Người
Bạn Thời Niên Thiếu
Những Bài Thơ Kỷ Niệm
Thời gian trôi qua quá nhanh.Thấm thoát mà đã hơn năm mươi năm, nhưng
tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh và kỷ niệm về một người bạn thuở thiếu
thời. Đó là “Nguyễn Phú Tuấn.”
Niên khoá 1964-1965 Tuấn và tôi cùng học lớp Đệ Tam Trường Trung
Học Tư Thục Tân Thạnh trên đường Trần Quang Khải,Tân Định, phía gần đầu đường
Hai Bà Trưng. Hiệu Trưởng là Thầy Phan Út.
Tân Thạnh là một trường trung học tư thục không lấy gì là nổi
tiếng, học phí tương đối rẻ, điều kiện trường lớp cũng trung bình, nếu đem so
sánh với các trường tư thục khác trong vùng như: Đông Tây Học Đường, La San Đức
Minh, Huỳnh Thị Ngà, Nguyễn Công Trứ, TânThịnh (sau đổi thành Les Lauriers), Văn
Hiến, Văn Lang, Vương Gia Cần…
Trường nằm trong hẻm số 196 TQK. Học sinh đi vào trường phải đi
ngang qua Bảo Sanh Viện Ngô Liêng do vợ của Thầy Hiệu Trưởng làm chủ. Bên hông trường có một
con hẻm nhỏ đi ra được đường Đặng Dung, có một mái che nhỏ là giang san của ban
nhạc kèn thổi kèn đám tang và khóc mướn Bắc Hà, có lò bún chuyên sản xuất bún
bỏ mối cho các chợ Tân Định, Đa Kao, Bà Chiểu và Phú Nhuận. Đối diện với Bảo
Sanh Viện Ngô Liêng là chỗ làm bản kẻm tên Cliché Dầu, nhà cho thuê xích lô
đạp, cạnh bên là tiệm sửa xe mô tô Chín Kết, rồi tới tiệm giặt ủi Tân Tiến.
Nhìn sang bên kia đường là Hãng Gạch Bông và Billards Vân Sơn, kế bên là Trường
Tiểu Học Tân Dân Học Đường, bên cạnh một
Villa cổ có một cây Bông Sứ Thái Lan già cho mùi thơm ngào ngạt vào ban đêm.
Trong sân trường có một cây Quế thân rất to. Vào giờ ra chơi, học
sinh thường chạy đến tước vỏ chỉ để phá cho vui, vì có bóc vỏ ra được cũng
không biết dùng để làm gì? Phải nói là học sinh của lớp Đệ Tam của tôi lúc
đó đúng là “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học
trò”, tụi tôi quậy phá tưng bừng, hết biết! Học chẳng ra học, hành chẳng ra
hành, nói chung là học rất tài tử. Muốn đến trường, muốn vào lớp là cứ tùy tiện
như ở nhà, vì tất cả chỉ nghĩ đơn giản lớp Đệ Tam là lớp không phải thi, học
sinh coi như lớp này để dưỡng sức, tà tà, không cần chú tâm hay chuyên cần cho
lắm! Để dành sức chờ sang năm lên Đệ Nhị chiến đấu, lúc đó học vẫn còn kịp cho
kỳ thi Tú Tài Một, miễn sao cứ lo làm tròn nhiệm vụ đóng học phí đầy đủ trước
ngày năm Tây mỗi tháng, và mỗi khi thầy giám thị Ba Già đi điểm danh đầu giờ
ráng có mặt trong lớp là coi như an toàn trên xa lộ.
Trong suốt năm học cố gắng thi đệ nhất và đệ nhị
lục cá nguyệt với bài vở các môn học có điểm đầy đủ là coi như cuối năm được
cấp học bạ, dù trình độ học vấn, hạnh kiểm, đạo đức có bị Giáo Sư phê ra sao
trong học bạ cũng không có gì quan trọng. Khi lên Đệ Nhị coi như đủ điều kiện
hợp lệ để thi Tú Tài Một. Nếu thi rớt mà còn tuổi thì năm sau tiếp tục thi lại,
còn nếu thi đậu, không muốn học nữa và thích làm quan thì tình nguyện vô Trường
Bộ Binh Thủ Đức, thụ huấn giai đoạn một ba tháng ở Trung Tâm Huấn Luyện Quân Sự
Quang Trung, rồi chuyển qua Trường Bộ Binh Thủ Đức học giai đoạn hai với tám
tuần huấn nhục không thấy trời, trăng, mây, nước. Khi xong giai đoạn này sẽ được gắn con cá
vàng lững lờ trên vai và được cho đi phép đặc biệt. Lúc đó tha hồ mà “Sàigòn
Thứ Bảy, còn ai mong chờ. Một người Lính trẻ về thăm kinh đô”, bay nhảy,tung
tăng khắp phố phường; nếu có người yêu tuổi học trò thì dung dăng, dung dẻ hai
đứa trẻ vào xem xi nê ở Rex hay Đại Nam, tiếp đến ngồi kem Mai Hương hay
Brodard ngắm ông đi qua, bà đi lại, để bù lại thời gian khổ cực rèn luyện nơi “Quân
trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu.”
Mấy tháng sau tốt nghiệp ra Chuẩn Úy, trên vai sẽ đeo quai chảo. May
mắn về được các ngành hay đơn vị có chữ “Quân” ở đầu như: Quân Báo, Quân Bưu, Quân
Cảnh, Quân Nhạc, Quân Nhu, Quân Tiếp vụ, Quân Vận, Quân Y, Quân Xa… thì khoẻ một
chút! Còn không thì sẽ bết bùn đất hành quân, quanh năm, suốt tháng lặn lội với
bưng biền ca bài “Anh Đi Chiến Dịch, Biển Mặn, Chiều Biên Khu, Chiều Mưa Biên
Giới, Chiều Hành Quân, Chiều Trên Phá Tam Giang, Đồn Văng Chiều Xuân, Hai Mươi
Bốn Giờ Phép, Mưởi Hai Tháng Anh Đi, Ngày Anh Đi, Rừng Lá Thấp, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Xuân Này Con Không Về…***
Nếu như không muốn chọn con đường binh nghiệp sớm, để “Một xanh
cỏ, hai đỏ đời” thì tiếp tục học lên lớp Đệ Nhất thi Tú Tài Hai, sau đó vào đại
học, hay đi du học, tuơng lai hy vọng sẽ le lói, sáng lạn hơn.
Trong giờ học, Giáo Sư vừa quay mặt vào bảng
viết vài chữ thì ngay sau đó vài con nhạn ngồi bàn cuối nhảy qua cửa sổ để trốn
ra ngoài: hút thuốc, lang thang, đi xem xi nê Văn Hoa, Kinh Thành, Moderne,
Casino Đa Kao, Asam, thọt bi da Vân Sơn, chơi đá banh bàn ở quán bà Sáu bán trà
Huế trên đường Bà Lê Chân. Hôm nào rủng rỉnh một chút thì cả đám kéo đến ngồi cà
phê Văn Hoa vừa uống cà phê, vừa nhà khói thuốc lá hình vòng tròn bay lơ lửng
trên ly, vừa nghe nhạc ngoại quốc và ngắm hai chị em chủ quán “Bắc Kỳ nho nhỏ và
xinh xinh.” Gặp lúc hai cô vui, sà đến bên bàn xã giao hỏi thăm sức khoẻ vài câu,
đưa mắt đá lông nheo, cười đờ mi là ngày hôm đó coi như “Chưa có hôm nào uống cà
phê tuyệt vời như hôm nay!”
Các địa điểm giải trí này đều nằm không xa trường là bao! Các Thầy
cảnh cáo, la mắng đám học sinh bê bối, nhưng hình như các học sinh này có lỗ tai
cây, nên la hoài các Thầy cũng chán. Sau đó, mặc kệ mấy em muốn làm gì thì làm,
miễn là giờ các Thầy dạy, học sinh phải giữ im lặng, đừng đánh lộn, hay gây ra
những chuyện đáng tiếc, để phải bị gọi lên văn phòng cho giám thị phân xử là
coi như êm.
Vào lúc đó có phong trào học sinh làm thơ, viết văn, hát hò nở rộ
khắp các trường công lập cũng như tư thục, nào là thi văn đoàn Bông Cỏ May, kia
là nhóm thơ Phượng Tím Buồn, chỗ khác là
nhóm văn nghệ Tuổi Hoa Niên, chỗ nọ bút nhóm Tuổi Ô Mai, rồi ban Văn Nghệ Đường
Sáng, Tuổi Hồng,Tia Hy Vọng…Nói chung thi văn đoàn, nhóm, ban văn nghệ mọc lên
như nấm. Không biết trong chốn văn đàn đó có em nào về sau này nổi danh như cồn
không?
