Hồ Viết YênHôm nay, tiết trời bắt đầu chớm lạnh hơn để đón chào mùa đông cũng như sẵn sàng cho một năm dương lịch mới. Vài cơn gió nhẹ bay ngang mang theo mùi hương thơm mát từ những cụm hoa phong lan sau vườn nhà. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng và thật thoải mái với không gian và thời gian như thế này. Gọi là mùa đông cho thêm phần lãng mạn và tô thêm đôi chút quyến rũ chứ thực ra Cali làm gì có mùa đông như bao nơi khác nhưng tôi vẫn thấy ẩn hiện một chút gì đó của mùa đông Pleiku ngày nào… Những nuối tiếc, ký ức và kỷ niệm cứ chập chờn trong tôi mỗi khi đông về. Đặc biệt mùa đông nơi thành phố sương mù này, mùa đông cuối cùng của đời lính để rồi viễn xứ biền biệt… Cũng như năm trước, năm nay, tôi và một số bạn bè cùng khóa 7/68 KQ lại được mời tham dự tiệc mừng Giáng Sinh do anh chị Nguyễn Văn Thân người bạn đồng khóa với chúng tôi tổ chức. Hằng năm, vào các dịp lễ nghỉ và đặc biệt lễ mừng Giáng Sinh, anh chị Thân thường mở tiệc để khoản đãi nhân viên và gia đình, các cộng sự đã hợp tác với anh chị trong suốt năm qua, và bạn bè bằng những bữa tiệc tưng bừng và no say. Riêng tôi ”phải say mới được về”. Thật là một nghĩa cử cao đẹp và chan chứa tình người. Xin cám ơn bạn Thân, người bạn chí cốt của tôi…Đây cũng là dịp để anh em chúng tôi gặp lại nhau ăn uống, tâm sự cùng gợi nhớ những kỷ niệm vui buồn thời chinh chiến và đời binh nghiệp của chúng tôi. Thời mà các chàng trai tuổi đôi mươi căng đầy sức sống cùng trái tim tràn đầy khí phách kiêu hùng, quyết chí và quyết chiến để bảo vệ vẹn toàn đất nước, đem an bình, tự do cho toàn dân. Đêm nay trong phòng tiệc với khoảng 40 bạn bè Khoá 7/68KQ, hơn 400 nhân viên của bạn Thân và gia đình, cùng thân hữu và một số khách mời, tôi có dịp ngồi cạnh anh bạn cùng khóa 7/68 KQ Lê Đăng Hùng (râu/charlot). Hùng cũng đồn trú tại Sư Đoàn 6 KQ với chức vụ là Trưởng phòng chuyển vận của Sư Đoàn. Tôi cũng có một vài kỷ niệm rất vui và đáng ghi nhớ với Hùng trong thời gian đầu biệt phái tại Pleiku, xin được ghi lại để lưu giữ mãi tình bạn thân thiết này. Ngay sau khi được thuyên chuyển ra căn cứ 60 tại Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định. Việc đầu tiên là trình diện Phi đoàn trưởng Tr/tá Đỗ văn Hiếu để nhận chỉ thị. Sau đó vài tuần tôi được bàn giao cho phi đội của Đại úy Đào Duy Tâm và Đ/úy Tâm được giao quyền trưởng phòng hành quân của phi đoàn. Căn cứ Phù Cát rất rộng rãi, phi trường thuộc hạng quốc tế, cư xá dành cho sĩ quan thì khỏi chê. Khu tắm rửa có máy nước nóng, phòng ở có chỗ gắn máy lạnh, quạt máy và cả tủ lạnh nữa. Khi tôi nhận phòng thì máy lạnh đã “biết đi” và không quay về nữa. Tóm lại, đây là căn cứ của Hải quân Hoa Kỳ chuyển giao cho Không Quân Việt Nam nên rất tiện nghi. Tuy nhiên Phù Cát là môt địa danh quá u buồn, buồn không thua gì đêm 30 chờ tết… nhất là đối với tôi, một anh lính trẻ, độc thân, quen sống nơi thành phố. Muốn ngắm một bóng hồng, chỉ còn có cách “Bắc thang lên hỏi ông trời, Cớ sao con phải đổi dời ra đây? ”… Nhiều người than rằng Phù Cát là vùng đất để đầy đọa con người. Nói như vậy thì hơi quá, nhưng buồn, đơn sơ, hẻo lánh và nghèo nàn thật…
