Hỡi các bạn già của tôi ơi! Sinh Nhật tháng Tư sắp đến rồi. Ngại ngùng gì nữa không lên tiếng, Hãy đến chung vui với nụ cười... Hãy đến chung vui với nụ cười, Căn nhà nhỏ bé chẳng xa xôi. Thời gian còn lại ôi ngắn ngủi, Bạn bè nhiều đứa đã đi rồi! Bạn bè nhiều đứa đã đi rồi, Giờ đây muốn gặp cũng chịu thôi. Hãy nắm thời gian còn sót lại. Gặp gỡ cùng nhau góp tiếng cười. Gặp gỡ cùng nhau góp tiếng cười, Tháng Tư sinh nhật của chúng tôi. Căn nhà nhỏ bé luôn mở rộng, Đón bạn thâm giao, đón mọi người. Hoa iChiban |
Friday, March 25, 2016
Sinh Nhật Tháng Tư
Tuesday, March 15, 2016
Một Cú Shock
Hồi Ký
Xanh Thỵ Nhạn TrắngChiếc xe chạy từ từ ra khỏi hầm của đèo Hải Vân. Cũng đã 11 giờ rưỡi trưa rồi. Trời nóng bức khó chịu. Đây là lần đầu tiên tôi cùng Lương vào Đà Nẵng vào giờ này. Thường thì chúng tôi đi chuyến xe sớm nhất, vào lúc 5 giờ sáng để khoảng 7 giờ rưỡi là có mặt tại nhà con gái út rồi. Nhưng hôm nay, mãi la cà cà phê và ăn sáng với nhóm bạn tại Huế, nên đi muộn. Chiếc xe quá tải, với lượng hành khách nhồi nhét, cộng thêm với không khí oi bức bên ngoài, làm tôi cảm thấy mệt nhừ. Nhìn lên băng ghế phía trên, tôi thấy hình như Lương cũng vậy. Tôi thấy chàng ngã người, dựa vào thành ghế với dáng vẻ không được ổn. Tôi muốn hỏi đôi lời cùng chàng, nhưng khoảng cánh khá xa nên đành chịu, bởi lẽ lúc lên xe, không còn chỗ, nên chàng phải lên ngồi vào ghế ngay đằng sau của bác tài xế, còn tôi thì đành ké mông vào chiếc ghế, cạnh lối lên xuống của xe. Tôi nhìn đoạn đường phía trước mặt, và ước chừng nửa tiếng nữa, là mình có thể đón xe taxi để về nhà... Khẽ vỗ nhẹ vào vai người phụ xe, tôi nói khẽ: -- Ngang trường Bách Khoa cho cô xuống nghe em... -- Cô có hành lý gì gởi sau cốp xe không? -- Có chứ, hai xách tay màu đen, hồi sáng em cầm giúp đó mà. Xe chạy thêm 1 đoạn nữa, tôi thấy Lương đổi chỗ ngồi với người bên cạnh. Chàng có vẻ mệt, khiến tôi nhấp nhỏm ngồi không yên. Một cảm giác bất an, khiến tôi càng nôn nóng mong đến nơi từng giây, từng phút... Chiếc xe vội dừng vì có hành khách xuống dọc đường, chú phụ xe nhanh nhẩu chạy lui đằng sau cốp xe, để lấy hành lý cho khách. Tôi cũng vội vã băng theo, để nhờ lấy hành lý sẵn cho mình. Gom 2 chiếc xách đen và 2 chiếc ba lô lè kè bên mình, tôi nhảy lên xe, đặt hành lý cạnh cửa lên xuống chờ đợi. Xe vừa chạy ngay đến lối rẽ ra đường biển, thình lình tôi chợt nghe tiếng Lương nói với bác tài: -- Xuống... Cho xuống... Chiếc xe đột ngột dừng lại. Cậu thanh niên ngồi cạnh, hồi nãy đổi chổ cho Lương, nói với bác tài: -- Chậm một tí... bác ấy đang mệt... Lương lúi húi chen người bước ra để xuống xe. Tôi ngạc nhiên hỏi: -- Ủa, đã đến trường Bách Khoa đâu anh... Lương đáp cộc lốc: -- Xuống... Và băng mình bước xuống xe. Chú phụ xe phụ chuyển hành lý của chúng tôi xuống đặt ở vệ đường, và xe tiếp tục chạy. Tôi ngỡ ngàng nhìn Lương, đang lảo đảo bước nhanh vào chiếc quán nhỏ bên cạnh đường. Đó là một chiếc lều nhỏ, được dựng tạm, để sửa xe cộ bị hỏng dọc đường, của một người nào đó. Bên trong trống vốc, chỉ có một bình nước 5 lít đang uống dở, và khoảng 4, 5 chiếc ghế dựa, bằng nhựa, đang được xếp chồng lên nhau. Có một người đàn ông đang ngồi đợi xe ở nơi ấy. Tôi nói nhanh: -- Cho em mượn tạm 1 chiếc ghế được không anh? Người đàn ông không nói, đứng dậy và bỏ đi. Tôi chưa kịp lấy ghế cho Lương ngã lưng, thì đã thấy Lương gieo người nằm phịch xuống nền nhà của quán. Lật đật không kịp kéo đống hành lý ở vỉa hè vào gọn một nơi, tôi lao đến, nắm lấy tay Lương. Bàn tay chàng lạnh ngắt, tua túa mồ hôi ướt rịn, nhớp nháp. Khuôn mặt thì tái tím. Lương nằm nhắm mắt, bất động. Cả một thế giới đổ sầm dưới mắt tôi. Tôi run run xoa vào ngực Lương và hỏi: -- Anh thấy thế nào? Mệt lắm phải không? Lương gật đầu và nói: -- Nước... Vói tay vặn nước vào cái nắp bình, tôi đổ nhẹ vào miệng chàng từng hớp nhỏ. Chàng có vẽ lai tỉnh hơn, nói thật khẽ: -- Anh đau bả vai bên trái quá, tay không cử động được nữa rồi, gọi xe chở anh vào nhà con đi... Tôi vội vã nhìn quanh, để tìm một sự trợ giúp, nhưng nơi chúng tôi xuống xe, chung quanh chả có nhà, chả có ai... May thay, ở xéo bên kia đường, tôi thấy có 2 chiếc taxi màu vàng đang đổ. Tôi chạy vội sang. Hai bác tài xế, một đang ngủ trong xe, và một đang ngã người trên ghế chơi game. Tôi gõ vào cửa kiếng của xe và nói nhanh: -- Anh ơi, xe có chạy không? chở cho tụi em về nhà với... Thật tình lúc đó, tôi không dám bảo với họ tình trạng hiện tại của Lương, sợ họ sẽ từ chối, nên chỉ nói có vậy... Người tài xế quay xe, chạy sang hướng đống hành lý tôi đặt cạnh vệ đường. Tôi chạy theo như một người mất hồn. Cùng anh ta dìu Lương đặt nằm dài lên băng ghế sau của xe, tôi mới lôi xềnh xệch những chiếc xách tay, đặt vào cốp xe mà tay chân run lẩy bẩy. Đây là số hành lý cuối cùng mà chúng tôi chuyển vào Đà Nẵng, để 28 tây này vợ chông tôi bay sang Mỹ, thăm các con như đã dự tính. Nhưng với tôi, bây giờ là vô nghĩa, tôi chỉ mong sao xe chóng đến nhà con gái, rồi sẽ tính sau. Xe dừng lại, tôi phóc xuống gọi rối rít: -- V ơi, ra phụ với mạ dìu ba vào... ba mệt. Cậu con rể cùng cô con gái chạy ùa ra, cùng tôi dìu Lương vào nhà. Chàng duội người trên 2 vai xốc của chúng tôi. Hai bàn chân duội thẳng, kéo lê trên sàn nhà, như 1 người không còn sức sống nữa. Con gái út tôi lật đật chạy sang nhà đối diện gọi bác sĩ. Tôi đặt chàng nằm bệt xuống sàn nhà, trong phòng của con gái. Bác sĩ đo huyết áp và bắt mạch cho chàng. Huyết áp chàng tụt quá thấp, chỉ còn dưới 8/6, còn mạch thì hầu như không bắt được. Tôi thét lớn: -- Gọi xe cấp cứu nhanh lên con... Rể tôi bấm số lia lịa để gọi, gọi đến 4, 5 cuộc, nhưng chả ai bắt máy. May mà bà bác sĩ dùng đường dây nóng khẩn cấp của phòng khám để gọi, xe cấp cứu mới đến. Bác sĩ đi theo xe cấp cứu lại lắc đầu cùng con gái: -- Không xong rồi... mạch không còn... nguy đây... chuyển băng ca vào gấp... Người ta đưa băng ca vào, chuyển chàng ra xe. Tôi theo lên cùng chàng. Hàng xóm kéo đến xem rất đông, lố nhố ở cửa lớn và các cửa sổ chỉ chỏ, nói, hỏi... nhưng tôi chả thể nói bất cứ một câu gì. Sự ứa nghẹn dâng tràn lên cả ngực. Bác sĩ ở xe cấp cứu gắn máy thở oxy, sau khi đã bơm thuốc vào miệng chàng. Nước mắt tôi ứa ra, chảy thành dòng trong lặng lẽ. Chàng nắm lấy bàn tay tôi mệt nhọc bảo: -- Anh không chết đâu... đừng sợ... Rồi nhắm mắt nằm yên. Tôi siết lấy bàn tay chàng. Bàn tay lạnh ngắt và nhão nhoẹt. Thế giới chao đảo quanh tôi. Trước mắt tôi là cả một màn xám buồn u tối. Từng phút, từng giây... sao mà dài thế... Tôi hỏi ông bác sĩ: -- Còn xa nữa không anh? -- Sắp đến rồi, qua khỏi ngã tư này là đến thôi... Xe đến bệnh viện. Lương được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ ở đây nhanh chóng làm các thủ tục, như lấy lời khai của người nhà, chớp quang tuyến, đo huyết áp, bắt mạch, đo nhịp tim rồi chuyển ngay vào phòng trong, để làm thêm các xét nghiệm khác... Chỉ trong chốc lát, họ đã có kết luận về tình trạng của chàng. Họ gọi chúng tôi lại và hỏi: -- Chị là vợ của anh Đoàn Lương phải không? Và đây là người nhà của anh ấy à??? Tôi nhìn chăm vào 2 tấm hình chớp quang tuyến, mà 2 bác sĩ đang cầm trên tay và khẽ gật đầu. Vị bác sĩ dè dặt bảo cùng tôi: -- Rất tiếc phải thông báo để chị và người nhà rõ, là tình trạng anh ấy rất nguy kịch. Một phần tim của anh ấy, đang ở trong tình trạng gần như hoại tử. Hiện tại khả năng đột tử của anh ấy là 90%. Chỉ còn một cách duy nhất là phải mổ cấp cứu... Tôi nói như hụt hơi: -- Dạ, trăm sự nhờ các anh mổ gấp cho... -- Nếu gia đình đồng ý mổ thì chuẩn bị 75 triệu nộp gấp, để chuyển bệnh nhân vào phòng mổ... Cũng cần nói để chị và người nhà rõ, là khả năng sống sót của anh ấy rất là nhỏ, vì chỉ cần trong lúc mổ, một rung động nhẹ của tâm nhĩ là anh ấy sẽ đi... do vậy người nhà nên chuẩn bị tâm lý, và quyết định gấp... -- Dạ, chúng tôi quyết định mổ cho anh ấy, dù chỉ còn 1 chút hy vọng ạ... Các con tôi, đứa thì chảy nước mắt, đứa thì lật đật ra ngân hàng gần đó rút tiền tiết kiệm. Còn tôi chả hiểu vì sao lại rất tỉnh táo, chạy đi làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị mổ cho chàng. Trong đầu óc tôi bây giờ chỉ có một điều duy nhất, đó là giành lấy sự sống của chàng, càng nhanh càng tốt, nếu không, tôi sẽ mất chàng vĩnh viễn... Trong cái xui cũng có cái may, nhờ chúng tôi có mua bảo hiểm y tế tại phường, chàng lại mổ dạng cấp cứu, do vậy dù trái tuyến, chúng tôi chỉ đóng tạm phân nữa số tiền đã được quy định, số tiền đó vừa đủ với số tiền tiết kiệm của con tôi có trong tài khoản. Chàng lập tức được đưa ngay vào phòng mổ. Chúng tôi ngồi chờ đợi bên ngoài. Mỗi phút, mỗi giây kéo dài như vô tận. Một bác sĩ gọi chúng tôi vào phòng kế cận, và cho chúng tôi xem tình trạng của chàng trước khi mổ, được soi rọi lớn trên chiếc màn hình lớn của máy tính. Theo tay chỉ và hướng dẫn của bác sĩ, chúng tôi được biết, và nhìn thấy nhánh động mạch lớn dẫn máu vào tim của chàng, bị đứt vì 2 cục máu đông bám vào thành động mạch, nó đang đưa tòn ten, lơ lửng như 1 sợi dây điện bị đứt ngang sau cơn bão vậy. Bác sĩ còn chỉ cho chúng tôi, một nhánh động mạch khác của chàng, đang bị xơ vữa 50% nữa... Con gái kế út của tôi bụm mặt khóc tức tưởi, luôn miệng nói: -- Tội cho ba, tội cho ba quá... sau đó chúng tôi phải ra ngoài hành lang tiếp tục đợi... Các cuộc gọi của bà con, anh em và các con ở xa, liên tục được gọi đến... Tôi giao điện thoại cho các con và rể tôi trả lời. Phải nói thời gian chờ đợi là cái khoảng thời gian tồi tệ nhất, mà tôi đã từng gặp... . Từng phút từng giây chảy dài trong căng thẳng và lo âu. Miệng mồm tôi đắng nghét, ngực thì như bị chèn bởi một tảng đá vô hình, đến ngộp thở. Nhìn theo các con cứ đi tới, đi lui ở hành lang, tôi biết tụi nó cũng đang có cảm giác bồn chồn, bất an giống tôi bây giờ... Thình lình cánh cửa phòng mổ chợt mở. Một bác sĩ vừa đi ra. Chúng tôi không ai bảo ai, nhất tề đứng dậy, nín thở đợi chờ... Ông ta bảo: -- Đã ổn rồi, hồi nãy phải 2 lần kích điện mà tim không nhảy, sau đó phải chích thuốc trực tiếp vào tim, may sao... nhờ vậy đã đặt stent nối lại rồi... Tuy vậy, vẫn chưa biết sẽ tiến triển thế nào... Thông thường các bệnh nhân khác, sẽ được chuyển ra phòng ngay sau khi đặt sten, nhưng ông nhà chắc phải đợi đã, bởi lẽ ông ấy như một cây khô gần chết, mới được tưới nước, phải có thời gian để ngấm và hồi phục... Đó là tin tốt lành mà tôi chờ đợi. Tôi rối rít cám ơn và muốn nhảy lên vì sung sướng. Như một người vừa nhặt lại được điều mình vừa vuột mất, tôi đưa tay lên ôm chặt ngực mình, lòng sướng vui vô tận... Niềm hân hoan cũng lan tỏa trên khuôn mặt các thành viên trong gia đình. Rể tôi thở phào nói: -- May thật, may mà ba đã được cứu, nếu không con lo là sẽ bị các anh chị khác trách... Tôi hiểu ý nó muốn nói gì rồi. Vì thực ra, chuyến đi sáng nay của chúng tôi, là vào ở cùng con gái và các cháu vài ngày, bởi lẽ rể tôi sẽ lên Ba Mê Thuộc để dự đám cưới em ruột của nó trong 2 ngày sắp đến. Tôi dự tính ngày rể tôi quay về, chúng tôi sẽ quay ra lại Huế, sắp đặt một vài thứ rồi quay lại vào Đà Nẵng và bay sang Mỹ... Bởi thế tụi nó áy náy cũng là đúng thôi... Cánh cửa phòng mổ lại mở. Chiếc băng ca được đẩy ra khỏi phòng trong niềm vui vỡ òa của gia đình, chứ không như lúc nó được đẩy vào, với những âu lo, sợ hãi... Tôi là người nhanh chân nhất chạy theo nó. Vừa chạy tôi vừa nắm lấy bàn tay chàng. Hơi ấm từ bàn tay chàng tỏa sang, báo hiệu một sự sống đang được hồi sinh... Chàng mở mắt nhìn tôi, dịu dàng, nhưng không nói. Nhưng như thế đã là tất cả đối với tôi... Người ta chuyển chàng về phòng bệnh, của những bệnh nhân cũng vừa mổ và đặt sten như chàng. Bác sĩ mổ chính cho chàng vào thăm và bảo: -- Cho anh ta nằm yên bất động ở băng ca trong vòng 3 ngày, rồi mới chuyển xuống giường sau vậy. Tôi líu ríu cám ơn ông ta đã giúp chàng lấy lại sự sống. Bác sĩ bảo với chúng tôi: -- Chúng tôi chỉ làm những gì có thể... phải nói là mạng anh ấy quá lớn mới vượt qua được như vầy... Sau đó, tôi bảo các con và rể tôi về nhà, còn tôi ở lại với chàng. Tôi hỏi chàng có mệt không. Chàng bảo: -- Anh thấy khỏe hơn nhiều, cánh tay trái của anh không còn nhức nữa, và có thể hoạt động trở lại rồi... Tôi cầm tay chàng bóp nhẹ, và khẽ cúi xuống xoa nắn 2 bàn chân của chàng, hai bàn chân mà trước đây mấy tiếng đã xuội đơ, nay đã trở lại bình thường. Quả thật sự tiến bộ của y học là hết sức thần kỳ, vượt lên trên những gì tôi tưởng tượng... Mừng đến muốn chảy nước mắt luôn... Sau đó các y tá đến, hỏi tôi về thẻ bảo hiểm của chàng. Họ bảo phải nộp ngay trong ngày hôm nay, để làm bảo hiểm, chứ để sang ngày mai là không thể thanh toán được. Tôi lật đật gọi điện ra cho rể đầu của tôi, dặn nó lên nhà, thuê thợ phá khóa nhà, phá khóa của tủ, để lấy thẻ bảo hiểm gởi xe đò chạy tuyến Đà Nẵng mang vào. Lại thêm 1 rắc rối nữa, là họ tiếp tục hỏi chứng minh nhân dân của chàng kèm theo. Thế là phải gọi điện ra nhà lại, bảo phá khóa lần 2, lấy và tiếp tục gởi xe khác đem vào nữa... Buổi chiều, anh trai và vợ chồng em gái của Lương ở Huế, đã có mặt tại phòng bệnh để thăm chàng. Ai cũng nghĩ là tình trạng của Lương thật tồi tệ, họ nghĩ là làm sao sớm gặp được chàng, kẻo không kịp... nhưng khi vào đến nơi, thấy Lương khỏe, ai cũng mừng. Hôm đó chả hiểu vì sao Lương nói thật nhiều, không chịu ngưng nghĩ. Chàng có vẻ rất hưng phấn như vừa thoát qua 1 kiếp nạn lớn. Các bạn bè ở nhóm thể dục buổi sáng, khi nghe tin Lương bị nhập viện, cũng tức tốc thuê 1 chiếc xe lớn từ Huế, cùng nhau vào ghé thăm. Họ đến nơi vào lúc trời chập choạng tối, mừng rỡ vì thấy tình trạng hiện tại của Lương. Thăm hỏi xong, họ tức tốc quay về Huế, đến nhà cũng đã gần 11 giờ tối. Cái tình cảm của mọi người đã dành cho chúng tôi, phải nói là chúng tôi rất cảm động và nhớ hoài. Liên tiếp những ngày sau đó, nào bạn trong phi đoàn cũ của Lương, bạn của tôi, bà con, khi hay tin đều có ghé thăm, han hỏi. Nhiều người ở xa, khi nghe tin cũng gọi điện về han hỏi. Ai cũng mừng và chúc Lương chóng khỏe. Phần tôi, tuy Lương đã qua cơn nguy kịch, nhưng tôi vẫn nơm nớp lo âu. Mặc dầu các con và rể tôi thay nhau chăm chàng nhưng hầu như ban ngày tôi đều túc trực cạnh chàng, chỉ buổi tối là các con tôi không chịu để tôi ở lại trực. Phần việc đó rể út tôi đảm trách mà thôi... Chỉ sau 2 ngày, chàng được chuyển vào nằm ở phòng bệnh. Bệnh nhân ở đây rất đông. 2 người 1 giường bé tí, người nhà chả có nơi để đặt mông ngồi ké cho đỡ mỏi. Cũng may ở phòng đặc biệt, có bệnh nhân vừa xuất viện, con gái kế út của tôi vội đăng ký và thế là chàng được chuyển sang phòng ấy, với 1 người 1 giường thoải mái hơn nhiều. Sau 1 tuần điều trị, làm lại các xét nghiệm, siêu âm tim, kiểm tra phổi... chàng được xuất viện, và về nhà con gái kế út, để chàng được yên tĩnh nghĩ ngơi. Cũng bởi 2 vợ chồng nó đi làm cả ngày, tối mới về nên chúng tôi ăn uống tại nhà con gái út, cũng gần đó và buổi tối mới về ngủ mà thôi... Chúng tôi dự tính 1 tháng sau, sau khi tái khám, chúng tôi sẽ quay về Huế, bởi lẽ nếu quay về sớm, đi xe cộ đường dài cũng rất ngại... Nhưng... rồi một sự cố quan trọng khác khiến chúng tôi phải quay về Huế sớm hơn dự tính. Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó. Đó là một ngày chủ nhật. Vợ chồng con gái kế út tôi nghĩ làm, nên chúng nó đi chợ, nấu cơm trưa để chúng tôi về cùng ăn. Khi vừa đặt chân đến nhà nó, tôi chợt nghe điện thoại mình đổ chuông. Thấy số lạ, tôi hỏi: -- Xin lỗi, ai vậy nhỉ??? Có tiếng trả lời: -- Con đây bà Nhạn... Bà Nhạn ơi bà cố mất rồi... Tôi hốt hoảng hỏi dập dồn -- Con nói sao??? Mệ mất rồi à... hồi nào... -- Dạ cách đây chừng 10 phút... Hai chân tôi như nhủn ra, tôi gieo người xuống chiếc ghế gần đó, và nói trong đứt quãng nghẹn ngào: -- Mạ mất rồi anh ơi... Cả nhà bàng hoàng không nói được 1 câu gì. Đây là 1 điều không tưởng với tôi. Tôi nhớ hôm trước lúc tôi vào Đà Nẵng, mạ tôi vẫn khỏe cơ mà. Tôi không thể nào ngờ những đau thương, muộn phiền lại cứ dập dồn đến với tôi, như người ta vẫn hay bảo “Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai” vậy. Đứng dậy, bước đi như người mộng du, tôi nói trong thẫn thờ: -- Chắc em phải ra Huế ngay bây giờ... Các con bàn tính để Lương ở lại, tôi sẽ ra nhà 1 mình, nhưng chàng không đồng ý và cương quyết bảo: -- Không, anh sẽ ra cùng em... Cuối cùng cả 2 chúng tôi cùng bắt xe về Huế ngay. Ngồi trên xe, chốc chốc tôi lại hỏi chàng: -- Anh có mệt không... -- Không, em yên tâm... Cũng may chuyến xe buổi trưa vắng khách, 2 hầm Phú Gia và Phước Tượng cũng vừa làm xong, do vậy xe không phải chạy qua đèo vất vả như trước... Ba tôi đón tôi trong làn nước mắt: -- Mạ con đi rồi con ơi... Buổi sáng mạ con còn ăn sáng với ba, xong ba mới đi chùa. Buổi trưa cơm dọn ra, ba bảo mạ ra ăn, mạ đi ra ngồi và bảo: -- Sao em thấy mệt quá... -- Mệt ở đâu??? -- Cũng không biết nữa... -- Thôi, ráng ăn một miếng rồi uống thuốc... Thế rồi tự dưng mạ con ngã người ra, tựa vào thành ghế, 2 chân xuội dài và đái ra quần. Ba gọi vợ chồng em con vào, cùng phụ đưa bà lên nằm ở tấm phản... và bà đi luôn ngay sau đó... Thế là mạ tôi đã ra đi vĩnh viễn. Bà hưởng thọ được 92 tuổi. Tội cho bà, là đã không kịp nhìn thấy một đứa con nào trước khi mất. Tôi nhìn khuôn mặt của bà... Vẫn như người nằm ngủ... Bên tai tôi vẫn vang đều tiếng tụng kinh, của các đạo tràng đang tụng hộ niệm cho bà... Những ngày tang đám của mạ tôi, Lương thi thoảng ghé về 1 chốc rồi lại lên nhà nằm. Chàng còn rất yếu. Không ngồi lâu được. Tôi thì như con thoi, chân thấp chân cao, lo cơm nước cho chàng, rồi lại chạy về nhà ba tôi lo đám điếu... Tôi mệt phờ người, lại mất ngủ triền miên, vì quá lo khi hằng đêm nghe giọng thở mệt nhọc của chàng... Bởi thế người tôi gầy rộc. Từ 65 kg, tôi chỉ còn lại 58 kg, cọng thêm khuôn mặt teo tóp, bơ phờ, khiến lúc ra đường, mọi người đều lên tiếng quở... Nhiều người đã an ủi tôi; -- Đừng buồn nữa, lo ăn uống bồi dưỡng vào, kẻo chị mà đau, lấy ai chăm anh Lương đây... Cứ nghĩ lại đi, đồng ý là xui thật đó, nhưng trong cái xui, anh chị lại gặp may rất nhiều. Nếu hôm đó anh Lương bị đột quỵ giữa đường thì sẽ thế nào ?Lúc đó chạy lui Huế cũng không xong, mà vào Đà Nẵng cũng không cứu kịp... đó là chưa kể nếu anh bị đột quỵ ngay lúc đang trên máy bay sang Mỹ nữa thì sao... có lẽ bó tay thôi. Hoăc giả dụ anh chị có khỏe mạnh, để đi sang Mỹ thăm con đi nữa, thì vừa sang được mấy hôm, nghe tin mạ chị mất, anh chị không cuống cuồng tìm mua vé, bay về lại Việt Nam hay sao? Nghiệm lại cũng thấy đúng, và tôi lại tự an ủi với chính tôi, để bớt buồn phiền... Phải nói bình thường tôi ít quan tâm đến sức khỏe. Tôi thường nói đùa: -- Kệ, có số mạng cả, lo làm gì... Nhưng từ khi Lương xảy ra chuyện không hay và mạ tôi mất, tôi mới lưu tâm và bắt đầu lo sợ từng chút một... Nhất là những hôm Lương tái khám về, sau khi uống thuốc, chàng ho liên tục. Ban đêm, khi vừa đặt lưng nằm xuống giường, chàng lại ho như muốn xé toang cả lồng ngực, từ đầu hôm đến sáng. Tôi bất lực nhìn chàng vật vã. Có đi khám lại, bác sĩ bảo thuốc có phản ứng phụ gây ho, đổi thuốc, lại cũng cứ ho... cứ thế mãi hoài... thi thoảng ngưng được vài hôm rồi cũng ho lại như cũ... Cứ thế, tôi sống như sống với lo âu và hồi hộp. Đành rằng con người ai rồi cũng phải ra đi... và những biệt ly là chuyện không thể nào tránh khỏi, nhưng với tôi, nỗi ám ảnh sợ mất người mình thương yêu, cứ đè nặng và hằn sâu trong tâm tưởng... Hằng đêm, khi không ngủ được, tôi nhìn sang Lương, và cảm thấy sung sướng vì vẫn còn chàng bên cạnh. Tôi cứ nghĩ nếu hôm đó Lương ra đi, rồi mạ tôi mất... Ui chao, buổi tối về nằm chèo queo một mình mà rụng rời... Tôi cũng rút ra được 1 điều rõ ràng hơn hết, là cuộc sống này quả là quá mong manh. Sáng có, chiều mất, bởi thế phải sống và giành dựt từng khoảnh khắc an vui, hạnh phúc bên những người thân yêu, đừng tỵ hiềm hay ganh ghét với ai mà thêm khổ. Cuộc sống đã trả lại cho tôi những mầm sống, tôi phải biết nâng niu và gìn giữ nó một cách cẩn thận hơn. Và điều tôi nhận thức rõ ràng nhất là sau cơn đau này, Lương luôn muốn tôi ở bên cạnh, không muốn rời nửa bước... Có vượt qua tất cả, mới thấy không gì hơn tình cảm vợ chồng, nhất là càng về già lại cần có nhau. Tôi mong những ngày tháng bên nhau này sẽ kéo dài, kéo dài mãi mãi mà thôi...
Xanh Thỵ Nhạn Trắng |
Monday, March 14, 2016
Tù Cải Tạo Dạy Múa
Truyện Ngắn
Nguyễn GiangSau Tết, các tù viên được lệnh thành lập một ban Văn Nghệ cho trại để trình diễn trong các dịp lễ lạc. Nhờ biết nhảy kha khá, Toàn được cử làm Biên Đạo Múa (hồi trước gọi là vũ sư). Nhiệm vụ của chàng là lập một ban múa cỡ 20 mạng, dĩ nhiên toàn là đực rựa nhưng một nửa sẽ giả gái. Các điệu múa sẽ dựa trên một số bản nhạc đỏ như Tiếng Chày Trên Sóc Bombo, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây. Nhạc của các nước anh em xã hội chủ nghĩa trên thế giới như Cuba, Liên Xô... cũng được phép dùng. Vì thế, các bản nhạc nổi tiếng như Bésame mucho, Quien sera, Amor Amor... được Toàn "cho vào biên chế" ngay. Vấn đề mỹ phẩm và y phục trình diễn trong tình trạng eo hẹp này cũng được giải quyết thoả đáng. Phấn hồng, phấn vàng được lấy từ giấy vàng mã do vệ binh ra thị xã mua hộ. Soutien được cắt ra từ các hộp carton. Quần áo được làm bằng giấy báo, những trang trí điểm xuyết trên ấy được lấy từ giấy men xanh đỏ của trẻ con bán ngoài thị xã. Một số anh em trong trại được Toàn tuyển chọn để làm sơn nữ trong điệu múa Tiếng Chầy Trên Sóc Bombo, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Điều kiện để được chọn là mặt mũi tàm tạm một chút và có da có thịt một chút. Thường thường, những người Nam có mặt bầu bầu, khi giả gái, trông giống hơn các bạn mặt gầy gò, má hóp. Nhưng không phải cứ đẹp trai là giả gái thành công đâu! Vũ, bạn tù của chàng, mặt mũi cũng thường thường, nhưng khi giả gái lại rất đẹp và duyên dáng. Có lần, anh ta trong bộ đồ bà ba còn làm bộ lườm nguýt, khiến lắm anh ngơ ngẩn. Trong nhóm vũ công giả gái có Tùng, một người Nam rất đẹp trai, đi đứng lại yểu điệu, khi giả gái còn đẹp hơn những cô gái có sắc. Buổi tối trình diễn, còn nửa tiếng đến màn vũ, Toàn thấy Tùng cứ ngồi thừ ra, mặt buồn rười rượi. Toàn vội hỏi lý do, Tùng đưa ngay cho chàng một tờ giấy nhỏ có ghi như sau: "Tùng ơi! Chuyện tình mình không còn gì nữa đâu. Hùng đã lỡ yêu Tín rồi. Với em, bây giờ Tùng chỉ còn là một bóng mờ dĩ vãng thương đau mà thôi!" Đọc xong, Toàn vừa tức cười vừa bực mình. Thì ra, có những nam vũ công yêu nhau mà lâu nay chàng chẳng hay! Những vụ này, nếu có xảy ra cũng chỉ là bình thường. Chàng nhớ có đọc một cuốn truyện của nhà văn Hồ Hữu Tường, kể về những chuyện bạn tù trai yêu nhau ở trại tù Côn Đảo. Cùng là đàn ông với nhau, chung sống trong một môi trường vắng bóng đàn bà, những tâm hồn yếu đuối dễ tìm đến nhau để chia xẻ nỗi cô đơn và cả những uất ức của cuộc sống tù ngục. Và rồi, chuyện đó xảy ra rất tự nhiên, làm sao tránh khỏi? Chuyện hai người Nam quyến luyến nhau, với chàng, không có gì lạ. Ngay từ hồi học Chu Văn An, một người bạn tên Dzương cũng thích Toàn lắm. Dzương chăm sóc cho Toàn kỹ lưỡng, giống như vợ săn sóc cho chồng vậy. Rất giỏi may vá, khi quần áo Toàn rách sau những màn đánh lộn, đá banh, Dzương tình nguyện đơm vá ngay. Khi Toàn cười đùa với các bạn trai khác, Dzương thường tỏ ý ghen tuông và trách móc Toàn. Toàn chẳng coi đó là điều phiền nhiễu, chàng lại cảm thấy thích thú vì có kẻ yêu mến mình, dù đó là một... anh đàn ông! Nhưng sự quyến luyến của hai người trai chỉ dừng lại ở đó, vấn đề chung đụng cơ thể hoàn toàn không có (mà nếu có thì cũng không biết chung đụng làm sao!). Sau này, Dzương vào Võ Bị Đà Lạt, nổi tiếng trên đài Phát Thanh Đà Lạt với giọng barryton trầm ấm như Anh Ngọc. Ra trường, chàng chọn binh chủng dữ dằn Biệt Động Quân và chết ngay trong trận đánh đầu tiên. Phải năn nỉ muốn gẫy lưỡi, Toàn mới nhờ được Hùng đến khuyên bảo cho Tùng chịu lên sân khấu. Khi Tùng trang điểm xong, mọi người ở sau hậu trường đều kinh ngạc vì anh ta giả gái thật đẹp. Có khối anh chắc cũng tưởng tượng đến 7 đêm ngà ngọc với người con gái trước mặt đó. Toàn cũng phải định thần một lúc để nhớ lại đây chính là thằng Tùng đực rựa chứ chẳng phải cô gái nào cả. Cả đến tên Thủ Trưởng trên Tiểu Đoàn xuống tham dự cũng rơi vào cơn hoảng loạn này. Trong phút mơ màng, hắn ta cứ lân la ngồi cạnh Tùng, đưa bàn tay dùi đục vuốt ve cặp đùi thon của Tùng. Toàn chỉ cười cười đứng nhìn thích thú. Cho đến khi bàn tay của hắn đi quá xa, chàng phải vội ghé tai hắn nói nhỏ: "Đây là tụi tôi giả gái đấy cán bộ!". Hắn giật mình: -- Thế mà tôi cứ tưởng là chị nuôi trên Trung Đoàn xuống đây múa chứ! Đàn ông thật à, lạ nhỉ? Đêm văn nghệ thành công ngoài sức tưởng tượng. Ban vũ của Toàn được ngợi khen nhiệt liệt. Tiếng tăm của ban vũ lan truyền đến tận Tiểu Đoàn. Chàng được giao nhiệm vụ mới: Dạy múa cho các chị nuôi trên Tiểu Đoàn (chị nuôi là những nữ cán bộ CS chuyên về ẩm thực). Lúc đầu, Toàn rất thích thú với công tác mới này. Đã hơn hai năm rồi không được đụng chạm với da thịt đàn bà, một thằng đàn ông dưới 30 tuổi như chàng chắc chắn phải hào hứng với việc ôm các thân thể đàn bà trong tay! Ngày dậy đầu tiên, Toàn khá bối rối. Học viên của chàng là khoảng 10 em chị nuôi, xấu có, đẹp có. Các em có vẻ thich thú lắm vì lần đầu tiên được "quan hệ" với một chàng trai biểu tượng của nền văn minh tư bản Mỹ Ngụy. Toàn lại đẹp trai, nói chuyện khôi hài nên các em càng mê mẩn tợn. Trong đầu óc các chị nuôi này, hình ảnh một tên Sĩ Quan Ngụy chuyên hãm hiếp phụ nữ rồi thủ tiêu chắc không còn nữa. Thay vào đó là hình ảnh Toàn, với giọng nói người Bắc trầm ấm, lối đối xử ân cần và những bước nhẩy điêu luyện của một thời tuổi trẻ. Mà Toàn bối rối thật! Đã mấy năm rồi không được nói chuyện với đàn bà con gái, nay đối diện và gần gũi với họ, phần dưới của chàng rạo rực và phản ứng ngay. Khổ một nỗi, ở trong tù, đàn ông với nhau ai mặc quần lót làm gì và cũng có đâu mà mặc. "Thằng bé" liên tục phản kháng tình trạng chật chội, những cặp mắt của các chị nuôi cứ dán vào đấy, những lời thì thào cười đùa khúc khích khiến cho Toàn càng bối rối tợn. Chàng tiếc đã không nai nịt kỹ lưỡng cho phần dưới của mình truoc khi dấn thân vào hoàn cảnh khó xử này. Bây giờ làm thế nào đây với tình trạng "lớn biểu nhỏ không nghe" này? Để trấn áp bản năng tự nhiên này, chàng phải nghĩ ngay đến Phật Thích Ca, Chúa Giê Su hoặc tệ lắm cũng phải là Đức Đạt Lai Đạt Ma với những lời giáo huấn để giúp chàng qua cơn khốn khó này. Nhờ cậy đến các vị không xong, chàng phải cố gắng nghĩ đến thân phận khốn nạn của một thằng tù như chàng, cùng với những hình phạt tàn ác của bọn ác ôn Cộng Sản mà chàng đọc trong cuốn Trại Đầm Đùn, "thằng bé" mới chịu tạm thời yên nghỉ cho chàng tiếp tục công việc giáo huấn đầy bất trắc. Đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, các em chị nuôi không thể dằn được lòng yêu mến chàng. Với họ, chàng như một sinh vật từ một hành tinh nào đến trái đất này. Giọng Bắc trầm của chàng khác hẳn giọng eo eó của bọn cán bộ vệ binh ngoài kia, những câu pha trò "tục mà thanh" của chàng cũng không giống cái lối pha trò "nghiêm túc" vì sợ bi kiểm điểm của bọn chúng. Sau vài tuần chỉ dạy, các ảo tượng ban đầu của Toàn tan biến cả. Chàng chẳng còn thích thú gì khi cứ phải ôm những khối thịt đầy mùi mồ hôi dầu và có cả mùi của nước mắm, hành tỏi, tiêu ớt nữa. Những cái mâm, ý quên, những cái mông oversize cứ huých vào thân thể gầy ốm của chàng khiến chàng suýt té mấy bận. Những bàn chân to phè của những cặp giò ngắn ngủi nhưng dư trọng lượng cứ thi nhau đạp lên chân chàng. Những bộ ngực đầy thịt cứ ép vào buồng ngực ốm trơ xương của chàng khiến chàng muốn ngộp thở. Những bàn tay cứng nhắc vụng về thỉnh thoảng "đánh yêu" vào người khiến chàng đau điếng. Nhưng các nàng chị nuôi, khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một loại hình "văn hoá Mỹ Ngụy đồi trụy" mà Toàn là đại diện, thì lại tỏ ra vô cùng phấn khởi. Các nàng cứ suýt xoa: -- Gớm, anh Toàn này, đàn ông con trai mà sao người dẻo thế. Chả bù với chúng em, tập mãi mà cứ cứng nhắc thế nào ấy!" Một nàng khác chêm vào ngay: -- Này này chúng mày ơi, ngươi dẻo chân dẻo thì được chứ cái ấy mà dẻo thì không được đâu! Cả lũ cười phá lên với nhau, đấm thùm thụp vào nhau khiến Toàn lúng túng. Chàng tự nhiên đỏ mặt. Thấy chàng "e thẹn", mấy em chị nuôi "trời đánh" này càng thích thú tợn. Có em còn la toáng lên: -- Sĩ quan Mỹ Ngụy cũng biết xấu hổ, chị em ơi! Đến giờ nghỉ, các chị nuôi quây quần lại với nhau, nói chuyện ỏm tỏi: -- Này chúng mày này, cái anh Toàn người Ngụy này sao mà cái giọng cứ trầm trầm, cùng là người Bắc mà giọng không giống mấy thằng vệ binh mí lị quản giáo tí nào, chúng mày ạ! -- Mấy con đĩ trong Nam này cũng thế, giọng không cao và thanh như giọng chúng mình. Giọng chúng nó cứ khào khào làm sao, nghe như giọng ngan ngỗng ấy! Một chị nuôi, răng cải mả nhô ra như cái bàn nạo dừa, vén môi nhập cuộc: -- Tao nghe mấy anh Phó Tiến sĩ Ngôn ngữ nhà mình bảo là giọng chúng mình thanh vì nước sông Hồng trong hơn nước sông Cửu Long, chúng mày ạ. Giọng chúng mình cứ như chim hót ấy chứ! Ca sĩ miền Nam chớ có đứa nào hát cao vút như chị Tường Vi hát Cô Gái Vót Chông, giờ này nghe tao còn lạnh cả người đây này! À mà này, cái bọn con gái Nam có đứa nào đẹp đâu, chủ yếu là son phấn hết. Như tụi mình này, mặt mộc mới đánh giá được là đẹp chứ! Có con diễn viên miền Nam nào đẹp bằng chị Trà Giang trong phim Ngày Lễ Thánh đâu? -- Chị ấy đóng phim Chú Tư Hậu cũng cực kỳ đẹp, chúng mày ạ, nghệ sĩ ưu tú đấy, chả phải thường đâu! Một chị nuôi, mặt đầy rỗ hoa và mụn trứng cá, the thé: -- Chúng mày ơi, tao cứ là không thích cái trò múa này, mỏi chân bỏ mẹ đi í, mỏi còn hơn cả gánh rau muống nữa! Cái gì mà tay cứ vẹo thế này, chân cứ quẹo thế kia! Học biết bao giờ cho xong? Chị răng vẩu vội thiết tha an ủi: -- Cố học đi mày ạ! Biết đâu mai đây mày lại thành diễn viên múa, tha hồ ăn uống may mặc tiêu chuẩn cao, chả sướng à? -- Tao thèm vào! Mày biết đéo gì, con nỡm! Khiếp, cái bọn diễn viên múa hay bị bờm xơm lắm, rồi lại dở trò hủ hoá cho, báu lắm đấy? Thôi, chúng mày, đến giờ học rồi! Lạ nhỉ, cái thằng Sĩ Quan Ngụy này mặt cứ hiền lành vô tư, chẳng có vẻ gì là "uống máu người không tanh" cả? Hay là nó giả vờ ngây thơ cuội cũng nên! -- Ấy thế mày thử đụng vào nó xem, nó lại chả "ăn thịt" mày à! -- Được thế đã phúc, tao còn mời nó "ăn thịt" tao nữa đấy, con bú dù ạ! Nó ăn thịt tao thì tao ăn thịt nó lại, để xem mèo nào cắn mỉu nào cho biết? Các cụ chả nói gì này, gì này, à, tao nhớ rồi, vỏ quít dầy, móng tay nhọn đấy! Sau buổi dạy thứ ba, một chị nuôi dẫn Toàn ra sau hè, chỉ vào một đống rau muống trên mặt đất: -- Anh Toàn này, lấy về ăn đi, cái này tiêu chuẩn cho lợn ăn đấy. Số là, rau muống sau khi thu hoạch được chia làm 3 phần. Phần đầu gồm ngọn và lá non được dành cho quản giáo và vệ binh. Phần giữa cho heo ăn. Phần cuối gồm lá già lá thối và rễ thì cho người tù ăn. Câu nói thật thà của con Cộng Sản cái này khiến Toàn thấm thía thân phận của mình. Dù sao, chàng cũng phải thốt lời cảm ơn kèm theo nụ cười. Nụ cười này, chắc cũng chẳng thua kém gì nụ cười của Anthony Quinn trong cuốn phim Giờ Thứ Hai Mươi Lăm mà chàng đã từng coi trước cái ngày khốn nạn 30 tháng Tư! Thấm thoắt, Toàn đã trải qua "nhục hình dạy múa đôi" được 3 tháng. Đã có những sự tiến triển thấy rõ trong số học viên của chàng. Những bộ quân áo thoảng mùi dầu mỡ, hành tỏi được thay thế bằng các bộ quần áo mới, thơm mùi băng phiến. Những bộ mặt đơn sơ mộc mạc đã có chút phấn hồng làm duyên. Có nàng chị nuôi còn chịu khó rẩy tí nước hoa thợ cạo, cứ thơm lừng cả lên Có nàng còn "thổ phỉ" ở đâu được đôi giầy cao gót. Không quen mang, có lần tập dợt, nàng ta vấp ngã trẹo cả chân, kêu ré lên oai oái! Trong đám học múa, có một em tên Thu Đào càng ngày càng để ý đến chàng. So với các chị nuôi học múa ở đây, Thu Đào đẹp nhất. Mỗi lần học múa, em cứ cố tình ép sát thân thể nẩy nở vào người Toàn khiến chàng khó chịu quá cỡ. Chàng cảm thấy rất tội nghiệp cho cái bộ phận khốn khổ của chàng, dù ở trong hai lớp quần đùi, cứ khăng khăng vươn lên đòi quyền sống. Em Thu Đào này có thân thể cao ráo, eo ót đàng hoàng. Đôi mắt lá răm và tiếng cười rất đĩ tính của em đủ để cho người "liên hệ" mơ màng đến những đêm hoan lạc. Đôi khi, em lại cố tình ra vẻ ngây thơ, lúng túng và bối rối khi đụng chạm, khiến Toàn càng vất vả khi phải tự "củ soát" mình! Sự e thẹn của người đàn bà khi nào cũng là thuốc bồi cho ngọn lửa dục vọng của người đàn ông. Có đêm ở trại, những cảm giác rung động này lại hiện về thôi thúc trong cơ thể chàng, trong đầu óc một thằng trai trẻ lâu ngày xa đàn bà như chàng, khiến chàng phải cố trấn tĩnh hết sức để khỏi làm phiền anh em bạn bè nằm cạnh! Từ ngày thích chàng, Thu Đào hay dúi vào tay Toàn những thứ nho nhỏ, sau buổi tập. Có khi là chiếc gương con, có khi là chiếc lược nhỏ, có khi là ít vải vụn (chắc để chàng dùng vào công tác vệ sinh!). Có khi là tờ giấy với những lời tỏ tình rất ngô nghê mà Toàn phải đốt ngay sau khi đọc. Cô ta càng ngày càng bạo mồm bạo miệng. Có lúc Thu Đào thầm thì vào tai chàng: -- Các anh ăn uống bỗ bã thế này chắc nó chỉ còn là quả ớt thôi nhỉ. Tội nghiệp anh Toàn quá! Mỗi lần múa đôi với Toàn, Thu Đào biết anh ra làm sao hết! Thôi, để thư thả Đào sẽ bồi dưỡng cho! Một hôm, khi đang tập dượt, Thu Đào bất ngờ hôn cái xoạch vào miệng chàng rồi hổn hển nói vào tai chàng: -- Anh hôn trả em đi, cho thằng Cảnh vệ binh nó ức chơi. Tiên sư bố nó, em không thích mà nó cứ i ỉ theo em mãi. Cái thằng sao dai thế không biết! Cả đời này Đào chỉ yêu Toàn thôi! Liếc ra ngoài cửa, Toàn thấy một anh bộ đội răng đen mã tấu, mắt long xòng xọc đang nhìn chàng căm hờn. Thu Đào thì cứ thức dục: -- Hôn em đi Toàn! Có em ở đây, anh sợ chán gì thằng Cảnh! Nó mà giở trò gì với anh, em nói anh Dự đổi nó đi chỗ khác cho biết thân! Nào, hôn Đào đi Toàn! Hôn nhanh lên, Toàn! Dĩ nhiên, Toàn không thể thi hành yêu cầu tha thiết này. Láng cháng xơi kẹo đồng thì bỏ mẹ, chàng tự bảo dạ. Từ đó, khi dìu theo điệu nhảy, chàng luôn giữ một khoảng cách với thân thể em chị nuôi đa tình này. Mấy lần, em ép sát bộ ngực nảy nở vào người chàng, Toàn phải cố đẩy ra. Em tỏ vẻ thất vọng và bực mình ra mặt. Dạy thêm một tháng nữa, Toàn cảm thấy tình trạng này nguy hiểm quá. Nhỡ vì quá ghen, thằng vệ binh răng cải mả có ngại ngùng gì mà không bùm cho chàng một phát. Hoặc giả Thu Đào, tức giận vì mối tình không được đáp lại này, có thể nhờ thằng Cảnh thanh toán chàng. Đằng nào cũng đi đoong, chàng tự bảo dạ. Ngày hôm sau, chàng nhờ Quản giáo đạo đạt ý nguyện bỏ việc của chàng lên Tiểu Đoàn, với lý do dạy đã xong, các chị nuôi bây giờ đều múa được cả. Ngoài ra, chàng còn nêu lý do thiết tha muốn trở về cùng anh em để lao động chân tay. Trên Tiểu Đoàn cũng đồng ý với nguyện vọng của chàng. Khi Toàn tuyên bố chấm dứt lớp dạy múa, các chị nuôi nhao nhao lên phản đối. Một số bất mãn bỏ về không thèm học nữa. Một số hớn hở ra mặt vì từ nay thoát khỏi cảnh vẹo chân vẹo tay, quay về với việc khuân gạo, luộc rau coi bộ thoải mái hơn nhiều. Hôm nay, Thu Đào diện lắm. Tuy trang điểm hơi quê một chút, nhưng vẻ đẹp của nàng vượt lên trong đám chị nuôi mặt mũi trời bắt xấu, như phượng hoàng trong đàn gà vậy. Nàng còn làm một màn kẻ mắt nữa, đuôi mắt kẻ dài ngoằng trông không thua gì ca sĩ Lê Uyên của cặp song ca Lê Uyên Phương ngày nào. Khi buổi tập kết thức, các chị nuôi lục tục ra về, nàng nói thản nhiên: -- Chúng mày về trước đi, tao có chuyện cần hỏi anh Toàn một tí! Các chị nuôi nhao nhao: -- Nhanh đi nhớ, con khỉ thẽo thọt! Mày thích con cá khô thì cứ nói phăng ra, dấu với chả diếm làm mẹ gì! (Tiếng lóng ngoài Bắc gọi cái ấy của đàn ông là "con cá khô"). Đợi lũ bạn về hết rồi, Thu Đào cân̉ thận nhìn trước nhìn sau rồi run run, hồi hộp hỏi Toàn: -- Lâu lắm, anh chưa thấy cái này phải không? Toàn chưa kip hiểu thì Thu Đào đã cởi bỏ rất nhanh, phơi ngay phần ngực nõn nà và phần hạ thể hấp dẫn trước mắt chàng, rồi lảm nhá̉m như lên đồng: -- Thằng nhớn của Toàn đâu, cho nó nói chuyện với con bé của em đi. Cho hai chúng nó nói chuyện với nhau đi anh! Thu Đào yêu Toàn lắm, Toàn muốn gì thì làm, Thu Đào chả giữ gì đâu! Rồi vừa thở hổn hển, Thu Đào vừa cầm lấy tay Toàn đặt vào chỗ "không thể để" của nàng. (xin lỗi ông Mai Thảo). Trước mắt Toàn là một bức tranh tuyệt mỹ của tạo hoá với đầy đủ những cảnh vật thiên nhiên. Này là núi đồi, thung lững, sông suối, rừng hoang... Bản năng tự nhiên của con người thôi thúc chàng hoà mình vào đấy để khám phá và chế ngự. Tâm trí Toàn vô cùng khích động. Thân thể gợi cảm của người Nữ bừng bừng mời gọi, giọng nói tha thiết dồn dập như chất xúc tác xô đẩy chàng vào trạng thái cực kỳ hưng phấn. Mỡ dâng tận đến miệng mèo, còn ngại ngần gì mà không hưởng thụ? Nhưng nghĩ đến cặp mắt gườm gườm đầy ghen tuông của tên vệ binh Cảnh, nghĩ đến những chuyện phiền phức vô cùng sau này nếu chàng gần gũi Thu Đào bây giờ, Toàn cảm thấy tóc gáy mình dựng ngược. Thằng Vệ binh Cảnh chỉ cần gọi chàng ra một chỗ khuất, lên lớp chàng, cho chàng vài báng súng rồi ra lệnh cho chàng chạy đi. Sau đó là những viên đạn xuyên qua thân chàng từ sau tới, với lời báo cáo giản dị: Thằng Sĩ Quan Ngụy trốn trại, tôi phải bắn! Toàn quyết tâm đẩy cái thân thể đầy ước vọng "trao thân gửi phận" ra khỏi người chàng. Chàng nghĩ vội, đàn bà, nếu chỉ yêu thôi, không có gần gũi xác thịt thì không sao! Nhưng khi tình yêu đã có tình dục vào rồi thì mạnh mẽ và đầy uy lực. Người đàn bà, khác với đàn ông, có thể làm bất cứ điều gì để duy trì thứ tình yêu đó. Thu Đào ngỡ ngàng trước hành động chối từ của chàng. Nàng ta bẽn lẽn kéo cái quần lót trắng ngà quá khổ lên trên cả rốn, sửa lại y phục. Trước khi ra về, nàng thì thầm vào tai chàng: -- Cái đám trai Bắc cả nước này chẳng ai bằng anh cả! Thu Đào chả yêu ai được bằng Toàn đâu! Anh là Ngụy nhưng em vẫn yêu anh, chúng nó làm gì được em? Sau một năm vừa trình diễn vừa tập dợt, Ban Văn nghệ phải giải tán. Lý do vì trong một buổi trình diễn, hai diễn viên trong một vở kịch cứ cương ẩu, nhắc đi nhắc lại câu nói khi xưa của Tổng Thống Thiệu được cải biến: "Đừng nghe nó nói mà hãy nhìn kỹ cái gì nó làm nghe mày!" Sau buổi trình diễn, hai bạn diễn được mời lên Bộ Chỉ Huy trại để "làm việc" ngay. "Ngày vui qua mau", Toàn và các bạn lại lững thững quay về với kiếp nông nô. Một buổi chiều, đến giờ về, anh em đang thu dọn cuốc xẻng thì có tên vệ binh trên Tiểu Đoàn xuống, đòi gặp Toàn. Nhìn lại thì chính là tên vệ binh Cảnh, kẻ say mê chị nuôi Thu Đào như điếu đổ. Hắn muốn Toàn ra một chỗ khuất để nói chuyện riêng. Cả đội của Toàn, lo lắng cho tính mạng của chàng, thay vì về trại theo lệnh Quản Giáo, nhất tề ngồi lại chờ Toàn về cùn. Phải nói là Toàn cũng hơi lo khi đi cùng với tên Cảnh ra một bụi rậm gần đó. Nhưng chàng phớt lờ đi. Chàng nghĩ, thân phận tù tội của mình có ra gì, biết đâu chết lại là một cách giải thoát khỏi gông cùm Cộng Sản. Nhất là lại chết vì tình yêu nữa chứ! Chàng mỉm cườiy đắng với ý nghĩ này! Ra tới bụi rậm, tên Cảnh nhìn Toàn rồi hỏi: -- Anh thù tôi lắm phải không? Toàn trả lời: -- Có gì đâu mà thù, mà thù vì vụ gì? -- Vụ cô Thu Đào ấy, anh không nhớ à? Này nhé, hai người liên hệ gì mí nhau, làm sao qua mắt tôi được! Tên Cảnh nở một nụ cười kẻ cả. Lớp dạy múa không còn nữa, hai kẻ không còn gần nhau, hắn khỏi phải lo lắng gì nữa. Hắn thừa biết bây giờ hắn đã "trên cơ" Toàn và một lần nữa, trở thành kẻ thắng cuộc. Móc túi lấy ra một gói nhỏ đưa cho Toàn, hắn nháy mắt "chọc quê" chàng: -- Có món quà người đẹp gửi cho anh! Tối nay tha hồ trắng mắt mà mơ với mộng nhé! Về trại, Toàn mở gói ra xem. Tất cả có một tờ giấy với giòng chữ nguệch ngoạc: "YÊU ANH CẢ ĐỜI. VĨNH BIỆT SĨ QUAN NGỤY CỦA EM!" Kèm theo đó là một số lọn tóc và móng tay móng chân, cùng với mấy miếng vải vụn, không biết có phải cắt từ quần lót của cô nàng hay không? Khiếp, con người Cộng Sản Xã hội Chủ Nghĩa khi yêu cũng mùi mẫn cải lương tận mạng đấy chứ, có thua gì tình tiết của vở tuồng Bạch Diễm Sơn và Bạch Thu Hà đâu? Tình yêu, bản năng tự nhiên của con người, chủ nghĩa nào dập tắt nổi? Năm sau, khi có dịp lên Tiểu Đoàn sửa hàng rào, chàng gặp lại Mơ, chị nuôi, là học trò múa đôi của chàng. Em hớn hở dắt chàng ra góc vườn rồi dẩu mỏ thì thầm: -- Anh Toàn còn nhớ con Thu Đào không, nó lấy thằng Cảnh vệ binh rồi. Trước ngày cưới, nó tâm sự với em là chỉ yêu anh mà thôi! Nó khóc với em như cha chết khi nói đến anh! Này này, anh có gì với nó không đấy, "tự thú trước bình minh" đi, em tha cho! Mơ lấy ngón trỏ dí vào trán chàng rồi lườm nguýt: -- Cái thứ Sĩ Quan Ngụy các anh chỉ làm khổ đàn bà con gái người ta! À này, có tí rau muống ở sau nhà, Toàn cứ lấy đem về ăn đi nhé! Cho mấy con lợn nó ăn cũng thế thôi!
NGUYỄN GIANGTrích trong "Tuổi Trẻ Của Toàn" |