Saturday, September 12, 2015

Buổi Picnic Hè 2015

Của Cộng Đồng Việt Nam
Vùng Hoa Thịnh Đốn

Đào Hiếu Thảo

VIETV DC





Thursday, September 3, 2015

Nhìn Về Dĩ Vãng

Phan Minh


Hôm nay trời nắng đẹp với khung cảnh tấp nập của phi trường San Francisco, Nhơn đáp chuyến bay đi Nhật Bản để thăm con và dự lễ ra trường ngành luật của đứa cháu ngoại tại đại học Tokyo Nhật Bản.

Hành khách ai nấy cố tìm giấc ngủ trong khung cảnh chật hẹp trong cuộc vận chuyển này, Nhơn ngồi cạnh cửa sổ, dõi theo các đám mây bên ngoài với bao nỗi nhớ mông lung trong những chuỗi ngày còn bay bổng trong cuộc chiến mà chàng đã trải qua hơn 40 năm trước cho đến ngày tàn cuộc tháng tư 1975.

Sau khi mãn khóa tại các trường bay ở Hoa Kỳ vào cuối năm 1970 Nhơn và Thư về trình diện để nhận đơn vị, phi đoàn trực thăng bên bờ sông Hậu, phi đoàn Thần Chùy 211 tại Bình Thủy, Cần Thơ.

Nhớ lại những ngày lướt trên những cánh đồng, trên những con kinh với những bóng dừa, khung cảnh thật đẹp của những buổi sớm bình minh, hay những buổi chiều mặt trời che khuất ở chân trời, trong bối cảnh đẹp mầu ấy nơi đây cũng đầy dẫy những trận chiến khốc liệt. Như Thất Sơn, Kampong Trach, Mỹ An, Mộc Hóa, Chương Thiện, U Minh, Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Cà Mau v.v…

Thư và Nhơn đã từng bay những phi vụ đổ quân, hoặc bay trên những máy bay võ trang với 12 ngàn viên đạn đại liên của 2 cây súng 6 nòng và có trang bị các bó hỏa tiễn 7 hay 19 trái hai bên lườn tầu, và đôi lúc Nhơn bay những phi vụ tiếp tế hoặc tải thương từ những mặt trận khốc liệt đó.

Dòng đời cũng có những bạn đã nằm lại trên trận chiến trên con tầu đầy những vết đạn giao tranh. Chiến trận quanh vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, và Cao Miên có những lúc thật nóng bỏng, đôi lúc bay liên tục 2 hoặc 3 hợp đoàn 5 chiếc đổ quân vào trận địa, những ngày ấy, bay liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ, và phải ghé đổ xăng (hot-refueling) rồi cất cánh tiếp.

Có những trận đánh Nhơn và các bạn đáp ngay tại trận địa của địch quân, bất thần đến nỗi địch quân không ngờ tới, và họ chưa kịp chuẩn bị. Có khi Nhơn và các bạn đáp ngay trận địa để tải các tử thi của các bịnh sĩ được gói trong những Poncho đã nhiều ngày vì giao tranh liên tiếp không kịp để đưa về. Những phi vụ thả máy sona truyền tín hiệu và lấy tọa độ cho các đơn vị pháo binh. Những phi vụ xịt thuốc khai quang trong các vùng Thới Bình, Hải Yến cũng như rừng U Minh, bay với tốc độ chậm và sát đọt dừa để rải thuốc khai quang. Tham dự trận chiến Kompong Trach phía Bắc của Hà Tiên, hôm đó Hùng đi lead, Vượng và Nhơn đi trail trong hợp đoàn 5 chiếc tiếp tế xăng cho thiết giáp đang bị sa lầy tại đây, chuyến đầu tiên vào được trót lọt vì yếu tố bất ngờ, sau đó hợp đoàn phải về lại Hà Tiên để load thêm 10 thùng 200 lít xăng nữa, để đưa vào tiếp tế, vì lệnh bắt phải bay vào như lần trước nghĩa là yếu tố bất ngờ không còn nữa, và địch quân đã chờ sẵn trên tuyến đường bay trước, cho nên thất bại nặng, 3 chiếc bị bắn rớt, phi hành đoàn của Hùng đã chết và nằm lại trận địa, Vượng và Nhơn bay ra được sau khi đã đạp những thùng xăng cho thiết kỵ. Tầu bị bắn nhưng đã về đáp lại phi trường Tô Châu với 17 lỗ đạn từ cánh quạt đuôi lên tới phòng lái.

Một lần đổ quân bên bờ sông Cửu Long phía nam của Neck Loeang 30 dậm, dòng sông chẩy qua Phnom Penh và chẩy về vùng Tân Châu, Hồng Ngự của Việt Nam. Chiều hôm đó phi hành đoàn của Phú(Lọ) bị bắn và tầu đâm xuống nước sông Cửu Long.

Rồi cũng có những chuyến bay đêm sau một ngày dài hành quân mệt mỏi tàu của Nhơn cùng các bạn phải rời Cà Mau, vùng cuối lãnh thổ của Việt Nam, để bay đêm trong cơn mưa, Nhơn phải bay sà theo quốc lộ để nhờ ánh đèn leo loét bên dưới theo đường nhựa qua Bạc Liêu, Sóc Trăng để trở về Bình Thủy Cần Thơ.

Một lần Nhơn cùng Minh(Cưỡng) bay chiếc Xà Vương Charlie, chiếc trực thăng võ trang này vừa cất cánh phi trường 31 Cần Thơ để đến trình diện sư đoàn 7 của tướng Nguyễn Khoa Nam trong cuộc hành quân của sư đoàn 7, chiếc Xà Vương Charlie do Nhơn lái, tầu đầy xăng với 12 ngàn viên đạn cho 2 cây minigun 6 nòng trang bị hai bên hông tầu, phía bên dưới còn trang bị 2 pot rocket loại 19 trái mỗi bên, tầu khá nặng sau 15 phút bay ở cao độ 1500 bộ trên bầu trời của vùng mật khu Bình Minh, bổng dưng đồng hồ nhớt máy chính bị xuống nhanh và tầu bị tắt máy, Nhơn báo cho Ninh Vĩnh Lợi bay Xà Vương lead, là tầu bị tắt máy và phải đáp khẩn cấp, Nhơn giao việc goi Mayday cho Minh copilot, Nhơn quyết định gấp là phải bay ngược về hướng gần quốc lộ 4 để được an toàn hơn và tránh xa vùng mật khu này, khi tầu gần quốc lộ Nhơn thấy một đồn của nghĩa quân nên đã đáp autorotation spot landing trên ruộng nước, tầu khá nặng bình xăng gần đầy nhưng rồi cũng đáp được an toàn cho cả phi hành đoàn cũng như an toàn cho chiếc gunship với 38 trái rocket và full 12 ngàn viên đạn.

