Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Huỳnh Thị NgàTản Mạn Trần Đình Phước
Kính dâng lên hương hồn Bà Hiệu Trưởng Huỳnh Thị Ngà. Kính gửi đến các giáo sư, các cựu học sinh, và những ai có kỷ niệm với vùng đất yên lành Tân Định và Đa Kao.
Từ ngã ba đường Trần Quang Khải và Hai Bà Trưng đi về hướng chợ Đa Kao sẽ gặp đường Bà Lê Chân phía bên phải. Còn bên phía trái là đường Trần Nhật Duật. Nằm trên con đường này có một trường Trung Tiểu Học Tư Thục mang tên Huỳnh Thị Ngà, số nhà 10. Có thể nói đây là một trường tư thục có mặt lâu đời ở vùng Tân Định. Trường mang tên Bà Huỳnh Thị Ngà và do chính Bà làm Hiệu Trưởng. Được thành lập vào năm 1947. Khởi đầu từ một dãy nhà chỉ vài căn, lợp ngói âm dương, với một số lớp ở bậc Tiểu Học. Dần dần theo thời gian phát triển thêm bậc Đệ Nhất Cấp, Đệ Nhị Cấp và thêm Nội Trú, nhưng chỉ dành riêng cho nữ sinh. Trường mở cả ba buổi: sáng, chiều và tối. - Buổi sáng dành cho các học sinh chọn môn Anh Văn là sinh ngữ chính. - Buổi chiều dành cho học sinh chọn môn Pháp Văn, cùng các lớp bậc Tiểu Học. - Buổi tối dành cho các lớp luyện thi, cũng như các lớp Thất+Lục, Ngũ+Tứ và Tam+Nhị dành cho người lớn tuổi, hoặc học sinh vì hoàn cảnh không có điều kiện đến lớp vào ban ngày. Phải công nhận bà Huỳnh Thị Ngà là một phụ nữ đảm lược và tài giỏi, nên mới có thể chèo chống và điều hành được ngôi trường do bà làm Hiệu Trưởng đứng vững vàng cho đến ngày 30 tháng 4, năm 1975. Trường HTN phải đương đầu và cạnh tranh với các trường chung quanh, mà hiệu trưởng đều là nam giới, như: Đông Tây Học Đường, La San Đức Minh, Nguyễn Công Trứ, Tân Thạnh, Tân Thịnh, Vạn Hạnh, Văn Học, Văn Hiến, Văn Lang, Việt Nam Học Đường, Vương Gia Cần. Tuy nhiên, học sinh ghi tên học trường Huỳnh Thị Ngà cũng khá đông. Đa số cư ngụ ở vùng Tân Định, Đa Kao, Thị Nghè, Bà Chiểu, Phú Nhuận. Ngoài ra có cả các học sinh ở vùng ngoại ô hay xa Sài Gòn như: Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Xóm Mới, Hóc Môn, Bà Điểm, Phú Lâm, Bình Chánh, Thủ Đức, Thủ Dầu Một, Biên Hoà...
Nữ sinh nội trú trường Huỳnh Thị Ngà cũng là một "Mô Hình Đặc Biệt", mà ít có trường tư thục nào khác mở ra vào thời đó. Nhiều nữ sinh nội trú ở các tỉnh xa như: Tây Ninh, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Sa Đéc... Có cả Long Khánh, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng...
