Monday, December 2, 2013

Chuyện Một Ngày Không Có Anh

Chuyện Một Ngày Không Có Anh

Câu Chuyện Tản Mạn

NYNH


Chủ nhật ngày đầu tiên, tháng chót, năm hai không một ba

Sáng nay, 9 giờ điện thoại nhà reo, còn đang mơ màng vì vừa đi ngủ lúc 7 giờ sáng, không muốn dậy trả lời. Điện thoại nhà ngưng reo, thì điện thoại cầm tay lại reo. Ai đây? chỉ có người trong gia đình, hay bạn bè thân thương mới gọi tôi kiểu này! Điện thoại cầm tay ngay cạnh giường nên vội dậy trả lời. Bên kia đầu giây giọng anh Khôi gởi lời chào, và văng vẳng đàng sau tiếng nói rộn ràng của các chị, không nghe ai ra ai, chỉ biết là có những người đang vui vẻ gặp nhau. Anh Khôi bảo mời chị sang ăn sáng, các anh chị đã đến rồi. Hỏi ra mới biết các quý vị này đi và đến từ tờ mờ sáng.

Dậy sửa soạn thì Cô Tư cho biết ốm vì không có thuốc. Hỏi đầu đuôi như thế nào, tại sao. Tại Lễ Tạ Ơn, tại bác sĩ nghỉ, tại không thể liên lạc được nên thuốc phải chờ đến ngày đầu tuần. Ôi sao con tôi dại thế. Lại phải gọi Kaiser để lấy tạm thuốc, đủ cho vài ngày, chờ bác sĩ cho tiếp. Gọi xong cho Kaiser thì lo cho Cô Tư, nắn chân, nắn tay, chân tay lạnh ngắt, xoa bóp khắp người để cho máu huyết lưu thông. Cô Tư toàn thân đau nhức, sờ đến đâu, đau tới đó. Đau nhưng để cho Mẹ xoa nắn vì cảm thấy đỡ hơn. Xoa nắn xong cũng đã hơn 10 giờ, chạy vội dến Kaiser San Marcos để lấy thuốc, vào đó cũng phải đợi mười lăm phút. Thầm trách Kaiser làm việc bê bối, không được hiệu quả cho lắm. Đáng lẽ lúc gọi pharmacy từ nhà, cô dược sĩ này đã phải cho vào hồ sơ và đặt thuốc sẵn cho mình đến lấy, nhưng họ không làm vậy. Thế là phải trả lời lại bằng ấy câu hỏi, bằng ấy chuyện, kể lể từ đầu câu chuyện như thế nào, tại sao cần thuốc và đứng chờ thêm mười lăm phút.

Đang lúc chờ đợi tại pharmacy, thì thấy anh chàng dược sĩ mà lúc nãy vừa lấy toa của mình, gọi nói trên loa phóng thanh. Lần đầu không hiểu gì, lần thứ hai mới nghe ra anh nói "Patient in distress in pharmacy first floor." Anh lập đi lập lại 3-4 lần. Ngoảnh nhìn về phía anh nhìn thì thấy một cậu bé mặt nhợt nhạt trắng xoá và hai người, một đàn ông, một đàn bà, không biết là anh chị hay là bố mẹ của đứa bé, đang loay hoay đứng cạnh hỏi han. Trong vòng một phút, bốn bác sĩ, năm cô y tá, một người orderly, phụ y-tá, và một anh bảo vệ lần lượt chạy vào. Người mang xe lăn, ngời mang bình oxy, người mang emergency medical bag. Người bác sĩ đầu tiên quan sát và khám mặt mũi, bắt cậu bé há mồm, thở ra thở vô để nghe tim phổi. Rồi Ông cho cậu bé nằm dài ra trên hai ba cái ghế. Một cô y tá thì lo đo huyết áp, một cô thì cặp máy đo oxy vào tay. Thấy đội ngũ y khoa này làm việc, tôi thấy nếu ai có biến chứng gì trong khu y viện này chắc an tâm vì "you are in good hands."