Một lần khác Nhơn cũng bay với Trần Thành Công con của đại tá Trần Thanh Bền bên Cảnh Sát, tầu gunship số 2 khi vào trục mục tiêu, tầu bị bắn trúng bình xăng, khói mù trời phải đáp khẩn cấp đằng sau xe thiết giáp cách mục tiêu chưa đầy 100 mét, và cả 4 người của phi hành đoàn phải nhảy xuống các hố cá nhân của các binh sĩ vừa tiến lên.

Những gian nguy ấy hầu như ai trong đời lính cũng đã trải qua đôi khi còn thảm khốc hơn nữa, tuy nhiên với đời phi công chừng ấy cũng đã khá nhiều, Nhơn biết rằng các trận chiến của mùa Hè Đỏ Lửa 1972 Nhơn đã tham dự tại Lai Khê để đổ quân vào An Lộc cũng khốc liệt như những bạn khác tham chiến tại vùng Dak To, hướng bắc của Tân Cảnh với chiến tích Charlie nơi Nguyễn Đình Bảo đã nằm xuống, hay những trận đổ quân vùng Hạ Lào cũng đầy cam go, bạn bè phi công cũng đã ra đi, bay về vùng miên viễn, những phi công khu trục, những phi công quan sát, cũng như những bạn bay cargo thả tiếp tế mặt trận, hay những bạn bay Chinook với tấm thân nặng nề chậm chạp, còn phải câu tòn ten những tiếp tế cho chiến trường.

Cuộc đời trai trẻ của thế hệ đã đi vào cuộc chiến bằng nỗi gian khổ, và nhiều đớn đau, tội nghiệp cho những bạn trẻ đã ra đi quá sớm, đã đáp đền nợ nước, để chúng ta được sống để còn chiến đấu, cho đến khi t àn cuộc.

Đầu năm 1974, sau bốn năm phục vụ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thư và Nhơn đã được thuyên chuyển ra cao nguyên với Sư Đoàn VI Không Quân trú đóng tại phi trường Cù Hanh Pleiku thuộc Phi Đoàn Lạc Long 229. Nơi đây với núi rừng trùng điệp của Tam Biên, Dak To, Tân Cảnh, Kontum, ChuPao, Dakpek và những vùng phía Nam như Pleime, Đức Lập, Buôn Mê Thuột. Những trận chiến khốc liệt mà Sư Đoàn VI Không Quân nhận trách nhiệm yểm trợ và tiếp tế cho các đơn vị trú đóng trên các tiền đồn cập biên giới. Ngoài những phi vụ đổ quân vào trận chiến còn có những phi vụ thả và bốc các toán trinh sát Lôi Hổ vào vùng địch trú đóng để ghi nhận tin tức cũng như đặt mìn, gài bẫy.

Nhơn còn nhớ một phi vụ bốc toán viễn thám Lôi Hổ gần Tam Biên của Phi Đoàn 229 Lạc Long. Hôm ấy Nhơn ngồi co-pilot cho Phương, vì Nhơn mới ra vùng cao nguyên địa thế khác hơn các cuộc chiến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hôm đó Phương và Nhơn được lệnh bằng mọi giá phải bốc cho được toán Lôi Hổ thứ ba này vừa hoàn thành nhiệm vụ, hai toán trước đã thất bại và đã bị địch bắt sống.

Trên đường bay vào bãi đáp, Nhơn đang bay và nghe có tiếng súng AK bắn lên, Phương ngồi ghế phải và thấy được dấu của trái khói đỏ tại bãi đáp, một khoảng trống không rộng lắm, tròn và đường kính khoảng 30 mét trên gần đỉnh núi, với cây cao 20 đến 25 mét, Phương bảo, tôi thấy bãi đáp bên hướng phải của tôi, nên Phương giữ cần lái và bay vào đáp, trên đường bay vào không còn tiếng súng nữa trong cái yên lặng đầy lo lắng ấy, Phương đã bốc được 6 người lính Lôi Hổ lên tầu, và đang kéo tầu lên khỏi các đọt cây che khuất cái trảng nhỏ xíu ấy, khi tầu vừa nhô lên khỏi các đọt cây, thì tầu bị súng phòng không bắn từ trên đỉnh núi xuống, các họng phòng không 12ly7, 12ly8 bắn thẳng vào tầu trúng bên phía ghế phải, Nhơn trong lúc ấy vẫn phải lo theo dõi các phi cụ lúc cất cánh thẳng đứng vì tầu khá nặng, và bay trong không khí loãng ở cao độ. Nhơn thấy một lỗ đạn bên kính của Phương và nhìn qua thấy Phương bị trúng đạn vào đầu, hai tay buông cần lái, Nhơn vội chụp vào nhưng tầu bị phá vỡ hệ thống thủy điều nên cần lái nặng và một điều nữa là cần Collective dùng để đổi góc độ của cánh quạt, để tăng sức nâng đã không còn ảnh hưởng nữa, con tầu lúc ấy cánh quạt vẫn quay nhưng mất sức nâng nên Nhơn đành glide ra khỏi sườn núi cao và chờ đợi việc va vào núi, Nhơn ráng kéo Cyclic để tầu bình phi nhưng rồi nó cũng chúi mũi xuống, với cố gắng trong tình thế Hydrolic Off để bề mặt vòng quay của cánh quạt song song với mặt núi với độ dốc 20-25 độ, cuối cùng một cây đại thụ ngay trước mặt, Nhơn đã đưa con tầu chen vào nách giữa dốc núi và thân cây, may thay khi cánh quạt chính nổ tan thì con tầu dính được và tựa vào thân cây phía bên ghế phải của Phương, c àng đáp bên trái của con tầu chạm đất, cho nên dễ dàng cho 6 anh em Lôi Hổ nhảy ra trốn thoát, và lôi theo 2 nhân viên phi hành là Đại và Nam. Nhơn rất lo ngại vì con tầu vẫn còn nổ máy, với tiếng hú rợn người vì mất đi cánh quạt, cho nên Nhơn cố gắng bật off tất cả nút để tắt xăng cũng như điện nhưng vẫn không tắt máy được.

Nhơn thu gọn nón bay cũng như tất cả dụng cụ phi hành vào túi bay, bước ra đằng sau bằng khoang trống giữa hai ghế bay, Nhơn trườn từ sau ghế của Phương ra phía trước để mở dây nịt của Phương và cố gắng lôi Phương ra khỏi ghế lái, nhưng không lôi Phương ra được, sau nhiều lần cố gắng, dường như một mãnh lực nào đó đã giữ lại và không để Nhơn kéo theo người bạn của mình cùng chạy. Nhơn đành nhìn người bạn lần cuối và ra khỏi con tầu đang hú trong cánh rừng hoang, Nhơn lội ngược lên đỉnh núi, tình cờ bắt gặp một cây súng AR15 loại ngắn nòng nhưng không có đạn, chàng hất nó vào bụi bên lề, rồi tiến bước, trong lúc bước lên dốc khá nhọc nhằn Nhơn lấy ra chỉ mỗi chiếc radio cấp cứu của nhân viên phi hành từ túi bay trên tay, chiếc radio này tuần trước xuống phòng An Ninh Cấp Cứu Phi Hành của sư đoàn để đổi, (vì không nghe được, nhưng phát rất tốt,) tại đây họ không có sẵn để đổi, cho nên Nhơn đi bay với cái radio một chiều.

