Wednesday, July 31, 2019

Con Diễm - Thằng Dũng

Tạp Ghi

Diễm


Con Diễm vừa tìm được Thằng Dũng.

Đây không phải là hai nhân vật trong một quyển tiểu thuyết nào đó của Duyên Anh đâu nhé quý vị.

Chúng chỉ là hai đứa trẻ hàng xóm ở đối diện nhà nhau trong một con hẻm nhỏ đường Đặng Dung, Quận Nhất tại Saigon năm nào.

Năm Con Diễm dọn về căn nhà số 17 đường Đặng Dung thì nó mới khoảng 10-11 tuổi. Bố nó lên đường vào tù cải tạo nên mẹ con nó phải về nương nhờ nhà ngoại. Ngôi nhà nhỏ đó đã gắn bó với nó biết bao kỷ niệm cho đến khi bố nó trở về, rồi cho tới khi gia đình nó lên đường qua Mỹ tái định cư theo chương trình HO vào tháng 8, 1991.

Lúc đó, Thằng Dũng cũng trạc tuổi nó. Gia đình hai đứa vốn biết nhau từ một, hai thế hệ trước. Từ ông bà chúng, xuống đến bố mẹ, chúng nó là thế hệ tiếp nối của mối quan hệ hàng xóm thân thiết đặc trưng của văn hoá Việt Nam.

Không biết hiện tại như thế nào, chứ thời đó hàng xóm ở Việt Nam thân nhau lắm, “tối lửa tắt đèn” là có... hàng xóm.

Chả là vì những ngôi nhà san sát nhau trong một con hẻm nhỏ thường có chung một bức vách - "Tai vách, mạch rừng." Nhà bên này nói gì, nhà bên kia có thể nghe hết. Nhà bên này nấu món gì nhà bên kia cũng ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng.

Huống chi là Diễm và Dũng ở đối diện nhà nhau.

Lúc ấy, cả hai đứa đều không có bố.

Lúc ấy, cả hai đứa đều non nớt và không hề có khái niệm gì về hai ông bố của chúng cũng chính là hai người bạn đồng môn được đào tạo cùng một khoá từ ngôi trường quân sự danh tiếng của Việt Nam thời bấy giờ: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt - Khóa 17 Lê Lai, 1963.

Lúc ấy, chúng đều là những đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu vắng cha. Vì vậy, chúng có cùng một mong ước: sự trở về của người cha.

Con Diễm thì biết rõ là bố nó đang ở trong tù Cộng Sản ở một nơi rất xa xôi và cực khổ. Mẹ nó đã dắt chị em nó đi thăm bố mấy lần, có lần phải đi bằng tàu hoả.

Lần đó suýt nữa nó bị lạc mất một đứa em trai bởi vì tàu chỉ dừng tại mỗi bến có một vài phút mà người lên kẻ xuống chen chúc xô đẩy nhau thật kinh khủng. Khi tàu chuyển bánh, thằng cu Đạt em nó bị kẹt lại trên tàu. Mẹ nó sợ hãi cố níu lấy bàn tay bé xíu của thằng con nhất định không buông, cho dù bị bà bán bưởi mang đôi quang gánh thật to đạp lên mặt đau điếng. Mẹ nó phải hét toáng lên "Cứu con tôi!" và dùng hết sức bình sinh để kéo thằng bé xuống kịp thời. Hiểm hoạ mất con chỉ cách có một sợi tóc!

Thằng Dũng, đáng thương hơn, vì nó không biết bố nó đang ở đâu. Nó chỉ biết bố nó là một "Chiến Sĩ Anh Hùng MIA" (Missing In Action) vì đồng đội của bố nó sống sót trở về kể lại cho gia đình nghe gương can trường của bố nó trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Lúc ấy, mẹ nó đang mang thai đứa em gái út. Có lẽ nỗi nhớ thương chồng ám ảnh người mẹ đau khổ của nó trong từng giấc ngủ suốt thai kỳ nên em gái nó khi chào đời đã được mẹ đặt cho một cái tên được ghép bằng chữ "Mộng" (chữ đệm của tên bố nó) cùng với hai chữ "Hoài Quân" (nhớ chồng!)

