Monday, July 29, 2013

Saturday, July 27, 2013

Vu Lan Nhớ Mẹ



Thơ Trần Kim Hiện

Vu Lan buồn quá Mẹ ơi!
Chân con khập khễnh, chơi vơi tật nguyền!
Hai mùa báo hiếu «không duyên»
Sân chùa vắng bóng con thiền, niệm kinh,
Cầu xin Mẹ được vãng sinh,
Về miền Cực Lạc, Mẹ hiền thảnh thơi.
Vu Lan buồn quá Mẹ ơi!
Xót thương số Mẹ cả đời lấm lem!
Nhà sau, vườn rộng, sân hoen!
Dâu mười hai tuổi đã quen miệt mài!
Bọt bèo Mẹ vớt sớm mai
Không ngờ số Mẹ ngày mai bọt bèo!
Đường đời gian khổ cheo leo,
Mẹ quê chỉ biết gánh, chèo ngược xuôi!
Tuổi xuân qua mất lâu rồi!
Mẹ nào hay biết, cuộc đời buồn tênh!
Sàng gạo, phơi thóc đầy sân,
Cho nên tóc Mẹ trắng dần tháng năm.
Cửa nhà, ôi lại vắng tanh
Các con cùng Bố hai lần ra đi!
Buồn thay cho cảnh biệt ly
Khóc chồng biệt tích, con đi không về!
Cuộc đời như thể cơn mê
Trông mong gì có ngày về Mẹ ơi!
Khi con hiểu biết sự đời
Thì con mất Mẹ ngậm ngùi xót xa!
Giờ đây trên bước đường xa
Con thầm tạ tội, Mẹ là Phật Tiên,
Dù Mẹ về chốn cửu tuyền
Vẫn là ánh đuốc, soi đường con đi.
Con xin Mẹ chớ lo chi,
Tim con có Mẹ, sợ gì gian nan!

Viết tại California, Mùa Vu Lan, tháng 7

Trần Kim Hiện
( Phu nhân bạn Nguyễn-Hữu-Phú K7/68KQ )

Friday, July 26, 2013

Việt-Mỹ ra tuyên bố chung về quan hệ 'đối tác toàn diện'

Phổ biến ngày 25.07.2013

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hội kiến chính thức với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc hôm 25/7, đánh dấu lần thứ hai một chủ tịch nước của Việt Nam gặp nhà lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Tổng thống Obama đã đề cập đến một loạt các vấn đề từ nhân quyền, tự do tôn giáo, đến Biển Ðông... Chủ tịch Sang nói 'đã đến lúc xác lập khuôn khổ một mốt quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.'

Xem thêm: http://www.voatiengviet.com/section/chu-tich-nuoc-viet-nam-tham-my/4212.html


Ghi chú:
Phóng viên Huy Phương đài VOA (Người bạn 7/68KQ của chúng ta)
thông dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt
( Người ngồi bên phía trái Tổng Thống Obama )

Biểu tình trước Tòa Bạch Ốc nhân cuộc họp thượng đỉnh Việt-Mỹ:


Biểu tình trước Tòa Bạch Ốc nhân cuộc họp thượng đỉnh Việt-Mỹ:


Video: Biểu tình trước Tòa Bạch Ốc:


Nghe cuộc phỏng vấn với một số người trong đoàn biểu tình:


Thursday, July 25, 2013

Những Nhà Văn Không Quân

Nguyễn Mạnh Trinh

Đây là một bài tạp ghi nhỏ phác họa sơ sài một vài chân dung của những người KQ cầm bút. Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ như thế này dĩ nhiên không thể đề cập đầy đủ hết tất cà các khuôn mặt văn nghệ của quân chủng. Nên, thôi thì, nhớ ai thì viết nấy, hy vọng có một vài chi tiết lý thú về những người KQ cầm bút. Đáng lẽ phải là "Những nhà văn KQ mà tôi biết" mới đúng. Nhưng cụm từ ấy đã có quá nhiều người xử dụng. Nên, xin như một hiểu ngầm khi dùng nhan đề như ở trên.

Có lẽ KQ là một quân chủng hào hoa nên số người cầm bút rất đông đảo và dù sau này, khi đã mất nước và tan hàng, chất KQ vẫn còn đậm đặc trong tác phẩm. Tính chất trẻ trung, chan chứa sinh lực, nhìn cuộc đời dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng lạc quan và không đầu hàng với số mệnh.

Người KQ của KLVNCH dù viết văn hay làm thơ, dù đang chiến đấu hay không còn dịp để chiến đấu nữa, vẫn một thái độ đẫm chất nhân bản, không đầy chất sắt máu như những tiểu thuyết cũng chung một đề tài KQ nhưng khác chiến tuyến của miền Bắc như Mặt Trận Trên Cao của Nguyễn Đình Thi, hay Vùng Trời của Hữu Mai, hay Chim Én Bay của Nguyễn Trí Huân... Những người KQ miền Nam viết văn làm thơ bằng trái tim rất người của họ và chất lãng mạn, từ đời sống, trong suy nghĩ đã làm văn chương trở thành một nét đặc biệt biểu trưng cho một thời đại nhiều biến cố của dân tộc Việt Nam.

KQ VNCH chỉ có một thời gian ngắn hai chục năm để thành lập và phát triển không lưc. Trong thời gian ấy đã có nhiều tác giả và tác phẩm có những nét riêng của những cuộc sống nhiều thay đổi, của thời thế lịch sử và của những nghịch cảnh của từng đời thường của mỗi cá nhân. Cái chung bàng bạc trong cái riêng, của một nền văn học khai phóng và tự do nên phản ánh được một phần nào nỗi niềm của một thế hệ thanh niên trong chiến tranh.

Một điều khá lạ là trong các vị tư lệnh KQ có tới hai người là nhà văn có tác phẩm và biểu trưng được phần nào tinh hoa của quân chủng. Đó là nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và nhà văn Trần Văn Minh.

Nhà văn Toàn Phong, tức đại tá Nguyễn Xuân Vinh, giữ chức tư lệnh từ tháng 2 năm 1958 đến tháng 8 năm 1962, tác giả của Đời Phi Công, Theo Ánh Tinh Cầu, ngoài một nhà văn còn là một toán học gia, một khoa học gia có nhiều cống hiến cho thế giới. Đời Phi Công là những bức thư của người phi công gửi cho người yêu tên Phượng. Những bức thư kể lại một cuộc sống vừa lãng mạn vừa văn chương chuyên chở được suy tư và mơ ước của một phi công Việt Nam thời chiến. Đọc những trang của Đời Phi Công, không khỏi liên tưởng tới những trang thơ hào hùng của Chinh Phụ Ngâm hay những trang sách của truyện Saint Exupery của những không gian bao la, của những Bay Đêm, của Cậu Hoàng Con, của những giấc mơ đi thăm viếng giải ngân hà.


Cựu Đ/Tá Nguyễn Xuân Vinh Tư Lệnh Không Quân (2/1958 - 8/1962)

Đời Phi Công đã ảnh hưởng rất lớn tới tuổi trẻ thời đó và hình ảnh những chàng trai phi công đã là một mơ ước của nhiều người. Đọc Đời Phi Công, như phiêu lãng với nghiệp dĩ một đời và mở ra vòng ôm rộng lớn của tổ quốc không gian. Cuốn sách này đã được tặng giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. trong một bài phỏng vấn, tác giả Đời Phi Công đã nói về tác phẩm đầu tay của mình:


Đời Phi Công

"Đời Phi Công là một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời. Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ vào ngày thứ Hai trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc mà giáo sư văn khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.

Giới trẻ hồi đó hay đón đọc vì ai có một chút mơ mộng cũng có thể tưởng tượng được rằng nếu sau này trở thành phi công thì mình cũng có thể là người viết những bức thư tâm tình đầy thi vị như thế này...

... Nhằm mục đích nêu lên tình người và tình yêu tổ quốc cùng không gian mà tôi viết Đời Phi Công. Nhờ sự phổ biến sâu rộng của cuốn sách này mà giới thanh niên và sinh viên hiểu biết thêm về Không Quân Việt Nam và chúng tôi đã tuyển mộ được nhiều thanh niên ưu tú để gửi sang theo học những khóa huấn luyện bay những phi cơ tối tân của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ..."

Nhà văn Trần văn Minh, tư lệnh KQ từ năm 1967 đến 1975, tác giả của những tập truyện ngắn Trong Đục và Chết Non ở trong nước và Chốn Lao Xao ở hải ngoại. Theo phần tiểu sử ở cuối tác phẩm Chốn Lao Xao:

"Tác giả Trần Văn Minh là một người lính cầm bút có tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ quân đội. Ông viết văn làm thơ đăng trong các tập san Không Quân ký dưới nhiều bút hiệu như Trần Trụ Y, Trần Mộng Thường, Md. Cô Dương... và có hai tác phẩm đã xuất bản với tên thật làm bút hiệu.


Cố Tr/Tướng Trần Văn Minh Tư Lệnh Không Quân (1967 - 1975)

Những bài thơ ông sáng tác phản ảnh chất hài hước trong nghịch cảnh, vui tếu trong gian nan, biểu tượng sức sống trẻ trung của một Quân chủng oai hùng hào hoa mà ông từng là cánh chim đầu đàn...".

Từ những truyện ngắn viết ở trong nước đến những bài cảm hứng ngắn viết ở hải ngoại, tác giả Trần Văn Minh dù trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống nhưng vẫn một tâm hồn tiếu ngạo, dù có chất mỉa mai nhưng vẫn đậm đà tình nghĩa nhất là đối với những người đã có chung màu cờ sắc áo. Trong Chốn Lao Xao, có lần ông cựu tướng nhà văn tâm sự:

"Tôi ấy à?! Mười mấy năm nay, cái lạc hằng ấp ủ của tôi thì thật đơn sơ, là sẽ đưa hường nhan tri kỷ về lấy lại mái nhà xưa trong Tân Sơn Nhứt không có tiếng động cơ phản lực gào rú ngày đêm, đêm mưa nàng gối đầu trên cánh tay tôi, nghiêng người ôm tôi, hai đứa nằm lặng yên trong bóng đêm nghe tiếng mưa rơi rạt rào trên mái ngói, nặng chĩu tầu tiêu ngoài vườn cũ sau hè, nghe tiếng kêu thương của con nhạn lạc ngang trời trong gió mưa, để... để làm gì tôi không biết nữa! Chỉ thế thôi! Có chút xíu thế thôi, mà, hỡi ôi, mười mấy mùa mưa đã về trên trại Phi Long dập vùi tả tơi hoa cỏ mà mộng nhỏ chưa thành đầu đã bạc, gối đã mỏi lưng đã chùn người đã xác xơ!."

Một người KQ làm thơ nổi tiếng là Cung Trầm Tưởng, một người đã đem hình ảnh rất Paris, rất Tây Phương mang vào thi ca Việt Nam:

"Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ
Mùa thu âm thầm
Trong vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu"


Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
trong buổi ra mắt “Một Hành Trình Thơ”
tại Virginia, ngày 28 tháng 10, 2012

Cung trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần, sinh năm 1932 tại Hà Nội, gia nhập Không Quân năm 1952 và du học tại Pháp và tốt nghiệp học viện hàng không quân sự nổi tiếng Salon của Pháp nơi xuất thân của hầu hết các cấp chỉ huy cao cấp của Không lực sau này. Sau năm 1975 ông bị cải tạo 10 năm và hiện nay đang định cư tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ. Thời kỳ 20 năm văn học miền Nam, ông là một nhà thơ có nét đặc biệt riêng và ông cũng là người chủ trương tủ sách Con Đuông nhằm phổ biến tác phẩm trong vòng hạn hẹp và gạn lọc. Sang sống ở hải ngoại ông xuất bản 3 thi phẩm: Bài ca Níu Quan Tài, Lời Viết Hai Tay, và Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định. Hơi thơ của ông viết ở hải ngoại rất khác biệt với thơ của ông thời trong nước. Thơ lục bát của ông thời kỳ trước 1975 mở ra những phương trời lạ, những ý tưởng độc đáo. Còn, bây giờ, ở những tập thơ xuất bản, ông viết thơ lại khác biệt lúc trước cả từ ý lẫn lời. Thơ, mang theo nhiều suy tưởng, nên chất cảm ít đi nhưng chất luận lý lại tràn đầy và nét khai phá dường như phong phú trong cung cách sáng tạo. Có người nói thơ nhiều khi dị ứng với lý luận mà chất cảm phải có nhiều để tạo được sự chia sẻ. Đó cũng là một ý kiến. Nhưng, thi sĩ làm sao không suy tư cho được khi cuộc đời đầy những biến cố làm thay đổi nhiều khi toàn bộ con người. Hình như, tới bây giờ những bài thơ như Chưa Bao Giờ Buồn Thế của Cung Trầm Tưởng vẫn là một khuôn khổ đẹp cho những bản tình ca muôn thuở:

"Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng..."


Tiễn Em - Thơ Cung Trầm Tưởng - Nhạc Phạm Duy - Tiếng hát Sỹ Phú

Nhà văn Huy Quang Vũ Đức Vinh cũng là một cây bút KQ kỳ cựu, dù rằng ông là người đi song hành giữa chính trị và văn chương ở Việt Nam và giữa công việc xã hội và văn học ở hải ngoại. Ông đã viết những tiểu thuyết như Đôi Ngả và Những Mái Đầu Xanh từ năm 1952 xuất bản ở Hà Nội. Ông cũng có thời làm Tổng giám đốc hệ thống Truyền Thanh Quốc Gia và là một người có nhiều cải cách trong nhiệm vụ này. Qua hải ngoại ông là người chủ trương bán nguyệt san Đất Mới xuất bản từ năm 1975 đến năm 1984. Trong quân chủng KQ, ông là một cây bút chủ trương và chủ lực của tập san Lý Tưởng, một nơi quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam. Dù là người đi song hành trên nhiều lãnh vực, nhưng ở nhiều mặt ông đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Là một người lãnh đạo ngành truyền thông, ông làm việc hiệu quả và có nhiều cải tổ có kết quả tốt đến mãi thời gian sau. Là nhà văn, ông viết với cái tâm của mình cùng với sự chân thực. Đọc những bài ghi chép lại như những dòng hồi ký của những giây phút lịchsử trong cuốn sách Về Một Người Đã Khuất: Huy Quang Vũ Đức Vinh" mới thấy được sự cẩn trọng của một người kể lại như vai trò của một chứng nhân lịch sử. Viết về những giây phút cực kỳ sôi động của biến cố Tết Mậu Thân hay viết về những phi vụ Bắc phạt, ông đã cho độc giả những chi tiết thực độc đáo và biểu trưng được những giây phút đầy chất quyết định thua được của thời thế lịch sử.

Không phải ông KQ Vũ Đức Vinh chỉ viết về những người đồng đội của ông mà ông còn viết về Huyền Vũ, về Phan Nghị khi ở trong nước hay Thanh Nam ở hải ngoại. Dù viết về bất cứ nhân vật nào ông cũng tìm ra được những nét biểu trưng được cá tính riêng biệt cũng như những thời thế, không gian, thời gian họ đã sống. Thí dụ như ông viết về Thanh Nam:

"...Qua thơ Thanh Nam người đọc cảm thấy hồn thơ man mác trên từng ý, từng lời. Thơ của ông còn một đặc điểm là được viết bằng men rượu, qua hơi rươu. Không phải là hơi rượu cuồng say của Lý Bạch, hay hơi rượu ngạo thế khinh đời của Vũ Hoàng Chương, mà là hơi rượu đủ ngát để tỏa hồn thơ. Có thể nói rượu xuất hiện hầu khắp thơ của Thanh Nam.

"Tiễn bạn phải có rượu:
Hãy uống cho say trời sắp sáng
Mai này hai đứa đã hai phương.
Nhớ bạn, phải có rượu:
Bạn cũ hay nương theo rét lạnh
Về đây cùng nhập một cơn say.
Chờ bạn, lại càng phải thêm rượu:
Rượu mời ta rót cho ta
Bạn gần không tới bạn xa chưa về
Rồi để tống tiễn năm cũ, ông cũng tìm đến rượu:
Rót thêm ly nữa chào năm cũ
Tuổi bốn mươi rồi thương lắm thay
Mà đón mừng xuân mới, ông cũng không quên được rượu:
Đất khách năm tàn vẫn gió mưa
Ngồi bên ly rượu đón giao thừa."