Nhơn bỏ lại túi bay bên một bụi rậm trên lối đi dể dễ dàng di chuyển lên dốc núi, khoảng 20 phút sau Nhơn bắt gặp một khoảng trống và nhận diện ra đây là bãi đáp mình vừa mới đáp xuống, bởi nhận diện được một khúc thân cây khô mà 6 anh em Lôi Hổ đã đứng quanh đó. Nhơn thấy một bụi trúc tương đối rậm, nên ngồi bên bụi trúc thay vì ra ngồi giữa trảng trống. Nhơn bắt đầu liên lạc với chiếc U-17 đang bay trên không phận và xin tín hiệu nếu nghe được xin lắc cánh vì radio chỉ phát được nhưng không nghe được, đồng thời Nhơn cởi và máng chiếc áo lót màu trắng có loang vết máu của Phương bắn qua để làm dấu hiệu thế panno. Khi thấy chiếc máy bay lắc cánh Nhơn mừng rỡ và bắt đầu báo cáo tình hình.

-Phương đã chết và đang ngồi lại trên phi cơ bên dưới, và 6 anh em Lôi Hổ đã an toàn nhưng họ mang theo hai nhân viên phi hành cùng đi theo họ, chỉ còn một mình Nhơn tại bãi đáp cũ, nơi có chiếc panno mầu trắng.

Thông báo vừa chấm dứt thì đột nhiên Nhơn thấy từ bên kia trảng có 4 người đi xuống giữa trảng, Nhơn thâu vội chiếc áo lót vào người và nằm xuống đồng thời vặn nhỏ máy liên lạc yêu cầu máy bay trên trời tránh xa khỏi vùng để giữ an toàn cho Nhơn bên duới vì có 4 địch quân trong bãi đáp.

Bốn người này tóc tai cắt sát, áo quần kaki xanh vàng, tay cầm súng AR15 chân đi giầy vải xanh, Nhơn đoán biết đây là 4 cán binh Bắc Việt. Nhơn vẫn nằm im sau bụi trúc nhìn bọn 4 người đang ngồi chờ đợi giữa trảng, họ chờ đợi khá lâu nhưng chẳng nghe thấy một máy bay nào trên bầu trời, nên 2 người trong bọn họ cầm súng đi lùng tìm, từ phía trên nơi họ bước vào trảng, Nhơn thấy hai người quơ qua lại cây súng trên tay và đi dọc theo bờ rìa của trảng, trong khi đó tiếng hụ của máy bay bên dưới vẫn nghe rất rõ. Nhơn nằm đó chờ đợi, trên người chỉ có chiếc radio, còn tất cả đồ đạc phi hành khác, trong đó có áo lưới, có đồ ăn khô, có hộp đựng bột lựu đạn cay để trừ mũi thính của chó, và cây súng nhỏ P38, cùng bản đồ và la bàn đã bỏ l ại trong t úi bay. Nhơn nằm đó như một sự chờ đợi trong cái thế không có gì để chống lại, và có thể bị bắn chết hay bị bắt trói đi, Nhơn đành chờ đợi cái gì đến sẽ đến. Đến lúc họ gần kề chỗ Nhơn đang núp, bổng dưng một trong 2 người đang ngồi giữa trảng vọng lên

-Các đồng chí chờ chúng tôi đi với, thì hai người đang đi loanh quanh trảng quay về giữa trảng và họ cùng tiến về hướng máy bay bên dưới núi. Nhơn thở ra nhẹ nhõm và chờ họ rời xa, vài phút sau chàng vội bước tiến về hướng khác để ra khỏi vùng, chàng tiến về hướng Đông Nam để về Kontum, Nhơn nhận diện phương hướng, kinh nghiệm từ thuở nhỏ lúc đi Hướng Đạo, nhìn rêu trên thân cây để định hướng.

Nhơn tiến bước băng qua những rừng mây, những bụi hồng đầy dây gai, ch àng dùng lưng để tiến tới, đôi lúc dừng lại bứt các đọt trúc thấp để măm các vị ngọt, non để thế nước và thức ăn, Nhơn bổng nghe nhiều tiếng lựu đạn nổ về hướng máy bay đang hú, Nhơn không biết chuyện gì đang xẩy ra, chàng tiếp tục tiến bước, khi băng qua được đến ngọn đồi thứ ba thì gặp một rừng thật trống trải của những thân cây tre, bên dưới đất tràn đầy những lá tre khô và không một thân cây nào khác mọc lên, Nhơn nghe có tiếng suối chảy, chàng đi cặp theo và tại đây Nhơn thấy những dấu vết đen của ai bước qua và chài lợp lá tre khô để ló ra lớp đất đen bên dưới, đi tiếp nữa Nhơn thấy khá nhiều vết dấu chân, và thấy một vết, dường như ai đó đã chôn vội và khỏa lấp món gì đó, nhưng Nhơn vẫn bước đi và thận trọng lắng nghe tứ phía, bổng dưng nghe tiếng sột soạt đằng trước, rừng trên vùng núi cao này dầy đặt, 10 thước không thấy lối đi, Nhơn nằm xuống quan sát thấy có bóng người, và chàng đếm được 7 người, quan sát trên đầu tóc dài không đội nón, chỉ buộc một miếng vải xanh kaki thắt sau ót, trên lưng có áo lưới, balo và nhiều bình bidong nước, quần màu lá cây và Nhơn nhận ra đôi bốt của lính Cộng Hòa, Nhơn thận trọng hơn và nằm xuống sát đất đồng thời vọng lên

- Các anh Lôi Hổ, tôi Tr. Úy Nhơn đây, chờ tôi đi với.

Ngay lúc ấy hàng loạt tiếng súng lên nòng quơ qua quơ lại rất căng thẳng.

Nhơn chờ một lúc, cũng nằm sát đất và vọng lên

- Các anh Lôi Hổ, tôi Tr. Úy Nhơn đây, chờ tôi đi với.

Hai người đi sau đứng dậy khi nhận ra giọng của Nhơn, họ la lên

- Đừng bắn, đừng bắn, Tr. Úy Nhơn đây rồi. Những người khác vẫn ghìm súng nhưng bớt căng thẳng hơn.