Vậy mà bọn con nít hàng xóm ngày ấy, bao gồm cả Con Diễm, thật là đáng ghét! Chúng cứ giễu con bé em nó bằng cách gọi trại ra thành "Mông Ngoài Quần" làm cho con bé phải bật khóc tấm tức mà đâu hiểu được nỗi lòng người mẹ.

Mẹ nó không bao giờ tin là bố nó đã chết. Trong lòng mẹ nó, bố nó vĩnh viễn là một Người Hùng và... sẽ trở về!

May mắn thay, cả hai đứa đều có người mẹ tuyệt vời.

Mẹ của Thằng Dũng rất đảm đang và tháo vát, dường như món gì mẹ nó nấu đều ngon, nhất là món "phở," vì vậy mà mẹ nó cày cục gom góp vốn liếng mở được một quán phở nho nhỏ trong thành phố. Công việc buôn bán nấu nướng khiến bà bận rộn và hay vắng nhà.

Tuy nhiên, điều làm cho Thằng Dũng bực nhất là trước khi đi, mẹ nó cứ nhốt anh em nó trong nhà và khoá trái bên ngoài rồi mang chìa khóa sang gởi bên nhà Con Diễm với lời dặn dò "Rủi có chuyện gì..."

Nó bực lắm! Bởi vì những lúc như vậy chị em Con Diễm cứ hay le lưỡi trêu nó và ánh mắt ranh mãnh của Con Diễm cứ nheo nheo nhìn nó giễu cợt.

Nó ấm ức!

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm

Hic!... Nó đồng cảm với nỗi ấm ức của "Ông Ba Mươi" trong bài thơ "Nhớ Rừng" của Thế Lữ hơn ai hết!

Nó bèn nghĩ cách. A! con gà mái của nó nuôi bấy lâu bỗng... đẻ trứng vàng.

Nó đứng bên trong song cửa sắt dụ khị:

- Ê! Diễm. Sang nhà tao chơi không? Gà tao đẻ trứng, mình chơi làm bánh đi!

Mặt Con Diễm vênh lên, nói:

- Thôi đi! Không được đâu. Mẹ mày mà biết la tao chết!

Thằng Dũng... "ủ mưu":

- Sao mẹ tao biết được? Mày mở cửa vào rồi tụi mình làm bánh. Khi nào xong mày "nhốt" tao lại, làm sao mẹ tao biết được?

Nó bồi thêm:

- Bánh bột mì nhồi trứng ngon lắm đó nha!

(Ha ha! Nó biết Con Diễm có tới mấy cái "nốt ruồi ham ăn" trên mặt mà - phen này khó đỡ nhá!)

Quả thật, Con Diễm bị trúng kế, nuốt nước bọt đánh "ực," nhưng cũng làm bộ gãi đầu ra chiều suy nghĩ:

- Ừa, thôi cũng được. Một lần thôi nha!

Thế là mấy đứa nhóc hàng xóm có một buổi trưa hè đúng kiểu "vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm." Chúng nhồi nhào món bánh bột "bảy món" với tất cả tài nghệ non trẻ của chúng và tất nhiên là tấm tắc, xuýt xoa khen ngon.

Sau đó, Con Diễm chùi mép, chùi tay sạch sẽ, nó "nhốt" anh em Thằng Dũng lại theo kiểu "vũ như cẩn" và chuồn về nhà êm re như chưa hề xảy ra chuyện gì.

Tuổi thơ của chúng trôi qua mau trong cái bối cảnh giao thời của nước Việt đầy khốn khó, cho đến ngày gia đình Thằng Dũng lên đường qua Mỹ do người dì của nó đứng đơn bảo lãnh.

