Sunday, November 12, 2017

Duyên Hội Ngộ



Nhạc Sĩ Anh Bằng
(1926 - 2015)

Thân gửi anh Hoàng Khai Nhan:
Ngày 12 tháng 11, cách đây đúng 2 năm, nhạc sĩ Anh Bằng, người mà tôi rất qúy mến và thường gọi là Hiền Huynh đã ra đi. Sáng hôm nay chúng tôi đã ra thăm mộ, đặt hoa và cầu nguyện... Tôi gửi anh bài viết  về duyên hội ngộ với người nhạc sĩ tài ba và nhân hậu này. Mời anh đọc bài và tùy nghi chuyển cho những người khác cùng đọc.
Thân mến,
Toàn Phong


GS Nguyễn Xuân Vinh

            Nếu tôi có may mắn được gặp và quen thân với nhạc sĩ Anh Bằng, thì phải nói là chúng tôi đã có duyên hẹn gặp nhau từ kiếp trước, vì trong đường đời chúng tôi đã theo hai con đường thật khác nhau. 

Thứ nhất là nhạc sĩ Anh Bằng, người mà từ ngày quen biết nhau, tôi vẫn gọi là Hiền Huynh, đã hiến trọn cuộc đời cho Âm Nhạc. Anh là một nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc đại chúng của Việt Nam với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc để lại cho đời. Cùng một lúc là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng và nhạc hải ngoại, Anh Bằng còn là người đã sáng lập Trung Tâm Asia vào năm 1980 để phổ biến những ca khúc Việt Nam tới mọi cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.  

Còn tôi, thì khi nhìn vào một bản nhạc, một nốt bẻ làm đôi, tôi cũng không biết là gì. Theo vận nước đổi thay, cuộc đời của tôi đã có nhiều thay đổi. Anh bạn nhà văn Võ Ý đã có lần viết là tôi có ba cái nghiệp, là nghiệp văn, nghiệp bay và nghiệp giáo. Hai cái nghiệp sơ khởi là nghiệp văn và nghiệp bay, tôi đã không làm được trọn vẹn. Chỉ còn  nghiệp giáo là theo tôi suốt cuộc đời. 

Cũng vì  vậy, mà lúc mới đầu, khi kết tình anh em, Anh Bằng gọi tôi và Phiến Đan là Hiền Đệ và Hiền Muội, nhưng sau đó anh đổi lại và gọi tôi là Sư Đệ, vì theo anh tôi đã là giáo sư thì phải dùng chữ Sư cho tôi mới đúng. Anh còn doạ là nếu tôi không nhận được gọi như vậy thì anh sẽ đổi danh xưng Hiền Huynh ra là Ác Huynh. Trong văn thư trao đổi, khi đã quen thân với nhau, lúc nào Hiền Huynh cũng gọi tôi như vậy.

             Lần đầu tiên mà hai con đường chúng tôi đi đã gần gặp nhau là năm tôi mười tám tuổi, nhưng không phải là ở cái tuổi như hiền huynh Anh Bằng đã sáng tác được bàn nhạc “Nỗi Lòng Người Đi” với những câu tha thiết:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.



Nỗi Lòng Người Đi (Anh Bằng) Tuấn Ngọc hát

          Năm đó, tôi chỉ là một cậu học sinh học thi tú tài, theo trường Trung Học Nguyễn Khuyến từ Nam Định di tản về huyện Yên Mô  ở tỉnh Ninh Bình. Xa nhà năm đầu tiên, vào dịp đựơc nghỉ Tết, nếu trở về với gia đình ở tận Hải Dương, tôi sẽ phải đi bộ mấy ngày đường. Cũng may mà tôi có một bà dì đã cùng chồng mở một hiệu thuốc Bắc ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, tôi có thể tới đó nghỉ vài ngày ăn Tết, mà  theo đường tắt, đi  từ Yên Mô thì chỉ từ sáng đến chiều tối là tới nơi. Trong suốt thời gian hai năm theo học ở Yên Mô, tôi đã đi trên con đường này vài lần và tôi còn nhớ là đi được nửa đường phải nghỉ lại ở thị tứ Điền Hộ, thuộc huyện Nga Sơn, lúc đó vào tỉnh Thanh Hoá. Sau này được quen biết hiền huynh, đôi khi tôi thấy có lời giới thiệu sinh quán của Anh Bằng, ghi nhầm là ở Điền Hộ thuộc tỉnh Ninh Bình, tôi cũng đã gửi điện thư góp ý kiến cho ban biên tập Bách khoa toàn thư Wikipedia phần tiếng Việt, thì nay kiểm lại đã thấy được ghi chính thức là thuộc tỉnh Thanh Hoá, là tỉnh địa đầu của miền Trung. Tôi còn nhớ, mỗi lần nghỉ chân ở Điền Hộ, ngồi ăn ở quán nước  bên đường, tôi lại được nghe tiếng phong cầm từ nhà thờ gần đó vẳng lại. Hiền huynh Anh Bằng lúc đó chắc đã ngoài tuổi hai mươi nhưng lòng còn chưa vương vấn nhiều chuyện tình đời như sau này anh thường ghi lại trong những bản nhạc được chuyển đi khắp nơi. Thêm vào nữa, là người ngoan đạo, chắc lúc đó anh cũng đang quanh quẩn nơi đâu trong thánh đường, hay cũng có thể đang ngồi gõ trên phím đàn. Là người tin ở thiên duyên hội ngộ, tôi nghĩ là lúc đó chúng tôi bắt đầu có thần giao cách cảm với nhau.

