Saturday, November 30, 2013

Nghe Bạn Mình Hát: Cho Tôi Lại Từ Đầu

Cho Tôi Lại Từ Đầu

Nhạc & lời: Trần Quang Lộc

Guitarist : Lê Từ Phong

Trình bày: Châu Chi




Click on the video below to play:









Thursday, November 28, 2013

Khung Trời Kỷ Niệm

Đường Yên Đổ - Champagne

Trần Đình Phước

(Thân tặng những ai đã từng quen thuộc với con đường Yên Đổ thân thương và những ai đã từng đi ngang qua đây, dù chỉ một lần.)

Mỗi người đều có một con đường kỷ niệm để nhớ và một dòng sông thơ ấu để thương. Riêng tôi “Con đường Yên Đổ” nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, nơi tôi trải qua thời niên thiếu êm đềm cùng với những người thân yêu và bạn bè, thì không bao giờ tôi có thể quên được. Dù bây giờ tôi đang ở cách xa con đường ấy hàng ngàn, ngàn dặm. Dù cuôc sống căng thẳng từng giờ, từng ngày. Phải đối phó với bao nhiêu khó khăn trước mặt. Tưởng chừng như có thể xoá nhoà tất cả những gì mà đôi lúc mình muốn nhắm mắt quên đi. Tuy nhiên “Con đường Yên Đổ” vẫn mãi mãi nằm trong tiềm thức của tôi.

Đường Yên Đổ tên cũ là Champagne, tên mới là Lý Chính Thắng. Con đường bắt đầu từ ngã ba Hai Bà Trưng (Paul Blancy) và chấm dứt ở Công Trường Dân Chủ hay Ngã Sáu - Sàigòn. Nếu nhìn xéo một chút về phía tay trái, nằm phía bên kia đường là Ty Cảnh Sát Quận Ba.

Trong pham vi bài viết này. Xin mời quý vị cùng tôi chỉ đi trên một khoảng ngắn của đường Yên Đổ. Từ phía ngã ba đường Yên Đổ và Hai Bà Trưng đến ngã tư Yên Đổ và Công Lý (Mac Mahon, De Lattre De Tassigny, Gal De Gaulle) mà thôi!

Xin được bắt đầu phía bên trái trước.

Đầu tiên sẽ gặp trường trung học tư thục Vạn Hạnh của Thầy Thích Đức Nghiêp. Đây là một cái Villa cũ với những hòn non bộ đen xì và những cây to nhiều tuổi. Đặc biệt có một cây “Sung” rất già, cho trái chín, màu rượu chát rất hấp dẫn học sinh vào những gìờ ra chơi và tan học, dù trái sung nhiều hột. Ăn chát chát, ngọt ngọt và không ngon lắm! Sau này trường Vạn Hạnh biến thành cư xá cho Mỹ thuê và luôn luôn có quân cảnh (MP) Mỹ cầm súng M-16 đứng gác trước các ống cống lớn bằng xi măng đổ đầy cát.

Căn nhà số 5 là của hai chị em dược sĩ Cư và Huệ. Đi tiếp là một hẻm nhỏ. Tiệm hàn gió đá ở phía trước. Bên trong có sáu căn nhà được xây bằng gạch. Kế bên là trường tiểu học tư thục mang tên nhà thơ trào phúng của Pháp La Fontaine, số 7 đưòng Yên Đổ do thầy Đốc là Hiệu Trưỏng, con trai thầy tên Mạnh. Trường La Fontaine có lẽ là một trong những trường tiểu học tư thục đầu tiên ờ vùng Tân Định. Lúc ban đầu trường tổ chức ba cấp lớp: Năm, Tư và Ba. Đa số các trẻ em trong vùng đến tuổi đi học đều bắt đầu học ở trường này. Rồi sau đó chuyển sang trường Tiểu Học Công Lập con trai Tân Định và trường Tiểu Học con gái Đồ Chiểu.

Cách vài căn là một Villa của thầy giáo dạy kèm tiếng Pháp. Ông là người Việt, nhưng mang quốc tịch Pháp. Trong sân nhà ông có trồng mấy cây “Vú Sữa Bạch” rất sai trái. Dù trẻ con rất thích, nhưng không đứa nào dám leo hái trộm, vì đàn chó Berger của ông rất dữ. Thỉnh thoảng chúng rủ nhau liệng gạch vô nhà cho chó sủa, hay nhấn chuông điện gắn trước nhà. Nghe tiếng chuông reo ông tưởng khách đến thăm, đi ra mở cửa. Nhìn qua, nhìn lại chẳng thấy bong dáng ai! Bọn con nít thấy ông, thì ùa chạy như ong vỡ tổ. Chúng cùng cười và la lớn từ xa ”Ông Tây sình. Lọt thùng đinh.” Ông lầm bầm chửi thầm trong miệng ”Con nhà không ai dạy!” Mỗi khi mùa vú sữa chín, bà chủ sai người làm công hái xuống, cho vào thúng, rồi đem để trước nhà rao bán cho ông đi qua, bà đi lại với giá ngang ngửa chợ Tân Định. Bà con lại có dịp rêu rao ”Giàu mà còn ham kiếm bạc cắc lẻ.”

Sau đó là hẻm số 21. Đây là một con hẻm tương đối lớn. Xe hơi du lịch chạy vào được. Trong hẻm có một trưòng tư thục. Lúc đầu tên là Võ Trường Toản. Sau đổi thành Nguyễn Huệ. Hẻm có một cây khế, một cây li Kê Ma già, trái có ruột màu vàng, còn gọi là trái hột gà. Khi ăn thường dính màu vàng như nghệ đầy miệng. Nằm đối diện với trường Nguyễn Huệ cũng là một Villa trồng đủ loại cây ăn trái. Nhiều nhất là Mận và Lý. Nếu quẹo trái đi ra phía đường Hai Bà Trưng. Trên đường đi sẽ gặp một “Cây Thị” rất già, cho trái chin màu vàng chanh, tiết ra mùi thơm nhẹ nhàng.

Ngưòi ta đồn cây thị này có nhiều ma. Ban đêm các ma ông, ma bà, ma cô, ma cậu, ma con nít với quần áo trắng từ trên cây leo xuống. Tóc xoả dài tới chân với hai con mắt đỏ rực như hai cục than hồng, và lè những cái lưỡi màu đỏ chói, dài hơn cái đòn gánh. Chúng đi tới, đi lui nhe hai hàm răng trắng toát, cười ghê rợn vào những đêm không trăng sao. Thỉnh thoảng các “Ma” còn bắt những ai đi làm về khuya ngang qua đây. Rồi đè nạn nhân xuống nhét đất sét đầy miệng. Do đó, khi có việc cần phải đi ngang cây thị, bà con nhắm mắt, ba chân, bốn cẳng, cắm đầu, cắm cổ, nín thở phóng cho thật nhanh.

Nếu quẹo phải thì đi ra đường Huỳnh Tịnh Của (tên cũ là Monceaux). Con đường này trồng toàn “Cây Mạc Nưa,” dùng để nhuộm vải cho ra màu đen rất bền. Trái mạc nưa lúc còn sống màu xanh giống như trái táo. Còn khi chín thì màu đen. Khi rớt xuống. Bộ hành đi qua đạp lên làm đen cả lề đường. Trong ruột mạc nưa có nhiều hột giống như hột gạo. Ăn bùi bùi, béo béo, deo dẻo. Học sinh trưòng Tân Định thích lượm, đem đập lấy hột ăn.