Nhơn cất tiếng lần thứ ba

- Các anh Lôi Hổ, tôi Tr. Úy Nhơn đây, chờ tôi đi với.

Đại và Nam hô

- Đừng bắn, đừng bắn

và đi về hướng của Nhơn đang vọng lại, khi họ đến gần thì chàng đứng dậy, chào đón hai người em của phi hành đoàn. Những người lính Lôi Hổ lúc này đứng dậy và thở ra nhẹ nhõm, vì trong rừng tất cả mọi biến động đều là mục tiêu để nổ súng, đó là sự sống còn.

Sau đó Nhơn gặp được Chuẩn Úy Liêm người trưởng toán.

Liêm tới bắt tay và tự giới thiệu cũng như gỡ bình bidong nước đưa cho Nhơn căn dặn.

- Tr. Úy uống từ từ từng ngụm, nếu không ông sẽ bị ngất xỉu.

Nhơn cám ơn và nhận bình bidong nước của Liêm uống từng ngụm nhỏ.

Nhơn hỏi

- Các anh có nhận ra nhiều tiếng lựu đạn nổ gần chỗ con tầu đang hú sau một giờ bị bắn rơi không?

Liêm kể là toán của anh được lệnh, bắt buộc phải trở lại nơi tầu rớt để đón Tr. Úy Nhơn, cho nên cả toán quay trở lại thay vì thẳng hướng Kontum mà đi.

Khi lần đến gần tiếng hú của con tầu thì họ thấy có 4 bóng người bu quanh nên đã thẩy khoảng 16 trái mini lựu đạn (loại trái chanh có sức công phá rất mạnh đặc biệt dành cho lính Lôi Hổ dùng), sau đó cả toán rời vùng và không tìm ra tông tích của Tr. Úy Nhơn đâu cả, vì không có cách nào để liên lạc, máy của Tr. Úy Nhơn hỏng phần nghe, phần phát thì tốt.

- Bởi quay trở lại cho nên Tr. Úy mới bắt kịp tụi này. Hồi nãy suýt nữa là tụi em nổ súng, may mà Tr. Úy nằm kỹ sát đất nên không định được vị trí.

Sau đó Liêm hỏi

- Liệu họ có bốc mình trước tối nay không Tr. Úy?

Nhơn trả lời như là chắc ăn

- Nếu có chúng tôi ở đây thì họ sẽ bốc chúng ta hôm nay.

Sau khi trả lời chính chàng cũng thắc mắc liệu họ có bốc mình trước tối nay không nữa.

Sau đó Liêm đưa máy cấp cứu của toán, máy này loại cũ, có cục pin nằm rời và nối liền với máy phát bằng một sợi dây điện, Nhơn nhận lấy và dùng máy phát của mình để liên lạc máy bay trong vùng với tín hiệu Mayday Mayday và danh hiệu Lạc Long cùng 3 số đuôi của con tầu. Nhưng chẳng nghe được, có lẽ vì khuất, và chận bởi núi, cho nên Liêm dẫn toán tiếp tục đi về hướng Kontum theo la bàn của anh.

Nhìn quanh các anh bạn trẻ này, tuổi của họ ngang với tuổi em trai của Nhơn, nhưng vào nghiệp lính viễn thám làm họ gan dạ và khôn ngoan hơn nhiều so với các người cùng tuổi đang sống bình an nơi phố thị. Liêm cho biết là đã tốt nghiệp từ trường Đồng Đế, và chọn vào ngành viễn thám sau khi tốt nghiệp, trong một năm qua đã nhẩy 3 lần, lần này là lần cam go nhất, vì vào tận sào huyệt của bọn chỉ huy cấp sư đoàn vừa xâm nhập từ bên Lào vào biên giới Việt Nam, an ninh chặt chẽ và có quá nhiều quân lính vì thế 2 toán trước đây đã bị bắt, may là toán của Liêm làm tròn sứ mạng nhưng rồi tầu bị bắn rơi.

Nhơn nhìn thấy các anh em viễn thám này, nghĩ về sự sống vội của họ, trước khi chỉ định công tác. Họ phải tập luyện rất nhiều và bị nhốt trong khu vực riêng để huấn luyện và tuyệt đối không ra ngoài vi sợ lộ bí mật cho đến phút nhận lệnh lên đường, họ được đưa vào vùng địch quân và phải hoàn tất nhiệm vụ trong thời hạn giao phó, và đem tất cả những dữ kiện tại hiện trường kể cả những hình ảnh chụp được cũng như những công tác phá hủy có hình chụp chứng minh. Khi hoàn tất tất cả nhiệm vụ thì họ được trở ra vị trí để được bốc về bằng trực thăng, có đôi lúc vì không đáp được họ phải ra vào bằng thang giây 6 người đeo tòn ten trên thang, cuộc sống họ thật vất vả không có ngày mai chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ, sau mỗi chuyến xong công tác họ được nghỉ phép nơi phố thị, sống cùng với bạn bè, hay say sưa bên bạn bè để rồi hết phép họ trở lại nếp sống khó nhọc, sự hy sinh của họ mấy ai thấu hiểu để tiếc thương cho họ, cho tuổi trẻ, cho cuộc sống không thấy ngày mai, quá bấp bênh, sự sống chết của họ cũng chẳng được ai nhắc đến, vì chẳng biết họ sống ra sao? các phi công của PD219 sống rất gần với họ và những phi công đã từng bay trong những phi vụ vượt biên giới đi vào lòng đất địch mới thấy được nỗi gian nguy của người lính viễn thám anh hùng này.

Nhơn may mắn hồi vừa về nước 1970 được gởi huấn luyện với một đơn vị tại Long Bình nơi đây có những cuộc bay cho viễn thám từ khu huấn luyện Hố B ò của Lôi Hổ, tập luyện núi Bà Rịa, Tánh Linh, Võ Đắc, lúc ấy cũng móc thang để đưa các toán vào núi Bà Rịa, mặc dầu đây là huấn luyện, nhưng Nhơn và phi hành đoàn của Mỹ cũng bị bắn trong những vùng này. Sau 6 tháng huấn luyện bay với lực lượng tại Long Bình, Nhơn lại có dịp vào cuối năm 1971 biệt phái cùng Út lên trình diện Quảng Lợi và đưa toán lên Lộc Ninh để nhận phi vu thả toán Lôi Hổ bên kia biên giới sâu trong lòng đất Miên, cùng hợp đoàn hùng hậu của Mỹ gồm 2 trực thăng võ trang Cobra, trực thăng OH6 và máy bay U17.

Và khi ra Pleiku bay với PD229 cũng làm việc với các toán viễn thám tại căn cứ B15 Lôi Hổ hoạt động vùng Tam Biên, để thả vào vùng biên giới Việt Miên Lào.

