Tuesday, June 30, 2015

Đoạn Đường Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu

Hai Bà Trưng - Tân Định

Dù cho năm tháng phai nhoà
Trong tôi, Tân Định vẫn là nhớ thương!

Trần Đình Phước

Nói đến Tân Định là người ta nghĩ ngay đến một vùng đất hiền hoà và bình yên của Sài Gòn, Gia Định và Chợ lớn. Giờ đây, tôi đang ở xa hơn nửa vòng trái đất. Nhưng Tân Định trong tôi thời thơ ấu vẫn là một nỗi nhớ khôn nguôi. Làm sao tôi có thể quên đi một đoan đường đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm của những tháng ngày xa xưa ấy. Đó là đoạn đường Hai Bà Trưng (Paul Blancy) từ dưới chân Cầu Kiệu ra đến ngã tư đuờng Hiền Vương (Mayer), nay là Võ Thị Sáu. Tôi xin viết lại về đoạn đường này, mà những gì còn đọng lại trong ký ức. Mong được thông cảm, nếu như có những sai sót…

Xin được kính tặng đến bà con Tân Định và những ai đã từng có kỷ niệm với nơi đây.

Xin được bắt đầu từ dưới chân cầu Kiệu,

Phía tay phải, khi vừa xuống dốc chân cầu Kiệu vài thước có sáu căn nhà nằm thấp dưới chân cầu và có nhạc sĩ chơi đàn Accordion chuyện nghiệp tên Hải. Anh cũng phục vụ trong ban nhạc Tâm Lý Chiến KQ. Quẹo mặt là gặp ngay hẻm 477 HBT, tên là xóm Vựa Gạo, trong xóm có vựa bán cát, vật liệu xây đựng, có nhà của Hoa Sĩ nổi tiếng Lê Trung ở gần đầu hẻm. Ông vẽ phụ nữ ba miền với tà áo dài thướt tha mà không có hoạ sĩ nào vẽ đẹp bằng. Hình bìa tập học sinh, lịch vào dip năm mới thời đó đều có in hình ba thiếu nữ tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn về Hội Hoạ.

Ngày xưa, xóm Vựa Gạo tấp nập ghe thuyền từ dưới tỉnh xuống gạo nơi đây. Sau đó gạo sẽ được phân phối đến các chợ đầu mối trong thành phố. Đi thêm vài bước là phòng mạch của Bác Sĩ Kính, chuyên khám và giải phẩu mắt. Rồi đến tiệm thuốc Bắc của ông Lang Sách. chẩn mạch và chửa trị theo phương pháp Đông Y. Cách đó vài căn là tiệm bán bông cườm cho đám tang, tiệm bán đồ điện Ngọc Sơn. Bên cạnh là một ngõ hẻm nhỏ thường gọi là hẻm cô Hai Kim số 451 HBT. Cô chuyên trị cắt, lể, giác hơi, cạo gió, bán thuốc tễ và có nhà của dịch giả nổi tiếng tên Từ Khánh Phụng chuyên dịch các truyện kiếm hiệp Trung Hoa.

Ngoài ngõ là tiệm sửa xe Mô Tô Chín Kết, kế bên tiệm là thuốc Cam Hàng Bạc hay Nhân Phong Đường số 447 B- HBT….Trên tủ kính ngay trước cửa nhà phía bên trái có để một con nai bằng gỗ quý trông y như thật, nhiều chai lọ đựng các loại bột đủ màu, được quảng cáo là thuốc gia truyền trị được bá bệnh. Ông chủ nhà thuốc may mắn làm chủ một lúc cả hai chị em ruột, nhưng gia đạo luôn luôn trên thuận, dưới hoà và êm ấm. Con cái thì đề huề, nhưng không bao giờ có chuyện lục đục, gấu ó lẫn nhau. Ông sưu tầm nhiều đồ cổ. Trong số đó, giá trị nhất là một con sáo bằng ngọc quý. Tiếp theo, cà phê Hải Nàm của người Hoa. Khách hàng thuộc giới bình dân gồm nhiều thành phần như: xích lô, ba bánh, thổ mộ, lao động chân tay…tụ họp từ sáng đến chiều. Họ thường ngồi chồm hỗm, để hai chân trên ghế, gọi là ngồi kiểu nước lụt. Miệng phì phèo điếu thuốc Bastos xanh, Ruby Queen, Cotab hay quấn thuốc rê Gò Vấp, lâu lâu cầm ly cà phê xây chừng được pha bằng vợt đưa lên miệng nhâm nhi, rồi bàn mọi chuyện trên trời, dưới đất, giá cả sinh hoạt hàng ngày, chính chị, chính em, xe cán chó, chó cán xe, chuyện xảy ra trong xóm, chuyện nhà có con gái chữa hoang, con trai du đảng, mượn khai sanh giả lớn tuổi hơn để tình nguyện vào lính được tiền thưởng đầu quân, chuyện bốn mươi con số đề sẽ sổ vào buổi chiều trong ngày và các con ngựa đua được mang tên các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Sài gòn như: Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy,Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu thường chạy thắng giải ở trường đua Phú Thọ vào hai ngày cuối tuần.

Bước qua đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) gặp một Villa cổ với những hòn non bộ trước sân và cây cảnh um tùm. Có lúc được dùng làm trường Tư Thục Vạn Hạnh do Thầy Thích Đức Nghiệp làm Hiệu Trưởng. Về sau trường biến thành cư xá cho quân đội Mỹ thuê. Trước nhà luôn luôn có một MP Mỹ cao lớn, trang bị súng trường AR15 đứng gác, bên ngoài được che chắn bằng một hàng rào bao cát và những thùng phuy chứa xi măng, gây trở ngại cho bà con đi ngang qua đây. Họ phải đi bộ lấn xuống lề đuờng. Kề bên có một bảo sanh viện của người Hoa mang tên chủ nhân là Lương Kim Vi, số 439 HBT. Ngoài ra, bà con còn gọi tên thân quen là nhà thương cô Mụ Lé. Có lẽ vì mắt cô bị bị lé? Hầu hết bà bầu vùng Đa Kao, Tân Định và nhiều nơi khác thường đến đây để khai hoa, nở nhụy. Người ta khen cô mụ Lé mát tay. Bà đỡ đẻ chưa bao giờ xảy ra chuyện đáng tiếc, hay nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Bao giờ cũng mẹ tròn, con vuông và dễ nuôi. Sau khi về nhà, các sản phụ thường mang quà đến biếu cô để đền ơn. Tiếp đến là một hẻm lớn, có khoảng mười căn nhà, kế bên là tiệm uốn tóc Tân Hồng Kông. Thợ ở đây đa số là đàn ông, nhưng tướng đi thì õng a, õng ẹo, nhún nha, nhún nhảy như đang nhảy Ba Zô Đốp. Hai bàn tay móng để thật dài. Mỗi khi gội đầu, bới tóc cho mấy bà, mấy cô làm cho khách cảm thấy lâng lâng chiều hôm, khoái hết biết trời trăng, mây nước.

Rồi đến hiệu thuốc con Gà, chuyên bán thuốc cảm, cúm, ho, dầu gió, dầu Nhị Thiên Đường, dầu Khuynh Điệp Bác Sĩ Tín, dầu nóng Ấn Độ, dầu cù là Mát Su, thuốc dán hiệu con Rắn, thuốc lác Ông Tiên, Ký ninh, thuốc xổ Nhành Mai, Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn Võ Văn Vân, thuốc trị hết sâu răng…, Tiếp đến là tiệm chụp hình Chí Mỹ, chuyên chụp hình học sinh, tài tử. giai nhân. Trước nhà cạnh bên luôn luôn có vài chiếc xe ba bánh đậu. Đó là tiệm bán than đước Tân Hồng Yến. Bà chủ có cô con gái học Régina Pacis rất xinh xinh. Lâu lâu em ra phụ má tính tiền. làm ai cũng muốn đến mua than mỗi ngày. Con trai bà tên K…cũng thuộc dân chơi cầu ba cẳng vùng Tân Định. Kế bên tiệm than là Nhà Thuốc Tây Trần Ngọc Tiếng, nằm ngay góc Nguyễn Văn Mai và Hai bà Trưng do Dược Sư Trần Ngọc Tiếng làm chủ. Các sinh viên Đại Học Dược Khoa năm cuối thường đến đây thực tập, trước khi chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường. Phu nhân của ông cũng là một trí thức và thuộc giòng dõi họ Dương nổi tiếng ở Sàigòn.

Bước qua đường Nguyễn Văn Mai là Pháp Hoa Ngân Hàng, rồi tới tiệm may Thái Lai, chuyên may Âu phục, Veston cho nam giới. Bên cạnh là tiệm thuốc Bắc của ông Thần Bút, mà hai bàn tay của ông để các móng dài cả tấc, nhìn giống như rễ tre. Trẻ con trong vùng thường đi lượm vỏ quýt đem phơi khô gọi là Trần Bì, bán lại để ông làm thuốc. Bên cạnh là phòng mạch của Giáo Sư Bác Sĩ Y khoa nổi tiếng Trần Ngọc Ninh chuyên về xương. Đi thêm vài thước là tiệm bán đồ điện. Cạnh bên có một hẻm nhỏ có nhà của vỏ sư nhu đạo Nguyễn Hữu Khánh, nguyên huấn luyện viên võ thuật cho Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Võ Sư Khánh mất năm 1977 tại Mong Cáy. Cách nhà ông vài căn là nhà thầy Tổng Giám Thị trường Trung Học Công Lập Trần Lục. Phía trước hẻm, ban ngày bán cà phê bình dân, ban đêm có xe hủ tíu mì, hoành thánh, bánh tôm chiên của người Hoa lúc nào cũng đông khách đi chơi, khuya, xem Đại Nhạc Hội, nhảy đầm ngừng xe ghé thưởng thức. Bên cạnh là tiệm bán nước sinh tố trái cây và rạp hát Tân Đô, số 387 HBT. vài tháng sau đổi tên là Trưng Vương , sau đó đổi tiếp một lần nữa là Kinh Thành. Rạp thường chiếu các phim tình cảm Ấn Độ, phim Việt Nam giá rất bình dân, và cũng là chỗ cho các đoàn cải lương đến trình diễn sau khi đã đi lưu diễn ở các tỉnh xa về. Một vở tuồng cải lương mà tôi xem lúc nhỏ “Khi Hoa Anh Đào Nở” do nghệ sĩ Thành Được đóng vai chánh mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên. Phải nói thêm cà rem Kinh Thành cũng nổi tiếng, ngon và rẻ.

