Phạm Anh Dũng, MDMusic videos: Hoàng Khai Nhan & YouTubeViết cuối mùa Thu 2001, khi được tin Đoàn Chuẩn qua đời
Em yêu dấu!
Em yêu dấu! Ngay khi chưa gặp gỡ, anh đã biết anh gặp và yêu em đã từ lâu. Tại sao chưa thấy nhau bao giờ mà có cảm giác đã gặp và yêu từ trước? Làm sao có thể giải thích được em nhỉ! Đôi khi, chỉ đôi khi thôi, anh muốn hỏi Chúa, hỏi Phật lý do nhưng không biết làm cách nào để hỏi. Và dù cho nếu mà hỏi được, chắc câu trả lời cũng sẽ gần như chỉ là một câu hỏi ngược lại: Làm gì có sự giải thích trong tình yêu? Thật ra cũng chẳng cần giải thích. Với lý luận giản dị của anh, em là cánh hoa duyên kiếp đã đến với anh từ một tiền kiếp xa xưa: "...Đêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa... Lúc anh về nhặt mấy cánh hoa, kèm vào thư, lá thư xanh mầu Yêu cánh hoa duyên kiếp này, tìm em trong ý Thu..." (Cánh Hoa Duyên Kiếp)
Em yêu dấu! Rồi chúng ta cuối cùng cũng gặp nhau. Anh cứ nghĩ mãi về lần đầu tiên chúng mình gặp gỡ buổi chiều Thu hôm ấy. Không hiểu sao, ngay từ lúc gặp em lần đầu, anh đã yêu hình dáng ngập ngừng của người em gái với đôi quầng mắt đậm màu. Em từ đâu đến? Tại sao gặp nhau lần đầu mà chúng ta đã có những duyên tình cũ? Tình yêu nồng nàn nghệ sĩ đẹp như giấc mộng chiều Thu chan hòa nắng ấm chắc đã được xếp đặt từ kiếp trước. Nhưng, hình như ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, anh đã cảm được phút cuối khi chúng ta phải xa nhau: "Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng. Mơ tới bên em, em tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung... Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ. Chóng tàn vì vướng muôn ý thơ..." (Tình Nghệ Sĩ)
Em yêu dấu! Anh chỉ biết là định mệnh đã xếp đặt cho chúng mình gặp nhau, và cũng định mệnh đã ngang trái xếp đặt phút chia ly cho cuộc tình ngắn ngủi của đôi mình. Chúng ta đã gặp nhau vào lúc mùa Thu, một mùa Thu bàng bạc gió cuốn lá rơi ngập hồn người. Ta đã thương nhau thật sự, sưởi ấm cho nhau khi mùa Đông đến. Mùa Xuân, chúng ta nồng nàn yêu nhau với đúng ngôn ngữ yêu của tình yêu. Thế rồi, cuộc tình chợt xa vắng, lặng lẽ khi mùa Xuân qua đi: "... Mộng nữa cũng là không. Ta quen nhau mùa Thu. Ta thương nhau mùa Đông. Ta yêu nhau mùa Xuân. Để rồi tàn theo mùa Xuân. Người về lặng lẽ sao đành..." (Tà Áo Xanh/Dang Dở)
Em yêu dấu! Rồi em đã ra đi! Rồi em đã ra đi trong một chiều Thu gió lộng làm cây đổ lá, khi con chim nhỏ bé buồn rầu không còn cất tiếng hót nữa. Rồi em đã ra đi khi những giọt mưa Thu rơi như giọt nước mắt khóc cho cuộc tình muộn màng. Những giọt lệ sầu thu héo hắt nhỏ xuống một dòng sông lạnh vắng, lặng lẽ cuốn trôi theo những chiếc lá vàng tàn tạ. Anh biết em đi sẽ không bao giờ trở lại. Mùa Thu của chúng ta sẽ mãi mãi là mùa của Mưa Ngâu: "...Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người, cầm bằng như không biết mà thôi. Lá thư còn lại đôi ba cánh, đành lòng cho nước cuốn hoa trôi..." (Lá Đổ Muôn Chiều)
