Bún Bò Bà Đào - Đà Nẵng(Đường Trần Bình Trọng - Trước Năm 1975)Tùy Bút Trần Đình Phước
Kính dâng lên hương hồn ông bà Đào. Kính tặng quý niên trưởng, các chiến hữu thuộc Trung Tâm 2 Kiểm Báo và Sư Đoàn I Không Quân, Đà Nẵng. Xin được gửi đến bà con Đà Nẵng thân yêu của tôi. Trước năm 1975. Đà Nẵng có rất nhiều nhà hàng, quán ăn. Nhưng nói đến món bún bò, thì những người có tâm hồn ăn uống, chắc chắn cũng đôi lần ghé thăm quán bún bò của Bà Đào! Có lẽ lâu ngày thành thói quen, bà con gọi tên quán là Bún Bò Bà Đào? Đơn vị tôi ở mãi tận Sơn Trà. Muốn đi sang Đà Nẵng, phải đi bộ hay quá giang xe nhà binh ra ngã ba Sơn Trà. Sau đó đón xe Lam hay xe đò đến bến đò An Hải. Từ đây đi phà sang bên kia sông Hàn, mới tới phố Đà Nẵng. Mặc dù cách xa nhiều cây số, phải mất khá nhiều thời gian. Nhưng tuần nào tôi cũng ghé Bún Bò Bà Đào một hoặc hai lần thì mới mãn nguyện. Dẫu cho hôm đó trời mưa to, gió lớn, bão bùng cũng không bao giờ tôi lùi bước trước nguy nan. Đơn giản một điều: “chỉ vì ghiền bún bò.” Quán Bún Bò Bà Đào nằm trên đường Trần Bình Trọng, gần Café Rừng với mấy cái mả đá màu nâu ở đầu đường. Quán chỉ bắt đầu bán vào khoảng 3 giờ chiều. Thực khách ghiền bún bò thường phải đợi rất lâu, vì quán lúc nào cũng đông khách đứng sắp hàng chờ. Nếu không chờ được thì đi các quán khác cũng nằm gần đó. Bà Đào có nét lai Ấn Độ, các cô con gái của bà cô nào nhìn cũng đều có nét duyên dáng, dễ thương, trong đó có một em tên Đ. là đẹp nhất, theo con mắt thơ ngây chỉ biết nhìn thôi chẳng biết gì của tôi! Lúc đó em Đ. đang học lớp Đệ Tam Trường Trung Học Tư Thục Phan Thanh Giản, tọa lạc kế bên trường Trung Học Công Lập Phan Chu Trinh. Nghe nói em Đ. bây giờ đã lập gia đình. Tháng 10, năm 1992. Trước khi rời Sài Gòn đi định cư Hoa Kỳ theo chương trình H.O. Tình cờ tôi gặp em ở gần Bệnh Viện Nguyễn Văn Học, Bình Thạnh, Gia Định. Hai đứa chỉ kịp vẫy tay, vẫy tay chào nhau một lần cuối, không kịp một lời từ giã. Nổi tiếng nhất của quán Bún Bò Bà Đào là món giò móng. Tôi đã chết mê, chết mệt vì nó. Đặc biệt là món ớt sa tế và ớt ngâm giấm, mà không nơi nào có thể sánh bằng. Tô bún bò nóng hổi, vừa ăn, vừa húp, vừa thổi, vị nồng nồng, cay cay làm nước mắt ràn rụa. Nhất là những hôm trời se se lạnh, có một chút mưa bụi vào những tháng cuối năm thì thật tuyệt vời. Nhiều khi trong bóp hết tiền, cầm thẻ lương chưa được, hoặc Sĩ Quan Thủ Quỹ Sư Đoàn I Không Quân là Trung úy HBT, hay Sĩ Quan Kế Toán là Thiếu úy TVH, biệt danh “Thượng Toạ Thích Tâm Cự”, có chuyện bực trong mình không chịu phát sớm. Lúc đó gương mặt giả bộ mếu máo, năn nỉ, xin bà cho ăn thiếu. Bà lúc nào cũng vui vẻ chấp thuận cho một tín đồ trung thành bún bò, mà không thắc mắc gi cả! Thường thường, mỗi tô chỉ được trang điểm một cái móng. Riêng tôi, thì được bà luôn luôn cho ba, hoặc bốn móng, mà chỉ tính giá bình thường. Có lẽ bà thương hại cho một tín đồ bún bò đã bỏ công khổ nhọc lặn lội trèo xe Lam từ Sơn Trà, vượt bến đò Sông Hàn, và cuốc bộ mấy chục phút mới đến được quán của bà! Tôi tu ở núi Sơn Trà gần 3 năm. Tính tới, tính lui trên hai bàn tay thì tôi đã thưởng thức món bún bò giò móng không biết bao nhiêu lần! Khi có lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn, tôi cứ lưỡng lự, vì nghĩ rằng sẽ không còn được tiếp tục thưởng thức Bún Bò Bà Đào nữa! Cũng như mỗi lần ngồi ăn bún bò, được ngắm các con gái bà mà biết bao chàng trai tứ xứ bị ngây ngất, trong số đó có các bạn khoá 7/68 KQ và tôi. Cuối cùng, tôi cũng phải giã từ Đà Nẵng thân yêu mà trong lòng bịn rịn, với một nỗi buồn khôn nguôi. Không biết là tại thèm bún bò, hay nhớ các cô con gái xinh đẹp của bà? Năm 1979, khi được về phép từ Nông Trường Đức Huệ, Long An, nằm giáp biên giới Cambodia. Tình cờ, tôi gặp bà Đào và em Đ. đang đứng ở bến xe đò Chợ Lớn Mới. Tôi chạy đến chào. Bà nhận ra tôi ngay, dù da dẻ tôi lúc này đen đúa, ẩm mốc mùi phèn. Tóc tai thì dài bờm xờm, lưng đeo balo dính đầy bùn đất, hai tay khệ nệ hai cái “len” là dụng cụ dùng để đào đất đắp nền nhà và đào kinh. Nhìn tôi giống như tài tử đóng vai chánh trong phim “Zimbo” về thành. Bà cho biết bây giờ đã giải nghệ bún bò và chuyển sang đi buôn chuyến Đà Nẵng và Sài Gòn. Bà cũng vừa mới tạm nghỉ đi buôn vì bị thương, sau tai nạn lật xe đò ở Cam Ranh. Tôi cho bà địa chỉ nhà tôi. Thỉnh thoảng bà và em Đ. vào Sài Gòn giao hàng đều ghé nhà thăm tôi. Lúc này tôi đã là “Thầy Giáo, Tháo Giầy” bất đắc dĩ. Dạy học để che mắt thế gian! Mỗi lần ghé thăm, bà thường cho tôi mấy chục tré. Đây là một đặc sản của Đà Nẵng, giống như nem Thủ Đức, nhưng có bỏ thêm riềng thái chỉ, trộn nhiều tỏi, được gói vuông vắn trông rất đẹp mắt. Trước năm 1975, Tré Bà Đệ sản xuất ở số 53 Nguyễn Hoàng, gần Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng nổi tiếng là ngon nhất, với hương vị đặc trưng không nơi nào bắt chước được. Bà kể cho tôi nghe khoảng giữa tháng 3 năm 1975, trong lúc tình hình chiến sự Vùng I đã bắt đầu giai đoạn căng thẳng, nhờ quen biết với một Trưởng Phi Cơ của một phi đoàn thường biệt phái công tác ở vùng I và II. Một nửa gia đình bà đã theo phi cơ AC-119K vào Sài Gòn trước. Bà liền thuê một căn nhà ở vùng Lăng Cha Cả để tạm trú. Nhưng sau đó bà quyết định không di tản ra nước ngoài và quay trở về sum họp cùng toàn thể gia đình. Bà cùng các con tiếp tục khôi phục lại quán bún bò. Được một thời gian ngắn, phải tự động dẹp quán, vì tình hình kinh tế khó khăn, bà con phải lo chạy gạo, kiếm cơm hàng ngày chưa đủ, thì làm sao dám ăn với uống ở ngoài được; chưa kể thuế má cao và nhiều phức tạp khác. Nên bà và các con chuyển sang đi buôn chuyến Đà Nẵng – Sài gòn và ngược lại. Gần Tết năm Nhâm Tuất 1982, bà và em Đ. vào Sài Gòn để giao hàng và mua sắm. Không hiểu sao lần này bà ghé nhà tôi lâu hơn. Tình cờ bà hỏi tôi: ”Cháu định bao giờ mới lập gia đình. Khi nào cháu lấy vợ nhớ báo cho bác biết, để bác mừng nghen.” Im lặng một hồi lâu. Tôi trả lời bà: “Thưa bác, cháu không hộ khẩu, không nghề nghiệp, còn tương lai đang ở cuối nẻo đường hầm thì làm sao nuôi nổi vợ con, mà bày đặt đám cưới, với đám xin. Ai mà gả con cho cháu là họ muốn làm khổ đời con gái họ. Chắc cháu ở vậy suốt đời thôi!