Băng qua đuờng Huỳnh Tịnh Của là xóm Hầm Sỏi. Đầu ngõ có một máy nước bốn vòi. Nơi đây ồn ào suốt ngày đêm. Những người gánh nước mướn, coi máy nước như là của riêng mình. Họ tự cho phép mình được quyền ưu tiên hứng. Bà con thắc mắc là họ sẵn sàng dùng đòn gánh, móc thùng xỉa xói, hăm he như muốn ăn tươi, nuốt sống. Vì thế, để tránh lạc đạn, phiền phức, ai ai cũng né dân ”đầu nậu phông tên” chuyên nghiệp này. Tránh voi không hổ mặt người. Xin được hai chữ bình an. Chờ đến khi nào họ cho hứng, thì lúc đó mới dám hứng. Kế bên là căn gác nhỏ của ông Tư Cạo. Ông hớt tóc với giá bình dân và cũng là nhạc công cho một ban nhạc Bắc, chỉ trình diễn trong các đám tang, có cả phần khóc mướn. Hôm nào có đám tang đến thuê ban nhạc, thì hôm đó ông tạm nghỉ hớt tóc để trở thành nhạc sĩ đờn gáo và đờn cò. Con nít gặp ông hay đưa ngón tay trỏ lên miệng kéo qua, kéo lại ”Ò, e, Con ma đánh đu, Tạc Dăng nhảy dù, Zô Rô bắng súng.”

Hầm Sỏi, một thời nổi tiếng về du đãng ở vùng Tân Định. Các băng nhóm quanh vùng khi nghe đến tên đều kiêng nể. Trong xóm Hầm Sỏi, có nhiều con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo với nhiều miếu đền. Hẻm đi ra đuợc đường Công Lý, trường Anh Văn Khải Minh và trở ra hẻm Đỗ Phong Thuần, gặp cổng trường Tiểu Học Tân Định.

Trở về lại đưòng Yên Đổ sẽ gặp tiệm may Huỳnh Lộc. Sau đó đến tiệm Ngọc Diệp bán đồ dùng cho học sinh và văn phòng phẩm. Kế tiệm Ngọc Dìệp là nhà ông PQK. Em trai ông tên PQH. Cả hai ông đều là triệu phú, được xem là vua hàng hải Việt Nam vì có nhiều tàu. Có cả tàu buôn đi ngoại quốc. Ông Kh.. từng là Chủ Tịch Hội Cựu Hoc Sinh trường Bưởi (Chu Văn An.) Ngoài ra, ông cũng là một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng. Không hiểu sao cả hai anh em ông cùng bị kẹt lại Sài Gòn, để rồi lâm vào cảnh tù tội? Sau đó là phòng mạch của Bác Sĩ Hoàng Minh Mậu mới vừa tốt nghiệp từ ngoại quốc về.

Một tiệm thuốc Tây tên Sông Gianh, một Pharmacy khác tên Hồng Duyệt của Dược Sĩ T… khi đó mới ra trường. Cô chủ nhà thuốc luôn luôn bận áo dài màu thiên thanh. Nhiều người tưởng cô là chiêu đãi viên Hàng Không Việt Nam biệt phái đến đây làm thêm. Hiện nay, Dược Sĩ T… có một Pharmacy thuộc loại tầm cỡ ở San José. Ngoài thuốc tây ra. Tiệm còn bán đủ các thứ khác giống như các cửa hàng của Mỹ: Drug Store, Walgreens, Rite-Aid. Đây cũng là một trong những tiệm thuốc Tây đầu tiên của Thung Lũng Hoa Vàng. Nằm kế bên tiệm thuốc là nhà của Luật Sư Ngô Phước Tặng. Ông là một luật sư kỳ cựu của Luật Sư Đoàn Sài Gòn. Sau đó là nhà Đại úy T... Quận Trưỏng Hóc Môn. Ông nuôi những con ngựa đua thuộc loại chiến, từng thắng những giải đua ngựa lớn ở trường đua Phú Thọ. Cạnh bên là một Villa kiểu Pháp, mà lúc nào cũng kín cổng, cao tường. Villa quét vôi màu trắng như Toà Bạch Ốc, cùng với những giàn bông giấy đủ màu sắc đan quyện vào nhau.

Đến đây là gặp đường Huỳnh Tịnh Của. Vừa qua khỏi đường Huỳnh Tịnh Của là một căn nhà rất lớn của ông bà chủ xe đò người miền bắc mới di cư vào. Năm 1955, vào buổi trưa, một chiếc xe Dodge đã đâm thẳng vào nhà ông bà. Người ta nói, có lẽ tài xế say rượu, nên bị lạc tay lái? Sự viêc xảy ra chớp nhoáng trong tích tắc, khiến bà chủ xe đò thiệt mạng oan uổng! Tiếp theo là một hẻm rất nhỏ, chỉ đủ cho một người dắt xe gắn máy ra vào. Hẻm này có nhà của danh hài Phi Thoàn. Phía ngoài hẻm là tiệm may áo quần phụ nữ tên Thẩm Mỹ.

Cạnh bên là một tịnh xá nhỏ mang tên Ngọc Diệp, số 81 Yên Đổ. Bây giờ tịnh xá được xây dựng lại rất bề thế, khang trang hơn. Có lẽ nhờ tiền cúng dường của chư bá tánh từ nước ngoài gửi về? Phải kể thêm tư gia Bác Sĩ Trần Quang Diệu. Ông cũng là một Sĩ Quan Cao Cấp của Cục Quân Y. Bước thêm khoảng mười mét sẽ gặp trụ sở Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế, toạ lạc ngay góc ngả tư đưòng Yên Đổ và Công Lý.

Bây giờ xin được trở lại đầu đường Yên Đổ phía tay phải.

Trước tiên là quán cà phê bình dân Hải Nàm do một người Hoa làm chủ. Nơi đây từ sáng sớm tới chiều, bà con lao động đến nhâm nhi ly cà phê xây chừng được pha bằng vợt, thưởng thức dầu châu quẩy, bánh tiêu, bánh bao, hủ tíu mì, xíu mại và trà Thái Đức. Khách thích ngồi đưa cả hai chân lên chiếc ghế đẩu. Vừa ngồi, vừa rung đùi, vừa tán gẫu, vừa hít hà, thả hồn theo khói thuốc rê Gò Vấp, thuốc lào Cái Sắn, 888, 555, Mélia vàng, Ruby Queen, Quân Tiếp Vụ, Basto đỏ và xanh… Kiểu ngồi này còn gọi là “kiểu ngồi nước lụt.”

Kế cà phê Hải Nàm là tiệm may Văn Minh, mang tên ngưòi con trai lớn của ông chủ. Con cái ông bà đều học giỏi và thành công. Hai tiệm làm cửa sắt và máng xối nằm cách nhau, số 4 và số 8 đường Yên Đổ là Đức Kính và Đức Vượng. Tuy có cùng tên Đức đứng đầu, nhưng hai tiệm hoàn toàn không có bà con thân thuộc gì với nhau hết! Tiệm sản xuất cà rem cây có tên là Bạch Tuyết thì nằm giữa hai tiệm làm đồ sắt, số 6 đường Yên Đổ. Sáng sớm những người bán kem dạo, tụ họp để lấy kem. Sau đó chia nhau đi bán ở các trường học và xóm lao động quanh vùng, tạo nên một khung cảnh ồn ào và huyên náo. Sau này ông bà chủ chuyển sang làm đại lý bán xe Honda. Con trai duy nhất của ông bà tên Tr. qua đời vì bệnh nan y. Bạn thân của anh, một nhà sư tu xuất và cũng là nhà thơ nổi tiếng hy sinh đứng ra thay thế, tiếp tục săn sóc vợ con anh.

Bên cạnh là giò chả Nhiên Hương. Tiệm này có bà con họ hàng thân thiết với giò chả Phú Hương ở đường Hiền Vương. Ông chủ tiệm giò chả Phú Hương mỗi cuối tuần đều đi thăm trường đua Phú Thọ, để xem giò, xem cẳng các con ngựa đua và cho chúng ăn cỏ. Kiếm được bao nhiêu tiền từ giò chả, bánh trái, ông cũng đầu tư vô đây, để trang bị cho trường đua Phú Thọ càng ngày càng tân tiến hơn. Nghe đâu sang đến Canada. Ông không bỏ được nghề chăn nuôi ngựa, tiếp tục sự nghiệp xây dựng trường đua. Làm được đồng nào, xào hết đồng nấy. Bây gìờ thì hoàn toàn khuynh gia, bại sản. Đúng là “Cờ bạc là bác thằng Bần.”