Lớp Đệ Tam của tôi cũng theo phong trào văn nghệ xuất hiện một
nhóm thơ được đặt tên là nhóm “Hoa Cô Đơn” mà chỉ gồm vỏn vẹn có ba đứa là:
Trần Minh Cảnh, Nguyễn Phú Tuấn và tôi. Chúng tôi để tóc dài, tập phì phà, phì
phèo điếu thuốc Ruby Queen (giá ba đồng - bốn điếu), gương mặt lúc nào cũng tạo
cho mình ra vẻ lập dị, mơ mộng, thẩn thờ và vênh vênh tự đắc. Hàng tuần gặp
nhau một lần để phân chia công việc, phân công gửi bài cho các báo đăng, ai
viết gì? làm gì?đều đưọc phân nhiệm rõ ràng. Chiếc xe đạp cà rịch, cà tàng của
tôi, đôi khi chở ba để đi gửi bài cho các báo mà thấy thương cho con ngựa sắt
quá mỏng manh, có lần xe bị bể bánh, phải chia nhau vác về nhà, vì các văn nghệ
sĩ tài tử “mậu lúi” không có tiền để vá xe.
Trần Minh Cảnh và tôi không có gì gọi là xuất sắc hay nổi bật.
Riêng, Nguyễn Phú Tuấn có nhiều ưu điểm hơn hai đứa tôi về mọi mặt như: đẹp
trai, hát hay, làm thơ giỏi, viết chữ đẹp và nói chuyện rất có duyên. Trong một
lần lớp tổ chức cây mùa xuân vào dịp Tết, Tuấn đã làm các Thầy và bạn cùng lớp
ngạc nhiên khi nghe Tuấn hát "Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của nhạc sĩ
Tô Vũ và“Gửỉ Gió Cho Mây Ngàn Bay” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Giọng ca của Tuấn rất tuyệt vời, điêu luyện như ca sĩ nhà nghề. Tôi tin rằng
những học sinh lớp Đệ Tam niên khoá 1964 - 1965 trường Tân Thạnh khó có thể nào
quên. Ngoài ra, các ca khúc tiền chiến khác, Tuấn hát cũng được chúng tôi
ngưỡng mộ, dù nhạc lý Tuấn hoàn toàn không biết gì hết!
Nhóm Hoa Cô Đơn hoạt động tương đối cũng nổi
đình, nổi đám. Ô Chữ, Câu đố, thơ, tùy bút, truyện ngắn được đăng rải rác trên
nhiều báo. Riêng thơ do Nguyễn Phú Tuấn sáng tác được chọn đăng đều trên Nhật
Báo Chính Luận của Bác Sĩ Đặng Văn Sung và một vài tuần báo như: Ngôn Luận, Tuổi
Hoa, Tuổi Ngọc, Măng Non...
Triều Vũ là bút hiệu mà Nguyễn Phú Tuấn ký trên các bài
thơ do Tuấn sáng tác. Thơ của Tuấn thường nói về Đời Lính, ca ngợi những mối
tình của em gái ở hậu phương với anh trai nơi tiền tuyến và về cuộc sống di
chuyển nay đây, mai đó của người lính chiến phong trần, nhiều khi lỡ đi không
kịp về. Lúc đó Tuấn không hề có kháí niệm về quân trường hay quan tâm gì đến
chuyện lính tráng, vì Tuấn là con trai duy nhất trong gia đình, nên có đủ điều
kiện miễn hoặc hoãn dịch.