Hôm đó là một ngày buồn hiu hắt. Thằng Dũng phải cõng trên lưng người mẹ đã lả đi vì khóc, đưa mẹ nó lên xe ra Phi Trường Tân Sơn Nhất. Cuộc chiến với Cộng Sản đã cướp đi người cha của nó, và cho đến giờ phút cuối cùng trên quê hương, những con người gian xảo do chế độ Cộng Sản sản sinh ra lại tiếp tục cướp trắng ngôi nhà mà lẽ ra đã trở thành chút vốn liếng cho mẹ góa con côi gầy dựng cuộc sống trên xứ người.

Hai đứa hoàn toàn mất liên lạc từ đó.

Mãi cho đến hơn ba mươi năm sau, một hôm, Con Diễm được các chú bác trong Khóa 17 Võ Bị giao cho nhiệm vụ tổ chức một buổi hội ngộ hai thế hệ. Nó lướt qua quyển Kỷ Yếu Khóa 17 của bố nó và chợt dừng lại nơi tấm hình thân phụ của Thằng Dũng. Nó chợt nhớ cậu bạn hàng xóm thuở thiếu thời và phải ra sức lùng kiếm vòng vèo nửa vòng trái đất mới có được số phone của Thằng Dũng.

Tim nó đập mạnh khi nghe giọng nói thằng bạn tinh nghịch năm nào giờ đây đã trở thành giọng một người đàn ông vững vàng và ấm áp.

Chúng trao đổi với nhau biết bao là chuyện xưa, chuyện nay, khoe nhau hình ảnh gia đình đuề huề của mỗi đứa.

Câu chuyện của chúng chắc cũng giống như câu chuyện của bao nhiêu nhóc tì khác trong xã hội Việt Nam thời đó. Vậy mà giờ đây, sau 36 năm gặp lại, những giá trị cảm xúc quý báu về tuổi thơ nơi quê hương vẫn như nước sông dâng đầy trong lòng chúng.

Chợt! Thằng Dũng gửi qua một dòng tin nhắn:

"Mấy cái nốt ruồi trên mặt còn không ta?"

Trời! Ha ha...

Diễm - 7/30/2019



Wednesday, July 24, 2019

Tân Niên Đinh Dậu 2017

Gia Đình 7/68 KQ

Tiệc Tân Niên

Tuổi mình còn mấy mùa Xuân,
Thời gian còn lại, phải cần gặp nhau.
Kẻo không mai mốt về chầu,
Thiên đàng, địa ngục biết đâu mà tìm.
Hôm nay trong tiệc tất niên,
Mọi người hớn hở chúc mừng với nhau.
Chúc mày khỏe mạnh sống lâu,
Trăm năm cho đến bạc đầu vẫn vui.
Chúc các chị mãi xinh tươi,
Luôn luôn hạnh phúc bên người chồng ngoan.
Mùa Xuân còn được mấy lần,
Tiệc vui hãy đến, nỗi buồn bỏ qua.
Cùng nhau họp mặt hát ca,
Anh em khóa 7 một nhà thân thương.

Phạm Minh Hoa

Mùa Xuân Đầu Tiên

Hồ Viết Yên

& Nội Tướng

( Video by Nguyễn Giang )



Gạo Trắng Trăng Thanh

Sáng tác: Hoàng Thi Thơ

Hát: Hoàng Anh & Trần-Công Anh-Dũng

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Câu Chuyện Đầu Năm

Sáng tác: Hoài An

Hát: Violet Thủy Hoàng (chị Đặng Trần San)

