Phạm Văn Phú
Phần Hai
Nhập Ngũ
Tháng bảy năm 1968, Bộ Tư Lệnh Không Quân tuyển sĩ quan. Nhiều bạn học chung trường Luật cùng hàng ngàn sinh viên các phân khoa đại học khác ùn ùn nạp đơn thi tuyển vào sĩ quan không phi hành gồm các môn toán, lý hoá, luận văn Anh hoặc Pháp, còn Sơn nhất quyết chọn cuộc đời bay bổng.
Sơn nạp đơn tại cổng Phi Long và chuẩn bị thật kỹ lưỡng để vượt nan ải khám sức khoẻ vì lẽ ngoài điều kiện sơ khởi phải có bằng Tú Tài 1 trở lên, chiều cao tối thiểu 1 mét 60, cân nặng ít nhất 50 kí, các ứng viên phi hành phải đạt tiêu chuẩn sức khoẻ thật hoàn hảo để có thể giải quyết nhanh chóng mọi tình huống trong chiến đấu, đồng thời mới bền bỉ chịu đựng được mọi áp lực khắc nghiệt khi cao độ, tốc độ, trọng lực, và vị thế bay nhào lộn thay đổi thường xuyên và bất chợt.
Kết quả thật mỹ mãn. Ngày 30 tháng 9 năm 1968, cùng trên 250 thí sinh trúng tuyển phi hành lẫn không phi hành Sơn chính thức lên đường nhập ngũ với số quân 68/601029.
Quân Trường Quang Trung
Một, Hai, Ba, Bốn
Một, Hai, Ba, Bốn
Một... Hai... Ba... Bốn
Tiểu đoàn Nguyễn Huệ sống mạnh sống hùng
Cho dù mưa nắng gió cát bão bùng...
To lên!!!!!
Thiếu Tá Trần Thế Phong |
Rầm rập đều bước tay ôm khẩu Garant M1, Sơn cùng đội ngũ ca vang khúc hát di hành đầy ấn tượng của Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ khi từ bãi tập vượt qua cổng trại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để trở về tiểu đoàn sau trọn ngày võ luyện thao trường. Dù toàn bộ 255 tân khoá sinh tràn đầy nhựa sống thuộc đại đội E do Trung Uý Đại Đội Trưởng Trần thế Phong chỉ huy đã mở hết âm lượng gần như gào thét nhưng Tân Khoá Sinh Quản Ca kiêm Kỷ Luật Đại Đội Trương hữu Trung vẫn luôn miệng thúc “To lên!!!” khi đội ngũ về gần tới cổng tiểu đoàn.
Phía trong cổng, sừng sững trên nền cao, Đại Uý Tiểu Đoàn Trưởng Trần văn Hiến đằng đằng sắc mặt chờ sẵn và chỉ khoát tay cho phép vào cổng về đại đội nghỉ ngơi sau khi xét thanh âm, nhịp đi, tư thế bồng súng và dáng quân hành của đại đội quyện vào nhau tuyệt đẹp và khí thế.
Cứ như vậy trong 9 tuần lễ, giai đoạn 1 cơ bản quân sự gồm di hành, thực tập tác xạ, sử dụng các loại vũ khí, bò hoả lực v.v.. tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã hoàn tất, nhưng đã để lại trong Sơn nhiều ấn tượng thật sâu sắc. Sơn luôn nhớ nét dáng cao, nghiêm nhưng dễ mến của đại đội trưởng Trần thế Phong, những giờ phút sinh hoạt thân mật gần gũi với các bạn đồng khoá 7/68 không quân, những nickname anh em gán đặt cho nhau, những giây phút nhìn hàng cây bã đậu nhớ về gia đình, và nhất là cảm giác sung sướng tuyệt vời khi nhận tờ phép xuất trại đầu tiên về thăm Hằng vào lúc tờ mờ sáng sau khi đại đội kết thúc công tác chà láng vách giao thông hào trong đêm.
Quân Trường Thủ Đức
Xong giai đoạn 1, đoàn xe GMC chở nhóm 7/68 KQ lên trường Bộ Binh Thủ Đức, toạ lạc trên đồi Tăng Nhơn Phú, KBC 4100, để học tiếp giai đoạn 2.
Khi đoàn xe tới nơi, một số sĩ quan cán bộ thuộc Tiểu Đoàn 3 Khoá Sinh và SVSQ huynh trưởng đã chờ sẵn. Vừa xuống xe chưa kịp ổn định, đội hình dài xanh đẹp thuở Quang Trung bất thình lình bị cán bộ ra lệnh cắt khúc đuôi sớt qua trung đội 341 thuộc đại đội 34 khoảng 40 anh em nhập chung với khoảng một chục khoá sinh cơ hữu KQ do BTLKQ gởi tới với chuỗi tên gọi vần cho dễ nhớ “Sáng, Sáng, Nam, Hùng, Dũng” “Ngọc, Quới, Tuấn, Thành, Tùng...”
Trước cổng Trường Bộ Binh |
Hơn 200 anh em còn lại chưa kịp định thần đã bị huynh trưởng thét lệnh vác túi quân trang chạy vòng vòng trước khi dừng lại trước sân đại đội 38 do Trung Uý Ninh xuân Đức làm Đại Đội Trưởng. Giây phút đầu tiên vô doanh trại cất quân trang trước khi tiếp tục ra sân tập họp trở lại, Sơn cảm thấy tâm tư vương một nỗi buồn tựa cảnh biệt ly. Lúc này Sơn mới biết mình đã coi một số anh em bị tách qua đại đội khác như thân thiết tự bao giờ...
