Sunday, November 12, 2017

Duyên Hội Ngộ



Nhạc Sĩ Anh Bằng
(1926 - 2015)

Thân gửi anh Hoàng Khai Nhan:
Ngày 12 tháng 11, cách đây đúng 2 năm, nhạc sĩ Anh Bằng, người mà tôi rất qúy mến và thường gọi là Hiền Huynh đã ra đi. Sáng hôm nay chúng tôi đã ra thăm mộ, đặt hoa và cầu nguyện... Tôi gửi anh bài viết  về duyên hội ngộ với người nhạc sĩ tài ba và nhân hậu này. Mời anh đọc bài và tùy nghi chuyển cho những người khác cùng đọc.
Thân mến,
Toàn Phong


GS Nguyễn Xuân Vinh

            Nếu tôi có may mắn được gặp và quen thân với nhạc sĩ Anh Bằng, thì phải nói là chúng tôi đã có duyên hẹn gặp nhau từ kiếp trước, vì trong đường đời chúng tôi đã theo hai con đường thật khác nhau. 

Thứ nhất là nhạc sĩ Anh Bằng, người mà từ ngày quen biết nhau, tôi vẫn gọi là Hiền Huynh, đã hiến trọn cuộc đời cho Âm Nhạc. Anh là một nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc đại chúng của Việt Nam với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc để lại cho đời. Cùng một lúc là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng và nhạc hải ngoại, Anh Bằng còn là người đã sáng lập Trung Tâm Asia vào năm 1980 để phổ biến những ca khúc Việt Nam tới mọi cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.  

Còn tôi, thì khi nhìn vào một bản nhạc, một nốt bẻ làm đôi, tôi cũng không biết là gì. Theo vận nước đổi thay, cuộc đời của tôi đã có nhiều thay đổi. Anh bạn nhà văn Võ Ý đã có lần viết là tôi có ba cái nghiệp, là nghiệp văn, nghiệp bay và nghiệp giáo. Hai cái nghiệp sơ khởi là nghiệp văn và nghiệp bay, tôi đã không làm được trọn vẹn. Chỉ còn  nghiệp giáo là theo tôi suốt cuộc đời. 

Cũng vì  vậy, mà lúc mới đầu, khi kết tình anh em, Anh Bằng gọi tôi và Phiến Đan là Hiền Đệ và Hiền Muội, nhưng sau đó anh đổi lại và gọi tôi là Sư Đệ, vì theo anh tôi đã là giáo sư thì phải dùng chữ Sư cho tôi mới đúng. Anh còn doạ là nếu tôi không nhận được gọi như vậy thì anh sẽ đổi danh xưng Hiền Huynh ra là Ác Huynh. Trong văn thư trao đổi, khi đã quen thân với nhau, lúc nào Hiền Huynh cũng gọi tôi như vậy.

             Lần đầu tiên mà hai con đường chúng tôi đi đã gần gặp nhau là năm tôi mười tám tuổi, nhưng không phải là ở cái tuổi như hiền huynh Anh Bằng đã sáng tác được bàn nhạc “Nỗi Lòng Người Đi” với những câu tha thiết:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.