Sau khi liên lạc với máy bay trong vùng không được, cả toán tiếp tục nhắm hướng Kontum, có lúc sắp băng qua đường mòn (Hochiminh- trail) Liêm chọn 2 người đi trước quan sát đường và 2 người bảo vệ toán, sau cùng là Liêm và người mang máy liên lạc, Nhơn cũng nói với Đại và Nam đi theo 2 anh đi giữa bảo vệ còn chàng đi với Liêm sau cùng.

2 người dọ đường sau khi ném đá, gây tiếng động và không thấy phản ứng gì, nên đã ra hiệu cho cả đoàn băng qua, nhưng tất cả phải băng vách núi đất để tiến lên, vách núi đất do xe công binh xén núi làm đường, rộng 2 xe tải có thể qua lại vì vậy với bề cao vách núi chúng tôi phải bám vào các rễ cây để leo lên, Nhơn để chiếc radio trong túi còn một tay móc bình bidong nước uống, cố gắng leo lên đến được gần 2/3 của vách đất, Nhơn làm tuột bình bidong nước và nó lăn ra giữa lộ, Nhơn nhìn qua Liêm, và Liêm ra dấu quên đi và tiếp tục leo lên vì chẳng còn ai đi sau cả.

Sau khi lên được bên trên Nhơn chợt thấy một hầm trú ẩn mới đào, mọi người tiếp tục tiến bước bắt đầu đi vào những vùng có cây to và cao, lúc ấy trời đổ mưa nên Liêm làm dấu ra lệnh phân chia ngồi núp vào gốc cây để tạm tránh mưa. Liêm lấy ra điếu thuốc Capstan ngắt ra làm hai xong mồi lửa cả hai và trao cho Nhơn một nửa. Nhơn nhận lấy và hút trong khung cảnh hoang vu của núi rừng và trú mưa cùng cơn lạnh, tinh thần thì chẳng biết chuyện gì sẽ tới và sẽ ra sao, hơi thuốc đó không bao giờ chàng quên được và không thể dễ dàng để diễn tả hương vị của nó trong thời điểm đó. Đang hút được vài hơi bổng dưng nghe tiếng đoàn xe chạy bên dưới với tiếng của nhiều người của đoàn xe, bổng dưng đoàn xe dừng lại nơi mà Nhơn đã làm rớt bình bidong nước ngay giữa lộ, nhiều tiếng súng nổ cùng tiếng la hét của đoàn quân, chàng đoán chừng đây là toán đi chận đầu đường rút của toán viễn thám. Sau khi nổ súng và la hét xong đoàn xe lại tiếp tục, vì cơn mưa nên họ đã không theo dấu chân để lại trên vách núi để lục soát. Liêm chờ một chốc lát và ra dấu hiệu tiếp tục lên đường, Nhơn và 2 người trong phi hành đoàn đi theo toán của Liêm tiến bước. Nhìn đồng hồ đã 19 giờ (7 giờ tối) Liêm nói:

- Tr. Úy liên lạc với máy bay thử xem, mình đã ra được khoảng trống vắng hy vọng có thể liên lạc được.

Nhơn đồng ý và vừa mở máy lên thì trên tần số có tiếng kêu

-Các bạn không lên tiếng chúng tôi sẽ quay về chấm dứt không tìm kiếm nữa.

Tiếng của chiếc L19 đang bay trên vòm trời mây mưa của vùng núi đồi biên giới, nhìn con tầu nhỏ bé trên khung trời bao la với bao áng mây đen, những người phi công quan sát đang cố gắng đem hết sức mình để liên lạc cho được những bạn đồng hành trên cuộc chiến đầy chết chóc và tràn ngập khổ đau này. Nhơn vội liên lạc với L19 bằng tín hiệu

- Mayday Mayday Lac Long và 3 số đuôi của tầu để báo cho L19 biết là đã nhận được tín hiệu của L19.

- Lạc Long ... bạn có thấy chiếc máy bay nào trên vòm trời của bạn không?

Nhơn trả lời

- Tôi đang ở bên dưới cánh phải của bạn, tôi đang chờ trải những chiếc panno màu đỏ cam để đánh dấu đây.

Cùng lúc Liêm gọi các anh em trải những chiếc panno lên cao để đánh dấu cho L19. L19 trả lời:

- Bắc Đẩu(là biệt hiệu của L19) đã thấy được vị trí của Lạc Long...

- Yêu cầu Lạc Long... từ vị trí đang đứng, đi chừng 50 mét về hướng Tây Bắc xong rẽ phải 100 mét để ra bãi đáp

- Lạc Long ... nghe 5 trên năm, tuy nhiên vì trời sập tối, để dễ dàng và nhanh chóng hơn chúng tôi yêu cầu Bắc Đẩu... làm một lowpath qua điểm đứng của chúng tôi và dẫn chúng tôi bằng hướng bay của bạn đề nghị đó có được không trả lời?

Sau một hồi do dự trong im lặng Bắc Đẩu lên tiếng

- Bắc Đẩu... nhận 5 trên 5

và bay qua đầu toán của Nhơn. Cuối cùng Bắc Đẩu đã dẫn cả toán ra một khu đất trống, nhưng đầy những thân cây bị đốt cháy bởi bom, còn chỉa các cọc nhọn lên trời, cả bọn tìm một chỗ tương đối máy bay có thể hạ thấp xuống được.

Bắc Đẩu gọi tiếp

- Chúng tôi đã liên lạc với trực thăng đến đón các bạn và yêu cầu thả trái khói xác định để máy bay có thể đáp được nhận rõ trả lời?

- Lạc Long... nghe 5 trên 5 và cám ơn Bắc Đẩu vô cùng.

Liêm nghe được cuộc đối thoại nên đã cho thả trái khói đỏ để định bãi đáp.

- Bắc Đẩu chúng tôi đã đốt khói đỏ tại bãi đáp và đã thấy trực thăng tiếp cứu đang tiến vào bãi đáp cám ơn Bắc Đẩu...

- Lạc Long ... Chúc các bạn an toàn trở về.

- Anh em chúng tôi cám ơn Bắc Đẩu... mong bạn về lại Pleiku an toàn.

Anh em Lôi Hổ đã đốt thêm một trái khói nữa để trực thăng tiếp tục đáp.

Trực thăng tiếp cứu đang hover để cả 9 người tuần tự bu vào càng để leo lên máy bay, 3 anh em của Nhơn chẳng có mang theo gì nên lên máy bay dễ dàng, các anh viễn thám họ vẫn tôn trọng kỷ luật 2 người phòng thủ đầu và đuôi tầu hai người còn lại bảo vệ cho toán người leo lên, Chuẩn Úy Liêm và Nhơn cùng leo lên và kèm theo là Đại Nam cùng người mang máy truyền tin đi theo Liêm và 4 anh còn lại của toán Lôi Hổ tuần tự leo lên nhưng cũng không quên để mắt và hướng súng về hướng bờ rừng. Họ vừa leo lên xong 2 cây M60 trên tầu nổ súng vào bìa rừng trong khi phi cơ bắt đầu cất cánh, chỉ còn 10 phút nữa thôi thì trời tối hẳn, nếu cuộc tìm kiếm kéo dài có lẽ cả toán sẽ ngủ lại đêm đó trong rừng. Lên được máy bay Nhơn và Liêm đứng sau lưng hai ghế lái và Nhơn nhận ra Tr. Úy Nguyễn Đình Minh và Tr. Úy Lâm Minh Tuấn của chiếc Lead trong hợp đoàn lúc ban chiều khi vào bãi đáp.

