuyên nghiệp…

Tạm biệt thủ đô của Ba Tây (Brazil), chúng tôi lên đường tới cảng Rio De Janeiro cách trung tâm thành phốkhoảng 20 phút taxi. Hải cảng này cũng không có gì đặc biệt so với những cảng khác của Âu Châuhoặc Mỹ.Tới hải cảng, chúng tôi bồng bế nhau cuốc bộ với những va li lớn nhỏ cồng kềnh giống như chạy loạn để tới khu “check in” Cuối cùng mọi người cũng lên được tàu an toàn và thở phào nhẹ nhõm. Star Princess ơi! Chúng tôi đây. Buffet ở tầng nào? Đầu tàu hay cuối tàu vậy?...

Star Princess rời cảng vào buổi tối để đến Buenos Aires thủ đô của Á Căn Đình (Argentina). Sau hai đêm và ba ngày lênh đênh trên biển Đại Tây Dương, tàu cập bến cảng Buenos Aires. Chúng tôi rời tàu và cótrọn một ngày một đêm trên đất liền để thăm thành phố. Thành phố này tương đối sạch sẽ.Cáckiến trúc chịu ảnh hưởng Âu Châu. Tuy nhiên nạn đổi tiền giả và móc túi vẫn là vấn đề quan ngại cho các du khách. Cố gắng tìm một tiệm ăn Việt Nam hoặc Tàu nhưng hầu như không có. Điềulàm chúng tôi ngạc nhiên là rất hiếm thấy du khách từ Á Châu tới đây, ngay cả du khách Âu Châu cũng vậy Ngôn ngữ cũng là vấn đề ở đây, dân chúng địa phương chỉ nói duy nhấttiếngSpanish.

Dầu sao đi nữa, Buenos Aires cũng là một thành phố nổi tiếng về âm nhạc. Điệu nhạc Tango được vang lên khắp nơi từ quán ăn, khu mua sắm đến các công viên. Vũ điệu Tango cũng đượcbiểu diễn khắp đường phố. Âm nhạc đưa con người gần lại nhau, đồng điệu và cảm thông với nhau hơn. Điểm đặc biệt nữa là chó xuất hiện rất nhiều trên đường phố, chúng hiền hòa và gần gũi vớimọi người.Con nào cũng sạch sẽ, béo tốt.Không biết ai là chủ những đoàn quân chó này!!!



(Star Princess formal night)

Rời hải cảng Bueno Aires, Star Princess trực chỉ tới Stanley, Falkland Island. Chương trình là sẽ lên bờ để thăm đảo này nhưng thời tiết quá xấu. Gió, bão và mưa khiến tàu không thể cập bến.Một số du khách đã bị bệnh và say sóng.Vài người đã phải đưa vào đất liền bằng trực thăngcủa Hoàng Gia Anh Quốc.Tàu đành phải tiếp tục chặn đường kế tiếp đó là đến mũi Cape Horn để ngắm cảnh từ trên tàu nhưng sương mù và mưa cũng đã cản trở việc ngắm cảnh. Không còn lựachọn nào khác, tàu lại phải tiếp tục lộ trình để đến tỉnh Ushuaia thuộc Argentina. Một lần nữa, tàucũng không thể vào bờ như đã định. Tàu đành hướng về tỉnh Punta Arenas thuộc Chí Lợi (Chile). Tại đây,sóng gió vẫn còn tương đối lớnnhưng an toàn để mọi người được lên bờ.Sau khi vào đất liền, nhìn thành phố quá nghèo và buồn, chúng tôi quyết định trở về tàu. Một số lớn du khách về trễ đã không trở lại được tàu vì sóng gió lớn. Họ đành phải chờ tại trạm kiểm soát và mãi đến gần 2 giờ sáng mới trở lại được tàu.