Nỗi Lòng Người Đi (Anh Bằng) Tuấn Ngọc hát

          Năm đó, tôi chỉ là một cậu học sinh học thi tú tài, theo trường Trung Học Nguyễn Khuyến từ Nam Định di tản về huyện Yên Mô  ở tỉnh Ninh Bình. Xa nhà năm đầu tiên, vào dịp đựơc nghỉ Tết, nếu trở về với gia đình ở tận Hải Dương, tôi sẽ phải đi bộ mấy ngày đường. Cũng may mà tôi có một bà dì đã cùng chồng mở một hiệu thuốc Bắc ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, tôi có thể tới đó nghỉ vài ngày ăn Tết, mà  theo đường tắt, đi  từ Yên Mô thì chỉ từ sáng đến chiều tối là tới nơi. Trong suốt thời gian hai năm theo học ở Yên Mô, tôi đã đi trên con đường này vài lần và tôi còn nhớ là đi được nửa đường phải nghỉ lại ở thị tứ Điền Hộ, thuộc huyện Nga Sơn, lúc đó vào tỉnh Thanh Hoá. Sau này được quen biết hiền huynh, đôi khi tôi thấy có lời giới thiệu sinh quán của Anh Bằng, ghi nhầm là ở Điền Hộ thuộc tỉnh Ninh Bình, tôi cũng đã gửi điện thư góp ý kiến cho ban biên tập Bách khoa toàn thư Wikipedia phần tiếng Việt, thì nay kiểm lại đã thấy được ghi chính thức là thuộc tỉnh Thanh Hoá, là tỉnh địa đầu của miền Trung. Tôi còn nhớ, mỗi lần nghỉ chân ở Điền Hộ, ngồi ăn ở quán nước  bên đường, tôi lại được nghe tiếng phong cầm từ nhà thờ gần đó vẳng lại. Hiền huynh Anh Bằng lúc đó chắc đã ngoài tuổi hai mươi nhưng lòng còn chưa vương vấn nhiều chuyện tình đời như sau này anh thường ghi lại trong những bản nhạc được chuyển đi khắp nơi. Thêm vào nữa, là người ngoan đạo, chắc lúc đó anh cũng đang quanh quẩn nơi đâu trong thánh đường, hay cũng có thể đang ngồi gõ trên phím đàn. Là người tin ở thiên duyên hội ngộ, tôi nghĩ là lúc đó chúng tôi bắt đầu có thần giao cách cảm với nhau.

            Vào khoảng cuối năm 2008, nhân dịp nhà văn Việt Hải, cùng với giáo sư Doãn Quốc Sĩ, và nhà văn Tạ Xuân Thạc lên San José để giới thiệu về Văn Đàn Đồng Tâm với văn thi hữu trên miền Bắc Cali. tôi được biết là Văn Đàn đang chuẩn bị đưa ra một Tuyển Tập gồm những bài viết về Anh Bằng, để vinh danh người nhạc sĩ lỗi lạc và nhân hậu đã được nhiều người rất mực mến yêu. Trong buổi gặp mặt, tôi đã nói là thường nghe nhạc Anh Bằng. Thế là Việt Hải ghi ngay tên tôi vào danh sách những người có thể viết bài đóng góp vào tuyển tập anh đã dự trù hoàn thành trước ngày cuối năm. Chắc Việt Hải nghĩ là tôi cũng giống như anh, có thể viết về bất cứ đề tài gì, kể cả về âm nhạc là bộ môn tôi chỉ biết nghe mà không biết phê bình. Với tôi, nhạc và hoạ là những nghệ thuật người muốn đạt được phải nhờ vào tài năng thiên phú. Những tài năng đó, chắc phải đợi kiếp sau tôi mới có được. Giờ đây nếu may mắn viết được vài trang giấy để đóng góp vào Tuyển Tập thì tôi chỉ có thể tìm trong ký ức để viết ra là tôi bắt đầu nghe được nhạc của Anh Bằng tự bao giờ, và trong số hàng trăm bài nhạc sĩ đã sáng tác, những bài nào tôi ưa thích nhất, và qua những giọng hát truyền cảm và điêu luyện của những ca sĩ nào. Bài tôi viết gửi cho giáo sư Tạ Xuân Thạc lại được anh Thạc chuyển cho Anh Bằng coi và nhạc sĩ đã hồi âm bằng những lời viết đầy tình cảm làm tôi vô cùng xúc động khi nhận được:

        “Cám ơn anh đã cho tôi đọc bài  của giáo sư  Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh viết về Anh Bằng. Tôi hết sức cảm động khi biết giáo sư, một khoa học gia danh tiếng, lại là người gần gũi với tôi và gần gũi với cả quê hương Điền Hộ của tôi nữa. Tôi không giám luận bàn văn chương, tôi chỉ biết rằng bài viết của giáo sư đã lôi kéo cho tôi nhiều cảm mến của độc giả, cũng đã cho tôi nhiều vinh dự mà chính ra, một người như tôi, không đáng được nhận lãnh.