            Vào khoảng cuối năm 2008, nhân dịp nhà văn Việt Hải, cùng với giáo sư Doãn Quốc Sĩ, và nhà văn Tạ Xuân Thạc lên San José để giới thiệu về Văn Đàn Đồng Tâm với văn thi hữu trên miền Bắc Cali. tôi được biết là Văn Đàn đang chuẩn bị đưa ra một Tuyển Tập gồm những bài viết về Anh Bằng, để vinh danh người nhạc sĩ lỗi lạc và nhân hậu đã được nhiều người rất mực mến yêu. Trong buổi gặp mặt, tôi đã nói là thường nghe nhạc Anh Bằng. Thế là Việt Hải ghi ngay tên tôi vào danh sách những người có thể viết bài đóng góp vào tuyển tập anh đã dự trù hoàn thành trước ngày cuối năm. Chắc Việt Hải nghĩ là tôi cũng giống như anh, có thể viết về bất cứ đề tài gì, kể cả về âm nhạc là bộ môn tôi chỉ biết nghe mà không biết phê bình. Với tôi, nhạc và hoạ là những nghệ thuật người muốn đạt được phải nhờ vào tài năng thiên phú. Những tài năng đó, chắc phải đợi kiếp sau tôi mới có được. Giờ đây nếu may mắn viết được vài trang giấy để đóng góp vào Tuyển Tập thì tôi chỉ có thể tìm trong ký ức để viết ra là tôi bắt đầu nghe được nhạc của Anh Bằng tự bao giờ, và trong số hàng trăm bài nhạc sĩ đã sáng tác, những bài nào tôi ưa thích nhất, và qua những giọng hát truyền cảm và điêu luyện của những ca sĩ nào. Bài tôi viết gửi cho giáo sư Tạ Xuân Thạc lại được anh Thạc chuyển cho Anh Bằng coi và nhạc sĩ đã hồi âm bằng những lời viết đầy tình cảm làm tôi vô cùng xúc động khi nhận được:

        “Cám ơn anh đã cho tôi đọc bài  của giáo sư  Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh viết về Anh Bằng. Tôi hết sức cảm động khi biết giáo sư, một khoa học gia danh tiếng, lại là người gần gũi với tôi và gần gũi với cả quê hương Điền Hộ của tôi nữa. Tôi không giám luận bàn văn chương, tôi chỉ biết rằng bài viết của giáo sư đã lôi kéo cho tôi nhiều cảm mến của độc giả, cũng đã cho tôi nhiều vinh dự mà chính ra, một người như tôi, không đáng được nhận lãnh.

        Chúng tôi đã thực sự gặp nhau, khi tuyển tập đặc biệt này ra mắt ở dưới Nam Cali, và nhân dịp này, Trung tâm Asia tổ chức một diễn xuất thu hình, và tôi được mời lên sân khấu, cùng với nhiều giới chức khác, nói đôi lời khen ngợi sự đóng góp của Asia vào văn hoá rực rỡ sắc mầu của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Trước đó vài tháng tôi có gửi tặng Anh Bằng cuốn truyện tình cảm thời đại Tìm Nhau Từ Thuởtôi mói viết. 