Khi lên Đệ Nhị thì nhóm Hoa Cô Đơn tự động giải
tán, vì chúng tôi không còn học chung và không còn dịp gặp nhau nữa! Sau Tết
Mậu Thân năm 1968. Lệnh tổng động viên ban hành. Cảnh được tạm hoãn dịch vì lý
do học vấn. Tuấn và tôi cùng gặp nhau ở Quân Trường Thủ Đức. Tôi rất ngạc
nhiên và hỏi Tuấn: “Tại sao Tuấn lại có mặt ở đây, vì Tuấn là con trai một, đủ
điều kiện để hoãn hay miễn dịch đâu cần phải nhập ngủ?” Tuấn cho biết thích đời
sống quân ngủ, thích đi đây, đi đó. Bây giờ, hầu hết các bạn đều lên đường nhập
ngũ tòng quân bảo vệ tổ quốc, chẳng lẽ mình ở ngoài với đời sống dân sự cũng
thấy áy náy, kỳ kỳ. Thế là Tuấn phải năn nỉ mẹ nhiều lần. Cuối cùng, bà đành
phải đau lòng đồng ý cho đứa con trai duy nhất của mình chọn nghiệp binh đao
nhiều dữ hơn lành.
Tuấn và tôi cùng nhập ngủ khoá 7/68. Tuấn đi Bộ Binh, còn tôi tình
nguyện vào Không Quân. Lúc đó Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ở Nha Trang không
đủ chỗ để huấn luyện và cũng vì nhu cầu cấp bách theo sự bành trướng và
phát triển của Quân Chủng Không Quân, nên Bộ Tư Lệnh Không Quân gửi chúng tôi gồm
260 khoá sinh Không Phi hành và Phi Hành học giai đoạn một ở Trung Tâm Huấn
Luyện Quang Trung và giai đoạn hai ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp
mang cấp bậc Chuẩn Úy.
Những ngày còn thụ huấn ở quân trường, hai chúng tôi vẫn thường
gặp nhau. Khi thì ở Câu Lạc Bộ Minh Nguyệt, lúc ở khu sinh hoạt, hoặc về phép
cuối tuần cùng nhau đi uống cà phê Hân hay Duyên Anh ở Đa Kao, hoặc Thu Hương
gần Nhà Thờ Tân Định. Cả hai cùng nhắc lại những kỷ niệm lúc học lớp Đệ Tam và
hy vọng có dịp sẽ cho tái hoạt động nhóm Hoa Cô Đơn.
Thời gian thụ huấn ở quân trường trôi qua rất nhanh. Tháng Tư, năm
1969 là lễ mãn khoá tốt nghiệp ra trường. Tuấn về trình diện Sư Đoàn 7 Bộ Binh,
thuộc Trung Đoàn 10, còn tôi trình diện Đại Đội Hành Dinh Không Quân để chờ đi
học Anh Văn. Chúng tôi chưa có dịp nào gặp lại thì chỉ vài
tháng sau, tôi nhận được tin Tuấn tử trận ở chiến trường Mộc Hoá. Sự ra đi
vĩnh viễn của Tuấn, để lại nỗi khổ đau vô vàn cho thân mẫu Tuấn, gia đình, bà
con và bạn hữu trong đó có tôi.
Bạn Tuấn của tôi ra đi quá trẻ ở tuổi hai mươi mốt,
“Kẻ ra đi ươm nhiều ước mộng.
Người ở lại hoài vọng tiếc thương”
(Hai câu thơ này tôikhông rõ tác giả). Tôi tình cờ đọc được trên
mộ bia của một phi công Không Quân Việt Nam Cộng Hoà ở Nghĩa Trang Mạc Đỉnh Chi
trước năm 1975. Lúc đó tôi đến thăm mộ một người bạn cùng khoá đang nằm yên
nghĩ nơi đây. Bạn tôi là một phi công trực thăng gan dạ đã hy sinh trong một
phi vụ trên vùng trời biên trấn, nơi chỉ đi năm phút đã trở về chốn cũ.
Nhắc đến Pleiku thì những
ai đã từng đến đây khó có thể quên con đường Hoàng Diệu, khu Chợ Mới, vòng quay
Diệp Kính, xóm đạo Đức An, Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng hay còn gọi là Vũ Trường Phượng
Hoàng, Trường Nữ Trung Học Pleime, Trường Bán Công Phạm Hồng Thái nằm trên đuờng
Trịnh Minh Thế, mà vào giờ tan học các tà áo trắng nữ sinh phất phơ trước gió làm
rung động những “Con tim chân chính không bao giờ biết nói dối” của các chàng lãng
tử lính xa nhà.