Những thanh niên làm công cho tiệm giò chả không cần tập tạ, tập thể thao. Vậy mà, tay chân anh nào, anh nấy bắp thịt cũng nở cuồn cuộn như lực sĩ đẹp Nguyễn Công Án. Chắc là nhờ họ giã và bằm thịt hàng ngày? Vào mỗi dịp Tết, tiệm giò chả Nhiên Hương khách hàng ra vô nườm nượp. Giò Chả ra lò đến đâu là hết ngay đến đó. Vì thế! Khách dự định biếu xén ai, thì phải đặt trước Tết cả tháng.

Hai tiệm giặt ủi Phước và tiệm may Trường ở kế bên. Diện tích cả hai tiệm rất khiêm nhường. Cạnh đấy là một vựa củi lớn. Về sau trở thành Salon Mayer bán xe hơi mới và cũ do ông chủ rạp hát Moderne tên Th.. làm chủ. Người ta thắc mắc ”Sao ông không đặt tên là Salon Yên Đổ hay Champagne?“ Tiếp đến là cửa hàng bán xi măng, gạch, cát, đá tên Hà Thân. Tiệm có một cây Nhãn rất nhiều trái. Trẻ em trong vùng thích tới hái, bất kể sống hay chín. Hái riết cây nhãn bị tàn phai nhan sắc. Con trai thì dùng hột nhãn làm đạn bắn với ná dây thun, hay chơi đánh giặc: chọi qua, chọi lại. Đôi khi các “chiến sĩ nhóc” bị trúng đạn nhãn sưng đầu, sứt trán và lỗ mũi ăn trầu. Về nhà còn bị ba má đánh thêm đòn. Riêng, mấy cô thì lấy hột nhãn, đem khoét thành cà rá đeo tay, chơi trò “Đám Cưới Đầu Xuân” trao “Nhẫn Nhãn” cho nhau. Hột nhãn màu đen, ruột màu trắng. Đem nấu chè ăn ngon và thơm. Tiếp theo là tiệm bán phụ tùng và sửa chữa máy may tên Phước Lai.

Bây giờ tới con hẻm số 32. Nơi đây chỉ có bốn căn nhà. Con hẻm rất rộng. Xe hơi có thể ra vào được dễ dàng. Con nít ở các xóm chung quanh thường kéo đến chơi u bắt mọi, đá banh, đá cầu, đánh đáo, tạt hình, tạt lon sữa bò, công xi đờ ghe... Đặc biệt là chơi đập vách tường ăn tiền, vì hai bên là hai căn nhà với vách tường xây bằng gạch. Kết quả vách tường của hai căn nhà rỗ nát như “Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng”, bởi đồng năm cắc bằng nhôm màu trắng, có hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm của lũ nhóc thi nhau đập từ sáng cho tới khuya. Nhất là vào những ngày không phải đến trường.

Căn nhà đầu tiên số 32/1 là của ông Lê Văn L.., Trưởng Ty Tiểu học Sàigòn. Ty tiểu học nằm trong khuôn viên trường Tiểu Học Lê Văn Duyệt, trên đường Phan Đình Phùng - Quận 1. Vào thời đó chức vụ Trưởng Ty rất oai. Ông đi làm có tài xế riêng đưa đón trên chiếc xe hơi hiệu Traction màu đen, mà lúc nào cũng láng coóng. Người ta thường thấy bác tài trong khi chờ xếp, thường lấy khăn ra lau tới, lau lui, lau riết xe trở thành bóng lộn. Ông Trưởng Ty có cô con gái đầu lòng tên D. Cô lập gia đình với anh Đ… là con trai trưởng của ông bà Đồng Hồ, chủ tiệm tạp hoá trong xóm Cù Lao - Yên Đổ. Cô giáo D… dạy môn Vạn Vật lớp Đệ Thất và Đệ Lục trường Trung Học Công Lập Võ Trường Toản. Học sinh nào đã từng học cô, dù bây giờ đã rời xa trường nhiều năm cũng không thể quên được cô. Nhất là điểm cô cho học sinh thì khỏi chỗ chê!

Xin tiếp đến tiệm thuốc đông y của Đông Y Sĩ Trần Gia Viên, chuyên bán thuốc cao đơn hườn tán, thuốc tễ, dầu Nhị Thiên Đường, dầu Cù Là, dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín, cam thảo, táo Tàu, nhân sâm, thục địa… kể cả bắt mạch và bốc thuốc. Kế bên là lò bánh mì Thuận Thái. Nơi đây, vào ngày 14 tháng 05 năm 1971, tay vợt bóng bàn nổi tíếng của miền Nam “Mai Văn Hoà” đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông rất là thương tâm. Khi chiếc xe Lambretta do anh lái bị một chiếc xe Buýt đụng. Anh từng chiếm những thứ hạng cao về môn bóng bàn trên các thao trường quốc tế. Anh còn được xem là cái máy đỡ banh số một thời đó. Trong khi giao đấu dù đối phương đánh, đập, líp cách nào anh cũng đều “hốt gọn” như trở bàn tay. Trái banh được đưa qua, đưa lại nhiều lần. Chờ khi đối phương lơ là, lúc đó, anh sẽ tặng cho đối thủ một cú tiêu thần sầu chính xác và chớp nhoáng như mũi tên xẹt. Bao nhiêu danh thủ bóng bàn thế giới đã cười đau, khóc hận vì sự cò cưa gan lì của anh.

Nhà ông Cò Tây nằm sát bên tiệm bánh mì. Trước nhà có trồng một cây trứng cá. Ông cho rào kẽm gai từ dưới đất lên đến giữa thân cây. Mục đích làm trẻ con không thể nào leo lên hái được. Tuy nhiên, chúng canh me khi ông đi vắng. Một đứa dùng chiếc dép cũ liệng lên cây. Những trái trứng cá chin mộng màu đỏ rớt rụng đầy dưới đất. Cả đám quỉ sứ hè nhau chạy tới thi nhau lượm. Vừa bỏ trong túi áo, vừa cho vô miệng ăn nhồm nhoàm một cách thích thú. Trái Trứng Cá chin rất nhiều hột, vị ngọt và mùi thơm thoang thoảng tuổi học trò.

Kế tiếp là phở bắc Việt Hương. Rồi đến tiệm may Xuân Liên chuyên may áo dài đám cưới. Hai ông bà có một cô công chúa rất xinh. Lấy tên con gái đặt cho tên tiệm mình. Sau khi ông bà dọn đi nơi khác. Người mới đến cũng mở nhà may, đặt tên là Phương Mai cũng chuyên may áo dài. Tiếp tục đi sẽ gặp phòng mạch của Bác Sĩ Trần Đình Ngân. Phòng mạch chỉ mở được vài năm, thì ông mất vì bệnh. Sau khi ông mất. Bác Sĩ Vũ.. đến tiếp tục. Ông còn trẻ, cao ráo, đẹp trai. được rất nhiều nữ bệnh nhân ái mộ đến khám bệnh, dù chỉ bị cảm mạo sơ sài, hay bệnh giả đò. Miễn sao được bác sĩ đặt ống nghe đo áp huyết và nhịp đập của “Con tim không chịu ngủ yên.” là bệnh tan biến ngay. Đặc biệt với bệnh nhân nghèo, thì Bác Sĩ Vũ B. khám hoàn toàn miễn phí và còn cho họ cả thuốc. Ông từng là Dân Biểu Quốc Hội và Chủ Tịch Phù Luân Hội (Lions Club) Sàigòn, có biểu tượng là hình con Sư Tử. Hội này quy tụ toàn những doanh gia và các tai to, mặt lớn thời đó.