Thanh Nam có đủ mọi cớ để nhắc đến rươu tìm về rượu thậm chí ngay cả lúc ru con:

"Bố uống cho con ly rượu này
Ly rượu mừng con tròn mộng đẹp
Niềm vui hoa nở ngày tháng dài
Ngủ đi con hỡi mai khôn lớn
Đời sẽ bình yên không lửa gai..."

Nhà văn Huy Quang Vũ Đức Vinh đã viết một đoạn về nhà văn Dương Hùng Cường khá lý thú:

"Anh Dương Hùng Cường là một trong những ứng viên hoa tiêu ngay trong thời kỳ KQVNCH mới thành lập nhưng chắc sinh cùng ngày giờ với nhà thơ Tú Xương nên khoa cử lận đận anh đã không qua khỏi kỳ tuyển chọn để cuối cùng trở thành một chuyên viên điều hành không lưu. Ngành này cũng như các ngành hành chính, tài chính, tiếp liệu, vũ khí, kỹ thuật, thông tin, xã hội, an ninh, phòng thủ, được liệt vào các ngành mang chức năng hỗ trợ và kêu là không phi hành, tức không bay. Nhà văn nhà báo họ Dương thành chim không bay hay Không Quân Bò, rồi thành dê - Dê Húc Càn. Anh ví mình với kiếp Kiwi để tự diễu, rồi cũng từ đó chọc chơi mấy ông hoa tiêu có cánh mà ngán bay thì cũng không hơn gì Kiwi. Có lúc anh còn đi xa hơn, chọc quê, chọc phá mấy ông lớn ngoài Không Quân trong giới "chính trị chính em" khiến Phủ Đầu Rồng nổi nóng và tư lệnh Trần Văn minh than trời vì cứu không nổi. Dê Húc Càn lần đó đã khăn gói giã từ Tân Sơn Nhất của sư đoàn 5 KQ ra chân núi Sơn Trà của sư đoàn 1 KQ gặm cỏ gần một niên..."

Đọc "Buồn Vui Phi Trường" thấy được đời sống những người lính mũ xanh của một thời kỳ có nhiều biến cố của dân tộc. Lúc ấy quân chủng còn những bước chập chững sơ khai. Những người trẻ tuổi xuất thân từ Rochefort, Salon, Marakech,... đã đặt nền móng cho một không lực hùng hậu gồm hơn năm chục ngàn chiến sĩ trong hàng ngũ và hai ngàn máy bay đủ loại về sau này. Những phi trường lúc ấy còn nhỏ bé lắm và sinh hoạt cũng trong nhịp rời rạc không như về sau này nhộn nhịp cùng với nhịp độ của chiến tranh.

Tác phẩm thứ hai của Dương Hùng Cường là "Vĩnh Biệt Phượng", một chuyện tình thời chiến của những chàng phi công. Tâm và Dương là hai bạn thân cùng đơn vị, là cặp bài trùng của phi đoàn khu trục ở Biên Hòa. Dương trong một phi vụ hành quân đã bị bắn rớt và trải qua những giây phút thập tử nhất sinh để mưu sinh thoát hiểm. Trong khi đó ở trên trời, Tâm đã nhất quyết không rời vùng để cover cho bạn. Kết cuộc là Dương thoát hiểm trở về được căn cứ. Rồi, đến khi Tâm bị bắn rớt và Dương đau đớn khi bị mất một người thân.

Họa vô đơn chí với gia đình Tâm, Thư Hương, em gái của Tâm, bị một anh chàng bác sĩ sở khanh dụ dỗ đến mang thai và Dương vì tình bạn đã cưu mang cái bào thai ấy và nhận lấy Thư Hương làm vợ dù đã có người yêu là Phượng, một mối tình trong sáng và thánh thiện. Kết quả, là Vĩnh Biệt Phượng: "Phượng bàng hoàng như bị ai đập mạnh một nhát búa. Bàng hoàng hơn cả sáng nay, nghe tin Tâm chết. Tai Phượng như ù đi, không còn nghe thấy Dương nói gì nữa. Hình như Dương còn nói nhiều lắm nhưng Phượng như bềnh bồng lao đao muốn ngã. Nàng phải vịn vào một thân cây để đứng vững. Dương muốn đỡ lấy Phượng, nhưng rồi lại thôi, sau một giây ngập ngừng.

Như thế mối tình ấy tới đây là hết rồi. Trong một khoảnh khắc Phượng thấy như trên thế gian này có hai người chết, một người là Tâm nằm trong kia và một người là Phượng đang đứng ở đây. Mắt nàng mở lớn nhìn vào khoảng trống trước mặt và nàng biết rằng bây giờ chỉ cần nhẹ chớp mắt là nước mắt sẽ ào ào tuôn ra. Tiếng dương thoảng như tiếng gió: Thôi, vĩnh biệt Phượng!.."

Trong hai tác phẩm, Dương Hùng Cường đều lấy khung cảnh của nghĩa trang để cho những nhân vật của mình chia tay nhau. Ở "Buồn Vui Phi Trường" cũng là nghĩa trang, khi người đàn bà vừa mất chồng nắm tay đứa con thơ đi trên con đường nghĩa trang của buổi chiều nạt nắng. Bóng dáng ấy cô đơn và buồn thảm qúa.

Hình ảnh của người phi công hào hùng dường như bị nhòe đi bởi những dòng lệ thương xót. Tôi đọc truyện của Dương Hùng Cường trong sự chia sẻ, bởi tôi biết, tác giả đã ảnh hưởng rất nhiều của sự thực. Bàng bạc trong truyện, là tâm cảm của một người lính rất yêu quân chủng của mình, và những nhân vật là tổng hợp của nhiều khuôn mặt có thực của đời quân ngũ. Cái đặc thù ấy, là của riêng của những người cầm bút Không quân.

Nhà thơ Hoàng Song Liêm cũng là một vóc dáng thi sĩ quen thuộc của quân chủng KQ. Trong hai tập thơ vừa xuất bản ở hải ngoại, thơ trở thành một cống hiến cho đời để văn chương được trân trọng... Tách bạch từng bài thơ, vẫn là bàng bạc mối sầu thương nhà nhớ nước. Nỗi buồn của một người, đứng trên bờ nhìn dòng nước mải miết trôi, thấy quá khứ chập chờn và hiện tại chông chênh. Có một tiếng thở dài, trầm và sâu. Nhưng, trong kiếp người và trong cuộc đời, có điều gì vượt qua được cái hữu hạn của cuộc nhân sinh. Đọc bài thơ "Rồi một ngày qua đi", để thấy cái chạnh lòng của một người thơ nhiều suy tưởng:

"Rồi ngày và tháng cũng qua đi như chưa bao giờ có thật
Anh còn gì trong nắm tay xuôi?
Tuổi và năm cũng trôi về nẻo khuất
Nỗi nhớ trong Em rồi cũng phai phôi
Mặt trời chiều nay vẫn đấy
Hỏi thầm bóng cũ ta đâu
Vầng nguyệt đêm nay vẫn vậy
Còn không hai bóng chung đầu?
Ngày và tháng cũng qua đi như chưa bao giờ có thật
Hăm bốn giờ qua có nghĩa gì chăng?
Giây và phút cũng theo nhau đuổi bắt
Đông sẽ tàn và Xuân lại sang Xuân
Ngày lênh đênh và tháng cũng lênh đênh
Kỷ niệm cũ sẽ chôn vùi đáy mộ.
Em chưa về cỏ dại vẫn vây quanh
Ôm hữu hạn ta xuôi miền ảo tưởng
Ngẩn ngơ tìm, tìm mãi, ngẩn ngơ thôi
Ta hiện diện nào hay vô sắc tướng
Mây chiều bay, chìm nổi cuối chân trời"

Hình như, thơ ngân vang những rung cảm, những sợi dây căng lên từ miền cảm xúc. Tôi muốn hỏi tự mình: Đây có phải bài thơ hay? Và, hình như có một người cũng cảm được từ ngôn ngữ và vần điệu ấy để mượn những cung bậc âm thanh phổ nhạc bài thơ...

Có những bài thơ sống mãi với quê hương, những bài thơ của Tế Hanh, Bàng bá Lân, Anh Thơ, Thanh Tinh,... Tôi nhớ đã đọc những bài thơ ấy cách nay mấy chục năm đến bây giờ vẫn còn in trong óc từng câu từng chữ và cả nỗi nao nao trong tâm, trong trí. Những bài học thuộc lòng của tuổi thơ ấu nào thật xa mà cũng thật gần gũi. Bây giờ, đọc bài thơ "Về Làng Cũ" của Hoàng Song Liêm, tôi lại còn nguyên cảm xúc cũ:

"Ôi nhớ quá bừng lên từng tuổi dại
Như gã tiều phu tìm trầm ngậm ngải
Tôi trở về như một khách hành hương
Tôi chắt chiu từng mảnh vỡ thiên đường
Thành chuỗi ngọc tuổi
hồn nhiên sắc biếc
Tiếng cu gáy vườn xưa ngày tiễn biệt
Lời chim sâu ríu rít ngọn tre già
Bên ao đình còn đó gốc đa xưa
Chùm khế ngọt giậu
mướp vàng xóm giếng
Mảnh sân cuông qua mấy mùa dâu biển
Gót chân về mòn vẹt gót phiêu du
Cội soan già, hàng cau biếc non tơ
Ôi nhớ quá hắt hiu chiều ngõ trúc
Con chuồn chuồn còn đậu đó ngu ngơ
Trái sấu xanh thuở đầu đời đi học
Vị trên môi còn chát chát chua chua..."

Nhà văn Thế Phong đã nổi tiếng từ trước khi gia nhập vào quân chủng Không Quân cũng là một vóc dáng lạ của văn học. Ông đã viết những tác phẩm như Nửa Đường Đi Xuống, Thế Phong, Nhà Văn, Tác Phẩm, Cuộc Đời... với giọng văn khác thường đã kể lại những bất toàn của chính bản thân mình bằng một giọng văn thật tự nhiên và tương tự như thế với những người ông biết hoặc có liên hệ. Ông chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến và cũng là một thi sĩ có lối suy nghĩ khác thường và là người phê phán chiến tranh bằng thi ca. Gần đây ông viết Hồi ký Ngoài Văn Chương có đề cập đến nhiều khuôn mặt quen thuộc của KQ. Một điều đáng tiếc là ông nêu ra quá nhiều những dữ kiện không đẹp hay đã có những nhận xét không được trong sáng lắm về nhân vật này, tác phẩm nọ. Viết hồi ký, có lẽ là dịp để cho ông giãi bày ra tất cả những ấm ức về cuộc đời mình nên người đọc chỉ thấy nhiều những nét bi quan hơn là lạc quan của văn chương.


Nhà văn Võ Ý cựu Tr/Tá Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu Pleiku

Trong khuôn khổ của một bài tạp ghi, tôi không thể nào viết đầy đủ về những khuôn mặt văn chương của KQ. Có lẽ, tôi phải cố gắng để tiếp tục viết về Kiêm Thêm, Phan Lạc Giang Đông, Trần Ngọc Tự, Đỗ Quốc Anh Thư, Đào Vũ Anh Hùng, Hoàng Khai Nhan, Đào Quang Bình, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Võ Ý, Lê Bá Định... trong một bài kế tiếp nếu có cơ hội...

KQ VNCH có rất nhiều nghệ sĩ, ở tất cả các bộ môn. Như về nhạc có Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Trung Cang... hội họa có Ngy cao Uyên, Cao Bá Minh... làm thơ làm văn chuyên nghiệp hoặc tài tử thì vô số. Tôi cũng là một KQ nên khi viết những trang chữ này trong lòng cũng lây thầm cái hãnh diện của một người được chia sẻ... và tôi nghĩ tiếp, có lẽ tinh hoa của dân tộc đã đổ vào quân đội chăng nên mới có những sự kiện tốt đẹp này?

Nguyễn Mạnh Trinh

Wednesday, July 24, 2013

Hẻm 60 Yên Đổ


Trần Đình Phước

Dù chỉ là một con hẻm nhỏ, chiều dài không quá hai trăm thước. Nhưng nhiều kỷ niệm thời thơ ấu vẫn còn in đậm trong ký ức không thể nào nhạt nhoà trong tôi. Xin được ghi ra đây để quý bạn có thể hình dung ra con hẻm thân thương này. Xin được thông cảm bỏ qua những gì sai sót.

Hẻm nằm trên đường Yên Đổ. Phía bên kia đường là đường Huỳnh Tịnh Của. Nếu quẹo trái đi ra đường Hai Bà Trưng và quẹo phải thì ra đường Công Lý.

Từ đầu hẻm đi vào phía bên phải là tiệm tạp hoá Quảng Đức Long do một phụ nữ gốc Hoa, goá chồng làm chủ. Tiệm mang tên người chồng quá cố của bà. Con gái bà tên Xây Dùng rất duyên dáng và vui vẻ. Hai người con trai là A Xí và A Ngầu. Khi đến tuổi nhập ngũ, bà không muốn cho con làm lính kiểng, lính ma, tìm cách cho hai con trốn qua Campuchia. Rồi từ đó sang Hương Cảng. Tiệm QĐL bán đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày cho bà con lao động trong vùng. Từ cây kim, sợi chỉ, lọ chao, hũ mắm, cân muối, ký đường, than, củi, gạo và nhiều mặt hàng linh tinh khác. Đối với ai gặp hoàn cảnh khó khăn bà đều sẵn sàng vui vẻ bán thiếu. Tới cuối tháng, họ tự động mang tiền đến trả.

Trước cửa tiệm để chiếc xe ba bánh chở hàng. Bọn trẻ con nghịch ngợm phá phách như quỷ tụi tôi thường lén lấy đem giấu đi chỗ khác. Mười mấy đứa hò nhau hì hục vừa đạp, vừa đẩy, vừa nhào lên xe. Sau đó đem bỏ tận cuối xóm. Bà phải cho người làm đi tìm, lấy lại, rồi mét với cha mẹ chúng tôi. Thế là cả đám cùng hè nhau mà bị đòn. Tuy nhiên, chứng nào vẫn tât đó, hễ có dịp là chúng tôi tiếp tục “Con Đường Xưa Em Đi.”

Kế bên tiệm là hai căn phố lầu của Luât Sư Đinh Xuân Quảng. Phía trước nhà có cây me to. Trẻ con trong xóm và nơi khác thường trèo hái, hết ngày này qua tháng nọ khiến trái me mọc ra không kịp. Tiếp đến là một con hẻm rất ngắn, đi xuyên qua được hẻm 58 xóm Giếng, có nhà ông Hoàng Đạo Minh. Ông chỉ là thư ký của trường Đại Học Luật Khoa. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, khi đến các kỳ thi Luật, nhiều sinh viên tấp nập đến nhà ông để tặng quà và biếu xén. Gần đó có hai căn nhà của người gốc Hoa là nhà thím Lầm và Chú Hoà bán hủ tíu mì, hoành thánh. Kế bên có tiệm tạp hoá nhỏ của ông bà Ba Đồng Hồ.

Nhà ông bà có cái đồng hồ to nhất xóm! Con trai bà tên Đính thường chiếu phim Charlot 16 ly câm cho con nít xem, với yêu cầu là phải giữ thật trật tự và không được mang dép, guốc vào trong nhà. Nếu ồn ào chương trình sẽ chấm dứt ngay lập tức. Sau này, anh Đính lập gia đình với chị Dung là con gái ông Lê Văn Lung, Trường Ty Tiểu học Sài Gòn. Học sinh nào đã từng học trường Trung Học Công Lập Võ Trường Toản các lớp đệ thất, đệ lục, chắc chắn không bao giờ quên dung nhan cô giáo Dung dễ thương.

Bây giờ đến quán cà phê pha bằng vợt vải của ông Tư Ó. Có lẽ gương mặt ông giống như con Ó hay là ông có tướng Ó đâm, nên bà con đặt cho ông biêt danh này. Quán mở từ sáng sớm đến chiều tối. Bà con đến uống vì giá rất rẻ và có dịp trút các bầu tâm sự về chuyện gia đình, vợ con. Có thể nghe đưọc tuy dô, đoán chiêm bao hay bàn các hiện tượng xảy ra bất thưòng để đánh số đề được xổ vào buổi chiều. Lâu lâu tình cờ trùng hợp cũng trúng, rồi sau đó thì thua liên miên chí tử. Nợ nần tứ tung, phải bỏ xóm nghèo trốn đi nơi khác. Đúng là “Cờ bạc là Bác thằng bần”. Làm ăn đàng hoàng còn không khá, huống hồ lo chăn nuôi bốn mươi con thú làm sao mà khá được!