Cách rạp hát khoảng mười mét là Tân Định Mì Gia, tiệm bán quân phục và huy hiệu quân đội Nam Nhi. Sau đó là một con hẻm số 381 HBT có khoảng mười căn. Hẻm này cũng là cổng sau trường Đồ Chiểu học vào buổi sáng. Buổi trưa là học sinh Trường Trung Học Công Lập Trần Lục, và cũng là cổng sau của trường tiểu học con trai Tân Định. Trong trường Đồ Chiểu có một sân quần vợt. Cuối tuần các công chức, thầy giáo thường đến đây tập dượt. Đôi khi cáp độ cà phê, cà pháo cho vui. Sân trường có nhiều cây Phượng Vỹ cho bóng mát. Vào mùa hè Hoa Phượng nở đỏ rực với tiếng ve sầu kêu inh ỏi, khoảng mười căn nhà bằng gạch dành cho giáo viên: Thầy Xuân Trần, Thầy Ký, Thầy Móc, Cô Hoa, cô Cúc và nhà ông lao công Sáu Già lo vệ sinh trường ốc. Ồng có hai con trai tên Hoà và Tâm vào cuối tuần lượm banh Tennis kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình, lúc rảnh rỗi hai anh em có cơ hội tập chơi quần vợt. Coi như hai anh em may mắn, vì môn thể thao này đối với con nhà nghèo, dù có mơ cũng không thể với tới.

Bước ra khỏi hẻm có tiệm thuốc Đông Y Vạn Thọ Đường của người Hoa. Các con gái ông chủ đều tốt tướng, phì nhiêu. Rồi đến Pharmacie Trí Việt, tiệm bán dụng cụ học sinh Tiến Hưng. Bên cạnh là đại lý bia, nước ngọt Hồ Văn. Ông chủ có nước da ngâm den, dáng dong dỏng cao và là một đấu thủ quân vợt có hạng ở sân trường Đồ Chiểu. Khi thua độ hay bị chọc quê, ông thường quăng vợt xuống sân xi măng. Tuần sau thấy ông cầm cây vợt mới.

Bây giờ băng qua đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản.)Ở hai bên đầu đường là hai quán cà phê bình dân của người Hoa. Cách khoảng hai chục thước phía tay trái, nằm đối diện cổng trước của trường Đồ Chiểu là tiệm thuốc Bắc tên Đại Cồ Việt. Ông có nhiều con, nhưng một cô tên Mẫn đang là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn được bà con khen rất nhiều về tài xem bói bài Tây. Ngoài ra cô có vóc dáng cao, cặp mát đẹp, nét hơi lai và nói chuyện rất có duyên. Muốn được cô xem phải lấy số thứ tự trước.

Tôi nhớ lại lúc vừa thuyên chuyển từ Sơn Trà về Saigon mới mấy ngày. Một đàn anh dự định làm bi si néc về xuất nhập cảng vải vóc, tơ lụa đã rủ tôi cùng đi xem với anh. Tôi không tin lắm, nhưng vẫn cứ đi theo. Một phần tò mò, một phần muốn thử xem thiên hạ đồn có đúng hay không?

Đàn anh tôi được mời xem trước. Theo các lá bài mà đàn anh tôi bắt đưa cho cô đoán. Cô khuyên anh hãy an phận chờ thời, đừng nên phiêu lưu trong lúc này. không được cơm cháo gì mà còn bị tiền mất, tật mang. Chưa kể là có thể dính dáng vào vòng lao lý làm ảnh hưởng đến đường quan lộ. Nghe cô nói xong, mặt anh đượm vẻ buồn buồn và suy tư và không dám mạo hiểm “vì anh rất tin tưởng cô Mẫn.”

Bây giờ đến phiên tôi. Cô nhìn tôi và nói: “Nếu anh tin thì hãy nhờ tôi coi. Còn như không tin thì đừng đụng các lá bài, tốn thời giờ vô ích.”

Tôi vội vàng trả lời “vì tin, nên mới đến đây nhờ cô xem giúp.Thế là cô trao cho tôi một xấp bài gồm ba mươi hai lá và biểu tôi vừa xào bài, vừa khấn nguyện những gì mà tôi ước muốn. Sau khi xào bài xong, tôi trao lại cho cô. Ngay tức thì, cô xoè xấp bài thành hình cây quạt rất nhanh.

Cô nói như ra lệnh: “Anh hãy bốc mỗi tay một lá. Tay trái trước, tay mặt sau - Nam tả, Nữ hữu.” Cô đặt hai lá bài mà tôi vừa bốc vào trong xấp bài. Sau đó cô xào đi, xào lại nhiều lần. Kế tiếp cô trải các lá bài theo ba hàng dọc. Sau vài phút trầm ngâm với các lá bài trước mặt. Cô nhìn tôi, rồi cho biết:” Quẻ bài sao tui thấy rất ngồ ngộ?” Theo quẻ bài này thì anh sắp phải đi xa khỏi Sài Gòn một thời gian.”

Nghe xong, Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nói với cô: “Làm gì có chuyện đó xảy ra!” Tôi mới thuyên chuyển về Sài Sòn chưa tới một tuần thì làm sao có thể bị đổi đi đâu dễ dàng vậy? Cô trả lời: “Quẻ bài lên sao, thì tôi nói vậy, chứ không phải do tôi tự động chế ra. Còn tin hay không là tùy anh.”

Sau đó tôi hỏi thêm: “ Nếu chẳng may vì lý do nào đó mà tôi bị đi xa như cô cho biết thì tôi có gặp chuyện xấu hay bất lợi gì không?” Cô trao xấp bài lại cho tôi và bảo tôi xào bảy lần và kinh ra làm đôi. Lần này cô xếp bài theo hai hàng dọc. Sau đó cô nhìn tôi như thôi miên. Rồi cô nói tiếp: “Theo quẻ bài lần này thì anh may mắn thoát một tình huống có thể nguy hiểm đến tính mạng.” Tuy nhiên, nhờ phúc đức và ông bà khuất mặt, khuất mày phù trợ sẽ giúp anh không bị hề hấn gì hết!

Cô dùng ngón trỏ chỉ vào ba lá bài nằm liên tiếp nhau: Già chuồn, Già cơ và Già rô. Cô nói: “Anh rất may mắn.” Một lúc mà anh được ba ông Thần độ mạng, phù hộ và giúp đỡ. Tôi tin chắc là sẽ không xảy ra gì nguy khốn đến tính mạng đâu!”Tiếp theo, cô nhìn và hỏi tôi có còn thắc mắc gì nữa không? Tôi trả lời “Không” và móc bóp lấy tiền ra đặt quẻ cho cô.

Bước chân ra về mà trong lòng cứ lo ngay ngáy. Phải chi đừng đi coi bói, để khỏi phiền phức, để khỏi nhức đầu. Tôi nói thầm trong miệng: “Bói ra ma. Quét nhà ra rác. Chuyện tào lao thiên hạ, ôm vào mình chẳng ích lợi gì! Nhưng trong lòng cầu mong không phải là sự thật.”

Mấy hôm sau, đơn vị tôi mới vừa đổi về. Theo nhu cầu huấn luyện, phải tăng phái một sĩ quan đề hướng dẫn thực tập bằng máy T2 và T4 về “Nghênh Cản Giả Tạo” cho các Sĩ Quan Điều Không (Air Weapons Controller) thuộc Đài Kiểm Báo 921 tức Peacock, Pleiku. Một Sĩ Quan khoá đàn anh thâm niên hơn tôi được chọn trong chuyến công tác này. Nhưng hôm sau, Th/tá Trưởng Phòng Hành Quân đơn vị mời tôi lên phòng làm việc của ông và trao cho tôi Sự Vụ Lệnh lên đường đi thăm “Em Pleiku má đỏ, môi hồng. Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa Đông” thay thế đàn anh, vì giờ chót niên trưởng của tôi phải nhập bệnh viện bất ngờ! Tôi vui vẻ, không thắc mắc và nhận sự vụ lệnh bước ra khỏi phòng. Tôi nghĩ mình mới đổi về, vừa mới chân ướt, chân ráo, chưa có dây mơ, rễ má. Dĩ nhiên bị chỉ định đi thay, thì đâu có gì là oan uổng và đáng ngạc nhiên!!!

Cầm Sự Vụ Lệnh trên tay vừa đi, vừa hát khe khẻ bài “Tàu Đêm Năm Cũ” của nhạc sĩ Trúc Phương “Lòng buồn dạt dào, nhớ hôm nào…” Bây giờ tôi bắt đầu khâm phục tài bói bài của cô Mẫn “Sao cô bói đúng và linh ứng quá.!”