Ở đây có một cái hẻm nhỏ số 58, gồm hai mươi bốn căn nhà cất bằng cây, mái ngói. Mỗi tháng có một thư ký Chà Và cầm sổ đi thu tiền mướn nhà. Trẻ con thường chạy theo sau lưng la ”Chà Và Ma Ní tí te. Cái bụng thè lè, con mắt ốc Bươu.” Chính giữa hẻm có một cái giếng, người ta còn gọi là “Xóm Giếng.” thêm một cây Mận, một cây Vú Sữa Tím ở xóm trên. Môt cây mãng cầu, một cây "li kê ma" ở xóm dưới. Trong xóm có bốn lò “Bánh Cuốn Tráng Hơi” của bà Thi, bà Thọ, Bà Triễn và Bà Tỵ. Quê quán các bà đều từ miền Bắc di cư vào Nam. Bốn lò bánh cuốn vừa bán lẻ cho bà con trong xóm và các xóm lân cận, vừa bỏ mối cho các bạn hàng ở các chợ: Tân Định, Phú Nhuận, Đa Kao và Bà Chiểu. Mặc dù thời đó nấu bằng củi. Rồi sau này chuyển sang dùng dầu hôi hiệu con Sò đựng trong thùng hai mươi lít. Nhưng trải qua bao nhiêu năm chưa hề xảy ra tai nạn nào về lửa củi, hay suýt gây ra hoả hoạn. “Bánh Cuốn Tây Hồ” do Bà Cà hay còn có tên là Bản làm chủ, nằm trong đền thờ chí sĩ Phan Chu Trinh - Đa Kao đã đến đây thọ giáo với Bà Thọ một thời gian, trước khi xuống núi “khởi nghiệp bánh cuốn tráng hơi.”

Hẻm xóm Giếng có thể kể thêm một nhân viên làm cho trường Đại Học Luật Khoa Sàigòn. Tên ông là HĐM. Chức vụ chỉ là thư ký đánh máy tầm thường. Tuy nhiên, năm nào trước mùa thi Luật, hay sau khi có công bố kết quả thi cử. Xóm Giếng xuất hiện nhiều xe gắn máy của sinh viên đang học ở đây. Họ ào ào đến tìm ông với gương mặt hớn hở. Trên tay không quên cầm theo chút quà cáp để biếu ông.

Cạnh phòng mạch bác sĩ Vũ B.. là trường dạy lái xe hơi Yên Đổ. Kế bên là nhà in NMH. Ông chủ nhà in tướng oai vệ. Đi đâu cũng tự lái chiếc xe màu xanh, hiệu Simca. Xách theo cặp da như sắp đi tham dự hội nghị quốc tế. Ông rất có uy tín, nên được các “Cha Cố, Thầy” tin cậy. Cô con gái lớn của ông, nữ sinh Trưng Vương tên NKT là thi sĩ tuổi học trò. Thơ của cô được đăng thường xuyên trên các báo Ngôn Luận, Chính Luận, Văn Nghệ Tiền Phong… Đặc biệt thi sĩ học trò NKT chỉ sáng tác các bài thơ ca ngợi “Lính,” và chỉ tặng riêng cho các anh SVSQ Trường Võ Bị Đà Lạt. Do đó cô còn có thêm biệt danh là “Người Tình Alpha Đỏ.” Cô lập gia đình với một SVSQ tốt nghiệp trường này. Khi mãn khoá. Chàng chọn binh chủng “Mũ Nâu.”

Người hùng của nhà thơ cũng từng theo học ”Đại Học Máu” nhiều năm. Còn cô em kế của nhà thơ tên NPN cũng là nữ sinh Trưng Vương. Dáng đẹp hơn chị, với gương mặt trái soan, tóc để dài, được nhiều chàng trai theo đuổi. Cuối cùng, cô chỉ thích được ”Danh Tiếng Muôn Đời và Nhìn Xa Phi Trường Việt Nam...” Nên một chàng phi công trực thăng, đẹp trai giống như tài tử Đại Hàn Choi Xong Dong, nhà trong hẻm Cù Lao, số 60 Yên Đổ đã chiếm được “Trái Tim Mùa Đông” của nàng, để lại bao nhiêu cây Si hát bài “Em Đưa Tôi Sang Sông.”

Nhà in NMH nằm ở dưới lầu. Phần trên lầu là nhà của song thân một sinh viên khoá 16 Võ Bị Đà Lạt tên TTT, phục vụ tại Sư Đoàn 4 Không Quân. Hai cô em kế trông thật duyên dáng và dễ thương. Không biết có anh lính hào hoa nào “Gõ Cửa Trái Tim” được hai nàng? Hay các nàng ngại đường nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo? Nên không dám đi trên con đường dài này? Cũng có thể các cô lo sợ, chẳng may các anh kẹt tiền đem bán hết quần áo của mình, thì khốn khổ đời em!

Bây giờ phải kể đến một tiệm tạp hoá của người Hoa nằm ngay đầu hẻm 60 và 62 tên Quảng Đức Long rất lớn trong vùng. Bà con gọi bà chủ là thím Xẩm Bài. Bà goá chồng và tần tảo nuôi các con. Tiệm bán mọi thứ hàng hoá, thực phẩm thiết dụng hàng ngày cho bà con lao động. Bà Quảng Đức Long phúc hậu và rất tốt với mọi người. Bà sẵn sàng bán thiếu cho bất cứ ai gặp khó khăn. Khi nào có tiền trả cũng được. Hình như ai ai cũng đều trả sòng phẳng và đúng hẹn. Bà có hai đứa con trai tên Xí và Ngầu. Khi đến tuổi quân dịch. Không muốn cho con làm lính kiểng, lính ma, hoặc chạy chọt được miễn dịch. Nên bà đã bỏ ra một số tiền lớn để lo cho hai cậu đi đuờng bộ sang Cam Bốt. Rồi từ đó, có đường dây đưa sang Hồng Kông. Cô con gái tên Xây Dùng, đẹp người, đẹp nết. Tuổi ngoài ba mươi, mà vẫn còn ca bài “Sầu Lẽ Bóng.”

Từ ngoài đầu hẻm 60, phía bên trái là tiệm thuốc Tây Nguyễn Huy do Dược Sĩ Nguyễn Huy làm chủ. Tướng ông cao lớn như người ngoại quốc với vầng trán cao, hai con mắt lồ lộ. Sau năm 1975, bà con trong vùng vẫn còn gặp hai ông bà một thời gian. Nhưng sau đó, thì nghe tin đồn là cả hai ông đều mất tích trong “Chuyến Tàu Hoàng Hôn.” ngoài biển khơi. Nếu đi thêm khoảng mười thước là gặp một cây me lớn ở phía trước nhà Luật Sư Đinh Xuân Quảng. Ông tốt nghiệp Cử Nhân Luật tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội khoá đầu tiên vào năm 1930. Quẹo trái là hẻm 62, còn gọi là xóm nhà Đèn, vì đa số dân trong xóm là người sinh quán ở Quảng Bình, miền Trung. Tất cả chuyên làm về điện. Họ kéo vô Nam lập nghiệp và rủ rê nhau cùng vào đây sinh sống. Hẻm này đi ra đươc đường Công Lý và chùa Vĩnh Nghiêm. Ca Sĩ thần đồng Phương Mai của ban tạp lục Tùng Lâm ở trong hẻm này.

Hẻm 60 rất dài. Giữa xóm có một hẻm nhỏ là hẻm xóm Vựa Gạo, đi ra được đường Hai Bà Trưng. Cuối hẻm 60 là một ngã ba, giáp với sông Cầu Kiệu. Chiều chiều con nít rủ nhau ra đây tập lội, ôm thân cây chuối bì bà, bì bõm dưới sông. Có hôm gần mười em đứng trên cầu Kiệu. Đợi ngưòi đi bộ qua đông, rồi chúng cùng đếm: Môt, Hai, Ba. Tất cả “pờ lông dông” xuống sông, làm nước bắn tung toé, ướt cả người đi đường. Bà con không làm gì được chúng, chỉ còn nước chửi “Đồ Cô Hồn Sống. Có ngày tụi bây sẽ bị Ma Da rút.”