Cách quán cà phê một căn là tiệm may của anh Tài Lùn. Chuyên may quần tây và áo sơ mi, tính giá rất nhẹ. Mỗi dịp tựu trường và Tết đến cả gia đình anh phải tăng năng suất tối đa mới kịp thoả mãn cho khách hàng. Một con hẻm nhỏ, phía trong chỉ bốn căn nhà, có bà bán bún ở chợ Tân Định. Bà luôn luôn quấn khăn đen trên đầu, che cả hai bên tai. Bà có một con gái tên Tí Ghẻ. Sau này dến tuổi dậy thì đẹp hẳn ra,và một con trai mà người ta quen gọi tên là cu Bún. Có lẽ là con bà bán bún.

Kế bên là tiệm Bi Da, lúc nào cũng ồn ào vì cá độ. Vừa đánh, vừa chọc quê. Đôi khi các cơ thủ lấy cây cơ làm vũ khí ẩu đả. Một vài trường hợp phải đưa đi bệnh viện để vá các vết thương. Đặc biệt có môt ông thợ hớt tóc lớn tuổi, tốt nghiệp ở bên Tây về. Ông ghiền bi da. Đánh riết ngày này qua tháng nọ, đến nỗi phải bán căn nhà nhỏ, sang chỗ hớt tóc kiếm cơm để trả nợ, khiến vợ con nheo nhóc, không còn chỗ che nắng, tránh mưa.

Tiếp tục đi thêm khoảng hai chục thước là một con hẻm đi ra được đưòng Hai Bà Trưng, cầu Kiệu và chợ Phú Nhuận. Hẻm có tên là Vựa Gạo. Hẻm này có hai anh em Bé Tư và Bé Năm thích tập tạ, nên thân hình lực sĩ rất đẹp, được nhiều em trong xóm để ý. Thêm anh Quyền chơi cờ tướng thuộc loại kỳ thủ, chuyên phá mọi thế cờ. Anh có biệt danh là Đế Thiên, Đế Thích. Ngoài ra anh còn chuyên nghe hột bầu cua, đánh đâu trúng đó và được nhiều người bên ngoài đánh theo anh, khiến những tay lắc bầu cua vào dịp Tết năn nỉ xin anh tha, tôn anh là Sư Phụ, để còn kiếm ăn lai rai. Tiếp đến là tiệm bán dụng cụ học sinh của người Hoa có con trai tên A Biếu. Gia đình có thêm một tiệm lớn hơn ở gần tiệm may Tụ Bảo, đường Trần Văn Thạch, đối diện đường Lý Trần Quán – Tân Định.

Tiệm lấy tên là Thế Giới, được giao cho cô con gái lớn đứng bán. Sau đó là đến nhà của ông Hai Huệ và Năm Tòng. Thời Bình Xuyên cực thịnh, dân trong xóm đều ngán oai của hai ông. Nhất là đám con nít thấy hai ông chạy chạy bình bịch Harley thì phải lo né từ xa. Môt lần nọ, có anh bán bánh chưng, bánh giò chở bằng xe đạp.Vừa chạy vừa rao. Khi xuống dốc, thắng bằng gót chân không kịp, nên cán chết hai chú gà nòi con trong bầy gà quý của ông Hai Huệ. Mặt anh tái mét như tảu lá úa. Anh vừa đứng, vừa run lập cập vì biết là đã rơi đúng vào ổ kiến lửa. Phen này chắc tiêu tán đường quá! Bỗng dưng hôm đó ông Hai Huệ hiền như bụt, sai người nhà ra lượm xác hai cục cưng bỏ thùng rác và cho anh tiếp tục đi bán. Hú hồn hú vía! Chắc là kiếp trước anh có căn tu.

Đi đến cuối hẻm, quẹo phải có hơn hai mươi căn nhà. Bên trái là nhà sàn nằm sát bên sông cầu Kiệu. Nơi đây có gia đình ông Hai Được là một gia đình theo đạo Thiên Chúa gốc. Cả nhà thường đọc kinh mỗi đêm trước khi đi ngủ, đi nhà thờ thường xuyên vào buổi sáng, và phụ giúp các công việc cho nhà thờ Tân Định. Có thầy Ba Chẩn tu tại gia, chuyên môn cạo gió, giác hơi, cắt lễ bằng cây kim vàng. Ai bệnh nặng không đi được. Thầy vui vẻ đến tận nhà. Thầy chữa bệnh rất mát tay, giúp nhiếu người khỏi bệnh. Bà con muốn trả bao nhiêu cũng đưọc. Thường thì thầy chỉ lấy tượng trưng. Mục đích là chữa bệnh làm phước. Thầy được mọi người kính trọng. Ngoài ra có gia đình ông Bảy. Ông bà có một cô con gái là nữ sinh Gia Long, tóc dài chấm vai, có nét như ca sĩ Thanh Thúy. Hình cô được trưng bày trong tủ kính trước cửa tiệm chụp hình Mỹ Quang, đối diện với rạp hát Kinh Thành - Tân Định, để làm kiểu cho thiên hạ ngắm. Cô được nhiều anh theo đuổi. Nào là Thủ Đức, Không Quân, Hải Quân, Võ Bị Đà Lạt... Bị bám riết quá, đến nỗi cô thi rớt Tú Tài I mấy keo liên tiếp. Buồn đời, cô đi lấy chồng khi tuổi mới vừa ngoài hai mươi. Bỏ dở dang cuộc chơi! Chồng cô lớn tuổi hơn cô cũng sấp sỉ một con giáp. Anh làm nghề dạy học. Ba Má cô an tâm vì ván đã đóng xuồng và không sợ con gái rượu của mình sớm trở thành Goá Phụ Ngây Thơ.

Trở lại đầu hẻm phía tay trái. Trước khi đi vào chi tiết của đoạn này cũng cần nhắc đến vài căn nhà ở phía ngoài mặt tiền đường Yên Đổ. Đó nhà anh Thịnh cho thuê Xích Lô Máy. Bỏ đi một căn là giang san của ban kích động nhạc Les Vampires nổi tiếng vào những năm thập niên 60, 70 với Tòng thổi Saxo, Hồng Hải chơi trống. Tiếp theo là nhà số 74 của chị Sáu Nhàn. Nơi thưòng lui tới của những đấng mày râu quyền thế và lắm tiền; thích ăn phở hơn xơi cơm nguội nhạt lách ở nhà.

Kế đến là nhà nữ tài tử Mai Trâm, một trong những vai nữ chính của phim “Chúng Tôi Muốn Sống.” Cô có hai công chúa tên Mai Dung và Mai Vân cũng xinh đẹp, duyên dáng như mẹ, được nhiều thanh niên trong vùng ngắm nghé. Nhưng cuối cùng chẳng anh nào lọt được vào mắt xanh hai nàng.

Phải kể thêm nhà ông thầu khoán có cậu con trai thuộc loại dân chơi tài tử tên Khai, trường dạy lái xe hơi Yên Đổ, nhà in Ngô Mạnh Hùng. Ông chủ nhà in có hai con gái. Một tên Ngô Kim Thu là một thì sĩ học trò, chuyên làm thơ ca tụng màu an pha đỏ Võ Bị Đà Lạt. Cô kia tên Ngô Phi Nga, nữ sinh Trưng Vương, có dáng xinh xắn như búp bê. Anh chàng nào láng cháng trêu chọc sỗ sàng thì biết tay nàng ngay và cuối cùng phòng mạch bác sĩ Trần Đình Ngân. Ông tốt nghiệp ở ngoại quốc về. Một con người đầy lòng nhân từ bác ái, thương người nghèo và tận tụy với mọi bệnh nhân. Rất tiêc số phần ông quá ngắn ngủi. Sau khi ông mất bác sĩ Vũ Ban thay ông tiếp tục cho đến 1975.

Bây giờ bắt đầu kể tiếp nhà thuốc Nguyễn Huy do Dược Sĩ Nguyễn Huy làm chủ. Ông cao lớn, vạm vỡ với hai con mắt thồ lộ. Bên hông nhà thuốc là môt khoảng đất trống nhỏ. Chỗ này có thể coi như một cái chợ nhỏ và một cửa hàng ăn uống dã chiến. Hoạt động từ tờ mờ sáng cho đến khuya lắc, khuya lơ. Ban ngày bán đủ các loại rau, hoa ,trái, thịt cá. Về ăn uống có bánh mì thịt, bánh cuốn, bánh bèo, bánh ít trần, xôi bắp, cháo huyết, cháo sườn, bún riêu, cơm tấm, hủ tiếu mì, khoai mì chà bông, sữa đậu nành, nước mía, đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, sương sa hột lựu, nước trà Huế... Ban đêm có xe bán sâm bổ lượng, hột vịt lộn, xe bò viên, cơm bình dân, khô mực với rượu đế, bắp nướng mỡ hành, bánh tráng mè nướng than. Đây cũng là chỗ các người đạp xích lô và các tài xế Honda ôm dùng làm bến nghỉ chân, đón khách.

Tiếp đến là đầu ngỏ hẻm 62, đi ra được đường Công Lý, sang chợ Phú Nhuận, còn gọi là xóm Nhà Đèn vì đa số là bà con từ Quảng Bình kéo nhau vô Sàigòn lập nghiệp mà hầu hết làm nghề thợ điện. Ngay đầu xóm là nhà ông Tư Soan hớt tóc, con cái đùm đề. Ông kiêm thêm nghề kéo đàn ò e đám ma. Khi nào có ai mời chơi nhạc cho đám tang thì ông tạm nghỉ hớt tóc vì kéo đàn thu nhập cao hơn và còn được mời ăn uống đầy đủ. Xóm này có thần đồng ca nhạc Phương Mai của ban Tạp Lục Tùng Lâm, về sau diễn kịch cho ban Tân Dân Nam. Có các hoa khôi như chị Nguyệt, chị Jacqueline, chị Nữ, Chị Thu, chị Bách và một số người đẹp khác mà tôi không nhớ tên hết. Tuy nhiên cũng phải kể thêm hai chị em ruột Phủ, Hạnh hợp cùng chị Hoa Lửa ở hẻm 58 để trở thành bộ tam sên khét tiếng trong giới nữ kê mà các đấng hào kiệt đều kiêng nể. Trong xóm có một cầu tiêu sông công cộng. Những gia đình ở gần rất khổ sở mỗi khi nước thủy triều xuống.

Ngay đầu ngõ là cà phê bình dân của bà Thân mở ra đã lâu. Bà nói năng ngọt ngào, giá cả bình dân, nên được cảm tình của dân ghiền cà phê. Con trai út của bà tốt nghiệp kỹ sư Điện trường Đại học Phú Thọ, vang tiếng cả vùng, làm bà hãnh diện với xóm làng. Chẳng uổng công sức bà ngày đêm pha cà phê nuôi con ăn học nên nguời.

Tiếp đến là trụ sở Hội Thuận Bài Tương Tế. Cách hai căn là nhà có cây mít rất sai trái. Chủ nhà là quản lý nhà hàng nổi tiếng Majestic, Quận Một, Sàigòn. Các con ông đều học giỏi, trong đó có Hà Cẩm Tuyền. Sát bên nhà ông là nhà của ca sĩ tài tử Trần Ngọc Phong là sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt với bài hát Mexico ngân dài hơi bất hủ. Anh Phong có một ông anh tên Trần Ngọc Giao. Không hiểu sao cứ khoảng mười giờ tối là lấy kèn Trompette ra thổi bản nhạc Cầu Sông Quay (The Bridge on the River Kwai.) Riết rồi bà con trong vùng không cần xem đồng hồ cũng biết. Bây giờ đã là mười giờ đêm: “Xin bà con cô bác vui lòng vặn vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần yên tĩnh nghỉ ngơi.”

Cạnh nhà anh Phong là nhà gia đình ông bà Phạm Tá. Ông tốt nghiệp kỹ sư Hoá Học ở Pháp về. Tướng bệ vệ, đeo kính trắng dầy. Ông ra ứng cử trong một liên danh vào Thượng Viện nhưng không được. Bà dạy nữ công gia chánh tại trường nữ Tiểu Học Đồ Chiểu vào buổi chiều.

Bỏ qua một hẻm nhỏ là tiệm giặt ủi không tên của hai ông bà di cư từ miền bắc vào năm 1954. Ngoài cô con gái. Hai ông bà có năm người con trai. Thật đúng là Ngũ Hổ Tướng. Du đãng dù sừng sỏ cỡ nào cũng không dám đụng vào đám anh em nhà này. Người con trai lớn tên Vũ Đình Sơn tức Sơn Đảo vì anh ở tù ngoài Côn Đảo được thả về. Anh Sơn Đảo có nước da trắng, cao ráo, đẹp trai, tướng oai hùng và giỏi võ. Anh được nhiều cô, nhiều bà mến mộ. Địa bàn hoạt động chính của anh là khu ngã ba Ông Tạ và ngã tư Bảy Hiền. Anh bị một người lạ mặt bắn tử thương tại góc Nguyễn Du và Lê Văn Duyệt, lúc anh cúi xuống bóp bánh xe mô tô mà kẻ nào đó cố tình xì lốp. Đám tang anh Sơn Đảo rất lớn, được nhiều giới giang hồ, đàn em khắp nơi về đưa tiễn. Ngưòi con trai kế tên Vũ Đình Tường là Sĩ Quan thuộc binh chủng Nhảy Dù, hy sinh khoảng cuối năm 1969 trong trận đánh ở đèo Lao Bảo. Tiếp đến là Vũ Đình Cương, một tay vợt bóng bàn có hạng của đội Quân Vận. Về sau anh Cương bị vào Chí Hoà. Trong lúc tranh giành ảnh hưởng. Anh đã bị một đàn em của Đại Ca Thay là Lâm chín ngón đâm chết. Sau đó giám thị Chí Hoà phải đổi ngay Lâm chin ngón đi nơi khác vì sợ đàn em của anh Cương tìm cách trả thù. Kế anh Cương là Vũ Đình Hoàn, năm nay đã ngoài 60, sống an phận như kẻ tu hành và người con trai út là Vũ Đình Tiềm mất vì bệnh ung thư sau năm 1975.

Đi thêm khoảng mười mét là võ đường Nhu Đạo của Võ Sư Nguyễn Hữu Khánh. Ông cũng là huấn luyện viên võ thuật của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Nghe đâu ông mất tại Mong Cáy năm 1977. Võ đường hoạt động một thời gian thì đóng cửa. Ông Phạm Tá mua lại võ đường này để thành lập xưởng nhuộm mang tên ông. Tuy nhiên, xưởng nhuộm chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì dẹp tiệm. Cạnh xưởng nhuộm là trường Tiểu Học Hùng Vương. Trường chỉ mở đến lớp ba. Thầy Vũ Hửu Tiềm, một giáo viên nổi tiếng dạy luyện thi Đệ Thất vào các trường công lâp đã mượn nơi đây để mở các lớp luyện thi. Nhiều phụ huynh, kể cả các nơi khác cũng gửi con em đến học rất đông. Năm nào sỉ số học sinh của thầy thi vào lớp Đệ Thất trúng tuyển cũng đông hơn các nơi luyện thi khác.

Đi thêm khoảng năm căn nhà nữa là nhà của cô giáo Mai. Cô dạy trường Tiểu Học Con Trai Tân Định. Cô Mai cùng soạn chung với thầy Hiệu Trưỏng Nguyễn Văn Xuân một quyển sách Toán lớp Nhất và luyện thi vào đệ thất. Học sinh nào gia cảnh khó khăn, không có điều kiện học thêm. Nếu chịu khó ôn luyện quyển sách này kỹ, cũng hy vọng thi đậu vào Đệ Thất. Cô giáo Mai theo Đạo Phật. Cô qui y với pháp danh là Nhất Chi Mai. Cô đã tự thiêu để phản đối chính quyền đuơng thời đàn áp Phật Giáo. Trong hẻm nhà cô Mai có anh Chín Máy sửa xe hai bánh gắn máy rất giỏi. Anh không bao giờ vẽ vời khách hàng để lấy thêm tiền. Ngoài ra có hoạ sĩ nỗi tiếng tên Nhan Chí, tóc để dài như nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Ông có biệt tài về vẽ chân dung một cách xuất thần. Ông ghiền Bi Da còn hơn ông thợ hớt tóc già. Con trai ông tên Trung bị tật gù ở lưng bẩm sinh từ nhỏ, nên có biệt danh là Trung Gù cũng nối nghiệp ông. Hoạ sĩ Trung Gù chuyên vẽ chân dung các tài tử ngoại quốc như Slyvie Vartan, Dalida, Mary Monroe, Audrey Hepburn, Charles Bronson, Clark Gable, Marlon Brando, Johnny Halliday, Alain Delon, James Dean... để trang hoàng ở trước các rạp xi nê lớn như Rex, Đại Nam.