Lấy được xong toa thuốc, chạy đấn nhà anh chị Khôi, ghé vội vào. Ở đó sáng nay đã có anh chị Khanh, anh chị Nguyên và anh chị Biên. Các anh chị đã đến và đã ăn xong. Chị Khanh làm cho một tô bún bò. Tôi ngồi vào bàn ăn thì câu chuyện của ngày hôm đó lúc đầu xoay quanh chuyện anh Chính về Việt Nam. Anh Khôi nhắc là sao tôi dám cho cọp về rừng. Tôi không biết trả lời sao cho đúng nhưng nghĩ trong đầu, nếu cọp muốn về rừng thì làm cách chi cũng không cản được. Làm chi việc vô ích.

Ăn xong, chị Nguyên xoay ra karaoke. Chị Khôi loay hoay sửa soạn máy. Chị Nguyên hát rồi chị Tầm hát, rồi chị Khôi hát. Chị Tầm được các anh chị công nhận là ca sĩ chuẩn của khoá 7/68. Anh Khôi cũng hát, tôi không biết bài này. Tuy nhiên nghe bài tình ca này cũng mùi mẫn và nghe anh hát thì biết anh đang gởi hồn cho em nào đó mà tôi nghĩ nếu không lầm là chị Khôi.

Anh Khôi đang hát Chị Nguyên đến cạnh tôi nói nhỏ "Kỳ họp mặt khoá sắp tới này sẽ có hai ca sĩ mới: Ông Khôi và Ông Chính. Hai ông ca sĩ này hát được lắm." Chị nói vậy. Chị đâu có biết là hôm trước hát ở nhà tôi, chị có nhắn nhỏ anh Chính có 1-2 chỗ hát hơi sai làm ông ấy cụt hứng. Hôm đó tôi giới thiệu anh Chính hát bài "Một ngày không có em" - môt bài mà tôi nghe anh ấy hát hoài ở nhà và tôi chấm là nghe anh hát có hồn, nghe mùi não ruột. Từ ngày Chị Nguyên nói vậy, ông chồng yêu quý của tôi hình như không hát bài đó nữa. Như vậy không biết là khi họp mặt ông ấy có chịu hát không?

Ăn xong một ít lâu, thì chuông điện thoại reo, anh Chi Tầm sắp đến rồi, đang ở đầu ngõ. Ngõ nào tôi không biết, nhưng chắc cũng rất gần vì vài phút sau hai anh chị và chị Luật xuất hiện. Mấy chị em tay bắt mặt mừng hỏi thăm chuyện của nhau. Không thấy anh Luật, tôi hỏi. Mấy hôm nay lễ lộc, tiệc tùng liên tiếp mấy ngày anh Luật ăn chơi quá độ, bây giờ cần nghỉ ngơi. Còn Chị Tầm mang vào nhà một chai nhìn ngoài thì là chai cream hazelnut để trộn vào cà phê làm cà phê sửa - thực tế đây là một chai cà phê sữa chính chị pha, đem từ nhà đến, gói ghém với bao tình cảm ân cần. Chị rót ra cho mỗi người một ít. Cà phê của chị pha ngon. Chị Tầm nói cà phê pha công phu nhỉ từng giọt, pha hơi lâu. Các anh chị khen. Tôi mới nhắc là nhà chị Tầm xưa ở Việt Nam là gốc cô nàng cà phê. Tôi ở lại gần một tiếng rồi xin cáo các anh chị để về đưa thuốc cho con gái uống. Chị Nguyên chạy vội theo, ra xe mang vào một bịch đồ ăn mua từ quận Cam. Chị chia cho một bao pâté chaud mang về cho con gái ăn.