Trong hẻm 60 có một tiệm giặt ủi quần áo không tên. Từ ngoài đường đi vào, tiệm nằm phía tay trái. Ông bà có một con gái và năm con trai. Trong số đó có một người con nổi tiếng trong giới giang hồ, võ lâm thời đó là VĐS, tức S.. Đảo. Tướng người cao ráo, đẹp trai, có nét ngạo mạn và oai hùng. Thống lĩnh khu vực Ông Tạ. Anh được nhiều phụ nữ ưa thích. S.. Đảo bị bắn chết trước một vũ trường ờ Quận 1, Saigon. Lúc anh đang lui cui, cúi xuống xem bánh xe mô tô bị ai đâm lủng. Anh còn có một em trai là VĐC…, một tay vợt bóng bàn có hạng của đội Quân Vận bị một đàn em thân tín của Đại Ca Thay là Lâm Chín ngón đâm chết trong khám Chí Hoà. Người em khác của anh là Sĩ Quan thuộc Binh Chủng Dù đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại đèo Lao Bảo. Em nhỏ nhất tên VĐT.. cũng đã mất. Nay chỉ còn một người em tên VĐH… Có thể xem đây là Ngũ Hổ Tướng của vùng Tân Định!

Cũng cần phải thêm một nhân vật đặc biệt là Trần Ngọc Ph… Anh tốt nghiệp khoá đầu tiên Trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Gương mặt có một chút rỗ hoa, nhưng bù lại ăn nói rất có duyên và có tài kể chuyện tiếu lâm, ai nghe cũng thích. Ngoài ra, anh còn có thêm một giọng hát tuyệt vời và cao vút. Nhất là bài Mexico, anh hát chẳng thua gì danh ca Cao Thái. Nhờ những ưu điểm này mà “Cô Láng Giềng” tên L.. là nữ sinh xinh đẹp trường Thiên Phước đã theo chàng “Bỏ cuộc chơi” rất sớm. Người anh ruột của anh là Trần Ngọc Gi.. chơi kèn Trompette rất hay. Bài hát “chuyên trị” mà anh thường xuyên thổi vào mỗi đêm là Cầu Sông Kwai (The Bridge on the River Kwai.) Khi tiếng kèn của anh vừa vang lên, thì cùng lúc đó nữ xuớng ngôn viên của Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng vừa cất tiếng: ”Bây giờ đã là mười giờ đêm. Xin bà con, cô bác vui lòng vặn Radio vừa đủ nghe, để khỏi làm phỉền hàng xóm đang cần yên tĩnh, để nghỉ ngơi.”

Hẻm 60 còn gọi là xóm Cù Lao rất rộng. Xe cam nhông đi vào đươc. Ngay đầu hẻm có một máy nước bốn vòi. Nơi đây có một khoảng đất rộng, tự nhiên biến thành một cái chợ nhỏ hoạt động sáng, trưa, chiều, tối. Nào là: xôi, bánh bèo, bún riêu, sữa đậu nành, sâm bổ lượng, nước mía, khô mực, hủ tiếu mì, bò viên, khô mực, hột vịt lộn, thuốc lá lẻ, bắp nướng mỡ hành, ốc gạo, ốc len xào dừa, đậu xanh, đậu đỏ, bánh lọt, chè đậu đen, bông cỏ, hột é, khoai mì chà bông, rau trái, hoa quả…sửa xe đạp, sửa gắn máy, hớt tóc bình dân. Đặc biệt, mấy bàn bán vé số “Kiến Thiết Quốc Gia” rất hấp dẫn và lôi cuốn bà con. Ai ai cũng ôm giấc mơ trở thành triệu phú.

Hàng tuần, vào mỗi chiều Thứ Ba. Họ đón chờ kết quả do các em thiếu nhi quay số, được tổ chức tại Rạp Thống Nhứt, hay còn gọi là Rạp Norodom, nằm trên Đại Lộ Thống Nhứt, kế Toà Đại Sứ Anh Quốc và đối diện Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Nếu trúng gió, thì coi như góp một viên gạch nhỏ xây dựng nước nhà. Cùng đồng ca bài hát của Nhạc Sĩ Hùng Lân “Khoẻ Vì Nước - Kiến Thiết Quốc gia.”

Và một bài hát khác đã đi sâu vào tận hang cùng, ngõ hẹp, mà hình như hầu hết mọi người đều biết là: “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia” của Nhạc Sĩ Trần Văn Trạch, mà báo chí còn đặt cho ông thêm một biệt danh là “Quái Kiệt” Kiến thiết quốc gia. Giúp đồng bào ta. Xây đắp muôn người. Được nên cửa nhà. Tô điểm giang san. Qua bao lầm than. Ta thề kiến thiết. Trong giấc mộng vàng. Triệu phú đến nơi. Năm muời đồng thôi. Mua lấy xe nhà. Giàu sang mấy hồi. Kiến thiết quốc gia. Giúp đồng bào ta. Ấy là thiên chức. Của người Việt Nam. Mua số mau lên. Xổ số gần đến. Mua số mau lên. Xổ số... gần... đến... (Nhạc Sĩ Trần văn Trạch - 1952)

Nơi đây cũng là bến đậu của các bác xích lô, ba bánh và Honda ôm chờ đón khách. Lâu lâu cũng xảy ra tình trạng lời qua, tiếng lại, rổi đưa đến ẩu đả vì giành giựt khách hay chạy phá giá.

Nằm cạnh bên nhà thuốc Nguyễn Huy là chỗ cho mướn xe xích lô máy của ba má anh Thịnh.., nhân viên thuế vụ ở Gia Định, có em trai tên Kh.., cũng là dân chơi thứ thiệt. Cách một căn là giang san của ban kích động nhạc Les Vampires rất nổi tiếng vào thập niên 60, 70 với Tòng thổi Saxo, Hồng Hải chơi trống. Kế đến là nhà nữ tài tữ Mai Trâm, một trong những vai nữ chính của phim“Chúng Tôi Muốn Sống.” Cô có hai công chúa tên Mai Dung và Mai Vân cũng xinh đẹp, duyên dáng như mẹ, được nhiều thanh niên trong vùng ngắm nghé. Nhưng cuối cùng chẳng anh nào lọt được vào mắt xanh hai nàng. Kế bên là nhà ông thầu khoán. Ông có một công tử tên Kh.. là bạn của N.. Thịt Bò, cũng thuộc loại “ham vui hơn ham học.”

Số nhà 74 Yên Đổ nằm trước đó vài căn là địa chỉ mà những đấng mày râu thích “Lạc Động Hoa Vàng” thường tìm đến. Đây là một “Tiệm Phở” hạng sang của Sài Gòn hoa lệ trước năm 1975. Chủ nhân là chị Nh.. Ăn nói nhỏ nhẹ. Vóc dáng có da, có thịt. Chị luôn luôn đeo cặp kính trắng, gọng vàng. Nhìn ra vẻ trí thức! Tiệm phở của chị tuyển chọn nhân viên chạy bàn rất trẻ, cao ráo, xinh đẹp và có thể thi hoa hậu được. Đa số khách đến ăn phở là dân áp phe, giới văn nghệ sĩ có chút tiếng tăm. Đôi khi cũng có các quan chức trong chính quyền. Còn như thợ thuyền, lính lác, thư ký công nhật …với đồng lương ba cọc, ba đồng, thì chỉ ăn phở trong mơ, hay hàm thụ mà thôi! Đành chấp nhận an phận, thủ thường “xơi cơm nấu ở nhà, xực quà do vợ mua.”