(hình Punta-Arenas-2016-01-14-370)

Star Princess lại tiếp tục cuộc hành trình cho chặn đường chót. Sau ba đêm trên biển Thái Bình Dương, tàu cũng cập bến cảng Santiago thuộc Chí Lợi (Chile). Tại đây chuyến hải hành chấm dứt. Chúng tôi “check out” để về khách sạn và tiếp tục cho bốn ngày rong chơi còn lạitại thành phố Santiago trước khi về lại Mỹ. Thành phố này cũng có những nét tương tự như Buenos Aires.Tuy nhiên, ngay trong lòng thành phố lại có những khu phố mà xe cộ không được qua lại. Các khu này được dành riêng cho khách bộ hành, cộng thêm các quán ăn, quán kem, quán café, quán biacùng các quầy bán đồ lưu niệm mọc ngay giữa đường và hai bên phố. Những dịch vụ này rất tiện lợi cho khách du lịch cũng như dân địa phương. Chúng tôi thường thả bộ ở những con phố nàyvà ngắm nhìn các sinh hoạt, mua bán nơi đây. Chúng tôi cũng có dịp ghé vào các quán kem, quán café để hưởng thụ hương vị đăc sản của thành phố. Thưởng thức những ly kem trên đường phố như thế này, nó gợi lại biết bao kỷ niệm thời học trò,thời còn là sinh viên sĩ quan và những ngày phép trên đường phố Saigòn. Nào Mai Hương, nào Givral hay Brodard v.v. Thật là thú vị và một chút gì đó rất lãng mạn làm sống lại những năm tháng xưa ấy.

Khi còn ở trên Star Princess, có lúc 5 ngày liền không xuống được đất liền vì thời tiết xấu, chúng tôi hay tụ lại ngồi uống bia, trà hay cà phê và những câu chuyện chia sẻ cho nhau vẫn là những kỷ niệm của những tháng ngày xa xưa trong các phi vụ, từ Cà Mau đến Bến Hải hay những vui buồn với các bạn khi ở phi đoàn. Riêng kỳ này biển động mạnh và gió rất lớn nên tàu không vào được đất liền. Chúng tôi có nhiều dịp để tâm sự với nhau. Không biết từ lúc nào câu chuyện lại chuyển sang chuyện đời sống hiện tại, lúc còn thơ ấu và khi lớn lên. Có bạn chia sẻ chuyện xảy ra cho mình sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam. Riêng tôi được dịp kể lại “đời mình” từ khi là cậu bé cho đến ngày tàn binh lửa.

Sau khi tôi kể xong thì chị Hương phu nhân củabạn Trần hữu Tài nói: Đúng là “nhỏ không học lớn làm Đại úy”. Tôi có nghe câu nói này nhiều lần nhưng không để ý đến ý nghĩa hay câu nói ám chỉ điều gì!Bây giờ nghe chị nói với tôi. Dầu câu nói có ẩn ý gì đi nữa thì tôi cũng chỉ ghi lại và chia sẻcâu chuyện với các bạn.

Tôi sinh ra trong xóm truyền giáo, làng Trại Hầm, thị xã Đàlạt. Xóm này nằm trên 1 ngọn núi tuy không cao nhưng nơi đây có nhiều điểm đặc biệt. Nơi cao nhất là dinh thự của vua Bảo Đại dành cho hoàng hậu Nam Phương. Thấp hơn 1 bên sườn đồi là trường nội trú cho con của các giáo sĩ Tin Lành người Mỹ khắp nơi trên thế giới gởi tới học, trường dạy từ lớp 1 cho đến lớp 12. Thấp hơn là nhà của những gia đình người Việt và dưới cùng là nhà của những gia đình người Thượng. Nơi đây vẫn còn hoang dã và đêm đêm cọp vẫn hay về để bắt những súc vật nuôi trong chuồng của người thượng hay người Kinh.Thường thìlối xóm dùng nắp nồi, hay thùng đánh lên để báo động cho cả xóm, cũng như xua đuổi các “ông” đi.

Sống ở đây được vài năm thì gia đình tôi dọn về khu chợ Đàlạt và cũng là lúc gia đình tôi gặp sóng gió và khó khăn. Không bao lâu Ba Má tôi chia tay. Tôi không ai chăm sóc, tối ngày lêu lỏng ngoài đường, phá làng phá xóm. Tôi ốm yếu, đen thủi, đen thui nên có những người quen hay gọi tôi là thằng Thượng.