Đích thân bà Hiệu Trưởng trực tiếp trông coi nề nếp của trường. Mọi vi phạm đều do một tay bà giải quyết. Nhẹ thì cảnh cáo. Nếu trường hợp nghiêm trọng là bà đuổi ngay. Bà được sự trợ giúp của một Giám Thị già rất mẫn cán phụ trách về kỷ luật, trật tự và điểm danh mỗi khi học sinh vào lớp. Các học sinh gọi ông với tên thân mật là ông Sáu Già. Thư ký lo về kế toán và sổ sách có cô Ba cũng lớn tuổi. Vào mỗi đầu tháng, từ ngày một đến ngày năm là thời gian ấn định bắt buộc học sinh phải đóng học phí. Lúc đó được tăng cường thêm hai con gái lớn của bà là chị Bạch Tuyết và chị Ngọc Dung. Học sinh nào đóng học phí trễ sẽ được ông Sáu già mời lên văn phòng nhắc nhở. Thành phần giáo sư của trường Huỳnh Thị Ngà so ra không thua kém bất cứ trường tư thục nào của thành phố Sài Gòn. Bà mời các giáo sư có uy tín, nhiều kinh nghiệm giảng dạy như các thầy: Cù An Hưng, Kiều Thề Đức, Nguyễn Đăng Đại, Trần Xuân Hài, Nguyễn Ngọc Huân, Ma Xuân Đạo, Nguyễn Đức Hoán, Huỳnh Văn Mĩ, Uông Ngọc Thạch, Vĩnh Đễ, Đinh Thế Vinh, Nguyễn Trọng Cơ, Lâm Tấn Văn, Nguyễn Ngọc Huân, Huỳnh Văn Tàu, Chí Thành, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Phụng, Thuần Nhân, Huỳnh Công Khanh, Nguyễn Kim Quang, Phùng Ngọc Diệp, Trịnh Khang, Nguyễn Văn Nổi... Vì thế trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I và Tú Tài II, tỷ lệ học sinh thi đậu của nhà trường kết quả rất khả quan và đạt nhiều thứ hạng cao. Xin được viết thêm về ba Giáo Sư đặc biệt của trường: Thầy Huỳnh Văn Mĩ (i ngắn) dạy môn Pháp Văn từ Đệ Tứ đến Đệ Nhất. Thầy là một trong những Võ Sư sáng lập môn phái "Hàn Bái Đường." Dáng thầy to, cao. Trong giờ thầy dạy, không một học sinh nào dám ồn ào hay sao lãng. Thầy rất nghiêm khắc đối với học sinh cả nam lẫn nữ. Thầy “sẵn sàng có biện pháp”, nếu như học sinh nào không nghe lời hay tỏ thái độ vô lễ. Bà Huỳnh Thị Ngà cũng đã từng là học trò của thầy. Thầy mất năm 2004 tại Nam Cali. Lúc sinh thời không nghe nói đến vợ thầy! Sau khi dạy học xong, thầy đi bộ về căn nhà nằm phía đối diện trường, cách nhà vũ sư Nguyễn Trọng mấy căn. Thầy tự đi chợ và nấu ăn lấy. Trong đám con thầy có một người con trai tên HVH. Anh đẹp trai, giỏi võ và là Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y, do đó được nhiều nữ sinh trường Huỳnh Thị Ngà mến mộ ông Bác Sĩ tương lai. Hiện bác sĩ HVH và gia đình đang định cư ở Florida. Kế đến là Thầy Huỳnh Văn Tàu dạy Lý Hoá các lớp Đệ Tứ. Dáng thầy ốm cao, miệng móm với nụ cười hiền hoà và rất có duyên. Thầy có phương pháp dạy môn Vật Lý và Hoá Học rất hấp dẫn, nhất là cách “đơn giản” Đinh Luật Faraday và “cân bằng” các phương trình phản ứng Hoá Học rất nhanh và gọn. Thầy đơn giản và cân bằng cho đến cuối cùng, không còn cách nào có thể tiếp tục được nữa! Học sinh hầu như không bao giờ vắng mặt trong giờ thầy dạy. Nhiều học sinh các trường khác cũng lén kéo đến “học ké” vào dịp gần đến ngày thi, mà lúc này Thầy cho ôn lại các đề thi đặc biệt, có thể được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho ra trong kỳ thi sắp tới. Thầy Huỳnh Văn Tàu cũng đã mất tại Việt Nam. Cuối cùng là Thầy Nguyễn Kim Quang dạy môn Vạn Vật. Dáng cao, nước da đen sẫm. Thầy đi dạy bằng xe Mobylette đời cũ. Đặc biệt, quanh năm suốt tháng, thầy luôn luôn bận bộ đồ trắng, ủi hồ thẳng nếp. Đầu chải brillantine láng bóng. Các nữ sinh nghĩ rằng: “Thầy có một tâm sự sâu kín, hay một lời thề nguyền nào đó?” Vài em thắc mắc hỏi. Thầy chỉ cười và không trả lời, trả vốn gì hết! Ngoài việc chăm lo cho các học sinh học văn hoá. Bà Hiệu Trưởng luôn luôn khuyến khích và động viên các học sinh về các hoạt động thể thao, văn nghệ, công tác phục vụ cộng đồng và tham gia sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam. Thỉnh thoảng Bà tổ chức cho các học sinh đi viếng thăm và trình diễn văn nghệ tại các Quân Trường, Quân Y Viện. Xuất hiện trên phương tiện Vô Tuyến Truyền Thanh và Truyền Hình. Nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, các ca sĩ Phương Đại, Trang Mỹ Dung, Kim Dung, Thần Đồng Phương Mai, Vũ Bộ Song Kim của hai chị em sinh đôi, nhà ở đường Mã Lộ cũng xuất thân là học sinh của trường. Năm 1965, một nam sinh của trường là một trong mười thí sinh trúng cách cuôc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ do Đài Phát Thanh Sài Gòn tổ chức ở Rạp Quốc Thanh. Mỗi dịp Tết Nguyên Đán về, các lớp học đều thi đua tổ chức văn nghệ tất niên. Bà chia thời giờ đến từng lớp thăm và khích lệ học sinh. Bà thường có mặt và đóng góp trong các phong trào liên quan đến Phụ Nữ. Bà cũng kết mối thâm giao với các mệnh phụ, mà các đấng phu quân của họ có nhiều quyền lực, đang nắm giữ các chức vụ cao trong chính quyền. Sau vụ tổng công kích Mậu Thân, năm 1968, học sinh của trường tích cực tham gia các lớp cứu thương do các sinh viên Đại Học Y Khoa Sài Gòn hướng dẫn, tình nguyện giúp dựng nhà cho đồng bào chiến nạn ở Trung Tâm Tạm Cư Petrus Ký. Ngoài ra, mỗi khi có thiên tai, lũ lụt, bao giờ nhà trường cũng tổ chức lạc quyên gây quỹ rất là sôi nổi. Dịp này các nữ sinh có tiếng là hoa khôi của trường được trao công tác ôm thùng lạc quyên đến từng lớp, để vận động và được hầu hết học sinh nhịn ăn quà hưởng ứng một cách nồng nhiệt. Diện tích trường Huỳnh Thị Ngà không lớn, không có sân chơi, không có cây cối cho bóng mát. Giờ ra chơi, nhân viên phụ trách dọn dẹp vệ sinh tạp dịch của trường là một thanh niên người Việt gốc Hoa tên Tững có nhiệm vụ đóng cửa sắt lại, vì sợ học sinh ra ngoài bị tai nạn, hoặc trốn học nửa chừng! Vì thế học sinh chỉ quanh quẩn trong lớp, hoặc chạy lên, chạy xuống dọc theo cầu thang mà chơi. Có trường hợp nam sinh chạy nhảy trên bàn bị té gãy chân, lọi tay, sứt trán, lỗ đầu. Đôi khi vài nam sinh rắn mắt còn chận đường không cho các nữ sinh đi xuống lầu. Vào giờ ra chơi là thời gian ông Sáu già mệt nhất! Tay ông cầm cây roi mây. Đi tới, đi lui để học sinh trông thấy không dám quậy phá, Khi chuông reng báo hiệu vào lớp, ông Sáu mới có thể thở được một chút! Sau đó chờ cho đến giờ học sinh ra về thì ông Sáu lại tiếp tục nhiệm vụ. Lần này ông vất vả hơn nhiều, vì học sinh chạy ào ra như ong vỡ tổ. Bao nhiêu năm ông Sáu già làm giám thị chưa thấy bất cứ học sinh nào dám hỗn hào, hay gây phiền phức cho ông.
Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà muốn ăn quà bánh phải thưởng thức trước khi tiếng chuông vào lớp và sau khi tiếng chuông báo hiệu ra về. Nào chè đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt nổi tiếng Huỳnh Thị Ngà. Tên được đặt cho xe chè, có lẽ vị trí gần trường? xe bán cà rem, bánh kem và Pâté Chaud của ông chủ nói giọng Bắc, có cô con gái tên Mai, xe bò viên của ông Tàu. Ông ta vừa bán, vừa chơi đổ xí ngầu ăn bò viên, quán cà phê nhỏ của chị Tư kế xe chè, xe nước mía chị Hai, nằm góc đường Trần Nhật Duật và đường Trần Quang Khải, kế tiệm chụp hình Hoàng Sơn là tên con gái ông chủ. Xe nước mía này hấp dẫn nhiều nam sinh đến, nhờ có cô em xinh xắn là nữ sinh Lê Văn Duyệt, thường phụ giúp chị sau khi tan trường về. Tên ở trường của cô là LTB và tên gọi ở nhà là D. Nhắc đến cô phải kể về mối tình ”Anh Tiền Tuyến. Em Hậu Phương.” giữa cô và một chàng trai Võ Bị của một binh chủng tác chiến. Cả hai tình cờ gặp nhau trong một lần cô và các bạn cùng lớp đi ủy lạo, trao vòng hoa cho chíến sĩ sau Tết Mậu Thân ở bên kia Xóm Cù Lao, nằm cuối đường Trần Khắc Chân - Xóm Cầu Mới - Tân Định. Phải đi qua một chiếc cầu bằng ván đóng đinh. Nhân dịp đơn vị chàng được về đây nghỉ dưỡng quân. Tuy nhiên, chuyện tình thơ mộng không đi đến được đoạn kết, vì Ba Má cô lo sợ con gái mình đang ở tuổi hồn nhiên có thể sớm trở thành “Quả Phụ Thơ Ngây.” Do đó đã quyết liệt cấm cản đến cùng. Cả hai đành phải chia tay và cùng hát bài ca “Ngăn Cách Mãi.” Nghe đâu bây giờ gia đình nàng định cư ở Canada? Còn gia đình chàng đang ở Mỹ. Sau khi chàng “Dùi Mài Kinh Sử” một khoá hậu Đại Học hơn mười năm, trước khi được đi định cư theo diện tị nạn. Thôi đành chờ kiếp sau vậy!