Sau khi có được cao độ, Minh trao cần lái cho Tuấn và hướng ra sau chào đón mọi người, đúng như câu “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” và chúng tôi đã siết tay nhau để hiểu tâm tình này. Chúng tôi đã bay thẳng về Pleiku thay vì đáp tại phi trường Kontum đêm ấy.

Nhơn nhìn ra bầu trời đen như mực, mây bắt đầu loan ra và cơn mưa đã dứt, chàng cũng không ngờ được rằng chính mình vừa trải qua một giai đoạn mưu sinh thoát hiểm đường rừng thật sự với bao hiểm nguy, tầu bị phòng không bắn trực xạ mà thoát được, rồi tầu bị triệt nâng(vì swapblade và rod-rotor không dời được góc của cánh quạt), rồi tầu đâm vào núi nhưng không lật, gặp 4 địch quân nhưng thoát được, lội một mình trong rừng già nước độc mà qua được, đến khi gặp được toán bạn không bị bắn lầm, địch quân chận đường nhưng không sao, rồi máy bay tiếp cứu đến kịp trước lúc đêm về. Có phải chăng số mình chưa đến và trời kêu ai nấy dạ?

Trong cuộc chiến Nhơn cũng đã mất đi một người bạn anh Phan Văn Phương đã nằm lại bên một bờ rừng tại vùng biên giới xa xăm khi tầu bị bắn và đâm vào núi, Nhơn và các bạn đồng hành Đại, Nam và cả các bạn trong toán Lôi Hổ, nhóm viễn thám sáu người của chuẩn úy Liêm còn sống và đã thoát về được vào cuối tháng 6, 1974.

Đến tháng 8, 1974. Thư và Nhơn cùng đổi qua bay tải thương thuộc Phi Đội 259B Pleiku với Trịnh Viết Hảo.

Theo lịch trình mỗi hai tuần Phi Đội 259B có trách nhiệm gởi một phi cơ, 4 hoa tiêu cùng 2 mevo, 2 y tá, và phi đạo cử một người kỹ thuật cùng đi biệt phái 2 tuần tại Ban Mê Thuột, túc trực tại phi trường nhỏ cạnh phố Ban Mê Thuột để đáp ứng việc tải thương quanh khu vực này.

Khi cuộc chiến bùng lên và Ban Mê Thuột thất thủ, Phi Đội Tản Thương 259B xin những phi vụ theo dõi tin tức về số phận của toán đang biệt phái của anh Nguyễn Trí Dõng đang bị kẹt lại tại đây, Nhơn thường tình nguyện bay cùng với Phạm Đình Thư bay sáng cũng như bay chiều, để nghe ngóng tình hình và báo cáo về trung tâm Hành Quân Chiến Cuộc của Sư Đoàn.

Trong tình hình nguy nan này mỗi hoa tiêu đều phải túc trực ứng chiến tại đơn vị, những ngày kế tiếp sau đó phi trường bị pháo kích, các hoa tiêu quan sát cũng làm việc với khu trục và trực thăng võ trang để chống pháo và những phi vụ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột, lệnh của Quân Đoàn II mỗi ngày đổ quân vào cũng như tải thương quanh các trận địa này vẫn tiếp diễn.

Cuối cùng lệnh của Sài Gòn, Quân Đoàn II phải di tản chiến thuật mọi người ai nấy chuẩn bị để rút khỏi Pleiku vào lúc 5 giờ chiều, các máy bay đang chuẩn bị đổ đầy nhiên liệu và mọi người đều chờ chực sẵn sàng. 15 phút trước 5 giờ chiều phi trường bị pháo nhất là tại điểm nhiên liệu còn lại một ít máy bay và quân xa đang chờ đổ xăng. Nhơn và các bạn hoa tiêu khác cũng đã mở máy và chuẩn bị cất cánh sau khi được lệnh mọi người tuần tự cất cánh rời khỏi phi trường Pleiku, từ trên trời cao nhìn lại lần cuối bóng dáng phi trường thân yêu ai nấy cũng ngậm ngùi, giờ đây đang bốc cháy trong điêu tàn của ngọn lửa chiến tranh, mọi người bay về hướng Tuy Hòa để ghé đáp tại phi trường Nha Trang.

Nhơn cùng các bạn tạm đáp ở đây để chờ lệnh, mọi người đi tìm bạn bè thân nhân để chia xẻ những lo lắng, hay ra các hàng quán để tìm quên trong men cay-ngọt-đắng bên bờ thùy dương với cát với gió biển. Nhơn thường ra quán số 10 cuối bãi để uống và chuyện trò với những ca-ve tại đây và trở về căn gác trọ qua đêm với họ, sau năm ngày sống lang thang lây lất đó. Nhơn được lệnh bay về Phan Rang để nhập với Phi Đội Tải Thương 259D của Thiếu tá Nhân. Khi tất cả phi cơ cũng như các hoa tiêu và nhân viên của Sư Đoàn VI Không Quân về căn cứ Phan Rang phi trường bị pháo kích nhưng vẫn tử thủ, Tướng Phạm Ngọc Sang triệu tập tất cả quân nhân và cho biết lệnh tử thủ đồng thời cũng cho phép những quân nhân về thu xếp vấn đề gia đình để rảnh tay chiến đấu.

Nhơn đã xin phép mười ngày để thu xếp vấn đề gia đình đang bị kẹt tại Huế. Với bộ đồ bay trên người Nhơn phải về Sai Gòn để tìm phương tiện bay ra Đà Nẵng, 10 giờ sáng thứ Tư Nhơn đến Đà Nẵng và ghé ra phố tìm người chị để biết tin gia đình ngoài Huế, nhưng may thay Nhơn đã gặp được cả gia đình đã về đây và đang tá túc tại nhà người chị, Nhơn rất mừng và báo tin cho gia đình biết là 12 giờ trưa cả gia đình sẽ vào phi trường Đà Nẵng để đi Sài Gòn ngay hôm nay. Ba Mẹ và 7 người em của Nhơn đã chuẩn bị, đúng 12 giờ Nhơn đón xe lam đưa gia đình vào phi trường.