Và thêm một chuyện khác làm tôi lại càng thán phục tài bói bài của cô hơn.

Khi lên đến Pleiku công tác khoảng hơn nửa tháng. Vào ngày cuối tuần của đầu tháng 4/1973. Tôi gặp khó khăn về tài chánh. Số tiền mang theo sắp cạn, nhưng không muốn hỏi mượn bạn bè. Vì thế tôi theo trực thăng của Phi Đoàn 229 (Lạc Long) do Tr/úy PHB và LVS lái đưa nhân viên của phi đoàn và một số SVSQ/KQ đi phép về Sàigòn. Trong lúc phi hành đoàn đang làm các thủ tục tiền phi. Tình cờ! Tôi gặp một anh bạn cùng khoá là Tr/úy Lý. Ch…, thuộc Phi Đoàn 235 (Sơn Dương) đang đi lại một chiếc trực thăng đậu gần bên. Anh Ch…nói sẽ đi Nha Trang. Anh rủ tôi đi theo cho vui và để cho biết nhà anh ở Thành, cách Thành Phố Nha Trang khoảng hơn mười cây số. Tôi thú thiệt với anh là tôi “Mậu Lúi”, phải về Sàigòn xin gia đình tiếp viện, thì làm sao mà đi theo được! Anh Ch… nói: “Bạn đừng lo, có gì tui cân hết cho.” Nghĩ tình đồng khoá và tình cảm quý mến anh dành cho tôi từ lâu, nên tôi bèn xuống phi cơ của Tr/uy B, chạy sang phi cơ của anh. Cùng lúc đó, một anh bạn cùng khoá khác của tôi là Tr/úy VĐQ, tưóng cao ráo, đẹp trai, hai má lúm đồng tiền, gốc Thiếu Sinh Quân, Sĩ Quan Vũ Khí SĐ6/KQ, vội nhảy lên chiếc trực thăng của Tr/uy B thế tôi, để về thi Luật ở Sàigòn cho kịp ngày hôm sau.

Khi trực thăng do Tr/úy Ch…lái, đang bay trên không phận Tỉnh Phú Bổn, thì nghe trên tần số báo nguy 243.0 cho biết có một phi cơ trực thăng vừa bị rớt ở Ban Mê Thuột. Anh Ch…quay cổ lại nói với tôi: “ Đó là chiếc trực thăng do Tr/úy PHB và LVS lái, mà lúc ở phi trường Cù Hanh tôi đã bước xuống để sang phi cơ của anh.”

Chiếc phi cơ bị lâm nạn cháy, phát nổ tan tành. Tất cả phi hành đoàn, cùng hành khách trên phi cơ không một ai sống sót. Phi cơ đang ở trên độ cao mấy ngàn bộ, mây bay lãng đãng, thời tiết rất lạnh, thế mà mồ hôi trong người tôi cứ tuôn ra như tắm. Tôi bàng hoàng, lâm râm khấn Trời Phật, vì mình vừa thoát chết trong đường tơ,kẻ tóc. Quả là quẻ bài cô Mẫn đoán không sai chút nào!

“Dù gặp hiểm nguy, nhưng vẫn hoàn toàn bình yên vô sự và tai qua nạn khỏi.”

Bây giờ đi thêm vài chục thước là tiệm phở Hoà Bình, nhà in Sài Gòn Ấn Quán, một con hẻm ra được đường Pasteur. Kế bên có ban kích động nhạc gia đình do người cha tên Thượng làm Bầu Show. Các con ông có thể chơi được nhiều loại nhạc khí và được hướng dẫn bởi người con lớn tên Long. Ban nhạc thường đi trình diễn cho Đại Nhạc Hội và các câu lạc bộ của quân đội Hoa Kỳ. Sau đó là Billards Văn Minh, rồi tiếp đến một cái mả bằng đá ong nằm bên trái góc đường Pasteur và Nguyễn Đình Chiểu. Nằm đối diện là Trường Anh Văn Khải Minh. Đây là một trong những trường dạy tiếng Anh đầu tiên của Sàigòn. Lúc đó phong trào làm sở Mỹ đang nổi lên rầm rộ, nên bà con ghi tên học rất đông. Cũng cần kể thêm nhà ông chủ hảng Sơn Mài Thành Lễ nằm trên khoảng đường này, mà một trong các con trai của ông tên NTT là Phi Công lái Phản Lực F-5E thuộc một phi đoàn trú đóng ở Sư Đoàn 3 KQ/Biên Hoà và hảng xe đò của ông Phạm Hoè mang tên Cosara, với những chiếc xe buýt sơn màu xanh da trời có một không hai ở Sàigòn. Vượt qua khỏi đường Công Lý khoảng hai trăm thước là cô nhi viện An Lạc phía bên tay phải. Đường Nguyễn Đinh Chiểu chấm dứt, khi gặp đường Trương Minh Giảng.

Trở lại Hai Bà Trưng. Nằm đối diện chợ Tân Định là các tiệm tạp hoá của người Hoa, bán đủ thứ từ mỹ phẩm đến mọi đồ dùng trong nhà. Ngoài ra có cả phòng trám, trồng răng vàng, răng bạc, nhổ răng không đau. Sau đó là nhà thuốc Kim Tân, bán thuốc cãi lão hoàn đồng, có bày một tủ kính một chàng lực sĩ vai u, thịt bắp đang cung tay gồng mình. Đầu ngõ hẻm Kim Tân có một chiếc xe nhỏ với tủ kính bán dây nịt da, viết Bic, viết máy Parker, Calo, hộp quẹt Zippo và nhiều thứ linh tinh khác. Đi thêm vài bước là tiệm bán văn phòng phẩm Mỹ Thịnh, rổi đến trường Thiên Phước số 295 đường Hai bà Trưng, với các nữ sinh đồng phục áo đầm màu hồng. Đến giờ vào lớp và tan học, xe Jeep của quân đội, xe du lịch đưa đón học sinh gây trở ngại lưu thông, làm tắt nghẻn cả khúc đường Hai Bà Trưng.

Sau đó tới Nhà Thờ Tân Định được quét vôi màu đỏ gạch cua số 289 HBT, nguy nga, tráng lệ đã tô điểm cho Tân Định thêm nét "hoành tráng." Bên trong nhà thờ Tân Định có một cửa sắt lớn. Cửa chỉ mở khi nào có lễ lớn, đi ra được trường Lasan Đức Minh, đường Hiền Vương, Pasteur, Nguyễn Đình Chiễu và Huỳnh Tịnh Của. Trở ra nhà thờ Tân Định, đi thêm khoảng mười thưóc nửa là cà phê Thu Hương, mà mỗi khi có ai viết về cà phê Saìgòn đều luôn luôn nhắc đến tên, kèm theo vài hàng nói về ông chủ rất khó tính. Gương mặt ông lúc nào cũng khó đăm đăm. Khách uống cà phê phin, không được tự tiện châm nước sôi vào tách mà phải do chính tự tay ông châm vào, khi ông cả thấy cà phê đã chảy hết phin thì ông mới chịu. Tuy nhiên, ông rất hiền và dễ mến. Riêng tôi mỗi khi đến quán Thu Hương, tôi chỉ gọi nước chanh rum hay dùng chè đậu xanh với đá bào nhuyễn. Gần cuối đường là tiệm may khá nổi tiêng Paris Mode có hai ngưòi con trai tên Bảo và Toàn. Cả hai đến trường lúc nào quần áo bảnh bao, à la mốt, được nhiều em kết mô đen

Bây giờ sang phía tay trái đoạn đuờng dễ thương.

Đoạn đường này cũng buôn bán ì xèo, sầm uất. Vừa xuống dốc cầu Kiệu, quẹo trái là một hẻm nhỏ quanh co, chằng chịt, số 478 HBT. Nơi đây chuyên bán thịt chó, đi kèm theo là một đơn vị săn trộm chó chuyên nghiệp, để cung cấp cho các cửa hàng bán cờ tây. Đội quân này chỉ xuất hiện về đêm, hoặc đi xa về phía ngoại ô. Em chó nào sút dây cột, chạy tung tăng, hớn hở mừng được “ Hát bài ca tự do” là các chàng săn bắt chó canh me, dùng một ống nước với thòng lọng làm bằng dây thắng xe giựt lẹ làng trong tích tắc, bỏ “chiến lợi phẩm” ngay vào trong bao bố cầm sẵn trên tay, không cho các em kịp ú ớ, kêu la cầu cứu.

Nếu em chó nào may mắn xinh đẹp, có giá trị thì họ giữ lại, để các chủ mất chó có thể đến đây nhận diện và xin được chuộc cục cưng lại theo luật giang hồ. Nếu chậm vài ngày mà chưa đến chuộc thì các em cũng sẽ biến thành rựa mận, chả chìa và cẩu bảy món. Đi thêm vài bưóc là tiệm bán gạo Ngọc Anh, tiệm làm nón nỉ, cây xăng Hai Bà Trưng, hiệu trà Phật Tổ bán các loại trà đặc biệt cho những ai ghiền uống trà, tiệm điện Thành Mỹ. Khoảng mười thước là tiệm sơn Mậu Ký, hiệu buôn xe đạp có tên là Đoàn Văn Thẩm chuyên bán phụ tùng và lắp ráp xe đạp nhập cảng của Pháp hay Ý. Các cua rơ xe đạp nhà nghề Lưu Quần, Lê Thành Các, Ngô Thành Liêm, Bùi văn Hoàng, Huỳnh Văn Nên…là khách hàng thường xuyên của tiệm này. Ngay góc Hai Bà Trưng và Trần Quang Khải là phòng mạch của Bác Sĩ Nhi Khoa tên Hạnh

Vừa qua khỏi đường Trần Quang Khải là quán cơm bình dân cây Điệp. Kế bên là nhà may Bích Hùng, rồi đến hãng gạch bông Vân Sơn, chuyên sản xuất và bán gạch bông. Các cô con gái của ông bà rất dễ thương. Sau này ông bà khuếch trương thêm về Billards, cũng mang tên Vân Sơn. Nơi tụ tập của học sinh cúp cua đến đây để thụt giò gà và mắt kiếng. Hôm nào kẹt tiền, các em đem sách học đi cầm hoặc bán để chơi tiếp. Tôi cũng là một thân chủ của Billards Vân Sơn. Tuy nhiên, khi không có tiền, tôi cố nhịn, không dám đem sách vở đi cầm vì sợ bị đòn. Nằm sát bên gạch bông Vân Sơn, cũng có tiệm bán xe đạp mang tên chủ nhân là Trần Xuân Cường. Thêm vài bước nữa là thuốc lào Vĩnh Bảo, Vĩnh Giang, rồi tiệm nhuộm bảo đảm màu sắc không phai Tô Châu.