Sau này khi biết nhiều về nhạc sĩ, tôi thấy anh lúc nào cũng dành cho bè bạn thân thương chút liên hệ văn hoá với nhau, và với hiền huynh, thì có nghĩa là qua lời thơ tiếng nhạc. Với tôi, thì trong cuốn sách tôi có tả lần đâu tiên, một chàng thanh niên từ nơi xa về quê xưa, tới thăm một gia đình trong họ, gặp một cô bé, còn bé lắm, nên thấy người lạ cô nấp sau lưng bà mẹ hé đầu nhìn ra. Và mười năm sau, khi  anh trở về thăm làng cũ thì cô bé nay đã lớn khôn, vào tuổi trăng tròn, và người lạ lùng bỡ ngỡ lần này lại là chàng trai, dù đã đi khắp mọi phuơng trời nay lại thấy chỉ có quê hương ta là đẹp hơn cả. Trong cuốn sách, lúc tả tới đoạn này tôi kèm thêm bài thơ có tên là Mùa Trăng với những câu mở đầu  

                       Năm xưa em còn bé,
                      Anh về  quê thăm nhà.
                      Em nấp sau lưng mẹ,
                      Nhìn người khách phương xa.

Bài thơ này đã được Anh Bằng phổ nhạc và nhân dịp chúng tôi về quận Cam dự buổi trình diễn của Asia, Hiền Huynh đã tổ chức một bữa ăn tối thân mật, và giới thiệu bản nhạc lần đầu tiên qua sự trình diễn của ca sĩ Nguyên Khang.



Mùa Trăng (Anh Bằng, thơ Nguyễn Xuân Vinh) Nguyên Khang hát
                 
        Tôi cũng in lại bản nhạc ở dưới đây, và như là một phép mầu nhiệm, những gì hiền huynh chạm tới cũng trở thành một sự thành công vượt bực như chúng ta đã thấy với Trung Tâm Asia do anh tạo ra. Tập truyện dài tôi viết ra, mới đầu chỉ là những truyện ngắn tôi thường viết vào dịp Tết cho các số Xuân, thường thì cho Báo Thời Luận của anh  bạn Đỗ Tiến Đức. Sau này tôi xếp đặt những câu chuyện theo thứ tự thời gian để thành tập truyện nói lên một tình yêu thánh thiện giữa  hai người không cùng một lứa tuổi. Khi cuốn sách đưa ra, một người bạn trẻ,  tuy là  kỹ sư cao cấp, nhưng cũng là một nhà hoạt động văn hoá không ngừng nghỉ, là anh Nguyễn Xuân Hùng, với bút hiệu Khê Kinh Kha đã sáng tác một bản nhạc lấy tên sách làm tên bản nhạc, và trích đăng vài đoạn trên Trang Văn Nghệ của anh. Dù phần lớn cuốn sách chỉ truyền trên mạng mà có những người như bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ ở San Jose, nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh ở Houston, cũng  viết những bài điểm sách khen ngợi. Nhờ những sự giới thiệu đó mà tuy sách in đã tiêu thụ hết, nhưng vẫn còn được trích đăng trên những trang mạng như của Trung Học Thủ Khoa Huân (Vĩnh Long), và đọc dần trên những đài phát thanh như Đài Truyền Thông Hải Ngoại, phát đi từ  Hoa Thịnh Đốn. Những bài đọc truyện lại được giáo sư Trần Năng Phụng, là một cựu học sinh ở Trung học Chu Văn An, thu lại thành tập đưa lên mạng, số người được nghe càng ngày càng đông.




        Nhờ có Hiền Huynh là người đầu tiên phổ nhạc bài Mùa Trăng, mà nay một vài bài thơ khác tôi để đây đó trong cuốn truyện cho đỡ khô khan cũng được mấy nhạc sĩ tài danh khác lấy ra để lồng nhạc khúc, đôi khi nghe thật trang trọng. Riêng bài Mắt Biếc Hồ Thu cũng được cả hai nhạc sĩ danh tiếng là Vũ Thư Nguyên (tức bác sĩ Hồ Ngọc Minh)  và Võ Tá Hân (là nhà kinh doanh có tiếng tăm) đưa vào cung điệu.

        Vào khoảng cuối năm ấy, nhân dịp chuyển cư về Nam Cali, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc giã từ thân hữu ở miền Bắc, số tân khách có vào khoảng gần 200 người, nên Phiến Đan đã gửi một thư mời tới hiền huynh. Dù ở xa, và đã cao tuổi mà nhạc sĩ Anh Bằng đã chuẩn bị thật chu đáo để đích thân đi từ Orange county lên tham dự. Anh Bằng đã thảo luận với nhà văn và cũng là hoạ sĩ Châu Thụy để trình bầy bài thơ nhạc “Mùa Trăng” thành một bức hoạ khổ lớn, để tặng chúng tôi, có hình trăng tròn nền vàng, và hình quê hương chữ S viết bằng ba vạch đỏ chạy song song . Thư pháp của Châu Thụy viết cũng làm nổi bật hai câu thơ chính của bản nhạc được trích ra để trên bức họa kèm theo chử ký của Anh Bằng trông rất đẹp.
    
Mong trăng tròn mãi mãi,
Như mộng ước đôi mình.

Hình ảnh Hiền Huynh với cử chỉ thân ái lúc tặng chúng tôi bức tranh kỷ nỉệm trên sân khấu đã được để trên tập ảnh gia đình và ai nhìn thấy cũng khen chúng tôi là những người thật có diễm phúc.

Anh Bằng và Sư đệ cùng Hiền muội

            Sự xuất hiện của phái đoàn Asia đến từ Nam Cali đã làm cho không khí của buổi tiệc vui hẳn lên, và tuy rằng Ban Tiếp Tân đã mời Hiền Huynh ngôi củng bàn các vị Niên Trưởng nhưng nhiều thân hữu khác vì hâm mộ danh tíếng đã đến tận nơi chào hõi và mời Hiền Huynh ra đứng riêng để cùng chụp hình kỷ niệm. Tôi thấy ngay nhạc sĩ là người rất hiền hậu, vui vẻ với tất cả mọi người, ngay cả với những người còn rất trẻ tới xin được gặp học hỏi anh cũng ân cần chỉ dẫn.

       
Đô Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân
            
            
Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, cựu Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia


Phiến Đan và bạn trẻ ca sĩ Đình Bảo

 
Xuân Vinh & Phiến Đan với bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ
và anh chị nhạc sĩ Lê Quốc Tấn

         Sự liên hệ văn nghệ của tôi với hiền huynh đã đưa lại vài kỷ niệm thật lý thú vì đã tạo nên nhiều sự việc bất ngờ. Tôi  không bao giờ có mộng là mấy bài thơ tôi làm rồi sẽ được phổ nhạc thành những ca khúc tuyệt vời nên mỗi khi viết được thơ văn nào, tôi chỉ chuyển cho hiền huynh đọc với mục đích là chia sẻ những công việc thường nhật của mình với người anh kết nghĩa. Tôi có một thân hữu lớn tuổi mà tôi thường gọi là Đại Huynh, vì dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi tôi mới chỉ là một sĩ quan trẻ tuổi, ông đã là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, và trong công vụ coi cả Tổng Nha Cảnh Sát và Công An, dưới quyền chỉ huy của một vị sĩ quan cấp tướng. Nhân dịp sinh nhật đại thọ 90 niên tuế của đại huynh Lâm Lễ Trinh tôi làm một bài thơ Đường luật, kiểu thất ngôn bát cú để kính tặng. Bài thơ như in lại ở dưới đây, sau này được mấy vị lớn tuổi khác truyền cho nhau đọc và đều công nhận là tôi làm đúng niêm luật, một điều không ai nghĩ là một khoa học gia được huấn luyện theo Tây học có thể làm được. Nhưng một điều đặc biệt hơn nữa, có thể nói là không ai ngờ được, là hiền huynh Anh Bằng lại phổ nhạc bài thơ Đường luật, và theo sự hiểu biết của tôi thì chưa có nhạc sĩ nào từng làm. Ai cũng biết là làm thơ Đường phải theo một niêm luật khắt khe, các hàng, các chữ phải đối nhau nếu muốn phổ nhạc mà thay đổi một chữ này thì sẽ chạm vào chữ kia, nếu không thuận ý, chỉ đi thêm một buớc là bị nghẽn lối ngay.



        Hiền Huynh chuyển cho tôi  bản nhạc như in lại, có đầy đủ chữ ký,  và khi tôi chuyển bài thơ nhạc để  chúc mừng Đại Huynh thì LS Lâm Lễ Trinh đã rất vui mừng và hỏi tôi diện thoại của nhạc sĩ để ông được ân cần cảm tạ.

        Nhưng chuyện này chưa chấm dứt ở đây, vì một người bạn vong niên khác của tôi là hoạ sĩ tài danh Vũ Hối, đã dùng bút lông mực tàu viết thư hoạ bài thơ, tất cả nay được làm thành một cuốn thư treo trong phòng khách của thượng thư họ Lâm, nhiều người được coi đã hết lòng khen ngợi như là một gia bảo, vì theo ý chung của mọi người, thời nay không có thể tìm đâu ra một tấm thư thơ nhạc tương tự, được nhiều danh sĩ đóng góp.

        Tôi nghĩ là một người có tài như Anh Bằng thì dù thơ tôi làm có khúc chiết đến đâu, Hiền Huynh cũng nghĩ cách làm cho bay bổng lên được. Một thí dụ nữa để tỏ lòng ưu ái của nghĩa huynh đối với tôi là có một lần để làm quà cho một số thân hữu, tôi làm ra một bài thơ dùng những danh từ toán học, có đề là “Tình Hư Ảo”.

        Vậy mà  x x x x

        Chắc bạn đọc đến chỗ này có thể đoán được là tôi sẽ viết tiếp ra sao. Đúng như vậy đấy, nếu tôi đọc được ý nghĩ của bạn đọc thì chắc bạn đã nghĩ rằng Hiền Huynh thân ái của tôi cũng đã phổ nhạc bài thơ đầy phương trình toán này để lưu lại cho đời một bài toán trong có thơ nhạc giao duyên với thơ và toán của Toàn Phong và nhạc của Anh Bằng như kèm dưới đây. Chỉ với một tình huynh đệ thật thắm thiết, mới có thể kết tinh thành một bản nhạc như vậy.  












            

Thursday, November 9, 2017

Tâm Tình Với Cố Không Quân Phan Minh Nhơn

Nguyễn Văn Quí




Khoảng cuối năm 1989, Nhơn vào thăm hãng của tôi, Nhơn nói, Nhơn có ước mơ thành lập một Thư Viện Phật Học, với những sách dịch ra 2 ngôn ngữ, Việt và Anh, để thế hệ tiếp nối, có dịp học hỏi, và sưu tầm về Phật Pháp.

Nhơn ngỏ ý muốn tôi, và Co-Owners của hãng tôi, bảo trợ cho anh dự án Thư Viện Phật Học.  Tôi hỏi Nhơn, cơ duyên nào đưa đẩy bạn Passion về dự án đó, trong khi tuổi đời tuị mình còn trẻ, nhất là mới vừa cầm trên tay mảnh bằng Kỹ Sư không bao lâu, tạm cho tụi mình bắt đầu vào giai đoạn lập nghiệp trên đất Mỹ này?  tụi mình bây giờ không còn độc thân như lúc còn trong quân ngũ, vợ còn trẻ, nhất là đang sống định cư trên một quốc gia nhiều vật chất, văn minh, cơ hội nhất trên hành tinh này, sao lại vội tính chuyện nâu sòng, rồi vợ mình sẽ ra sao?  Nhơn không trả lời câu hỏi đó, rồi cả 2 quay sang câu chuyện khác.

Tôi hỏi Nhơn về cái job software mà Nhơn đang làm, Nhơn nói, Nhơn rất thích việc làm hiện tại của Nhơn, Tôi và Nhơn xoay quanh nói chuyện về technology, tôi hướng dẫn Nhơn đi tham quan từng department trong hãng, giảng cho Nhơn nghe từng loại Products của hãng sản xuất, Nhơn tỏ vẻ thích thú nghe.

Vài ba năm sau, trong một dịp tình cờ nghe vợ Nhơn, chị Thủy nói, Nhơn đã ngả chay được 2 năm, tôi không ngạc nhiên, giữ yên lặng, sau đó tôi hỏi Nhơn, bạn có ý định đi tu thật à? hay vừa phát giác ra căn bệnh gì mà sao lại ngả chay?  Nhơn cười rất tươi và không trả lời câu hỏi, tôi nói đùa “thôi khi nào mày feel muốn tâm sự với tao thì tao sẽ sẵn sàng lắng nghe”.

Cách đây 2 năm 1 số bạn bè khoá 7/68 KQ Nam Bắc Cali tụ lại nhà, bạn Thân Đèn Cày ở San Jose để thăm Nhơn và 1 người bạn cùng khóa 768 cũng mắc bệnh cancer. Tất cả bạn bè đều chúc lành cho 2 bạn, và hy vọng với thuốc men tại xứ Mỹ này có thể chửa 2 bạn được qua cơn bệnh quái ác.

Khoảng tháng 3 năm 2016, Nhơn gọi tôi trong giờ làm việc, Nhơn nói, Nhơn muốn ghé hãng thăm Quí, và muốn hỏi Quí giúp Nhơn 1 chuyện, và muốn nói sau giờ làm việc, tôi trả lời “sẵn sàng, thường sau 5 giờ là OK”.

Nhơn đến gặp tôi và nói, căn bệnh cancer của Nhơn bắt đầu trở lại và nặng. Nhơn chậm rãi buồn rầu kể từng giai đoạn bác sĩ ở Kaiser trị cho Nhơn. Những loại thuốc Nhơn đang uống rất đắt tiền, may là nhờ vào bảo hiểm củahãng vợ Nhơn, chị Thủy, cover hết cho phần bác , nhà thương trị liệu, nếu không thì Nhơn củng chẳng biết ra sao?

Tôi nói ngay, bạn về nói chị Thủy, bằng mọi giá phải bám sát cái job của chị, đừng bỏ hãng thường xuyên để đưa bạn đi nhà thương chửa bệnh, hãng lấy cớ lay off chị là rất kẹt. Tôi hỏi Nhơn, Bạn có plan nào để đi Kaiser tận Oakland để chemo hoặc radiation không? Nhơn nói, tìm hoài mà chưa ra giải pháp Quí à.

Tôi suy nghĩ vài phút rồi nói với Nhơn “tao sẽ get cái job đưa mày đi chửa bệnh”  Nhơn ngại ngùng hỏi tôi “how”? vì tất cả appointment của tao đều vào ngày và giờ làm việc. Tôi nói, Mày don’t worry tao sẽ sắp xếp schedule tronghãng để take care mày. 

Tôi đưa cho Nhơn 1 số cellphone khác của tôi, và nói “số cell này chỉ có vợ con tao biết thôi, bây giờ mày cầm đi, bất cứ khi nào, bất cứ tao đang ở trong phòng họp nào, mày gọi là tao sẽ giao hãng lại cho người khác thế, tao sẽchạy take care mày ngay.

Trên đường chở Nhơn đi chemo, Nhơn nói với tôi, “tao trust mày, tao muốn mày cùng vào phòng khám bệnh với tao và trao đổi với các bác sĩ về bệnh tình của tao” tôi  nói “thanks mày đã trust tao, OK I will”.

Trong những chuyến chở Nhơn đi chemo tận Oakland Kaiser, cộng thêm tuyến đường thường xuyên traffic bị jam, có khi kẹt đến 2 tiếng đồng hồ , nên tôi và Nhơn có dịp trau đổi tâm tình riêng tư của mỗi đứa, trong lúc kẹt xe, tôi nhìn qua thấy mặt Nhơn rất mệt vừa mới chemo xong, tôi bảo Nhơn “mày bấm ghế bật ra, nằm nhắm mắt lại cho đỡmệt, anyway thì tao phải lái xe thôi, don’t worry tao take care mày. Nhơn hỏi tôi, nếu 1 ngày nào đó sẽ đến mày có sẳn lòng lo Tang Lễ cho tao không? Lòng tôi se thắt, tôi không ngờ Nhơn đã nghĩ đến chuyện đó quá sớm trong khi còn đang đi trị liệu.
Tôi nói, với mày thì tao sẵn sàng, nhưng đối với người bệnh như mày, tinh thần rất quan trọng đừng nghĩ những điều bi quan trong lúc này, không tốt cho sức khỏe.

Trước ngày Nhơn về VN, 23 tháng 7, Nhơn nói với tôi, Nhơn muốn về VN làm lại bộ răng cho rẻ tiền, vì sau nhiều lần đổi thuốc cancer, răng Nhơn hư hết. Chị Thủy đã cố gắng ngăn cản Nhơn về, mà ngay cả tôi cũng thuyết phục Nhơn đừng về, Nhơn nói lúc này Nhơn khỏe đỡ rồi, vì hàm răng làm Nhơn không ăn uống được, và Nhơn sẽ trở lại Mỹ trong vòng 3 tháng, tức 23 tây, tháng 10. Nhưng mới khoảng đầu tuần tháng 9, sức khỏe Nhơn sa sút rất nhiều, đến 5 Tây, tháng 10 Nhơn phải cấp tốc quay lại Mỹ, vừa về đến phi trường chị Thủy ra đón, phải đẩy xe lăn đưa thẳng Nhơn vào Kaiser, được vài ngày Kaiser cho về nhưng trong vài ngày sau, Nhơn than khó thở, chị Thủy phải cấp tốc chở Nhơn trở lại Kaiser, chị Thủy phải ngủ hằng đêm tại Kaiser với Nhơn, mỗi ngày tôi và Nhung đều vào Kaiser ở Oakland để thăm Nhơn và meeting với các bác sĩ báo cáo tình trạng của Nhơn hàng ngày, cho đến 1 ngày, việc gì đến sẽ đến, cú phone ring 5 giờ 28 phút sáng, 20 Tây, Tháng 10, 2017 của Chị Thủy gọi, anh Nhơn vừa chết rồi Nhung, anh Quí ơi. Tôi và Nhung chạy cấp tốc lên Oakland Kaiser Nhơn đã ra đi vĩnh viễn thật rồi, giờ phút trút hơi thở cuối cùng, Nhơn đã ra đi êm đềm bên cạnh người vợ thương yêu đầu đời, chị Thủy.

Tôi và Nhung đến, Nhơn nằm bất động đó, tôi giở tấm drap đấp cho Nhơn sờ trên ngực Nhơn vẩn còn ấm, tôi để hoài bàn tay tôi trên ngực Nhơn thật, thật lâu và thì thầm nói với Nhơn “mày đã bỏ chị Thủy, tao và tất cả bạn bè khoá 7/68 KQ ra đi vĩnh viễn thật rồi sao Nhơn, thôi tao cầu nguyện cho mày ra đi thanh thản, những gì mày chưa thực hiện xong, những gì mày làm dở dang trong đời, đừng vướng bận nữahãy trả lại cho cuộc đời, nhẹ nhàng cất bước đi vào cỏi vĩnh hằng đi Nhơn, mày còn đâu đây nghe tao nói không Nhơn ?”. Tao hứa tao sẽ làm tất cả ước nguyện của mày cho ngày Tang Lễ mày trăn trối với tao. Nếu mày còn nghe tao nói, tất cả bạn bè khoá 7/68 đều thương tiếc mày khi nghe tin mày đi chuyến xe cuối cùng trong cuộc đời hôm nay. Những ngày tháng cuối cùng tao take care mày, tao sẽ nhớ muôn đời, không bao giờ quên.


Vĩnh biệt mày ! Nhơn ơi !

Nguyễn Văn Quí


Tiểu Sử Cố Không Quân
Phan Minh Nhơn
 1948  -  2017

Phan Minh Nhơn, 69 Tuổi, cư ngụ tại Newark, California, USA. đã qua đời bình yên lúc 5 giờ 28 phút, ngày 20 tây, tháng 10, năm 2017 tại Oakland Kaiser Hospital, bên cạnh vợ anh, Chị Phan Minh Nhơn, Lê Thanh Thủy.

Phan Minh Nhơn sanh ngày 20, tháng 5, 1948 tại Huế, South Vietnam.

Anh gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, ngày 30 tháng 9 năm 1968.
Tức Khóa 7/68.

Phi Đoàn 211 là Phi Đoàn anh phục vụ đầu tiên tại Phi Trường Bình Thủy, Cần Thơ.

Sau anh được biệt phái qua Biệt Đội Tải Thương 259H khoảng 3 tuần và sau đó anh trở về Phi Đoàn  211.

Phi Đoàn 211 trở thành Phi Đoàn Huấn Luyện.

Sau đó anh thuyên chuyển về Phi Đoàn 229 tại Pleiku, cho đến ngày mất nước
30 tháng 4 năm 1975.

Anh theo đoàn người di tản qua Mỹ 30 tháng 4, năm 1975 bắt đầu cuộc sống mới, và lập nghiệp trên mảnh đất tạm dung, như một quê hương thứ hai.


Vừa đi học vừa đi làm, anh biết rằng, muốn có cuộc sống tạm ồn định trên một quê hương mới, bắt đầu với đôi bàn tay trắng, thì phải trở lại học đường, vì khi còn ở quê nhà, đã lỡ sanh ra trong thời chiến, anh phải tạm gác bút nghiêng để gia nhập quân đội, như bao lứa bạn cùng tuổi, do đó anh nghĩ, trong tình thế di cư bất đắc  qua Mỹ, như triệu người Việtnam khác, đây là cơ hội cho anh thực hiện giấc mơ trở thành Kỹ Sư.  Cuối cùng giấc mơ anh đãthành sự thật.  Năm 1980 Tân Kỹ Sư Phan Minh Nhơn, làm lễ ra trường tại Chico University of California, với văn bằng Bachelor of Computer Science.


Monday, November 6, 2017

Anh Em 7/68KQ Nam Bắc Cali

Photos by Nguyễn Thế Long


Click on left/right arrow on the photo below to browse the album!

Anh Em K768KQ Nam và Bắc California Hội Ngộ tại San José 11-04 và 11-05-15



Sunday, November 5, 2017

Hình Ảnh Tang Lễ KQ Phạm Minh Nhơn

Tang Lễ KQ Phạm Minh Nhơn

San Jose, California, USA

4 Nov 2017

Photos by Nguyễn Thế Long

Bài Viết: Trần Văn Chính


90 Photos - Tang Lễ KQ Phan Minh Nhơn K768KQ 11-04-17


Tiễn đưa Phan Minh Nhơn

Kính thưa Tang Quyến, Qúi Vị Quan Khách và Các Anh Chị K768 Không Quận,

Tôi là Trần Văn Chính, bạn cùng khoá KQ của Anh Nhơn. Với quí vị không nằm trong K768, tôi xin dược trinh bày sơ lược về quãng thời gian 50 năm Anh Nhơn và chúng tôi quen biết nhau.

