Nguyễn Mạnh Trinh
Bọn ta ba trăm thằng tuổi trẻ
Chọn không gian tổ quốc mênh mông
Mắt sáng môi tươi như tranh vẽ
Vào lửa binh không chút nao lòng
Chia sẻ với nhau thời bão gió
Ðời muôn nhánh rẽ ngược xuôi nguồn
Cánh chim phiêu bạt ngàn cổ độ
Tử sinh ai luận chuyện mất còn?
Ngồi uống cùng nhau các hảo hán
Tưởng ngày xưa rượu tiễn lên đường
Sách vở giảng đường thành dĩ vãng
Những chàng trai dệt mộng muôn phương
Bọn ta ba trăm thằng lính sữa
Ngất ngưởng ca bài hát sa trường
Nghe tâm thức rộn ràng vó ngựa
Tráng sĩ hề đâu ngại gió sương
Chuyện đời xưa ăn thề cắt máu
Những anh hùng kết nghĩa đệ huynh
Lịch sử đã ngàn năm in dấu
Cánh đại bàng vút buổi đăng trình
Chuyện ngày nay ba trăm bè bạn
Vang câu thề chốn vũ đình trường
Tay cầm súng đi vào lửa đạn
Chiến mã nào đã sẵn yên cương?
Bọn ta ba trăm thằng lính trận
Chọn không gian tổ quốc hào hùng
Ðất nước thế thời cơn địa chấn
Tuổi thanh xuân nào chịu quay lưng
Tưởng những lúc sao trời dẫn lối
Ðường thênh thang mây gió tầng cao
Tưởng thái dương một vầng chói lọi
Gươm thiêng nào thiên cổ vừa trao?
Hãy nâng ly này các hảo hán
Uống cho say mai sớm lên đường
Chợt có lúc thấy mình lãng mạn
Em quẩn quanh bàng bạc mùi hương…
Nguyễn Mạnh Trinh
Bài thơ gợi nhớ lại thời ắc ê gào hát "bao chiến sĩ lên đường"...
ReplyDeleteNgày đó đâu rồi ?
Cám ơn mày, Trinh.
Nguyên Cò
Phê bình nhất định là khó! Nhất là phê bình 1 bài thơ của 1 nhà thơ, đồng thời cũng là 1 phê bình gia như bạn NMT, điều này lại càng khó hơn. Vì thế, những giòng sau đây chỉ thuần túy là những cảm nghĩ của 1 người yêu thơ, với những rung động mà hắn không thể không viết ra khi đọc được 1 bài thơ đắc ý.
ReplyDeleteCả 1 bài thơ, ta không thấy 1 câu nào thừa thãi . Mỗi chữ đã đem lại ý vị đặc trưng, mỗi câu đã diễn tả đây đủ ý tình cần thiết!
Bốn câu thơ đầu của bài đã nói lên tâm tình của anh em chúng ta khi từ giã đòi sống học đường để gia nhập quân ngũ:
Bọn ta ba trăm thằng tuổi trẻ
Chọn không gian tổ quốc mênh mông
Mắt sáng môi tươi như tranh vẽ
Vào lửa binh không chút nao lòng
Từ thuở mắt sáng môi hồng đến khi mặt dày mày dạn với lửa binh, từ những nhân viên Phi hành với những phi vụ hiểm nguy đến những nhân viên Không Phi Hành suốt ngày trốn chạy đạn pháo, có mấy ai hãi sợ cuộc binh lửa? Quả thật, đời sống với chúng tôi lúc đó chỉ thuần hiện tại, chẳng mấy ai thắc mắc đến tương lai!
Toàn bài thơ nồng đượm sự hào hùng của tuổi trẻ , lòng quyết tâm của những tâm hồn chưa bị thói đời lôi cuốn. Bốn câu sau như bàng bạc số phần định sẵn của những thanh niên đầy nhựa sống:
Chuyện ngày nay ba trăm bè bạn
Vang câu thề chốn vũ đình trường
Tay cầm súng đi vào lửa đạn
Chiến mã nào đã sẵn yên cương?
Riêng tôi, tôi thích lắm 4 câu sau, trình bầy tâm trạng của những người lấy mây trời làm bằng hữu:
Tưởng những lúc sao trời dẫn lối
Ðường thênh thang mây gió tầng cao
Tưởng thái dương một vầng chói lọi
Gươm thiêng nào thiên cổ vừa trao?
Đoạn thơ thực hào hùng nhưng không kém nên thơ! Chữ TƯỞNG dùng ở đầu câu 1 và 3 thật đắc vị! Ý của chữ TƯỞNG này, theo tôi, không phải là TƯỞNG CHỪNG hay TƯỞNG TƯỢNG, mà có nghĩa của HỒI TƯỞNG hay TƯỞNG NHỚ, phải thế không bạn Trinh?
Hai câu cuối của bài thơ đã cho thấy tấm lòng của những người tuổi trẻ 50 năm cũ, dù ngạo nghễ dấn thân vào nơi gió cát với cái chết đang chực chờ, nhưng tâm hồn lãng mạn vẫn chẳng thể quên đi:
Chợt có lúc thấy mình lãng mạn
Em quẩn quanh bàng bạc mùi hương…
Chữ EM đầu câu cuối, sao tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, giá thi sĩ thay bằng chữ AI thì tuyệt hơn, vì BÀNG BẠC MÙI HƯƠNG dĩ nhiên là của EM rồi! ( chẳng lẽ lại của ANH? )
Tâm thức hào sảng trong bài thơ GỬI CÁC BẠN KHÓA 7/68 KQ đã chập chùng trong từng chữ, từng câu. Không khí ấy ta cũng bắt gặp trong những bài thơ Hành thất ngôn cổ phong nổi tiếng như Tống biệt Hành, Hành phương Nam, Trường Sa Hành, Biên cương Hành. ..Đã có lúc, tôi tưởng như đang đọc 1 bài Hành đầy hùng khí chất ngất !
Nhưng tôi lại thấy rằng không phải! Nỗi buồn chia ly, những u uẩn với thời thế ( là những điều cần có trong 1 bài Hành ) không có trong bài thơ này!
Ở đây, ta chỉ có những con người trai trẻ biết rằng ngày nào đó sẽ không gặp nhau nữa, vì những cánh chim vô định ngàn bờ bến, nhưng coi chuyện sống chết là chuyện tất nhiên và chuyện chia ly là điều không tránh khỏi:
Chia sẻ với nhau thời bão gió
Ðời muôn nhánh rẽ ngược xuôi nguồn
Cánh chim phiêu bạt ngàn cổ độ
Tử sinh ai luận chuyện mất còn?
Đúng thế! Đã đem cả cuộc đời hiến dâng cho tổ quốc, đã chấp nhận như những Kinh Kha thời đại, mấy ai còn vướng mắc với chuyện sống còn nhỉ?
NGUYỄN GIANG
KHÓA 7/68 KQ.