Nơi cũng có nhiều quán cà phê dễ thương: Văn, Băng, Thương, Tay Trái... Đặc biệt, cà
phê bình dân Dinh Điền nổi tiếng với buổi sáng trời mù sương, dưới cơn mưa bụi
lất phất, hai tay bỏ trong túi áo Field Jacket, thả bộ từ từ, chậm rãi ngược lên con dốc nhỏ trên
đường Hai Bà Trưng trong khu dinh điền nơi quán toạ lạc. Nghe gió thổi nhè nhẹ,
vi vu, hít thở mùi cà phê thoang thoảng quyện theo gió làm cho những đệ tử trung
thành của cà phê cũng phải ngây ngất theo hương vị đặc biệt này. Ngoài ra, cũng
phải kể tới quán cơm gà Ngọc Hương với món thịt gà luộc chấm mắm gừng độc đáo.
Có thể nói là không có bất cứ quán cơm gà nào khác so sánh bằng!
Sau ngày Tuấn hy sinh, thỉnh thoảng tôi ghé thăm nhà Tuấn ở một
con hẻm nhỏ, ngang hông với Hồ Tắm Cộng Hoà, gần khu ngã tư Bảy Hiền để an ủi
thân mẫu Tuấn và đốt vài nén nhang cho bạn tôi. Mỗi lần như thế Bà đều sụt sùi
khóc, Bà ôm chầm lấy tôi vì thương nhớ con, làm nước mắt tôi lúc này cũng tự
nhiên tuôn trào theo. Lâu lâu tôi cũng chạy Honda lên thăm mộ Tuấn ở Nghĩa
Trang Quân Đội Biên Hoà.
Sau ngày 30 tháng 04, năm 1975, vì hoàn cảnh tôi
mất liên lạc với gia đình Tuấn. Đến khi có điều kiện, nhiều lần tôi trở về tìm
lại con hẻm nhà Tuấn, nhưng nơi đây bị xoá hẳn, không còn dấu vết gì để lại. Có
thể nói là thay đổi hoàn toàn. Bây giờ, những người từ đâu dọn đến. Họ xây dựng
nhà mới nhiều quá! Hỏi thăm bà con ở đây, nhưng không một ai biết một chút gì
về con hẻm ngày xưa của bạn tôi.
Hôm nay, tình cờ tìm thấy trong trang sách cũ, những bài thơ do
Tuấn sáng tác, lúc chúng tôi cùng học chung dưới mái trường Tân Thạnh. Tuấn đã
dùng viết với mực đen để viết tặng tôi, nét chữ phóng khoáng rất đẹp, bay bướm,
thật sắc bén, dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng mà vẫn không phai mờ theo bụi
thời gian. Ngẫm lại, mới đó mà đã hơn năm mươi năm. Lòng tôi bùi ngùi, xúc
động, tôi vẫn tưởng như đang ngồi dưới mái trường thân yêu, bao nhiêu kỷ
niệm thuở học trò đột nhiên lần lượt trở về. Ôi! tuổi hoa niên thật đẹp và sao
hồn nhiên quá!
Trong thời gian học chung dưới mái trường Tân Thạnh, chúng tôi
cũng chơi thân với một người bạn, nhưng anh chàng này không thích thơ với thẩn.
Mỗi lần gặp mặt chúng tôi anh thường trêu chọc “Thân chào các bạn nhóm “Hoa
Ngứa Dại”của tôi.” Cầu chúc các bạn nổi tiếng và thành công trên văn thi đàn
miền Nam, để cho tôi dựa hơi và hãnh diện một chút.” Rồi bạn nói thêm như thầm
nhắc nhở “Liệu mà lo học nhé!” Năm sau đến lớp thi rồi đó! Lạng quạng là đơ dèm
cùi bắp, hay đeo cánh gà chiên bơ. Tuy nhiên, anh luôn luôn ủng hộ mọi sinh
hoạt của chúng tôi. Đó là Nguyễn Tiến Thụy.
Nhà Thụy ở tận chợ Thị Nghè, đến trường bằng phương tiện lô ca
chân. Nhìn tướng tá bên ngoài có vẻ lè phè, nhưng là học sinh giỏi trong lớp.
Vào lớp chỉ vỏn vẹn có hai quyển tập học trò, nhét sau túi quần. Vậy mà vẫn ghi
chép đầy đủ bài giảng các môn học của các Thầy không sót một chữ nào.