        Chúng tôi đã thực sự gặp nhau, khi tuyển tập đặc biệt này ra mắt ở dưới Nam Cali, và nhân dịp này, Trung tâm Asia tổ chức một diễn xuất thu hình, và tôi được mời lên sân khấu, cùng với nhiều giới chức khác, nói đôi lời khen ngợi sự đóng góp của Asia vào văn hoá rực rỡ sắc mầu của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Trước đó vài tháng tôi có gửi tặng Anh Bằng cuốn truyện tình cảm thời đại Tìm Nhau Từ Thuởtôi mói viết. 


Sau này khi biết nhiều về nhạc sĩ, tôi thấy anh lúc nào cũng dành cho bè bạn thân thương chút liên hệ văn hoá với nhau, và với hiền huynh, thì có nghĩa là qua lời thơ tiếng nhạc. Với tôi, thì trong cuốn sách tôi có tả lần đâu tiên, một chàng thanh niên từ nơi xa về quê xưa, tới thăm một gia đình trong họ, gặp một cô bé, còn bé lắm, nên thấy người lạ cô nấp sau lưng bà mẹ hé đầu nhìn ra. Và mười năm sau, khi  anh trở về thăm làng cũ thì cô bé nay đã lớn khôn, vào tuổi trăng tròn, và người lạ lùng bỡ ngỡ lần này lại là chàng trai, dù đã đi khắp mọi phuơng trời nay lại thấy chỉ có quê hương ta là đẹp hơn cả. Trong cuốn sách, lúc tả tới đoạn này tôi kèm thêm bài thơ có tên là Mùa Trăng với những câu mở đầu  

                       Năm xưa em còn bé,
                      Anh về  quê thăm nhà.
                      Em nấp sau lưng mẹ,
                      Nhìn người khách phương xa.

Bài thơ này đã được Anh Bằng phổ nhạc và nhân dịp chúng tôi về quận Cam dự buổi trình diễn của Asia, Hiền Huynh đã tổ chức một bữa ăn tối thân mật, và giới thiệu bản nhạc lần đầu tiên qua sự trình diễn của ca sĩ Nguyên Khang.



Mùa Trăng (Anh Bằng, thơ Nguyễn Xuân Vinh) Nguyên Khang hát
                 
        Tôi cũng in lại bản nhạc ở dưới đây, và như là một phép mầu nhiệm, những gì hiền huynh chạm tới cũng trở thành một sự thành công vượt bực như chúng ta đã thấy với Trung Tâm Asia do anh tạo ra. Tập truyện dài tôi viết ra, mới đầu chỉ là những truyện ngắn tôi thường viết vào dịp Tết cho các số Xuân, thường thì cho Báo Thời Luận của anh  bạn Đỗ Tiến Đức. Sau này tôi xếp đặt những câu chuyện theo thứ tự thời gian để thành tập truyện nói lên một tình yêu thánh thiện giữa  hai người không cùng một lứa tuổi. Khi cuốn sách đưa ra, một người bạn trẻ,  tuy là  kỹ sư cao cấp, nhưng cũng là một nhà hoạt động văn hoá không ngừng nghỉ, là anh Nguyễn Xuân Hùng, với bút hiệu Khê Kinh Kha đã sáng tác một bản nhạc lấy tên sách làm tên bản nhạc, và trích đăng vài đoạn trên Trang Văn Nghệ của anh. Dù phần lớn cuốn sách chỉ truyền trên mạng mà có những người như bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ ở San Jose, nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh ở Houston, cũng  viết những bài điểm sách khen ngợi. Nhờ những sự giới thiệu đó mà tuy sách in đã tiêu thụ hết, nhưng vẫn còn được trích đăng trên những trang mạng như của Trung Học Thủ Khoa Huân (Vĩnh Long), và đọc dần trên những đài phát thanh như Đài Truyền Thông Hải Ngoại, phát đi từ  Hoa Thịnh Đốn. Những bài đọc truyện lại được giáo sư Trần Năng Phụng, là một cựu học sinh ở Trung học Chu Văn An, thu lại thành tập đưa lên mạng, số người được nghe càng ngày càng đông.