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Ngàn Thu Nhai Gạo Lức

Trình bày: Trần Công Anh Dũng

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Mộng Đêm Xuân

Sáng tác: Tuấn Khanh

Hát: Thanh Giang



Tiếng Dương Cầm

Sáng tác: Văn Phụng

Hát: Hoàng Anh

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Mùa Hoa Anh Đào

Sáng tác: Thanh Sơn

Hát: chị Mỹ Khanh & chị Thúy Anh

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Tiếng Sáo Thiên Thai

Sáng tác: Phạm Duy

Hát: chị Phương Dung, chị Duyên Hà, HKN

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Đầu Xuân Lính Chúc

Sáng tác: Tấn An & Hoài Linh

Hát: Tạ Kỳ Linh & Trần Ngọc Minh

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Em Yêu Dấu

Sáng tác: Hoàng Khai Nhan

Hát: Tác Giả & Bé Ơi

( Video by Nguyễn Giang - Video Assistant Hồ Viết Yên )



Ly Rượu Mừng

Sáng tác: Phạm Đình Chương

Hát: Gia Đình 7/68 KQ

( Video by Hoàng Khai Nhan )



Còn Nữa...

Please Come Back For More!...




Nhớ Bạn Cũ

Tùy bút

Phạm Minh Xuân


Để nhớ về 7/68 Lê Văn Độ


Phạm Minh Xuân (ngồi giữa) Lê Văn Độ (người ngồi bên phải) và các bạn bay.

Tôi là chứng nhân của những chuyện xẩy ra ở Phi Đoàn 530 thời 1971-1974.

Trong Phi Đoàn 530 trước khi có Thiếu Úy Vĩnh Thuận về (1973) thì chỉ có Lê Văn Độ và tôi là dân Huế chính cống bị thuyên chuyển lên Pleiku cùng một lúc. Trong Phi Đoàn thường hay trêu chọc hai thằng tôi là dân 'Huệ' mà bày đặt đi Không Quân và bay 'Khù-Trục'(?) không trách gì bị tống cổ lên ‘Plề-Cu’ vì thiếu ‘piston’.

Hồi đó trong 3 phi đoàn khu trục còn lại của KQVNCH 514, 518, và 530 hầu hết là người Nam và Bắc. Hai phe nầy kèn cựa và chơi nhau hằng ngày. Chỉ có mấy thằng Huế thủ phận con rơi con rớt, làm... thinh và suốt ngày làm... tầm bậy cho đỡ buồn!

Bên cạnh người bạn nối khố trong quân trường của Lê Văn Độ là Nguyễn Văn Trường ra, tôi cũng là một thằng bạn Huế gốc 7/68 chí thân của Lê Văn Độ trong cuộc đời bay bổng. Độ đã gắn liền với tôi từ khi ở trong trường bay cho đến khi Độ được hạ huyệt.

Độ cùng đi Mỹ và được sắp xếp vào cùng 'K' Flight với tôi ở trường bay Keesler AFB (MS.). Ra trường Độ có điểm 'academic' và tôi có điểm 'flying' cao của 'K' Flight vì vậy hai thằng là hai candidates duy nhất của 'K' Flight... bị chọn đi Skyraider, vì hồi 1969-1970 US-Navy bắt đầu chính thức chuyển giao toàn thể Skyraider cho USAF và USAF phải mở trường tự huấn luyện Skyraider cho USAF ở ngay tại S.O.G Center / Hurburt Field (Eglin AFB, FL.).

Bốn khóa trước bọn tôi (71-01; 71-02; 71-03; 71-04 - See attached pictures) Pilot bị ra cỏ và đập máy bay khá nhiều cho nên trước ngày Class 71-05 bọn tôi mãn khóa, Col. Yeally và Staff của ông ta đích thân bay qua Keesler AFB cho đám T-28 Instructor Pilots biết là Trường Huấn Luyện A-1 không muốn nhận graduated-pilot 'yếu' nữa!