Nếu hôm nào đầu óc bừng bừng lên tới não và thèm “Phở”quá! Không thể nào nhịn được, thì chỉ dám thưởng thức loại” Phở Bình Dân” gồm bánh phở và nước lèo lỏng bỏng mỡ màng ở các địa danh như: Tân Bình, Lăng Cha Cả, Xóm Mới, Gò Vấp, Ngả Ba, Ngả Năm, Bệnh Viện Cộng Hoà, Cây Da Xà, Xóm Mã Lạng, hay sang Cầu Hàn tuốt bên kia Tân Thuận-đường Trịnh Minh Thế. Đa số các tiệm phở ở đây đều thiếu vệ sinh, nhơ nhớp, kèm theo môi trường rất độc hại và không an toàn. Thực khách ăn vào dễ bị trúng độc vì phở có pha nhiều bột ngọt, hàng the, thuốc tẩy và hoá chất bán đầy rẫy ở chợ Kim Biên. Khi đó phải đi “súc ruột” ở bệnh viện nằm ngay góc ngả ba đường Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan - Quận 3, Sàigòn, gần trường Colette để chữa trị cho kịp thời. Nếu không điều trị sớm, thì dễ làm thiu “tô cơm nguội” ở nhà. Chưa kể gia đình có thể tan nát, vợ con nheo nhóc.

Muốn thưởng thức tiệm phở chị Nh.. phải có quen biết trước, hoăc qua sự giới thiệu của những khách đã từng đến đây, thì may ra mới đưọc tiếp. Còn lạ quắc, lạ queo thì coi như “Vô phận sư - Xin miễn vào - Cảm ơn.” Hầu như khách đã vào đây ăn một lần. Khi ra về, thực khách đều tấm tắc khen “Phở Ngon.” Không nghe ai phàn nàn, phê bình, hay chê gì hết! Có lẽ được các em bưng phở săn sóc, phục vụ tận tình, chu đáo từ A đến Z? Đúng là “Vui lòng khách đến - Vừa lòng khách đi!”

Chị Nh.. kết bạn với nhiều người đàn ông có vợ con, có chức, có quyền đương thời. Mục đích chỉ dựa hơi và dán “Lá bùa hộ mệnh” trước cửa tiệm để buôn bán được dễ dàng, không bị gây rắc rối, phiền nhiễu. Người tình già nhân ngãi, non vợ chồng cuốí cùng của chị là một Huấn Luyện Viên Thể Dục và Thể Thao và Võ Thuật ở một đơn vị đóng cách Sàigòn khoảng 30 cây số. Chàng cao lớn, oai vệ, đẹp trai. Lúc đó, chị mua một chiếc Mustang đời mới nhất tặng chàng, để cho chàng le lói với đời và giữ chân chàng khỏi lông bông, lang bang đi lạc quên đường về. Sau ngày 30 tháng 04, năm 1975, chàng bị kẹt, nhưng chị vẫn giữ một lòng chung thủy. Đi thăm nuôi, tiếp tế ông rất đều đặn. Chị Nh.. qua đời vì ung thư ngực. Lúc tuổi ngoài năm mươi. Thời gian cuối đời chị thường đi lễ chùa, ăn chay, tụng kinh và sám hối.

Qua khỏi tiệm phở chị Nh.. là một Villa của người Trung Hoa. Bà con thường gọi là nhà ông Xi Na (China) với những cây bông xứ già cho bông trắng và vàng rất thơm. Sau đó đến một vựa gạch, cát, đá, xi măng, rồi đến con hẻm 82. Hẻm đi ra được đường Công Lý. Trong hẻm cũng xuất hiện một “Tiệm Phở” hạng sang do bà Đ..làm chủ với dáng người mảnh khảnh, nước da trắng đẹp, tóc búi tó củ hành, giọng nói dịu dàng dễ gây cảm tình.

Từ ngoài đầu hẻm đi vào tiệm phở phải đi qua tiệm may Hai Ve, chuyên may nón lưỡi trai rất nổi tiếng. Một thời, muốn được gọi là dân chơi Sài Gòn thì phải đội nón do Hai Ve sản xuất. Bây giờ, chủ tiệm Hai Ve than thở thấu trời mây! Không còn nhiều khách đến đặt may nón nữa! Vì khi ra đường, bà con phải đội nón bảo hiểm, còn gọi là “Nồi Cơm Điện.” Đi thêm vài thuớc, quẹo phải có một ngỏ hẻm nhỏ đi ra đươc hai hẻm 62, 60 Yên Đổ và đường Huỳnh Tịnh Của nối dài. Nếu tiếp tục đi khoảng mưòi thước sẽ gặp tiệm phở của bà Đ.. phía bên phải, ngay cua quẹo ra được cư xá Công Lý.

Mặc dù nằm tuốt trong hẻm, nhưng tiệm phở của bà Đ..cũng nổi tiếng không thua kém gì tiệm phở của chị Nh... Nhân viên phục vụ ở đây cũng đông. Tuyển lựa kỹ càng. Tiêu chuẩn phải xinh đẹp. Biết cách ăn nói, săn sóc và niềm nỡ với khách hàng. Muốn vào thưởng thức cũng đòi hỏi có sự quen biết trước, hoặc thông qua người thân tín giới thiệu. Đúng là thời buổi nào “Quen biết cũng vẫn hơn.”

Những lúc khách bên này đông, bên kia ế, thì chị Nh.. và bà Đ.. sẵn sàng cùng nhau hổ tương, tác chiến hợp đồng. Mặc dù kinh doanh cùng một mặt hàng tương tự. Không cần phải bỏ vốn đầu tư nhiều. Chỉ dùng “vốn tự có” do các nhân viên tự nguyện đóng góp vào. Nhưng giữa chị Nh.. và bà Đ.. chưa bao giờ xảy ra những xích mích, tranh chấp và cạnh tranh nghề nghiệp, để đi đến mất lòng nhau.

Sau này cần phát triển, khuếch trương mạnh hơn. Bà Đ. cho ra đời thêm một “Tiệm Phở Đặc Biệt.” Đó là Villa của một ông lớn ở đầu đường Huỳnh Tịnh Của, phía Yên Đổ, gần tiệm may Nguyễn Hà. Nhờ chút “hơi hám” của ông chủ nhà, mà tiệm phở mới của bà không ai dám đến quấy rầy, hay bắt chung tiền mãi lộ. Tiệm mới rất đông khách, nằm đối diện với Villa của một sĩ quan cao cấp. Ngài cặp bồ với một cô đào cải lương nổi tiếng, khiến bà vợ Hoạn Thư nổi cơn ghen tam bành làm ùm lên. Kéo theo đám để tử của ông đi đánh ghen ì xèo. Nhân dịp này, báo chí Sài gòn tha hồ thêu dệt chuyện gia đình của ông Quan Sáu, mà gốc gác to hơn cây cổ thụ trồng trong Dinh Độc Lâp, hay còn gọi là “Phủ Đầu Rồng.” Giờ đây, ông đang hưởng tuổi già ở một thành phố của Bắc Cali. Thỉnh thoảng ông ngồi tâm sự thời quá khứ vàng son, tiền hô hậu ủng với các thân hữu bên ly cà phê đắng ở một Trung Tâm Thương Mại lớn của vùng này.

Riêng, cô đào cải lương vẫn còn ở Việt Nam. Qua những năm tháng thăng trầm, bềnh bồng, ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh vì nghiệp dĩ. Bây giờ tuổi đời cô cũng đã ngoài sáu mươi. May mắn có cuộc sống ổn định và dư giả. Cô thường đi viếng các chùa chiền, thăm các cô nhi viện, giúp đỡ các nghệ sĩ già neo đơn, khó khăn không còn con cháu lo lắng, săn sóc.

Sau năm 1975. Bà Đ.. không còn bán phở nữa! Gia đình bà vẫn tiếp tục sống ở hẻm 82. Sáng sớm bà và chồng hay đi lễ ở nhà thờ Tân Định. Trên tay lúc nào cũng lần xâu chuỗi hạt màu đen.

Có một điều dân chúng trong vùng rất ngạc nhiên! Một thời gian dài buôn bán ồn ào, đình đám và nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nhưng cả ba ”Tiệm Phở” vùng Yên Đổ - Tân Định không bị chính quyền Phường, Quận và Thành Phố để mắt hỏi thăm sức khoẻ, hoặc bị làm khó dễ. Nếu hôm nào có tổ chức hành quân cảnh sát đến xét "Môn Bài Kinh Doanh", thì hôm đó cả ba tiệm đều treo bảng xin cáo lỗi “ Tiệm tạm đóng cửa vài ngày đề sửa chữa. Khi nào mở lại sẽ thông báo đến quý khách.” Nhân dịp nghỉ giải lao bất đắc dĩ này. Nhân viên không được phát lương. Vì quen ăn xài lớn, nên thiếu thốn, phải đi mượn tiền với phân lời cắt cổ “xanh xít, đit đui.” Buồn chán, nhàn rỗi không biết làm gì! Nên ban ngày tụ họp lại giải trí cờ bạc như: bài cào, tứ sắc, cắc tê, dì dách, cá ngựa. Chờ tối đến cùng kéo nhau đi xem đại nhạc hội, hát bộ, cải lương. Có vài nhân viên còn đi viếng núi Bà Đen, núi Cấm, núi Châu Thới, núi Chứa Chan, núi Sam, núi Sập, hay miễu Bà Chúa Xứ ở tận Châu Đốc để xin xăm, bói quẻ. Cầu mong Thánh Thần phù hộ cho tiệm phở mau mở lại và đông khách hơn, để có tiền trả nợ, sắm quần áo, mua phấn son, trả tiền mướn nhà và cung phụng cho đám giang hồ bảo kê.

Chiến dịch hành quân chỉ làm chiếu lệ cho lấy có. Vài hôm sau, cuộc bố ráp chấm dứt thì đâu cũng vào đấy! Ba tiệm phở cùng hạ bảng tạm đóng cửa xuống, và tái khai trương trong tưng bừng, rầm rộ hơn, nhằm gở gạc lại những ngày đóng cửa bị thất thu.

Sau hết, xin nói về một Villa lớn rất đẹp với hoa, lá, cây, trái, hòn non bộ và nuôi nhiều chó . Đó là cơ ngơi của ông Đội Có. Ông rất giàu gồm: nhiều đất đai, nhà cửa cho mướn. Các bất động sản của ông nằm đối diện với chợ Phú Nhuận, mà bên cạnh có xe nước mía nổi tiếng. Hẻm Đội Có mang tên ông đã có từ trước năm 1975. Hẻm đi ra đươc đường Chi Lăng và ngược ra được xóm cầu Mới - Tân Đinh. Có lúc là Billards Anh Đào, tên cháu gái của ông. Cô là nữ sinh trường Marie Curie. Về sau dẹp Bida, mở sang cà phê nhạc rât đắt khách, vì nhạc hay và âm thanh sống động. Hiện nay Villa không còn nữa. Con cháu được hưởng quyền thừa kế đã đem bán và chia phần. Villa này bị đâp phá hoàn toàn và một công trình xây dựng lớn được bắt đầu xây cất.

Xin phép được dừng ở đây! Còn nhiều chi tiết không thể nào nhớ hết! Xin bà con Tân Định và bất cứ ai có cảm tình với con đường Yên Đổ thân thương. Hãy vui lòng bổ túc đoạn đưòng còn lại như: Xóm Lách có quán bán thức ăn chay chỉ bán vào ban đêm, xóm Bến Tắm Ngựa, xóm Bắc Kỳ hẻm 288 có phở Bà Dậu - Công Lý chính hiệu 100% không giá, không rau sống và không bột ngọt. Hiện nay do con trai bà cũng tên Dậu tiếp tục làm chủ. Mặc dù Bà Dậu tiêu diêu nơi miền tiên cảnh đã lâu. Nhưng có rất nhiều tiệm Phở ở hải ngoại đều quảng cáo trên các phương tiện truyền thông là phở của họ là phở Bà Dậu chính gốc trước năm 1975, do chính tay bà Dậu chế biến theo công thức gia truyền.

Ngoài ra còn kể thêm hẻm Hàng Không Việt Nam mà đa số nhân viên làm cho Air Việt Nam hay Nha Căn Cứ Hàng Không Tân Sơn Nhứt cư ngụ, chùa Nghiêm nằm dưới chân cầu Công Lý, gần trường Tiểu Học Sao Mai. Hai viện bào chế Vanco và TVT của Dược Sư Trương Văn Chôm, Cảnh Sát Cuộc Đặng Văn Bắc, Cư Xá Yên Đổ, Trung Tâm Đắc Lộ, Sở Mục Súc Đô Thành Sài gòn hay còn gọi là Sở Thú Y, số 254 Yên Đổ - Quận 3. Cứ mỗi buổi sáng cho xe đi bắt các chú chó chạy rong ngoài đường. Tài xế lái xe rất chậm, rão quanh các ngả đường của thành phố. Đứng hai bên cửa tài xế là hai nhân viên tay cầm cây thòng lọng. Mắt lúc nào cũng láo lia, láo lịa nhìn hai bên lề đường. Khi thấy một em chó nào đang “Ôi ta buồn. Ta đi lang thang bởi vì đâu”, hoặc đang chui rúc đầu trong thùng rác kiếm ăn. Nhanh như chớp. Hai chàng nhảy ngay xuống xe. Với thao tác chuyên nghiệp, thành thạo. Trong tích tắc, em chó đã bị thòng lọng thắt vào cổ, không kịp la ú ớ, và bị ném nhanh vào trong cũi sắt. Em được đem về Sở Thú Y nhốt tạm, chờ chủ nhân đến đóng tiền chuộc và chích ngừa. Nếu vài ngày không đến thì các em sẽ được hoá kiếp.

Cuối cùng là ngôi chùa Miên nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng nhìn ra phía đưòng Kỳ Đồng, có Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế với hang đá lộ thiên rất linh ứng, được nhiều bà con không phân biệt tôn giáo đến cầu nguyện, xin được ơn phước…

Xin chào đoạn đường Yên Đổ - Tuổi Ấu Thơ của tôi. Bây giờ tất cả chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi!

Trần Đình Phước

(San José, California – Mùa Lễ Tạ Ơn 2013)




Wednesday, November 27, 2013

Thi Nhạc Giao Duyên


Thục Vũ thực hiện

Sưu tầm: Tôn Thất Hùng



Click vào video trên để nghe!

  1. Giới thiệu (thơ Vũ Hoàng Chương, Hồ Điệp ngâm)...
  2. Giấc Mơ Hồi Hương: Vũ Thành, Thái Thanh
    Những Con Đường Hà Nội: Nguyễn Thanh ngâm
  3. Mộng Chiều Xuân: Ngọc Bích, Châu Hà & Hồng Vân
  4. Ân Tình: Khuyết Danh, Duy Trác
    Kề Vai Hạnh Phúc: Hoàng Hương Trang ngâm
  5. Bóng Chiều Xưa: Dương Thiệu Tước, Thanh Lan
    Bước Tàn Phai: Quang Minh ngâm
  6. Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay: Đoàn Chuẩn, Hoàng Oanh
    Lá Thư Ngày Trước: Nguyễn Thanh ngâm
  7. Serenata: Enrico Tocelli, Pham Duy, Mai Hưong
    Nhạc Chiều: Hoàng Thư ngâm
  8. Em Tôi: Lê Trạch Lựu, Duy Thái
    Một Mùa Đông: Hồng Vân ngâm
  9. Đàn Thu Tay Ngọc: Thục Vũ, Thái Thanh
    Đàn Thu Tay Ngọc: Hồ Điệp ngâm
  10. Gái Xuân: Từ Vũ, Hoàng Oanh
    Mùa Xuân Chín: Hàn Mặc Tử, Quang Minh ngâm
  11. Lỡ Cung Đàn: Hoàng Giác, Châu Hà
    Cung Đàn Đất Khách: Hoàng Thư ngâm
  12. Tạ Từ: Tô Vũ, Thanh Lan
    Tống Biệt Hành: Thâm Tâm, Hoàng Hương Trang ngâm



Sunday, November 24, 2013

Chris Botti In Boston


Chris Botti

Click on the video below to play:



On September 18 and 19, 2008. American jazz trumpeter Chris Botti, one of the world's top-selling instrumental artists, invited an extraordinary variety of musical artists - including Sting, Josh Groban, Steven Tyler, Yo-Yo Ma, John Mayer, Katharine McPhee, Lucia Micarelli, and Sy Smith - to join him on-stage with Keith Lockhart and the Boston Pops Orchestra for a pair of once-in-a-lifetime concerts.