“ Đến đây bà không nói gì thêm, kéo tay em Đ. đứng dậy và chào tôi ra về. Đó cũng là lần cuối tôi gặp bà. Tôi muốn viết thêm nhiều tình tiết éo le nữa, nhưng xin tạm dừng ở đây. Theo lời mấy bà con Đà Nẵng ở San José cho biết, bà đã mất cách đây vài năm. Họ cũng cho biết thêm, một trong các con gái của bà hiện đang tiếp tục nối nghiệp bún bò. Tôi tin rằng dù chất lượng đến đâu, cũng không bao giờ còn đầy đủ hương vị đậm đà như thuở nào. Mỗi lần ở San José có họp mặt đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng, tôi đều đến tham dự, tự coi mình là đứa con thân yêu của Đà Nẵng. Tôi xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai của tôi. Một nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Đặc biệt món giò móng của Bún Bò Bà Đào, cũng như tuổi trưởng thành của tôi cũng bắt đầu từ nơi đây. Hy vọng một ngày rất gần, tôi sẽ về thăm Đà Nẵng và sẽ tìm mọi cách để tìm gặp các con của bà, chắc là bây giờ có người đã lên chức bà nội, hay bà ngoại rồi. Tôi muốn được đốt một nén nhang để nhớ đến bà, một bà Mẹ Đà Nẵng thân yêu, mà món giò móng độc đáo do bà nấu. Tôi không bao giờ tìm lại được ở bất cứ nơi chân trời góc bể nào, cho dù tôi có tiền muôn, bạc biển... Cứ hai năm tôi về Sài Gòn một lần để thăm thân mẫu tôi đã ngoài 90 tuổi đang sống ở đây. Bà nằm một chỗ đã lâu, sau khi bị té gãy xương hông. Bà may mắn được các con cháu gần bên thay phiên chăm sóc, lo lắng, nên tuổi già cũng phần nào đỡ tủi thân. Mỗi lần tôi về thăm, bà dường như khoẻ hẳn ra. Về Sài Gòn lần này, ngoài việc thăm thân mẫu, tôi nhất quyết đi Đà Nẵng như đã dự tính. Thứ nhất là thăm lại môt nơi đã mang đến cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên trong đời quân ngũ. Thứ hai là được đốt một nén nhang trước bàn thờ bà Đào như lòng đã tự hứa. Tuy nhiên, về đến nơi bề bộn đủ thứ việc, do đó tôi không thể rời Sài Gòn được và trong lòng tôi rất áy náy, bức rức vì không thực hiện đúng như lời đã hứa. Còn một tuần trước khi tôi về lại San José, hôm đó là cuối tháng 7, năm 2008, bầu trời Sài Gòn mây mù và u ám, thỉnh thoảng có môt chút mưa bụi rơi nhẹ. Tôi đạp xe đạp rời nhà từ Tân Định đến Công Viên Tao Đàn để xem các em Hướng Đạo Việt Nam sinh họat ở đây. Hướng Đạo là một phong trào giáo dục rất hiệu quả, đào tạo thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt và hữu dụng cho đất nước, các hướng đạo sinh biết rèn luyện cho chính bản thân, cũng như giúp ích cho xã hội mà trước năm 1975 từ Sài Gòn đến hầu hết các tỉnh, thành