Bây giờ đến nhà ông Sáu Voi. Tướng ông cao, to như con voi đúng như cái tên mọi người đặt cho ông. Ông Sáu Voi chuyên làm việc xã hội, thâu tiền ma chay, thăm viếng người bệnh và hay tổ chức cho bà con Phật tử trong vùng đi hành hương các chùa chiền vào những dịp lễ lộc.

Cuối cùng quẹo phía trái gặp nhà bà Thìn bán tiết canh, lòng heo, cháo huyết. Bà bán chung với tiệm cà phê Hải Nàm, nằm ở đầu đường Yên Đổ + Hai Bà Trưng vào buổi chiều. Nhà bà Năm Nghĩa bán củi do ghe chở từ ngoài cầu Kiệu và đậu sau nhà sàn của bà. Kế bên là nhà giáo sư Pháp Văn Nguyễn Ngân. Thầy mù hai mắt, nhưng dạy các học sinh về văn phạm tiếng Pháp rất hay. Nhất là phần phân tích Grammatical và Logique. Học phí thấy lấy rất rẻ vì đa số học sinh là con nhà nghèo. Muồn đi vào nhà bà Năm Nghĩa và thầy giáo Ngân phải qua một cái cầu ván gập ghềnh. Mỗi khi nước thủy triều lên, việc đi lại rất khó khăn.

Con hẻm Cù Lao với hầu hết là bà con lao động là thế đó! Bây giờ những người muôn năm cũ không còn bao nhiêu. Một số đã theo Trời theo Phật. Một số vì hoàn cảnh phải dọn đi nơi khác. Nếu ai có dịp trở lại con hẻm Cù Lao này, chỉ biết ngậm ngùi cho cảnh vật đổi sao dời.

Dù sao nó cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ mà tôi cố ghi lại.

Xin được một lần chào con hẻm 60 Yên Đổ – Tân Định thời thơ ấu của tôi trước khi con hẻm này không còn nữa. Nó sẽ biến mất vì sự phát triển đô thị trong vài năm sắp tới.

Trần Đình Phước
(San José – Xuân Nhâm Thìn)

Monday, July 22, 2013

Phi Vụ Ngày Đình Chiến

Hồ Viết Yên



Lôi Thanh 1: "Nhắc lại những kỷ niệm vui buồn cho thấm thía cuộc đời bay bổng, dù sao cũng là những kỷ niệm hay".

Mỗi khi đến ngày lễ lớn thường gợi cho tôi nhớ lại phi vụ ngày 25 tháng 12 năm 1973, thời gian đình chiến theo hiệp định Paris. Phi trường Biên Hoà không còn tiếng ồn của chiến đấu cơ phản lực, khu trục hoặc trực thăng võ trang. Tất cả im lìm ngủ yên trong ụ theo như hiệp định đã ký kết giữa 4 bên tại Paris (gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), và mặt trận giải phóng miền Nam). Không khí có chút an lành và yên bình.

Chúng tôi 2 Phi Hành Đoàn (PHĐ) nhận phi vụ bay tiếp tế cho quân bạn. PHĐ tôi và Huỳnh bá Hùng bay sang Long Bình, tiếp xúc với đại diện Quân Đoàn và các đơn vị bạn để biết chi tiết phi vụ. Vì ngày lễ nên các phi vụ tạm đình chỉ, riêng 1 đơn vị phía Nam quận Đồng Xoài cần tiếp tế nhu yếu phẩm.

Tôi nói với Huỳnh bá Hùng cùng PHĐ tuỳ ý có thể ở đợi tại Long Bình hay về lại Biên Hòa. PHĐ tôi sẽ bay phi vụ này. PHĐ tôi có Tr/uý Trần văn Quí (Quí con), Cơ Phi Th/Sĩ Nguyễn văn Hoạt, Áp Tải Th/Sĩ Đào thụy Hiền và người Xạ Thủ lâu ngày tôi không nhớ tên.

Thường những tiền đồn ở xa xôi nằm trong vùng không an ninh hay đường bộ bị Việt Cộng (VC) cắt đứt thì lương thực, quân trang, quân dụng, nhiên liệu được tiếp tế do các phi đoàn trực thăng. Vì ngoài trực thăng ra, rất khó có một phương tiện nào khác có thể mang những đồ tiếp liệu tới. Mỗi phi vụ đổ quân hay tiếp tế vào căn cứ, bãi đáp nằm những nơi xa xôi, hẻo lánh, hoặc thiếu an ninh hay những căn cứ bị bao vây bởi cộng quân thì Chinook được 2 trực thăng võ trang UH-1 bay hộ tống, bảo vệ, mục đích dẹp tắt những hỏa lực của VC khi cần, khi Chinook gặp trở ngại kỹ thuật, bị bắn, thì trực thăng võ trang tiếp cứu kịp thời. Nhưng hôm nay, vì hiệp định đình chiến không trực thăng võ trang nào được cất cánh. PHĐ chúng tôi đơn độc bay vào vùng bất an này.

Đến câu hàng, cất cánh bay lên Đồng Xoài. Khi lấy đủ cao độ, nhìn bầu trời ít mây, không khí mát mẻ, trong lành và nhạc của đài phát thanh Quân Đội phát ra êm dịu, chúng tôi cùng tận hưởng những giờ phút êm đềm.

Khu vực phía Nam quận Đồng Xoài là 1 vùng rộng lớn nằm trong mật khu Đồng Xoài, gần biên giới Miên Việt, cũng là 1 cứ địa kiên cố của VC. Nơi đây đã từng xảy ra những trận chiến ác liệt, dữ dội giữa những đơn vị thiện chiến của quân lực VNCH và VC mà sau mỗi trận chiến các chiến sĩ VNCH đã tịch thu vô số súng đạn lớn nhỏ, quân trang quân dụng, do đàn anh Liên Sô, Trung Cộng, và các nước Cộng Sản Đông Âu cung cấp, tiếp tế cho CSBV để thực hiện ý đồ xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Những chiến lợi phẩm này đã được chưng bày tại thành phố Sài Gòn và nhiều nơi cho người dân Việt Nam và cho cả các nước trên thế giới thấy chứng cớ xâm lăng của CSBV. Nhưng buồn thay không ai để ý tới hay ngoảnh mặt làm ngơ.

Giờ phút bình phi qua nhanh. Mật khu Đồng Xoài hiện ra trước mặt, với rừng cây cao, lổ chổ những hố bom, không 1 bóng nhà là hình ảnh quen thuộc mà tôi thấy hàng ngày khi bay vào vùng lửa đạn. Đã vào bãi đáp này nhiều lần nên tôi chỉ quan sát sơ. Tình báo Không Quân cho biết VC có phòng không trong vùng và gần đây không ảnh cho thấy có nhiều dấu hiệu phòng không của VC ở phía đông nam bãi đáp. Tôi bay lên phía Tây Bắc hướng Phước Long rồi bay vòng vào bãi đáp. Tr/úy Quí gọi quân bạn xin trái khói để biết hướng gió và chỗ thả hàng. Khi tới gần thấy cảnh vật yên tĩnh, bình thường nên tôi tiếp tục vào đáp. Không trái khói, không bóng người nên tôi thả hàng gần trước cửa đồn để quân bạn khỏi phải đi xa.

Cất cánh lên và nhanh chóng lấy cao độ về hướng Phước Long. Hiếm khi chúng tôi lên ca mà chỉ bay 1 phi vụ. Nhưng hôm nay ngoại lệ sau phi vụ này chúng tôi về phi đoàn ứng trực và nghỉ ngơi. Tiếp tục lấy cao độ, khoảng 4,500 bộ thì tôi giao cần lái cho Tr/uý Quí và dặn tiếp tục lên 7,000 bộ rồi đổi hướng về Biên Hòa.

Chưa đầy 1 phút thì 1 tiếng nổ lớn, con tàu lắc mạnh. Tôi biết tàu chúng tôi trúng đạn, theo phản ứng tự nhiên tôi bật tần số guard gọi: "Mayday, Mayday, Mayday". Một cảm giác khác thường như trong cơn mơ mình nói mà không nghe tiếng mình và âm thanh bay vào không gian tan biến mất. Liếc nhìn những phi cụ thì hầu hết đã hư ngoài đồng hồ động cơ. Đến lúc này, khói từ phía sau bay lên phòng lái, mùi khét bay vào mũi làm tôi khó chịu. Tàu cháy thì phải xuống tới đất càng nhanh càng tốt, phải đáp cho lẹ mới hy vọng sống sót. Tôi bấm máy nói Tr/uý Quí để tôi bay, nhưng sực nhớ hệ thống vô tuyến đã bị hư nên tôi lấy tay đánh nhẹ vào vai của Tr/uý Quí và ra dấu là để tôi bay. Tr/uý Quí trao cần lái. Tôi giảm hết sức nâng để cho con tàu rớt lẹ và đồng thời quan sát địa thế để tìm nơi đáp. Tôi vừa bay vừa có cảm giác lâng lâng không diễn tả được, tôi đạp Pedal để cho tàu "out of trim" hy vọng tàu rơi nhanh hơn. Tôi không cảm được tàu có rớt nhanh hơn không! nhưng có điều đặc biệt là thấy khói bớt bay vào phòng lái. Nhìn xuống sao vẫn còn xa quá!

Tôi ngắm nhìn quốc lộ. Trong trường hợp đáp khẩn cấp thì không đâu bằng đáp trên đường lộ. Đó là địa điểm lý tưởng để đáp trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng vùng này và đoạn đường này đã bị VC chiếm giữ từ lâu, có nhiều nút chặn và nhiều khúc đường bị phá. Tôi nghĩ nếu có đáp được trên đường mà bị VC bắt thì càng khổ hơn nên tôi quyết định tìm địa điểm khác. Nhìn thấy những con đường mòn đất đỏ phía trước mặt, thấy có lý vì ở xa trong rừng, tôi dự định xuống đó dù cây chung quanh có hơi cao nhưng có thể đáp được. Đến khi xuống thấp và thấy rõ địa thế thì tôi bắt đầu nghi ngờ và lo vì thấy con đường này giống như ai vừa mới cày hay đường được rất nhiều xe qua lại. Thôi có gì đi nữa thì cũng phải đáp để bảo toàn sinh mạng. Đang tính toán và lưỡng lự đáp hay không đáp xuống con đường trước mặt, thì tàu xuống tới gần đầu ngọn cây. Đúng lúc này Cơ Phi Hoạt chạy lên và đưa ngón tay cái lên ra dấu cho tôi là phía sau an toàn. Qua dấu hiệu của Cơ Phi Hoạt, tôi giữ máy bay trên ngọn cây, ráng bay xa thêm tí nữa, với mục đích nếu đáp được và còn sống sót thì bớt phải lội bộ phần nào qua khu rừng này.

Những phi vụ thường khi bị bắn như vầy có GunShip bay theo thì mình không lo mấy vì sẽ được cứu ngay hoặc liên lạc với bất cứ máy bay nào đang ở trên vùng trời xin giúp đỡ. (Bác Thân khỉ gunship ơi!! Bác vớt PHĐ Cận lùn mà bác nỡ lòng nào để PHĐ tôi bơ vơ thế này!!). Nhưng hôm nay thì PHĐ chúng tôi phải tự lo. Sống sót và về được hay không là tùy ở những quyết định của chúng tôi. Có dùng máy liên lạc emergency cầm tay gọi thì cũng đâu có máy bay nào trên vùng trời bây giờ để nghe. Tôi quyết định tiếp tục bay sát ngọn cây, hy vọng không bị VC bắn thêm lần nữa và tôi mong bay càng được ra xa khỏi vùng mất an ninh được chừng nào hay chừng nấy.

Kiểm điểm lại phi cụ 1 lần nữa thì đồng hồ động cơ vẫn hoạt động. Tôi tìm chỗ để đáp nhưng chưa thấy có nơi nào rộng đủ và cảm giác của tôi cũng không mấy an lòng. Tôi ra dấu anh em chuẩn bị 2 khẩu đại liên M60 để xử dụng khi cần. Tôi chuyển hướng về Lai Khê, nhưng không lâu thì cần lái bắt đầu bị cứng và điều khiển phi cơ khó khăn nhiều. Tôi nghĩ thôi tới lúc phải đáp rồi và bay được đến đây cũng là tốt rồi. Tôi quyết định đáp, vì lỡ tiếp tục bay mà hệ thống cần lái bị lock thì coi như chúng tôi tiêu diêu miền cực lạc. Tôi nhìn về hướng Lai Khê, định vị trí, định hướng trước khi đáp để còn biết hướng lội bộ về. Không ngờ, không thể ngờ, trước mặt tôi xa xa lá cờ vàng 3 sọc đỏ bay phất phới. Tuy có xa nhưng tôi nghĩ có phải đáp thì cũng đủ sức chạy tới đó và hy vọng không có VC quanh đây. Tôi chuyển hướng bay, xuống thật thấp, ngắm theo cờ vàng mà bay tới, vừa thấy bãi đất trống gần đồn tôi đáp xuống. Dầu khó khăn nhưng cuối cùng máy bay cũng đã an toàn trên mặt đất.

Tắt máy xong, tôi đi kiểm soát lại máy bay và ghi nhận hư hại từ trong ra ngoài để báo cáo về Hành Quân Chiến Cuộc (HQCC). Thật may mắn cho chúng tôi viên đạn phòng không trúng khung sườn chính của máy bay cạnh thùng xăng bên phải nên viên đạn phòng không nổ bên ngoài máy bay, nhưng cũng đủ sức phá nát 1 lỗ lớn dưới bụng, rộng hơn 2 thước, từ cửa sau (ramp) cho đến cửa câu hàng nằm giữa tàu. Phần ramp bên trong tàu cũng bể tung ra nhiều mảnh, những mảnh đạn và những mảng sắt của ramp đã phá nát thêm nhiều phần trong thân tàu, cắt đứt 1 hệ thống thuỷ điều của hệ thống cần lái và làm hư hại nhiều hệ thống khác trên phi cơ và chỉ khoảng 1 gang tay thì viên đạn phòng không trúng thùng xăng và nếu viên đạn phòng không trúng thùng xăng thì đời của chúng tôi đã cuộn trong khối lửa đâu có dịp để kể lại chuyện này.

Lúc bay tôi dổn hết tâm trí vào việc điều khiển phi cơ và lo tìm chỗ đáp, thêm hệ thống liên lạc hư, không nói chuyện với nhau được, tôi không biết phía sau hư hại thế nào nên không có cảm giác sợ. Nhưng bây giờ nhìn tận mắt sự tàn phá của viên đạn phòng không thì tôi rùng mình, ớn lạnh. Lòng vui mừng và tạ ơn Thượng Đế, còn thương chúng tôi, không những cho chúng tôi sống sót mà còn cho chúng tôi đến được nơi an toàn.

Chúng tôi lấy đồ của mình và theo nhau vào đồn. Đây là căn cứ và cũng là 1 tiền đồn của sư đoàn 5 bộ binh. Tôi xin gặp vị sĩ quan chỉ huy đồn và yêu cầu cho bảo vệ máy bay. Sau đó, tôi liên lạc báo cáo Quân Đoàn và HQCC Không Quân Biên Hoà về tình trạng máy bay cũng như PHĐ và xin trực thăng lên rước chúng tôi về.

