Võ Văn Trung & Trần Đình Phước |
Khoá 7/68 KQ có hai SVSQ tên Trung:
- Người thứ nhất là Trương Hữu Trung tức Trung Mù vì đeo kính trắng dày cộm, hay Trung Kỷ Luật vì bị làm SVSQ Kỷ Luật của Đại Đội.
- Người thứ hai là Võ Văn Trung tức Trung Chứng Chỉ. Tôi nhớ, sở dĩ có nick name này được đặt là do anh Trung trong lúc nói chuyện với anh em, anh khoe với chúng tôi trước khi vào Không Quân, anh có mấy chứng chỉ Luật. Vì thế cái tên Trung Chứng Chỉ đi theo anh trong suốt cuộc đời binh nghiệp cho đến lúc anh ra đi.
Khoá 7/68 KQ gồm hơn hai trăm Sinh Viên Sĩ Quan vừa Phi Hành và đông nhất là Không Phi Hành. Có lẽ anh Trung là một trong vài SVSQ lớn tuổi nhất trong khoá. Anh sanh năm Canh Thìn 1940. Trong số đó phải kể thêm anh Lê Quang Đức, anh Bùi Ngọc Sương… Ngoài ra, đa số chúng tôi lúc tình nguyện vào KQ đều ở tuổi hai mươi.
Trong thời gian thụ huấn ở quân trường, cũng như khi đổi ra đơn vị. Tôi ít có dịp giao thiệp với anh Trung. Thỉnh thoảng chỉ chào hỏi mỗi khi gặp nhau. Tuy nhiên, các bạn trong khoá và tôi đều có nhận xét chung nơi anh Trung là một con người hiền hoà, dễ mến, đàng hoàng và được anh em nễ trọng vì tuổi của anh lớn hơn chúng tôi.
Tôi xin được kể hai kỷ niệm với anh như sau:
- Lần thứ nhất.
Khoảng cuối tháng 4, năm 1973 trong lúc đi công tác huấn luyện cho Đài Kiểm Báo Peacock ở Pleiku. Tôi theo bạn Lý Chỉnh, bạn cùng khoá là phi công lái Trực Thăng thuộc Phi Đoàn 235 đi công tác ở Nha Trang. Chỉnh rủ tôi đi theo cho biết Nha Trang. Nhờ đi theo Chỉnh tôi đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Nếu hôm đó tôi về Sàigòn thì tôi đã theo Ông, theo Bà vì phi cơ trực thăng của Phi Đoàn Lạc Long 229 do Trung Uý PHB, trưởng phi cơ và LVS, phi công phụ lái về Sàigòn bị lâm nạn ở Ban Mê Thuột. Tất cả phi hành đoàn và hành khách đa số là SVSQ/KQ đi phép đều tử thương. Lúc tai nạn xảy ra, phi cơ do bạn Chỉnh lái đang bay trên không phận Phú Bổn. Chỉnh cho tôi hay, nghe xong mồ hôi tôi chảy ra toát lạnh cả người.
Khi tới Nha Trang, Chỉnh đón xe về thăm gia đình ở Thành cách Nha Trang khoảng hơn 10 cây số. Còn tôi đi ra phía cổng Sư Đoàn 2 Không Quân tìm phương tiện thăm bạn bè mà đã từ lâu tôi không gặp.
Đang bơ vơ chưa biết đi đâu thì gặp anh Trung là Sĩ Quan Quân Cảnh đang đứng trước cổng sư đoàn. Anh hỏi tôi làm gì ở đây? Tôi trả lời theo bạn Chỉnh đi Nha Trang thăm vài người bạn. Anh nhìn đồng hồ tay, thấy sẵn tới giờ ăn trưa. Anh nói tôi lên xe. Hôm nay anh mời tôi đi ăn ở quán ăn mà anh thường ghé. Đó là Quán số 6, nằm dọc theo bờ biển. Lâu ngày anh em có dịp hàn huyên tâm sự. Anh đãi tôi với các món ăn thịnh soạn của nhà hàng.
Tôi thấy cung cách anh nhẹ nhàng, giọng nói nhừa nhựa phảng phất nét thật thà của người miền Nam. Tôi bỗng quý mến anh thêm. Sau khi ăn trưa và chia tay anh. Tôi không có dịp gặp lại anh nữa! Nhưng hình ảnh anh vẫn còn trong tôi. Một con người hiền lành, dễ thương.
- Lần thứ hai.
Năm 1994, tôi lang thang ở New York. Nghe tin anh gia đình anh đang ở Dorchester, MA. Tôi đã dành thời gian vào dịp lễ Halloween để đi thăm gia đình anh, thăm thân mẫu bạn Nguyễn Hữu Trí (đen).Trí là phi công trực thăng thuộc Phi Đoàn 235 đã mất trong lúc làm nhiệm vụ bay bảo vệ vỏng đai phi trường Cù Hanh.