phố rất là phổ biến. Một câu nói mà anh chị em Hướng Đạo không bao giờ quên trong đời “Hướng Đạo một ngày, là Hướng Đạo mãi mãi...” Để nhận ra nhau anh chị em hướng đạo chào nhau bằng cách giơ cao bàn tay phải lên, ba ngón giữa thẳng, nhắc nhở Hướng Đạo Sinh về ba điều của lời hứa: “Làm bổn phận đối với Tín Ngưỡng Tâm Linh và Quốc Gia tôi - Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào - Tuân theo Luật Hướng Đạo”. Ngón tay cái đè lên ngón tay út, ngụ ý rằng người mạnh phải có bổn phận bênh vực, che chở ngưới yếu, kẻ thế cô, người lâm hoạn nạn hoặc đang gặp khó khăn. Ngoài ra, anh chi em Hướng Đạo khi gặp nhau ở bất cứ nơi đâu còn bắt tay trái, vì tay trái là phía của trái tim, để biễu lộ tình cảm thắm thiết, thân thiện giửa tình hướng đạo với nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hữu sự. Sau ngày 30 tháng 4, năm 1975, phong trào hướng đạo hoàn toàn bị triệt để cấm. Hiện nay, chính quyền không cấm và cũng không cho phép chính thức hoạt động. Các đoàn Hướng Đạo thường tập họp ở các công viên trong thành phố để sinh hoạt vào mỗi Chúa Nhật. Nhìn các em hồn nhiên vui đùa, ca hát, tập thắt gút dây, thực tập truyền tin Morse, Sémaphore, cùng các trò chơi lành mạnh khác, tôi như tìm lại được hình ảnh của mình thời thơ ấu, mà tôi tưởng như đã đánh mất từ lâu. Tình cờ, tôi gặp một người đứng kế bên. Qua trao đổi vài câu chuyện xã giao, nghe anh phát âm giọng Đà Nẵng, tôi đến bắt tay chào làm quen. Anh cho biết, hiện đang làm việc ở Đà Nẵng, mấy hôm nay vào Sài Gòn thăm bà chị ruột từ Pháp về, vì bà chị không có nhiều thì giờ ra ngoài nớ. Hôm nay bà chị hẹn gặp ở công viên Tao Đàn, nên đến đây đợi, thấy các em mặc đồng phục, sinh hoạt ngồ ngộ, nên hiếu kỳ đến xem cho biết. Sau đó anh hỏi tôi có biết gì về Đà Nẵng không? Tôi trả lời anh, ngày xưa tôi đã từng phục vụ gần ba năm ở Trung Tâm 2 Kiểm Báo tức Đài Radar Sơn Trà – Đà Nẵng – KBC 6526. Còn được gọi là Panama, Monkey Mountain hay Núi Khỉ, vì nơi đây có rất nhiều khỉ, chúng thường di chuyển từng đàn mấy chục con, đặc biệt là trên mình chúng có những đốm màu xám, nâu, vàng... mà dân địa phương gọi là con Vá Hoàng. Đơn vị tôi đóng trên núi Sơn Trà. Quanh năm, suốt tháng mây mù bao phủ. Có nhiều con suối nhỏ chảy dài từ trên cao xuống, với những cái tên rất thơ mộng: Suối Tình, Suối Mơ, Suối Mộng, Suối Hẹn Hò, Suối Đa Tuyền, Suối Tiếc Thương... Nghe đồn có đôi tình nhân trẻ vì gia đình cấm cản, họ đã đến đây cùng chết, để giữ trọn lời thề chung thủy! Những tháng vào mùa hè, đường đi lên núi, phía bên phải là sườn núi với bông trang nở đỏ rực, còn bên trái là vực sâu, hoa sim tím mọc ngút ngàn, và trên cao ánh nắng mặt trời xuyên qua những lớp sương mù bay lơ lửng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp hữu tình, mà các hoạ sĩ, dù tài ba đến mấy cũng không thể nào vẽ được. Sơn Trà cách Đà Nẵng khoảng hơn 10 cây số đường chim bay. Tuy nhiên, tuần nào tôi cũng đều ghé Bún Bò Bà Đào, để thưởng thức cho bằng được món bún bò đặc biệt này. Chỉ có một lần duy nhất, suốt một tuần lễ tôi phải nằm ở Sơn Trà tử thủ vì trận bão Hester thổi qua Đà Nẵng, trước sinh nhật tôi một ngày. Tôi nhớ hôm đó là ngày Thứ Hai 25 tháng 10, năm 1971. Đây là trận bão lớn nhất chưa từng xảy ra trong vòng 27 năm. Trận bão đã gây thiệt hại vô cùng khốc liệt cho thành phố thân yêu của tôi. Nhiều nhà cửa đổ nát hoang tàn, bay cả nóc, cây cối tróc gốc gãy nghẽn cả đường xá, xe cộ không thể di chuyễn được, mọi sinh hoạt hàng ngày bị tê liệt hoàn toàn, nên tôi đành phải nằm tại phòng ở Sơn Trà ăn mì kim chi Đại Hàn để tưởng nhớ đến Bún Bò Bà Đào và cầu xin ơn trên che chở cho quán của bà, cũng như bà con Đà Nẵng tránh được thiên tai này. Anh cười và nói với tôi “Vậy anh là đệ tử trung thành của bà Đào rồi!” Tôi mới nói với anh, dù bây giờ xa Đà Nẵng đã nhiều năm, bước chân tôi đã đi qua nhiều nơi, thưởng thức biết bao món ngon vật lạ trên cõi đời này, nhưng tôi vẫn không thể quên được hương vị đặc biệt của Bún Bò Bà Đào ngày nào. Tôi hỏi anh có biết bà Đào không? Anh cho tôi biết bà Đào đã mất từ lâu! Nghe đâu khoảng tháng 2, năm 2001. Hiện nay cô con gái út của bà đang là chủ một quán bún bò nằm trên đường NCT, thành phố Đà Nẵng. Quán vẫn lấy tên là Bún Bò Bà Đào. Tôi hỏi thêm “Anh có cách nào giúp để tôi có thể liên lạc được với các con của bà không?” vì tôi không còn nhiều thời gian lưu lại Sài Gòn, và có lẽ khó còn dịp nào khác nữa! Anh bảo tôi chờ một chút. Sau đó lấy điện thoại cầm tay gọi ra Đà Nẵng. Vài phút sau, đứa em gái của anh gọi vào cho biết, vừa mới gọi tới quán bún bò và họ cho số điện thoại của một trong các con của bà đang sinh sống ở Sài Gòn. Thú thật, tôi mừng vô hạn, tưởng chừng như tìm lại được một báu vật đã thất lạc từ lâu! Tôi vội vàng cám ơn anh và gọi ngay số điện thoại mà em gái anh vừa cho. Đầu dây bên kia là một giọng nữ. Cô hỏi “Làm sao tôi có số điện thoại này?” Tôi trả lời “Tôi muốn nói chuyện với con bà Đào, vì tôi là chỗ thân tình với gia đình bà từ lâu.” Cô cho biết tên Đ. Tôi nhận ngay ra một giọng nói rất quen thuộc ngày nào, dù đã nhiều năm xa cách. Tôi giới thiệu tên tôi, nói lên ước nguyện của tôi là muốn được đến đốt nhang trước bàn thờ bà Đào một lần vì nghe bà mất cách đây nhiều năm. Nay có dịp về Sài Gòn, nên phải thực hiện cho được lời đã hứa. Đ. cho tôi địa chỉ ở Cây Quéo - Bình Thạnh. Tôi vội tìm đến nơi ngay chiều hôm đó. Tôi gõ cửa mà trong lòng hồi hộp vô cùng. Một lúc sau, có tiếng lách cách tra vào ổ khóa. Em Đ. ra mở cửa sắt. Em ngước nhìn lên, ngạc nhiên vì không ngờ tôi xuất hiện bất ngờ nơi đây. Cả hai ôm chằm lấy nhau vì quá mừng rỡ. Tôi đã gặp lại em Đ. bằng xương bằng thịt, nét duyên dáng vẫn như thuở nào, dù hương thời gian đã làm em thay đổi rất nhiều. Bao nhiêu năm rồi, chứ đâu phải