Tuy cùng khoá, nhưng
so với Anh Luật tôi nhỏ tuổi hơn. Ngoài
ra, biết nhau lâu, cảm phục lối sống, hành động của Anh với gia đình, bạn bè,
tôi luôn coi Anh là một người Anh khả kính.
Anh chị Luật
Khi ở quân trường Thủ Đức, tôi với Anh ở cùng trung đội 2,
nhưng giường Anh ở giữa barack, giường tôi ở ngay cạnh cửa ra vào, nên ít có dịp
trò chuyện. Lúc ấy Anh có một lô cùng
khoá đùa, gọi Anh là Cậu Luật. Tôi nghe nhưng không để ý. Mãi sau, khi đã thân,
tôi mới biết Anh có nhiều Chị. Anh là con trai độc nhất và là út, không bê bối
nên các Chị ai cũng thương. Anh nhiều cháu, lại đứng đắn, xuề xoà, vui vẻ, bạn bè nhiều
người mến. Lúc đùa gọi là Cậu, sau này biết đâu!
Tôi với Anh thật ra là có duyên gặp và thân nhau.
Khi tôi từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn dể vào đại học, tôi ở nhờ
nhà Chú Bích tôi thì nhạc sĩ Anh Bằng thỉnh thoảng ghé chơi. Anh Bằng với Chú
tôi là bạn lính đóng ở Qui Nhơn hồi đất
nước mới chia đôi. Hai nhà ở cạnh nhau. Anh Luật khi ấy đang ở với Anh Chị. Nhắc lại thời ở Qui Nhơn, Chú Thím tôi hết
lòng khen Anh Luật, chịu khó, thương
cháu, vui vẻ, lễ độ với mọi người. Em họ tôi, mấy đứa lớn vẫn còn nhớ Anh Luật.
Lúc chúng tôi còn đang học lớp Bảo Trì Phi Cơ ở TTHLKQ Nha Trang thì Anh Luật đã học xong lớp Chuyển Vận và đang làm ở trạm hàng không bên
KD62. Chúng tôi mừng lắm, lâu lâu muốn dù về Sài Gòn, qua năn nỉ Anh Luật, chắc
chắn xong. Đi lại dễ dàng như vậy nên khi có ai rủ tôi về SG đi đám cưới Anh
Luật, tôi đồng ý ngay.
Anh Luật và các bạn 7/68KQ
Trái qua Phải: Dũng, Luật, Triết, Tú, Lập
Đám cưới tổ chức ở
Tân Mai Biên Hoà. Tôi không nhớ hết những ai trong K768 có mặt bữa đó, chỉ biết
là chúng tôi say quên đường về. Sau này nghe đồn là có mấy cô tinh nghịch trộn
thuốc lá Ruby vào trong rượu. Cỡ như Kiều Phong Trương Văn Tập còn ngoắc cần
câu, tôi là đồ bỏ. Không biết ai đã đưa
chúng tôi với xe cộ về lại Sài Gòn. Chỉ nhớ, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở
nhà Phạm Minh Hoa, chung quanh quân ta, Tập, Lai, Khánh(?)... vẫn đang li bì.
Đám cưới xong, Anh Chị
Luật ra lại Nha Trang và được cấp một căn hộ ở 50 Duy Tân, bên này đường
của biển. Tôi với Khánh Ghiền hay ghé
chơi. Ở đây tôi trả tiền cho mấy cô hàng xóm dạy đánh tứ sắc, Khánh Ghiền đi
theo o bế cô cháu gái của đại uý Tâm bên cạnh. Nghề tứ sắc của tôi không thành,
học hành có cố gắng, nhưng học mãi cầm bài vẫn rơi lả tả. Việc của Khánh ghiền thành công. Ra trường
làm việc ít lâu ở Đà Nẵng, Khánh về Nha Trang cưới Hồng. Hai vợ chồng hiện ở Cần
Thơ. Hai lần sau cùng về VN tôi đều ghé Cần Thơ thăm Khánh và Võ Công Trứ khoá
27, trước cũng Bảo Trì ở Đà Nẵng.