Năm 1967, Thụy tình nguyện vào Không Quân, được gửi lên Trường Bộ
Bình Thủ Đức học giai đoạn một, thuộc khoá 27. Sau đó ra Trung Tâm Huấn Luyện
KQ Nha Trang thụ huấn tiếp giai đoạn hai, thuộc tài khoá SVSQ/KQ/68B, rồi đi du
học Hoa Kỳ để được huấn luyện trở thành Phi công lái A-1 Skyraider. Tốt nhiệp về nước, đơn
vị đầu tiên là Phi Doàn 514 (Phượng Hoàng) ở Biên Hoà, sau đó thuyên chuyển lên
Pleiku thuộc Phi Đoàn 530 (Thái Dương.)
Trong một lần công tác huấn luyện ở Pleiku để hướng dẫn thực tập
Nghênh Cản Giả Tạo bằng máy T2 và T4 cho các Sĩ Quan Điều Không thuộc Đài Kiểm
Báo 921, còn có tên là Peacock, tôi ghé cư xá Sĩ Quan Độc Thân thăm Thụy, bạn
cho tôi xem cái chốt của chiếc dù mà bạn nhảy dù vừa thoát chết trong một phi
vụ vào ngày 27 tháng 05, n ăm 1972 khi bay yểm trợ cho quân bạn ở Kontum
đang bị địch bao vây và tấn công. Chiếc A-1 do bạn lái từ trên cao nhào
xuống bắn Rockets thì bị phòng không địch bắn cháy bên cánh trái, chỗ chứa đạn
Đại Bác 20 ly. May mắn, Ơn Trên che chở, nên nhảy dù thoát hiểm và được trực thăng
đến cứu kịp thời. Có thể nói cuộc đời phi công lái khu trục của Thụy rất gian
nan, nguy hiểm và nhiều lần vào sanh, ra tử.
Sau này tôi không có dịp gặp lại Thụy, chỉ nghe nói bạn bay phi vụ
vào sáng ngày 29 tháng 04, năm 1975. Phi tuần gồm hai chiếc A-1 do Thiếu Tá Hồ
Ngọc Ấn hướng dẫn và Thụy cất cánh từ Cần Thơ về Sàigòn để yểm trợ cho đơn vị bạn
đang cần tiếp cứu. Trên đường gần sắp đến mục tiêu thì nghe trên tần số báo
nguy 243.0 cho biết Tinh Long 7 do Trung Úy Trang Văn Thành làm Trưởng phi cơ
bị trúng SA-7 gần phi trường Tân Sơn Nhất. Chiếc phi cơ AC-119K rơi như chíếc
cầu lửa từ trên bầu trời xuống đất. Toàn thể phi hành đoàn tử nạn. May mắn, chỉ
có một hạ sĩ quan nhảy dù ra được và rơi xuống đất bị trọng thương.
Sau phi vụ cuối cùng này, Thụy cùng một số đồng đội cất cánh di tản
sang Utapao, Thái Lan ngay sau đó bằng những chíếc A-1 còn khả dụng. Coi như đây
là phi vụ chấm dứt cuộc đời bay bổng của Thụy và các chiến hữu lấy gió mây ngàn
và lửa đạn làm bạn đồng hành.
Cách đây vài năm, Thụy đọc loạt bài Tân Định và Đa Kao của tôi
trên Cánh Thép, thấy tên tôi, nhưng không chắc? Sau đó Thụy Email hỏi có phải tác giả hồi xưa
học trường Tân Thạnh không? Thế là chúng tôi nhận ra nhau, sau nhiều năm mất
liên lạc.
Nhắc đến Thụy để nhớ lại một kỷ niệm. Lúc đó Tuấn, Thụy và tôi
thường hay nghỉ học hai giờ cuối Sinh Ngữ phụ vào ngày Thứ Sáu. Cả ba kéo đến
Đài Phát Thanh Quân Đội ở đường Hồng Thập Tự, dưới chân cầu Thị Nghè để xem
thâu thanh chương trình “Quân Nhân Vui Sống” do ca sĩ Tâm Đan phụ trách. Ca sĩ
Tâm Đan là chị bà con với Tuấn. Chương trình này được thâu thanh vào ngày này,
sau đó sẽ phát lại vào mỗi chiều Thứ Bảy cuối tuần. Có thể nói, ngoài chương
trình Dạ Lan nổi tiếng, thì chương trình “Quân Nhân Vui sống” cũng được hầu hết
các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cũng như bà con khắp nơi khích lệ và
khen ngợi. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời góp giọng hát. Có một lần ca sĩ Tâm
Đan xếp cho tôi hát liên khúc “Ngày Anh Đi & Anh Về Với Em” của nhạc sĩ
Trần Thiện Thanh. Tình cờ, Ca Nhạc Sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh đang phục
vụ ở phòng chương trình của đài ghé phòng thâu thanh thăm nữ ca sĩ Thanh Thúy đang
có mặt ở đây. Khi nghe tôi hát, anh khen “Em hát có nét lắm đó!” Từ đó, tôi xem
anh là thần tượng. Anh thường ký tặng cho tôi các nhạc phẩm do anh sáng tác
trên ấn bản đặc biệt, giấy trắng láng, chỉ tặng và không bán. Hiện tôi vẫn
còn giữ những kỷ niệm quý báu này được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng và giữ gìn kỹ
lưỡng như một báu vật.