Đối diện bên kia đường, góc Bà Lê Chân là quán cơm tấm sườn, bì, chả tên Ngọc Long của vợ chồng con trai nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu. Giải trí thì có đá banh bàn của bà Sáu, thêm giải khát trà Huế. Còn “cúp cua” đi xi nê thì có các rạp Kinh Thành, Modern, Văn Hoa, Casino Đa Kao, Văn Cầm, Cẩm Vân, Huỳnh Long, Cao Đồng Hưng và Asam. Các nơi này cũng tương đối gần trường. Nếu không có tiền thì xem các nghệ sĩ tập tuồng hát bộ ở đình Phú Hoà, đình Nghĩa Hoà, chùa Cô Hồn và đình Sơn Trà, hay cùng kéo nhau đi tắm sông, hái me, bình bát, bần và trứng cá trong hảng Nông Cơ, nằm cuối đường Trần Nhật Duật. Một quán cà phê nằm trên đường Trần Quang Khải được xếp vào gia phả của cà phê Sài Gòn trước năm 1975 mỗi khi nhắc đến là cà phê Văn Hoa, vì nằm sát bên rạp hát Văn Hoa - Đa Kao, do hai chị em xinh xắn như Búp Bê là TBD và TBH đều là nữ sinh trường Huỳnh Thị Ngà đứng ra quán xuyến. Quán có chỗ ngồi tiện nghi, lịch sự. Cà phê pha ngon, dàn âm thanh tối tân. Đặc biệt với nhạc ngoại quốc chọn lọc, đổi mới thường xuyên. Thêm vào đó vị trí thuận lợi và giá cả cũng không mắc lắm! Nên các nam thanh, nữ tú từ các nơi thường ghé đến, để vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe nhạc và ngắm hai cô chủ lúc nào cũng nở nụ cười duyên dáng, dễ thuơng. Nếu muốn tâm sự thêm, thì chui vào rạp hát Văn Hoa có máy lạnh, xem xi nê ma ếch cốp với màn ảnh rộng. Hiện TBD định cư ở Montréal và TBH đang ở Pleasanton, California. Đa số học sinh trường Huỳnh Thị Ngà sau khi rời trường, thỉnh thoảng cũng trở về thăm bà Hiệu Trưởng, thăm ông Sáu già, thăm cô Ba và thăm lại ngôi trường xưa với nhiều kỷ niệm. Vài ngày trước 30 tháng 4, năm 1975, toàn thể gia đình Bà Huỳnh Thị Ngà đã di tản được ra khỏi Việt Nam. Trước đó bà có hai người con là chị Châu Bạch Tuyết và Châu Anh Tuấn đi du học Tây Đức vào khoảng cuối thập niên bảy mươi. Sau này trường Huỳnh Thị Ngà bị tịch thu. Có lúc được dùng làm trụ sở của Ủy Ban Nhân Dân Phường Tân Định, rồi thành trường Đại học Pháp Lý và lần lượt chuyển giao qua nhiều cơ quan khác nhau. Bây giờ là Trung Tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước. Tháng 10, năm 1992, tôi đến Hoa Kỳ. Sau khi hỏi thăm các bạn cũ số điên thoại của bà Huỳnh Thị Ngà, tôi gọi thăm bà ngay. Một lúc sau, bà nhận ra tôi, vì khi còn là học sinh trường Huỳnh Thị Ngà tôi thường góp mặt trong các buổi trình diễn văn nghệ và công tác phục vụ cộng đồng. Nên có dịp được gặp bà nhiếu lần, vì thế bà dễ nhớ tôi! Bà chúc mừng gia đình tôi đã đến được “Bến Bờ Tự Do.” Bà cho biết rất nhớ ngôi trường thân yêu, mà bà vừa làm chủ, vừa làm Hiệu Trưởng. Ước mong duy nhất của bà có ngày trở về, để lấy lại ngôi trường, mà bà đã đổ bao nhiêu công sức, mồ hôi tạo dựng. Tuy nhiên, giấc mơ của bà đã không bao giờ trở thành hiện thực. Bà ra đi đột ngột vì căn bệnh tim vài tháng sau đó, ở tiểu bang Virginia. Hưởng thọ 70 tuổi. Hôm nay viết vài hàng để tưởng nhớ đến Bà Hiệu Trưởng Huỳnh Thị Ngà. Một phụ nữ có nghị lực phi thường, giỏi tài quán xuyến, mà các học sinh đều luôn luôn một lòng kính mến. Tôi vẫn