Monday, July 7, 2014

Mẹ Hiền Của Chúng Tôi

Đào Hiếu Thảo


Washington DC, September 26, 2012

Nhân Mùa Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân, đền đáp công ơn sinh thành của bậc làm cha mẹ, tôi xin bày tỏ nỗi vui mừng vô biên vì tôi còn diễm phúc được cài lên áo một đoá hồng đỏ tươi thắm, nhờ còn có mẹ hiền để phụng dưỡng, chăm sóc, an ủi trong tuổi hạc của đời người.

Trong bài thơ và tập truyện “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có giòng thơ nói lên tình mẫu tử bao la, không bến bờ của hiền mẫu:

Mẹ già như chuối Ba Hương,
Như xôi Nếp Một như đường Mía Lao

Hay như những câu thơ của Hoàng Long nói về lòng Mẹ:

Mẹ đã cho con nhiều hạnh phúc
Dạy cho chúng con biết điều hay
Mẹ cũng chăm con từng giấc ngủ
Mỗi lần con về bên Mẹ, Mẹ ơi!

Là chị cả trong một gia đình có một em trai và ba em gái, mẹ tôi phải vào đời rất sớm phụ giúp bà ngoại tôi lo lắng cho các em, vì ông tôi chạy vất vả kiếm sống quanh năm xa nhà, có khi sang tận bên Pháp làm ăn cả chục năm ròng rã. Mẹ tôi vừa làm vừa học, nhờ cố gắng và chuyên cần, năm 19 tuổi, mẹ tôi đã thi đậu bằng Diplome (Thành Chung) năm 1942 và được nhận vào làm giáo viên tiểu học, sau đó trúng tuyển kỳ thi làm công chức ngành tài chánh cho chính phủ bảo hộ Pháp tại Saigon.

Ba tôi tốt nghiệp nghề thư ký kế toán nên cũng được phục vụ Bộ Tài Chánh cùng thời ấy, hai người quen nhau và lập gia đình năm 1946. Ba tôi cũng là con trai trưởng có 7 em, nhà nghèo, đông con, ông bà Nội đều làm lụng cật lực để nuôi sống gia đình, ông làm thợ may, bà bán gà vịt trong Chợ Bến Thành.

Sau khi lập gia đình cha mẹ tôi phải cùng lo cho các em ăn học, các cô chú, cậu dì cộng lại trên 10 người còn ở lứa tuổi vị thành niên. Với đồng lương công chức không đủ sống, cha mẹ tôi phải làm thêm những công việc phụ, buôn bán chút ít, kiếm thêm lợi tức.

Nhờ sự tiếp tay của bạn hữu, ba tôi mở trường dạy lái xe hơi (auto école) trên đường General Lizé (Phan Thanh Giản) quận 3 Saigon. Mẹ tôi vừa làm thư ký vừa dạy luật đi đường và theo các huấn luyện viên làm thông ngôn khi có học viên người Pháp.

Vào thời điểm quân đội Quốc Gia Việt Nam mới được thành lập hồi đầu thập niên 50, trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, Nam Định được hình thành để tào tạo sĩ quan người Việt, trước đó các đơn vị quân đội viễn chinh và quân đội Việt Nam đều do các sĩ quan Pháp chỉ huy.

Đang làm việc cho chính phủ Nam Kỳ, năm 1952 ba tôi phải lên đường nhập ngũ vào khoá 2 Thủ Đức, ông được chọn sang phục vụ ngành quân y và đi du học tại trường Quân Y Pháp ở thành phố Lyon. Về nước ông được bổ nhiệm là quản lý quân y viện Chi Lăng (sau, cơ sở này được sử dụng làm trường nữ trung học Trưng Vương) Chi Lăng chuyển lên Gò Vấp, phát triển thành quân y viện Cộng Hoà.

Năm 1957, ba tôi bị bệnh nan y, được cho qua Pháp điều trị nhưng biết mình không qua khỏi nên ông xin quay về nước và từ trần ngày 5 tháng 6 năm 1957, hưởng dương 35 tuổi để lại vợ và bốn con, lớn nhất là tôi, 10 tuổi, ba em, 2 trai và 1 gái tuổi từ 3 tới 6. Nhờ được quy trách là cha tôi qua đời vì công vụ nên toà án hành chánh công nhận anh em chúng tôi là Quốc Gia Nghĩa Tử, được chánh phủ dành cho một số đặc ân và quyền lợi đối với cô nhi, quả phụ tử sĩ.

Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi xin trở lại làm công chức tại Tổng Nha Ngân Sách và Ngoại Viện, để có thể hưởng đồng lương khá hơn, mẹ tôi đã tự học để tham gia các kỳ thi tuyển công chức hạng ngạch cao hơn. Kế đó mẹ tôi được chuyển sang Phủ Tổng Uỷ Dinh Điền, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Kinh Tế & Tài Chánh. Nhiệm sở cuối cùng của bà là Chủ Sự Phòng Nghiên Cứu, Tu Thư, Trung Tâm Huấn Luyện Hợp Tác Xã thuộc Bộ Cải Cách Nông Thôn, trụ sở tại Gia Định.

