Wednesday, April 30, 2014

Nghe Bạn Mình Hát: Rừng Biên Giới

Hoàng Khai Nhan


Thương tặng Em Yêu Dấu và những nàng dâu 7/68, cùng những người vợ chung thủy ngược xuôi tận tụy nuôi chồng chốn ngục tù CS! Thân tặng các bạn 7/68KQ và những đồng đội bạn tù "cải tạo."

Rừng Biên Giới là nơi đày đọa thân trai, và cũng là biên giới của hai ý thức hệ!

Click on the video below to play!


Tiếng hát Hoàng Khai Nhan

Tiếng đàn piano Quốc Vũ




Tuesday, April 29, 2014

Mừng Sinh Nhật Tháng 4

April Birthdays

Chúc mừng sinh nhật đến các anh chị sinh trong tháng 4!

Videos



Click on the video above to play!


Sinh-Nhật 4-2014 7/68KQ from Hồ Viết Yên on Vimeo.




Hình Ảnh


Birthday Cakes




Hàn Vinh
(chị Nguyễn Văn Biên)

Bạch Yến
(chị Vũ Văn Khanh)

Thanh Thủy
(chị Phạm Minh Hoa)

Birthday Girls

Không có trong ảnh vì ở xa:
Hoa (chị Lý Văn Thảo)


Hồng Quang Lập

Đoàn Long

Anh Minh (Thân hữu)

Birthday Boys

Không có trong ảnh vì ở xa:
Nguyễn Bá Thân, Lê Khải Hoàng, Đoàn Lương

Birthday Girls, Birthday Boys, Birthday Cakes

( Bác "Tân Khóa Sinh" Đoàn Long chạy mô rồi? )


Click on Left / Right arrow to see Prev / Next Photo!

Fun Party



Nội Các Họp "Hội Nghị Bàn Tròn"



Văn Nghệ



Văn Nghệ




"Thu Ngẩn"

Bác Thụy
taking a break

Tiền (Trước) Sinh Nhật
(Không dám post Hậu Sinh Nhật!)


Thương chàng...
vừa bị mổ chân!

Xuân đi cái đường...
"Tủi Thân"

Chi xin làm... giá nhạc
cho Cay hát!


Ô. Hội Đồng Triết
và "Jackie"

Cay "Cận"
Cay "Cương"
Cay "Cắn Càn"

Chanh "Vú Nàng"
Trong vườn nhà Biên

Sharing "Jackie"




Bác Dũng "Zoom Lazy" phán: Dzui Thiệt À Nha!












Chân Dung 7/68





Click here to see
ALL PHOTOS OF "APRIL BIRTHDAYS"





Saturday, April 26, 2014

Kỷ Niệm Thời Niên Thiếu

Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Huỳnh Thị Ngà

Tản Mạn Trần Đình Phước

Kính dâng lên hương hồn Bà Hiệu Trưởng Huỳnh Thị Ngà. Kính gửi đến các giáo sư, các cựu học sinh, và những ai có kỷ niệm với vùng đất yên lành Tân Định và Đa Kao.



Thẻ học sinh trường Huỳnh Thị Ngà

Từ ngã ba đường Trần Quang Khải và Hai Bà Trưng đi về hướng chợ Đa Kao sẽ gặp đường Bà Lê Chân phía bên phải. Còn bên phía trái là đường Trần Nhật Duật. Nằm trên con đường này có một trường Trung Tiểu Học Tư Thục mang tên Huỳnh Thị Ngà, số nhà 10. Có thể nói đây là một trường tư thục có mặt lâu đời ở vùng Tân Định.

Trường mang tên Bà Huỳnh Thị Ngà và do chính Bà làm Hiệu Trưởng. Được thành lập vào năm 1947. Khởi đầu từ một dãy nhà chỉ vài căn, lợp ngói âm dương, với một số lớp ở bậc Tiểu Học. Dần dần theo thời gian phát triển thêm bậc Đệ Nhất Cấp, Đệ Nhị Cấp và thêm Nội Trú, nhưng chỉ dành riêng cho nữ sinh.

Trường mở cả ba buổi: sáng, chiều và tối.

- Buổi sáng dành cho các học sinh chọn môn Anh Văn là sinh ngữ chính.

- Buổi chiều dành cho học sinh chọn môn Pháp Văn, cùng các lớp bậc Tiểu Học.

- Buổi tối dành cho các lớp luyện thi, cũng như các lớp Thất+Lục, Ngũ+Tứ và Tam+Nhị dành cho người lớn tuổi, hoặc học sinh vì hoàn cảnh không có điều kiện đến lớp vào ban ngày.

Phải công nhận bà Huỳnh Thị Ngà là một phụ nữ đảm lược và tài giỏi, nên mới có thể chèo chống và điều hành được ngôi trường do bà làm Hiệu Trưởng đứng vững vàng cho đến ngày 30 tháng 4, năm 1975. Trường HTN phải đương đầu và cạnh tranh với các trường chung quanh, mà hiệu trưởng đều là nam giới, như: Đông Tây Học Đường, La San Đức Minh, Nguyễn Công Trứ, Tân Thạnh, Tân Thịnh, Vạn Hạnh, Văn Học, Văn Hiến, Văn Lang, Việt Nam Học Đường, Vương Gia Cần.

Tuy nhiên, học sinh ghi tên học trường Huỳnh Thị Ngà cũng khá đông. Đa số cư ngụ ở vùng Tân Định, Đa Kao, Thị Nghè, Bà Chiểu, Phú Nhuận. Ngoài ra có cả các học sinh ở vùng ngoại ô hay xa Sài Gòn như: Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Xóm Mới, Hóc Môn, Bà Điểm, Phú Lâm, Bình Chánh, Thủ Đức, Thủ Dầu Một, Biên Hoà...


Nhóm nữ sinh nội trú Huỳnh Thị Ngà, Sài Gòn thời 72-74

Nữ sinh nội trú trường Huỳnh Thị Ngà cũng là một "Mô Hình Đặc Biệt", mà ít có trường tư thục nào khác mở ra vào thời đó. Nhiều nữ sinh nội trú ở các tỉnh xa như: Tây Ninh, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Sa Đéc... Có cả Long Khánh, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng...


Nhóm nữ sinh nội trú Huỳnh Thị Ngà, Sài Gòn thời 72-74

Đích thân bà Hiệu Trưởng trực tiếp trông coi nề nếp của trường. Mọi vi phạm đều do một tay bà giải quyết. Nhẹ thì cảnh cáo. Nếu trường hợp nghiêm trọng là bà đuổi ngay. Bà được sự trợ giúp của một Giám Thị già rất mẫn cán phụ trách về kỷ luật, trật tự và điểm danh mỗi khi học sinh vào lớp. Các học sinh gọi ông với tên thân mật là ông Sáu Già. Thư ký lo về kế toán và sổ sách có cô Ba cũng lớn tuổi. Vào mỗi đầu tháng, từ ngày một đến ngày năm là thời gian ấn định bắt buộc học sinh phải đóng học phí. Lúc đó được tăng cường thêm hai con gái lớn của bà là chị Bạch Tuyết và chị Ngọc Dung. Học sinh nào đóng học phí trễ sẽ được ông Sáu già mời lên văn phòng nhắc nhở.

Thành phần giáo sư của trường Huỳnh Thị Ngà so ra không thua kém bất cứ trường tư thục nào của thành phố Sài Gòn. Bà mời các giáo sư có uy tín, nhiều kinh nghiệm giảng dạy như các thầy: Cù An Hưng, Kiều Thề Đức, Nguyễn Đăng Đại, Trần Xuân Hài, Nguyễn Ngọc Huân, Ma Xuân Đạo, Nguyễn Đức Hoán, Huỳnh Văn Mĩ, Uông Ngọc Thạch, Vĩnh Đễ, Đinh Thế Vinh, Nguyễn Trọng Cơ, Lâm Tấn Văn, Nguyễn Ngọc Huân, Huỳnh Văn Tàu, Chí Thành, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Phụng, Thuần Nhân, Huỳnh Công Khanh, Nguyễn Kim Quang, Phùng Ngọc Diệp, Trịnh Khang, Nguyễn Văn Nổi... Vì thế trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I và Tú Tài II, tỷ lệ học sinh thi đậu của nhà trường kết quả rất khả quan và đạt nhiều thứ hạng cao.