Thời gian tôi đang học bảo trì, không quân phát vải xám cho
sĩ quan cơ hữu may quân phuc. Đây là loại kaki mỏng màu xanh xám như màu tàu hải
quân. May quân phục, mặc coi trang nhã, ai cũng thích. Chúng tôi đang đi học,
chưa thành cơ hữu nên không được phát vải. Một lần ghé, thấy Anh Luật mặc bộ đồ
xám, tôi khen đẹp. Anh Luật không nói
gì, nhưng lần sau đến, Anh đưa tôi một cái gói. Mở ra là bộ quần áo xám. Tôi ngạc
nhiên trước cử chỉ rộng rãi của Anh, không nhận, Anh quyết cho, nói khéo, khi nào tôi
được phát vải, trả lại Anh, không sao. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối KQ
phát vải xám cho sĩ quan. Tôi nâng niu bộ
quần áo này rất kỹ, chỉ khi nào có dịp đặc biệt mới đem ra mặc. Mỗi lần mặc lại
nhớ đến Anh Luật.
Sắc Sắc Không Không
Tôi về vùng 4 gần bốn năm, nhớ biển, nhớ những buổi sáng mùa
hè bơi trên mặt biển láng như gương. Cuối năm 74, tôi xin đổi ra Nha Trang. Vợ chồng Tập đưa tôi lại thăm Anh
Chị Luật cùng ở trong khu cư xá Huỳnh Khương Ninh. Hùng, con Anh Chị, lúc đó cũng đã dến tuổi đi học. Rồi thì Anh Luật
đổi về Sài Gòn lúc nào tôi cũng không nhớ.
Nha Trang mất, chúng tôi về Sài Gòn. Vợ chồng Tập sợ tôi lang thang đến lúc chạy,
không chạy kịp. Tập chở tôi đến trạm hàng không gặp Anh Luật, lúc ấy tôi mới biết Anh Luật về nắm trạm ở
đây. Anh Luật và Tập dặn dò cẩn thận, có chuyện gì thì phải chạy vào đây gặp
nhau rồi tụi mình cùng đi. Một hai ngày không thấy tôi là Tập vác Honda đi tìm.
Chuyện tôi đi năm 75 phần lớn là do cơ duyên giữa tôi với Anh Luật và vợ chồng
Tập.
Chạy nhốn nháo, qua camp Pendleton tôi gặp lại Anh Chị Luật.
Tôi độc thân, nhẹ gánh nên chỉ phải ở trong camp 20 ngày. Sáng 30 tháng 5, 1975, tôi vừa đưa tay bấm thẻ ghi giờ, vừa lẩm bẩm câu của Bố Con Phạm Duy lúc xuống phi
trường tôi hát “cởi áo giang hồ xin chèo thuyền trên bến...” Ô... Tôi đã hết
là lính.
Anh Luật tham dự
40th Anniversary anh chị Thân Liên 2015
Ngày đó Red Cross có đủ dữ kiện của mỗi người tị nạn. Tôi bắt được liên lạc với Anh Chị Luật và vợ chồng Tập dễ dàng. Một hôm tôi đang ngồi
hướng dẫn xe cứu thương bằng Motorola thì Nguyễn Bỉnh Trực xuất hiên. Mừng tủi.
Trực có lúc làm việc với tôi ở Sóc Trăng, nhưng giải ngũ trước khi phi trường dọn
về Cần Thơ. Trực thấy tôi lái xe cứu
thương, nhận ra người quen, đến tìm. Câu
đầu tiên Trực chửi thề “Mẹ... sao giống Kiểm Soát Bảo Trì thế!!!”. Có Trực ở cùng thành phố tôi thấy bớt cô đơn
hẳn.