Nhơn tìm người bạn cùng khóa là anh Đỗ Đình Kiêm đang làm trưởng trạm hàng không quân sự tại Đà Nẵng để gởi gấm gia đình. Tại trạm hàng không người người chen chúc nhau để chờ phương tiện, Nhơn thấy tình hình này rất khó cho gia đình có thể lên được máy bay, nên Nhơn tản bộ quan sát bến đậu của phi cơ và quyết định đưa mọi người trong gia đình vào ẩn trong một chòi gác rất gần bãi đậu, mọi người trong gia đình ai nấy cũng mệt nhoài nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, Nhơn đi mua nước cũng như bánh mì tiếp tế và đồng thời nghe ngóng xem có phi vụ nào ghé lại Đà Nẵng không, thì được biết có một vận tải C130 sẽ đáp lúc 4 giờ chiều và ưu tiên cho những gia đình cấp Đại Tá trở lên của bộ Tổng Tham Mưu.

Nhơn ra thông báo cho gia đình là tuyệt đối đừng để ai thấy và chờ dấu hiệu của Nhơn. Đúng 4 giờ chiếc máy bay C130 có Châu Vĩnh Khải là bạn cùng khóa là hoa tiêu phó. Với bộ đồ bay trên người Nhơn gặp bạn Khải và nhắn gởi cho gia đình lên chuyến bay này, Khải đồng ý nhưng không chắc lắm, còn tùy ở hậu trạm, Kim lái xe ra gặp phi hành đoàn hỏi han đôi điều và chuẩn bị cho xe buýt chở hành khách đưa ra tầu. Khi số hành khách đầu tiên chuẩn bị lên tầu thì Nhơn cho mọi người của gia đình nhập vào cùng lên tầu, khung cảnh lúc ấy chẳng ai cản ngăn, vì nghĩ rằng thân nhân của mấy ông phi công nên mọi chuyện êm xuôi, Nhơn cũng không quên cám ơn Kim và Khải đã bao che để di tản gia dinh trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này.

Về tới Sài Gòn sau khi đưa gia đình ghé tạm trú tại nhà người anh gần phi trường Tân Sơn Nhất, Nhơn lại vào bộ tư lệnh Không Quân và ghé qua phòng Hành Quân Chiến Cuộc, tại đây có bạn Lâm Chảy đang là sĩ quan làm việc tại đây, tình hình Đà Nẵng kể từ tối thứ Tư rất căng thẳng, các xe quân đội không phải thuộc căn cứ đã xâm nhập vào phi trường tạo nên cảnh hỗn loạn tại đây, quá nhiều người trên phi đạo cũng như trong hậu trạm với súng ống và xe quân xa tràn ngập, đến nỗi có những người bu theo bánh đáp của máy bay, và cũng có cả những quân nhân đã nổ súng lên máy bay để cố chận lại không cho máy bay cất cánh, với những cảnh hỗn loạn đó, phi trường Đà Nẵng bị đột nhập vào đêm thứ Sáu chỉ hai ngày sau khi Nhơn đả đưa được gia đình di tản về Sài Gòn. Những ngày kế tiếp Nhơn vẫn vào Hành Quân Chiến Cuộc để được biết thêm chi tiết về các máy bay từ Đà Nẵng rút về Sài Gòn như bầy ong vỡ tổ, không một sắp xếp cũng như chuẩn bị, cho nên thất thoát rất nhiều, trong khi đó các ACK119 vẫn còn đánh quanh vùng Phù Cát. Sau 10 ngày nghỉ phép để lo cho gia đình xong Nhơn lại bay ra Phan Rang tiếp tục các phi vụ giao phó, từ những hình ảnh tại Đà Nẵng cũng như những tin tức của cuộc chiến ở Ban Mê Thuột và các vùng phía Bắc của Nha Trang, Nhơn luôn tình nguyện đi bay sáng chiều cũng như tối, nhất là mấy ngày chót của Phan Rang 14 đến 17 tháng 4 năm 1975. Nhơn nhận bay những phi vụ VA (an ninh) quanh vòng đai phi trường, ngày 15 phi trường bị đột nhập bằng những đàn bò băng qua các bãi mìn phía Tây của phi trường. Ngày 16 vào lúc 1 giờ trưa trong phi vụ VA quanh phía Tây phi trường, từ cao độ 5 ngàn bộ thấy có tín hiệu chiếu kiếng của một đơn vị thám báo, Nhơn xin phòng hành quân tần số để liên lạc được với họ, để xác định một đoàn xe đang tiến từ Đa Nhim về Phan Rang, và qua vô tuyến họ cho biết là có cả xe tăng, Nhơn dang dự tính chúi mũi xuống để quan sát đám bụi được tung bởi đoàn xe thì nghe những tràng phòng không bắn lên, may là xạ thủ bị chói nắng mặt trời khi nhìn lên máy bay, bởi ánh mặt trời nên đạn chỉ đi qua, tiếng rất gần, vút lên chưa đụng tới máy bay, nhưng đồng thời Nhơn cũng đã làm một biến chuyển với độ rơi 3000 bộ một phút trong một vòng quay nên đã tránh được những làn đạn sau đó, và họ cũng tưởng là máy bay đã bị rớt, Nhơn đã bay ra xa khỏi vùng và báo về phòng hành quân những chi tiết vừa biết được.

Đến tối Nhơn bay chung với Thiếu Tá Nhân Phi Đội trưởng 259D đi soi sáng vòng đai phi trường, và tình hình đụng độ bên dưới của nhiều cánh quân của các đơn vị biệt phái bảo vệ phi trường Phan Rang vào phút chót, sau khi tầu soi sáng về đáp, Nhơn cùng Th. Tá Nhân đang rời khỏi tầu thì thấy ba chiếc khu trục Skyraider cất cánh nên nhìn theo quan sát, cảnh gầm thét của các phi cơ khu trục, đến lúc phi cơ quay ngược bay song song với phi đạo vừa cất cánh để lấy cao độ, thì chiếc số 2 mất tốc độ và đâm đầu xuống, nổ bốc cháy cùng tiếng nổ của bom cách xa phi trường mấy dậm. Nhơn cùng Th. Tá Nhân cảm thấy buồn cho số phận người phi công. Đến sáng ra thì được biết bởi người cơ khí nhận thấy ông Đại Úy hoa tiêu, quá mỏi mệt vi đánh suốt ngày nhưng lại phải bay tiếp phi vụ đêm cho nên không phản ứng kịp.