Xin được viết thêm về ba Giáo Sư đặc biệt của trường:

Thầy Huỳnh Văn Mĩ (i ngắn) dạy môn Pháp Văn từ Đệ Tứ đến Đệ Nhất. Thầy là một trong những Võ Sư sáng lập môn phái "Hàn Bái Đường." Dáng thầy to, cao. Trong giờ thầy dạy, không một học sinh nào dám ồn ào hay sao lãng. Thầy rất nghiêm khắc đối với học sinh cả nam lẫn nữ. Thầy “sẵn sàng có biện pháp”, nếu như học sinh nào không nghe lời hay tỏ thái độ vô lễ. Bà Huỳnh Thị Ngà cũng đã từng là học trò của thầy. Thầy mất năm 2004 tại Nam Cali. Lúc sinh thời không nghe nói đến vợ thầy! Sau khi dạy học xong, thầy đi bộ về căn nhà nằm phía đối diện trường, cách nhà vũ sư Nguyễn Trọng mấy căn. Thầy tự đi chợ và nấu ăn lấy. Trong đám con thầy có một người con trai tên HVH. Anh đẹp trai, giỏi võ và là Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y, do đó được nhiều nữ sinh trường Huỳnh Thị Ngà mến mộ ông Bác Sĩ tương lai. Hiện bác sĩ HVH và gia đình đang định cư ở Florida.

Kế đến là Thầy Huỳnh Văn Tàu dạy Lý Hoá các lớp Đệ Tứ. Dáng thầy ốm cao, miệng móm với nụ cười hiền hoà và rất có duyên. Thầy có phương pháp dạy môn Vật Lý và Hoá Học rất hấp dẫn, nhất là cách “đơn giản” Đinh Luật Faraday và “cân bằng” các phương trình phản ứng Hoá Học rất nhanh và gọn. Thầy đơn giản và cân bằng cho đến cuối cùng, không còn cách nào có thể tiếp tục được nữa! Học sinh hầu như không bao giờ vắng mặt trong giờ thầy dạy. Nhiều học sinh các trường khác cũng lén kéo đến “học ké” vào dịp gần đến ngày thi, mà lúc này Thầy cho ôn lại các đề thi đặc biệt, có thể được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho ra trong kỳ thi sắp tới. Thầy Huỳnh Văn Tàu cũng đã mất tại Việt Nam.

Cuối cùng là Thầy Nguyễn Kim Quang dạy môn Vạn Vật. Dáng cao, nước da đen sẫm. Thầy đi dạy bằng xe Mobylette đời cũ. Đặc biệt, quanh năm suốt tháng, thầy luôn luôn bận bộ đồ trắng, ủi hồ thẳng nếp. Đầu chải brillantine láng bóng. Các nữ sinh nghĩ rằng: “Thầy có một tâm sự sâu kín, hay một lời thề nguyền nào đó?” Vài em thắc mắc hỏi. Thầy chỉ cười và không trả lời, trả vốn gì hết!

Ngoài việc chăm lo cho các học sinh học văn hoá. Bà Hiệu Trưởng luôn luôn khuyến khích và động viên các học sinh về các hoạt động thể thao, văn nghệ, công tác phục vụ cộng đồng và tham gia sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam. Thỉnh thoảng Bà tổ chức cho các học sinh đi viếng thăm và trình diễn văn nghệ tại các Quân Trường, Quân Y Viện. Xuất hiện trên phương tiện Vô Tuyến Truyền Thanh và Truyền Hình.

Nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, các ca sĩ Phương Đại, Trang Mỹ Dung, Kim Dung, Thần Đồng Phương Mai, Vũ Bộ Song Kim của hai chị em sinh đôi, nhà ở đường Mã Lộ cũng xuất thân là học sinh của trường.

Năm 1965, một nam sinh của trường là một trong mười thí sinh trúng cách cuôc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ do Đài Phát Thanh Sài Gòn tổ chức ở Rạp Quốc Thanh. Mỗi dịp Tết Nguyên Đán về, các lớp học đều thi đua tổ chức văn nghệ tất niên. Bà chia thời giờ đến từng lớp thăm và khích lệ học sinh. Bà thường có mặt và đóng góp trong các phong trào liên quan đến Phụ Nữ. Bà cũng kết mối thâm giao với các mệnh phụ, mà các đấng phu quân của họ có nhiều quyền lực, đang nắm giữ các chức vụ cao trong chính quyền.

Sau vụ tổng công kích Mậu Thân, năm 1968, học sinh của trường tích cực tham gia các lớp cứu thương do các sinh viên Đại Học Y Khoa Sài Gòn hướng dẫn, tình nguyện giúp dựng nhà cho đồng bào chiến nạn ở Trung Tâm Tạm Cư Petrus Ký. Ngoài ra, mỗi khi có thiên tai, lũ lụt, bao giờ nhà trường cũng tổ chức lạc quyên gây quỹ rất là sôi nổi. Dịp này các nữ sinh có tiếng là hoa khôi của trường được trao công tác ôm thùng lạc quyên đến từng lớp, để vận động và được hầu hết học sinh nhịn ăn quà hưởng ứng một cách nồng nhiệt.

Diện tích trường Huỳnh Thị Ngà không lớn, không có sân chơi, không có cây cối cho bóng mát. Giờ ra chơi, nhân viên phụ trách dọn dẹp vệ sinh tạp dịch của trường là một thanh niên người Việt gốc Hoa tên Tững có nhiệm vụ đóng cửa sắt lại, vì sợ học sinh ra ngoài bị tai nạn, hoặc trốn học nửa chừng! Vì thế học sinh chỉ quanh quẩn trong lớp, hoặc chạy lên, chạy xuống dọc theo cầu thang mà chơi. Có trường hợp nam sinh chạy nhảy trên bàn bị té gãy chân, lọi tay, sứt trán, lỗ đầu. Đôi khi vài nam sinh rắn mắt còn chận đường không cho các nữ sinh đi xuống lầu. Vào giờ ra chơi là thời gian ông Sáu già mệt nhất! Tay ông cầm cây roi mây. Đi tới, đi lui để học sinh trông thấy không dám quậy phá, Khi chuông reng báo hiệu vào lớp, ông Sáu mới có thể thở được một chút! Sau đó chờ cho đến giờ học sinh ra về thì ông Sáu lại tiếp tục nhiệm vụ. Lần này ông vất vả hơn nhiều, vì học sinh chạy ào ra như ong vỡ tổ. Bao nhiêu năm ông Sáu già làm giám thị chưa thấy bất cứ học sinh nào dám hỗn hào, hay gây phiền phức cho ông.


Học sinh ăn quà trước cổng trường

Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà muốn ăn quà bánh phải thưởng thức trước khi tiếng chuông vào lớp và sau khi tiếng chuông báo hiệu ra về. Nào chè đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt nổi tiếng Huỳnh Thị Ngà. Tên được đặt cho xe chè, có lẽ vị trí gần trường? xe bán cà rem, bánh kem và Pâté Chaud của ông chủ nói giọng Bắc, có cô con gái tên Mai, xe bò viên của ông Tàu. Ông ta vừa bán, vừa chơi đổ xí ngầu ăn bò viên, quán cà phê nhỏ của chị Tư kế xe chè, xe nước mía chị Hai, nằm góc đường Trần Nhật Duật và đường Trần Quang Khải, kế tiệm chụp hình Hoàng Sơn là tên con gái ông chủ. Xe nước mía này hấp dẫn nhiều nam sinh đến, nhờ có cô em xinh xắn là nữ sinh Lê Văn Duyệt, thường phụ giúp chị sau khi tan trường về. Tên ở trường của cô là LTB và tên gọi ở nhà là D.

Nhắc đến cô phải kể về mối tình ”Anh Tiền Tuyến. Em Hậu Phương.” giữa cô và một chàng trai Võ Bị của một binh chủng tác chiến. Cả hai tình cờ gặp nhau trong một lần cô và các bạn cùng lớp đi ủy lạo, trao vòng hoa cho chíến sĩ sau Tết Mậu Thân ở bên kia Xóm Cù Lao, nằm cuối đường Trần Khắc Chân - Xóm Cầu Mới - Tân Định. Phải đi qua một chiếc cầu bằng ván đóng đinh. Nhân dịp đơn vị chàng được về đây nghỉ dưỡng quân. Tuy nhiên, chuyện tình thơ mộng không đi đến được đoạn kết, vì Ba Má cô lo sợ con gái mình đang ở tuổi hồn nhiên có thể sớm trở thành “Quả Phụ Thơ Ngây.” Do đó đã quyết liệt cấm cản đến cùng. Cả hai đành phải chia tay và cùng hát bài ca “Ngăn Cách Mãi.” Nghe đâu bây giờ gia đình nàng định cư ở Canada? Còn gia đình chàng đang ở Mỹ. Sau khi chàng “Dùi Mài Kinh Sử” một khoá hậu Đại Học hơn mười năm, trước khi được đi định cư theo diện tị nạn. Thôi đành chờ kiếp sau vậy!