Em yêu dấu! Lá thư đầy hương vị tình yêu anh vẫn còn giữ mãi đến gần đây. Dù với dòng thời gian, màu thư có héo úa như màu chiếc lá vàng mùa Thu rơi trước ngõ. Lá thư phai mực đó vẫn là chứng tích của cuộc tình chúng ta. Cho đến một ngày nào đó, rồi một chiều Thu nào đó, anh trở về chốn cũ và nhớ lại hình dáng năm xưa. Nơi hò hẹn cũ vẫn không có gì thay đổi. Nước vẫn chảy qua cầu, nhưng không còn bóng người xõa tóc. Mối tình nghệ sĩ có phai, lá thư anh đã đốt nhưng anh biết linh hồn của lá thư sẽ còn sống mãi, suốt đời, trong đáy quả tim hiu hắt của anh: "...Anh quay về đây đốt tờ thư, quên đi niềm ân ái ngàn xưa. Ái ân theo tháng năm tàn. Ái ân theo tháng năm vàng. Tình người nghệ sĩ phai rồi..." (Lá Thư)
Em yêu dấu! Chúng ta đã biết nhau, gặp nhau, yêu nhau, và rồi xa nhau. Tất cả đều là số mệnh cả! Ngậm ngùi, nhưng anh không trách em và anh biết em cũng không trách gì anh. Những người thật sự yêu nhau không bao giờ trách nhau. Anh biết em đi sẽ không bao giờ trở lại: "...Ai xui ta gặp nhau để tình gây oan trái, để tình anh bẽ bàng và tình em lỡ làng. Để mùa Thu lá vàng khóc tình ta..." (Vàng Phai Mấy Lá/Vĩnh Biệt)
Phạm Anh DũngTháng 10, năm 2001Santa Maria, California, USA CHÚ THÍCH: Thu Quyến Rũ, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Tình Nghệ Sĩ, Tà Áo Xanh tức Dang Dở, Lá Đổ Muôn Chiều, Lá Thư, và Vàng Phai Mấy Lá tức Vĩnh Biệt là bẩy trong những nhạc phẩm bất diệt về mùa thu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001). Đa số những tuyệt tác này có Từ Linh (1928-1987) phụ việc đặt lời.
|
Friday, December 2, 2016
Mùa Thu Đoàn Chuẩn
Friday, November 25, 2016
Sinh Nhật Tháng 11 (2016)
Monday, November 21, 2016
Tiếng Hát Nhiều Gắn Bó Với Tâm Hồn Việt Nam
Lily Doiron
Giới Thiệu: Trường Kỳ
Giai Điệu Quê HươngHát: Lily Doiron
Trăng Sông ThuThơ: Thân Văn LàoNhạc: Nguyễn ĐứcHát: Lily Doiron
Huế BuồnNhạc: Lê DinhHát: Lily Doiron
Bảy Ngàn Đêm Góp LạiNhạc: Trầm Tử ThiêngHát: Lily Doiron
Chuyện Một Chiếc Cầu Đã GãyNhạc: Trầm Tử ThiêngHát: Lily Doiron
Tình Hoài HươngNhạc: Phạm DuyHát: Lily Doiron
Xuân Này Con Không VềNhạc: Nhật NgânHát: Lily Doiron
Ngậm NgùiThơ: Huy CậnNhạc: Phạm DuyHát: Lily Doiron
Lòng MẹNhạc: Y VânHát: Lily Doiron
|
Monday, October 31, 2016
Những Bài Thơ Viết Về Pleiku
Những Bài Thơ Viết Về Pleiku (Phần 1)Nhã Lan & Nguyễn Mạnh TrinhClick on the video below to play Part 1!
Những Bài Thơ Viết Về Pleiku (Phần 2)Nhã Lan & Nguyễn Mạnh TrinhPhần 2Click on the video below to play Part 2!
|
Thursday, October 27, 2016
Hình Ảnh Hội Ngộ 2016
by Nguyễn Thế LongTổng kết tất cả photos của RU48 từ 09-30 đến 10-02-16 tại California USA:
151 Photos - RU48 Tiền Phi 09-30-2016https://flic.kr/s/aHskL49Gfx
35 Photos - Nhạc Cảnh 10-01-16https://flic.kr/s/aHskLaWW96
31 Photos - Nghi Thức Khai Mạc 10-01-16https://flic.kr/s/aHskEUJKDb
115 Photos - Chân Dung 10-01-16https://flic.kr/s/aHskEUKRRQ
173 Photos - Văn Nghệ RU48 10-01-16https://flic.kr/s/aHskJgecF8
127 Photos - Hình Ảnh Anh Chị K768KQ Tham Dự RU48 10-01-16https://flic.kr/s/aHskJgeZMr
124 Photos - RU48 Hậu Phi 10-02-16https://flic.kr/s/aHskJJ1uj1
19 Photos - Áo Nàng Màu Hoa Cúc Album#1https://flic.kr/s/aHskJC7d2g
16 Photos - Áo Nàng Màu Hoa Cúc Album#2https://flic.kr/s/aHskLBnFjM
147 Photos - Áo Nàng Màu Hoa Cúc Album#3https://flic.kr/s/aHskJAtSNf
|
7/68KQ 2016 Carnival Inspiration CruisePhotos by Bắc NinhClick on Left/Right arrow to browse the photo album!
