Wednesday, April 1, 2015

Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu của Tôi

Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu của Tôi

về Thiếu Tá KQ/VNCH Huỳnh Thuận Nhã

(LĐPT - SĐ6KQ/Pleiku)


Kính dâng lên anh hồn Cố Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã và các đồng đội. Kính gửi đến quý Trưởng, quý anh chị em Hướng Đạo và những ai luôn luôn dành thiện cảm đặc biệt cho phong trào Hướng Đạo Việt Nam.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi chỉ nghe tin đồn Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã đã mất tích cùng một số quân nhân thuộc Liên Đoàn Phòng Thủ SĐ6/KQ trên đường triệt thoái rời khỏi Pleiku.

Khi được tin, tôi cầu mong đó không phải là sự thật và tôi tin rằng không có bất cứ trường hợp bi đát nào xảy ra cho Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã. Đối với tôi, Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã là một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam đã dạy dỗ và hướng dẫn tôi trong bước đi chập chững của những ngày đầu tiên đến với Hướng Đạo, mà cho đến bây giờ tôi không thể nào quên!

Xin được ghi lại nơi đây vài dòng kỷ niệm thời thơ ấu của tôi về Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã.

Tôi gặp Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã vào khoảng năm 1957-1958, khi tôi là sói con ở Ấu Đoàn Trần Quốc Toản, Đạo Bến Nghé - Châu Gia Định. Lúc đó Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã là Sói Già trong ấu đoàn của chúng tôi.

Ấu Đoàn có nhiều sói già được phân công hướng dẫn và huấn luyện các sói con về các kỹ năng, kỹ thuật săn mồi, học hỏi, áp dụng luật và châm ngôn rừng. Sói Già Huỳnh Thuận Nhã giữ vai trò là Bagheera (Ba-gi-ra - Báo đen) của Ấu Đoàn. Lúc nào Bagheera Nhã cũng nở một nụ cười đôn hậu và không bao giờ rầy la, hay lớn tiếng với các sói con.

Sói Già Nhã thường dạy các sói con những bài ca ngắn như: Cái Nhà là Nhà Của Ta, Cùng Quây Quần Ta Vui Vui Vui, Tang Tang Tang Tình Tang Tính, Trông Kìa Con Voi Nó Đứng Rung Rinh, Một Ngón Tay Nhúc Nhích Nhúc Nhích Này và những vũ điệu như Múa Cá Sấu, Múa Trăn…

Lâu lâu Sói Già Nhã cũng kể truyện cho các sói con nghe. Giọng kể mang âm hưỏng miền Nam nhẹ nhàng, lôi cuốn và rất hấp dẫn. Tôi vẫn không quên “Câu Chuyện Rừng Xanh“ của Văn Hào Rudyard Kipling mà Sói Già Nhã thường kể cho các sói con chúng tôi nghe. Câu Chuyện Rừng Xanh rất quen thuộc đối với các hướng đạo sinh ở lứa tuổi ngành Ấu (tức từ bảy tuổi đến mười một tuổi.)

Tôi cũng hồi tưởng những lần Ấu đoàn Trấn Quốc Toản đi cắm trại bằng phương tiện xe lửa đến Tân An, Mỹ Tho. Chúng tôi thích nhìn hai hàng cây bên đường mỗi khi xe lửa chạy vụt nhanh qua. Thỉnh thoảng vừa hát, vừa vỗ tay, để con đường thiên lý được thu ngắn lại. Khi xe lửa dừng lại khoảng nửa giờ ở các ga dọc đường để cho hành khách lên hay xuống xe . Lúc này những người bán quà rong nhanh nhẹn nhảy lên xe vừa rao, vừa mời mua quà. Nào khóm (thơm), mận, ổi, Se Sẻ rô ti, mía ghim, bánh ú, bánh tét, bánh mì thịt, nước đá nhãn nhục, cà rem cây… tạo nên không khí ồn ào, náo nhiệt giống như một cái chợ lưu động.

Đôi khi đi thăm các vườn trái cây ở Bình Nhâm - Lái Thiêu. Nơi đây trồng đủ loại cây ăn trái của miền nhiệt đới như: chôm chôm, dâu, măng cụt, mít, sầu riêng, bòn bon, mảng cầu, quần quân... Chúng tôi được chủ vườn tiếp đón rất nồng hậu và cho phép tha hồ hái ăn tại vườn.

Có lúc trình diễn văn nghệ vào dịp Trung Thu ở nhà thờ Thị Nghè, hay viếng thăm và tặng quà vào dịp Tết Nguyên Đán cho các ngưòi già, nghèo khó, bệnh tật không thân nhân nuôi dưỡng đang nằm ở Viện Dưỡng Lão Thị Nghè.

Ấu Đoàn Trần Quốc Toản sinh hoạt hàng tuần vào mỗi buổi sáng Chúa Nhật ở vườn cao su Lê Đức. Khu vườn nằm sâu trong một con hẻm lớn, ngay góc đường Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu - Quận Ba. Đó là một khoảng đất rất rộng, hình vòng tròn trồng toàn là những cây cao su. Chúng tôi thường hay lấy mủ chảy từ cây cao su, đem vo tròn lại làm thành trái banh nhỏ để đá, chơi trò cưỡi ngựa chuyền banh, hay ngồi vòng tròn “ Nào cùng chuyền, lớn bé anh em ta chuyền cho đều. Chuyền cho khéo, anh ơi ! Nếu sai ! Nếu sai thì mời anh ra. “

Sau này Ấu đoàn chuyển ra họp ở công trường Hoà Bình. Nơi các Linh Mục cư ngụ, phía đối diện với Vương Cung Thánh Đường. Thỉnh thoảng các sói già cũng tổ chức cho các sói con chơi trò chơi lớn như học các dấu đi đường, tìm mật thư ở nơi có nhiều cây cao bóng mát. Nơi đây là một công viên có diện tích rộng nằm trên đường Hàn Thuyên. Nhìn sang phía bên kia đường là Dinh Độc Lâp.

Một thời gian sau, Bagheera Nhã từ giã Ấu Đoàn Trần Quốc Toản để lên đường nhập ngũ. Kể từ đó các sói con không còn dịp gặp Sói Già Nhã nữa. Khi thiếu Bagheera Nhã, chúng tôi cảm thấy trống vắng một hình ảnh quen thuộc mỗi lần sinh hoạt vào cuối tuần.

Rồi cuộc sống đưa đẩy theo ngày tháng như giòng nước cuốn trôi. Tôi cũng tiếp bước chân Sói Già Nhã đi vào cuộc đời quân ngũ. Sau khi tốt nghiệp Air Weapons Controller ở Tyndall AFB - Florida về nước. Được nghỉ phép mười ngày. Hết hạn phép. Tôi trình diện Phòng Nhân Viên Bộ Tư Lệnh Không Quân và nhận sự vụ lệnh ra phục vụ tại Trung Tâm 2 Kiểm Báo Sơn Trà - Đà Nẵng. Còn gọi là Panama hay Monkey Mountain (vì núi này có nhiều khỉ. Đặc biệt trên mình chúng lông vá các màu trắng, xám, nâu… Bà con địa phương còn gọi là con Vá Hoàng. Hiện nay chúng được xếp vào danh sách thú quý hiếm của thế giới.)

Thỉnh thoảng có dịp sang SĐ1/KQ và Thành Phố Đà Nẵng để lãnh lương, khám bệnh, thăm bạn bè, mua sách báo, thuởng thức Bún Bò Bà Đào trên đường Trần Bình Trọng, mà các cô con gái của bà đều duyên dáng, dễ thương, làm mê mệt bao đấng anh hùng hào kiệt trong đó có tôi, hay đi xem xi nê ở các rạp: Trưng Vương, Kim Châu, Kinh Đô, Lido, Chợ Cồn… Các rạp này thường chiếu phim Ấn Độ, Hồng Kông, lâu lâu xen kẽ vài phim của các nước Âu Mỹ và vài nước Á Châu như Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan... Rạp nào cũng chiếu thường trực. Bất cứ lúc nào khán giả mua vé cũng vào cửa được, không phải chờ đợi lúc hết phim.

Một phim Hồng Kông do Shaw Brothers sản xuất, dưới tài dạo diễn xuất sắc củaTrương Triệt. Tựa phim “Thập Tam Thái Bảo” gồm các tài tử nổi tiếng: Địch Long, Khuơng Đại Vệ,Trần Quang Thái,Vương Vũ…có số thu kỷ lục, khán giả đi xem đông đảo nhất. Dân ghiền xi nê đều nhiệt liệt tán thưởng. Họ xem đi, xem lại nhiều lần vẫn không thấy nhàm chán! Cảm động và thương tâm nhất là cảnh cuối cùng. Người con trai thứ mười ba là Lý Tồn Hiếu do Khương Đại Vệ đóng rất tuyệt vời. Lý Tồn Hiếu bị hành hình bằng cách cho bốn con ngựa phanh thây. Hình ảnh phát thật chậm và vài phút sau đó phim kết thúc. Đèn trong rạp hát bật sáng lên để cho khán giả ra về thì thấy nhiều nữ khán giả đang dùng khăn tay lau nước mắt.

Một lần tình cờ, tôi gặp Sói Già Nhã trên đường Trưng Nữ Vương. Anh đang lái xe Jeep lùn màu xanh nước biển. Tôi gọi anh. Anh dừng xe lại và nhận ra ngay chú bé sói con ngày xưa. Anh mời tôi lên xe và chở tôi đi ăn cơm trưa ở nhà hàng Thời Đại nằm trên đường Độc Lập, đối diện Nhà Thờ Lớn hay còn gọi là Nhà Thờ ChánhToà - Đà Nẵng.

Hai anh em cùng nhắc lại những kỷ niệm lúc còn sinh hoạt ở bầy Trần Quốc Toản. Anh và tôi vừa ăn, vừa điểm danh lại các sói già và sói con ngày xưa. Bây giờ còn ai, mất ai và những ai đang trôi giạt về phương trời nào? Anh tâm sự với tôi. Anh luôn luôn vững tin Phong Trào Hướng Đạo là một môi trường giáo dục trong sáng và lành mạnh. Những anh chị em khi tham gia hướng đạo sẽ có cuộc sống tốt, biết trọng danh dự, luôn luôn sống xứng đáng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ không gian, thời gian nào nào! Anh luôn coi tôi như một đứa em, mặc dù đã bao nhiêu năm xa cách, nhưng tình huynh đệ hưóng đạo vẫn thắm thiết, đậm đà như thuở nào!

Đúng là:

Một Ngày Hướng Dạo, Một Đời Huớng Đạo Once A Scout, Always A Scout Scout D’un Jour, Scout Toujours.

Bây giờ đã hơn bốn mươi năm trôi qua, một khoảng thời gian quả là khá dài. Sự biệt vô âm tín của Thiếu Tá Huỳnh Thuận Nhã cùng một số quân nhân thuộc Lực Lượng Phòng Thủ SĐ6KQ/ Pleiku vẫn còn biền biệt trong chốn hư vô.

Thôi! dù bây giờ Sói Già Nhã và các đồng đội đang bềnh bồng phiêu lãng ở cõi trời vô tận nào. Cá nhân sói con này vẫn giữ mãi mãi hình ảnh một Bagheera Nhã dễ thương với nụ cười hiền hoà, thân thiện và dễ mến. Lúc nào Bagheera cũng lo lắng và săn sóc cho các sói con Ấu Đoàn Trần Quốc Toản một cách tận tình như một người anh đối với các đứa em ruột thịt, bé bỏng của mình.

Riêng tôi, trong cuộc sống có nhiều lúc gian nan, vất vả và hiểm nguy. Một đôi lúc tưởng chừng như sắp bỏ cuộc. Nhưng khi nhớ lại những gì các trưởng hướng đạo dạy dỗ, hướng dẫn, mà trong đó có sự đóng góp của Sói Già Huỳnh Thuận Nhã, tôi luôn luôn cố gắng vui tươi trưóc mọi khó khăn (Điều luật thứ tám của Hướng Đạo.) Cuối cùng thì những nghịch cảnh, dù nhiêu khê đến đâu, cũng dần dần vượt qua được hết.

Xin có vài hàng tưởng nhớ về Bagheera - Báo đen - Sói Già Huỳnh Thuận Nhã ngày xưa còn bé của tôi!

Xin được hát bài ca “Tạm Biệt.” Rồi cũng có lúc sẽ gặp lại anh.

Till we meet again - Till we meet again
Farewell - Farewell.
Nous nous reverons - Nous nous reverons
Au Revoir- Au Revoir
Lethit Ravat - Lethit Ravat
Shalom - Shalom.
Gian khó ta không nề - Luôn nhớ nhau trong đời.
Từ nay - Cách xa.

Trần Đình Phước

(San José - California - 04/2015)

1 comment:

  1. Chào anh Phước,

    Tôi là Trần Hồng Chương, là cháu của cậu Nhã, nếu được xin Anh liên lạc qua email ctran49492000@yahoo.com hay 408-833-9165.

    Cám ơn Anh

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!