Rạp Casino Đakao, Đinh Tiên Hoàng, 1967-1968

Đối diện bên kia đường, góc Bà Lê Chân là quán cơm tấm sườn, bì, chả tên Ngọc Long của vợ chồng con trai nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu. Giải trí thì có đá banh bàn của bà Sáu, thêm giải khát trà Huế. Còn “cúp cua” đi xi nê thì có các rạp Kinh Thành, Modern, Văn Hoa, Casino Đa Kao, Văn Cầm, Cẩm Vân, Huỳnh Long, Cao Đồng Hưng và Asam. Các nơi này cũng tương đối gần trường. Nếu không có tiền thì xem các nghệ sĩ tập tuồng hát bộ ở đình Phú Hoà, đình Nghĩa Hoà, chùa Cô Hồn và đình Sơn Trà, hay cùng kéo nhau đi tắm sông, hái me, bình bát, bần và trứng cá trong hảng Nông Cơ, nằm cuối đường Trần Nhật Duật.

Một quán cà phê nằm trên đường Trần Quang Khải được xếp vào gia phả của cà phê Sài Gòn trước năm 1975 mỗi khi nhắc đến là cà phê Văn Hoa, vì nằm sát bên rạp hát Văn Hoa - Đa Kao, do hai chị em xinh xắn như Búp Bê là TBD và TBH đều là nữ sinh trường Huỳnh Thị Ngà đứng ra quán xuyến. Quán có chỗ ngồi tiện nghi, lịch sự. Cà phê pha ngon, dàn âm thanh tối tân. Đặc biệt với nhạc ngoại quốc chọn lọc, đổi mới thường xuyên. Thêm vào đó vị trí thuận lợi và giá cả cũng không mắc lắm! Nên các nam thanh, nữ tú từ các nơi thường ghé đến, để vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe nhạc và ngắm hai cô chủ lúc nào cũng nở nụ cười duyên dáng, dễ thuơng. Nếu muốn tâm sự thêm, thì chui vào rạp hát Văn Hoa có máy lạnh, xem xi nê ma ếch cốp với màn ảnh rộng.

Hiện TBD định cư ở Montréal và TBH đang ở Pleasanton, California.

Đa số học sinh trường Huỳnh Thị Ngà sau khi rời trường, thỉnh thoảng cũng trở về thăm bà Hiệu Trưởng, thăm ông Sáu già, thăm cô Ba và thăm lại ngôi trường xưa với nhiều kỷ niệm.

Vài ngày trước 30 tháng 4, năm 1975, toàn thể gia đình Bà Huỳnh Thị Ngà đã di tản được ra khỏi Việt Nam. Trước đó bà có hai người con là chị Châu Bạch Tuyết và Châu Anh Tuấn đi du học Tây Đức vào khoảng cuối thập niên bảy mươi.

Sau này trường Huỳnh Thị Ngà bị tịch thu. Có lúc được dùng làm trụ sở của Ủy Ban Nhân Dân Phường Tân Định, rồi thành trường Đại học Pháp Lý và lần lượt chuyển giao qua nhiều cơ quan khác nhau. Bây giờ là Trung Tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước.

Tháng 10, năm 1992, tôi đến Hoa Kỳ. Sau khi hỏi thăm các bạn cũ số điên thoại của bà Huỳnh Thị Ngà, tôi gọi thăm bà ngay. Một lúc sau, bà nhận ra tôi, vì khi còn là học sinh trường Huỳnh Thị Ngà tôi thường góp mặt trong các buổi trình diễn văn nghệ và công tác phục vụ cộng đồng. Nên có dịp được gặp bà nhiếu lần, vì thế bà dễ nhớ tôi! Bà chúc mừng gia đình tôi đã đến được “Bến Bờ Tự Do.” Bà cho biết rất nhớ ngôi trường thân yêu, mà bà vừa làm chủ, vừa làm Hiệu Trưởng. Ước mong duy nhất của bà có ngày trở về, để lấy lại ngôi trường, mà bà đã đổ bao nhiêu công sức, mồ hôi tạo dựng. Tuy nhiên, giấc mơ của bà đã không bao giờ trở thành hiện thực. Bà ra đi đột ngột vì căn bệnh tim vài tháng sau đó, ở tiểu bang Virginia. Hưởng thọ 70 tuổi.

Hôm nay viết vài hàng để tưởng nhớ đến Bà Hiệu Trưởng Huỳnh Thị Ngà. Một phụ nữ có nghị lực phi thường, giỏi tài quán xuyến, mà các học sinh đều luôn luôn một lòng kính mến. Tôi vẫn không quên tên các con của bà: anh Chánh, chị Bạch Tuyết, chị Ngọc Dung, Châu Anh Tuấn, Ngọc Thủy, Ngọc Huy và con trai út của bà là Ngọc Thắng. Trong các con của bà, tôi chỉ còn gặp lại Châu Ngọc Thắng vài lần ở trại huấn luyện Văn Hoá Truyền Thống và Họp mặt Hướng Đạo Việt Nam tại Washington D.C. và Nam Cali.

Bà Hiệu trưởng luôn luôn giúp đỡ và tạo mọi thuận lợi cho những học sinh nghèo, ngoan, hiếu học và cầu tiến có điều kiện tiến thân trên đường học vấn. Nhờ đó những học sinh được bà tạo cơ hội đã vượt qua được số phận nghiệt ngã và hoàn cảnh khó khăn của gia đình.

Xin có vài hàng về ngôi trường thân yêu Huỳnh Thị Ngà. Còn rất nhiều chi tiết không thể nhớ hết! Xin được bỏ qua những thiếu sót. Đối với tôi, nơi đây đã cho tôi nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, mà bây giờ:

“Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi!
Thời gian cuốn như dòng nước trôi
Còn đâu những giây phút bên nhau
Nhìn trăng lên trong những đêm thâu
Gửi tâm tư cho mây cùng gió.”

( Kỷ Niệm Xa Rồi - Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Thiết )

San José - California – Tháng Tư 2014
Trần Đình Phước

Tuesday, April 22, 2014

Rừng Biên Giới

Hoàng Khai Nhan


Thương tặng Em Yêu Dấu và những nàng dâu 7/68, cùng những người vợ chung thủy ngược xuôi tận tụy nuôi chồng chốn ngục tù CS! Thân tặng các bạn 7/68KQ và những đồng đội bạn tù "cải tạo."

Rừng Biên Giới là nơi đày đọa thân trai, và cũng là biên giới của hai ý thức hệ!



Monday, April 21, 2014

Em Đến Thăm Anh

Thơ Vũ Khanh



Em đến thăm anh, những ngục tù
Rừng xanh sông nước, chốn hoang vu
Thân mai vàng võ trong mưa hạ
Vóc hạc hao gầy giữa nắng thu
Cầu khỉ đong đưa, dăm chiếc gẫy
Cai tù soi mói, mấy thằng ngu
Em về son sắt lòng chinh phụ
Non nước mai đây sạch bóng thù!

Vũ Khanh

Saturday, April 19, 2014

Trốn Chạy



"Màn Sương Buồn"
do Xanh Thỵ Nhạn Trắng vẽ với lời thơ tự minh họa:

"Nến hờn chảy giọt ngắn dài,
Người thương tráo trở nỡ phai tấc lòng."


Nếu bảo chết là hình thức trốn chạy
Thì theo em,
Anh: Người đoạt giải vô song
Anh kết thúc trận đấu đẹp vô cùng
Trên nệm đất, trong hương nồng của gỗ

Mắt nhắm nghiền, trong im lìm giấc ngủ
Bỏ tương lai từng chặng đến sau lưng
Tay buông xuôi, hờ hững, dẫu bao lần
Em réo gọi, trong âm thầm tha thiết

Anh quên hết, ra đi không tưởng tiếc
Môi âm thầm khép kín những lời câm
Áo anh đây, em còn nhớ vô cùng
Xanh, mát dịu, những hương nồng ấp ủ

Em nhớ lắm, những hôm mình gặp gỡ
Giữa vô cùng trời rộng của hai ta
Những bồi hồi, rung cảm, thiết tha
Tạo nhịp đập chan hòa cho đôi lứa

Những lúc đó, biết bao điều anh đã hứa
Suốt một đời tình cảm trọn cho em
Tay đan tay, những giao ước niềm tin
Em bỗng thấy trời hồng trong sắc xám

Thế mà hết, bỗng dưng anh lại chết
Dấu hiệu nào ký kết trước đâu anh
Trời đang quang, mây tối bỗng xây thành
Em sờ sững, lặng nhìn anh trốn chạy

Anh giỏi lắm, bây chừ anh đoạt giải
Những vòng hoa thiên hạ liệm trao anh
Còn phần em những đổ vỡ, tan tành
Theo nước mắt, chảy âm thầm làm quà biếu

Xin thành thật, không một ý đồ dè bỉu
Em khen anh, người đoạt giải vô song
Hãy vinh quang đón nhận lấy mộ phần
Và bia đá, khắc ghi ngày đoạt giải

Em thua cuộc, nhìn tháng ngày thừa thãi
Chợt về đây, đày ải cả tâm linh
Ngủ đi anh, với thành quả của mình
Em sẽ nhớ, suốt một đời không quên được!