Trong dịp nầy, để khuyến khích và động viên tinh thần, đám nầy cho tôi và Độ leo lên 'tham quan' hai chiếc AD-5 đồ sộ, dơ bẩn và 'ugly SOB' bám đầy dầu mỡ mà họ đã dùng để bay qua Keesler. Không ngờ họ đã làm tôi và Độ quá 'khủng' và muốn đái trong quần luôn! Lòng buồn rười rượi vì cái dơ dáy và uy hiếp tinh thần của chiếc A-1. Không biết với trình độ hơi non tay lái, mới ra trường của mình, rồi có thể chế ngự được con 'trâu điên' nầy chăng?! (USAF called it 'A DUMP TRUCK')

Về Pleiku Tôi còn được 'adopted' bởi các tay đàn anh cô hồn các đảng: Phạm-Văn-Thặng 'Fulro', T.K.Long 'Lăng Quăng', Phúc 'Gandhi', Phùng 'Django' v.v... để tiếp tục quậy và say sưa vô kỷ luật. Còn Độ thì rất hiền từ và chừng mực. Độ cực kỳ chăm chỉ trong việc bay bổng. Trời xấu là thầy mang DASH-1 ra thầy đọc để toan tính học thuộc lòng luôn cả Emergency Procedure section. Tuy khác lối sống nhưng hai thằng tôi rất thương nhau. Có lẽ là vì có chung Huế và 7/68 DNA, và ở chung phòng.

Độ và tôi 'shared' chung một phòng ở cư xá của Mỹ để lại cho PĐ-530 trên đồi cao phía Bắc của căn cứ nhìn xuống phi-đạo, ATC Tower và Tarmac của 2 Phi Đoàn Trực-Thăng.

Đêm đầu tiên sau khi Độ bị tai nạn (See the last attached picture) người ta đem bộ đồ bay của Độ từ bệnh xá về quăng vào dưới gường của Độ. Mùi khét của da thịt Độ làm tôi không thể nào ngủ được, phải vác mền mùng qua phòng của Tiến Chỉnh ngủ.

Sáng sớm hôm sau, được tin Độ đã qua đời tại Long Bình, Phi Đoàn Trưởng Tr/T Mười 'Lung' kêu tôi vào và yêu cầu tôi đem thi hài Độ về Huế để lo một đám tang thật đàng hoàng cho Độ.

Tr/T Mười 'Lung' bảo: "Tôi biết ông anh rể của anh là Đ/T Tôn-Thất-Khiên làm Tỉnh-Trưởng Huế. Anh ráng làm đám tang cho anh Độ càng trịnh trọng chừng nào càng tốt chừng đó để gia đình của người anh em Jupiter chúng ta được vui lòng và thỏa nguyện".

Ông thân sinh của Độ rất thật thà và chất phát giống như Độ. Khi tôi gặp và xin được biết ước nguyện của gia-đình thì ông cụ cho biết chỉ muốn lúc hạ huyệt có được một dàn kèn của ban quân-nhạc tiểu-khu thổi bài Chiêu Hồn Tử Sĩ.

Ngày hạ huyệt 2 GMC với đầy đủ kèn trống của Tiểu Khu đã làm ông cụ và bà con ở Bao-Vinh/Huế hãnh diện và vui lòng.

Kỷ niệm buồn vẫn không bao giờ quên: Những chiều gần Tết thật vắng lặng ở mọi công sở ở Biên Hòa. Tôi theo trực thăng đưa thi hài của Độ về Tử Sĩ Đường Tân Sơn Nhất. Từ Burn-Treatment-Center của Long-Bình Hospital, Trực Thăng dropped tôi xuống Tarmac Khu-Trục A-1 ở Biên Hòa AFB để tôi mượn xe Honda của 1 người bạn Khu-Trục 518 chạy đi ra Tòa Hành Chánh Tỉnh làm giấy khai tử cho Độ trước khi đưa Độ về Huế (vì Độ chết ở Long Bình chứ không phải ở Pleiku).

Phòng sở nào cũng có bàn thờ cúng kiến ngay trước cửa để rước Ông Bà về ăn Tết, chạy tìm người muốn hụt hơi mới xong 1 giấy khai tử có đủ chữ ký cho Độ.

Tối hôm đó tôi ngồi với ông cụ của Độ trong Tử-Sĩ-Đường cho tới 9:00 đêm. Thật là rợn người, không chữ nghĩa nào có thể diễn tả được cái khung cảnh ghê rợn nầy và lòng thương con vô bờ bến của một người cha.