Rất tiếc, không có duyên với nghiệp cầm ca, dù rằng tôi là một
trong mười thí sinh trúng cách cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ do Đài Phát Thanh tổ
chức ở rạp Quốc Thanh năm 1965. Trong số mười thí sinh năm đó thì chín thí sinh
xuất thân từ các lò nhạc có tên tuổi, có tầm vóc như: LMB, BT, Ban Việt Nhi của Nhạc Sĩ NĐ. Còn tôi
thì trưởng thành từ lò bánh cuốn tráng hơi của Bà Thọ, hẻm 58 - Xóm Giếng -Yên
Đổ -Tân Định. Theo tôi được biết, chỉ có Ca Nhạc Sĩ Tấn An, thí sinh đậu thủ
khoa là còn theo đuổi sự nghiệp ca hát và sáng tác cho đến năm 1975. Anh Tấn An
phục vụ trong Ban Văn Nghệ Cảnh Sát Quốc Gia, ban đêm anh vừa chơi đàn và hát
cho một phòng trà gần Đệ Nhất Khách Sạn -Tân Bình. Còn tôi, thỉnh thoảng đóng
góp giọng hát của mình trong các chương trình văn nghệ do đơn vị tổ chức vào dịp Quốc Khánh, tiệc
tất niên, kỷ niệm ngày thành lập đơn vị hay giúp vui cho thương bệnh binh ở các
Trung Tâm Hồi Lực và Quân Y Viện.
Bây giờ đang ở San José, đôi lúc tôi cũng góp giọng hát đến với các
hội đoàn địa phương, tiệc tùng, cưới hỏi, hội ngộ khoá, dù giọng ca của “tài
năng già” chưa bao giờ lên, nên không bao giờ xuống đã đến lúc về chiều, mà vẫn
còn “Yamahamvui” không biết đến bao giờ mới tắt tiếng?
Xin được viết vài hàng để nhớ về một người bạn thuở thiếu thời,
nhớ về tuổi hoa niên thơ mộng cắp sách đến trường với nhiều ước mơ. Giờ đây
Nguyễn Phú Tuấn đã ở một nơi thật xa. Bạn đã an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, nơi
không có hận thù, chiến tranh hay giai cấp, mọi người đều được đối xử với nhau
bình đẳng.
Phần chúng tôi thì cũng đang xếp hàng đếm một, hai, ba, bốn bước
đi về phía trước và chẳng còn bao lâu sẽ gặp lại bạn ở cuối trời, chân mây.
Hãy chờ đón chúng tôi nhé!
Trần Đình Phước -
San José, California
(Xuân Bính Thân - Năm 2016)
**** Tên các Nhạc Phẩm trước năm 1975
|
Tuesday, February 2, 2016
Người Bạn Thời Niên Thiếu
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Bác Phước năng nỗ thật! Hôm qua đọc trên báo Việt Mỹ (xuất bản tại Orange County/California) trong mục Lai Rai...Chuyện Sài Gòn có đăng một bài viết "Nhớ về Tân Định & Đa Kao" của Trần Đình Phước. Khâm phục bạn ta!
ReplyDeleteBác Phước năng nỗ thật! Hôm qua đọc trên báo Việt Mỹ (xuất bản tại Orange County/California) trong mục Lai Rai...Chuyện Sài Gòn có đăng một bài viết "Nhớ về Tân Định & Đa Kao" của Trần Đình Phước. Khâm phục bạn ta!
ReplyDelete