Sáng hôm nay 17 tháng Tư được lệnh mọi người phải túc trực tại tầu, Thư chọn Nhơn cùng bay với anh, mọi người đang ngồi tại tầu thì nghe nhiều tiến pháo cũng như tiếng súng nhỏ, Nhơn thấy một số lính mặc đồ không Quân vừa nổ súng vừa chạy về hướng bộ tư lệnh nơi Tướng Vĩnh Nghi và Tướng Phạm Ngọc Sang đang điều hành. Nhơn cùng các hoa tiêu khác vẫn ngồi đó chờ lệnh, cho đến khi tiếng nổ chát chúa của đạn 120 ly làm cháy một máy bay trực thăng trong dẫy đang đậu chờ lệnh, thì lệnh ban hành mọi người quay máy cất cánh, lên không phận chờ lệnh, thế là các trực thăng bốc lên dễ dàng trong khi các máy bay khác thì khó khăn hơn. Mọi người bay quần mãi trên không phận nhưng chẳng có lệnh lạc gì, phần vì số xăng có hạn cho nên họ đều bay về Tân Sơn Nhất đậu và chờ ở đó kể cả những máy bay của phi đoàn 229 và 235 cũng về đậu tại đây chờ lệnh. Nhơn cùng các bạn mỗi sáng vào bộ tư lệnh trình diện.

Sáng 20 Tháng Tư, Năm 1975, Th. Tá Nhân cùng một số anh em khác đã nhận lệnh đi về trình diện Sư Đoàn IV tại Cần Thơ nhưng không cho phương tiện di chuyển phải đi bằng đường bộ theo các xe đò. Nhơn đã từ chối và không đi cùng, vì trước đây Nhơn đã thấy khu vực từ Trung Lương qua Cai Lậy, tới bến Bắc Mỹ Thuận quá nhiều giao tranh và đầy ổ địch quân.

Sáng 21 Nhơn gặp lại Th. Tá Nhân vào trình diện thì được biết họ không thể đi tiếp và đã quay trở về lại Sai Gon, lúc tới ngã ba Trung Lương, khi họ thấy một người lính Không Quân bị treo cổ bên đường.

Tình hình chiến sự càng lúc càng gần Thủ Đô hơn, ngày 23 Nhơn quá giang máy bay của Phi Đoàn 229 đi Vũng Tầu để tìm gia đình người bạn gái di tản bằng đường bộ “quốc lộ 7”. Tới trung tâm tạm trú Vũng Tầu Nhơn tìm được Hóa, em của anh Trương Hữu Lạc Quân Cảnh Tư Pháp Pleiku. Gặp được Hóa, Nhơn đã quá giang trực thăng của Air America để đưa Hóa về Sài Gòn, cuối cùng cả hai về đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Những ngày còn lại Nhơn hàng đêm hay vào Hành Quân Chiến Cuộc Sư Đoàn 5 Không Quân, để theo dõi tình hình chiến sự từ Lộc Ninh đến Gò Dầu Hạ đến Long Khánh, tiến gần về Trảng Bàng, Biên Hòa bị uy hiếp.

Các ngày 25-28 tháng 4 năm 1975, các đơn vị trưởng tụ họp lại để đưa người thân lên máy bay di tản, Guam và Côn Sơn. Nhơn cũng đưa em trai và các cháu vào phi trường để đi nhưng không thành rồi phải về lại. Ngày 28 lúc 6 giờ chiều đứng trên sân thượng chứng kiến cảnh đánh bom Sài Gòn và phi trường lúc ấy Nhơn mặc đồ bay và đem theo đầy đủ dụng cụ phi hành để vào phi trường nhưng mãi đến 8 giờ tối mới vào được, các vận tải cơ của Mỹ đưa người qua Guam cho đến khoảng 23 g (11giờ đêm), sau khi một vận tải cơ của Mỹ bị trúng đạn pháo kích trên taxi way họ chấm dứt các phi vu, và lúc này các máy bay Việt Nam tiếp tục cho người ra Côn Sơn cho những ai đang có mặt trong phi trường trừ các quân nhân. Nhơn không thể đưa gia đình vào được đêm này.

Đến 3 giờ sáng phi trườngTân Sơn Nhất bị pháo, rớt bên khu nữ Quân Nhân, Nhơn đã phải vất vả di chuyển về hướng Bộ Tư Lệnh Không Quân, đôi lúc pháo gắt quá phải lội xuống đường mương để tránh.

Tờ mờ sáng mọi người đang đứng trước Bộ Tư Lệnh nhìn theo chiếc ACK119 và Khu Trục đang đánh ngoài vòng đai bên phía Quang Trung, rồi chiếc ACK119 bị trúng SA7 lần thứ nhì bốc cháy, sau đó tiếng pháo kéo gần và trúng chiếc C47. Nhơn rời Bộ Tư Lệnh định ra cổng Huỳnh Hữu Bạc để về nhà, nhưng ngoài cổng bắn vào không cho ra. Khi đang đứng tại ngã tư, bên cạnh một lô cốt phòng thủ có nắp và lỗ châu mai, trong lúc đang đứng ở đây cũng khá an toàn, Nhơn nhìn qua phía hậu trạm thấy có 2 C130 cùng mở máy và quay đuôi ra khỏi bãi đậu, Nhơn chạy vào không kịp và khi đang lang thang trong bãi đậu với túi bay thì thấy một xe Jeep phóng thật nhanh đến một C130 khác, Nhơn chạy theo và leo lên chiếc này để rời Tân Sơn Nhất. Thiếu Tá Phương lái không có hoa tiêu phó, mới đầu khi đang trên không phận Sài Gòn với số lượng 19 ngàn pound xăng không đủ để đi Tân Gia Ba nên Phương quyết định ghé Utapao, ThaiLand để xin xăng rồi đi tiếp, trên đường đáp xuống Utapao thoáng thấy hai chiếc C130 của Việt Nam đang đậu tại đây mọi người vui lên.

Sau khi đáp xuống có xe buýt ra đón và đưa vào hậu trạm, mọi người bị giữ lại vũ khí cá nhân và tất cả dụng cụ phi hành, nhưng họ cho Nhơn giữ lại cái túi để đựng đồ. Kể như đời bịnh nghiệp chấm dứt từ đây.

Sau 3 đêm ngủ tại đây Nhơn được đưa qua căn cứ Guam bằng C141 của Hoa Kỳ, ở đó một tuần thì chuyển qua trại Anderson để đi Hoa Kỳ về trại Pendleton, của Thủy Quân Lục Chiến vùng Nam California.

Sau 6 tuần lễ tại đây Nhơn được một gia đình nông gia bảo trợ qua hội USCC để làm lại cuộc đời khi tuổi đời vừa chớm 30.

Gần 40 năm vất vả trên xứ người, làm lại cuộc đời bằng con đường sách đèn, dùng túi bay làm túi đựng sách vở, nên cũng đỡ vất vả cũng được làm việc với phòng riêng có máy lạnh để rồi hôm nay tuổi già về hưu, đi thăm con cháu đang lớn lên bên ngoài quê hương yêu dấu với mọi cố gắng bù đắp lại những gian nguy của một thời chinh chiến trên quê hương đầy đau thương rách nát.

Phan Minh