Đám cưới vợ chồng tôi, cả vợ chồng Trực và Anh Chị Luật có đến dự. Nhưng rồi ai cũng bận bịu với công
việc để ổn định đời sống. Mãi đến đầu 80’s bạn bè mới lại liên lạc thường xuyên
với nhau. Dần dần K768 đông thêm. Anh em luân phiên, hết nhà này đến nhà
kia, gặp nhau ăn uống, trò chuyện, bài
cào lẻ... Trực và Anh Luật là những người đầu tiên có nhà, nên thù tiếp anh em
nhiều nhất.
Khi ra trại, Trực được một chuyên viên kế toán bảo trợ nên lề
lối làm ăn, thuế má, Trực rành nhất trong đám.
Khi Anh Chị Luật có ý định dọn nhà, Trực bàn với anh em thành lập một công ty đầu tư địa ốc. Đầu tư đầu
tiên là mua lại nhà của Anh Chị Luât và mua thêm một chiếc thuyền. Nhà cho
thuê, có tiền hàng tháng, bù thêm chút ít không đáng kể. Đằng nào cũng tụ họp,
có công ty, tụ họp có lý do chính đáng
Ngoài ra, tụ họp, có chiếc tàu, lâu lâu ra biển chơi cũng thích. Anh em
nghe có lý. Lập công tỵ Lúc đầu vui thật. Anh Chị Luật sang nhà mới rộng
rãi, tiệc tùng thoải mái và thường xuyên
hơn.
Anh Luật và Bạn Bè
Tiệc Sinh Nhật ở nhà Hoa iChiban
Nhưng rồi chuyện gì đến đã đến. Chuyện cho thuê nhà không chỉ là hàng
tháng nhận tiền, phức tạp hơn. Giá cả nhà cửa thời ấy lên cũng chậm, khi Trực
đóng đươc công ty, hội viên không phải bỏ thêm tiền túi, ai cũng mừng.
Đã lâu không gặp, ai biết Trực ở đâu, xin cho Trực biết tin
Anh Luât.
Tối thứ Hai, sau lễ cầu kinh cho Anh Luật, Chị Luật ghé tai nói nhỏ “Anh Luật thương anh lắm, lúc
nào cũng nhắc đến anh...”
Thương nhau cởi áo cho nhạu. Tôi nhớ đến bộ đồ lính màu xám năm nào.
Chỉ còn 1 tuần nữa là 49 ngày của anh Phan Minh Nhơn. Nguyện linh hồn anh sớm siêu thoát. Xin có đôi lời về anh, thay cho một lời tạ từ vĩnh viễn…
Tôi biết anh lần đầu tiên hôm họp mặt các anh chị em K7/68 ở San Jose, trong chuyến sang Mỹ năm rồi tại nhà anh chị Tập.
Đó là một buổi họp mặt, mà các anh chị em ở đây, nhất là anh chị Tập, đã ưu ái dành cho vợ chồng tôi, người vừa đặt chân đến San Jose lần đầu tiên.
Trong buổi gặp mặt đó, chồng tôi đã có dịp gặp lại các bạn hữu ở K7/68 từ hồi xa xưa. Những câu chuyện đẩy đưa, những kỷ niệm được nhắc lại… nhưng thật sự tôi vẫn chưa có những ấn tượng gì đặc biệt về anh.
Nói đúng hơn, ký ức lần đầu tiên khi tôi nhìn thấy anh, đó là một con người có vẽ trầm tính, với khổ người thấp và đen. Chỉ chừng ấy thôi. Chia tay, mọi người về nhà của mình, riêng vợ chồng tôi được anh chị Tập ưu ái cầm chân ở lại qua đêm tại nhà anh chị.