Ngoài những kỳ thi thăng bậc, mẹ tôi cũng học thêm tiếng Anh tại Trung Tâm Ngoại Ngữ và trường đại học Văn Khoa Saigon.

Năm 1963, 16 tuổi đời, tôi đã trưởng thành hơn các bạn cùng lứa, đã biết thế nào là thiếu cha và nghèo khó. Muốn vươn lên trong cuộc đời, tôi đã sớm biết sự thiết yếu của mảnh bằng nên ngoài việc chăm lo học hành, tôi bắt đầu kiếm việc dạy kèm trẻ em tại tư gia để ít, nhiều phụ giúp với mẹ lo cho các em.

Bắt đầu năm 1966, tôi được tuyển vào làm xướng ngôn viên tin tức, thời sự đài phát thanh Saigon, sau đó được biệt phái qua truyền hình quốc gia. Em trai kế tôi cũng đi dạy kèm trẻ lúc mới lên 17 , năm 1969, em được học bổng quốc gia du học tại Bruxelles, vương quốc Bỉ. Em gái tôi tốt nghiệp Quốc Gia Thương Mại, được bổ nhiệm làm việc tại Đoàn Chuyên Viên Thuế Vụ, Bộ Tài Chánh. Em trai út của tôi được học bổng quốc gia cho qua Đài Loan học ngành sản xuất đường mía.

Thấy mẹ luôn chịu khó, chịu cực, sống kham khổ, tiện tặn, tiết kiệm từng đồng, không muốn đi thêm bước nữa, quyết thờ chồng, nuôi dạy con cái thành người nên mấy anh em chúng tôi cũng thấu hiểu gương hy sinh đó mà cố gắng vươn lên khỏi chốn “bùn lầy, nước đọng” là nơi tập trung phần lớn giới lao động tức là những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Khi mẹ buồn mẹ khóc vì tánh cứng đầu, ương ngạnh của tôi, nhìn nước mắt mẹ lăn trên gò má hóp của bà, tôi tự hứa sẽ không làm bà phiền muộn, khổ tâm vì bà luôn căn dặn tôi “giọt nước trước rớt xuống đâu, mấy giọt sau cũng y như vậy” tức là tôi phải làm gương tốt cho ba đứa em. Lắm lúc mẹ tôi với tính nghiêm khắc, cứng rắn đã phải dùng đến đòn roi để răn dạy, uốn nắn tôi nhưng vừa buông roi thì bà oà khóc, âu lo, vì tình thương con, sợ con hư hỏng, lầm lạc, dễ sa ngã, sai phạm.

Mỗi ngày đến sở mẹ tôi chỉ đi xe bus, xe lam (Lambretta), ra vùng ngoại ô như Khánh Hội, Gia Định, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây... thì ngồi xe ngựa (chuyện có thật của 55 năm về trước), khi cần đi đâu gần nhà bà ráng đi bộ. Thấy mẹ mặc hoài mấy cái áo dài cũ, bạc màu, khi cầm trong tay 1500 đồng, tháng lương đầu tiên của nghề kèm trẻ, tôi đưa mẹ ra cửa hiệu may một áo dài, công và vải hết có 80 đồng, số lương tháng này vào năm 1963 đối với gia đình tôi là một khoản ngân sách khá dồi dào. Anh em chúng tôi được mẹ mua sắm quần áo, giày dép mới vào dịp Tết, đưa đi xem các thắng cảnh quanh Saigon, được xem hát, ăn nhà hàng để không cảm thấy thua sút bạn bè đồng trang lứa, còn mẹ thì không lo nghĩ gì cho riêng bà, cố ăn chay, niệm Phật, đến chùa để tìm sự bằng an, thanh thản tâm hồn nơi cửa thiền.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong khi tôi đi tù cộng sản, mẹ tôi đi dạy trẻ tiếng Pháp, tiếng Anh, tại tư gia các em, di chuyển bằng xe đạp, mong kiếm chút tiền mua quà gởi bưu điện vào trại giam tiếp tế cho tôi.

Năm 1979 mẹ tôi được em trai kế bảo lãnh qua Bỉ định cư, qua chương trình sum họp gia đình do UNHCR tài trợ. Vừa đến Bruxelles, mẹ tôi nhận giữ trẻ cho các gia đình Việt Nam, được cho chỗ ăn ở, một thời gian sau, mẹ tôi được một gia đình quý tộc nhận làm quản gia cho một phụ nữ Bỉ đơn chiếc, ở một lâu đài tại Liege, cách Bruxelles gần 100 km. Làm ra tiền, mẹ tôi gởi về cho các con cháu sinh sống ở Saigon và đứa con trai đầu lòng còn ngồi tù trên đất Bắc.

Mẹ tôi cũng gởi liên tục những lá thư đến Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Tổng Thống Pháp Francois Mitterand, Quốc vương Baudouin và Hoàng hậu Fabiola của Bỉ, thỉnh cầu can thiệp cho trường hợp của tôi bị giam cầm, biệt xứ và đầy đi lao động khổ sai, từ tháng 6 năm 1975.

Đến Bruxelles năm 1982, sau 6 năm ngồi tù cộng sản, tôi trông chờ từng ngày để được gặp mẹ nhưng lúc đó bà đang làm việc ở xa mà tôi thì không có phương tiện đến với bà. Nhớ khi còn trong tù, anh em bạn tù biết xem tướng số và tử vi, một lần xem cho tôi có nói là dù ra được một xứ sở tự do, tôi chưa có thể gặp lại mẹ ngay mà phải chờ thêm ít nhất là một tháng sau, lời suy đoán này quả không sai chút nào.

Giây phút gặp lại mẹ sau nhiều năm xa cách, như được trở về từ cõi chết, thoát ngục tù cộng sản, ra được thế giới bên ngoài, tôi tưởng chừng mình đang nằm mơ, nghẹn ngào, rơi lệ cho dù tôi rất lì lợm, không bao giờ khóc trong những hoàn cảnh dù khắc nghiệt, nan giải nhất. Mẹ tôi dành dụm cho vợ con tôi chút tiền, mua quà bánh, riêng tôi thì bà cho một bao quần áo, giày cũ để đi làm thợ nấu bếp nhà hàng Tàu.

Khi bày con, dâu, rể, cháu nội, ngoại đến đông đủ trên quê hương mới đoàn tụ thì mẹ tôi đã gần 70 tuổi và bắt đầu xin vào chùa Linh Sơn rồi chùa Hoa Nghiêm, ở Bruxelles tu hành, nương nhờ Cửa Phật. Nhờ vốn liếng tiếng Pháp từ làm cô giáo và công chức thời Pháp thuộc, mẹ tôi giúp thông dịch giáo lý cho người bản xứ đến lễ chùa để họ tiện theo dõi.

Bà cũng xuất hiện trên truyền hình Bỉ để giới thiệu về Đạo Phật và sự nhiệm màu, cứu rỗi trong đời sống của chúng sinh muôn loài.

Dù đến bao nhiêu tuổi đời, anh em chúng tôi đã trên dưới sáu mươi, mẹ tôi vẫn luôn xem chúng tôi như thời còn thơ ấu, ngày đêm lo âu, phập phòng, sợ sệt đủ điều, căn dặn, khuyên nhủ từng ly, từng tí, phải làm cái này, tránh điều kia, đừng vấp chuyện nọ. Như một thói quen, mỗi khi hốt hoảng, âu lo hay lúc mừng vui, tôi thường kêu lên “Má Ơi”.

Được nghe tiếng nói ấm áp, ân cần, gần gũi của mẹ, tôi thấy yên tâm, vững chãi hơn, nhất là những lúc thất bại, chán chường cho tình đời “ba chìm, bảy nổi”, ngược xuôi, phiền muộn, ngang trái, bấp bênh.

Năm nay mẹ tôi được 90, dáng người mảnh khảnh, nhưng tinh thần sáng suốt, đầy nghị lực, hàng ngày vẫn đọc sách, tụng niệm, may vá, theo dõi thời cuộc. Tôi cầu xin cho má luôn được mạnh khoẻ, bình an để con cháu được báo hiếu, phụng dưỡng, đền đáp công ơn, sự hy sinh, nhẫn nại của bà, trọn đời lo lắng cho các con các cháu. Mong má sống lâu 100 tuổi, Má ơi.

Bruxelles, Thứ Hai, Ngày 7 tháng 7 năm 2014

Nay Má đã vĩnh viễn xa cách các con cháu rồi, cầu cho Má ngàn thu an giấc nơi cõi Vĩnh Hằng, tiêu diêu Miền Cực Lạc và phò hộ cho con cháu luôn được bình an, may mắn, mạnh giỏi. Vĩnh Biệt Má, Má ơi.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

1 comment:

  1. Bạn Thảo thân,
    Tôi thật vô cùng xúc động khi đọc bài viết về Mẹ của bạn. Năm ngoái, tôi đã rơi lệ vì nhớ Mẹ khi đọc bài Vần Thơ Dâng Mẹ của Quốc Gia Nghĩa Tử Võ thị Minh Phượng. Nay, bài viết này của Quốc Gia Nghĩa Tử Đào hiếu Thảo càng làm tôi nhớ Mẹ tôi hơn.
    Phạm văn Phú

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!