Người sĩ quan trưởng đồn đến gần và hỏi tôi cố đem chiếc Chinook về Lai Khê được không? Nhìn cách nói chuyện và khuôn mặt lo âu của anh tôi biết tình hình ở đây không được yên. Sau đó anh cho tôi biết VC ở chung quanh đây luôn luôn tìm cách tấn công và muốn chiếm lấy tiền đồn này. Nếu Chinook đậu đây thì thế nào chúng cũng đánh hoặc pháo kích vào đồn đêm nay. Tôi giải thích tình trạng máy bay, cũng như đáp được an toàn là điều may mắn cho chúng tôi. Sau đó tôi với anh cùng đi ra để thấy sự hư hại và cũng để anh hiểu là chúng tôi để máy bay lại đây hoàn toàn trong trường hợp bất khả kháng, nó ngoài ý muốn của chúng tôi. Khi thấy sự hư hại của máy bay thì anh cảm thông và cho 1 đơn vị ra làm 1 vòng tuyến để bảo vệ chiếc Chinook. Tôi nói sẽ xin Quân Đoàn thêm quân tiếp viện và cũng xin HQCC cho chuyên viên kỷ thuật Biên Hòa lên sửa và đem chiếc Chinook về trong ngày hôm nay nếu được.

Trong thời gian chờ đợi máy bay lên rước về, khoảng thời gian rảnh rỗi đủ để chúng tôi tâm sự và chia sẻ với nhau những cảm xúc lo sợ của mình. Nhưng sống sót vẫn là niềm vui lớn nhất. Tôi không quên được lời tâm sự của Hoạt và Hiền.

Hoạt nói: “Tàu cháy khi bị trúng phòng không, khói và dầu bay tỏa mịt mù phía sau. Nhưng bình cứu hỏa loại mới vừa được trang bị bằng chất lỏng không còn là loại foam nên chữa nhanh và hiệu quả”.

Hiền tâm sự: “Tôi vừa về phép để lo an táng và chịu tang cho cha tôi cách đây 1 tuần và đây là phi vụ đầu tiên khi trở lại Phi Đoàn. Nếu tôi không bước lên phía trước mồi điếu thuốc lá thì thân xác tôi đã bị tan nát vì viên đạn nổ ngay chỗ tôi ngồi. Tôi tin rằng cha tôi đã phù hộ cho tôi thoát chết”.

Chúng tôi được trực thăng UH-1 đưa về Biên Hoà. Trong lúc trực tại phòng hành quân, tôi được Huy Hoàng bên Quân Đoàn báo cho biết sư đoàn 5 bộ binh đã tăng phái 1 đơn vị để tiếp ứng tiền đồn.

Mấy ngày sau chiếc Chinook được sửa tạm và bay về Biên Hoà. Tr/úy Tươi Trưởng Phi Đạo quan sát sự hư hỏng và khi thấy tôi thì ông đến ôm. Ông chia vui và chúc mừng cho sự may mắn, sống còn của PHĐ. Ông còn thêm “Tử Thần chê là chuyện hiếm có nghe. Ráng bảo trọng!”.

Mỗi lần nghe, thấy hay nghĩ tới 2 chữ “đình chiến” thì tôi vẫn còn thấy giận về sự dối trá, trở cờ trong sự cam kết hiệp định đình chiến của bọn VC và CSBV. Một bọn người chỉ biết luật rừng đúng như câu nói: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” đã cho tôi 1 bài học để đời.

Đối với quốc tế chính bọn VC và CSBV ký hiệp định đình chiến mà chúng còn không tôn trọng thì làm sao bọn VC cùng bọn CSBV tôn trọng những gì hứa hẹn với dân tộc Việt Nam. Từ ngày đó cho đến nay, tôi thấy câu nói trên thật đúng và chắc chắn còn đúng hơn và thấm thía hơn cho toàn dân Việt Nam đang sống dưới sự thống trị của bọn Cộng Sản trên đất nước Việt Nam hôm nay.

Hồ viết Yên
K7/68KQ – PĐ237 / PĐ241 Chinook

Sunday, July 21, 2013

The World's Biggest Cave

THE WORLD'S BIGGEST CAVE FOUND IN VIETNAM

Source: National Geographic




A British caver wades through Vietnam's Son Doong cave,
Earth's largest known cave passage, according to a survey team.

Photograph by Barcroft/Fame Pictures


A massive cave recently uncovered in a remote Vietnamese jungle is the largest single cave passage yet found, a new survey shows.

At 262-by-262 feet (80-by-80 meters) in most places, the Son Doong cave beats out the previous world-record holder, Deer Cave in the Malaysian section of the island of Borneo.

Click here for a complete document!


THE WORLD'S BIGGEST CAVE Video:



Vietnam's Infinite Cave

Lecture and images by Carsten Peter



Mysterious Caves Revealed

Produced by Stephen Sindoni



Một góc Sơn Đoòng



Conquering an Infinite Cave

By Mark Jenkins
Photograph by Carsten Pete

Click on the image below for a complete document...



Giant Cave Pictures:
World's Biggest Found in Vietnam

Photograph by Barcroft/Fame Pictures

Click on the image below for more photos...






Saturday, July 20, 2013

Điệu Nhảy Cuối Cùng

Điệu Nhảy Cuối Cùng by Michael Châu, on Flickr
Điệu Nhảy Cuối Cùng
( Photo courtesy of Michael Châu )

Hoàng Anh

Tôi không biết nhảy, hay nói đúng hơn tôi không thích nhảy. Từ lúc còn trẻ đến bây giờ tôi chỉ ra sàn nhảy với chồng một lần, không hơn. Thấy tôi không hào hứng, chồng tôi cũng thôi luôn. Vì thế bạn bè không thấy vợ chồng tôi ra sàn nhảy bao giờ. Vậy mà một hôm, tôi đã làm mọi người ngạc nhiên, hết sức ngạc nhiên.

RU 43! Sau phần văn nghệ chính chấm dứt, chị em chúng tôi thoải mái ngồi tán dóc với nhau. Bỗng một bóng người tiến đến lù lù đứng trước mặt làm tôi giật mình. "Mời chị". Tôi ngạc nhiên hết hồn: "Cảm ơn anh Thanh, nhưng tôi có biết nhảy đâu!" Bằng giọng Nam kỳ rổn rảng, anh cố thuyết phục tôi: "Đâu sao, tôi chỉ cho chị, vui thôi mà!" Thấy tôi vẫn ngần ngừ, anh cười to: "Chị hát đúng nhịp thì chị sẽ nhảy rất mau, đừng lo!" Không muốn gây sự chú ý của người chung quanh, và biết tính chồng ok nên tôi miễn cưỡng đứng lên.

Đã không nhảy bao giờ, lại là lần đầu tiên nhảy với một người đàn ông không phải chồng mình, tôi hết sức lo lắng và mắc cỡ. Anh dặn tôi "Khi tôi bước tới thì chị bước lui, rồi ngược lại, cứ từ từ". Nói thì dễ mà áp dụng chẳng dễ chút nào! Vì không biết lúc nào tới, lúc nào lui, nên khi anh vừa bước tới, tôi cũng 'tới' luôn. Thế là mấy lần tôi suýt chúi nhũi vô người anh, hoặc dẵm cả vào giày anh. Còn khi bước lui, để tránh quá gần anh, tôi bước dài ra sau, gót giày vướng vào ống quần muốn té! Đã hết đâu, anh bắt tôi quay cho đúng nhịp! Ôi trời, quay kiểu này vài lần, tôi sợ cái bịnh Vertigo của tôi xuất hiện thì có mà đo sàn! Tôi rối rít: "Thôi, thôi, tôi không nhảy nữa đâu". Vậy mà anh cứ lạnh như tiền, như thể một ông thầy nghiêm khắc thứ thiệt, đang kèm bước nhảy cho học trò! Cũng may, bản nhạc dừng vừa đúng lúc!

Tôi ngồi xuống ghế, chưa kịp hoàn hồn thì nghe tiếng chồng giục giã: "Em, em, qua đây". Tôi lằm bằm: "Gì nữa đây", nhưng cũng bước qua bàn chồng. Chẳng hiểu có chuyện gì mà mọi cặp mắt đang đổ dồn nhìn tôi. Anh Châu lên tiếng trước tiên: "Đó bả qua đó, vợ mày qua đó, mày có giỏi thì tuyên bố thua cuộc đi!" Chồng tôi vừa cười vừa la lớn "Em làm anh thua rồi. Anh cá với thằng Thanh, qua mời em ra nhảy, vậy mà em ra thiệt làm anh thua độ". Tự nhiên tôi muốn nổi sùng, "Sao anh không ra dấu, em đỡ phải nhảy không?" Nhưng chỉ trong thoáng chốc, nhìn mọi người đang xung độ cười cười nói nói quá vui, làm tôi cũng vui theo.

Anh Thanh sau đó còn cười chọc quê tôi: "Đó tui nói chị rồi, hát mới khó chứ nhảy dễ ợt hà! Tui nói thằng Lập phải đem chị ra nhảy cho vui, exercise đó nghen! Lần sau tui thấy chị ngồi không là tui mời chị ra nhảy tiếp". Tôi nghe mà lo! Thật vậy, RU 44, vừa thấy anh đi rờ rờ tới gần, tôi giả vờ cầm đũa gắp thức ăn vào chén. Thấy chị Linh ngồi cạnh, anh đưa tay mời!


RU-44 2012 - trái qua phải: Khanh, Thanh, Lập, Yên, Cay
( photo by Nguyễn Thế Long )

Trời ơi, tôi có ngờ đâu, đó là RU cuối cùng của anh!

Sáng sớm hôm đó, đang chuẩn bị đi bộ buổi sáng thì TC gọi báo tin, tôi còn la TC trong máy: mới sáng sớm, đừng dỡn nghe bà nội! TC phải kể rõ chi tiết cái chết của anh Thanh để thuyết phục tôi tin. Quá đỗi bàng hoàng, tôi cứ mong là tin chưa chính xác. Biết đâu, vào bệnh viện cấp cứu, anh vẫn còn sống?

Nhưng tự nhiên, tất cả kỷ niệm về người bạn chồng trở về rõ rệt trong tâm trí tôi, từ những lần RU, đến những lần anh qua Nam Cali, đến nhà vợ chồng tôi nhậu nhẹt với bạn bè. Lần nào cũng vậy, vì không muốn khuấy động các anh, tôi cũng đậu xe xa nhà, rồi vào phòng bằng cửa sau êm thắm. Có lần, chẳng hiểu sao anh biết tôi đã về, anh gõ cửa cộc cộc: "Chị Lập ơi, chị ra đây cho mấy thằng này tạ tội với chị. Tui nói mà tụi nó không nghe, cứ nói bậy nói bạ ồn ào nãy giờ!" Thế là thêm một trận cười nghiêng ngửa, căn mobile muốn rung rinh!!!

Tôi đắm chìm trong hồi tưởng, rồi tự nhiên sợ hãi giữa sự sống và cái chết, cho đến khi phone reo. Tiếng chồng tôi nghẹn ngào: "Huỳnh Bá Thanh chết rồi em ơi!". Tôi cũng nghẹn ngào: "Em biết rồi!"

Tôi trả lời chồng trong sự thương tiếc. Ôi, một con người luôn đem lại niềm vui cho bạn bè như thế, sao lại đột ngột bỏ cuộc vui nửa chừng?

Huỳnh Bá Thanh, vợ chồng tôi vẫn còn nợ anh ĐIỆU NHẢY CUỐI CÙNG!

Hoàng Anh



Vợ chồng Hồng Quang Lập & Hoàng Anh

Thursday, July 18, 2013

Những Gì Thanh Để Lại

Trần-Công Anh-Dũng

Đã một tháng qua rồi từ sau sự ra đi xé lòng người ở lại của Thanh!

Có thể đã có nhiều anh em trong khoá 7/68KQ có cùng tâm trạng ngổn ngang như tôi trong thời gian qua; khoảng thời gian đó, với tôi, đã qua đi một cách nặng nề không suông sẻ chút nào.

Tâm trạng ngổn ngang trong tôi là sự trộn lộn của nỗi bàng hoàng khi tin dữ đến, của cái tâm cảm bất lực phải chấp nhận một sự việc phi lý tối thậm, của nỗi đau khi cảm nhận hết bề sâu của vết thương, ý thức đủ cái nghiêm trọng của sự mất mát và sau cùng là cảm giác ngậm ngùi khó nguôi lúc “nhìn” vào chỗ trống nơi này, nơi khác mà người đi đã để lại.

Những ngổn ngang trộn lộn đó đưa tôi đến những trạng thái tinh thần phức tạp, bứt rứt, bồn chồn, buồn bã, bất mãn, thất vọng, tức tối, phẫn nộ; tất cả chen đẩy nhau vần vũ trong đầu. Cái bất mãn, tức tối phẫn nộ mơ hồ vu vơ trong tôi không xác định được đối tượng của chúng là ai, là gì để trút vào, để phát tiết đến; chúng quẩn tụ lại như đám mây giông nặng nề, u ám bao kín bầu trời ngoằn ngoèo chớp, rền rĩ sấm; cứ tức tưởi muốn tuôn mưa mà không đổ xoà nước xuống được.

Tại sao lại là Thanh, người trẻ tuổi nhất trong khoá! Người healthy nhất, yêu đời và xứng đáng được mọi người thương yêu quý mến nhất!???

Người vị tha mà kín đáo, đạo đức mà phóng khoáng, thực tài mà khiêm tốn như Thanh, nói rộng ra không khoa ngôn, cõi đời hổ lốn này đang trầm trọng thiếu; mà thu hẹp lại trong thân tình đồng khoá 45 năm khi tuổi tác về chiều, chúng tôi rất tha thiết cần.

Vậy mà Trời nỡ đem Thanh về cõi khác!

Tại sao lại là Thanh? Trong tôi câu hỏi không mong đợi được ai trả lời này đã bao lần vọng lại từ đâu trong xa xăm mơ hồ, lay động tâm trí tôi rồi bực bội trở thành câu trách; mà cũng chẳng trách ai được, nỗi niềm này trong tôi sau cùng đành cam phận buồn nản phổ thành câu than thở!

Tại sao lại là Thanh? Tại sao lại là Thanh! Tại sao lại là Thanh! (Hỡi Trời!)

Xin mạn phép bạn Nguyễn Quang Tầm, tức nhiếp ảnh gia David Nguyễn, cho tôi được đem một ảnh phẩm tuyệt tả của bạn vào trang tâm sự này.

Cám ơn Tầm đã ghi lại một hình ảnh tuyệt đẹp của hạnh phúc, hạnh phúc hiển lộ mà đằm thắm và dịu dàng trên nét mặt rạng rỡ «tri túc» của Thanh và người bạn đời. Xin phép tác giả cho tôi được đặt tên (ít ra cũng là trong trang tâm sự này) ảnh phẩm này là "HẠNH PHÚC", hạnh phúc khiêm hoà, đằm thắm.

Tôi tin rằng vẻ mặt dịu dàng ánh lên niềm hạnh phúc đồng cảm của đôi uyên ương trong ảnh dễ dàng gây cho người ngắm ảnh cảm giác được hoà đồng, được chan hoà trong niềm hạnh phúc đó và chân thành chúc phúc cho hai người trong ảnh.

Đây chính là cảm nhận của bản thân tôi ngay từ lần đầu xem ảnh do bạn Tầm chụp và post lên trong Album « Những Đôi Tình Nhân K7/68 » vài năm trước đây mà tôi vẫn nhớ rõ ràng đến nay.


Hạnh Phúc

( photo by David Nguyễn )

Hãy chú mục vào ngắm bức ảnh này đi, hãy nhìn vào mắt hai người bạn trong ảnh và thưởng thức nụ cười của họ, bạn có thấy chút «tại sao lại là Thanh!» lao xao, xào xạc trong lòng bạn không?

Từ hôm Thanh mất, tôi ngắm lại bức ảnh này nhiều lần để hoài niệm cũng như lặng lẽ trò chuyện bằng những lời không thốt ra với người bạn đã vội ra đi. Tôi biết thỉnh thoảng mình lại thở dài hoặc lắc đầu chán nản; có lẽ vô thức trong tôi đã cố chối bỏ đi thực tại đau buồn.

Những lúc đó nghe rưng rưng trong ngực, nghèn nghẹn trong cổ và đôi mắt cay cay, nhòe nhoè.

-- Thanh ơi ! … Thanh ơi!

Tôi không phải là bạn thân của Thanh theo cách nhận định thông thường trong giao tiếp, hay theo những định nghĩa cho hai chữ thân thiết tìm thấy trong các cuốn từ điển.