Produced by Bobby Colomby and directed by Jim Gable, at Boston's historic Symphony Hall, one of the world's most exquisite performance venues.

Tracklist:

  1. Ave Maria - (featuring Chris Botti/Billy Childs)
  2. When I Fall In Love - (featuring Chris Botti/Mark Whitfield/Robert Hurst/Billy Childs/Billy Kilson)
  3. Caruso
  4. Seven Days - (featuring Chris Botti/Dominic Miller/Mark Whitfield/Robert Hurst/Russ Irwin/Sting/Billy Childs/Billy Kilson)
  5. Broken Vow - (featuring Chris Botti/Josh Groban/Mark Stephens)
  6. Flamenco Sketches - (featuring Chris Botti/Mark Whitfield/Robert Hurst/Billy Childs/Billy Kilson)
  7. Hallelujah - (featuring Chris Botti/Mark Whitfield)
  8. I've Got You Under My Skin - (featuring Chris Botti/Katharine McPhee/Mark Whitfield/Robert Hurst/Billy Childs/Billy Kilson)
  9. Cinema Paradiso - (featuring Chris Botti/Robert Hurst/Yo-Yo Ma/Billy Childs)
  10. The Look of Love - (featuring Sy Smith)
  11. Emmanuel - (featuring Lucia Micarelli)
  12. Glad To Be Unhappy - (featuring Chris Botti/John Mayer/Mark Whitfield/Robert Hurst/Billy Childs/Billy Kilson)
  13. Cryin' - (featuring Steven Tyler)
  14. Smile - (featuring Chris Botti/Mark Whitfield/Robert Hurst/Steven Tyler/Billy Childs/Billy Kilson)
  15. Indian Summer
  16. Shape of My Heart - (featuring Josh Groban/Sting)
  17. If I Ever Lose My Faith In You - (featuring Chris Botti/Dominic Miller/Mark Whitfield/Robert Hurst/Russ Irwin/Sting/Billy Childs/Billy Kilson)
  18. Time To Say Goodbye



Friday, November 22, 2013

Hương Xưa

Sài Gòn 1961

Hình ảnh: LIFE


Các thiếu nữ xinh tuyệt trần, xe hơi đời mới bóng lộn, phố xá đông đúc nhộn nhịp... là những hình ảnh khó quên về khu vực trung tâm Sài Gòn năm 1961 qua ống kính phóng viên LIFE.


Trên Phố Sài Gòn



Trước Trụ Sở Quốc Hội



Trước Chợ Bến Thành



Bãi Gửi Xe Đạp



Những Người Bán Hàng Rong ở Bến Xe



Trước Cổng Một Doanh Trại



Binh Sĩ Tuần Tra Trên Đường Phố



Xích Lô Dạo Phố



Quán Đầu Đường



Bia Hơi Vỉa Hè



Quảng Cáo Kem Đánh Răng Hynos



Xe Của "Lập Rỗ"?


Monday, November 18, 2013

Nghe Bạn Mình Hát: Mùa Thu Mây Ngàn

Nhạc: Từ Công Phụng

Tiếng hát: Trần Đình Phước



Trần Đình Phước


Click vào video dưới để nghe:






Sunday, November 17, 2013

November Birthday Celebration

November 17, 2013


2013-11-17 November Birthdays-8935

Thanh Chi, November 07
Đào Hiếu Thảo, November 11
Phạm Minh Hoa, November 18
Phạm Văn Phú, November 22

2013-11-17 November Birthdays-8939
November Birthday Girl & Boys
( Thảo Babylac was missing from the photo! )



Gõ con chuột vào hình dưới để xem video:




2013-11-17 November Birthdays-8850
Birthday Girls & Birthday Boys
( Thảo Thuận were missing from the photo! )



Gõ con chuột vào hình nhỏ để xem hình lớn hơn!
2013-11-17 November Birthdays-8856 2013-11-17 November Birthdays-8836 2013-11-17 November Birthdays-8844
2013-11-17 November Birthdays-8860
Công Lập!
2013-11-17 November Birthdays-8861
Công Khanh!
2013-11-17 November Birthdays-8866
Cây Tùng!
2013-11-17 November Birthdays-8867
Hương Giang!
2013-11-17 November Birthdays-8870
Phụ Thân!
2013-11-17 November Birthdays-8875
Hưởng Nhàn!
2013-11-17 November Birthdays-8880
Hóa Thân!
2013-11-17 November Birthdays-8882
Công Đang Ngủ!!!
2013-11-17 November Birthdays-8877
Hùng Biện!
2013-11-17 November Birthdays-8884
Lương Cống!
2013-11-17 November Birthdays-8925
Điếu Đóm!
2013-11-17 November Birthdays-9028
Các Bác Đến Chậm!
2013-11-17 November Birthdays-8960
Get hooked on Technology!
2013-11-17 November Birthdays-9006
Chôm!
2013-11-17 November Birthdays-8931
Bưởi Hoa Ichiban!




2013-11-17 November Birthdays-8794


2013-11-17 November Birthdays-8801


2013-11-17 November Birthdays-9039




Gõ con chuột vào đây
để xem tất cả hình ảnh slideshow
November Birthday Celebration
photos by Hoàng Lão Tà Tà





Dáng Xưa

Thơ Vũ Khanh


Vàng bia óng ánh. Nắng chiều rơi
Nhuộm thắm ngàn thông tận cuối đồi
Theo bước chân em mềm cỏ úa
Lòng người vương vấn tóc mây trôi

Bọt trắng dâng tràn. Cánh áo xưa
Ghé thăm gác nhỏ buổi chiều mưa
Em về phố vắng xôn xao lá
Lưu luyến trông vời phút tiễn đưa

Vụn đá long lanh. Khóe mắt cười
Lung linh hoa nắng rợp tim côi
Trái tim một thuở trên tay ngọc
Nay dỗi hờn tôi em đánh rơi

Tóc xưa em ước ngừng trôi
Trăm năm vướng đọng vai người em thương
Đêm nay tóc có lạ gương
Có thao thức giấc canh trường nhớ mong

Áo xưa còn ướp được không
Muôn vàn đắm đuối đượm nồng hương yêu
Cho tôi xin lại một chiều
Bên em tí tách mưa đều ngoài hiên

Mắt xưa hoa nắng công viên
Giờ như đôi ánh sao hiền trời cao
Trả cho tôi một đêm nào
Bên em sánh bước đếm sao hẹn thề
Em yêu xin hãy mau về
Cùng anh say đắm câu thề dưới trăng

Tôi đã say nhiều ai biết chăng
Chén sầu mặn đắng với Thu sang
Mà không chôn được dư âm cũ
Đáy cốc nghiêng quay dáng dấp nàng

Vũ Khanh

Friday, November 15, 2013

Trước Hiên Nhà by Lê Tấn Thành

Trước Hiên Nhà

Camera: iPhone 5

Người mẫu: Khanh, Yến, Hiền, Nhan

Location: Trước nhà bác Thành

Date: 9 November 2013


iPhoneography by Lê Tấn Thành


2013-11-10 Khanh Yen Nhan Hien-5305

Trước Hiên Nhà

Photographed by Lê Tấn Thành

( Gõ con chuột vào hình để xem hình lớn hơn! )


Wednesday, November 13, 2013

Nghe Bạn Mình Hát: Thu Quyến Rũ

Thu Quyến Rũ

Nhạc & lời: Đoàn Chuẩn & Từ Linh

Tiếng hát: Lê Văn Mạnh

Tiếng đàn: Phạm Ngọc Lân

Hình ảnh: Internet

Video: Hoàng Khai Nhan



Lê Văn Mạnh
by Nguyễn Thế Long

Gõ con chuột vào video dưới đây để nghe: