Monday, March 10, 2014

Bài Dịch Còn Nợ Thầy


Nhà văn Trà Lũ
( Hình của nhật báo Người Việt )


Thú tội với thầy Trần-Trung-Lương tức nhà văn Trà Lũ




Tùy bút
Trần-Công Anh-Dũng
( Học sinh Chu Văn An 1959-1964 )

- Thầy tới tụi bây ơi!

Cả lớp đang ồn ào bỗng tiu nghỉu và tắt lịm theo cách của một quả bóng thình lình bị xì hơi.

Chúng tôi, học trò Nhị B6, Chu-Văn-An Saigon, trong tuần thứ hai của niên khoá 1962-1963, đang nhen nhúm hy vọng giáo sư Anh Văn hôm nay... bị ốm vì đã gần 10 phút qua, thầy vẫn chưa đến.

Những đứa có đầu óc suy luận kiểu Sherlock Holmes cũng hy vọng thầy nghỉ nhưng đoán là thầy bị hư xe và mắng những đứa hy vọng thầy ốm là một bọn học trò vô ơn, dám trù ẻo thầy! Một đứa gốc Huế vừa từ Đà Lạt chuyển trường vào lớp tôi từ năm ngoái góp thêm hai chữ “đặc sệt” của đất... mè xửng: “Vô hậu!”

Trường phái “Sherlock Holmes” kể ra cũng rất có lý, một người cao lớn uy nghi như thầy thật khó mà... bị ốm trừ khi thầy... muốn! (Ước gì thỉnh thoảng thầy... “muốn” như vậy nhỉ!)

Thầy vào lớp vừa bước nhanh tới bàn giáo sư vừa phẩy tay cho học trò ngồi xuống và nói một điều hiển nhiên ai cũng biết rổi: “Hôm nay tôi đến muộn” Thầy không nói lý do và chúng tôi, sau hơn một năm sở hữu văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp lại thêm cuối năm nay thi Tú Tài I, cũng đủ khôn ngoan để không hỏi, dù miệng đứa nào cũng đều “ngứa” kịch liệt!

- Các anh chép bài dịch.

Chúng tôi lao xao giở vở, thầy ngồi xuống ghế rút trong cặp ra một quyển sách (nom có vẻ “cổ lỗ sĩ” như bí kíp võ công lâu nay nằm trong thạch động) bàn tay tả giữ gáy sách, tay hữu thầy vung ra một hư quyền vào không khí, đột nhiên quyền biến thành chưởng, chưởng biến thành trảo, trảo biến thành chỉ, chả biết thầy có làm dấu trước hay không mà ngón trỏ thầy ngoéo nghe “xọet” một tiếng quyển “bí kíp” được mở ra và thầy khởi sự đọc thao thao khiến tụi tôi viết lia lịa.

Tựa bài: Học Trò Nhớ Ơn Thầy (chấm xuống giòng)

Có tiếng xầm xì: Chết cha! Chắc Thầy biết tụi mình trù thầy ốm, thầy cho dịch một bài “morale” dài hai trang!

Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp (phẩy)

- Thưa thầy chữ Carnot viết làm sao ạ?”

- Học đến đệ nhị rồi mà không biết viết chữ Carnot à! Xem người bên cạnh.

Mạng sườn bên trái, bên phải của tôi cùng lúc bị hai cùi chõ ưu ái hích vào mời mọc; nghe thấy từ bên trái “đây này”, nghe từ bên phải “xem tao nè! Học thầy không tầy học bạn”, một đứa đàng trước... chõ mõm xuống “thế mà cũng hỏi”, đàng sau có tiếng rúc rích vọng lên “đồ ngốc”!

Tôi vội vàng copy ngay chữ Carnot vừa lắng nghe xem có đứa nào mắng mình thêm không! May quá! Hết rồi! Như thế là cứ 5 đứa trong lớp tôi thì có một đứa không biết viết chữ Carnot tức là 20% dân số nằm trong category “đồ ngốc”. Tôi ở trong 20% đó, cũng còn đông chán! Không đến nỗi nằm trong “bottom ten” của lớp.

Thầy đọc tiếp “một hôm nhân lúc rảnh việc về chơi quê nhà (chấm) Khi ông đi ngang qua trường học ở làng (phẩy) trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé (phẩy) bấy giờ đã đầu tóc bạc phơ đang ngồi trong lớp dạy học (chấm).

(Ê tụi mày, bao giờ tóc thầy bạc phơ là tao thành quan lớn đấy nhé! – Dễ chỉ có mày mới thành quan lớn hả? – Tụi mày đừng tưởng bở, trông thầy như John Wayne thế kia, cầu cả trăm năm nữa tóc ổng mới bạc!)

Thầy đọc đều đều: “Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà rằng: “Tôi là Carnot, thầy còn nhớ tôi không?”

(Sao học trò lại xưng “tôi” với thầy? Phải xưng “con” chứ – Tại ông ấy là quan lớn thì xưng tôi được rồi -– Hai thằng mày ngốc ngang ngửa với nhau đó! Tây nó không có chữ “con”)

Thầy hắng giọng, “mấy anh ngồi gần cửa sao ồn thế?”

“Thưa thầy, anh ấy hỏi con chữ Carnot này với chữ Carnot lúc nãy viết có giống nhau không ạ?”

Cả lớp được dịp xả “van nín cười”, có đứa tận cuối lớp nhân dịp “đánh hôi”: “Xin thầy cho nó xuống Đệ Tam học lại ạ!”

Thầy đọc tiếp, giọng cao hơn để vãn hồi trật tự, “Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng (hai chấm mở ngoặc kép) Ta bình sinh (phẩy) nhất là ơn cha mẹ (phẩy) sau là ơn thầy ta đây (phẩy) vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay (chấm hết).

Tôi mơ hồ nghĩ rằng phải đóng ngoặc kép trước khi chấm hết nữa mới phải, nhưng thấy hôm nay mình bị mắng... đủ rồi nên không dám mạo hiểm nhắc thầy nữa.

Tụi tôi vừa viết vừa ngạc nhiên và thích thú vì câu chuyện trong đề bài ngắn ngủi nhưng súc tích; nội dung khác hẳn những bài khảo sát, dịch xuôi, dịch ngược đã từng có suốt năm Đệ Tam. Tuy thấy lý thú nhưng cũng có băn khoăn vì văn phong nhiều cổ hơn kim không biết tìm câu chữ tiếng Anh tương đương ra sao mà dịch.

Trước khi sang bài học về văn phạm, thầy bảo thằng-luôn-mồm-mắng-tôi-“đồ ngốc” đọc lại cho cả lớp dò; thầy tín nhiệm nó vì trong tuần đầu nó đã có dịp trả lời một hai câu thầy hỏi... quá trình độ của chúng tôi! Làm sao báo động được cho thầy biết, nó là thằng “nghịch đồ” vì từ đây về sau nó sẽ ngày đêm “trù” cho thầy mau bạc tóc để nó sớm làm quan lớn.

Bài dịch này tuần sau phải nộp cho thầy chấm điểm, nhưng vì là đứa chậm lụt (“đồ ngốc” có... marque déposée mà lỵ!) nên phải lo xa; giờ ra chơi tôi... lễ phép đến hỏi một thằng giỏi kinh khủng khác, thằng này không mắng tôi là “ngốc” ra miệng bao giờ, nhưng sau mỗi lần “giải đáp miễn phí”, nó mắng tôi bằng nụ cười tủm tỉm.

Dẫu sao thì cũng đỡ khổ hơn; nghe chửi bằng visual only thì dễ chịu hơn là audio-visual!

“Ông Carnot xưa” thì dịch làm sao? Lại còn “về chơi quê nhà” đâu thể dịch là về thăm quê nhà được, đúng không? Còn ba chữ này nữa: “Ta bình sinh...” làm sao dịch đây.

Trước khi nhún vai, nó thọc hai tay vào túi quần cho có vẻ Tây rồi phụ đề Việt ngữ: “Ta bình sinh... chưa dịch Luân Lý Giáo Khoa Thư bao giờ!”

Lần này nó không tủm tỉm cười mắng khéo tôi là ngốc; chắc hẳn nó cũng chưa biết dịch thế nào thật!

Với... nhân duyên vi diệu, hơn 50 đứa chúng tôi từ nhiều... định mệnh khác nhau năm này cùng lọt vào một lớp lãnh chung “cộng nghiệp” phải dịch bài “Ông Carnot xưa...”! (Nhiều phần... bí bẩy còn ba, bí hai còn một... chắc là cũng bí luôn!!!) Nhưng thình lình, cứ như do kết qủa tốt từ những nhân lành chúng tôi rải rác gieo trồng từ kiếp trước, bài dịch này cả lớp tôi... “thoát” không phải nộp, vì tuần lễ sau đó có sự sắp xếp lại Thời Khoá Biểu, thầy qua dạy hai lớp bên cạnh (hiển nhiên vì hai lớp đó... kém Anh Văn hơn lớp tôi nhiều! Hi hi!) chúng tôi có giáo sư Anh Văn khác vị này “chuyên trị” các bài comprehension rất đắc dụng cho kỳ thi Tú Tài I của chúng tôi cuối niên khoá, nhưng xin để kể vào dịp khác.

Thầy trong “episode” này là Giáo Sư Trần–Trung–Lương.

Từ bấy đến giờ đã bao nhiêu năm trôi qua cùng với việc đời nương dâu bãi biển, Thầy không còn dạy học nữa mà lâu nay ung dung nhàn tản vẩy bút làm gió làm mưa một cõi Canada mênh mông và đem niềm vui đến cho Cộng Đồng Người Việt khắp cùng hải ngoại qua những hài văn... “vui không chịu được” trên các báo chí, websites Việt Ngữ cũng như qua các tuyển tập Truyên Ngắn, Truyện Cười đã xuất bản.

Thầy tha thiết yêu mến quê hương, lấy tên làng Trà Lũ, tên sông Trà Lũ quê Thầy làm bút hiệu. Chuyện Thầy kể rạt rào tình cảm yêu mến đất đai con người quanh Thầy xưa cũng như nay; văn chương của Thầy như dòng sông chảy vừa vui nhộn vừa hiền hoà, miệt mài và bất tận.

Cầu mong sức khỏe của Thầy cũng bền bỉ như giòng Trà Lũ.

Thấy ảnh Thầy qua truyền thông hải ngoại, tóc Thầy đã bạc nhiều nhưng tôi chắc rằng chưa có đứa “Carnot Việt Nam” nào của lớp tôi đến trình thưa: “Thầy còn nhớ con không? Con là...”

Chắc đứa nào cũng còn hãi, sợ Thầy nhớ ra bài “Translate into English: Học Trò Nhớ Ơn Thầy” chưa nộp.

Trần-Công Anh-Dũng




Videos Phụ Chú


Nhà văn Trà Lũ sẽ ra mắt hai tác phẩm mới "Đất Quê Hương II"
SBTN Canada - Published on Jan 13, 2014

Nhà văn Trà Lũ sẽ ra mắt hai tác phẩm mới "Đất Quê Hương II" và "600 Chuyện Cười".




Ra mắt sách của nhà văn Trà Lũ
Người Việt TV - Published on Feb 12, 2014

Phóng viên Hà Giang Người-Việt TV phỏng vấn nhà văn Trà Lũ nhân dịp chương trình ra mắt sách của nhà văn Trà Lũ tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người-Việt ngày 15 tháng 2 năm 2014.




Ra mắt sách của nhà văn Trà Lũ tại Nhật báo Người Việt
Người Việt TV - Published on Feb 15, 2014.

Chương trình ra mắt sách của nhà văn Trà Lũ tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người-Việt ngày 15 tháng 2 năm 2014. (Nhận thấy có bạn TCAD trong đám khán thính giả.)




1 comment:

  1. Bốn câu thơ ông Trần Phong Vũ dẫn ra trong video này là của nhà thơ Trạch Gầm.
    (Trạch Gầm là bút hiệu của Nguyễn Đức Trạch, trưởng nam của Bà Tùng Long và Ông Hồng Tiêu, nhà báo kỳ cựu của Saigon)

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!