Sau khi đem quan tài vào Tử-Sĩ-Đường, quan tài được kê lên hai 'con ngựa' gỗ thô sơ, một bát nhang và hai cây đèn cầy ở hai đầu quan tài. Mọi người đều biến mất chỉ còn lại hai bác con, một ông già đang đau khổ và một thằng pilot Khu-Trục, tay dao tay súng, trông oai phong lẫm liệt nhưng nhát gan, thỏ đế, sợ ma còn hơn sợ cọp.

Thú thật hôm đó tôi cũng không biết phải giải quyết sự việc bằng cách nào!? Rồi sau đây mình phải làm gì nữa đây?? (lần đầu tiên trong đời lo cho 1 thằng bạn mới chết, không biết mô tê gì cả!!!!).

Hôm đó quan tài của Độ là chiếc quan tài duy nhất trong căn phòng rộng lớn và ma quái của Tử-Sĩ-Đường. Sự đơn lẻ càng làm cho không khí lạnh lẽo hơn. Tiếng gió hú qua mái hiên ở đằng sau nhà càng làm cho khung cảnh thêm ghê rợn như những chuyện ma quái mà tôi đã đọc lúc còn nhỏ.

Hai Bác Con ngồi trong bóng tối của Tử-Sĩ-Đường. Cuối cùng tôi phải lên tiếng và hỏi: "Thưa Bác, Độ về tới đây là cũng tạm thời xong được một bước trước khi chiều mai máy bay C-123 đưa Độ về Huế. Vậy con xin mời bác về nhà con ở Chợ Lớn ngủ qua đêm rồi ngày mai mình trở lại".

Ông Cụ cám ơn và từ chối: "Tui muốn ngồi ở chỗ ni với con tui cho hết đêm ni, để hắn nằm một mình lạnh lẽo không đành. tui không đi mô cả. Tết 'dức' tui hiểu, anh đi về với gia đình đi rồi mai trở vô với tui cũng được".

Trong những tình huống như thế nầy mới thấy được tình cha thương con. Tôi chạy vội ra ngoài cổng Phi-Long mua một ổ bánh mì thịt và một chai xá xị cho ông cụ của Độ trước khi thắp một nén nhang khấn thầm với Độ: "Độ, mầy biết tau ham chơi nhưng tau đã đưa mầy về tới đây rồi, mầy cho tau chạy về thăm nhà một chút trong ba ngày Tết rồi ngày mai tao vô lại với mầy".

Vái xong ba vái là tôi đi lui, trông ông cụ ngồi một mình bên quan tài con, tôi không thể nào đủ mạnh để cầm lại nước mắt của mình vì kính phục lòng hy sinh và tình cao cả của Cha và Con.

Ngày hôm sau, sau khi giải thích cho ông cụ, tôi cho phép đục 4 lỗ trên quan tài (để release the pressure trong hòm lúc lên cao độ) để đưa Độ về Phú-Bài Huế và gác hòm 3 ngày 3 đêm trước khi hạ huyệt.

Có thể nói Độ là người bạn 7/68 mà tôi đã có duyên gắn bó nhất và dành nhiều thì giờ nhất cho nhau trong cuối cuộc đời binh nghiệp. Nhân một lỗi nhỏ trong bài viết của Hà 'cà-chớn' Trần-Ngọc Nguyên-Vũ mà tôi lại có dịp ngồi ôn lại một kỷ niệm xưa cùng chia sẻ với anh em. Cũng là một cái duyên để nhớ bạn cũ.

Phạm Minh Xuân














Lê Văn Độ (người đứng bìa phải) và bạn bè



Lê Văn Độ (người đứng bìa trái) và bạn bè



Máy bay của Độ bị tai nạn ở phi trường Cù Hanh, Pleiku.




Monday, July 22, 2019

Sunday, July 21, 2019

Monday, July 8, 2019