Đến tuổi đi học, Ba tôi đưa tôi đến trường tiểu học Xuân an, kế bên nhà thờ lớn Đàlạt, gởi cho thầy hiệu trưởng Bật. Có lẽ bẩm sinh dốt, hay cũng có thể không có ai chăm sóc nên tôi phải mất 2 năm mới học xong 1 lớp.May mắn là Ba tôi quen thân với thầy Bật nên tôi vẫn được học cho đến hết lớp nhất. Khi thi vào đệ thất trường công tôi bị rớt. Ba tôi thấy tôi học không được và tuổi cũng đã lớn so với trình độ học vấn nên định cho tôi học nghề!!! Tôi không nhớ là vì lý do nào mà tôi lại quyết định xuống Sài Gòn ở với Má tôi!!

Ngày tôi rời Đalạt chưa có hồ nào hay thác nước nào mà tôi chưa bơi, chưa có 1 khu rừng nào hay núi nào mà tôi chưa lội tới. Đó là những gì đẹp nhất tôi mang theo.



(Hình Dalat Hồ Xuân Hương 1971)

Xuống tới Sài Gòn, nhìn thấy Má tôi chật vật lo cho 5 anh chị em tôi ăn học, bây giờ tôi đứa thứ sáu, cũng là đứa sau cùng trong gia đình lại mò xuống. Má tôi để cho tôi nghỉ ngơi trong những ngày còn Hè. Rồi ngày tựu trường sắp đến, Má tôi bảo tôi ngồi xuống và Má tôi đã đem hết tâm tình của 1 người mẹ lo cho con,chia sẻ với tôi về đời sống, hoàn cảnh gia đình, nhất là trình độ học vấn so với số tuổi của tôi là quá trễ rồi. Nhưng Má tôi vẫn cho tôi 1 cơ hội là được tiếp tục học và khuyên tôi nên cố gắng học được tới đâu hay tới đó!!!

Tôi đến trường Lê bảo Tịnh ở Trương Minh Giảng ghi tên học thì thầy giám thị khuyên tôi nên học nhảy, ghi tên học vào các lớp ban đêm: 2 lớp Thất Lục 1 năm, 2 lớp Ngũ Tứ 1 năm. Tôi biết rõ sức học của mình nhưng không còn con đường nào khác. Khi thi trung học đệ nhất cấp tôi lại rớt. Thằng bạn thấy tôi buồn nên nói lời an ủi: “học hành thi cử mà chi, Tú Xương còn rớt huống chi là mày”. Sau đó tôi suy nghĩđể tìm cho mình 1 lối thoát. Có thể mình thuộc thành phần “thông minh nhưng chậm hiểu” nên thi đâu rớt đó. Một lần nữa tôi quyết định thay vì học lại lớp đệ Tứ thì tôi tiếp tục học 2 lớp Tam Nhị 1 năm. Nhưng kỳ này tôi học ngày học đêm và ghi tên học thêm các lớp luyện thi toán, lý, hoá. Tại các lớp luyện thi này tôi gặp được nhiều bạn học rất giỏi. Tôi dành rất nhiều thì giờ lo bài vở và học chung với các bạn này. Cuối năm đó niềm vui mừng lớn đầu tiên đến với tôi, niềm mong ước của tôi đã thành.

Trong lúc đang học lớp đệ nhất thì anh của tôi về phép. Khi trở về đơn vị phi đoàn 516 Phi Hổ ở Đà Nẵng thì anh cho tôi theo trên chiếc Skyraider do chính anh lái, tôi nằm sau thùng với 2 anh Thiếu Úy, lịch sự, cao ráo, đẹp trai, và dễ thương. Thế là trong đầu tôi đại khái biết được 1 hướng đi trong tương lai của mình…

Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, tôi hãnh diện đã làm nhiều quyết định, nhất là quyết định gia nhập vào Không Quân để góp phần trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt.

Sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 7/68 Không Quân, về học trường sinh ngữ Quân Đội để bổ túc anh văn xong thì về trình diện phòng du học Bộ Tư Lệnh Không Quân (BTLKQ).