        Nhờ có Hiền Huynh là người đầu tiên phổ nhạc bài Mùa Trăng, mà nay một vài bài thơ khác tôi để đây đó trong cuốn truyện cho đỡ khô khan cũng được mấy nhạc sĩ tài danh khác lấy ra để lồng nhạc khúc, đôi khi nghe thật trang trọng. Riêng bài Mắt Biếc Hồ Thu cũng được cả hai nhạc sĩ danh tiếng là Vũ Thư Nguyên (tức bác sĩ Hồ Ngọc Minh)  và Võ Tá Hân (là nhà kinh doanh có tiếng tăm) đưa vào cung điệu.

        Vào khoảng cuối năm ấy, nhân dịp chuyển cư về Nam Cali, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc giã từ thân hữu ở miền Bắc, số tân khách có vào khoảng gần 200 người, nên Phiến Đan đã gửi một thư mời tới hiền huynh. Dù ở xa, và đã cao tuổi mà nhạc sĩ Anh Bằng đã chuẩn bị thật chu đáo để đích thân đi từ Orange county lên tham dự. Anh Bằng đã thảo luận với nhà văn và cũng là hoạ sĩ Châu Thụy để trình bầy bài thơ nhạc “Mùa Trăng” thành một bức hoạ khổ lớn, để tặng chúng tôi, có hình trăng tròn nền vàng, và hình quê hương chữ S viết bằng ba vạch đỏ chạy song song . Thư pháp của Châu Thụy viết cũng làm nổi bật hai câu thơ chính của bản nhạc được trích ra để trên bức họa kèm theo chử ký của Anh Bằng trông rất đẹp.
    
Mong trăng tròn mãi mãi,
Như mộng ước đôi mình.

Hình ảnh Hiền Huynh với cử chỉ thân ái lúc tặng chúng tôi bức tranh kỷ nỉệm trên sân khấu đã được để trên tập ảnh gia đình và ai nhìn thấy cũng khen chúng tôi là những người thật có diễm phúc.

Anh Bằng và Sư đệ cùng Hiền muội

            Sự xuất hiện của phái đoàn Asia đến từ Nam Cali đã làm cho không khí của buổi tiệc vui hẳn lên, và tuy rằng Ban Tiếp Tân đã mời Hiền Huynh ngôi củng bàn các vị Niên Trưởng nhưng nhiều thân hữu khác vì hâm mộ danh tíếng đã đến tận nơi chào hõi và mời Hiền Huynh ra đứng riêng để cùng chụp hình kỷ niệm. Tôi thấy ngay nhạc sĩ là người rất hiền hậu, vui vẻ với tất cả mọi người, ngay cả với những người còn rất trẻ tới xin được gặp học hỏi anh cũng ân cần chỉ dẫn.