Sáng ra, anh Tập cùng vợ chồng tôi tản bộ ra công viên ở gần nhà. Công viên khá rộng, thoáng và nhiều ngỗng trời đi lại một cách dạn dĩ. Khi đang dạo chơi, anh Nhơn gọi điện đến hỏi đang ở đâu, để anh cùng ra chơi…
Thế là bộ ba:Anh Tập, Anh Nhơn, chồng tôi vừa đi vừa nói chuyện rôm rã cùng nhau. Phần tôi, chỉ là diện ăn theo, nên thi thoảng lại lang thang chớp vài tấm hình làm kỷ niệm mà thôi. Sau chừng 2 tiếng, chúng tôi quay về, ghé nhà anh Nhơn chơi 1 lúc rồi cáo từ ra về.
Trước khi chia tay, anh Nhơn có lấy địa chỉ nhà của con trai tôi ở Alameda và hứa sẽ ghé thăm khi thuận tiện.
Và đúng vậy, chỉ một tuần sau đó, anh đã ghé thăm vợ chồng tôi vào một buổi đẹp trời, nói chuyện rất nhiều. Đến xế trưa, anh có nhã ý chở chúng tôi đi chơi 1 vòng.
Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ là anh chở chúng tôi đi loanh quanh trong vùng, nhưng không ngờ anh lại chở chúng tôi sang tận thành phố San Francisco.
Trên đường đi, anh kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về anh. Lúc đó tôi mới biết rằng anh đang bị bệnh cancer, và hiện đang ở trong thời kỳ chạy chửa.
Anh nói rằng trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, tình cờ họ phát hiện ra anh có khối u to gần bằng viên gạch nhỏ ở trong người. Sau một thời gian điều trị, cộng thêm với chế độ ăn uống theo phép dưỡng sinh giữ gìn, nay khối u chỉ còn nhỏ hơn nữa nắm tay .
Anh hy vọng với chế độ ăn uống hiện nay của anh, và lối chửa trị, trong một thời gian ngắn có thể có kết quả tốt hơn nữa.
Anh lạc quan chia xẻ những dự án trong tương lai của mình, với giọng điệu sôi nỗi và yêu đời. Tôi nghe mà mừng cho anh.
Đường đi đến San Francisco rất xa, ngang qua từng nơi, từng chốn, anh đều hướng dẫn tận tình. Anh chở chúng tôi đến một nơi mà anh bảo là nên đến trước khi đi San Francisco đó là Treasure Iland.
Đó là một hòn đảo nhỏ, có rất nhiều ngỗng trời sinh sống và đi lại.
Khung cảnh thật đẹp, một bên là biển ngút ngàn, một bên là bến cảng với hàng hàng tàu neo đậu.
Anh dừng xe cho chúng tôi ngắm cảnh, chớp hình lưu niệm cho chúng tôi, sau đó lại tiếp tục chở chúng tôi lên xuống trên những con đường dốc, hẹp, ngoằn nghèo khó đi để đến bến cảng lớn đầy du thuyền của San francisco, đến khu ở của giới thượng lưu ở đây sinh sống, …cuối cùng đến thăm cây cầu nỗi tiếng Golden Gate. Anh nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi như 1 hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh bảo anh biết rất rõ chốn này, cũng bởi đã có thời gian anh cùng bà xã sống và sinh hoạt trên chiếc xe dài hằng mấy năm …
Cuối cùng, khi trời bắt đầu nhá nhem, chúng tôi quay về Oakland, ghé vào dùng mì chay tại một tiệm Tàu quen thuộc của anh, thì lúc đó cũng đã tối tời.
Một chuyến đi chơi, với những tâm tình dàn trãi khiến tôi bắt đầu có ấn tượng mới về anh.
Một con người với bộ măt tưởng khó gần, nhưng thật ra là một con người rất thân thện, nhiệt tình và năng nổ.
Bởi thế, mấy hôm sau, khi chị Tập nghe tôi kể lại chuyến đi lên San Francisco cùng anh, chị đã ngạc nhiên kêu lên;
-- Úi trời, anh ấy đang bệnh nặng mà dám cả gan chở anh chị đi chơi xa thế hả…Khiếp thật…
Những ngày sau đó, cho đến lúc chúng tôi quay lại Anaheim với con gái, anh thi thoảng lại ghé nhà con trai tôi nói chuyện và chở chúng tôi đi sang Oakland, đến thương xá lớn của người Tàu tham quan, đi ăn cùng chúng tôi, nói chuyện và chia xẻ biết bao điều trong cuộc sống.