Xanh Thỵ Nhạn Trắng

Friday, April 18, 2014

Wednesday, April 9, 2014

Spanish Village Art Center

Spanish Village Art Center

San Diego, California

iPhoneography

Camera: iPhone 5

Photos by: Hoàng Khai Nhan




Spanish Village Art Center
San Diego, California



Spanish Village Art Center
San Diego, California



Spanish Village Art Center
San Diego, California



Spanish Village Art Center
San Diego, California



Spanish Village Art Center
San Diego, California


Sunday, April 6, 2014

Em Dẫu Xa Dương Trần

Phạm Văn Phú & Ái Liên


Tháng Tư Đen lại đến. Tôi nhớ không quên sau ngày ra khỏi trại tù, hí hửng đến thăm mấy bà cô mà tôi vẫn thường chơi khăng, đánh đáo chung ở miền Bắc trước khi di cư vào Nam. Nhưng khi tới nơi, tôi chẳng thấy các cô đâu cả. Gia đình các cô cả thảy mười mấy mạng đều chết trên biển, nhưng lúc ấy ông cậu tôi không dám lập ảnh thờ.

Năm trước, khi đọc bài thơ "Dặn Anh Khói Sóng" của Nguyễn mạnh Trinh do Bố Gìa post lên, tôi thật xúc động vì nhớ đến các cô, vì vậy tôi đã trân trọng ngâm bài thơ của Trinh. Sau khi nghe tôi ngâm và giải thích ý nghĩa của bài thơ, bà xã tôi yêu cầu tôi phổ thành vọng cổ. Tôi ngần ngừ, nhưng cuối cùng thay vì phổ thành vọng cổ 6 câu, tôi chỉ mượn ý bài thơ để viết thành một cốt truyện ngắn qua liên khúc các điệu lý với tựa đề: "Em Dẫu Xa Dương Trần".

1. Liên khúc cổ nhạc Em Dẫu Xa Dương Trần do Ái Liên ca dưới tiếng đàn đệm của tác giả Phạm văn Phú được cảm tác từ bài thơ Dặn Anh Khói Sóng của anh Nguyễn Mạnh Trinh. Liên khúc này diễn tả tình yêu thương tha thiết của người vợ đối với chồng trong một chuyến vượt biên định mệnh. Người chồng may mắn sống sót, luôn nhớ thương vợ, và nàng dẫu thác vẫn luôn phò trợ chồng.

2. Hình ảnh slideshow được trích từ nguồn ảnh thuyền nhân trên Internet.

3. Liên khúc cổ nhạc bao gồm: (a) Trăng Thu Dạ Khúc: Mô tả diễn tiến cuộc hải hành. (b) Lý Con Sáo: Diễn tả lời dặn yêu thương của người vợ. (c) Lý Sâm Thương: Mô tả lúc thuyền bị đắm. (d) Lý Chiều Chiều: Mô tả nỗi nhớ thương của người chồng trông biển nhớ vợ, và nàng vẫn dõi thương phù hộ chồng sau chuyến hải hành nghiệt ngã.

Văn Phú



Em Dẫu Xa Dương Trần

Trăng Thu Dạ Khúc - Lý Con Sáo - Sâm Thương - Lý Chiều Chiều

Sáng tác Phạm Văn Phú

Trình bày Ái Liên




Saturday, April 5, 2014

Phượng Hồng



Phượng vừa chớm nụ xanh xanh
Ngỡ đôi mắt biếc long lanh giảng đường
Vội chi nở đỏ sân trường
Lả lơi đợi gió vấn vương tóc thề

Lẽ nào phượng cũng say mê
Một tà áo trắng đi về đơn côi
Riêng tôi chừng trót yêu rồi
Nên nghe thương nhớ cuối trời mênh mông

Em tôi như cánh Phượng hồng
Cho Ve Sầu Hạ rút lòng dệt thơ
Ngân nga điệp khúc sầu mơ
Gởi trao hương tóc mong chờ gió bay

Em về gội tóc có hay
Sợi dài sợi ngắn vương đầy thơ tôi
Thơ trôi xuôi tóc ngọt môi
Thơ lăn giọt nước dẫn lời về tim

Lời thơ ru mộng từng đêm
Ve Sầu bên cánh Phượng mềm lãng du
Rong chơi hết hạ sang thu
Đón mây nương gió vân du đỉnh trời

Tan mơ lược giắt trâm cài
Soi gương thấy lọn tóc mai rũ buồn
Thơ theo dòng nước trôi tuôn
Tóc chơi vơi tóc nên buồn vu vơ

Những chiều buông tóc hong tơ
Biết chăng nắng nhạt mây mờ vì đâu
Chẳng qua vì kiếp Ve Sầu
Đa mang sắc Phượng cho mầu nắng tan

Mùa thu trút đổ lá vàng
Em tôi cất bước sang ngang theo chồng
Tiếng thơ rút tự đáy lòng
Khuất chìm trong tiếng pháo hồng vu quy

Vũ Khanh

Thursday, April 3, 2014

Chuyện Đời Tôi

Hồi Ký Xanh Thỵ Nhạn Trắng

( Để chúc mừng sinh nhật anh )


Lương Nhạn - Ảnh chụp hôm đám hỏi

Khi lần đầu tiên Lương đến tìm Nhạn, Lương đã để lại một ấn tượng rất lạ trong Nhạn. Với khổ người nhỏ, với chiếc quần jean bó màu da bò, chiếc áo bo xanh dương ngắn, tay đùi. Với Nhạn, Lương chả có gì hấp dẫn, hay nói đúng hơn, là chả đúng như những hình ảnh mà Nhạn đã từng hình dung về chàng, trong bao năm quen biết. Sự gặp gỡ quá đột ngột, không kịp để Nhạn có một phản ứng tiếp đón hay rút lui. Nhạn còn nhớ, khi nghe Ngôn, bạn nàng kêu:

- Nhạn ơi! Có ai gặp tề...

Từ gian phòng để dụng cụ, nàng đã bước ra nhìn Ngôn và hỏi:

- Ai rứa mi? Trai hay gái???

Ánh mắt Ngôn đã chỉ cho Nhạn cái người đến tìm gặp. Lạ lùng, nhưng linh cảm cho biết, đó không phải là một người xa lạ quá với nàng.

Nàng tiến lên, ánh mắt thăm dò, tìm hiểu. Và Lương cũng bước đến, xoay xoay cái mũ trên tay giới thiệu:

- Xin lỗi, có phải em là Nhạn? Anh là Lương, ở Pleiku đây...

Sự ngập ngừng rồi cũng qua đi, khi cả hai đều đã biết kẻ đối diện chính là ai. Những câu xã giao thông thường, những câu chuyện vẩn vơ, và Nhạn thấy thực sự thoải mái khi nói chuyện cùng Lương, như đang nói chuyện với một người thân quen từ lâu rồi.

Lương và Nhạn quen nhau qua thư từ, từ hồi Lương đang du học ở Mỹ, qua sự giới thiệu của 1 con bạn thân của Nhạn. Con Phăng. Phăng là em chú bác của Lương. Hồi đó Nhạn, Phăng và 4 đứa con gái khác cùng lớp rất thân nhau, trong cùng 1 nhóm. Phăng thường hay viết thư, kể chuyện đùa nghịch của nhóm bạn trong lớp, cho Lương nghe. Trong đó, lúc nào Nhạn cũng là đầu tàu, bày đặt, sắp xếp những cuộc vui. Thế là Lương đã viết thư về làm quen với Nhạn, nhờ Phăng trao. Phăng đã nói với Nhạn:

- Có chi đâu, viết thư trao đổi với anh tau cho vui. Anh ấy xa nhà, muốn có bạn, có em để tâm sự cho vui đó mà...

Và Nhạn đã hồi âm. Thư qua, từ lại, cho đến lúc ở Mỹ về, nhận công tác bay ở biệt đội Pleiku cho đến bây chừ. Trong khoảng thời gian quen biết gần 3 năm, cả hai vẫn chưa biết mặt nhau. Nhạn còn nhớ, có lần Lương viết thư, xin nàng 1 tấm ảnh. Nhạn đã trả lời:

- Ảnh thì Nhạn có, nhưng Nhạn không cho, vì không thích, thế thôi...

Đơn giản như một trò chơi nghịch, và Lương cũng thôi, không hỏi xin ảnh Nhạn 1 lần nào nữa. Thế mà hôm nay, khi về phép thăm nhà, Lương đã hỏi thăm và đến tìm Nhạn, tại nơi Nhạn đang thực tập. Sự gặp gỡ quá bình thản và thân quen, như đã từng gặp nhau lâu rồi. Có lẽ những dòng thư trong mấy năm dài quen biết, đã làm họ hiểu nhau nhiều chăng??? Lương hỏi Nhạn:

- Mấy giờ em về? Anh đến đón em trưa nay được chứ???