Về đến nhà, Cô Tư, đầu nóng bừng, đang ngủ vùi trong chăn. Tôi nhắc con dậy ăn rồi uống thuốc. Lại làm một màn massage từ trên xuống dưới, massage chân, lòng bàn chân, tay, lòng bàn tay, lưng, chạy dọc theo đốt xương sống, đầu, cổ... Xong lại cho con chó tên Star ra ngoài sân cho nó chạy nhảy một ít. Hôm nay chắc ở trong nhà nhiều, Star có vẻ bực bội, cái gì trên sàn đều lượm, gặm nhai tuốt hết. Trong khi chờ Star ngoài vườn, tôi xoay ra rửa cái thùng rác. Thùng rác đã lâu chưa rửa nên dơ và hôi. Định rửa cả mấy tháng nay mà lúc nào cũng có chuyện làm. Hôm nay chồng đi vắng, con ốm, ngày lễ thôi thì rửa đi. Thứ bảy đã bỏ nước vào để ngâm cho những đất cát, bụi bậm, rác rưởi mềm ra để rửa cho lẹ. Dùng cái cây lau nhà cũ kỹ mà tôi sẽ cho về hưu sau chuyến này, tôi kỳ cọ mãi. Lại thêm một cây cọc bự để chà cho ra nhừng chỗ bấn đóng cứng. Đứng rửa khá lâu, kỳ cọ, đổ nước ra, cho nước vào, lại kỳ cọ nữa. Việc hơi khê, không sạch một trăm phần trăm nhưng ít ra chín mươi chín phần trăm những bụi bùn bám vào thành, đáy và nắp của thùng rác cũng đã được giải phóng.

Trời nắng chói nóng bỏng trên vai tôi. Hôm nay tôi mặc chiếc áo mới mua trên mạng. Cũng nhờ ông chồng yêu quý đi vắng, không biết gì làm, lên mạng order một lô áo quần. Chiếc áo này không dài tay nhưng không ngắn tay. Tôi thích những áo tay ba phần tư này vì lẽ mình không được cao mấy, tay không dài mấy, mặc kiểu áo tay này rất là hạp. Tôi mặc nó hôm nay vì là mùa đông, tôi nghĩ ngoài trời sẽ hơi lành lạnh. Ai ngờ 82 độ Ép-phờ. Tháng 12, 82 độ, mùa đông của tôi đi đâu mất rồi!

Rửa xong thùng rác, để cho nó khô. Cho Star vào nhà. Len xem hai cô con gái yêu và dặn dò Cô Năm chăm sóc cho Cô Tư. Tôi lại rời nhà ra Costco để lấy mấy tấm hình gởi rửa hôm qua. Hình này chụp tháng trước lúc Anh Chị Tầm và Anh Chị Nguyên xuống chơi thăm Anh Chị Khôi và chúng tôi bốn cặp ra bờ biển Torrey Pines gần nhà đi dạo và chụp hình. Tôi chuyển lên và đặt in hình từ thứ sáu. Costco 1-hour - hình rửa trong vòng một giờ - nói vậy mà không phải vậy. Gửi vào để rửa từ hôm trước mãi đến trưa hôm sau mới được lấy. Tôi muốn rửa thử để xem màu mè như thế nào. Mấy lần rửa ở CVS màu không được tươi lắm nên tôi hơi ớn và không có tin tưởng nhiều vào những hệ thống rửa này.

Thứ bảy định đi xem thử rồi đặt hình tiếp cho kịp sáng chủ nhật, mang làm quà cho các anh Chị. Tính cho nhiều cũng không đi tới đâu. Định ra khỏi nhà khoảng 12 giờ, Giục con gái, cô Năm mãi. Tới giờ thứ 24, Cô ấy quyết định là phải tắm rửa. Việc tắm của cô ấy làm cho tôi chậm trễ 40 phút. Thế là bác việc đi Costco xem hình. 12 giờ 40 ra khỏi nhà, chạy thẳng đến nhà dưỡng lão đón mẹ tôi và cùng đưa bà ấy xuống thăm Bà Ngoại của tôi và các cô cậu bên mẹ tôi ở nhà cô tôi.