Đến phiên phi đội tôi đi biệt phái theo nhu cầu của Sư Đoàn 6 KQ tại Pleiku thông qua sự chuẩn thuận của Phi đoàn trưởng Phi đoàn 241 Chinook. Đây không phải lần đầu tôi đi biệt đội tại Pleiku. Tôi đã từng ở biệt đội tại Pleiku từ những tháng ngày đầu tiên khi biệt đội mới thành lập vào đầu năm 1971 cho đến cuối năm 1972 do Phi đoàn 237 đảm trách. Khi Phi đoàn 241 được thành lập, tôi cũng là người cuối cùng của Phi đoàn 237 chuyển giao cơ sở biệt đội tại Pleiku cho Phi đoàn 241. Khi đó Th/tá Đỗ v Hiếu (chưa lên Tr/tá) và Tr/úy Nguyễn hữu Lành tiếp nhận. Vài tháng sau, trong lúc đợi đi biệt đội Đà Nẵng, tôi nghe tin máy bay của Tr/úy Lành bị bắn rớt, và bị cháy. Tr/úy Lành và Tr/úy Châu bị phỏng nặng. Điều thật buồn và chua chát là chỉ vài ngày sau thì Tr/úy Lành đã anh dũng hy sinh đền nợ nước. Tr/úy Nguyễn hồng Châu cũng xuất thân từ Khoá 7/68KQ và may mắn hơn, còn sống sót nhưng cũng bị phỏng rất nặng… Bây giờ, xin nói về những tháng ngày biệt phái của biệt đội tại Pleiku, thành phố sương mù quanh năm nhưng tình vẫn nồng và tim vẫn ấm. Thành phố đã gợi hứng cho biết bao văn nhân, thi sĩ viết lên những vần thơ, nét nhạc tuyệt vời như tình khúc “Còn một chút gì để nhớ” Nhạc của Phạm Duy, thơ của Vũ Định và còn rất nhiều thơ và nhạc nổi tiếng khác nữa nói về thành phố bé nhỏ thân thương này … Con gái Pleiku cũng có những nét đẹp rất đặc biệt. Theo tôi họ dịu dàng, kín đáo hơn những cô gái thành đô. Tuy nhiên, một ánh mắt liếc đong đưa, một nụ cười duyên hé mở cũng đủ làm nghiêng ngả các chàng trai tuấn mã đa tình. Không hiểu sức hút nào hay ma lực nào mà con gái Pleiku đã làm điên đảo biết bao đấng nam nhi chi trí đến như vậy… Cũng biết bao chàng trai Không Quân đã được (phải) dừng bước giang hồ nơi đây…. Thật là, Pleiku đi dễ mà khó về… Phố núi cao uốn lượn cong queo trong thành phố, hai đỉnh núi “Hàm Rồng” thu hút và cho ta nhiều mường tượng khác nhau một cách thú vị về cấu tạo của nó…. Các cô nữ sinh thướt tha bên tà áo trắng khi tan trường và hồn nhiên thả bước trên những con đường màu đỏ trông rất xinh và nữ tính. Xa hơn một chút với Biển Hồ phẳng lặng nhưng nhiều bí ẩn và huyền thoại. Đứng ở Biển Hồ và hít một hơi thở dài vào tận lồng ngực, tôi cảm thấy lâng lâng, nhẹ nhàng và toàn thân tôi như cuộn vào không gian siêu thoát…. Tất cả vẫn trải dài trong tâm thức tôi, dù rằng tôi đã đến và đi nhiều lần ở thành phố này.
Đáp tại Pleiku và sẵn sàng cho các chuyến bay biệt phái. Tôi đinh ninh và nghĩ rằng sẽ có xe ra đón các phi hành đoàn như thường lệ?! Nhưng đợi hoài không thấy! Chúng tôi đành phải đi bộ về nơi tạm trú của biệt đội. Hỏi anh em xuống ca, tôi mới biết Quân Đoàn không biệt phái xe cho biệt đội Chinook từ lâu. Tôi thầm nghĩ !! Phải có lý do nào đó Quân Đoàn mới cắt ngang và không biệt phái xe như vậy ?! Về sau tôi đã hiểu và cảm thông với ông Th/tá của Quân Đoàn… Vừa cất đồ vào phòng, tôi đi qua phòng hành quân của biệt đội, anh Hạ Sĩ Quan (HSQ) trực gọi tôi và nói: - Đ/úy có Th/úy Thạch Wano (Th/úy TW) ở đầu giây điện thoại muốn nói chuyện với Đ/úy . Cầm điện thoại, Tôi nói: Alo !! TW trả lời: Anh Yên. Em Thạch Wano đây. Tôi hỏi: TW đang ở đâu? TW trả lời : Em đang ở cổng phi trường Pleiku. Tôi lại hỏi: Ồ! Sao TW biết anh ở đây ? TW trả lời: Em về phép SàiGòn gặp anh Châu, (Tr/Úy Châu PĐ237), cho biết anh đổi ra đây. Thấy Chinook đáp em gọi thử cầu may !!! Tôi nói: TW đợi anh kiếm xe ra bảo lãnh em vào đây rồi mình nói chuyện. TW nói: Không cần đâu, Quân Cảnh Không Quân ở cổng ai cũng biết em, anh chỉ đường là em vào tới. Tôi chỉ đường cho TW. Trong khi chờ đợi tôi coi lại sổ sách trong biệt đội và phân chia các phi hành đoàn trực bay. Không lâu TW đã đến phòng hành quân biệt đội. Tôi thấy TW ốm nhiều, sau khi tay bắt mặt mừng, tôi hỏi: TW là dân Lôi Hổ không lên lon thì thôi tại sao lại xuống Th/úy thế này? TW kể chuyện đụng với sếp nên bị kỷ luật, xuống 1 cấp và bị đổi lên đây. Tôi còn muốn nghe thêm chuyện của TW nhưng chú em bị lên cơn sốt rét bất chợt nên tôi đưa qua phòng nằm nghỉ. Sáng ngày hôm sau tôi bàn với Tr/úy Đoàn văn Lập qua Quân Đoàn xin xe biệt phái nếu không được thì cũng chẳng mất mát gì. Chúng tôi gặp Th/Tá trưởng phòng chuyển vận (lâu quá tôi quên tên) ông từ chối biệt phái xe với nhiều lý do. Tôi với Tr/úy Lập ấm ức nhưng đành phải ra về.
Đến chiều cùng ngày, Th/úy TW gọi và rủ ra phố chơi sau đó ăn cơm chiều. Tôi và Tr/úy Lập ra phố đến quán bên đường đối diện với rạp hát Thanh Bình. Ngồi ở bàn có Th/úy TW, Tr/úy Bé và vài anh em HSQ Lôi Hổ thuộc Liên đoàn 72 xung kích. Trong lúc hàn huyên, tôi được biết Tr/úy Bé cũng đang trong tình trạng của Th/úy TW trước khi bị đổi lên đây và đang bị tạm giữ tại quân trấn để điều tra. Hiểu được chuyện hai sĩ quan Lôi Hổ, họ chọn lựa giữa sự sống và sự chết của đàn em trong toán và biết được hai bạn bằng lòng chấp nhận mọi hình phạt để bảo vệ sự sống còn của đàn em. Thật hiếm có và đáng phục. Trong lúc chén chú chén anh, một chiếc xe Jeep rà tới đậu cạnh lề đường, người lái xe mặc đồ dân sự bước ra ngồi bàn sát đường gần chỗ chúng tôi đang ngồi. Tôi nhận ra đây là vị Th/Tá trưởng phòng chuyển vận của Quân Đoàn. Tôi vẫn còn khó chịu và không thoải mái vì thái độ của ông này khi tiếp chúng tôi hồi sáng, nên tôi không mặn mà để ý tới. Vài phút sau thì ông đến bắt tay Th/úy TW và Tr/úy Bé. Tôi không biết Th/úy TW và Tr/Uý Bé nói gì với ông, tôi chỉ thấy ông tiến tới bắt tay tôi và Tr/úy Lập. Trước khi quay đi ông nói với tôi là sáng mai ông sẽ biệt phái cho tôi 1 chiếc Jeep A2 đẹp thứ nhì của Quân Đoàn chỉ sau xe của tướng vùng. Đúng như lời hứa. Sáng ngày hôm sau chúng tôi có một chiếc xe Jeep A2 đẹp cáo cạnh cùng với “ăng ten” dài móc ngược tới tận sau xe. Đây là loại xe Jeep “lùn” đời mới. (Nghe nói đây là xe của Đ/Tá chỉ huy trưởng pháo binh). Khi tôi đi bay thì Tr/úy Lập ở nhà dùng xe làm phương tiện di chuyển anh em và đưa rước phi hành đoàn (PHĐ). Đến ngày thứ 3, sau khi rước PHĐ chúng tôi về thì Tr/úy Lập cho biết xe sắp hết xăng. Làm sao bây giờ!!! Tiền không đủ ăn làm gì có chuyện lấy tiền đổ xăng. Chắc lại cuốc bộ cho những ngày còn lại…
Chiều đó đang ở phòng hành quân, tôi chợt nhớ đến Tr/úy Lê đăng Hùng (K7/68KQ). Khi mới lên biệt đội tôi có đến nhà Tr/úy Hùng ăn tối. Trong bữa ăn đó có Tr/úy Tú trưởng trạm hàng không, Tr/úy Trang Quân Cảnh, Tr/úy Danh Trưởng phòng quân xa và vài anh em khác. Tôi nhớ mang máng hình như Tr/úy Hùng là trưởng phòng chuyển vận mà đã là dân chuyển vận thì chắc là có xăng! Tôi lưỡng lự vì bạn bè không gặp nhau từ khi rời quân trường Thủ Đức, nay mới gặp lại, đã được đãi ăn, bây giờ lại hỏi xin xăng thì không biết có tiện không? Không có xăng mà phải cuốc bộ thêm vài ngày nữa chắc là mệt và khó khăn lắm đây… Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Cứ hỏi thử xem sao? Đẹp trai không bằng chai mặt... Tôi gọi Tr/úy Hùng và trình bày vấn đề xăng nhớt. Tr/úy Hùng nói cứ đem xe ra cây xăng sẽ cho đàn em đổ. Tr/úy Hùng chơi với bạn bè quá đẹp. Không có một lời từ chối, tôi như cây khô được tưới nước, vội vã báo tin cho Tr/úy Lập đem xe đi lấy xăng. Đây quả thật là một ân tình. Tôi và Tr/úy Lập sẽ mãi ghi nhớ ân tình này, sống để khoe và chết mang theo…. Hôm sau xong phi vụ trong ngày, tôi với Tr/úy Lập qua nhà Tr/úy Phan minh Nhơn (K7/68KQ) tắm nhờ rồi đi ăn. Đi bay nhiều nơi vừa nóng vừa bụi, về đến Pleiku thì trời đã tối và thời tiết thì lạnh, không tắm thì dơ dáy và khó chịu mà tắm nước lạnh thì “teo” hết chịu không nổi. May quá, nhờ Tr/Uý Nhơn chế được máy nước nóng loại dã chiến trong nhà và sẵn lòng cho tôi và Tr/úy Lập dùng nên cũng thoải mái phần nào. Sau đó tôi và Tr/úy Lập ra phố ăn tối. Đến nơi thì đã thấy các bạn đã có mặt. Hỏi ra, thì được biết Tr/úy Lập đã mời các bạn gặp nhau ăn tối ở đây, thật là một bữa ăn tình cờ và nhớ đời… Sau này khi đến Mỹ lúc ngồi nhậu bạn Lập có nhắc lại buổi ăn tối hôm đó và hỏi tôi: Có biết tiền ở đâu ra để trả cho bạn bè cả đám hôm đó không? Tôi chịu thua, thì bạn Lập kể lại nhờ chiều hôm đó Tr/úy Hùng cho đổ xăng, khi đổ đầy xăng cho xe, Tr/úy Lập nói với anh lính đổ thêm can xăng phụ nữa nên mới có tiền trang trải bữa ăn. Tôi kể lại chuyện này cho bạn Hùng nghe thì bạn chỉ mỉm cười…Tin hành lang là Tr/úy Lập còn làm thêm vài chuyến “uống” xăng như vậy… Thiệt là đói ăn vụng, túng làm liều…Con nhà lính nhưng lại tính quan…Thế mới khổ... Viết tới đây, tôi có phần hiếu kỳ: Lạ thật không hiểu sao chỉ trong ba ngày Tr/úy Lập có thể tiêu thụ hết một bình xăng?? Pleiku quá nhỏ và đường phố lại ít xe qua lại ! Nếu một mai khi hoà bình chắc phải coi lại “dzụ” này ...
Vào K7/68KQ là một may mắn cho tôi. Tôi không được gia nhập KQ vì khi đó chưa đủ tuổi. Nếu muốn, cần phải có giấy uỷ nhiệm của cha mẹ và thị thực chữ ký của Quận thì mới hợp pháp. Ngay sau khi thủ tục giấy tờ hoàn tất thì cũng đúng lúc tôi được chọn vào K7/68KQ với 256 người mà hơn 2/3 là không phi hành mà sau này đi đến đâu gặp các bạn K7/68KQ, tôi cũng được tiếp đãi, giúp đỡ một cách thân thiện và chân tình. Đó cũng là ưu điểm tuyệt vời của tình bạn. Tôi cũng gặp nhiều may mắn khác trong binh nghiệp như lúc qua Mỹ học bay trực thăng, khi mãn khoá thì có tài khoá cho học bay Chinook. Tôi lại được chọn để đi học khoá CH-47 Chinook đầu tiên. Về nước năm 1970 lúc 21 tuổi với cấp bậc thiếu úy, 22 tuổi lên trung uý, 23 tuổi lên đại uý. Đến năm 24 tuổi không có nghị định thăng cấp đợi mãi đến cuối năm thì Việt Cộng quyết định gởi tặng tôi 1 quả phòng không với mục đích thăng tôi lên cố thiếu tá. Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” tôi đã đáp được xuống vùng đất an toàn. Gởi đến các bạn K7/68KQ và đồng đội bài viết này như một lời cảm ơn cho tình bạn trong thời trai trẻ, một thời cùng nhau chiến đấu cho sự tự do, dân chủ, ấm no của miền Nam Việt Nam và cho tình bạn của những năm tháng còn lại luôn được vui vẻ, hợp quần, chia sẻ và gần gũi nhau nhiều hơn. Cũng ước mong một ngày không xa, Việt Nam sẽ có Độc lập, Tự do và Thanh bình cho mọi người…
Hồ viết YênPĐ237 / PĐ24101/20/2015 |
Thursday, October 8, 2015
Kỷ Niệm Biệt Đội Pleiku
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Bài viết của Yên làm nhớ Pleiku quá, nhất là các em má đỏ môi hồng. Có 1 nguyên tắc bất thành văn ở nơi bụi mù đất đỏ này: Vì thời gian tùng sự cho các quân nhân ở đây là 2 năm, nên các cô gái không_phaỉ_con_nhà_lành đều bình thản chấp nhận những cuộc tình ngắn nguỉ , coi chuyện từ ly như là điều không thể nào tránh khỏi. Nhờ vậy, những chuyện tình ở đây thường là những cuộc tình chóng vánh, " ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới",:biết sẽ phải xa nhau nhưng vẫn dâng hiến cho nhau. Tuổi trẻ mà được lưu lạc đến Pleiku, về già chẳng còn gì để nuối tiếc nữa, phải không các bạn Nhan, Trường, Thuỵ, Trinh, Hùng, râu, Nguyên, Phú, Nhuận, Long, Linh, Hùng nhà thờ?
ReplyDeleteTôi rất thích những bài viết của bạn Hồ viết Yên, lối hành văn trong sáng, giản dị , thân mật và luôn có đôi chút "tếu" trong đó! Ước mong được đọc thêm nhiều bài viết khác của bạn! Đã hoà bình rồi, coi lại nhiều "dzụ " khác đi chứ!
Vẫn nhớ những ngày đầu lên Pleiku, được Nguyên & Trinh đón tiếp và Giang, Thụy vài đêm nhường phòng trong cư xá độc thân. Bây giờ đã thành kỷ niệm không quên. Đồng ý với Giang, lối hành văn của Yên rất trong sáng, bình dị và thân tình. Viết tiếp đi Yên.
ReplyDeleteGiang ơi, bạn cũng viết tiếp đi. Viết về kỷ niệm Pleiku đi.
HLTT