mới hôm qua? Sau đó em mời tôi đi lên lầu, nơi đây đặt bàn thờ bà, để tôi được đốt một nén nhang cho thoả lòng mong ước từ lâu. Cầm nén nhang trên tay. Tôi chúc Bà được an nghỉ nơi cõi bình yên và khấn nguyện “Xin bà có linh thiêng, hãy phù hộ cho các bạn tôi và tôi, những người đã từng thưởng thức món bún bò độc đáo do bà nấu, luôn luôn an bình trong cuộc sống khó khăn hàng ngày, biết thương yêu và giúp đỡ nhau khi cần thiết.” Tôi kể cho em Đ. nghe, trước khi về thăm Sàigòn, tôi có viết một bài về "Bún Bò Bà Đào" để tặng các bạn tôi, những người trai trẻ trưởng thành trong chiến tranh, từng phục vụ ở vùng địa đầu giới tuyến, với những lần vào sanh ra tử, và đã từng biết hương vị Bún Bò Bà Đào. Ngoài ra, bà Đào còn có những cô con gái thanh tú, đoan trang, trong số đó có em Đ. đang ngồi nói chuyện trước mặt tôi. Em đã làm biết bao đấng anh hùng, hào kiệt khắp nơi một thời ngắm nghía, trong số đó dĩ nhiên là có tôi! Mỗi lần anh chàng nào đến quán, ít ai ăn một tô, thường thường là kêu hai tô. Riêng tôi, ngoài hai tô như thường lệ, tôi còn gọi thêm một tô đặc biệt mang về Sơn Trà, để dành cho sáng mai điểm tâm. Em hỏi vì sao tôi biết Mạ mất. Tôi trả lời là do các bà con Quảng Nam Đà Nẵng nói lại, khi tôi đến tham dự họp mặt đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng được tổ chức ở San José. Tôi vẫn mong ước được đốt một nén nhang trước bàn thờ bà để tưởng nhớ đến bà, vì tôi xem bà như bà Mẹ thứ hai trong đời. Em nghe tôi nói, mà hai hàng nước mắt rưng rưng. Tôi vội đưa khăn tay cho em lau. Em nói trong thổn thức "Bây chừ, ước chi Mạ em còn sống để nhìn thấy anh và được nghe những lời anh nói, thì hạnh phúc biết chừng nào!" Sau đó em đã kể cho tôi nghe về những khó khăn, gian truân mà gia đình em đã gặp sau cơn đại hồng thủy. Em nói, thỉnh thoảng bà vẫn nhắc đến tên tôi, không biết bây giờ tôi trôi dạt nơi mô? đã có vợ con gì chưa? hay là trọn kiếp không nhà, mùa đông thiếu chăn êm? Tôi rất mừng, khi được em cho biết bây giờ cả gia đình đều có cuộc sống tương đối ổn định. Tất cả anh chị em đều có công ăn việc làm tốt đẹp, cơ ngơi đàng hoàng. Riêng, người con gái út tên H… đang nối nghiệp bún bò của bà. Quán vẫn được bà con thương tình đến ủng hộ như ngày xưa. Chia tay em về. Trong lòng tôi cảm thấy lâng lâng, thoáng một nỗi buồn man mác. Tôi vừa đi, vừa khẽ hát nho nhỏ trong cơn mưa lất phất của buổi chiều Sài Gòn.
Thuở ấy có em anh yêu cuộc đời, Tôi nguyện trong lòng. Lần tới về Sàigòn, dù bân rộn đến đâu tôi cũng phải đi Đà Nẵng. Tìm đến quán bún bò của con gái bà, để quay về với kỷ niệm ngày nào. Kỷ niệm của một thời hồn nhiên và tuyệt vời nhất, mà bây giờ chỉ còn trong tiềm thức.
Trần Đình PhướcSan José, California 2014 |
Saturday, July 19, 2014
Bún Bò Bà Đào
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Bài rất cảm động. Mong được đọc tập hồi ký của anh Phước.
ReplyDelete