Wednesday, June 24, 2015

San Thành Những Ngày Bão Lửa Năm 2007

Lê T. Vân-Anh


Tưởng rằng di tản qua Mỹ, ở xứ thần tiên này, hoà bình, không còn chiến tranh, sẽ không bao giờ phải di tản nữa. Thấy vậy mà không phải vậy, năm ấy, năm 2007, gia đình hai người bạn "se phòng" này và hàng ngàn gia đình khác ở vùng Nam Cali được hưởng mùi di tản. Họ phải lục đục, gom góp đồ đạc, ra khỏi nhà, đi tránh cơn bão lửa lớn nhất lịch sử Cali.

Anh bạn cùng phòng, cùng nhà, có ba anh em được chính phủ Hoa Kỳ nhân đạo cho đoàn tụ gia đình đông đảo, quây quần bên bà Mẹ già ở thành San, vùng Nam Cali. Ba gia đình ở gần nhau, nên cùng bị nạn bão lửa, đều phải khăn gói về tá túc nhà Mẹ già. Ba gia đình chen chúc trong căn "a-pạc-măng", hai phòng ngủ, be bé, xinh xinh của Mẹ. Giống di tản Tết Mậu Thân dễ sợ. Đi tới, đi lui, đi ra nhà trước, đi ra nhà sau, chen chúc như cá hộp. Đêm đến nằm sát rạt, không dư một chỗ. Anh bạn cùng phòng vai lớn nên được các em nhường cho nguyên cái phòng nho nhỏ.

Trời nóng hừng hực, gió lồng lộng, cháy tới, cháy lui, cháy dập đầu này, gió khởi lên đầu nọ, lại cháy tiếp, cháy không ngừng. Sáng hôm ấy xem cái bản đồ đám cháy trên truyền hình. Tám chín đám cháy một lúc chạy dài từ Bắc xuống Nam địa hạt (county) San-Dế-Gồ. Nghĩ thầm kỳ này mệt dữ cháy như thế này còn chạy đâu nữa. Còn có một đường thôi, chạy ra biển, chạy xuống biển, không xong rồi. Lại vượt biên, vượt biển, boat people, đi đâu đây.

Chiều chủ nhật còn nấu phở mời các anh chị bạn mấy chục năm ở Êch-Công-Đi-Đô. Bên ngoài cơn gió đất liền thổi ra đầy mùi khói. Lúc sáng không biết, cứ bảo là nhà ai hôm nay bạc-bơ-cu, nướng thịt thơm dữ. Đến trưa chiều mùi khói khét và tin cháy lớn phía đông. Sáng thứ hai, 4-5 giờ sáng dậy, gió đập mạnh vào cửa kính, đập trên mái nhà, nghe như mưa to gió lớn mà không phải. Gió lồng lộng khơi cho đám cháy phừng to lên, lửa cao 15-20 thước tây. Gió lại còn đem những đóm lửa bay xa cả dặm gây thêm những đám cháy mới. Gió mạnh, tốc độ có lúc lên đến 90 dặm một giờ. Cây cối ngã gập, có người bảo gió mạnh đẩy mình đi không cần phải bước.

Sáu giờ sáng, điện thoại nhà bắt đầu reo, rồi điện thoại cầm tay, các em, các anh, các chị, các bạn, gọi hỏi thăm. Khoảng tám giờ sáng, con đường trước nhà đầy xe. Anh bạn lâu năm đoán chắc mấy người này không biết hôm nay trường học nghỉ, đưa con đến, giờ phải đưa con về. Nhìn ngắm hoài vẫn thấy đoàn xe lũ lượt đằng trước nhà mình. Số lượng xe không giảm đi mà sao di chuyển rất chậm, nhích từng chút một. Lúc đó hai vợ chồng mới suy ra, hàng xóm đã bắt đầu di tản. Điện thọai lại reo - Brenda, bà khách mướn nhà khu miền Tây Bắc của Thành Phố gọi bảo cần di tản thì đi ra nhà Bà ấy mà ở tạm. Ôi sao thương thế, cám ơn Brenda đã có nhã ý cho tạm trú. Năm mười phút sau, truyền hình báo khu Tây Bắc cần di tản. Thế là gọi lại báo Brenda - Bà cũng phải di tản, chúc Bà may mắn nha.

Con gái giữa, chiều chủ nhật, đã hỏi cháy vậy có được nghỉ ở nhà không? Cô nàng còn đùa nói miền Đông có ngày nghỉ tuyết, Cali có ngày nghỉ cháy, và động đất. Đến tối, trường gọi báo không có đi học thứ hai, con gái mừng được nghỉ cháy nhà. Sáng hôm ấy không phải đi học hai cô út còn ngủ nướng, phải đánh thức mới dậy. Dặn dò các con sửa soạn xong, mình tà tà, lượn tới, lượn lui vì nhà cũng còn nhiều việc phải làm. Cô con gái giữa sốt ruột giục bố mẹ nhanh chân nhanh tay. Con gái phải giục là chuyện trọng đại vì cô nàng này lúc nào cũng ung dung, tự tại, không màng đến mọi chuyện chung quanh kể cả chuyện của mình.

Di tản mang cái gì theo? Cũng may giấy tờ quan trọng, hồ sơ nhà cửa, "sổ đỏ", "sổ xanh" đều đã "ọc-ga-nai" trong mấy thùng "to-rệt". Thẻ xanh, thẻ trắng, thẻ thông hành đã sẳn một bao bì đặc biệt. Gom tất cả và chất vào xe thôi. Hồ sơ vi tính tất cả trữ trong hai cái "ếch-tơn-nôn-rai-vờ" gỡ ra, bỏ vào thùng. Mang theo điện thoại cầm tay, "chạc dơ", máy hình, "láp-tóp", dây nhợ, pin... Lấy hai cái thùng đi quanh nhà, thâu hình ảnh, album gia đình. Thế là xong bỏ tất cả vào xe, gọn gàng đi thôi, không thắc mắc, không quyến luyến, không lo ngại.

Trước khi lên đường ra khỏi nhà, trao vội cho anh bạn cùng phòng máy chụp hình, nhờ anh đi quanh nhà chụp hình đồ đạc để lưu hồ sơ bảo hiểm - kẻo cháy còn có bằng chứng . Thấy anh chụp sao mau quá. Hỏi anh chụp hết chưa, trên nhà, dưới nhà, tất cả các phòng. Anh lầm bầm cái gì như là trên lầu có cái gì đâu mà chụp. Vậy là biết rồi việc giao cho anh không xong như ý vì anh chụp những cảnh đẹp đẽ, sạch sẽ. Quần áo vật dụng, những thứ cần chụp anh không chụp vì đồ đạc nhiều quá, đồ không ra gì, hay đồ không có giá trị thẩm mỹ. Anh không cần chụp - chấm hết.

Nhà mình năm chiếc xe - trong đó có thêm xe của Ông Bà Ngoại xấp nhỏ để nhờ chăm sóc trong lúc hai ông bà ngao du Âu Châu. Ba chiếc đậu trong ga-ra. Một chiếc con gái lớn đi chơi xa kẹt lại trên vùng bắc Eo-Ây ấy . Cả nhà chất lên chiếc xe thùng (van). Ra khỏi nhà khoảng 8 giờ rưỡi, đường một dọc xe dài, đi một quãng chưa đầy một dặm mất hơn một tiếng đồng hồ. Càng bực bội hơn khi thất mấy bạn hàng xóm, một gia đình 2-3-4 người, mỗi người hiên ngang, hớn hở lái một chiếc xe ra khỏi nhà. Họ không nghĩ tới nhiều xe gây thêm kẹt xe, và không nghĩ đến lúc đám cháy, cháy tới gần mình thì sao. Một dãy xe kẹt cứng, không nhúc nhích, chạy đi đâu cho thoát. Phải nói các cơ quan trông coi vấn đề chữa cháy làm việc hữu hiệu vì lệnh di tản ra sớm để mọi người có thì giờ đi trong trật tự.

Hơn 1 tiếng rưỡi mới đi được 10 dặm để đến nhà Mẹ chồng. Đấy là từ dặm thứ tư đi xa lộ không bị kẹt xe. Đến nhà xong, việc đầu tiên là ra ngoài chợ mua đồ ăn và thêm vào kem đủ loại, chất đầy tủ lạnh để hối lộ và giữ trật tự cho đám con nít chen chúc, nheo nhóc, trong căn hộ be bé xinh xinh.

Cuộc sống di tản phải nói, dài lê thê. Ngày ngồi xem tin tức, xem hết đài này đến đài nọ. Cháy nhiều chỗ quá. Các đài địa phương không đủ phóng viên, phải kêu gọi sự giúp đỡ của các đài chị em xa gần. Phóng viên từ thành phố "gió lạnh ra riết", từ tiểu bang "Mễ Tân", từ thành phố Đa-Lát (không phải Đà Lạt đâu nha), được gởi về, tiếp một tay. Các anh chị này làm việc đứng cạnh lửa cả ngày trời. Đầu tóc rối bung, mặt mũi đen ngòm, đầy tro bụi, rất khác với những khuôn mặt đẹp đẽ phấn son, tô vẽ kỹ lưỡng của ngày thường. Các đài ra-dzô không có phóng viên, kêu gọi các thính giả kêu vào đài cho tin tức. Các đài ra-dzô này có lúc không phát thanh được vì không có điện và cũng không có máy phát điện.

Nhà tôi thuộc địa hạt (county San Diego, kế bên thành phố San Diego). Di tản hơn ba ngày hai đêm rồi, vài nơi gần đó đã có lệnh cho phép về. Thành phố cho về mà địa hạt chưa cho về. Vùng Rancho Bernardo cháy nặng. Truyền hình thông tin hơn trăm nhà bị cháy rụi. Đúng là cháy rụi. Nhà xứ thần tiên Mỹ Quốc làm bằng tường khô (dry wall), một loại đồ kiến trúc bằng giấy bọc khoáng chất calci nên cháy dữ. Nhà ngói cháy xong, thấy chồng ngói xếp lớp rớt nằm trên mống nhà. Chỉ còn lại cái lò sưởi xây bằng gạch trơ trọi lừng lững đứng giữa đám tro tàn, và vật dụng bằng thép như bồn rửa chén, máy giặt máy sấy ngổn ngang... Tổng số nhà cháy lên đến 360 căn riêng khu vực bé tí vài dặm vuông này.

Sáng Thứ Tư, con gái lớn cũng lần mò về đến nhà Bà. Mấy đêm trước, con gái này tá túc ở nhà bạn trên quận Cam. Đêm Thứ Ba, con gái lò mò về được tới nhà người Cậu ở đầu Đông Bắc thành phố. Hôm sau, cháu qua nhà Bà để cùng gia đình chung vui hưởng thêm những giờ di tản, gắn bó với nhau. Trên đường đến nhà Bà Nội, con gái đã rẽ về gần tới nhà, nhưng không được về nhà. Lính trừ bị chặn đường không cho ai ra vào khu vực gần nhà. Truyền hình cũng thông tin Tòa khuyến cáo cướp bóc, hươu của những khu di tản sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chắc nhờ thế mà không thấy ai than phiền bị mất cắp.

Lúc chưa về nhà được, không dám quả quyết nhà mình không bị cháy, không dám nói nhà mình không sao. Vì sợ nói ra Trời phạt làm nhà mình cháy thiệt thì than với ai đây. Theo dõi trên màn hình, nhìn hàng chữ dạy dọc dưới chân màn hình, cố tìm xem tên dường và số nhà của mình có trên đó không. Không thấy thì cũng an tâm và mong rằng sẽ về được mái nhà xưa.

Đêm Thứ Tư liều về nhà, đường không bị chặn, về được nhà. Về đến nhà, tro ơi là tro. Tro phủ lối đi, chỗ đậu xe, làm đen xì cỏ cây lá quanh vườn. Tro kết thành màn, tro giăng thành sợi, tro nằm treo leo khắp mọi nơi. Mùi khói cháy khét quyện trong không khí. Ai nấy vào nhà đóng kín cửa mong sao khói tan theo làn khói.

Tro, khói cũng không sao - "Hôm Suýt Hôm". Có di tản, có ngủ la liệt dưới đất, mới thấy mình thật là diễm phúc được trở về mái nhà xưa. Ý tưởng nhà cháy, mất nhà không quá đen tối, kinh khủng vì mình vốn dĩ mít tỵ nạn, đến nước này định cư, với bàn tay trắng, bây giờ có nhà hay không có nhà cũng không khác lắm. Nhà cháy bảo hiểm cũng đền. Cái lo là những cái nhức đầu tiếp theo khi phải lo một nơi ở mới, xin phép xây lại nhà rồi lựa kiểu gì, màu gì, ai xây, ai vẽ... Ôi chao, nhiều việc, nhiều chi tiết, nhiều quyết định, mệt óc, nhiêu khê lắm. Rồi không biết quyết định đúng hay sai, đồ tốt đồ xấu, thợ giỏi, thợ dở, thợ tốt, thợ xẩu... Nhiều chuyện đau đầu lắm...

Cả tuần sau, mùi khét vẫn vướng vẩn trong không khí. Nhiệt độ đã dịu lại. Bầu trời sáng hơn nhưng vẫn như còn vấn vương màu xám của khói. Cần một cơn mưa ào, ào xuống để mang tro xuống, tẩy sạch tro, và cho không khí trở lại trong lành. Bài này được ghi lại và đã gửi đến các anh chị, các bạn và gia đình năm ấy để báo tin gia đình bình an vô sự và cám ơn tất cả đã meo, gọi điện tới tấp hỏi thăm. Nhờ Chúa thương, cả gia đình bình an, không sao.

San Thành, những ngày rực lửa, tháng 10, năm 2007

Lê T. Vân-Anh


No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!