Hôm đó đón tôi tại trạm xe điện ngầm lúc 4 giờ sáng có ba người đều là KQ: Anh Trung, Niên Trưởng Bùi Gia Định đi H.O 10 trước tôi và Niên Trưởng Sơn Thái Huyền, phi đoàn Thần Tượng 215 ở Nha Trang mới vừa đến định cư ở đây được vài ngày.
Anh Trung đã chuẩn bị phòng ốc cho tôi sẵn từ trước. Sau khi làm vệ sinh mọi thứ, cùng điểm tâm chung. Chúng tôi hẹn ghé nhà thăm thân mẫu Trí. Trước đó tôi đã liên lạc với bà sẽ đến nhà dùng cơm trưa. Bà con Cây Quéo ,Gia Định thường gọi bà là Bà Út cơm tấm. Phải nói là cơm tấm bà nấu rất ngon, nhất là món nước mắm độc đáo, bí truyền. Tôi đã ăn cơm tấm nhiều nơi, nhưng so sánh không nơi nào bằng Cơm Tấm Bà Út Cây Quéo.
Khi đến nhà thì thức ăn đã dọn sẵn, toàn là đồ biển với những con cua khổng lồ được rang me và nhiều món đặc biệt khác do chính tay bà nấu. Tôi hỏi còn cơm tấm của bà đâu thì bà cho biết sang Mỹ không có loại tấm mà bà thường nấu. Vì thế, bà không có dịp thi thố tài năng. Hiện bà vẫn còn ở Dorchester với con cháu Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm hỏi sức khoẻ bà và mong có dịp trở lại nơi đây. Từ lâu, Bà vẫn xem các bạn của Trí như con ruột của bà. Hồi xưa, Bà mong trong số bạn bè của Trí sẽ có đứa được bà nhận là con rể, nhưng tất cả đều trớt quớt. Về sau, em gái Trí lập gia đình với một Giáo Sư dạy Kỹ Thuật, coi như an toàn trên xa lộ. Tỷ lệ làm goá phụ ngây thơ rất thấp. Nghe đâu gia đình cô sắp được sang đoàn tụ với mẹ ruột, sau nhiều năm dài chờ đợi,
Tôi ở lại chơi với anh Trung thêm một ngày. Anh đưa tôi đi thăm nhiều nơi, săn sóc tôi như một người anh dành cho đứa em thân yêu của mình.
Hôm nay viết những dòng chữ này thì Niên Trưởng Bùi Gia Định đã mất cách đây vài năm. Trước khi đi H.O, anh và tôi thường gặp nhau bên ly cà phê, học đánh máy chung ở trường Régina Pacis cũ. Khi tôi ở NY, anh đã ở chung với tôi hơn nửa tháng. Hai anh em có nhiều thời gian tâm sự. Anh kể cho tôi nghe rất nhiều về anh, về cuộc sống gia đình, về đời binh nghiệp nhiều truân chuyên sóng gió bởi sự thẳng thắn, cương trực. Tôi cũng được biết anh là một phi công xuất sắc, gan dạ, một cấp chỉ huy gương mẫu và rất kỷ luât. Trong lao tù thì can đảm, bất khuất.
Xin viết thêm trong KQ/VNCH có 4 Sĩ Quan mang cấp bậc Trung Tá cùng tên Định: Hồ Bảo Định, Nguyễn Tấn Định, Lê Bá Định và Bùi Gia Định.
Niên Trưởng Sơn Thái Huyền thì tôi không có tin tức.Và hôm nay được tin anh Võ Văn Trung mất, sau một thời gian dài ra vô bệnh viện.
Tôi vẫn còn nhớ, mỗi lần điện thoại thăm anh. Khi hỏi thăm sức khoẻ thì anh đều lạc quan trả lời với giọng nhè nhè “chưa có sao đâu, Phước ơi! Khi nào Trời kêu thì dạ thôi!” Tôi hy vọng anh khoẻ lại và sẽ gặp anh vào dịp kỷ niệm Hội Ngộ 50 năm khoá 7/68 KQ vào cuối tháng 9/2018 này.
Nay anh đã nhẹ nhàng cất cánh ra đi bên cạnh hiền thê, hai con gái đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Anh không còn gì phải lo lắng, vướng bận.
Các bạn khoá 7/68 KQ và tôi xin chia buồn cùng gia đình anh. Cầu chúc anh đi vào cõi thênh thang bình yên, không còn bị phiền toái cùa cuộc sống đời thường, phải lo toan và cưu mang đủ thứ.
Xin hãy ngủ yên nghe anh Trung! Võ Văn Trung tức Trung Chứng Chỉ của khoá 7/68 KQ được hầu hết anh em trong khoá kính mến và vô vàn thương tiếc.
Trần Đình Phước - BM
(San José, CA - 03/2018)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!