Bây giờ cũng phải kể thêm tiệm chụp hình Văn Hoa đã có mặt đầu tiên ở vùng Tân Định. Trong hẻm tiệm hình Văn Hoa, số 392 HBT có nhà của cua rơ vô địch nước rút Nguyễn Văn Châu. Anh đã làm rạng danh nền đua xe đạp nước nhà, mà cho đến nay chưa có bất cứ một cua rơ xe đạp Việt Nam nào lập được thành tích “vô tiền, khoáng hậu” như anh. Trong cùng năm 1961. Anh đã đoạt một lúc hai giải thưởng lớn “Vô địch nước rút xe đạp Á Châu tại Tokyo và Đông Nam Á tại Miến Điện.” Hiện anh đã ngoài 70 tuổi, đang phụ con trai có tiệm ăn đặc sản miền Nam số 459 B đường Hai Bà Trưng, dưới chân dốc cầu Kiệu.Tiệm chuyên bán hủ tíu Mỹ Tho, Nam Vang, bún nước lèo, bánh bèo bì, bánh canh giò heo. Khách đến ủng hộ rất đông vì muốn gặp lại thần tượng môn đua xe đạp một thời , cũng như muốn nghe anh kể thời vàng son của môn đua xe đạp VNCH . Ngoài ra, thức ăn nơi đây cũng ngon và giá cả không mắc lắm! Trong hẻm tiệm hình cũng có nhà Vũ Sư Nguyễn Thống và Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh Chín nổi tiếng với “Buồn ơi!Ta Xin Chào Mi và Đêm Nay Ai Đưa Em Về.”

Cạnh hẻm tiệm hình Văn Hoa là Billards và Phở cùng mang tên Vạn Lợi nằm liền với nhau. Kế bên là một con hẻm cụt, có một cây Đa nhiều tuổi. Đầu hẻm có ông thợ chuyên môn sửa giầy dép và cạc táp giá bình dân. Thỉnh thoảng, ông biểu diễn một màn giựt gân. Ông ghim cây kim vào lưng bàn tay hay cắm phía trên lông mày, trong lúc tay vẫn kéo chỉ. Sau đó là hiệu kem Hoàn Kiếm, số 378 HBT với hai loại kem đậu xanh và sầu riêng độc đáo không nơi nào sánh bằng. Tiếp theo là tiệm chụp hình Mỹ Quang do hai anh em ruột cùng làm chủ. Trước tiệm có một tủ kính khoe hình các người đẹp ăn ảnh. Trong đó có hình cô nữ sinh lớp Đệ Tứ Trường Tư Thục HuỳnhThị Ngà dáng liêu trai, với mái tóc buông xoả dài như nữ ca sĩ Thanh Thúy. Lúc đó chúng tôi còn ở lứa tuổi học trò thò lò mũi xanh, ăn chưa no, lo chưa tới, mà đứa nào cũng ngắm nghé nhào vô tìm cách "gõ cửa trái tim." Mỗi ngày đi học ngang qua, tụi tôi đều dừng lại vài phút để chiêm ngưỡng người tình có chân dung này. Thế rồi! Vào một buổi trưa tan trường nắng đẹp, nàng e ấp chiếc cặp da trên ngực, như đang đứng chờ ai trước cổng trường.Thình lình từ xa có một chiếc Vespa chạy trờ tới, thắng gấp, ngừng lại mời nàng lên xe. Đó là một chàng Phi Công hào hoa, phong nhã, danh tiếng muôn đời, đeo cây Rouleau P38 với cái báng inox xề xệ và kính Rayban gọng vàng quay lại nói nho nhỏ bên tai nàng, chắc là xin lỗi đã đến trễ vì vừa mới thi hành xong phi vụ cần phải bàn giao một số thủ tục. Nhìn cảnh này chúng tôi thất vọng ê chề vì “Trái tim không ngủ yên của nàng.” đã có người đánh thức. Khoảng vài năm sau được tin cô theo chồng bỏ cuộc chơi rất sớm. Ba Má cô an tâm, không còn sợ cô bị ong vờn, bướm lượn mà chỉ một phút yếu lòng sẽ tiêu tan cuộc đời. Cô đã vâng lời ba má bước xuống thuyền rồng ra khơi. Bỏ đi những cuộc tình thời hoa mộng với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò thường buồn vu vơ.

Tôi cũng kể thêm Garage Chín Lê, nơi sửa chữa xe hơi nổi tiếng, có con hẻm nhỏ thông ra được đường Trần Quang Khải. Nếu nhìn sang bên kia đường sẽ thấy xe nước mía của chị Hai, số nhà 186 B Trần Quang Khải. Chị có hai cô em gái, trong đó có cô em tên ở nhà là D.. là nữ sinh trường Lê Văn Duyệt rất mi nhôn. Khách đa số là nam sinh, vừa đến thưởng thức nước mía nguyên chất giá bình dân, vừa xung phong tình nguyện rửa ly giùm để lấy điểm. Nhưng tất cả đều trớt quớt, vì mẹ em rất khó, kềm kẹp em quá kỹ, đi đâu cũng có cậu em trai út kè kè làm bo đì ga, làm chàng nào có muốn theo cũng khó bám sát được mục tiêu. Do đó anh nào dự tính xáp lá cà lại gần cũng phải “đành xa nhau” cho chắc ăn, khỏi phải ca bài “sầu lẻ bóng.”

Nghe đâu, sau này em lập gia đình với một Sĩ Quan Không Quân Không Phi Hành làm vỡ mộng bao chàng trai toan rắp ranh bắn sẻ. Trong đó có một chàng thuộc binh chủng chiến đấu quanh năm ngụp lặn ở “Bưng Biền và Rừng Lá Thấp” là một ứng cử viên có nhiều triển vọng, nhưng cuối cùng có lẽ tại duyên số hoặc gia đình em sợ em sớm thành Quả Phụ Thơ Ngây, nên ngăn cấm và chàng đành phải hát bài ca “Ngăn Cách” mãi!

Sau 30 tháng Tư, 1975 chàng ghi danh học một khoá ở Đại Học Không Có Ngày Tốt Nghiệp khoảng gần mười năm. Bây giờ chàng định cư ở Nam Cali. Bỗng nhiên trở thành văn sĩ, thỉnh thoảng có bài viết của chàng xuất hiện trên một số báo địa phương và Đặc San Quân Đội. Còn nàng, nghe đâu gia đình đang ở Canada. Có thể coi như “Chuyện Tình Thời Chinh Chiến”, không đi đến đoạn kết!

Bên cạnh hẻm Chín Lê là tiệm thịt bò Thành Thể với cậu ấm tên N.., biệt danh là N..Thịt Bò.,thuộc loại con cưng, được cha mẹ thương sắm cho một xế nổ hai bánh để đến trường, trong khi bạn bè cùng trang lứa chỉ dùng lô ca chân hay xe đạp là cao cấp nhất rồi!. Anh chàng này võ nghệ đầy mình, đệ tử trung thành của Võ Sư người Nhật tên Watanabé, một Sĩ Quan trong Quân Đội Thiên Hoàng ở lại VN lập nghiệp bằng nghề dạy võ. Môn sinh của ông rất đông và đã đoạt nhiều giải thưởng trong các giải thi đấu. N.. được các người làm công của tiệm, chân tay vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn và mạnh khoẻ thường xuyên săn sóc lấy điểm với ông chủ nhỏ. Họ sẵn sàng bảo vệ cậu ấm mỗi khi lâm chiến với các đấng giang hồ trong vùng đến hỏi thăm sức khoẻ. Sau này, nghe nói, N.. làm cận vệ cho một xếp lớn trong ngành An Ninh Không Quân VNCH. Cạnh thịt bò Thành Thể là các tiệm vàng Đình Thể, Hữu Thành, nhà thuốc Đông Y Đức Nguyên, số 350 HBT của Đông Y Sĩ Chánh Kỷ. Tuy nhiên, tiệm vàng Mỹ Thịnh ở sát bên là có vẻ đặc biệt, vì ông bà chủ đã cùng nhau hợp tác tăng gia sản xuất gần một tiểu đội toàn là công chúa. Sau này, có lẽ nhờ khấn nguyện hay đi đến các chùa, đền, miếu, nhà thờ cầu xin. Nên ông bà kiếm được thêm một hoàng nam? Các con gái của ông bà đều tướng cao nghều nghệu, dong dỏng, hầu hết đều học trường Đầm.

Qua khỏi đường Bà Lê Chân là Y Viện miễn phí Tân Định, số 338 HBT, chuyên chữa bệnh cho người nghèo. Cạnh bên là chợ Tân Định, một ngôi chợ cũng thuộc loại tầm cỡ ở Sài gòn. Chợ đúng là của nhà giàu vì hàng ngày xe hơi láng coóng đưa các bà, các cô đến đây mua thịt cá, hoa quả, vải vóc toàn là các thứ tuyển chọn. Trước chợ có những sạp trái cây trưng bày rất đẹp mắt với những trái vú sữa màu tím chín mộng, sầu riêng thơm ngát, chôm chôm, soài, bòn bon, lê, táo, dâu, bưởi, ổi xá lị. mận sọc…Mùa nào, quả nấy. Chính giữa mặt tiền của chợ, phía trên cao là chiếc đồng hồ tròn, đường kính rât to, càng tô điểm cho chợ Tân Định thêm một hình ảnh uy nghi, bề thế.

Buổi chiều bên hông chợ, nằm trên đường Trần Văn Thạch. Đầu ngã ba góc Hai Bà Trưng là Quán Bar Bình Viện bán la de, rượu đế, củ kiệu, tôm khô, các món nhậu. Ngoài ông chủ, còn có các con gái, nhìn thì hiền lành, nhưng khách cà giựt là sẽ thấy các cô ra tay. Thỉnh thoảng cũng xảy ra những trận thư hùng, bàn ghế bay tứ lung tung, chai lọ bể nát nằm ngổn ngang trên lối đi, vì các đệ tử lưu linh quá chén, lời qua tiếng lại, hay không còn kiểm soát được mình. Chính quyền địa phương phải can thiệp. Ai lỗ đầu sứt trán có Y Viện Tân Định kế bên lo giùm. Còn lại thì được mời về chi cuộc Cảnh Sát Tân Định lập biên bản vi phạm trật tự nơi công cộng.

Ngoài ra có thêm các xe hủ tíu, mì hoành thánh, khô mực, bắp nướng mỡ hành, hột vịt lộn, ốc gạo, ốc hương, ốc len xào dừa, cháo hột vịt muối, nem nướng, bánh ướt, sâm bổ lượng với món hột gà nấu với nước trà, có lẽ không thể nào tìm thấy ở bất cứ nơi đâu? Sinh hoạt buôn bán sầm uất đã tạo nên hoạt cảnh ồn ào, náo nhiệt cho đến nửa đêm về sáng. Xe nào ngang qua cũng bị các các em nhỏ chạy ra chận lại mời mọc. Đôi khi lời qua tiếng lại làm phiền người qua đường. Nhìn sang bên kia đường là tiệm trà Mậu Ký lấy hình con chuột làm biểu tượng.

Bước sang đường Trần Văn Thạch (nay là Nguyễn hữu Cầu) là một tiệm sản xuất bánh mì, ngõ hẻm kế bên số 302 HBT là lò luyện ca sĩ mầm non của ba nhạc sĩ Lê Minh Bằng gồm: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Nhạc sĩ Lê Dinh đang ở Canada, nhạc sĩ Anh Bằng đang ở Nam Cali, còn nhạc sĩ Minh Kỳ kẹt lại VN sau 30/04/1975 và đã chết tức tửi trong trại tù Suối Máu vào năm 1976.

Ngày ngày, các em ôm mộng làm ca sĩ đến đây học nhạc lý, luyện giọng để hy vọng trở thành ca sĩ được trình diễn ở phòng trà, đại nhạc hội, đài phát thanh, đài truyền hình…. Không nghe nói có ca sĩ nào thành danh xuất thân từ lò luyện này. Kể tới là nhà thuốc Kim Khuê có con cọp nhồi bông rất uy nghi bày trong tủ kính trước tiệm.

Tiếp đến một tiệm chụp hình nữa cũng khá nổi tiếng là Luyến Photo, trường dạy đánh máy chữ Lectason. Cách đó vài căn là hiệu bán kính đeo mắt Kính Tiên số 274 Hai Bà Trưng, phía trước bày biện các hủ keo lớn đựng cà phê hột đủ loại, đủ hiệu để xay cho khách mua mang về nhà.Tiệm nằm ngay góc Đinh Công Tráng và Hai Bà Trưng. Kế bên là tiệm chụp hình Duy Hy số 76 ĐCT. Cũng trên con đường ĐCT này phải kể thêm bánh xèo ĐCT, Trường Tân Thịnh, đổi tên thành Les Lauriers, Văn Minh, Đuốc Sống ), hẻm Cảnh sát vì đa số bà con ở đây phục vụ trong ngành cảnh sát, hay còn gọi là hẻm Tùng Lâm vì có nhà danh hài Tùng lâm. Nếu đi hết xóm sẽ gặp đường Trần Văn Thạch, bên kia đường là rạp hát Moderne và nhà sách Yểm Yểm Thư Quán.

Đi bộ qua đường Đinh Công Tráng là tiệm hòm Vạn Thọ, tiệm giày Trinh Shoes. Có lẻ con gái chủ tiệm có cô tên Trinh? Các tay chơi thường thích đến đây để đóng những đôi giầy theo ý thích của mình hay sắm các đôi giầy nhập về từ Ý Đại Lợi và tiệm may mang tên Đô Hội. Kế tiếp là Bưu Điện Tân Định, có con hẻm nhỏ đi ra được đường Hiền Vương. Trong hẻm có một khoảng đất rộng như lòng chảo với mấy cây me già rất sai trái. Con nít các nơi thường kéo đến hái me, đá banh, chơi năm mười, u bắt mọi, tạt lon, đánh đáo hay bắn đạn.

Đặc biệt đầu hẻm phải kể thêm tiệm hòm tên Tobia nối tiếng hơn một chút, vì có quý tử tên H…, biệt danh H…Tobia, cựu SVSQ/KQ giải ngũ vì bị tai nạn khi đáp ở trường bay. Công tử H… là tay chơi có hạng ở Sàigòn lúc bấy giờ. Nay thì chàng đã già và gác kiếm quy hàng, không còn là dân chơi cầu ba cẳng nữa! Anh chuyển sang vui thú điền viên với chim, hoa, cá, cảnh và chăn nuôi bốn mươi con thú. Chiều chiều đón nghe Radio chờ kết quả công bố cũng đủ lãng quên đời.

Cuối cùng là tiệm làm cửa sắt, máng xối và hàn gió đá của nhà hai anh em cua rơ xe đạp đội Quân Vận nổi tiếng một thời: Trần Gia Thu và Trần Gia Châu. Vài ngày trước mỗi lần có tổ chức cuộc đua, cả hai anh em thường đem xe đạp của mình ra kiểm soát lại tất cả: dây xên, đạn, líp, thắng, vỏ, ruột… và vô dầu mỡ rất kỹ lưỡng. Sau đó đạp thử vài vòng. Nhích thêm vài mét là ngỏ hẻm số 218 HBT, đi ra được đường Hiền Vương. Nếu queo phải gặp trường dạy lái xe hơi Hiền Vương hay Mayer của ông Giáp Văn Thập, tức ông Nghị Còi Ô Tô. Cạnh bên là nhà của nghệ sĩ hài Mỹ Trinh số 110 HV, có lúc cô mở cà phê tên Giáng Châu rất đông khách, nhà số 114 HV là tiệm cơm tấm Hiền vương, với món bì, sườn nướng, chả trứng và xíu mại độc đáo không nơi nào ngon bằng! Nếu như quẹo trái, đi thêm hơn hai mươi mét là trường Mẫu Giáo Michelet.

Tóm lại, chỉ một đoạn đường không dài lắm mà biết bao nhiêu điều để viết, để tả và để hoài niệm.

Ôi!Tân Định của tôi và những ai có cảm tình với Tân Đinh. Dù bất cứ không gian và thời gian nào vẫn mãi mãi không bao giờ quên.

Trần Đình Phước

San José, California, USA

Saturday, June 27, 2015

Phượng Hồng (Đỗ Trung Quân & Vũ Hoàng) Vũ Khanh

Phượng Hồng

Thơ: Đỗ Trung Quân

Phổ nhạc: Vũ Hoàng

Tiếng hát: Vũ Khanh

Hình ảnh: Nguyễn Hữu Trọng

Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan


Click on the video below to play!


Phượng Hồng

Tiếng hát: Vũ Khanh

Hình ảnh: Nguyễn Hữu Trọng



Wednesday, June 24, 2015

San Thành Những Ngày Bão Lửa Năm 2007

Lê T. Vân-Anh


Tưởng rằng di tản qua Mỹ, ở xứ thần tiên này, hoà bình, không còn chiến tranh, sẽ không bao giờ phải di tản nữa. Thấy vậy mà không phải vậy, năm ấy, năm 2007, gia đình hai người bạn "se phòng" này và hàng ngàn gia đình khác ở vùng Nam Cali được hưởng mùi di tản. Họ phải lục đục, gom góp đồ đạc, ra khỏi nhà, đi tránh cơn bão lửa lớn nhất lịch sử Cali.

Anh bạn cùng phòng, cùng nhà, có ba anh em được chính phủ Hoa Kỳ nhân đạo cho đoàn tụ gia đình đông đảo, quây quần bên bà Mẹ già ở thành San, vùng Nam Cali. Ba gia đình ở gần nhau, nên cùng bị nạn bão lửa, đều phải khăn gói về tá túc nhà Mẹ già. Ba gia đình chen chúc trong căn "a-pạc-măng", hai phòng ngủ, be bé, xinh xinh của Mẹ. Giống di tản Tết Mậu Thân dễ sợ. Đi tới, đi lui, đi ra nhà trước, đi ra nhà sau, chen chúc như cá hộp. Đêm đến nằm sát rạt, không dư một chỗ. Anh bạn cùng phòng vai lớn nên được các em nhường cho nguyên cái phòng nho nhỏ.

Trời nóng hừng hực, gió lồng lộng, cháy tới, cháy lui, cháy dập đầu này, gió khởi lên đầu nọ, lại cháy tiếp, cháy không ngừng. Sáng hôm ấy xem cái bản đồ đám cháy trên truyền hình. Tám chín đám cháy một lúc chạy dài từ Bắc xuống Nam địa hạt (county) San-Dế-Gồ. Nghĩ thầm kỳ này mệt dữ cháy như thế này còn chạy đâu nữa. Còn có một đường thôi, chạy ra biển, chạy xuống biển, không xong rồi. Lại vượt biên, vượt biển, boat people, đi đâu đây.

Chiều chủ nhật còn nấu phở mời các anh chị bạn mấy chục năm ở Êch-Công-Đi-Đô. Bên ngoài cơn gió đất liền thổi ra đầy mùi khói. Lúc sáng không biết, cứ bảo là nhà ai hôm nay bạc-bơ-cu, nướng thịt thơm dữ. Đến trưa chiều mùi khói khét và tin cháy lớn phía đông. Sáng thứ hai, 4-5 giờ sáng dậy, gió đập mạnh vào cửa kính, đập trên mái nhà, nghe như mưa to gió lớn mà không phải. Gió lồng lộng khơi cho đám cháy phừng to lên, lửa cao 15-20 thước tây. Gió lại còn đem những đóm lửa bay xa cả dặm gây thêm những đám cháy mới. Gió mạnh, tốc độ có lúc lên đến 90 dặm một giờ. Cây cối ngã gập, có người bảo gió mạnh đẩy mình đi không cần phải bước.

Sáu giờ sáng, điện thoại nhà bắt đầu reo, rồi điện thoại cầm tay, các em, các anh, các chị, các bạn, gọi hỏi thăm. Khoảng tám giờ sáng, con đường trước nhà đầy xe. Anh bạn lâu năm đoán chắc mấy người này không biết hôm nay trường học nghỉ, đưa con đến, giờ phải đưa con về. Nhìn ngắm hoài vẫn thấy đoàn xe lũ lượt đằng trước nhà mình. Số lượng xe không giảm đi mà sao di chuyển rất chậm, nhích từng chút một. Lúc đó hai vợ chồng mới suy ra, hàng xóm đã bắt đầu di tản. Điện thọai lại reo - Brenda, bà khách mướn nhà khu miền Tây Bắc của Thành Phố gọi bảo cần di tản thì đi ra nhà Bà ấy mà ở tạm. Ôi sao thương thế, cám ơn Brenda đã có nhã ý cho tạm trú. Năm mười phút sau, truyền hình báo khu Tây Bắc cần di tản. Thế là gọi lại báo Brenda - Bà cũng phải di tản, chúc Bà may mắn nha.

Con gái giữa, chiều chủ nhật, đã hỏi cháy vậy có được nghỉ ở nhà không? Cô nàng còn đùa nói miền Đông có ngày nghỉ tuyết, Cali có ngày nghỉ cháy, và động đất. Đến tối, trường gọi báo không có đi học thứ hai, con gái mừng được nghỉ cháy nhà. Sáng hôm ấy không phải đi học hai cô út còn ngủ nướng, phải đánh thức mới dậy. Dặn dò các con sửa soạn xong, mình tà tà, lượn tới, lượn lui vì nhà cũng còn nhiều việc phải làm. Cô con gái giữa sốt ruột giục bố mẹ nhanh chân nhanh tay. Con gái phải giục là chuyện trọng đại vì cô nàng này lúc nào cũng ung dung, tự tại, không màng đến mọi chuyện chung quanh kể cả chuyện của mình.

Di tản mang cái gì theo? Cũng may giấy tờ quan trọng, hồ sơ nhà cửa, "sổ đỏ", "sổ xanh" đều đã "ọc-ga-nai" trong mấy thùng "to-rệt". Thẻ xanh, thẻ trắng, thẻ thông hành đã sẳn một bao bì đặc biệt. Gom tất cả và chất vào xe thôi. Hồ sơ vi tính tất cả trữ trong hai cái "ếch-tơn-nôn-rai-vờ" gỡ ra, bỏ vào thùng. Mang theo điện thoại cầm tay, "chạc dơ", máy hình, "láp-tóp", dây nhợ, pin... Lấy hai cái thùng đi quanh nhà, thâu hình ảnh, album gia đình. Thế là xong bỏ tất cả vào xe, gọn gàng đi thôi, không thắc mắc, không quyến luyến, không lo ngại.

Trước khi lên đường ra khỏi nhà, trao vội cho anh bạn cùng phòng máy chụp hình, nhờ anh đi quanh nhà chụp hình đồ đạc để lưu hồ sơ bảo hiểm - kẻo cháy còn có bằng chứng . Thấy anh chụp sao mau quá. Hỏi anh chụp hết chưa, trên nhà, dưới nhà, tất cả các phòng. Anh lầm bầm cái gì như là trên lầu có cái gì đâu mà chụp. Vậy là biết rồi việc giao cho anh không xong như ý vì anh chụp những cảnh đẹp đẽ, sạch sẽ. Quần áo vật dụng, những thứ cần chụp anh không chụp vì đồ đạc nhiều quá, đồ không ra gì, hay đồ không có giá trị thẩm mỹ. Anh không cần chụp - chấm hết.

Nhà mình năm chiếc xe - trong đó có thêm xe của Ông Bà Ngoại xấp nhỏ để nhờ chăm sóc trong lúc hai ông bà ngao du Âu Châu. Ba chiếc đậu trong ga-ra. Một chiếc con gái lớn đi chơi xa kẹt lại trên vùng bắc Eo-Ây ấy . Cả nhà chất lên chiếc xe thùng (van). Ra khỏi nhà khoảng 8 giờ rưỡi, đường một dọc xe dài, đi một quãng chưa đầy một dặm mất hơn một tiếng đồng hồ. Càng bực bội hơn khi thất mấy bạn hàng xóm, một gia đình 2-3-4 người, mỗi người hiên ngang, hớn hở lái một chiếc xe ra khỏi nhà. Họ không nghĩ tới nhiều xe gây thêm kẹt xe, và không nghĩ đến lúc đám cháy, cháy tới gần mình thì sao. Một dãy xe kẹt cứng, không nhúc nhích, chạy đi đâu cho thoát. Phải nói các cơ quan trông coi vấn đề chữa cháy làm việc hữu hiệu vì lệnh di tản ra sớm để mọi người có thì giờ đi trong trật tự.

Hơn 1 tiếng rưỡi mới đi được 10 dặm để đến nhà Mẹ chồng. Đấy là từ dặm thứ tư đi xa lộ không bị kẹt xe. Đến nhà xong, việc đầu tiên là ra ngoài chợ mua đồ ăn và thêm vào kem đủ loại, chất đầy tủ lạnh để hối lộ và giữ trật tự cho đám con nít chen chúc, nheo nhóc, trong căn hộ be bé xinh xinh.

Cuộc sống di tản phải nói, dài lê thê. Ngày ngồi xem tin tức, xem hết đài này đến đài nọ. Cháy nhiều chỗ quá. Các đài địa phương không đủ phóng viên, phải kêu gọi sự giúp đỡ của các đài chị em xa gần. Phóng viên từ thành phố "gió lạnh ra riết", từ tiểu bang "Mễ Tân", từ thành phố Đa-Lát (không phải Đà Lạt đâu nha), được gởi về, tiếp một tay. Các anh chị này làm việc đứng cạnh lửa cả ngày trời. Đầu tóc rối bung, mặt mũi đen ngòm, đầy tro bụi, rất khác với những khuôn mặt đẹp đẽ phấn son, tô vẽ kỹ lưỡng của ngày thường. Các đài ra-dzô không có phóng viên, kêu gọi các thính giả kêu vào đài cho tin tức. Các đài ra-dzô này có lúc không phát thanh được vì không có điện và cũng không có máy phát điện.

Nhà tôi thuộc địa hạt (county San Diego, kế bên thành phố San Diego). Di tản hơn ba ngày hai đêm rồi, vài nơi gần đó đã có lệnh cho phép về. Thành phố cho về mà địa hạt chưa cho về. Vùng Rancho Bernardo cháy nặng. Truyền hình thông tin hơn trăm nhà bị cháy rụi. Đúng là cháy rụi. Nhà xứ thần tiên Mỹ Quốc làm bằng tường khô (dry wall), một loại đồ kiến trúc bằng giấy bọc khoáng chất calci nên cháy dữ. Nhà ngói cháy xong, thấy chồng ngói xếp lớp rớt nằm trên mống nhà. Chỉ còn lại cái lò sưởi xây bằng gạch trơ trọi lừng lững đứng giữa đám tro tàn, và vật dụng bằng thép như bồn rửa chén, máy giặt máy sấy ngổn ngang... Tổng số nhà cháy lên đến 360 căn riêng khu vực bé tí vài dặm vuông này.

Sáng Thứ Tư, con gái lớn cũng lần mò về đến nhà Bà. Mấy đêm trước, con gái này tá túc ở nhà bạn trên quận Cam. Đêm Thứ Ba, con gái lò mò về được tới nhà người Cậu ở đầu Đông Bắc thành phố. Hôm sau, cháu qua nhà Bà để cùng gia đình chung vui hưởng thêm những giờ di tản, gắn bó với nhau. Trên đường đến nhà Bà Nội, con gái đã rẽ về gần tới nhà, nhưng không được về nhà. Lính trừ bị chặn đường không cho ai ra vào khu vực gần nhà. Truyền hình cũng thông tin Tòa khuyến cáo cướp bóc, hươu của những khu di tản sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chắc nhờ thế mà không thấy ai than phiền bị mất cắp.

Lúc chưa về nhà được, không dám quả quyết nhà mình không bị cháy, không dám nói nhà mình không sao. Vì sợ nói ra Trời phạt làm nhà mình cháy thiệt thì than với ai đây. Theo dõi trên màn hình, nhìn hàng chữ dạy dọc dưới chân màn hình, cố tìm xem tên dường và số nhà của mình có trên đó không. Không thấy thì cũng an tâm và mong rằng sẽ về được mái nhà xưa.

Đêm Thứ Tư liều về nhà, đường không bị chặn, về được nhà. Về đến nhà, tro ơi là tro. Tro phủ lối đi, chỗ đậu xe, làm đen xì cỏ cây lá quanh vườn. Tro kết thành màn, tro giăng thành sợi, tro nằm treo leo khắp mọi nơi. Mùi khói cháy khét quyện trong không khí. Ai nấy vào nhà đóng kín cửa mong sao khói tan theo làn khói.

Tro, khói cũng không sao - "Hôm Suýt Hôm". Có di tản, có ngủ la liệt dưới đất, mới thấy mình thật là diễm phúc được trở về mái nhà xưa. Ý tưởng nhà cháy, mất nhà không quá đen tối, kinh khủng vì mình vốn dĩ mít tỵ nạn, đến nước này định cư, với bàn tay trắng, bây giờ có nhà hay không có nhà cũng không khác lắm. Nhà cháy bảo hiểm cũng đền. Cái lo là những cái nhức đầu tiếp theo khi phải lo một nơi ở mới, xin phép xây lại nhà rồi lựa kiểu gì, màu gì, ai xây, ai vẽ... Ôi chao, nhiều việc, nhiều chi tiết, nhiều quyết định, mệt óc, nhiêu khê lắm. Rồi không biết quyết định đúng hay sai, đồ tốt đồ xấu, thợ giỏi, thợ dở, thợ tốt, thợ xẩu... Nhiều chuyện đau đầu lắm...

Cả tuần sau, mùi khét vẫn vướng vẩn trong không khí. Nhiệt độ đã dịu lại. Bầu trời sáng hơn nhưng vẫn như còn vấn vương màu xám của khói. Cần một cơn mưa ào, ào xuống để mang tro xuống, tẩy sạch tro, và cho không khí trở lại trong lành. Bài này được ghi lại và đã gửi đến các anh chị, các bạn và gia đình năm ấy để báo tin gia đình bình an vô sự và cám ơn tất cả đã meo, gọi điện tới tấp hỏi thăm. Nhờ Chúa thương, cả gia đình bình an, không sao.

San Thành, những ngày rực lửa, tháng 10, năm 2007

Lê T. Vân-Anh


Friday, June 19, 2015

Huỳnh Bá Thanh Khoá 7/68 Không Quân VNCH

Nhân dịp Kỷ Niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, 19 tháng 6. Xin gửi môt bài viết về một chiến hữu KQ/VNCH đã ra đi vĩnh viễn cũng vào ngày này, cách đây hai năm. (TĐP)

Huỳnh Bá Thanh
Huỳnh Bá Thanh
( 1 December 1949 - 19 June 2013 )

Rồi cũng có lúc chúng ta sẽ bước lên con tàu suốt mà chỉ mua vé một chiều, để đi về cõi vĩnh hằng. Mỗi người ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Điều quan trọng, khi ra đi được nhiều người thương, kẻ tiếc. Huỳnh Bá Thanh thuộc khoá 7/68 KQ là người đã ra đi trong trường hợp nêu trên.

Nhà quàn thi hài Thanh, Memorial Chapel of Cook Walden / Capital Parks Funeral Home - Pflugerville, Austin (Texas), ngoài hiền thê và ba con, còn có các anh chị đã lớn tuổi, cháu, chắt, bạn học, đồng nghiệp cũ, đồng đạo Phật Giáo Hoà Hảo, các bạn khoá 7/68 KQ ở Houston, Dallas, Austin và nhiều tiểu bang xa xôi khác đã về viếng linh cữu Thanh, tiễn đưa Thanh lần cuối. Đặc biệt, Hội Ái Hữu Không Quân VNCH Miền Bắc Cali cũng cử đại diện đến viếng linh cữu Thanh. Hội đoàn này là nơi Thanh đã cùng các Niên Trưởng, các chiến hữu KQ bỏ ra rất nhiều công sức, thời giờ từ khi mới thành lập và cố gắng duy trì cho đến hôm nay. Hội cũng phát hành đều đặn Đặc San Không Quân Bắc Cali, một món ăn tinh thần quý giá mà các cựu chiến sĩ Không Quân VNCH khắp nơi tán thưởng. Cho đến nay, dù tuổi tác, sức khoẻ của Ban Biên Tập và các cộng tác viên càng ngày càng bị ảnh hưởng theo thời gian. Nhưng Đặc San vẫn được gửi đến các độc giả có ghi danh theo đúng kỳ hạn. Đây là một cố gắng đáng trân trọng. Sau này, Thanh và gia đình rời San José đến Austin (TX), theo nhu cầu của hãng, nhưng khi Hội cần hỗ trợ hay giúp ý kiến thì Thanh lúc nào cũng sẵn sàng có mặt.

Thanh nhỏ tuổi so với anh em trong khoá 7/68 KQ. Với tầm vóc gia đình quyền thế và có tiếng tăm trong xã hội thời bấy giờ. Thân phụ là một nhân sĩ nổi tiếng, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ và anh ruột là Sĩ Quan cấp Tướng của KQ/VNCH thì Thanh có thừa cơ hội tiếp tục học lên hay đi du học nước ngoài, để sau này có một điạ vị xứng đáng trong xã hội và môt cuộc sống cao sang, quyền quý.

Thanh là con trai út còn lại trong gia đình. Thanh đủ điều kiện được hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Nhưng Thanh tình nguyện nhập ngũ vào khoá 7/68 KQ. Trong khi thụ huấn ở quân trường và lúc phục vụ trong quân ngũ Thanh luôn luôn chấp hành kỷ luật đứng đắn, hoàn thành mọi trách nhiệm được giao phó. Không cậy quyền, ỷ thế của gia đình để làm những điều sai trái, vi phạm quân phong, quân kỷ. Đối với bạn bè Thanh sẵn lòng giúp đỡ tận tình và dám phê bình thắng thắn những khuyết điểm mà không sợ mất lòng. Luôn luôn nhường nhịn. Không gây thù, chuốc oán với bất cứ ai!

Tánh tình hiền hoà, vui vẻ, đôi lúc có một chút khôi hài, nhưng rất dễ thương. Không bao giờ làm phật lòng ai! Được tất cả mọi người chung quanh thương mến. Đặc biệt, Thanh rất bình dân và khiêm nhường. Không khoe khoang hay nói về gia đình mình. Đi đến đâu Thanh cũng là trung tâm của mọi sự chú ý. Nơi nào Thanh xuất hiện là nơi đó có những tiếng cười, tiếng reo hò vang lên, vui như pháo Tết.

Vóc dáng cao ráo, đẹp trai, thông minh, học giỏi, có nhiều ưu điểm hơn các bạn đồng lứa. Lại thêm gia đình có bề thế, nên Thanh dễ dàng chiếm được cảm tình của phái nữ. Tuy nhiên, trong giao tiếp thì rất đàng hoàng, đạo đức và không để lại một tai tiếng nào.

Thanh và thân phụ di tản vào những ngày cuối tháng 04/1975 trên chuyến bay Chinook của Phi Đoàn 237, thuộc Sư Đoàn 3/KQ. Nơi người anh ruột Thanh là Tư Lệnh. Phi cơ cất cánh từ căn cứ Đồng Tâm-Mỹ Tho bay ra Hạm Đội Mỹ.

Ngay khi vừa đến định cư tại Hoa Kỳ, Thanh tiếp tục học và đã tôt nghiệp BS Electrical Engineering tại University Pittsburgh năm 1977, tiếp theo là MS Computer Engineering tại Syracuse University năm 1980 thuôc loại xuất sắc. Được công ty IBM tuyển dụng. Thanh là kỹ sư chuyên về Computer Hardware (Chip Design.) Ngoài ra Thanh cũng đóng góp rất nhiều cho IBM về việc phát triển các máy lớn (Mainframe) và máy thật nhỏ (Xbox.) Nhiều lần nhận được bằng khen thưởng. Thanh về hưu năm 2005 sau gần 30 năm làm việc cho công ty IBM.

Thanh tâm niệm dành phần đời còn lại chăm sóc vợ con và gia đình, lo cho việc phát triển Phật Giáo Hoà Hảo Hải Ngoại, mà Thanh nguyên là Phụ Tá Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hợp, cũng như đóng góp tài sức cho cộng đồng và xã hội. Những công việc này Thanh đã theo đuổi từ bao nhiêu năm. Rất tiếc, Thanh đã ra đi quá vội vàng! Chưa hoàn tất được những ước vọng dang dở của mình.

Thanh là trụ cột trong gia đình. Hiền thê của Thanh là trưởng nữ của một Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa nổi tiếng, cựu Khoa Trưởng Đại Học Y-Dược. Ông là một trong những Bác Sĩ Giảỉ Phẫu danh tiếng hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng là một trong những Hướng Đạo Sinh và Trưởng HĐ kỳ cựu của phong trào Hướng Đạo Việt Nam từ đầu thập niên 1930. Luôn luôn đóng góp và hổ trợ cho sự phát triển phong trào HĐVN. Đây là một sinh hoạt lành mạnh, ích lợi, nhằm mục dích gíáo dục và đào tạo thanh thiếu niên Việt Nam trở thành những con người hữu dụng cho xã hội, những công dân tốt cho đất nước, có tấm lòng tha nhân và giúp ích mọi người bất cứ lúc nào. Vợ chồng Thanh có tất cả ba người con gồm: một trai, hai gái. Các con Thanh đều học hành thành công, noi gương theo truyền thống gia đình mình.

Một đôi lần, Thanh tâm sự với vài người bạn thân là muốn trở về một lần nơi bắt đầu ra đi, để tìm lại những kỷ niệm xa xưa, những hình ảnh thân thương đầy ắp của ngày tháng cũ. Thanh cũng có ý muốn mang tro cốt của thân phụ về Việt Nam đặt cạnh bên thân mẫu, hiện đang được để tại Phât Bửu Tự, Quận 3 - Sàigòn.

Phát biểu trong tang lễ, trước khi đưa thi hài thân phụ đến lò hoả thiêu. Trưởng nam của Thanh là cháu Huỳnh Bá Tùng cho biết: “sẽ có lúc và khi có điều kiện thuận tiện, sẽ đem tro cốt thân phụ về đặt kề bên ông bà nội.”

Bây giờ tất cả chỉ còn là giấc mơ không bao giờ thực hiện được. Thanh sẽ tìm về với quê hương thân yêu trong hộp đựng tro cốt, khi nào thời tiết có nắng vàng rực rỡ, dù là muộn màng!

Chúc bạn thanh thản lên tàu đi về chốn bình an. Trước, sau thì những người thân, các bạn cùng khoá cũng sẽ gặp lại Thanh bên kia thế giới mới. Nơi đây mới chính là đời sống đích thực. Nơi đây không hận thù, không đố kỵ và mọi người đều được đối xử với nhau bình đẳng.

Bây giờ, nơi cõi vĩnh hằng Thanh hãy mỉm cười và mãn nguyện, vì Thanh đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm người chồng, người cha gương mẫu trong gia đình. Thanh luôn luôn mang niềm vui đến cho thân bằng quyến thuộc và những người chung quanh.

Những hy sinh và đóng góp nhiệt thành, tâm huyết của Thanh cho cộng đồng, xã hội là những hình ảnh tuyệt đẹp và khó quên trong tim mọi người.

Xin mượn hai câu thơ để thay lời kết, mà tôi không rõ tác giả. Hai câu thơ được ghi trên mộ phần của một Sĩ Quan KQ/ VNCH an táng tại Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi - Quận 1 - Sàigòn. Đây cũng là nơi an nghỉ của mẹ Thanh, trước ngày 30 tháng 04, năm 1975.

Kẻ ra đi ươm nhiêu ưóc mộng.
Người ở lại hoài vọng tiếc thương.

Trần Đình Phước

(San José,California)

Huynh Ba Thanh

Class of 7/68 -VNAF

By Trần Đình Phước

Translated by Phạm Chí (San José, CA)


There will come a time when we will board the no-return train with only a one-way ticket we purchased. Each one of us departs in a different way and under different conditions; but the most important thing is to leave among all the love and regrets of many. Belonging to the Class of 7/68 of former South Vietnamese Air Force officers, Huynh Ba Thanh left in such a manner.

His casket is displayed at the Memorial Chapel of Cook Walden/ Capital Parks Funeral Home – Austin, Texas. Besides his widow and the three children, assembled were also his older siblings, already in advanced age, nieces and nephews, relatives, former schoolmates and classmates, former colleagues, his religious associates in the Hoa Hao Buddhist Church, his classmates from the 7/68 graduation year who rushed from Houston, Dallas, Austin, and many more cities and far away states to view his body and bid him the last farewell. Especially, the South Vietnamese Air Force Association of Northern California sent representatives to pay its respect.

It was at this very Association that Thanh and his elder comrades-in-arms put so much effort and spent a lot of time to cultivate and maintain from its founding, to safeguard the Association's values and mission until today. The Association also regularly published the SVN Air Force Review/ Magazine of Northern California, a precious spiritual food so welcome and applauded everywhere by Air Force alumni and veterans alike. Yet, despite the burden of increasing age and lessening health of the editorial board members and contributing writers alike as time went by, this Special Magazine always reached its readers regularly and on time. What a much admired achievement! Years later, after Thanh already left San Jose and had brought his family to Austin due to his company's needs, he nevertheless was always available whenever the Association needed him for support or suggestions.

Compared to most of his 7/68 Air Force classmates, Thanh was younger in age, with a remarkable family background and esteemed reputation during those times of war. His father, a former Minister of the Interior, was a distinguished public servant with a dignified position of power and high status in society. His older brother was an Air Force general of the Republic of Vietnam. Thanh had plenty of opportunities to further his education or to study abroad, in order to obtain a well merited and respected social life.

Thanh was the youngest son in his family. He amply qualified for a draft deferment during the Vietnam War for family reasons, but still decided to voluntarily enlist for the 1968 Air Force class. While receiving his military education and serving under the flag, Thanh always observed strict military discipline and fulfilled all assigned duties. He neither abused his authority nor relied on his family's influence to act wrongly or violate military rules or propriety. Towards his friends, he gladly came to their help whenever needed, and never shied away from honestly criticizing their weaknesses, without fearing to hurt their egos. Always reconciliatory and flexible, he never caused grudge or revenge feelings to anyone. Of a gentle nature, Thanh had a relaxing demeanor, sometimes sprinkled with bits of humor, quite lovely however. Never hurting or disappointing anybody! Loved and esteemed by all around him, he especially was very humble and popular, and didn't show off or brag about his family. Wherever he went, he immediately became the center of all attention. Where he showed up, loud laughter and cheers could be heard right away, like firecrackers in the New Year.

Tall, handsome, intelligent, a good student, he had lots of advantages over his peers. In addition, his family prominence facilitated his winning the hearts of women easily. However, his conduct was moral, correct, and always unblemished.

Thanh and his father evacuated in the last days of April 1975 on a Chinook flight from the 237 Wing, belonging to the 3rd Division of the SVN Air Force, where his older brother was top commander. The chopper took off from Đồng Tâm base in Mỹ Tho and headed for the US 7th Fleet offshore. Right after arriving in the USA and settling as a refugee, Thanh continued his academic studies to graduate with a BS degree in Electrical Engineering from the University of Pittsburgh, PA. It was then followed with an MS in Computer Engineering from NY's Syracuse University in 1980, with distinction. IBM recruited him and Thanh specialized in computer hardware (chip design). Moreover, he contributed very substantially to the development of IBM large machines (Mainframes) and very small machines (XBoxes). Many times he received awards and commendations.

Thanh took his retirement in 2005 after almost 30 years of service for IBM. He resolved to use his later part of life to care for wife and children, for the overseas expansion of the Hoa Hao Church, of which he was Associate President of the Coordinating Board, as well as to contribute to the welfare of his communities and society. These were the tasks Thanh already performed for many years.

Unfortunately, Thanh's much sudden passing left unfinished desired goals.

Thanh is the pillar of the family. His spouse is the older daughter of a very famous Professor of Medicine, a former Dean of the Saigon University's Faculty of Medicine and Pharmacy. He is one of the renowned top surgeons of Vietnam. In addition, he was also a veteran Boy Scout and one of the Scouts Chief Founders of the Scout Movement in Vietnam since the early 1930s, who always contributed to and continued to support the Vietnamese Scout movement. This is a healthy and beneficial activity, with the goal of educating and training Vietnam's youth to become useful members of society and great citizens of the country, compassionate and ready to help other people anytime. The couple has three children, a son and two daughters, who all studied well and continue the successful family tradition.

A couple of times, Thanh confided in some intimate friends that he wished to return once to his homeland to visit and refresh his old souvenirs, and re-experience the cherished pictures of the passing months and past years gone. He also wished to bring his father's ashes back to Vietnam, next close to his mother's, currently kept at Phật Bửu Tự Pagoda, District 3, Saigon. Speaking at the funeral, before his father's body was brought to the crematorium, his eldest child Huỳnh Bá Tùng expressed, "when times will be favorable and appropriate, the ashes of our father will be brought to Vietnam to rest next to our paternal grandparents." Now all this just looks like some unrealizable dream. Some day, even late, Thanh will return to his beloved country, in a nice urn holding his ashes, on a bright sunny day, brightly yellow... Wishing you peace on your trip to the land of eternal rest, dear Thanh! Sooner or later, your dear ones, and your old classmates will meet you in the other world, anyway. Only there is true life and real existence. There will be no hatred, no jealousy, and everyone will be treated with equality and fairness.

Now, in the eternal place, you should smile and be content, because you have fulfilled your duty and responsibility as a husband and a model father in the family. Thanh, you always brought joy to your relatives and people around you. Your sacrifices and honest, enthusiastic, and cordial contributions to the community and society are the magnificent pictures that will forever remain in people's mind.

In place of a conclusion, may I borrow two verses, the author of which I don't know. These two verses are engraved on the tomb of a SVN Air Force officer, at the Mạc Đĩnh Chi Cemetery, District 1, Sàigòn. It is also the resting place of Thanh's mother, before April 30th, 1975.

"The one leaving holds many wishes,
The ones remaining are left with numbing grief.
"

Trần Đình Phước

(San Jose, California)