Trong suốt 45 năm từ thuở cùng chập chững đếm nhịp 1, 2, 3, 4 đầu đời quân nhân tới nay, giữa tôi và Thanh luôn có một không gian... ngăn chận ở giữa, nhỏ thì cỡ «chỉ thấy hình ảnh không nghe được âm thanh», lớn thì cũng cỡ... «ngàn trùng xa cách»!

Thời quân trường Quang Trung, Thủ Đức tôi và Thanh ở những trung đội khác nhau. Học Anh Ngữ ở Nha Trang thì khác phòng, khác lớp. Hai đứa lại thuộc vào hai chuyên ngành khác nhau; tôi thuộc ngành Bảo Trì Phi Cơ, Thanh, ngành Truyền Tin Điện Tử. Lúc được gởi đi học chuyên môn thì mỗi người đến một căn cứ không quân xa lắc; học xong về phục vụ đơn vị thì khác Sư Đoàn và ở hai vùng Chiến Thuật khác nhau. Qua Mỹ thì kẻ trước người sau lệch nhau 18 năm và cư trú cách nhau hai ba tiểu bang … bự.

Trong 20 năm tôi có mặt trên đất Mỹ, số lần tôi gặp Thanh không đủ để đếm trên đầu các ngón tay, và những lần gặp gỡ đó đều là gặp trong đám đông rộn ràng dăm bảy mươi người của những kỳ Hop Mặt Khóa, hay mười mấy hai chục người inh ỏi ì xèo trên chiếu rựơu vui đón bạn miền xa.

Những lần gặp gỡ đó đều ngắn ngủi và mỗi người đều tíu tít dàn trải thì giờ hạn hẹp cũng như tình cảm chan hoà của mình cho bao nhiêu thân tình bằng hữu khác.

Dầu các dịp truyện trò với Thanh thường ít ỏi, vội vàng; cơ hội hàn huyên lại càng hiếm hoi, ngắn ngủi tôi vẫn ghi nhận được và rất tâm đắc “tiếng nói” của Thanh trong khoá; tiếng nói đó tuy nghe xuê xoa giản dị nhưng hợp lý, hợp tình luôn luôn được anh em tán đồng. Có thể nói theo văn phong Kim Dung rằng Thanh là người được «hắc bạch hai đạo» vừa thân vừa nể và tận tình welcome.

Bao giờ cũng thế dù trong không khí thân mật hay nghiêm nghị, tôi chưa bao giờ thấy Thanh nói văn hoa, dài giòng khi lên tiếng Thanh chỉ nói cách chân phương, giản dị và thân mật pha chút khôi hài như cách một "Phó Thường Dân Nam Bộ"... bẩm sinh trò chuyện cùng lối xóm cỡ bằng vai phải lứa hay là «hiện nguyên hình» là một Thanh «Cún» hồn nhiên, phóng khoáng và thân thương của Khoá 7/68KQ từ thuở 1, 2, 3, 4 Quang Trung, Thủ Đức.

(Tôi đã modified biệt danh «Cún» của Thanh thành «Kool» cách nay vài năm, cả hai nicks cũ mới vẫn được xử dụng song hành trong các emails của Khoá)

Internet và các emails trao đổi hoặc chung hoặc riêng tạo cho tôi và Thanh cơ hội chuyện trò với nhau khá thường xuyên; đem tôi và Thanh “rề” lại bên nhau một cách nhanh chóng như để bù đắp lại thời gian mấy chục năm bị «phí phạm» khi chúng tôi liên tiếp ở trong hoàn cảnh «gần nhà, xa ngõ».

Đối với kỹ thuật computer, internet tôi là một dummy... khét tiếng! Mỗi khi gặp khó khăn, trục trặc, hay những điều mình bí rị trong lãnh vực mênh mông như biển cả này, Thanh là một trong vài cái phao đầu tiên tôi … ôm chầm lấy! Tôi khẩn cấp gõ email cầu cứu, từ địa chỉ Thanh, tôi thường được nhận được rất sớm các “comments” gọn gàng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dummy nhờ đó mà tôi làm theo được và nhanh chóng thoát... chết!

Chưa hết, thường thường kèm theo các chỉ dẫn gỡ rối “tơ lòng internet” cho dummy tôi, “Bà Tùng Long... Huỳnh Bá Thanh” còn bonus cho tôi thêm đôi ba tips ích dụng liên quan để tôi tự “nâng cao” trình độ nhằm làm cho danh dummy của tôi... bớt khét!

Không riêng về kỹ thuật của internet đâu; tôi còn tham khảo nơi Thanh ít nhiều việc tế nhị trong đời sống, trong khóa, kể cả vài hiện tượng nhuốm tính huyền vi trong tôn giáo Thanh phụng sự. Tôi đều được Thanh hồi đáp thanh thỏa, ân cần chu đáo, tất nhiên vẫn theo ngôn phong thân mật của một «Phó Thường Dân Nam Bộ»... bẩm sinh mà tôi thật tình cảm kích, yêu thích và quý mến.

Tôi hiểu và quý Thanh qua những «cánh én» điện tử đi về trên màn monitor và keyboard; đối lại qua lời lẽ xuê xoa mà ân cần, ngắn ngủi nhưng tế nhị từ các emails nhận được, tôi tin là ở Thanh cũng có những tình cảm tương tự về tôi.

Vậy đó!

Vâng, tôi chưa phải là bạn thân của Thanh theo cách nhận định thông thường trong giao tiếp, hay theo những định nghĩa tìm thấy trong các cuốn từ điển.

Tôi càng không dám vồ vập nêu lên hai chữ tri kỷ vì ý nghĩa của nó lớn quá. Tôi và Thanh vẫn chưa có đủ sự chia sẻ với nhau về các mặt của đời sống nhiều đến mức đó; tôi nghĩ rằng hai chữ "tương đắc" là vừa đủ để định danh cho tình bạn giữa tôi với Thanh, tin rằng Thanh cũng đồng ý với tôi về cách «xếp hạng» này. Đó là một tình bạn âm thầm nảy lộc, lặng lẽ đơm hoa ngày một tươi thắm hơn. Tình bạn đó tôi thật sự không biết cái mức cực đại của nó sẽ là ở đâu, nhưng điều tôi biết chắc chắn nhất là khi bị mất đi, nhất là bị mất giữa chừng một cách đột ngột, tôi thấy hụt hẫng, đau và tiếc lắm.

Tôi tiếc lắm đó “Bác Thanh” ạ!

Tôi có thể tưởng tượng ra, dù ở cõi này hay cõi khác, ông bạn “Phó Thường Dân Nam Bộ... bẩm sinh” của tôi cũng cười hè hè nhẹ nhàng:

-- Tiếc làm mẹ gì cho mệt, bác Dũng! Rồi tui với bác, với nguyên đám tụi mình cũng gặp nhau hà rầm chớ gì.

Tôi nhìn thấy sau câu an ủi này là nụ cười hồn hậu, thoải mái cố hữu của bạn mình. Tôi ước gì mình có thể giữ lại hình ảnh này, nụ cười quen thân này như Tầm đã chụp ảnh, nhưng tất cả đã nhòe dần trong mắt.

-- OK! Tango Hotel Alpha November Hotel.

Tôi nghe và thấy bạn 5/5
I’ll take your advice; though, it’s not easy at all!

Thanh đột ngột ra đi để lại cho tất cả các anh chị em trong Đại Gia Đình K7/68KQ chúng ta một mất mát to tát quá. Chúng ta đã lặng người đi trong nỗi bàng hoàng, sửng sốt; đã lịm người với cái đau, cái buồn thấm dần vào tâm trí, và rồi từ nay về sau sẽ là tiếc nuối khó nguôi, là hoài niệm không bao giờ dứt.

Những bàng hoàng tê lịm, những đau xót ngấm sâu vào tâm thức, những hoài niệm không nguôi của tất cả anh chị em chúng ta gộp lại đem nhân lên trăm ngàn vạn lần là nỗi đau đớn của gia đình Thanh.

Thưa chị Thanh và các cháu Bá-Tùng, Hoàn-Mỹ, Trâm-Anh.

Người đi đã ra đi!

Chị và Các Cháu cùng gia đình hai bên cũng như tất cả bằng hữu của người ra đi trong đó có chúng tôi, chịu chung một mất mát lớn lao không thể bù đắp.

Mất mát là mất mát chung, nhưng niềm đau, nỗi buồn, mỗi người mỗi khác.

Sự đau buồn của Chị và Các Cháu là vô biên, mênh mang bất tận. Tôi không tìm được lời nào khả dĩ làm vơi bớt, dù chỉ một chút xíu, sự buồn đau mất mát mà Chị và Các Cháu đang gánh chịu.

Chỉ mong Chị và Các Cháu biết cho rằng anh em Khoá 7/68KQ chúng tôi thương quý Thanh lắm, thương quý một cách chân thành hệt như tình cảm Thanh đã chan hoà cùng tất cả chúng tôi.

Trong 45 năm biết nhau Thanh đã cho mỗi người trong anh em chúng tôi những kỷ niệm vui, đẹp của tình bằng hữu, những ngọt bùi huynh đệ của đời quân nhân, những nhơn tình ấm lạnh trong cuộc sống quê người. Chúng tôi sẽ mãi tiếp tục giữ gìn những kỷ niệm vui buồn đó để nhớ Thanh, để nhớ nhau.

Trên tất cả, với tư cách đứng đắn, đức tính khiêm hoà, tác phong phóng khoáng, hoài bão thanh khiết và tâm hồn luôn rộng mở, Thanh đã để lại cho chúng tôi một tấm gương sáng trong cuộc sống dù với hoàn cảnh nào. Tấm gương ấy chỉ sáng mà không chói; không làm chói mắt ai mà chỉ sáng một cách nhu hoà khiêm tốn đủ để người còn ở lại ngắm nghía khi nhớ và soi rọi khi cần.

Tin rằng Thanh đã để lại trong gia đình, nơi Chị và Các Cháu nhiều hơn thế nữa những kỷ niệm đầm ấm, ngọt ngào, những hoài bão tốt đẹp, những gương mẫu lớn nhỏ trong cuộc sống; nhất là, những gương mẫu của một người trụ cột gia đình, người chồng, người cha.

Những gì một người có cái tâm lớn như Thanh để lại trong ký ức từng người trong gia đình hẳn đủ nhiều, đủ mạnh để Chị và Các Cháu dựa vào mà vững vàng vượt qua được những tháng năm không dễ dàng phía trước.

Xin Chị và Các Cháu bảo trọng.

Trần-Công Anh-Dũng

Ô Tròn Của Mẹ



Từ con mở mắt chào đời
Tình thương của mẹ che trời nắng mưa
Che con từ thưở còn thơ
Bước đi chập chững, bi bô miệng cười
Rồi con chợt tuổi đôi mươi
Ô tròn vẫn nép bên đời che con
Xòe che giông bão chập chùng
Níu khi vấp ngã bên đường chông gai
Che con ngày rộng tháng dài
Ô tròn nay đã màu phai bên đời
Tình yêu con thành lứa đôi
Ô tròn của mẹ trao người con yêu...

Hoàng Anh


Tuesday, July 16, 2013

Nghe Bạn Mình Hát - Đêm Thu


đêm thu

Nhạc & Lời: Đặng Thế Phong

Tiếng hát: Bích Liên

Hình ảnh: Internet
Video: Hoàng Khai Nhan








Sunday, July 14, 2013

Cái Duyên Nam Bắc

Nguyễn Hữu Huấn

Khi ngồi viết những giòng chữ này thì vợ cháu đang ngủ say sưa trên giường. Nhìn đôi chân dài thườn thượt của nàng thò ra khỏi chăn, tự nhiên cháu bật cười. Thì ra vợ cháu cũng thuộc loại... chân dài ra phết, cao xấp xỉ 1,70 mét chứ chẳng phải chơi. Năm ngoái gặp lại đám bạn cũ cùng binh chủng, trong lúc chụp ảnh chung bỗng có thằng la lớn: "Chúng mày ơi! đứng bên cạnh bà này chắc ông phải kiễng chân lên mời xứng!" làm vợ cháu ngượng chín người.

Nghe nói bên Việt Nam bây giờ người ta tung hô tán tụng “những cô gái chân dài“ dữ lắm, làm phim, lên ảnh, quảng cáo rùm beng, làm các cô cứ tưởng mình là cái rốn của vũ trụ không bằng.

Có điều lạ là hầu như các mợ toàn là gốc miền Bắc, nói năng giọng Bắc, nhìn đời với con mắt người Bắc và cư xử thì cứ “tự nhiên như người Hà Nội“. (Bật mí cho các cụ nhé: bây giờ thì đa số các mợ Hà Nội chính gốc đã thi nhau làm “con chim đa đa“ bay qua xứ khác lấy chồng xa hay đi kiếm cơm hết ráo, còn lại toàn là gốc Hà-Nam-Ninh hay Thanh-Nghệ-Tĩnh lên Hà Nội lập nghiệp).

Hay là ông Trời sinh ra người càng ở vùng phương Bắc thì da càng trắng, mũi càng cao và chân càng dài, cứ nhìn mấy ông Tây bà Đầm là biết ngay.

Thế nhưng ”bà già chân dài” vợ cháu lại là dân Nam kỳ tuốt luôn tận phương Nam, là thứ Nam kỳ chính hiệu con nai vàng, quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn. Hoá ra “mũi cao, chân dài“ đâu phải độc quyền của các mợ Bắc Kỳ 75, các mợ nhờ “tàn dư đế quốc“ nên chỉ mới xuất hiện sau này thôi, chứ ngay trong "thời kỳ chiến tranh" cách đây mấy mươi năm thì “mũi cao, chân dài“ như Nam kỳ vợ cháu đã nhởn nhơ đầy đường. Đúng là một cọng giá “thời kỳ chiến tranh“ vẫn hơn một gánh rau muống “thời kỳ hoà bình đổi mới“!

Bố mẹ cháu sinh cháu ra tại miền Bắc, học hành và lớn lên cùng với gia đình trong miền Nam, để rồi trưởng thành tận ngoài miền Trung. Từ những tính chất của ba miền đã hợp lại tạo nên cháu thành một thứ “hẩu lốn“, “như canh chua nấu với... rau muống, giá sống ăn với... bún riêu, nhậu bia với ché mà lại chấm với... xì dầu". Thế nhưng cái bản chất Bắc kỳ vẫn là cái cốt lõi trong con người cháu từ lúc sơ sinh, vẫn Bắc kỳ rau muống mắm tôm, Bắc kỳ truyền thống, Bắc kỳ muôn thuở... Nhưng ông Trời oái oăm lại sai ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cháu làm thằng tù khổ sai chung thân cho một bà vợ Nam kỳ quốc. Lạ thật! Duyên hay nợ đây Trời!

Hồi còn bé, thú thật cháu chẳng ưa gì Nam kỳ. Còn ghét, còn hận nữa là khác. Chuyện cũng dễ hiểu thôi: lần đầu cắp sách đến trường tiểu học Bàn Cờ ở quận 3, Sài Gòn, chỉ có cháu với một thằng nhô nữa là Bắc kỳ. Thằng này có hàm răng đưa hơi xa ra phía trước, mà văn chương Bắc kỳ gọi là “vẩu“, còn Nam kỳ gọi đơn giản và rất tượng hình là cái “bàn nạo dừa“. Bố nó (không vẩu tí nào) rất thân với bố cháu (cũng chẳng có bàn nạo dừa) vì cả hai gia đình cùng đi chung chuyến tàu “há mồm“ vào Nam năm 54.

Hai thằng Bắc kỳ con nhất định ngồi cạnh nhau tạo thế liên hoàn “dựa nhau mà sống“ trong cái lớp học 27 trự Nam kỳ con. Bọn chúng hè nhau trêu chọc, ăn hiếp hai đứa chúng cháu. Mỗi lần ra chơi hai thằng Bắc kỳ con luôn tìm chỗ ít người mà đứng để khỏi nghe bọn Nam kỳ đọc thơ chọc quê chửi bới. Thằng Vọng, đứa đầu xỏ và to con nhất đám (bây giờ đang ở Canada) leo lên cây vú sữa giữa sân, đọc thơ rang rảng:

"Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm lựu đạn... chết ngay Bắc kỳ!
"

Một thằng khác sẵn giọng phụ họa:

"Có cái thằng nhỏ nó đao làm sao
Lỗ đ. nó dính cái cọng rao,
Người ta ai mà kỳ như dzậy?

Thế là cả bọn đồng loạt chỉ ngay vào bọn cháu rồi rống lên: "Thôi rồi! Bắc kỳ, Bắc kỳ!”

Cháu tủi thân lắm! Ôi thôi! buồn da diết, buồn vô biên, buồn phát nghiền!

Về nhà hỏi mẹ tại sao gia đình mình lại vào đây làm quái gì để chúng nó trêu con suốt ngày. Mẹ cháu rướm nước mắt, xoa đầu cháu giải thích đơn giản:

- Tại vì người ta đánh nhau quá nên gia đình mình phải "ri cư" vào đây con ạ! Thôi chịu khó đi con, mẹ biết làm sao bây giờ!

Nào đâu đã hết, chúng nó còn hè nhau tụ tập trước cửa nhà cháu. Mẹ cháu cầm chổi lông gà ra đuổi. Chẳng đứa nào sợ, trái lại còn tru tréo to hơn. Chợt thấy hàm răng của mẹ cháu nhuộm đen ngòm và bóng loáng, thế là chúng nó cứ thế mà gào:

Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm cục c., hàm răng đen thùi!

Trong gia đình, chỉ có bố cháu là chẳng thằng Nam kỳ con nào dám giỡn mặt. Có lẽ nhờ khuôn mặt có oai hay nhờ đôi mắt nghiêm khắc của ông, mà chúng sợ một vành không dám trêu chọc một lời!

Ngày tháng qua mau, cứ thế mà đám Bắc kỳ "ri cư”, trong đó có gia đình cháu, vẫn sống phây phây trên mảnh đất Nam bộ lạ hoắc nhưng trù phú này. Những cảnh chọc quê dần dần biến mất, bạn bè nhiều hơn, trong đó dĩ nhiên không ít đứa Nam kỳ. Đứa Sài Gòn chính tông, đứa Sa Đéc, đứa Vĩnh Long, đứa Mỹ Tho, Cần Giuộc... Nhưng đứa nào cũng chửi cháu là "thằng Bắc kỳ lắm mồm”. Không "lắm mồm” chứ để chúng mày ăn hiếp ông hả?

Nghĩ cho cùng, không "lắm mồm” thì đâu còn là Bắc kỳ nữa! Thứ "lắm mồm” được việc, "lắm mồm” nghe vẫn bùi tai, "lắm mồm” dễ mến, thiếu thì nhớ, vắng thì mong, "tay chơi” nhưng vẫn "chân tu”, gái Nam kỳ cứ thế mà... "lắc lư con tàu đi”.

Càng lớn lên cháu càng khoái miền Nam, khoái Sài Gòn, nơi dễ có nhiều bạn, mà bạn lại không tồi. Nơi đó có dừa xiêm, dzú sữa, có chè đậu xanh bột báng nước dừa, có bánh bèo trét mỡ trắng phau phau, có nước mắm đường ngọt lịm, có cá bống trứng kho tiêu, có trái cóc ngâm đường cắm que cà rem chấm muối ớt, có quán cơm bà Cả Đọi, có cả những con đường hẻm ngoằng nghoèo dẫn đến nhà... chị Tình.

Miền Nam và Sài Gòn thật trong veo khoáng đạt, không tự tôn như cái Bắc kỳ đã có sẵn từ bẩm sinh trong bụng cháu, không rườm rà "màu mè ba lá hẹ”, chân thành thật thà, thẳng ruột ngựa, không làm vẫn có ăn, chơi xả láng sáng về sớm, để rồi vẫn cứ yêu người, yêu đời.

Có lẽ cũng cùng một cảm nhận như thế nên đám Bắc kỳ "ri cư” chúng cháu mới vào Nam chỉ có cái quần xà loỏng trên "tàu há mồm” đã lợi dụng thời cơ hè nhau tung ra dành dân chiếm đất khắp cõi Nam bộ, mà lại ăn nên làm ra trên mọi lãnh vực, trong đủ tầng lớp xã hội, nhất là vùng Sài Gòn Gia Định và các vùng phụ cận, chỗ nào làm ăn ngon lành thuận lợi là mấy mợ Bắc kỳ rau muống sang tay hàng loạt, ngoại trừ phía bên trong chợ Bến Thành và vùng Chợ Lớn, vì chẳng thèm "kèn cựa” với các chú Ba. Đã bảo rồi mà... "Bà đã nàm thì nàm thật chứ không thèm nàm nấy ne, nàm nấy nệ!"

Từ sau năm 75 thì Bắc kỳ lại càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy "dzô tuyến chuyền hình” hay cái "ra dzô” ra thì thấy liền, các "xướng ngôn dziêng” hầu như "chăm phần chăm” đều là Bắc kỳ, không cậu thì mợ. Còn các mợ tiếp dziêng "E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe "em người Hà Lội” hết ráo! Chẳng biết tại "dziêng dzáng" hay ”phe đảng”?


( Trường Trung Học Chu Văn An, Sài Gòn )

Bố cháu trái lại, cái chất Bắc kỳ đã ăn vào máu, thấm vào cốt lõi xương tủy của ông từ bao đời, nhất quyết bắt anh em cháu phải thi vào trường Chu Văn An (CVA), con em gái phải thi bằng được vào trường Trưng Vương, toàn là những trường nổi tiếng từ miền Bắc, kéo theo các thày cô "ri cư” vào Nam. Phần vì bố cháu là cựu học sinh trường Bưởi, phần vì ông cũng có chút thiên kiến và ít tin tưởng vào các trường miền Nam như Petrus Ký hay Gia Long. "Mình dân Bắc thì phải học trường của người Bắc, chúng mày đừng có bàn với bạc lôi thôi!”, bố cháu phán cứ như đinh đóng cột.


( Trường Trung Học Trưng Vương, Sài Gòn )

Mà lạ thật ! Vào học Chu Văn An mới thấy toàn đám học sinh Bắc kỳ, le que vài trự Nam kỳ lạc lõng vô duyên, đếm chưa đủ mười đầu ngón tay đã hết đứa Trung kỳ. Cho đến các thày đa số cũng lại Bắc kỳ nốt, từ thày hiệu trưởng Dương Minh Kính đến thày thi sĩ Vũ Hoàng Chương.


( Trường Trung Học Petrus Ký, Sài Gòn )

Còn bên Petrus Ký thì ngược lại, hầu hết Nam kỳ. Hóa ra vung nào thì vẫn cứ đi tìm nồi nấy, hay hoặc giả có chính sách của chính quyền thời đó hay không? Chẳng thành vấn đề, chỉ biết bọn Nam kỳ Petrus Ký châm biếm đổi tên Chu Văn An thành... Chết Vì Ăn! Cháu tức máu trả đũa, rằng chúng mày ghen ông vì chúng mày chiêm ngưỡng các em Bắc kỳ Trưng Vương mà thèm nhỏ dãi, nhưng sờ vào thì chúng mày sẽ thành con dế mèn để các em Bắc kỳ thọc cọng nhang sau gáy thổi quay vòng vòng! Tức quá, mấy trự Petrus Ký chỉ biết "ngậm ngùi" đồng ca bản ”Khúc nhạc đồng quê” rằng thì là:

"Quê hương tui Bắc kỳ nhào dzô quá trời
Bên bờ sông bên bờ ao... trồng rau muống!

Hay cũng là: "Quê hương tui cái mùng mà kêu cái màn!..

Thì cũng đúng thôi! Mấy trự Nam kỳ hay Trung kỳ chỉ cần nghe một mợ Bắc kỳ uốn éo ra chiêu vài đường lưỡi thì đã nhũn như chi chi, mắt trợn ngược, mồm há hốc, quên luôn cả tên họ mình. Chỉ có trai Bắc kỳ mới trị nổi các mợ Bắc kỳ thôi! Này nhé, các cụ cứ chịu khó nhìn chung quanh đi, cứ một trăm trự Nam kỳ chưa chắc có được một trự vớ được một mợ Bắc kỳ.

Tìm mỏi con mắt mới có một trự "diễm phúc” bế được một mợ mang về nhà thì bảo đảm suốt cuộc đời còn lại chỉ biết bốn chữ "gọi dạ bảo vâng", răm rắp tuân lệnh bà, chẳng bao giờ còn nhìn thấy mặt trời, mặc dù suốt ngày ngửa mặt than Trời!

Đấy mới chỉ là các mợ Bắc kỳ 54 thôi nhé ! Gặp cỡ các mợ 75 hay các mợ quê quán Hà Đông hay Bắc Ninh... "cầm roi dạy chồng" thì ôi thôi! cái te tua nó kéo luôn theo cả tông ti họ hàng, suốt đời hưởng "cái thú đau thương", nghe chửi cứ tưởng như nghe... hát. Hỡi các chú Nam kỳ hậu sanh: chớ chơi dại!

Đừng nghe ông Phạm Duy hát bài "Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà ham. Lừa đấy! Gặp Nam kỳ thì cái "nho nhỏ" kia sẽ phình to hơn cái vại, mà cái vại có nanh! Ngược lại, một cậu Bắc kỳ rau muống quơ được một cọng giá Nam kỳ "đem về dinh" – vụ này nhiều lắm - thì cứ như "rồng thêm cánh", như "diều gặp bão", như lái ô tô không cần Navigation... Cả đời có người "nâng khăn sửa túi" không công. Hóa ra hôn nhân cũng có quy luật đấy chứ:

Chồng Bắc kỳ + vợ Bắc kỳ = Vợ chồng đề huề, nếu biết cách.
Chồng Bắc kỳ + vợ Nam kỳ = Chồng phây phả, phè cánh nhạn.
Chồng Nam kỳ + vợ Bắc kỳ = Chồng te tua, lưng còng.

Nhưng đã là "luật" thì bao giờ cũng có "luật trừ", nghĩa là cháu không dám vơ đũa cả nắm đâu, với lại cháu chỉ lợi dụng cái "tự do ngôn luận" trên xứ người, xin bàn bậy vài chữ ngu ngơ để các cụ trong lúc "trà dư tửu hậu” đem ra trước là mua vui, sau là cho bớt chút căng thẳng trong cái cuộc đời... đen như mõm chó này!

Xin lỗi các cụ, nẫy giờ nói loanh quanh mãi, bây giờ cháu xin trở lại chuyện của cháu.

Bố cháu nghiêm khắc lắm và dĩ nhiên giáo dục con cái theo truyền thống Bắc kỳ. Đã có gốc có ngạnh, có cả sự nghiệp bề thế trong Nam nhưng vẫn... thờ cơm Bắc kỳ, vẫn lễ phép Bắc kỳ, vẫn giữ giọng nói Bắc kỳ và thậm chí còn ra lệnh, dâu rể cũng phải... Bắc kỳ ráo! Mỗi lần cháu dẫn bạn gái về nhà, bố cháu liếc mắt một cái là biết ngay cô nàng Bắc hay Nam.

Có một ông bố tinh đời như thế đôi khi lại... phiền! Với một mợ Bắc kỳ, bố cháu thân mật tươi cười "Cháu vào nhà chơi! bố mẹ cháu khỏe mạnh không?”, cứ làm như quen biết từ lâu vậy. Gặp cô ả Nam kỳ thì lạnh nhạt khinh khỉnh "Không dám, chào cô!” Cô bạn gái Nam kỳ mặt nghệt ra thưởng thức văn chương Bắc kỳ, còn cháu nghe qua mà thốn từ dạ dầy đến ruột non.

Nghe Bắc kỳ chê, nghe Bắc kỳ chửi, mà cứ tưởng mình đang nghe thơ phú hay nghe nhạc êm dịu mới chết chứ! Nếu quen cô nào Trời sinh có mấy cái vòng hơi... sexy một tí, Bắc cũng như Nam, cháu phải dấu biệt vì sợ lựu đạn nổ tung trong nhà. Điệu này coi bộ hơi khó sống. Thôi thì Bắc Trung Nam cũng một nhà, hạnh phúc lứa đôi đâu phải do thằng hàng xóm, mà là do chính mình. Thế rồi cháu đã từng hạ quyết tâm với bố: lấy vợ Bắc kỳ, cho phải đạo làm con. Em nào Bắc kỳ, rước về nhà cho bố xem mặt mà bắt hình dong (cứ như đi mua gà chọi). Em nào Nam kỳ, điểm hẹn sẽ là mấy ống cống dưới gầm cầu xa lộ Đại Hàn.


( Trường Trung Học Gia Long, Sài Gòn )

Thiên bất dung gian! cháu lại phải lòng một ả Nam kỳ, Nam kỳ không lai giống, cái thứ Nam kỳ Gia Long kên kên xí xọn. Hồi đó cháu đi lính Không Quân của miền Nam, thấy đám phi công trời đánh đa số cũng đều là Bắc kỳ, chẳng hiểu tại sao? Dân Nam kỳ cũng có, Trung kỳ lại càng ít hơn, nhưng đứa nào cũng có... "cái mồm Bắc kỳ”.

Cháu còn nhớ khi thi gia nhập Không Quân, phải đủ ký lô, đủ kích thước, lục phủ ngũ tạng bị khám tuốt luốt, phải trần trùng trục như con nhộng rồi nhẩy lên nhẩy xuống cho mấy ông bác sĩ... "vạch lá tìm sâu”, chứ đâu có thi tuyển đứa nào "lắm mồm”! Thế mà thằng nào thằng nấy đều có cái "chứng chỉ lắm mồm” cao hạng dấu kỹ trong túi áo bay.

Một hôm đang trực phòng hành quân thì ông xếp (ông này Nam kỳ quốc) hỏi có thằng nào rảnh ra phi đạo chở con cháu gái vợ của xếp theo tàu từ Sài Gòn ra Nha Trang đem về nhà bà vợ đang có bầu sắp đẻ. Tưởng đi biệt phái hành quân chứ cái màn này cháu khoái lắm: "Chuyện nhỏ mà xếp, có tui ngay”. Ông xếp của cháu cũng chẳng vừa, nhìn thấu tim gan thằng đàn em: "Lẹ lẹ lên coi, tàu sắp đáp rồi đó, sách tao mày học hết còn dư có cái bìa, nhưng mà từ từ thôi nghe cha nội, lạng quạng con mẻ chửi tao thấy bà!” Lúc đó cháu đâu có ngờ rằng, cái chuyện nhỏ như mắt muỗi này lại thành chuyện lớn, lớn khủng khiếp, ảnh hưởng đến hết cả cuộc đời cháu!

Cô cháu gái ông xếp không có cái dạng "ngực tấn công, mông phòng thủ” như trong "xi la ma”, thế mà ngay từ phút ban đầu cháu đã bị dáng ngay tim một cái búa tạ chình ình chứ chẳng phải tiếng sét tầm thường.

- "Cô đi máy bay có mệt lắm không?”

- "Dạ!”.

- "Ra thăm cô dượng hả?”

- "Dạ!”.

- "Cô lên xe đi, tôi đèo cô về”

- "Dạ!”...

Chèng đéch ơi! sao mà cụt ngủn cộc lốc thế bà nội? Cái gì cũng ”dạ” hết ráo thì cháu biết đâu mà rờ! Đúng gái Nam kỳ! Chợt nghĩ, không biết bà dzợ xếp tới giờ này có còn ”ngây thơ”, ”dạ dạ” với xếp như dzậy nữa hay không? Xếp cháu đang ở San José, nếu xếp có đọc những giòng chữ này thì xếp cũng bỏ qua dùm vì thằng em đã thuộc lòng trọn bộ sách của xếp từ khuya rùi!

Từ đó cháu với nàng rủ rỉ rù rì cùng nhau đánh vần mấy chữ ”hình như là tình yêu”. Cuộc tình của cháu với nàng êm ả như quả lắc đồng hồ treo trên tường phòng khách nhà cháu, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố cháu thì quả lắc đồng hồ bỗng ngất ngư như bị đứt dây thiều. Thương quá, cháu đánh liều, ”mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua”, chuyến này nhất quyết không chui ống cống gầm cầu xa lộ, mà dắt nàng về nhà trình diện bố. Bố vẫn khinh khỉnh: ”Không dám! chào cô”. Nàng vui tính: ”Ba anh coi ngầu quá hén!”, cháu tỉnh bơ: ”Không ngầu sao làm bố anh được!”.

Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân Nam kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè, hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc kỳ. Ông chỉ vì thương con, lo cháu lấy nhằm cô vợ Nam kỳ cả ngày chỉ biết... phè cánh nhạn, ăn no lại nằm, thì con cưng của ông sẽ thành thân trâu ngựa suốt đời. Còn mẹ cháu, vốn dĩ nhà quê răng đen mã tấu bảo rằng, nghe Nam kỳ nói chuyện cứ tưởng nghe tiếng nước ngoài, chỉ hiểu một nửa! Cháu cãi lại, Bắc kỳ cũng có khối đứa lười, lười như... cháu đây là hết mức rồi!

Một hôm cháu đưa nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo nàng tiện bữa ngồi ăn luôn. Cháu đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống ghế, cháu kéo lên không kịp. Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng, đi đâu gặp khách Bắc kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta mời dăm lần bẩy lượt, ăn liền người ta chửi mình... chết đói!

Nam kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống bếp, đói ráng chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn! Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau: ”Mời bác xơi cơm, mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”, mời... mời... mời tùm lum! Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu nhất, mời từ trên xuống dưới, trong nhà chỉ có con Tô Tô đang nằm chực dưới gầm bàn là nó không mời. Nó lại chẳng được ai mời để xơi, út mà! nhưng rồi vẫn xực ào ào!

Cô bạn Nam kỳ của cháu trố mắt nhìn cháu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì thầm:

- Em mời gia đình ăn cơm đi!

- Ủa! gia đình anh mời em ”ăng” mà ? Bộ ”ăng” cũng phải mời... mời... xơi... xơi sao?

Nàng ấp a ấp úng cũng ráng mời:

- Dạ mời bác, mời bác, dạ mời... à... à... mời anh, mời em...

Chợt bố cháu lên tiếng:

- Thôi đủ rồi, cháu mời người trên thôi, còn mấy em cháu không phải mời... Mà hay thật! Con bé này vui vẻ, ngoan ngoãn lắm! Sao con cứ ăn hiếp nó mãi!

Nghe bố cháu nói mà bụng cháu cứ như mở cờ, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng nấu cơm Nam kỳ cho gia đình cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền:

- Dạ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác!

- Sao? cô muốn búng hả? Lỗ tai tôi đây này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi!

Thế là cả nhà cháu được một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:

- Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái ”cùi dìa” với cái ”muôi” để trong ngăn kéo đấy!

Nàng ngớ ra cứ như được nghe tiếng... Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều thông thái giải thích ngay:

- Cái ”cùi dìa” Nam kỳ kêu là cái ”muỗng”, tại Bắc kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là ”la cuiller” thì Bắc kỳ gọi luôn là cái ”cùi dìa” cho tiện. Còn cái ”muôi” Nam kỳ kêu là cái ”vá”, chữ ”vê” thì đọc là ”dê” cho nên gọi là cái ”dzá”, phải không?

Nàng đỏ mặt, bĩu môi ”Cái đồ dzô dziêng, tui đi dzìa à nghen!”

Sau bữa cơm hôm ấy, hình như bố cháu bắt đầu ”chuyển hệ”, có vẻ gần gũi thân mật với nàng hơn vì thấy nàng thật thà, có sao nói dzậy, không đãi bôi, không vòng vo tam quốc, nhất là... không lười như ông nghĩ. Thừa thắng xông lên, cháu thủ thỉ với mẹ cháu là cháu muốn lấy nàng làm vợ. Mẹ bàn với bố, bố vẫn ngần ngừ.

Tại bố cháu không biết đấy chứ, cháu đọc lóm từ một quyển sách nào đó người ta viết rằng, trong lịch sử nước ta hầu hết các vua chúa miền Trung đều có nhiều bà vợ bé, mà hầu như bà nào là Chánh Cung Hoàng Hậu cũng đều là Nam kỳ: vua Minh Mạng có rất nhiều vợ, đa số là các bà Nam kỳ, Chánh Cung là bà Hồ Thị Hoa, người Biên Hòa; Chánh Cung của vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ, người Gia Định; Vợ chánh của vua Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu), là người Gò Công. Mấy ông vua cũng tinh đời đáo để! Nhưng cháu ”không phải là vua, nên mộng ước thật bình thường”, chỉ xin ”... quỳ lậy Chúa trên Trời, sao cho lấy được... con nhỏ Cái Bè con thương!”

Thật là oái oăm: cá đã cắn câu mà bố cháu vẫn chưa cho giựt cần! Tuy thế, thỉnh thoảng bố cháu cũng dò hỏi về gia đình nàng. Thì cháu đã nói rồi mà, ”quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn”, ruộng đất mênh mông, sông nước dập dình, ăn nói ”ngắn gọn và dễ hiểu” chứ không ”dài dòng nhưng khó hiểu”... kiểu Bắc kỳ! Chấm hết!

Ngày vui nhất đời cháu là ngày bố cháu ra lệnh sửa soạn ”lên đồ dzía” đến thăm gia đình nàng. Sao bố cháu không nói thẳng thừng ra là đi ”hỏi vợ”, đi ”chạm ngõ” cho xong. Nhưng mà cần gì phải ”chạm ngõ” với lại ”chạm cổng” cho rườm rà rắc rối, nhà của nàng cháu biết từng phòng, quen từng góc, rõ từng cột.

Mỗi lần cháu từ đơn vị ”dù” về đều có chút quà biếu ba má nàng, cho mấy đứa em nàng và cho cả cô Ba giúp việc trong nhà (học theo sách dụ khị của xếp cháu đấy!). Lần nào gặp ba nàng là lần đó có... nhậu. Đồ nhắm lúc nào cũng có sẵn, lúc củ kiệu tôm khô, khi ra sau hè ngắt mấy trái xoài tượng chấm mắm nêm ngào ớt, kẹt quá cột sợi ny-lông dzô ngón chân cái, đầu kia cặm mấy con trùng liệng xuống sông, cũng câu được mấy con cá lên nướng làm mồi. Nam kỳ trù phú mà! Ổng không nhậu bia nhậu rượu, mà nhậu đế; không nhậu bằng cốc hay ly mà nhậu bằng tô, tô nào tô nấy bằng cái bát ăn cơm nhà cháu. Thế mà ổng lúc nào gặp cháu thì cứ nói rằng: ”Dô dzới tao dăm ba sợi nghe mày!”

Chưa tới nửa sợi cháu đã guắc cần câu! ”Lính tráng như mày chi mà yếu xìu sao oánh giặc nổi? Dzô cái coi!” Ổng thương, ổng coi như con như cháu, ổng mới kêu cháu bằng ”mày”. Tiếng ”mày” của Nam kỳ biểu lộ cái chân tình, sự gần gũi thân thương, không như Bắc kỳ khi đã xổ ra tiếng ”mày” rồi thì... ô hô! ô hô! thiện tai! thiện tai! chạy cho lẹ!

Một hôm đang nướng con mực khô nhậu lai rai với ổng, bỗng có khách gõ cửa bước vào, mặt ổng sáng lên như sao băng, vừa cười vừa nói:

- Chèng đéc ơi anh Sáu Lèo! hôm qua tui chờ qua qua mút chỉ cà tha, hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua lại qua, nay qua rồi có thằng rể tương lai tới thăm, nhào dzô chơi vài xị, hôm nay có ớt nè qua!

Nói chi mà cứ qua đi qua lại, qua tới qua lui, nói cũng như thơ phú đấy chứ, thế mà mẹ cháu cứ nói tiếng Nam kỳ nghe sao như tiếng... nước ngoài!

Bắc kỳ vẫn có câu ”dâu là con, rể là khách”, nhưng Nam kỳ thì ”dâu là con, rể cũng là... con luôn”. Bố dzợ chịu chơi lại gặp thằng rể cũng chịu chơi luôn, dzô ba xị rồi thì coi như... bạn, chơi xả láng sáng dzề sớm, còn má dzợ bỗng nhiên thành... chơi chịu! Nàng kể cho cháu nghe, nhiều lần ổng đi nhậu quá giờ giới nghiêm chưa chịu về, cả nhà trông đứng trông ngồi. Chợt nghe tiếng xe Vespa quen thuộc chạy ngang nhà, cứ thế nghe cái ”dzù” rồi lại chạy mất tiêu, lại nghe cái ”dzù” rồi đi tuốt luốt! Sinh nghi, nàng chạy ra cổng đón đường chặn xe: ”Ba ui! Ba ui! Tới nhà rồi nè!”. Ổng chợt tỉnh, quẹo dzô thắng cái "két", xe đổ cái "rầm", ổng té cái "đụi", miệng lèng nhèng ”Ủa, nhà mình đây rồi sao? Dzậy mà tao chạy dzòng dzòng kiếm hoài hổng ra!”

Ngày cưới, cháu chọn nhà hàng Đại La Thiên của chú Ba tuốt bên Chợ Lớn cho có vẻ trung dung, không Nam cũng không Bắc mà là cơm Tàu. Không xài Karaoke nhưng chơi nhạc sống. Có ông chú dzợ tên là Ba Phoóng làm nhạc trưởng cho mấy bà xồn xồn Nam kỳ lên sân khấu ca cải lương hà rầm. Hình như 7 thứ nghệ thuật của nhân loại đối với Nam kỳ đều tóm gọn trong mấy câu dzọng cổ thiệt mùi.

Đám cưới cháu người ta chụp nhiều hình lắm. Ông bố vợ coi hình gục gặc cái đầu: ”Chèng đéch ơi! thằng rể tao chụp hình coi phông độ dzữ hén! Ráng nghe mày!” Cháu chẳng hiểu ổng nói cháu phải ráng cái gì? Nhưng có một cái cháu phải ráng là cái chắc, ai biểu ham dzợ Nam kỳ... mũi cao chân dài!

Còn bố cháu xem ảnh thì lại phán một câu xanh rờn: ”Con dâu bố chụp với bố ảnh này đẹp quá, giá mà đứng cạnh bố con khoanh tay lại thì còn đẹp hơn biết bao!”. Ông xếp cháu, khơi khơi tự nhiên thành ông dượng, sẵn có dăm ba ly nhưng mắt vẫn láo liên ngó bà cô, rồi len lén kể lể làm oai: ”Thấy chưa mày! Hồi đó tao xách máy bay xuống Vĩnh Long rồi lạng qua Cái Bè, mới lạng chơi dzài ba dzòng là dzớt luôn bà cô mày, ngon chưa!” Cám ơn ”ông xếp dượng” đã có công ”nối giáo cho giặc” rồi rước luôn giặc vào nhà. Còn mấy thằng bạn Không Quân quỷ sứ thì xúm nhau ca bản ”Mùa thu chết”... đã chết rồi, cho mày... chết luôn!

Ngày qua ngày, cháu không chết mà vẫn sống nhăn răng với bà vợ ”quý phái bình dân”, bây giờ đã có 4 con với 3 đứa cháu ngoại để nựng. Nam kỳ cũng chăm chỉ đấy chứ! Thế là xong một đời phiêu bạt giang hồ, bay bướm, quậy phá! Được cái vợ cháu cưng cháu lắm (Nam kỳ mà!). Bao nhiêu công việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, hút bụi, trồng cây, giặt đồ... vợ cháu dành làm hết ráo.

Bả nói ”tay chân ông như thằng cùi, làm đâu hư đó, để tui làm luôn cho lẹ!”. Cháu đi làm mang tiền về, bả cũng không thèm động tới, bảo rằng ”tui hỏng cần anh nuôi tui!” Thế nhưng vợ cháu ghen khỏi nói, trong vườn trồng nhiều ớt hơn trồng hoa, ghen có đẳng có cấp, ghen có kế hoạch, có phương án đàng hoàng. Ghen thì ghen, lâu lâu cháu cũng theo bạn bè... nhảy dù vài sô, về nhà im thin thít, thế mà bả cũng ”nghe” được mùi, lườm lườm, nguýt nguýt, rồi cũng huề tiền.

Sau này cháu mới khám phá ra vợ cháu rất sòng phẳng, đâu ra đó, nếu ”ăn bánh trả tiền” là... cho qua cầu gió bay, không thèm chấp. Một hôm vô tình đọc báo thấy tin cô Quờn, người Sóc Trăng, ghen chồng lăng nhăng, lẳng lặng lựa lúc chồng đang say túy lúy, xách con dao bếp cắt luôn... của quý của chồng đem quăng sau vườn. Cô Quờn ra tòa ngồi chơi 4 năm tù.

Trời đất Thiên địa ơi! Nam kỳ mà ghen kiểu này chắc cháu chết sớm, cháu dấu luôn tờ báo, ai dè vợ cháu chu môi oỏng ẻng: ”Cái đó còn đỡ à nghen! gặp tui là tui cho luôn dzô cái máy xay thịt rồi quăng cho bầy gà ăn, chớ giờ người ta dzăng minh lắm, khâu nối lại mấy hồi!” Má ơi là má! Cháu nghe mà ớn lạnh xương sống! Chơi kiểu này thì hơn xa các mợ Bắc kỳ rồi! Nhưng cháu lại được phép kéo bạn bè về nhậu... xả láng, nhậu ”vô tư”. Xỉn quá thì: “Anh mệt rồi nghen, uống ly nước đá chanh nè, rồi dzô đây em cạo gió hết liền!”. Bạn bè ói mửa tùm lum thì: ”Hổng sao đâu, anh ngồi tiếp mấy ảnh đi, em dọn cho!” Mấy thằng bạn có vợ Bắc kỳ ngó phát thèm!

Chắc khí thiêng sông núi Bắc kỳ linh thiêng hùng vĩ, hay nói theo khoa học hiện đại là cái ”dzen” Bắc kỳ quá mạnh, nên vợ cháu nửa dưới vẫn còn là Nam kỳ, nhưng nửa trên đã hóa thành Bắc kỳ: không nói ”bự bành ky” mà nói ”to vật vã”; không gọi ”trái bom” mà gọi ”quả táo”; thích ăn canh rau muống hơn nấu canh chua; nhưng đặc biệt nhất là ăn nói không còn ”ngắn gọn và dễ hiểu” như xưa, mà bây giờ thì.. ôi thôi! ”dài dòng, ào ào như thác đổ”, nghe riết muốn khùng!

Bố cháu ăn ”bún(g) mắm thịt ba rọi” của vợ cháu nấu, đến phát nghiền, nghiền luôn cả chén nước mắn pha đường. Nhà cháu có bốn anh em trai thì bố cháu có tới ba ả dâu Nam kỳ, nhưng cả đám hợp lại vẫn thua xa một mợ dâu Bắc kỳ, ăn nói ngọt như đường phèn, dịu dàng khoan thai như thiên nga, thêm cái tài... chửi như hát di truyền. Thế là cái mộng ”dâu rể phải là Bắc kỳ” của bố cháu bị nước sông Cửu Long vùng Nam bộ cuốn trôi tiêu tùng. Bố cháu bây giờ cũng rành ”sáu câu” về Nam kỳ lắm, ông bảo người ta nói rằng:

- ”Tính tình gái Nam kỳ giống như mưa Sài Gòn: đỏng đảnh nhưng mau quên; tính tình gái Bắc kỳ giống như mưa Hà Nội: âm ỉ và dai dẳng”.

Lợi dụng lúc ông đang vui vẻ, cháu bèn phụ họa :

- Bố biết không, người ta cũng bảo: ”Ở Sài Gòn nhiều em sinh viên giống như ca ve; Ở Hà Nội nhiều em ca ve giống như sinh viên”, đúng không bố?

Bố cháu quắc mắt:

- Sao dám ăn nói lăng nhăng thế hả?

Cháu chuồn nhanh kẻo ông nổi giận. Thôi thì đến nước này rồi, cúi xin các cụ cũng rộng lòng bỏ qua cho cháu nếu có gì gọi là thiên vị, bởi vì con gái Nam kỳ bây giờ đã là ”cây nhà lá vườn” của cháu, nên cháu đành phải ”ta về ta tắm ao ta”, ôm lấy cái ao Nam kỳ, ôm cứng cái cây sầu riêng Nam bộ cho phải đạo ”tình Bắc duyên Nam”, nếu không cháu phải ôm thùng mì gói suốt đời. Mong sao các cụ đọc xong rồi bỏ qua, cứ coi như một chuyện tầm phào, bởi vì cháu đã liều mình như mấy mợ Hà Nội làm con chim đa đa, không lấy vợ gần mà lấy vợ xa, xa tuốt luốt tận cái xứ Nam kỳ với giòng sông 9 cửa.

Nguyễn Hữu Huấn