Đến nơi các cô các cậu và hai người em con cô con dì với tôi đã có mặt từ bao giờ. Mọi người vừa ăn xong. Tôi và mẹ tôi lại vào ngồi ăn tiếp. Các câu chuyện xoay quanh nhiều vấn đề. Chuyện thứ nhất vẫn là chuyện anh chồng của tôi đang được về ở chơi Việt Nam. Mọi người lo cho tôi sao dám cho chồng đi. Rồi đến chuyện đánh bài casino, nhà mẹ tôi có nhiều người thích đỏ đen, nên là đề tài dễ nói và được nói đến nhiều.

Đến chuyện già cả bệnh tât. Ông cậu, em của Mẹ bị chấn mạch não đã lâu, giờ nằm trong nhà dưỡng lão, đang có triệu chứng đầu óc bất thường. Bố tôi cũng bị chấn mạch não đầu, đã ở trong nhà dưỡng lão hơn năm năm nay. Bố tôi lúc trước khi bị bệnh, rất là nóng tánh, cao ngạo, nhiều tự ái - thế mà từ ngày ông bị bệnh, một phần ông không nói được nên ông không la hét, hay không thể la hét nếu bực bội. Tôi cám ơn Trời cho Ông được bình an, chấp nhận cuộc sống như thế, trong nhà già quanh năm. Một năm vài ngày lễ chính Noel, Thanksgiving, Father's Day, Mother's Day, Labor Day... tôi đưa ông về ăn uống và gặp gỡ con cháu họ hàng. Tuy nhiên đó là rất ít so với những ngày ông ở trong viện dưỡng lão.

Mẹ tôi hàng ngày vào thăm và chăm sóc cho Ông. Bà giao tiếp, xin xỏ, giành giật sao được ít đất trong khuôn viên của nhà dưỡng lão. Bà trồng xu hào, cà chua, rau thơm, bắp xú. Khi có rau có trái, Bà gặt hái và mang vào cho nhà bếp để họ làm cho mọi người ăn. Cám ơn người phụ trách sinh hoạt nơi này đã cho Mẹ tôi có mảnh đất con con để Bà quậy cho có việc cho vui.

Chuyện các cháu bé, thế hệ thứ tư tính từ bà tôi trở xuống. Chuyện ông này bà kia. Đây là dịp cho tôi cập nhật tin tức gia đình. Ngồi chơi đến 3 giờ tôi lại cáo từ đi về để còn qua Costco xem thử cái hình. Hình rửa đẹp và màu như ý muốn. Tôi tính nhẩm trong đầu 1-hour, một giờ. Bấy giờ là gần bốn giờ, 6 giờ rưỡi Costco đóng cửa. Tôi đặt hình bây giờ thì cũng còn hơn 2 giờ nữa cửa tiệm mới đóng cửa - chắc chắn sẽ có hình để mai đem biếu các anh chi khoá 7/68. Tính thế mà không phải thế. Đặt hình xong, máy vi tính thông báo là 1 giờ ngày hôm sau, hình mới được. Gọi Costco than phiền thì cô Kara, nhân viên khâu hình rửa lấy liền bảo là giờ lấy hình là tuỳ theo số lượng hình Costco nhận rửa, không hẳn là 1 giờ. Thế có chán không? Đó là tại sao tôi phải đến Costco chủ nhật để lấy hình.

Trở lại nhà Anh Chị Khôi. thấy có thêm khách mới, không biết rõ ai là ai vì không ai giới thiệu ai với ai. Chỉ đoán là bạn nhà thờ - ca đoàn với Anh Chị. Mọi người lại chuẩn bị ăn tiếp. Kỳ này có bún chả, bún riêu, bánh ướt với giò chả. Chị Biên có vẻ tay nghề bếp cao cấp. Tôi được trao nhiệm vụ sửa lại nước mắm bằng cách cho tỏi, thêm đường, thêm chanh sao cho ngon. Trong lúc tôi đang làm tỏi, Chị Hằng hay Chị Nga hