Sunday, June 15, 2014

Tiếng Hát Chinh Phu - Cao Tiêu


Thi sĩ Cao Tiêu


Thủ bút của Thi sĩ Cao Tiêu




Tiếng Hát Chinh Phu

Thơ: Cao Tiêu

Phổ nhạc: Hoàng Khai Nhan

Tiếng hát: Bùi Thiện





Tưởng Niệm Thi Sĩ Cao Tiêu

Nguyễn Mạnh Trinh

Thi sĩ Cao Tiêu tên thật là Hoàng Ngọc Tiêu, sinh ngày 16 tháng 1 năm 1929, tại Dưỡng Thông, Kiến Xương, Thái Bình. Ông xuất thân Khóa 4 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, là đại tá Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, QLVNCH. Đồng thời là chủ nhiệm nguyệt san Tiền Phong và bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa từ năm 1968 đến năm 1975. Ông còn là thành viên của hội đồng giám khảo bộ môn thơ của Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

Các tác phẩm của ông gồm có:

  • Quan Niệm về Cái Chết qua Thi Ca và Triết Lý (tiểu luận, do Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn, 1970)
  • Sứ Trình (bút ký công du Đài Loan, do Nam Chi Tùng Thư xuất bản, 1970)
  • Đăng Trình (thi tập, do Ngọc Nữ xuất bản, 1971)
  • Tuyển Tập Thơ Nhạc gồm 12 bài thơ do 15 nhạc sĩ phổ nhạc (Bội Ngọc xuất bản, 1971)
  • Cao Tiêu Thi Tuyển gồm các bài thơ chữ Hán (Hoàng Gia Huynh Đệ xuất bản tại California năm 2002)
  • Cao Tiêu Thi Tuyển gồm 232 bài nguyên tác Hán thi, do tác giả diễn nghĩa, chú thích và dịch thơ

Có người hỏi tôi suy nghĩ và cảm giác như thế nào khi nghe tin Nhà thơ Cao Tiêu vừa qua đời? Với tôi, từ suy nghĩ chủ quan của mình, nhà thơ Cao Tiêu không những chỉ là một thi sĩ mà quan trọng hơn, là người đứng đầu của một hệ thống văn nghệ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để chống lại ý thức hệ Cộng Sản trên bình diện quốc gia. Nếu hiểu theo nghĩa nôm na giản dị là một quan văn nghệ để chỉ đạo cuộc chiến bằng truyền thông với quân địch.

Nhưng, nếu so sánh với những quan văn nghệ ở phía đối phương Cộng sản như đồ tể Trường Chinh hay văn nô Tố Hữu lúc trước hay trung tướng công an Hữu Ước bây giờ thì thật là cách xa. Một đằng hách dịch quan liêu luôn luôn dùng áp lực để bắt buộc văn nghệ sĩ đi theo đường lối phục vụ chính trị và chế độ. Một đằng, như nhà thơ Cao Tiêu, Cục Trưởng Tâm Lý Chiến bình dị và là một con người thấm nhuần đạo lý xưa kia của dân tộc. Thú thực, trước năm 1975, ở vị trí của một kẻ hậu sinh tôi không biết gì về đại tá Cao Tiêu. Nhưng với những người đã cộng tác mật thiết với ông kể lại thì ông là một vị chỉ huy có viễn kiến và đức độ, đời sống trong sạch và không có sự quan liêu hách dịch.

Nhà nhận định phê bình văn học Tam Ích Lê Nguyên Ngư đã nhận xét về thơ Cao Tiêu trong tập Đăng Trình như sau:

”"Con người và cái tâm cùng cái thính giác của con người, khi đã theo nhip lịch sử, thì cũng làm thơ theo thi hiệu mới - trên bối cảnh dân tộc. Bỏ dân tộc thì mất tính dân tộc trong thơ: Cao Tiêu tránh được sự mất, để nuôi và duy trì sự còn - thành ra thơ Cao Tiêu mới mà lại rất Á Đông. Nói cách khác rất Việt Nam: hiếm ở đấy; khó ở đấy; quí ở đấy - mà cái đẹp ở đó trưởng thành theo nhịp tâm tư, vươn theo nhịp thời gian; thời gian bên trong, kể cả thời gian mới nhất là thời gian nàng Giáng Hương ứa nước mắt dùng để đưa người danh sĩ về cõi mầu hồng - hồng trần”."

Có lẽ nhận xét ấy tuy đã viết từ cách xa hơn 50 năm đến nay vẫn còn ý nghĩa!

Thi sĩ Cao Tiêu có tay bút bay bướm viết chữ Hán Tự và Việt ngữ kiểu chữ thảo rất đẹp và thường được mời để viết trang đầu tiên của những giai phẩm xuân ở hải ngoại.

Theo truyền thống từ trong nước ra tới hải ngoại những vị được coi như là tiên chỉ trong làng văn có nét chữ bay bướm thường được mời để viết những trang thơ khai bút của các giai phẩm xuân. Như các giai phẩm báo Tự Do, hay tạp chí Văn ở trong nước thường có nét bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Còn ở hải ngoại thì các giai phẩm xuân của báo Người Việt, Viễn Đông, Việt Tide, thường có thơ xuân của thi sĩ Cao Tiêu ở trang đầu tiên.

Thơ xuân chữ Hán của ông có nét cổ kính của những thời xa xưa nhưng lại có nét mới của nhịp sống hiện giờ của tương lai mở ra những điều tốt lành cho xuân mới. Ví dụ như bài Xuân Cầm:

Xuân cầm tư diệu thủ
Tư diễm phát hoa y
Thuyền hội thanh giang độ
Sương lung bích liễu ti
Cảm quan ca chúc tửu
Thôi ngã túy đề thi
tùy dương xuân nhập mộng
Thủy ánh nguyệt lưu ly

Và tác giả dich sang Việt ngữ:

đàn xuân rung nhớ điệu tay ai
nhớ áo hoa buông mướt tóc dài
thuyền thả sông xanh neo bến hối
liễu chùng tơ biếc rủ sương lơi
như say bút múa niềm thơ gửi
nghe ấm hơi ca hứng rượu mời
theo khúc dương xuân vào cảnh mộng
trăng lồng bóng nước ánh chơi vơi.”

Theo chủ quan của tôi, thơ như thế đâu có thua gì thơ thời Đường Tống? Không hiểu tôi có bạo gan khi viết thành thực ý nghĩ của mình như vậy?

Tập thơ “Đăng Trình” được xuất bản năm 1971 gồm 61 bài thơ trong hai tập “Ý Giao Duyên” và “Phương Thảo”. Có những bài thơ nhớ về cố hương miền Bắc, có những bài thơ đậm đà hồn dân tộc, có những bài thơ là những khúc tình ca muôn đời. Và nhiều nhạc sĩ đã lấy thơ trong thi tập này để phổ thành những bản nhạc khá nổi tiếng.

Trong nhiều bài thơ ấy ví dụ là một điển hình: bài thơ Tình Thu trong Đăng Trình đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành “Heo May Tình Cũ”. Và nhiều tiếng hát đã trình bày thành công như tiếng hát Thanh Lan chẳng hạn.…

Bài thơ khá dài. Tôi xin chép lại mấy câu đầu của bài thơ đã được phổ nhạc:

Xanh trong bừng sáng mắt chiều
Vàng dâng hoa bướm tin yêu rộn ràng
Mây bay về nẻo hương quan
Thuyền con chuyển bến thu sang nhớ người
Núi sông đau chuyện đổi dời
Ba thu đăng đẵng cho tôi mỏi mòn
Heo may chở lạnh vào hồn
Tình theo xứ cũ có tròn mộng không?
Hỡi ơi má thắm môi hồng
Năm năm, lòng vẫn cứ lòng ước mơ
Trang đời chép tự thu xưa
Thu năm nay vẫn là thơ ân tình...”

Một bài thơ khác: bài thơ “Mùa Xuân Hát Cho Em” mà nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc.

Mùa xuân hát cho em
điệu tình ca phơi phới
trang lòng đầy hương êm
đón em vào mở hội
nếu em là ngày đêm
anh xin làm mặt trời
tô nắng hồng tha thiết
cho thêm vui cuộc đời
nếu em là rừng xanh
anh sẽ làm suối bạc
cất tiếng hát bên ghềnh
ru em ngàn điệu nhạc
em có làm đồi hoa
anh xin làm lối cỏ
đưa vết nai hiền hòa
hương lòng bay theo gió…”

Mười bốn bài thơ phổ nhạc của nhà thơ Cao Tiêu được in trong “Thơ Nhạc” xuất bản năm 1971 với các nhạc sĩ: Anh Việt Thu, Dương Thiệu Tuớc, Phạm Đình Chương, Hoàng Khai Nhan, Hoàng Quốc Bảo, Hồ Đăng Tín, Minh Nhựt, Nhật Bằng, Phạm Duy, Phan Thế, Thục Vũ, Từ Công Phụng, Viết Chung, Vũ Đức Nghiêm, Vũ văn Tuynh.

Nhan đề như Sông Chiều - Đàn Chiều Thương Nhớ, Nhạc Dương Thiệu Tước; Mây Trôi Về Cố Xứ, nhạc Hoàng Quốc Bảo, Mùa Thu Thương Nhớ, nhạc Thục Vũ; Đàn Sầu, nhạc Từ Công Phụng, Hoa Trắng, nhạc Vũ Văn Tuynh; Đàn Sầu, nhạc Phan Thế; Tơ Lòng Chinh Phụ, nhạc Viết Chung; Em Như Xuân, nhạc Nguyễn Đình Thanh;…

Một ví dụ như bài thơ Mây Trôi Về Cố Xứ mà Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc:

Mây trôi về cố xứ
bay trả về cố đô
lá sen xanh hương cốm
hoa bay lừng cửa ô
tóc ai hong tơ nắng
một mùa htu xa xưa
bao nhiêu là thương nhớ
người đi tận cuối trời
mộng buồn theo năm tháng
bao mùa thu chia phôi
hôm nay thu lại sang
gió vẫn chở lá vàng
nhưng không về cố xứ
những mùa thu chia tan...”

Nhà văn Tam Ích đã viết về thơ Cao Tiêu và là một cách lý giải tại sao thơ của ông lại được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như thế: “Để tỏ lòng ngưỡng mộ của người đọc thơ đối với người làm thơ để mừng mình được ngắm cái đẹp mà ngắm thật; đọc thơ hay rồi theo cái hay của thơ, cảm thông với nhạc thơ như thị giác ngắm cánh hoa trong thơ vì thơ hay vốn có nhạc mà lại cũng như gợi sắc thơ cho sắc hoa.””

Tập tiểu luận “Quan Niệm về cái Chết qua Thi Ca và Triết Lý” là phân tích và tổng hợp những tư tưởng xưa nay để thành một quan niệm nhất quán. Con người phát sinh từ hư vô như một ánh sao sa trong trời vắng, tự tạo phẩm giá cho mình trong khoảnh khắc sinh tồn ngắn ngủi rồi lại trở về với hư vô, nhưng hân hoan mãn nguyện vì đã gieo vệt sáng dù là cô đơn, trong trường dạ tối tăm trời đất. Đó là một già trị nhỏ nhoi thực hữu. Bởi không có gì làm sáng giá hơn cho con người bằng chính giá trị con người tự tạo lấy.”

Luận về sinh tử đến đi, quan niệm của mỗi người thường khác biệt nhau bởi vì có nhiều yếu tố của đời sống cá nhân ảnh hưởng vào. Nhưng với quan niệm của nhà thơ Cao Tiêu thì đời sống quá ngắn ngủi và con người trong khoảnh khắc ấy phải tự tạo ra những giá trị để nâng cao phẩm chất của cuộc sống.

Khi lưu lạc định cư ở Hoa Kỳ, nhà thơ Cao Tiêu xuất bản một tác phẩm khá độc đáo. Năm 2002 ông xuất bản “Cao Tiêu Thi Tuyển” gồm các bài thơ chữ Hán. Nội dung có cả thi tập “Thập cảnh Tứ Thời” gồm 31 bài và Hoa Du Thập Nhị Vịnh gồm 20 bài. Phần đông đều là thơ tứ tuyệt và thi sĩ Đan Quế đã có thơ cảm đề:

Ngũ ngôn tứ tuyệt bút vung
như mây cuồn cuộn hoa rung cánh ngà
theo cùng Đỗ Mục tài hoa
nhiệt tâm hào khí đâu là kém chi
theo cùng thiền thức Vương Duy
gặp nhau trong nét từ bi khác đời”.

Thi sĩ Mai Thạch Lê Nguyên Phu cũng nhận xét: “Thơ năm chữ của anh thật là đặc sắc Tình và cảnh hòa hợp phong thái nho nhã. Tiết điệu và ngôn từ đều đã đạt được tuyệt diệu của thơ.

Riêng tôi thì đã viết trong một bài đọc sách với ý nghĩ chủ quan của mình. Tôi có kiến thức rất hạn hẹp về Hán Tự nhưng đã đọc tuyển tập này thật dễ dàng bởi tác giả đã có phần dẫn giải và dịch thơ rất hàm súc và đầy đủ nên phần chia sẻ của người đọc và tác giả dễ dàng và thông suốt.

Từ lúc tôi biết bắt đầu làn thơ tôi vẫn nghĩ phải biết chữ Hán để đọc được những bài thơ Đường Tống và sẽ giúp ích cho mình để trau dồi kỹ thuật xử dụng ngôn từ và hình ảnh cho thơ. Nhưng đó chỉ là ước vọng dù cố gắng nhưng vẫn chưa thông được mặt chữ. Tôi nhớ có lúc ở trong trại tù Cộng sản Long Khánh tôi có quen một anh chàng Việt gốc Hoa và đã hy sinh mỗi ngày miếng cơm cháy nhỏ nhoi để ăn xin vài chữ Hán nhưng chỉ được vài ba tháng đang học hành ngon lành thì bị chuyển trại và thế là chữ thầy trả cho thầy.

Giở những trang thơ của thi sĩ Cao Tiêu, nhìn những nét Hán Tự xương kính, đọc những câu thơ chuyển dịch Việt ngữ tài hoa để tưởng tượng lại một thời đã qua của lịch sử. Những nét chữ những ý thơ đã thành của những hồn trăm năm cũ, bây giờ. Đọc sách để tưởng tượng đến người, đến thi sĩ làm đẹp đời sống và mang lại phong vị cổ xưa cho một đời lưu lạc tha hương….

Trước sự ra đi của thi sĩ Cao Tiêu tôi có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào?

Dĩ nhiên rất là buồn và cảm thấy sự mất mát lớn của văn giới Việt Nam hải ngoại. Huống chi ở vị trí cá nhân tôi không thể nào quên 24 năm trước đây ông đã đọc thơ chúc mừng tôi và vợ tôi trong tiệc cưới và nhiều tờ báo đã đăng bài thơ ấy với nét chữ sắc sảo tài hoa. Cũng như khi ông làm ở hội USCC đã giúp đỡ gia đình người anh vợ tôi được định cư khi ở trong trại cấm Hồng Kông. Và nhất là ông đã ưu ái coi tôi như người thân trong nhà như các cháu ông mà cũng là bạn của tôi như Hoàng Khai Nhan, Hoàng Quốc Bảo.

Viết những dòng chữ này, là một cách thế tưởng niệm với những nén tâm hương.…

Nguyễn Mạnh Trinh



No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!