Riết rồi mọi việc đều ổn định theo trật tự mới. Tất cả các tân khoá sinh dự bị sĩ quan bắt đầu trải qua những tuần huấn nhục không đủ thì giờ ngủ nghỉ nhằm triệt bớt tính ương ngạnh, chống đối, tuỳ tiện, hoặc cái tôi và tự ái cá nhân to tát ngoài đời trước kia.
Mới tờ mờ sáng, tất cả phải nhanh chóng thức dậy, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp phòng ốc, ăn sáng, tập họp điểm danh nghe nhật lệnh trước khi ra bãi học địa hình, chiến thuật. Bất kể giờ giấc, lúc nào anh em cũng có thể bị huynh trưởng phạt hít đất, nhảy xổm, hoặc dã chiến vì những lý do chẳng hạn như ăn chậm, giày dơ, đội nón lệch, đi cóm róm, đi tướng xà bát, đi tướng kênh kiệu, yểu điệu quá, nói nhỏ quá, nói to quá, cười dỡn trong hàng, ngủ gục trong lớp, lề mề, quên chào huynh trưởng v..v..
Ngoài ra, tất cả mọi di chuyển ra bãi tập, khu huấn luyện, nhà bàn, và trở về đều phải chạy, chạy đến mờ người vẫn phải chạy. Đã vậy, chiều về anh em vẫn phải tập họp ổn định đội ngũ, sinh hoạt học nội qui, quân phong quân kỷ, hát hùng ca, sau đó chuẩn bị ứng chiến ban đêm tại các tuyến phòng thủ A, B, C, hoặc D.
Lễ gắn Alpha |
Hết thời gian huấn nhục và sau lễ gắn Alpha, các Tân Khoá Sinh 7/68 chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan khoá 7/68 của trường Bộ Binh Thủ Đức. Lúc này, anh em bắt đầu thay phiên nhau thực tập điều hành trung đội bao gồm việc đọc nhật lệnh, điểm danh, cắt công tác, và xử lý nghiêm minh kỷ luật nội bộ của trung đội.
Tới phiên mình tập chỉ huy, Sơn áp dụng phương thức “Thi hành trước khiếu nại sau” và “pháp bất vị thân” đối với nhiều anh em cùng trung đội, trong đó Sơn đặc biệt nhớ trường hợp của SVSQ Đại Diện Đại Đội Đào hiếu Thảo, cựu xướng ngôn viên đài truyền hình băng tần số 9. Bữa đó Thảo đi công tác đại đội nhưng không báo cáo trước cho Sơn biết nên bị trung đội điểm danh báo cáo vắng mặt. Vừa nhác thấy bóng Thảo trở về trung đội, Sơn liền bắt Thảo trình diện và thi hành ngay hai chục cái hít đất, sau đó mới cho giải thích lý do. Cứ thế tới phiên anh em khác điều hành, Sơn chạy đằng trời cũng không khỏi nắng!
Ngoài việc nới lỏng việc tự quản, các SVSQ còn được phép gặp thân nhân vào cuối tuần. Tuy nhiên vì tình hình an ninh sau Tết Mậu Thân, Biệt Khu Thủ Đô và Tổng Cục Quân Huấn có lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho nên ngoại trừ một số rất ít trường hợp đi phép 24, 36, hoặc 48 do nhu cầu công tác hoặc lý do đặc biệt, các Sinh Viên Sĩ Quan khoá 7/68 chỉ được gặp thân nhân vào ban ngày. Những ngày chủ nhật nếu cắm trại, anh em được gặp thân nhân ở khu tiếp tân, nếu xả trại, anh em được cấp phép về thăm gia đình với thời gian sáng đi chiều vào trình diện.
Thế rồi vào một buổi chiều thứ bảy nọ, nhìn một vài anh em đi công tác cho đại đội được cấp phép 24 giờ thênh thang ra cổng chính, Sơn nôn nao ngồi đứng không yên. Cuối cùng, Sơn đi đến quyết định tự cấp phép về thăm Hằng. Liên tiếp mấy lần tự cấp phép như vậy tính cho đến ngày mãn khoá, Sơn đều bị Chuẩn uý Tâm, cán bộ phụ trách trung đội tống xuống phòng giam của phân đội Quân Cảnh 301. Từ đó trở đi, Sơn có biệt danh là “Sơn Tù Trưởng.”
Tháng 6 năm 1969, nhóm 7/68 KQ ra trường với cấp bậc Chuẩn Uý. Giã từ KBC 4100! Giã từ đồi Tăng Nhơn Phú! Đoàn xe GMC chở anh em từ từ lăn bánh xa dần cổng chính, nhưng Sơn vẫn còn thấy thấp thoáng hàng chữ “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” nổi bật trên nền trời....
Còn tiếp...
Kỳ tới:
Phần Ba - Học Anh Ngữ trong nước, Học Anh Ngữ ở Lackland, Khoá bay 70-40-B3, Khoá bay 70-11.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!