Theo kế hoặch Việt Nam hoá chiến tranh thì Không Quân Việt Nam phải có đủ phi công trực thăng để thay thế phi công Mỹ, cho nên BTLKQ dồn hết nhân lực, cùng mọi nỗ lực vào việc huấn luyện phi công trực thăng, nên hầu hết chúng tôi ra trường đều được gởi đi học bay trực thăng. Tôi đến trường bay Fort Wolter khóa 3 (nón Cam). Tôi và Mã quới Trung học cùng mộtInstructor Pilot (IP), Captain O’neil. Tôi làkhóa sinh đầu tiên được thả bay solo của khóa, kế tiếp là Trung. Đây có lẽ là lúc khoái nhất trong thời bay bổng vì từ nhỏ đến bây giờ chỉ biết đi bộ hay đạp xe đạp, hoặc năm khi mười hoạ mới ngồi được trên xe Honda, mà bây giờ 1 mình trên chiếc trực thăng, bay đây đó thoải mái, ngắm nhìn cảnh vật nhỏ bé dưới chân và được đáp xuống những cánh đồng, hay sườn đồi nơi đất lạ quê người, và từ đó lòng tôi hướng về 1 ngày rất gần sẽ bay trên đất nước mình và được ngắm nhìn bao cảnh đẹp đẽ của quê hương. Sau khi ra trường tôi được chuyển sang 2 trường khác để học bay trực thăng UH1 và CH-47 Chinook.

Trở về nước trong phi đoàn Chinook đầu tiên của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, Phi Đoàn 237. Tại đơn vị này tôi đã nhận được 3 phần thưởng. Thứ nhứt làcủa BTLKQ cho đi Hồng Kông và Đài Loan nghỉ dưỡng sức, thứ hai là 5,000.00 đồng do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 tặng, và thứ ba là 2 sấp vải lụa do Đoàn Công kỹ Nghệ Việt Nam tặng. Nhưng phần thưởng quí nhất tôi nghĩ làThượng Đế đã ban cho tôi làtrong suốt cuộc chiến không một ai bị thương tích trong các phi vụ của tôi, dầu tôi bay rất nhiều trên khắp mọi vùng đất nước và bị bắn cũng nhiều, từ súng nhỏ, súng lớn, ngay cả bị trúng phòng không và bị pháo kích khi vào bãi đáp.



(Nhận được tấm hình sau hơn 45 năm do xạ thủ Nguyễn văn Hiếu gởi tặng ngày 03/31/2016)
(Từ trái qua phải là Túc, Tranh, Chương, Yên – hình chụp năm 1971 khi chiếc Chinook bị trúng đạn)

Tôi hãnh diện đã chiến đấu bên cạnh các đồng đội, những người trai oai hùng trong thời chiến, để cùng bảo vệ sự tự do, dân chủ và nền độc lập của miền Nam Việt Nam.

Nhìn lại, tôi thấy mình yếu kém trên mọi phương diện nhưng cảm nhận được ân huệ của “Thượng Đế đãi kẻ khù khờ” đã cho tôi vượt qua được mọi khó khăn và có một cuộc sống thật đẹp, êm đềm, thoải mái. Nhất là từ ngày “Thượng Đàlạt” gặp được “Thượng Pleiku” đã cho tôi 1 cuộc sống tuyệt vời. Hạnh phúc thật nhiều bên gia đình với 4 con, 4 dâu rể, 4 cháu và điều quí vô cùng là còn được vui chơi và chu du đây đó với các bạn đồng đội trong những tháng ngày hưu hạ.

Hồ Viết Yên

PĐ237 / PĐ241
Ngày 9 tháng 2 năm 2016 - Tết Bính Thân

1 comment:

  1. Đọc hồi ký anh viết em rất thích , lại thêm có những hình ảnh bổ sung, nhất là những tấm hình cũ còn lưu lại , nhắc nhớ tới một thời đã qua đầy oai hùng .Nhìn ảnh anh chị , làm em cũng nhớ đến lần gặp nhau tại buổi tiệc sinh nhật tháng tại nhà chị Duyên Hà ,,,Chị đẹp và dễ thương ghê.Chúc mừng anh ...

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!