không quên tên các con của bà: anh Chánh, chị Bạch Tuyết, chị Ngọc Dung, Châu Anh Tuấn, Ngọc Thủy, Ngọc Huy và con trai út của bà là Ngọc Thắng. Trong các con của bà, tôi chỉ còn gặp lại Châu Ngọc Thắng vài lần ở trại huấn luyện Văn Hoá Truyền Thống và Họp mặt Hướng Đạo Việt Nam tại Washington D.C. và Nam Cali. Bà Hiệu trưởng luôn luôn giúp đỡ và tạo mọi thuận lợi cho những học sinh nghèo, ngoan, hiếu học và cầu tiến có điều kiện tiến thân trên đường học vấn. Nhờ đó những học sinh được bà tạo cơ hội đã vượt qua được số phận nghiệt ngã và hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Xin có vài hàng về ngôi trường thân yêu Huỳnh Thị Ngà. Còn rất nhiều chi tiết không thể nhớ hết! Xin được bỏ qua những thiếu sót. Đối với tôi, nơi đây đã cho tôi nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, mà bây giờ:
“Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi!
San José - California – Tháng Tư 2014 |
Saturday, April 26, 2014
Kỷ Niệm Thời Niên Thiếu
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Đã đọc nhiều bài của bạn Trần Đình Phước viết về Tân Định-Đakao, tôi rất khâm phục tác giả về trí nhớ phi thường và nghệ thuật diễn tả.
ReplyDeleteBên cạnh những bức ảnh ngày xưa rất quý, những tấm ảnh ngày nay rầt thân tình của riêng tác giả là văn phong thuật sự vừa hấp dẫn vừa chứa chan tình cảm.
Tình cảm trong loạt bài này là tình cảm chân thật, không hời hợt, màu mè;đó là tình cảm đậm đà sâu sắc của một người tha thiết với địa phương nơi mình lớn lên, là tình cảm chan hoà quý mến với những con người sống quanh mình, sống với mình trong vùng đất thân yêu đó từ những ngày xưa quây quần đầm ấm đến ngày nay tản lạc khắp nơi.
Nếu có thẩm quyền nào đó tôi muốn bầu Trần Đình Phước là một trong những công dân danh dự của Đakao-Tân Định bên những danh nhân khác của vùng đất lành này. Có ai cười tôi bồng bột, tôi chịu; có ai ... chụp mũ , đổ thừa tui vì bạn "nổ sảng", không sao! Đây là tình cảm thật nhất của tôi, tôi cần phải nói ra sau khi đọc đến bài Kỷ Niệm Thời Niên Thiếu này, ví như những giọt nước ĐaKao-Tân Định ngọt ngào chắt chiu từ quá khứ tác giả trân trọng "châm" vào ly trên tay người đọc mỗi ngày một đầy lên; chiếc ly đó trên tay tôi sẽ tràn trề nếu tôi không hớp ngay.
Vậy đó!
Những bài về Tân Định-Đakao của Phước đã khá nhiều, và thấy trên internet rất được tán thưởng; nếu là tác giả tôi nghĩ đã đến lúc phổ biến nó dưới dạng một tập sách đầy đủ. Trước tiên nó đáp ứng nhu cầu tinh thần của độc giả dù là con dân Đakao-Tân Định hay không, sau nữa các bạn của tác giả (như chúng ta 7/68ers đây) có quyền hãnh diện cầm tập sách trên tay khoe với mọi người: Bạn tui đó!
Well done, Phuoc!
ReplyDeleteNgoCongThang
Cám ơn anh Phước thật nhiều đã ghi lại, emailed, và posted "Kỷ Niệm Thời Niên Thiếu" tuyệt vời với vùng Tân Định, Xóm Chùa, ĐaKao, trường Văn Lang, Huỳnh Thị Ngà, ...
ReplyDeleteRiêng cá nhân tôi thời niên thiếu đã từng sống 12 năm tại Xóm Chùa / Cư Xá Kiến Ốc Cục, theo học 6 năm tại Văn Lang, đây là những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời chẳng bao giờ có thể quên.
Phạm Đình Học