Khoá chúng tôi có 264 người, phi hành lẫn không phi hành. Phi hành là các anh sau này được huấn luyện thành phi công, lái máy bay . Không phi hành là các anh không lái máy bay, ở dưới đất, được huấn luyện làm mọi công việc khác trong quân chủng KQ.

Khoá chúng tôi được gởi sang Thủ Đức để huấn luyện quân sự cùng với khoá 7 1968 của lục quân, nên anh em đặt tên khoá mình là K768KQ. Học xong quân sự chúng tôi về lại KQ để huấn luyện chuyên môn rồi phân tán đi khắp bốn vùng chiến thuât. Khi tôi gặp lại Nhơn dưới Cần Thơ thì Anh là phi công trực thăng, bay tải thương còn tôi ở ngành bảo trì, sửa chữa máy bay.

Ngành nghề khác, nên ở chung phi trường nhưng chúng tôi cũng ít khi gặp nhau. Biến cố năm 75, anh em tứ tán,  tôi không biết Nhơn qua đây cùng lúc, mãi đến 81, 82, sau khi đã ổn định, chúng tôi mới lại liên lạc gặp nhau.

Nhơn là một trong những ngừời đã đứng ra vận động, tổ chức những lần họp mặt đầu tiên của khoá . Lúc nào Anh cũng sốt sắng sinh hoạt với mọi người. Với chiếc motor home, anh tham dự  họp mặt, họp khoá, cắm trại, xuôi ngược nam bắc không quản ngại . Tôi nhớ hình ảnh Anh, mỗi lần họp mặt, mang một máy quay phim lớn, vác trên vai chứ không nhỏ như bây giờ, đi tới đi lui, bận bịu thâu hình quên cả ăn uống.

Nhơn nhũn nhặn, vui vẻ . Chưa bao giờ thấy Anh to tiếng hay phàn nàn về một người nào. Anh hay giúp đỡ người khác, ai nhờ chuyện gì cũng làm, thích sưu tầm vật lạ, nhưng nếu ai xin cũng cho, không tiếc . Anh thích nghiên cứu về dinh dưỡng và dược tính của cây cỏ . Thức ăn của Anh pha chế rất công phu, nhiều vật liệu phải mail order chứ chợ không có . Tôi chơi với Anh lâu, nhận nhiều công thức, nhưng thú thực  chưa bao giờ thực hiện được món ăn nào theo công thức của Anh . Anh thờ Phật và rất mộ  đao. Đã có thời ăn chay và lên đường ‘Hành Trình về Phương Đông ‘ để tìm thầy học đạo. Trong nhà Anh, điện thờ Phật rất lớn, uy nghi, lộng lẫy không khác gì những chùa lớn .

Chúng tôi mến Anh vì tính bao dung và chân thật . Hôm nay Anh ra đi, chúng tôi mất một người bạn tốt, đã gần gụi với chúnh tôi một đoạn đời gần 50 năm .

Nhưng chúng tôi cũng biết, đứng cạnh Anh Nhơn có Chị Thuỷ . Anh Nhơn làm đươc những điều để cho mọi người mến phục thì công lao của Chị Thuỷ không phải là nhỏ Chị đã hy sinh cho Anh rất nhiều .

Hôm nay K768KQ xin được chia buồn cùng Chị, hành thật cảm ơn Chị đã cho chúng tôi chia xẻ với Chị một người chúng tôi luôn yêu mến và trân trọng mãi mãi về sau . Trong tình cảm ấy, chúng tôi xin Chị, bất cứ lúc nào Chị cần chuyện gì, cho chúng tôi biết, nếu làm được, chúng tôi sẽ thay Anh Nhơn, giúp Chị . Cám ơn Chị .

Riêng Nhơn, Anh đã bay cao trong vòm trời này, đã vui chơi trong cuộc đời này, hôm nay Anh đi vào cuộc viễn du. Chúng tôi thương tiếc Anh, nhớ Anh, nhưng cũng cầu xin Anh được ‘thấy bóng thiên đường cuối trời thêng thang ‘.

Tạm Biệt  Anh.

Cám ơn Qúi Vị .