Theo như tôi biết, anh còn ôm ấp rất nhiều ước mơ chưa thực hiện được…Anh nghĩ một ngày rất gần sẽ quay về Vn để làm điều đó và còn hứa sẽ ra thăm chúng tôi tại Huế luôn thể.
Chúng tôi chờ anh …Nhưng anh đã…
Ra đi không nói một câu.
Âm dương sầu thảm lấy đâu tương phùng?
Thế là cách biệt ngàn trùng.
Hồn theo gió cuốn vẫy vùng xa khơi…
Anh đã ra đi với những ước mơ dang dỡ, với cái hẹn không thực hiện được bao giờ. Tin anh mất khiến chúng tôi cứ bàng hoàng ngẫn ngơ. Cứ thấy lòng bần thần, khó chịu mãi hoài. Nhiều lúc cứ ngỡ đó chỉ là một giấc mơ hoang tưởng mà thôi.
Hôm nay đặt chân sang lại Mỹ thăm các con, ký ức về anh lại trỗi dậy. Đã không còn hình bóng của một người bạn thân thương. Tôi xin ghi lại đôi dòng tưởng nhớ về anh, như một nén hương lòng cho người quá cố.
Ngày 12 tháng 11, cách đây đúng 2 năm, nhạc sĩ Anh Bằng, người mà tôi rất qúy mến và thường gọi là Hiền Huynh đã ra đi. Sáng hôm nay chúng tôi đã ra thăm mộ, đặt hoa và cầu nguyện... Tôi gửi anh bài viết về duyên hội ngộ với người nhạc sĩ tài ba và nhân hậu này. Mời anh đọc bài và tùy nghi chuyển cho những người khác cùng đọc.
Thân mến,
Toàn Phong
GS Nguyễn Xuân Vinh
Nếu tôi có may mắn được gặp
và quen thân với nhạc sĩ Anh Bằng, thì phải nói là chúng tôi đã có
duyên hẹn gặp nhau từ kiếp trước, vì trong đường đời chúng tôi đã
theo hai con đường thật khác nhau.
Thứ nhất là nhạc sĩ Anh Bằng,
người mà từ ngày quen biết nhau, tôi vẫn gọi là Hiền Huynh, đã hiến
trọn cuộc đời cho Âm Nhạc. Anh là một nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc đại chúng của Việt Nam với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc để lại cho đời. Cùng một lúc là một
trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng và nhạc hải ngoại,
Anh Bằng còn là người đã sáng lập Trung Tâm Asia vào năm 1980 để phổ biến những ca khúc Việt Nam
tới mọi cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.
Còn tôi, thì khi nhìn vào một bản nhạc,
một nốt bẻ làm đôi, tôi cũng không biết là gì. Theo vận nước đổi
thay, cuộc đời của tôi đã có nhiều thay đổi. Anh bạn nhà văn Võ Ý đã
có lần viết là tôi có ba cái nghiệp, là nghiệp văn, nghiệp bay và
nghiệp giáo. Hai cái nghiệp sơ khởi là nghiệp văn và nghiệp bay, tôi
đã không làm được trọn vẹn. Chỉ còn
nghiệp giáo là theo tôi suốt cuộc đời.
Cũng vì vậy, mà lúc mới đầu, khi kết tình anh em,
Anh Bằng gọi tôi và Phiến Đan là Hiền Đệ và Hiền Muội, nhưng sau đó
anh đổi lại và gọi tôi là Sư Đệ, vì theo anh tôi đã là giáo sư thì
phải dùng chữ Sư cho tôi mới đúng. Anh còn doạ là nếu tôi không nhận được
gọi như vậy thì anh sẽ đổi danh xưng Hiền Huynh ra là Ác Huynh. Trong
văn thư trao đổi, khi đã quen thân với nhau, lúc nào Hiền Huynh cũng
gọi tôi như vậy.
Lần đầu tiên mà hai con đường
chúng tôi đi đã gần gặp nhau là năm tôi mười tám tuổi, nhưng không
phải là ở cái tuổi như hiền huynh Anh Bằng đã sáng tác được bàn nhạc “Nỗi Lòng Người Đi” với những câu
tha thiết:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.
Nỗi Lòng Người Đi (Anh Bằng) Tuấn Ngọc hát
Năm đó, tôi chỉ là một cậu học sinh học thi tú tài, theo trường Trung Học Nguyễn
Khuyến từ Nam Định di tản về huyện Yên Mô
ở tỉnh Ninh Bình. Xa nhà năm đầu tiên, vào dịp đựơc nghỉ Tết,
nếu trở về với gia đình ở tận Hải Dương, tôi sẽ phải đi bộ mấy
ngày đường. Cũng may mà tôi có một bà dì đã cùng chồng mở một
hiệu thuốc Bắc ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, tôi có thể tới đó nghỉ
vài ngày ăn Tết, mà theo đường tắt,
đi từ Yên Mô thì chỉ từ sáng đến
chiều tối là tới nơi. Trong suốt thời gian hai năm theo học ở Yên Mô,
tôi đã đi trên con đường này vài lần và tôi còn nhớ là đi được nửa
đường phải nghỉ lại ở thị tứ Điền Hộ, thuộc huyện Nga Sơn, lúc đó
vào tỉnh Thanh Hoá. Sau này được quen biết hiền huynh, đôi khi tôi thấy
có lời giới thiệu sinh quán của Anh Bằng, ghi nhầm là ở Điền Hộ
thuộc tỉnh Ninh Bình, tôi cũng đã gửi điện thư góp ý kiến cho ban
biên tập Bách khoa toàn thư Wikipedia phần tiếng Việt, thì nay kiểm lại
đã thấy được ghi chính thức là thuộc tỉnh Thanh Hoá, là tỉnh địa
đầu của miền Trung. Tôi còn nhớ, mỗi lần nghỉ chân ở Điền Hộ, ngồi
ăn ở quán nước bên đường, tôi lại
được nghe tiếng phong cầm từ nhà thờ gần đó vẳng lại. Hiền huynh Anh
Bằng lúc đó chắc đã ngoài tuổi hai mươi nhưng lòng còn chưa vương vấn
nhiều chuyện tình đời như sau này anh thường ghi lại trong những bản
nhạc được chuyển đi khắp nơi. Thêm vào nữa, là người ngoan đạo, chắc
lúc đó anh cũng đang quanh quẩn nơi đâu trong thánh đường, hay cũng có
thể đang ngồi gõ trên phím đàn. Là người tin ở thiên duyên hội ngộ,
tôi nghĩ là lúc đó chúng tôi bắt đầu có thần giao cách cảm với nhau.
Vào khoảng cuối năm 2008, nhân
dịp nhà văn Việt Hải, cùng với giáo sư Doãn Quốc Sĩ, và nhà văn Tạ
Xuân Thạc lên San José để giới thiệu về Văn Đàn Đồng Tâm với văn thi
hữu trên miền Bắc Cali. tôi được biết là Văn Đàn đang chuẩn bị đưa ra
một Tuyển Tập gồm những bài viết về Anh Bằng, để vinh danh người nhạc
sĩ lỗi lạc và nhân hậu đã được nhiều người rất mực mến yêu. Trong buổi gặp
mặt, tôi đã nói là thường nghe nhạc Anh Bằng. Thế là Việt Hải ghi ngay
tên tôi vào danh sách những người có thể viết bài đóng góp vào tuyển tập anh đã
dự trù hoàn thành trước ngày cuối năm. Chắc Việt Hải nghĩ là tôi cũng giống
như anh, có thể viết về bất cứ đề tài gì, kể cả về âm nhạc là bộ môn tôi chỉ biết
nghe mà không biết phê bình. Với tôi, nhạc và hoạ là những nghệ thuật người muốn
đạt được phải nhờ vào tài năng thiên phú. Những tài năng đó, chắc phải đợi kiếp
sau tôi mới có được. Giờ đây nếu may mắn viết được vài trang giấy để đóng góp
vào Tuyển Tập thì tôi chỉ có thể tìm trong ký ức để viết ra là tôi bắt đầu nghe
được nhạc của Anh Bằng tự bao giờ, và trong số hàng trăm bài nhạc sĩ đã sáng
tác, những bài nào tôi ưa thích nhất, và qua những giọng hát truyền cảm và điêu
luyện của những ca sĩ nào. Bài tôi viết gửi cho giáo sư Tạ Xuân Thạc lại
được anh Thạc chuyển cho Anh Bằng coi và nhạc sĩ đã hồi âm bằng
những lời viết đầy tình cảm làm tôi vô cùng xúc động khi nhận được:
“Cám ơn anh đã cho tôi
đọc bài của giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh viết về Anh
Bằng. Tôi hết sức cảm động khi biết giáo sư, một khoa học gia danh
tiếng, lại là người gần gũi với tôi và gần gũi với cả quê hương
Điền Hộ của tôi nữa. Tôi không giám luận bàn văn chương, tôi chỉ biết
rằng bài viết của giáo sư đã lôi kéo cho tôi nhiều cảm mến của độc
giả, cũng đã cho tôi nhiều vinh dự mà chính ra, một người như tôi,
không đáng được nhận lãnh.
Chúng tôi đã thực sự gặp nhau, khi
tuyển tập đặc biệt này ra mắt ở dưới Nam Cali, và nhân dịp này, Trung
tâm Asia tổ chức một diễn xuất thu hình, và tôi được mời lên sân
khấu, cùng với nhiều giới chức khác, nói đôi lời khen ngợi sự đóng
góp của Asia vào văn hoá rực rỡ sắc mầu của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Trước đó vài tháng tôi có gửi tặng Anh Bằng cuốn truyện
tình cảm thời đại “Tìm Nhau Từ
Thuở” tôi mói viết.
Sau này khi biết nhiều về nhạc sĩ, tôi thấy
anh lúc nào cũng dành cho bè bạn thân thương chút liên hệ văn hoá với
nhau, và với hiền huynh, thì có nghĩa là qua lời thơ tiếng nhạc. Với
tôi, thì trong cuốn sách tôi có tả lần đâu tiên, một chàng thanh niên
từ nơi xa về quê xưa, tới thăm một gia đình trong họ, gặp một cô bé,
còn bé lắm, nên thấy người lạ cô nấp sau lưng bà mẹ hé đầu nhìn ra.
Và mười năm sau, khi anh trở về thăm
làng cũ thì cô bé nay đã lớn khôn, vào tuổi trăng tròn, và người lạ
lùng bỡ ngỡ lần này lại là chàng trai, dù đã đi khắp mọi phuơng
trời nay lại thấy chỉ có quê hương ta là đẹp hơn cả. Trong cuốn sách,
lúc tả tới đoạn này tôi kèm thêm bài thơ có tên là “Mùa Trăng” với những câu mở đầu
Năm xưa em còn bé,
Anh về quê thăm nhà.
Em nấp sau
lưng mẹ,
Nhìn người
khách phương xa.
Bài thơ này đã được Anh Bằng
phổ nhạc và nhân dịp chúng tôi về quận Cam dự buổi trình diễn của
Asia, Hiền Huynh đã tổ chức một bữa ăn tối thân mật, và giới thiệu
bản nhạc lần đầu tiên qua sự trình diễn của ca sĩ Nguyên Khang.