       
Đô Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân
            
            
Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, cựu Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia


Phiến Đan và bạn trẻ ca sĩ Đình Bảo

 
Xuân Vinh & Phiến Đan với bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ
và anh chị nhạc sĩ Lê Quốc Tấn

         Sự liên hệ văn nghệ của tôi với hiền huynh đã đưa lại vài kỷ niệm thật lý thú vì đã tạo nên nhiều sự việc bất ngờ. Tôi  không bao giờ có mộng là mấy bài thơ tôi làm rồi sẽ được phổ nhạc thành những ca khúc tuyệt vời nên mỗi khi viết được thơ văn nào, tôi chỉ chuyển cho hiền huynh đọc với mục đích là chia sẻ những công việc thường nhật của mình với người anh kết nghĩa. Tôi có một thân hữu lớn tuổi mà tôi thường gọi là Đại Huynh, vì dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi tôi mới chỉ là một sĩ quan trẻ tuổi, ông đã là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, và trong công vụ coi cả Tổng Nha Cảnh Sát và Công An, dưới quyền chỉ huy của một vị sĩ quan cấp tướng. Nhân dịp sinh nhật đại thọ 90 niên tuế của đại huynh Lâm Lễ Trinh tôi làm một bài thơ Đường luật, kiểu thất ngôn bát cú để kính tặng. Bài thơ như in lại ở dưới đây, sau này được mấy vị lớn tuổi khác truyền cho nhau đọc và đều công nhận là tôi làm đúng niêm luật, một điều không ai nghĩ là một khoa học gia được huấn luyện theo Tây học có thể làm được. Nhưng một điều đặc biệt hơn nữa, có thể nói là không ai ngờ được, là hiền huynh Anh Bằng lại phổ nhạc bài thơ Đường luật, và theo sự hiểu biết của tôi thì chưa có nhạc sĩ nào từng làm. Ai cũng biết là làm thơ Đường phải theo một niêm luật khắt khe, các hàng, các chữ phải đối nhau nếu muốn phổ nhạc mà thay đổi một chữ này thì sẽ chạm vào chữ kia, nếu không thuận ý, chỉ đi thêm một buớc là bị nghẽn lối ngay.



        Hiền Huynh chuyển cho tôi  bản nhạc như in lại, có đầy đủ chữ ký,  và khi tôi chuyển bài thơ nhạc để  chúc mừng Đại Huynh thì LS Lâm Lễ Trinh đã rất vui mừng và hỏi tôi diện thoại của nhạc sĩ để ông được ân cần cảm tạ.

        Nhưng chuyện này chưa chấm dứt ở đây, vì một người bạn vong niên khác của tôi là hoạ sĩ tài danh Vũ Hối, đã dùng bút lông mực tàu viết thư hoạ bài thơ, tất cả nay được làm thành một cuốn thư treo trong phòng khách của thượng thư họ Lâm, nhiều người được coi đã hết lòng khen ngợi như là một gia bảo, vì theo ý chung của mọi người, thời nay không có thể tìm đâu ra một tấm thư thơ nhạc tương tự, được nhiều danh sĩ đóng góp.

        Tôi nghĩ là một người có tài như Anh Bằng thì dù thơ tôi làm có khúc chiết đến đâu, Hiền Huynh cũng nghĩ cách làm cho bay bổng lên được. Một thí dụ nữa để tỏ lòng ưu ái của nghĩa huynh đối với tôi là có một lần để làm quà cho một số thân hữu, tôi làm ra một bài thơ dùng những danh từ toán học, có đề là “Tình Hư Ảo”.

        Vậy mà  x x x x

        Chắc bạn đọc đến chỗ này có thể đoán được là tôi sẽ viết tiếp ra sao. Đúng như vậy đấy, nếu tôi đọc được ý nghĩ của bạn đọc thì chắc bạn đã nghĩ rằng Hiền Huynh thân ái của tôi cũng đã phổ nhạc bài thơ đầy phương trình toán này để lưu lại cho đời một bài toán trong có thơ nhạc giao duyên với thơ và toán của Toàn Phong và nhạc của Anh Bằng như kèm dưới đây. Chỉ với một tình huynh đệ thật thắm thiết, mới có thể kết tinh thành một bản nhạc như vậy.  












            

1 comment:

  1. Quá hay,cám ơn anh Hoàng Khai Nhan đã đưa lên Blog khóa 7/ 68 KQ để anh em chúng mình đọc.

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!