Nhạn ngập ngừng. Sự tình cờ lúc nào cũng đến đúng lúc vậy sao? Nhạn nhớ tới Quý. Mọi ngày Quý vẫn lái xe Jeep đưa và đón nàng đi về. Sáng nay, Quý đã ghé nhà, đưa Nhạn sang chỗ thực tập này và bảo nàng:

- Trưa nay có lẽ anh không đón em về được, vì bận chấm quân sự cho nhóm sinh viên y khoa. Em đón xe buýt về tạm một bữa nghe em.

Nhạn đã gật đầu. Rồi thì chừ tình cờ Lương ghé thăm, và đề nghị đưa Nhạn về. Một thoáng ngập ngừng, rồi Nhạn gật đầu chấp thuận. Lương quay đi. Cả bọn bạn gái cùng thực tập chung toán, bắt đầu vây lại hỏi:

- Ê, nhóc nào vậy mi???

- Ừ, cái anh chàng tau vẫn viết thư qua lại đó mà...

- À, cái gã... không quần đó phải không? Hi hi, hơi ốm, nhưng mặt mày trông được đó, dễ có cảm tình hơn cái lão Quý của mi!

Nhạn cười, không nói gì. Thực ra, Nhạn biết cả bọn bạn nàng, chẳng có đứa nào thích Quý, dù Quý chưa bao giờ làm mếch lòng tụi nó, nhưng Quý quá vụng về và kém cỏi trong lối cư xử, giao tiếp. Hằng ngày, khi Quý lái xe Jeep đến đón nàng về, chưa bao giờ Quý nói chuyện, han hỏi tụi nó. Quý cũng chưa bao giờ mời nhỏ Ngôn hay nhỏ Phúc lên xe về cùng, cho dù hai nhỏ đó ở nội trú, trên cùng 1 luồng đường đi về nhà Nhạn. Quý chỉ biết có Nhạn, và đó cũng là một thất bại của Quý, để có được những tình cảm, mà bạn bè Nhạn dành cho Quý.

Lương đã quay lại đón Nhạn, đúng như giờ đã hẹn. Cười chào bạn bè Nhạn một cách thiện cảm. Lương đã chở Nhạn về, trên xe honda của Phăng, bạn nàng. Buổi trưa, trời nắng thật gắt, Lương đề nghị:

- Ghé ăn một cốc kem ở quán Đào Nguyên với anh rồi về sau nhé.

Nhạn đồng ý. Cả hai ngồi nói chuyện ở quán thật nhiều. Lương hỏi:

- Sao lối rày em viết thư cho anh, nghe buồn buồn thế nào ấy. Có chuyện chi hả em?

Nhạn không đáp, tay cầm thìa chọc nhẹ vào cốc kem. Lương nhìn Nhạn 1 chốc rồi hỏi:

- Hay là em sắp lập gia đình? Chắc có ai định đi hỏi làm vợ chứ gì?

Tần ngần một lúc, Nhạn gật đầu không đáp. Lương nhìn Nhạn lặng yên một hồi, sau đó nói:

- Thế mà từ bấy lâu nay anh vẫn mong có cơ hội này, cơ hội được gặp em, nói thẳng với em lời tỏ tình của anh. Anh không muốn viết hỏi ý em trong thư. Anh chỉ muốn trực tiếp hỏi em “Em có bằng lòng làm vợ của anh không?" Vì sau bao năm tụi mình quen biết nhau, anh thấy em rất thích hợp với anh. Trong anh, lúc nào anh cũng cảm nhận sự gần gũi của em bên cạnh. Bây chừ trong hoàn cảnh này, liệu những lời nói của anh có còn kịp không đây em?

Nhạn không đáp, với tay cầm lấy xách:

- Thôi, em về kẻo trưa. Mọi chuyện bây chừ không thể nói hết trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế này được. Dịp khác đã anh...

Và Lương chở Nhạn về nhà. Xế trưa, khi Quý ghé nhà, Nhạn nghe ba nàng nói với Quý:

- Hãy xúc tiến nhanh đi, trưa nay có một thằng bạn nào chở nó về, thấy nó có vẻ hơi khác đó.

Nhạn mỉm cười buồn bã nghĩ:

- Hôm nay là thứ năm, theo như dự tính, thì thứ bảy này Quý sẽ lái xe vào Hội An, chở ba mẹ Quý ra thưa chuyện với gia đình nàng. Thế là chỉ còn 3, 4 hôm nữa, Nhạn sẽ thuộc về Quý. Sẽ là vợ Quý qua 1 lễ rào như đã sắp đặt. Mặc cho định mệnh cột ràng vậy. Nhạn không yêu Quý. Quý lớn tuổi, với quân hàm đại úy quân cụ, chàng có vẻ chững chạc trong cuộc sống. Ở Quý, Nhạn thấy một sự bình yên, vững chắc để gửi gắm cuộc đời. Nhạn như một con chim bị bắn hụt, trước những biến cố buồn đau, trước sự xuống dốc ghê gớm của gia đình. Điều duy nhất mà nàng mong muốn trong giai đoạn này, là một chỗ dựa vững chãi, yên ấm, không sóng gió. Vì thế, khi nghe Quý đề nghị được chia xẻ cuộc sống của mình trong tương lai với Nhạn, Nhạn đã nghĩ một cách giản đơn “Quý yêu thương mình, Quý có cái mà mình mong đợi... Lập gia đình với ai thì cũng vậy thôi...”

Cho nên Nhạn đã bằng lòng. Thế mà hôm nay, khi Lương về, chỉ những câu nói ngắn ngủi, đã làm sống dậy trong lòng Nhạn những cảm xúc lạ lùng, và trong đầu óc Nhạn, lại đầy ắp những hình ảnh, những lời nói, mà trong 3 năm thư từ qua lại, hai người đã nói, đã tâm sự cùng nhau.

Sự buộc ràng như càng thắt chặt hơn, khi buổi chiều Lương lại đến tìm Nhạn tại trường học. Nhạn đã bỏ cả buổi học để rong chơi, để tâm sự, tiếp nối những buộc ràng, mà Nhạn nghĩ đã quá muộn màng.

Rồi trưa hôm sau, tức là buổi trưa thứ sáu, đó là một ngày mà Nhạn không thể quên được. Trưa hôm đó, Quý đến, để chở nàng về từ nơi thực tập, như thường lệ. Chẳng hiểu vì sao Nhạn lại cảm thấy bức bối, khó chịu trước sự hiện diện của Quý. Vì thế, lúc ngồi lên xe, nghe Quý đề nghị:

- Ghé ngang trường Trần Quốc Toản, anh đón đứa cháu, con ông anh về cùng, kẻo cháu chờ tội em hỉ...”

Thì Nhạn tay khoanh trước ngực, vùng vằng nói:

- Không, đưa em về nhà đã, rồi anh ghé đón ai thì đón, bằng không cứ để em xuống đây, em đón xe đi về vậy...

Chính cái lúc đang làm tội, làm tình Quý, thì Nhạn thấy Lương, từ múi cầu Tràng Tiền, chạy xe Honda ngược chiều lại với nàng. Có lẽ Lương đang trên đường đón nàng. Bất chợt Lương nhìn sang, thấy Nhạn đang ngồi ở ghế trước xe jeep của Quý, cả Lương và Nhạn đều hơi há hốc mồm nhìn nhau. Một thoáng qua rất nhanh. Quý vẫn không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra. Chàng liếc nhanh nhìn Nhạn, rồi cho xe tiếp tục chạy...

Đến nhà, Nhạn cầm lấy cặp đi nhanh vào nhà. Quý trở xe, định quay đi sang chở cháu, thì có tiếng gọi của Ba Nhạn:

- Quý, khoan đi đã, vào đây bác bảo.

Quý dạ và dừng xe, đi vội vào nhà. Nhạn tò mò, lén nghe cuộc đối thoại của ba nàng với Quý. Theo đó, ba nàng bảo Quý hãy tạm ngừng, khoan đưa ba má Quý ra gặp gia đình Nhạn như đã dự tính. Nhạn nghe và chả hiểu vì sao ba Nhạn lại nói vậy nữa. Vì sao và vì sao? Sự nghe lén bị cắt ngang, khi có bóng mẹ nàng tiến đến. Thấy nàng lấp ló ở khe cửa lắng nghe, bà nhìn nàng không nói. Nhạn thấy sợ sợ và rút lẹ vào phòng nằm im, suy nghĩ vẩn vơ. Bên ngoài, Quý vẫn ngồi im, đối mặt với ba Nhạn ở phòng khách, với 2 dòng nước mắt cố kìm, nhưng không ngăn được, vì sự cố đột ngột này, làm Nhạn thấy ngại, nép mình hoài trong phòng chả dám ra.

Mãi đến khi nghe tiếng Quý chào về, và thấy tất cả đã yên lặng, Nhạn mới lách người ra khỏi phòng. Nhạn gặp mẹ và được bà cho hay, sáng nay ôn nội chú của Lương, đã lên ghé nhà gặp gia đình nàng, xin thưa chuyện.

Bà kể rằng, ôn của Lương đã đến gõ cửa, ngập ngừng hỏi:

- Xin lỗi, đây có phải là nhà của cô Nhạn?

- Dạ phải

- Thưa ông bà đây là phụ mẫu của cô Nhạn?

- Dạ phải...

- Xin phép ông bà cho tôi thưa chuyện 1 chốc được không ạ?

Ba mẹ nàng đã mời ôn vào nhà, và ôn đã nói:

- Dạ thưa ông bà, quả là quá đường đột đến đây để xin gặp ông bà. Dạ, tôi đã ngang qua nhà mình 3, 4 dạo, đã đến uống 2,3 ly rượu, để lấy can đảm đến đây gặp ông bà để xin thưa chuyện. Xin ông bà bỏ quá cho sự đường đột này. Tôi xin tự giới thiệu, tôi là ông nội chú của cháu Lương, bạn cô Nhạn ở nhà đây. Dạ, hôm qua cháu tôi có về nhà, thưa chuyện muốn xây dựng gia đình với cô Nhạn ở nhà đây. Gia đình tôi quả là rất vui mừng để đón nhận cái tin đó, vì thú thật cùng ông bà, bên dòng họ tôi rất hiếm muộn. Từ lâu, chúng tôi đã thúc giục cháu lập gia đình, nhưng cháu cứ chối từ. Bây chừ lại về đột ngột thúc hối, bảo là muốn lấy vợ gấp, và theo như lời cháu cho biết là cô Nhạn ở nhà này, ngày mai đây sẽ có người đến bỏ “Lễ Rào”. Dạ cháu tôi vì sợ mất cô Nhạn, nên đã hối thúc chúng tôi lên nhà để thưa chuyện với ông bà trước kẻo muộn. Dạ, xin ông bà thứ lỗi cho, tôi vì quá thương cháu, và được sự ủy thác của mẹ cháu, cùng các cô, chú của cháu, xin liều lĩnh, đường đột ghé nhà để thưa chuyện, mong ông bà thương tình mà bỏ lỗi cho...

Ba mẹ Nhạn đã sững người trước những lời nói đó. Ông bà quá đỗi ngạc nhiên, nên chỉ nói:

- Dạ, ôn đã thưa chuyện thì gia đình tôi xin ghi nhận. Nhưng quả là quá bất ngờ, nên thực tình chúng tôi chả biết nói sao. Hiện giờ chúng tôi cũng chưa rõ ý cháu thế nào cả. Mới hôm trước, nó bằng lòng lập gia đình với người ta, bây chừ thì lại chằng chéo những chuyện này, quả đã làm chúng tôi khó nghĩ...

- Dạ, ông bà nói vậy, tôi chả biết nói sao cả. Tôi chẳng qua vì quá thương cháu, vả lại cháu tôi có nói “Nếu không lập gia đình với cháu Nhạn đây, thì nó sẽ bỏ đi xa xứ, chứ không về quê cha đất tổ nữa! Thôi thì việc đang hồi khó khăn này, ông bà không chấp nhận cũng đúng thôi. Nhưng tôi chỉ xin ông bà tạm hoãn lễ rào của phía bên kia, để cho cháu tôi còn có một cơ hội... Mong ông bà nhận cho lời thỉnh cầu của tôi.

Ba mẹ Nhạn lặng thinh 1 hồi, sau đó ba Nhạn nói:

- Thôi được, gia đình tôi đành hoãn Lễ Rào phía bên kia vậy. Con gái tôi đang quá mông lung thế này, nhận lễ sau này cũng khó ăn nói với gia đình người ta thật.

Ôn của Lương đã rối rít cám ơn và ra về.

Nghe mẹ kể lại, Nhạn vừa ngạc nhiên, vừa cảm thấy xôn xao lạ lùng. Không bao giờ Nhạn nghĩ Lương lại táo bạo, đòi gia đình đến gặp ba mẹ nàng như thế. Điều này Lương cũng chẳng nói gì cùng Nhạn cả. Thế mà... Tự dưng, một điều thích thú nảy sinh trong lòng. Hình ảnh Lương chợt tràn về, đầy ắp cả tâm khảm Nhạn. Những lời han hỏi, những lời tâm sự, những băn khoăn, vướng mắc trong cuộc sống, mà Lương từng nói với nàng, cứ như một cuốn băng đang mở, vang vang trong đầu óc nàng.

Nhìn đồng hồ, đã gần 2 giờ chiều. Nhớ lại lời hẹn gặp với Lương, Nhạn vội vã thay đổi áo quần, nhảy chân sáo đến điểm hẹn. Lương đã chờ nàng và cả hai lại vi vu, lả lướt trên những cung bậc du dương của tình ái.

Hai ngày sau, Lương giã từ Nhạn, về lại đơn vị. Thế là cuộc tình của Nhạn và Quý đã bị cắt ngang đành đoạn. Quý vẫn lui tới nhà đều đặn hằng ngày và vẫn tìm cách tiếp cận Nhạn. Chàng luôn bảo với Nhạn là “Anh sẽ đợi. Em hãy nghĩ suy, cân nhắc đi. Với anh, những điều đã xảy ra, anh xem đó là những sóng gió nhẹ trong cuộc đời, anh không bao giờ để tâm đến. Anh chờ em nghĩ lại và trả lời cùng anh...”

Nhạn biết mình đã vô tình làm tổn thương Quý, dầu thực sự nàng không muốn điều đó xảy ra. Quý đã đau khổ rất nhiều vì sự ruồng rẫy, rút lui của Nhạn.

Nhạn biết Quý là con trưởng của gia đình, cũng đã lớn tuổi. Các em của Quý đã lập gia đình và vì thế, lúc gia đình Quý nhận được điện thoại, báo sẽ vào đón ba mẹ ra, để lo việc hôn nhân, cả gia đình Quý đã vui mừng đón nhận cái tin ấy. Thế mà...

Rồi cả đơn vị của Quý cũng vỡ lỡ ra với tin xấu này. Ai cũng nhìn Quý với ánh mắt thương hại. Những câu han hỏi, xẻ chia cuả bạn bè, làm Quý thấy như những vết cứa, đau nhức cả lòng.

Quý nhớ đã từng nói với Nhạn:

- Em không biết đó thôi, đơn vị anh có cái dạp. Một anh bạn đại úy như anh, trong cùng 1 đơn vị, định lập gia đình với một cô nọ, thế mà đùng một cái, hai hôm trước ngày đám hỏi, cô ta đổi ý. Và đám hỏi đã không thành. Bởi thế, bây chừ bạn bè cứ bảo anh "Lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày có kẻ dèm pha" đó em...

Lúc đó, Nhạn đã cười và nói cùng Quý:

- Làm chi có chuyện đó mà anh lo.

Thế mà bây chừ nàng cũng không thể hiểu nổi chính mình nữa. Trong nàng, tình cảm dành cho Quý, chỉ như tình cảm của 1 người em dành cho 1 người anh, chứ nàng không thấy rung động, xôn xao, nhung nhớ như đối với Lương. Nhạn thèm muốn nghe Lương nói, thấy Lương và cận kề bên Lương, như một nhu cầu cần thiết của cuộc sống.

Cuộc sống của Nhạn trở nên vô vị, kéo dài trong khoảng thời gian chừng một vài tháng. Nhạn hầu như không nhận được 1 tin tức gì về Lương, ngay cả những thư từ mà nàng hằng mong đợi vẫn biệt tăm. Những lá thư nàng gởi đi, đều bay vào khoảng không một cách lạ kỳ, không có hồi đáp. Nhạn chán nản, buồn khổ và bắt đầu nung nấu cái ý nghĩ, dứt bỏ Lương ra khỏi đầu óc mình.

Trong lúc đó, Quý vẫn lui tới, vẫn săn đón, hỏi han, chờ sự quay lại của Nhạn. Thế rồi, nàng đã bảo với Quý là Nhạn sẽ suy nghĩ và trả lời dứt khoát với Quý vào tối thứ Bảy đến.

Buồn - hận - tủi hờn làm Nhạn muốn nhắm mắt lại trước cuộc sống. Nhạn không hiểu vì sao Lương lại vô tình với Nhạn đến thế. Rồi một sự tình cờ, lúc nào cũng đến đúng lúc, như lần gặp Lương lần đầu. Phải chăng đó là định mệnh???Chiều thứ bảy đã đến, lúc đó khoảng 5 giờ chiều, sau khi dọn cơm xong, nàng bước ra sân, mời ba nàng vào dùng cơm. Nhạn thấy ba Nhạn đang đứng ở sân, với 1 người đàn ông lạ.

Thấy nàng, người đàn ông tiến lên, bước về phía nàng và hỏi:

- Xin lỗi, chị có phải là chị Nhạn?

- Dạ phải...

- Tôi là Cát - Bạn của Lương ở Pleiku. Lương nhờ tôi trao tận tay chị bức thư này. Tôi đến gặp bác, bác bảo chị đi khỏi, tôi tính quay về, thì may mắn lại gặp được chị. Đây là bức thư Lương nhờ tôi trao...

Nhạn liếc nhanh về phía ba, vội vã cảm ơn rồi cầm lấy bức thư quay vào phòng.

Ba Nhạn nhìn theo Nhạn, không nói lấy 1 câu gì. Đóng chặt cửa phòng mình lại, Nhạn nôn nao bóc lấy thư xem. À thì ra Lương đã gởi cho Nhạn rất nhiều thư, từ ngày chàng trở lại Pleiku đến chừ, nhưng khi nhận được thư Nhạn bảo là không nhận được lá thư nào, thì Lương đã lờ mờ đoán ra, có một điều gì không ổn với những lá thư đó.

Chính vì thế mà Lương đã dặn với bạn chàng:

- Bằng mọi giá, mày phải chuyển tận tay bức thư này cho Nhạn hộ tau...

Trong thư Lương khuyên Nhạn nên đổi địa chỉ để liên lạc. Chẳng hạn như lấy địa chỉ ở trường, để liên hệ thư từ. Nhạn mừng vui khi thấy tình cảm của Lương dành cho Nhạn không đổi, và trong lòng Nhạn lại bừng bừng một cách mãnh liệt, sự thiết tha chia xẻ buồn vui cuộc đời mình với Lương.

Suýt chút nữa thì Nhạn đã dại dột đánh mất tình yêu của mình, vì những nông nổi, giận hờn nữa chứ.

Buổi tối, khi Quý đến, trong sự hăm hở đón chờ một lời nói của Nhạn, mà Quý vẫn mong đợi, thì Nhạn chỉ biết lắc đầu “Xin lỗi vì không thể... ”. Cái cuộc đời vốn dĩ là thế, những buồn vui luôn xoắn vó, chồng chéo lên nhau.

Ba mẹ nàng tỏ ra lãnh cảm, khó chịu với nàng ra mặt, nhưng bù lại, bà con bên nhà Lương lại tìm đến, săn sóc và ân cần với nàng. Nhạn còn nhớ, một buổi sáng đang thay áo quần thực tập ở trường, Nhạn nghe tụi bạn vào bảo là có người đến tìm, đang đứng chờ bên ngoài. Nhạn bước ra, nhìn quanh, ngạc nhiên thấy 1 người đàn bà sang trọng và 1 người đàn ông trạc ngũ tuần, dáng dấp oai vệ, đang đứng cạnh một chiếc xe hơi đen, bóng loáng, đang chăm chú nhìn nàng.

- Xin lỗi, cô là cô Nhạn...

Nhạn dạ và hơi băn khoăn, không hiểu người đàn bà này là ai, gặp nàng có việc gì, thì lại được nghe giới thiệu:

- Tôi là mẹ của Lương, bạn của cô, còn đây là ông Bửu Bang, tức là Rồng Vàng, dượng của Lương (Ồ, nhân vật cỡ bự của làng doanh nhân, hèn chi oai vệ cũng phải). Chúng tôi có việc đi ngang qua đây, luôn thể ghé vào thăm cho biết mặt cô. Con tôi vẫn nhắc nhiều đến cô, lúc nào rỗi, mời cô đi cùng Phăng, ghé lên chổ tôi làm việc, chơi cho biết...

Cuộc gặp gỡ trong bất chợt đó, đã đưa Nhạn đến làm quen với gia đình Lương. Nhạn vẫn thỉnh thoảng cùng Phăng, ghé lên Hương Hồ, nơi mẹ Lương đang làm cô mụ ở đó, và luôn được tiếp đón ân cần, vồn vã. Bà cứ hay hỏi Nhạn có thiếu thốn hay cần gì, cứ nói cùng bà, chứ đừng có ngại. Thi thoảng bà còn dúi cho nàng tiền, gọi là để mà gửi thư cho Lương. Nhạn không nhận, nhưng những điều đó làm Nhạn vui và càng quyết tâm hơn trong cuộc đấu tranh để giữ tình Lương.

Nhạn đã đặt niềm tin, trút hết niềm tâm sự của mình với Lương, qua những vần thơ, qua những đợi chờ. Thảm hại hơn, Nhạn bắt dầu nghe những lời ong tiếng ve về Lương. Nào là đểu cáng,có con rơi và thế này thế nọ. Ba nàng lại tỏ ra ghét bỏ cuộc sống hiện tại với nghề nghiệp bay bổng của Lương hơn nữa, trong từng câu nói hằng ngày:

- Dân pilot là cái dân ăn chơi, vừa vặn gì. Lấy nó chỉ có nước khổ hay góa bụa sớm mà thôi. Ngó cái gương con HL, con mụ MT trước mắt thì rõ. Chồng nó là đại úy Không Quân, lấy nhau được mấy năm, chồng thì nhảy đầm, hầu hạ. Vợ nó cũng lả lướt theo, tan nát cả 1 gia đình chứ hay ho gì!

Nhạn chỉ muốn bịt tai để đừng nghe, đừng trả lời. Cuộc sống đã quá khổ đau rồi, chứ ích gì mà phải đọa đày mình trong những vũng tối thương đau chất ngất nữa chứ...

Cùng lúc đó, Lương cũng bị áp lực, đau khổ không kém gì Nhạn. Ba Nhạn vì muốn Lương chấm dứt quan hệ với Nhạn, nên đã xé nát những bức thư Lương gởi về theo địa chỉ ở nhà mà ông đã tịch thu, cất giữ và gạch chằng chéo vào tấm ảnh mà lần đầu tiên Lương gửi về cho Nhạn, rồi điền vào đó 1 chữ ”Đểu” to tướng bằng bút bi đỏ, kèm theo 1 lá thư dài ông viết, yêu cầu Lương hãy buông tha, giả giớm con gái ông. Tất cả, ông bỏ vào 1 phong bì lớn, với tên người gởi bên ngoài là Nhạn, cùng với dòng chữ “Có ảnh, xin đừng gấp“ gửi lên đơn vị Lương.

Thời gian đó, Lương đang đi tăng phái ở đơn vị bạn, nửa tháng mới về. Nhìn thấy phong bì thư có tên của Nhạn bên ngoài, bạn cùng đơn vị của Lương kháo nhau:

- Ê,con bồ của thằng Lương gởi thư và ảnh lên, thử xem thử mặt mũi nó ra sao nào...

Và cả bọn bạn đã tò mò mở trộm thư ra xem. Một sự thật phũ phàng và cay đắng đã ùa ập đến với Lương, khi chàng từ chỗ tăng phái về. Nhìn bức thư bị bóc, nhìn những gì chứa đựng bên trong và những cặp mắt dòm ngó của bạn bè. Có đứa còn tò mò hỏi nhỏ:

- Ê, mày làm gì con nhỏ, mà ba nó giận dữ vậy, chửi rủa om sòm...

Lương nghẹn ngào, không nói được 1 câu nào. Chàng buồn đau, nhưng lại càng quyết tâm hơn trong việc phá bỏ rào cản của gia đình Nhạn, ước mong là có Nhạn trong cuộc sống của mình, dù gặp trở ngại gì quyết cũng không từ nan.

Lương đã lấy phép về Huế trong những ngày sau đó. Cũng lúc đó, mẹ của Phăng bị tai biến mạch máu não, phải nằm viện. Lương và Nhạn lại đột nhên gặp nhau trong phòng bệnh của bà. Những tức tưởi buồn đau, những xót xa gánh chịu, như con nước vỡ bờ, tràn trong họ, gắn cả hai người với nhau hơn. Khi cả hai người cùng chung số phận, cùng gánh chịu những nghịch cảnh như nhau, sự cảm thông là mối dây dịu dàng, thúc đẩy họ hợp lực, chung sức để đấu tranh giành lại quyền được yêu thương, khắng khít. Con người càng bị cấm cản, càng muốn tiến bước. Lương và Nhạn cũng thế.

Những lá thư cứ được gửi, cứ được nhận. Nỗi lòng của hai người thỉnh thoảng lại cứ tái tê, đau đớn vì chia xa, vì những lo sợ phải mất mát nhau, không phải vì tình cảm, mà vì cuộc chiến quân sự, ngày càng nóng bừng, căng thẳng. Trong thời gian này, chính gia đình và cả trường học của nàng cũng phải di tản vào Đà Nẵng. Nhạn hằng ngày lại phải tiếp tục thực tập tại bện viện Đà Nẵng. Trong những biến động đó, Lương lại thỉnh thoảng xẹt về thăm nàng. Nhìn Lương gầy rộc trong bộ đồ bay, mặt mày phờ phạc vì hằng ngày phải đối diện và chứng kiến cảnh chết chóc, chia lìa, Nhạn chỉ biết thầm khấn vái, xin trời đất cho Lương được bình yên, để nàng có Lương trong cuộc sống, để mà ngóng trông, đợi chờ, ao ước.

Đồng lúc ấy, Nhạn lại chuẩn bị thi ra trường. Bài vở ngập đầu, những đêm thức trắng để học, cũng không ngăn nổi những trăn trở trong lòng. Dầu gì cũng phải cố gắng đạt kết quả tốt trong kỳ thi mãn khóa học. Nhủ thầm thế và Nhạn đã làm được điều mình nghĩ. Trước hôm chọn nhiệm sở ra trường, Nhạn đã suy nghĩ thật nhiều. Nàng đã viết thư vào Đà Nẵng cho ba mẹ nàng và nói:

- Một tuần nữa là con chọn nhiệm sở để nhận công tác. Vì con đỗ cao, nên con được quyền ưu tiên để chọn lựa. Con muốn ba mẹ cho con biết dứt khoác ý kiến của ba mẹ về việc tình cảm của con và Lương. Nếu ba mẹ không đồng ý, thì ba mẹ muốn con chọn công tác ở đâu, con sẽ chọn theo ý muốn của ba mẹ, nhưng từ đây về sau, ba mẹ đừng bao giờ đề cập đến chuyện tình cảm gì gì với con nữa cả!

Nhận được thư của Nhạn, ba mạ Nhạn đã đọc và suy nghĩ. Đồng thời với sự nói vào của những người bà con gần gũi, phân giải thiệt hơn:

- Bây chừ anh chị không đồng ý, nó sẽ nhận nhiệm sở ở 1 nơi nào đó, thằng kia đến tìm, anh chị có ở bên cạnh mà ngăn cản được không? Hay không khéo lại mất đi 1 đứa con và xấu mặt cũng nên!”

Vì thế ba mẹ Nhạn đành chấp nhận. Chiều hôm sau, ba mẹ Nhạn đã từ Đà Nẵng ra Huế, để thông báo cho nàng cái quyết định đó, và bảo với Nhạn là sớm mai liên hệ với gia đình Lương, để họ sắp đặt 1 cuộc gặp mặt thân mật giữa họ và gia đình. Ông bà còn cho Nhạn hay là chỉ chờ đến trưa mai, rồi sẽ vào lại Đà Nẵng, dầu gặp hay không...

Nghe vậy, sáng hôm sau,lúc trời vừa sáng, Nhạn đã đón xe buýt lên Hương Hồ, nơi mẹ Lương làm việc. Bà đón Nhạn với sự ngạc nhiên, lo lắng, săn hỏi. Sau khi biết được ý muốn của ba mẹ Nhạn, bà đã lật đật thuê xe về làng để gấp rút bàn bạc, sắp đặt với Ôn, Chú và các O của Lương. Nhạn đã chờ đợi cái giây phút gặp mặt của 2 gia đình, trong những khoảnh khắc nôn nóng, khổ sở vô cùng, bởi lẽ ba mẹ Nhạn đã sắp đặt hành lý để chuẩn bị vào lại Đà Nẵng, mà vẫn chưa thấy gia đình Lương lên như dự tính. Đúng cái lúc sự tuyệt vọng gần kề, thì Nhạn nghe những tiếng xe lạ rẽ vào nhà. Nhìn ra, Nhạn thấy 1 đoàn khoảng 7, 8 người, trong đó có mẹ Lương, ba của Phăng và những người nàng chưa biết mặt, trong trang phục chỉnh tề. Nhạn rút lẹ vào nhà rối rít:

- Ba mẹ ơi, gia đình anh Lương đến rồi.

Mẹ bảo Nhạn lánh vào trong, thay áo dài, lúc nào gọi hẵn mang nước ra.

Cuộc tiếp xúc có lẽ thỏa mãn cho cả hai bên, nên thỉnh thoảng nàng vẫn nghe những tiếng cười rôm rã vang vọng. Lén nhìn những khuôn mặt rạng rỡ, Nhạn vui mừng khi nghĩ tới Lương. Chắc Lương sẽ mừng lắm khi biết được tin này. Tội nghiệp, anh vẫn chưa biết chi hả anh? Gia đình đã đồng ý rồi đó anh ơi!

Đám hỏi được tổ chức sau đó 1 tuần, với dự tính sẽ không có Lương, vì không thể nào liên hệ với Lương trong 1 khoảng thời gian ngắn như vậy được (Giá như có điện thoại hiện đại như bây giờ nhỉ). Thế nhưng, sự may mắn lúc nào cũng đến với Nhạn. Lương lại tình cờ, một sự tình cờ vô cùng hợp lý, không giải thích được, nhận phép ra thăm nhà và đột ngột được gia đình cho biết ba mẹ Nhạn đã đồng ý chấp nhận cuộc hôn nhân. Lương vội vã chạy xe Honda lên nhà, lướ qướ húc vào chậu sói cảnh đang đặt ở sân, làm vỡ tung cả chậu, trước sự sung sướng vỡ tràn của Nhạn. Hạnh phúc đã đến trong tầm tay với của cả hai, sau những tháng ngày đợi chờ, mong ước...

Buổi chiều hôm đám hỏi của Nhạn, Quý đã dừng xe Jeep ở ngã tư đường, cạnh nhà Nhạn, ngoắc cô em út của Nhạn đến và hỏi:

- Hôm nay đám hỏi chị Nhạn phải không?

Em của Nhạn gật đầu.

- Thế chị Nhạn có vui không?

Em của Nhạn ngờ nghệch đáp:

- Không biết nữa, nhưng thấy chị cười hoài...

Quý bỏ đi và cô em đã mách lại chuyện đó cùng Nhạn. Nhạn hơi lặng người. Trong 1 khoảnh khắc nào đó, Nhạn thấy mình có lỗi với Quý và hối tíêc vì đã đem lại niềm đau cho chàng, một người đàn ông đã thương nàng, vì nàng, để cuối cùng chỉ nhận được sự dối gian, phản bội...

Sau đó Nhạn chọn nhiệm sở ở trường Cán Sự Điều Dưỡng Nha Trang, đi học thêm 1 khóa chuyên nghành để làm Huấn Luyện viên của trường. Lương vẫn bay ở Pleiku với cấp bậc trung úy. Đám cưới họ được tổ chức tại Huế, một năm rưỡi sau đó. Lương theo máy bay quân sự bay từ Pleiku về Huế trước và liên tục cùng ba Nhạn đi đón Nhạn tại phi trường, nhưng do thời tiết quá xấu, các chuyến bay dân sự đến Huế liên tục bị hoãn. Cả 2 gia đình lo quýnh quáng vì thời gian tổ chức đã cận kề, mà Nhạn vẫn chưa về được, lại thêm toàn bộ thiếp cưới đều đang nằm trong tay Nhạn.

Thế rồi 5 hôm trước đám cưới, Nhạn đã sung sướng ngã vào vòng tay dang rộng, chờ đón của Lương tại phi trường. Trên đường về nhà, Nhạn đã xòe bàn tay mình trước mặt Lương thích thú:

- Đó, anh thấy chưa? Em đã bảo em có đường may mắn chạy dọc theo suốt con đường đời mà... Đúng chưa???

Và tinh nghịch cười. Lương choàng tay siết nhẹ vai Nhạn. Nhạn khẽ ngã người vào Lương. Mắt họ giao nhau, long lanh 1 niềm hạnh phúc không tưởng.

Bây chừ, sau hơn 40 năm chung sống, Nhạn và Lương đã có 5 con cùng nhau. Họ vẫn còn bồi hồi khi ôn lại chuyện xưa. Thỉnh thoảng họ đọc lại những chồng thư cũ, của 2 người đã viết trao nhau, những tập nhật ký của 1 thời yêu thương, mà Nhạn luôn mang theo, giữ lấy, cho dù mấy chục năm qua, biết bao biến động, đổi thay của chiến tranh, di chuyển...

Cuộc sống đôi lúc có sóng gió, va đập, nhưng những ngày tháng cùng nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại của gia đình, bây chừ vẫn là những mấu chốt vững chãi, giúp họ vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống. Hạnh phúc là cái điều con người luôn mơ ước, nhưng khi được rồi, liệu có giữ được hay không, còn tùy thuộc vào mình nữa, phải không các bạn?

Xanh Thỵ Nhạn Trắng

Wednesday, April 2, 2014

Tâm Tình Cô Giáo Trẻ

Lời tâm tình của một cô giáo theo chồng lên phố núi Pleiku.


Tâm Tình Cô Giáo Trẻ

( Lý Tòng Quân, 6 câu )

Sáng tác: Phạm Văn Phú

Biểu diễn: Ái Liên