|
Tuesday, October 25, 2016
Sunday, October 23, 2016
Saturday, October 22, 2016
Bằng và Tôi
Trần Đình PhướcĐối với tôi, Bằng là một mẫu người dễ mến và chân thật. Tôi quen biết Bằng khoảng cuối năm 1970 qua một Sĩ Quan KQ cùng ngành Kiểm Báo với tôi là Bì Vĩnh Bảo. Chúng tôi cùng phục vụ ở Trung Tâm 2 Kiểm Báo, KBC 6526 đóng tại Sơn Trà (Đà Nẵng), còn gọi là Panama hay Núi Khỉ (Monkey Mountain) vì trên núi này có rất nhiều khỉ. Theo Bằng thì BVB là bạn học chung lớp thời trung học. BVB thuờng rủ Bằng cúp cua đi xem phim ở các rạp hát vùng Tân Định và Đa Kao như: Moderne, Kinh Thành, Asam, Casino Đa Kao. Cũng chính BVB đã hướng dẫn cho Bằng phì phèo, nhả khói những điếu thuốc Ruby Queen đầu tiên trong cuộc đời. Bằng nhập ngũ khoá 6/68. Sau đó, du học Hoa Kỳ để trở thành Phi Công lái Trực Thăng UH-1. Về nước Bằng thuyên chuyển ra KĐ51CT/SĐ1KQ (Đà Nẵng) phục vụ ở Phi Đoàn 233(Thiên Ưng) mới vừa thành lập. Vì là phi đoàn tân lập, cấp số chưa đầy đủ, không có kinh nghiệm trận mạc, cũng như địa hình chíến đấu. Nên một số phi công thuộc Phi Đoàn 233, trong đó có Bằng được đưa qua Phi Đoàn 213( Song Chùy) là một phi đoàn đã có từ trước với những Trưởng Phi Cơ dày dạn chiến trường để được tiếp tục huấn luyện, học hỏi kinh nghiệm, và giám định khả năng hành quân cho đến khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào chấm dứt. Vào mùa hè lửa đỏ năm 1972, trong một phi vụ yểm trợ và tiếp tế cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến VNCH đang hành quân ở các căn cứ Hoả Lực nằm về phía Tây Bắc sông Thạnh Hãn. Hai trưc thăng của Phi Đoàn 233 bay vào mục tiêu. Chiếc số 1 do Trung Uý Cao Mạnh Hùng làm Trưởng Phi Cơ và chiếc số 2 do Bằng làm Trưởng Phi Cơ đang bay vào vùng hành quân, chẳng may phi cơ của Bằng bị trúng phòng không của VC từ dưới đất bắn lên. Lúc đó tôi đang ngồi trực Control ở Panama, thì được biết phi cơ của Bằng lâm nạn ở bên kia bờ sông Thạch Hãn. Nghe tin này, lòng tôi cảm thấy bồn chồn, rụng rời, cầu mong cho Bằng được bình an. Đến khi được tin phi hành đoàn của Bằng được Rescue kịp thời và Bằng chỉ bị thương nhẹ bên chân trái, lúc đó tôi mới an tâm phần nào. Thỉnh thoảng Bằng sang đơn vị tôi chơi, vì núi Sơn Trà có nhiều cảnh đẹp với những con suối nhỏ có tên dễ thương như: suối Mộng, suối Mơ, suối Tình, bông Sim Tím và bông Trang Đỏ nở ngút ngàn dọc theo hai bên vách núi vào những tháng Hè. Đôi khi còn gặp những đàn khỉ di chuyển rất đông thường kéo nhau ra đùa giởn giữa đường. Khi chúng nghe có tiếng xe thì chạy thục sâu vào trong núi. Đến khi xe đã đi qua và cảm thấy an toàn thì chúng lại lần lượt kéo nhau trở ra. Những ngày được nghỉ phiên trực tôi cũng hay sang Đà Nẵng chơi. Từ ngã ba Sơn Trà chỉ cần đón xe Lam 3 bánh ra tới bến đò sông Hàn. Qua đò xong, muốn đi đâu thì kêu xe Thồ chở đi tiếp. Thỉnh thoảng tôi ghé cư xá độc thân thăm Bằng. Hôm nào Bằng không đi bay thì chúng tôi ăn trưa ở quán cơm Thời Đại nằm đối diện với Nhà Thờ Chánh Toà Đà Nẵng, đôi khi ghé quán cơm Khí Tượng của gia đình em T.. ăn cho tiện. Đặc biệt, em T...có một nốt ruồi đen trên môi, theo tướng số học thì anh nào rước về làm vợ phải cày tối đa để có tiền nuôi em ăn quà vặt. Dù, lúc đó em còn dưới tuổi vị thành niên mà đã có nhiều anh “Phi Công danh tiếng muôn đời” ngắm nghía. Đúng là điếc không sợ súng . Có lẽ các anh hùng đã quen với đạn phòng không 12 ly 7 và 37 ly. Nghe đâu có một anh phi công trực thăng thuộc Phi Đoàn 233 khoá 7/68 KQ tán tỉnh được em??? Tôi rời Đà Nẵng đúng ngày 27/01/1973 là ngày Hiệp Định Paris thi hành, cũng ngày này Phi Trường Đà Nẵng bị VC pháo kích tơi bời. May mắn, thiệt hại không đáng kể về nhân mạng. Phi cơ quân sự C-130 chở hành khách trong đó có tôi cất cánh an toàn về Sàigòn. Và kể từ đó Bằng và tôi không có dịp liên lạc với nhau nữa! Sau khi Sư Đoàn TQLC được lệnh thay Sư Đoàn Dù để tái chiếm Cổ Thành (Quảng Trị). Bằng được biệt phái sang bay cho Chuẩn Tuớng Tư Lệnh Bùi Thế Lân. Được một thời gian Bằng chuyển về lại Phi Đoàn 213. Lúc này vừa làm IP (Instructor Pilot) vừa huấn luyện cho các khoá Trực Thăng đào tạo trong nước, vừa bay hành quân. Ngày 29/03/1975 là ngày Đà Nẵng di tản thì Bằng được thuyên chuyển về Phi Đoàn 225 thuộc Sư Đoàn 4 KQ trước đó một tháng. Khi Tổng Thống cuối cùng của VNCH là DVM kêu gọi các đơn vị quân đội buông súng đầu hàng Bằng đang thực hiện phi vụ tản thương các thương bệnh binh thuộc Sư Đoàn 9 đóng sát biên giới Cambodge. Khi hoàn tất phi vụ. Môt vài anh em xin được về nhà. Riêng, Bằng cùng anh em còn lại trong phi hành đoàn và một số thân nhân bay ra Côn Sơn đổ xăng, rồi tiếp tục lấy hướng bay ra hải phận quốc tế đáp xuống an toàn trên một pháo hạm của Hạm Đội 7 đang làm nhiệm vụ tiếp cứu ngoài khơi vào khoảng 3 giờ chiều ngày 30/04/1975 để bắt đầu hát bài "Người Di Tản Buồn.” Trước đó Bằng gửi một cái Cassette nhờ một anh bạn cầm về trao lại cho tôi và dặn mang lại nhà của chị ruột Bằng là tiệm may Trang trên đường Nguyễn Thiện Thuật, gần Dépot rác để trao lại. Anh bạn chỉ trao lại và không nói thêm gì cả, làm tôi tưởng Bằng cho tôi, nên tôi đem bán. Cũng nhờ đó mà tôi mới có tiền làm lộ phí lên đuờng khăn gói theo học “Đại Học Máu”. Và tôi coi như mắc nợ Bằng không biết bao giờ có dịp trả .
Đến đây thì Bằng và tôi hoàn toàn mất liên lạc. Tháng 10 năm 1992, gia đình tôi đến San José định cư theo chương trình H.O. Thỉnh thoảng tôi cũng hỏi thăm một số bạn đi trước về tin tức Bằng, nhưng không ai biết cả. Tuy nhiên, tôi vẫn tin có ngày sẽ tìm được Bằng. Vào một đêm tháng 7, năm 2008 tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì có chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia xưng tên là Bằng. Tôi ngạc nhiên và không biết Bằng nào mà gọi vào giờ này? Sau đó Bằng hỏi "có phải Phước BM ở Panama không?" Bằng Điếc phi đoàn 233 đây! Lúc này, định thần lại tôi mới biết là Bằng và không hiểu làm sao Bằng biết được số điện thoại của tôi. Bằng cho biết có đọc vài bài viết của tôi trên Website Cánh thép và Đặc San Lý Tưởng, nhưng không chắc là tôi vì khi chơi với tôi Bằng đâu thấy tôi viết lách gì! Bằng nói, sở dĩ có số điên thoại của tôi là do Cựu Chỉ Huy Trưởng của tôi ở Panama là Niên Trưởng Dupont Nguyễn Cầu cho. Chẳng qua là một sự tình cờ. Trong một lần gia đình Bằng đi du lịch Trung Quốc Bằng gặp con gái của Niên Trưởng Cầu là QH cùng đi trong đoàn. Khi nói chuyện thì QH cho biết thân phụ mang cấp bậc Trung Tá, là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm 2 Kiểm báo tức Panama - Sơn Trà (Đà Nẵng). Gia đình đến Hoa Kỳ theo diện HO và đang ở Garden Grove. Nghe tới đây Bằng hỏi “Vậy cháu có biết một người tên TĐP, cấp bậc Trung Úy đã từng phục vụ ở đây không?” Sau vài giây thì QH nhớ tên tôi liền vì thời gian phục vụ ở Sơn Trà, tôi ngụ trong cư xá độc thân, nằm cùng dãy với nhà của gia đình NT Cầu, lúc đó các con NT Cầu thường hay qua chơi, nhờ tôi chỉ bài vở và rất thân với tôi, gọi tôi bằng Chú. Lâu lâu hiền thê của NT Cầu làm bánh trái hay nấu món gì đặc biệt thường sai các con mang qua phòng biếu chú Phước. Khi gia đình NT Cầu chưa đi Hoa Kỳ, tôi cũng thường ghé nhà thăm gia đình NT cư ngụ trong một căn nhà xập xệ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (nay là Vũ Tùng) đi thông ra được Nhà Thờ và chợ Bà Chiểu (Gia Định) Đúng là trái đất tròn! Cuối cùng , Bằng và tôi đã nối lại được liên lạc sau hơn 30 năm gián đoạn. Sau đó thì bắt đầu trao đổi Email, thỉnh thoảng điện thoại thăm và gặp mặt khi tôi tham dự Hội Ngộ Khoá 7/68 KQ tổ chức ở Orange County. Lần tổ chức mới nhất Hội Ngộ Khoá 7/68 KQ 48 năm tổ chức vào đầu tháng 10, 2016 tôi cũng gặp vợ chồng Bằng. Tôi nghe Bằng nói lại, Bà xã Bằng cùng đồng hương Tân Định với tôi, nhà trên đường Đặng Tất và hồi xưa học Trường Trung Học Tư Thục Văn Lang nằm trên đường Trần Quí Khoách do Thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu trưởng mà hai năm cuối của Trung Học Đệ Nhị Cấp tôi theo học ở đây. Nhân đây, tôi cũng xin vài hàng cảm phục Bằng đã đóng góp trong công tác phục vụ cộng đồng của "Hội Bạn Người Cùi" mà Bằng là một trong những thành viên sáng lập năm 1995. Từ nhiều năm nay các thành viên của Hội đã cống hiến tâm sức, tài lực và thời gian mang lại niềm an ủi vô biên cho bà con bất hạnh chịu đựng căn bệnh nan y đang gặp muôn vàn khó khăn, khổ cực nơi quê nhà. Nay, Bằng đã ghi tên vào Diễn Đàn Khoá 7/68 KQ thì lại còn dễ dàng gặp nhau hơn. Xin chúc buổi họp mặt khoá 7/68 KQ tại nhà vợ chồng Bằng vào cuối tuần này vui như chưa bao giờ buồn. Xin được gửi tặng một bài hát trong sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam của Linh Mục Tiến Lộc. ANH EM TA VỀ Anh em ta về cùng nhau ta quây quần. Một, hai, ba, bốn, năm. Anh em ta về cùng nhau ta xum họp. Năm, bốn, ba, hai, một. Một - đều chân bước nhé! Hai - quay nhìn nhau đi! Ba - cầm tay chắc nhé Không muốn ai chia lìa! Bốn - nhớ rằng: chúng ta bốn bể anh em một nhà! Năm - nhớ mãi tình này trong câu ca.(la, la, la)
Trần Đình Phước10-2016
|
Friday, October 21, 2016
Sinh Hoạt Khóa 7/68 KQ
Photos by Bằng NguyễnClick vào link dưới để xem photo slideshow:
|
Friday, October 14, 2016
Áo Nàng Màu Hoa Cúc
Saturday, October 8, 2016
Hội Ngộ 2016 (RU-48)
Friday, October 7, 2016
Nhạc Cảnh Duyên Quê
Duyên QuêNhạc: Hoàng Thi ThơNhạc cảnh: Ban Duyên QuêThực hiện: Hoàng Khai NhanClick on video below to play!
Nhạc cảnh: Duyên QuêHình ảnh: Nguyễn Thế LongHội Ngộ 2016 Khóa 7/68KQClick on left/right arrow to browse the photo album!
|
Wednesday, September 28, 2016
Wednesday, August 24, 2016
Một Bà Mẹ Bình Thường
Hiền Thê của Cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn
Trần Đình Phước
Khi hay tin Cụ Bà Lâm Thị Loan là hiền thê của Cựu Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân VNCH Trần Văn Chơn mất, tôi thấy nghẹn ngào, xúc động. Ai rồi cũng phải có lúc sống gửi, thác về. Bà cũng không thể nào thoát khỏi định luật đó. Nhưng Bà ra đi nhẹ nhàng, thanh thản ở tuổi 90 coi như là Thượng Thọ. Tang lễ Bà có chồng, con, cháu chắt, những người thân, các hội đoàn, nhiều tổ chức đã đến viếng thăm và đưa tiễn cũng là niềm an ủi lớn cho gia đình trong lúc tang gia bối rối. Tôi quen biết gia đình Bà từ lâu và xem Bà như một người Mẹ. Với tôi, Bà là một bà mẹ bình thường như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác. Bà là một phụ nữ hiền hậu, đạo đức và có nếp sống bình dị. Dù đấng phu quân là một Tướng Lãnh Cao Cấp,Tư Lệnh một Quân Chủng của Quân Đội VNCH, nhưng Bà không bao giờ lợi dụng danh nghĩa, chức vụ và uy tín của chồng để làm những việc không đúng. Trái lại, Bà chỉ biết lo công việc nội trợ, chăm sóc con cái và không bao giờ can dự đến công việc của chồng đang đảm trách. Ông Bà sống với nhau đã hơn 70 năm và có tất cả mười người con: sáu trai và bốn gái. Tên các con trai được đặt như sau: Chánh. Trực, Trung , Tâm, Thành và Đạo và tên các con gái: Cúc, Đào, Trang và Nga. Sau 30/04/1975 gia đình Ông Bà không còn ở tư dinh nằm trên đường Cường Để mà dời về Cư Xá Bắc Hải, Quận 10, Sàigòn. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm cho đền khi Ông Bà đi định cư Hoa Kỳ. Tôi có hai lần tiễn đưa Bà. - Lần thứ nhất lúc 11giờ 30 tối ngày Thứ Hai 9 tháng 12, năm 1991, cùng với vài thân nhân của Ông Bà tại Phi Trường Tân Sơn Nhất để tiễn chân Ông Bà và cô con gái út đi định cư Hoa Kỳ. - Lần thứ hai vào trưa Chủ Nhật 17 tháng 07, năm 2016 tại Nghĩa Trang Oak Hill Memorial Park, San José, CA giữa thời tiết mùa hè nắng ấm, tiễn Bà lần cuối về cõi vĩnh hằng. Tang lễ Bà được tổ chức theo nghi thức Đạo Cao Đài rất trang nghiêm và trọng thể. Giờ đây tôi không biết viết gì hơn. Chỉ xin cầu nguyện cho hương linh Bà sớm được siêu thoát. Xin Thành kính Phân Ưu cùng Cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn và toàn thể tang quyến.
Trần Đình Phước(San José, California - 07/2016) |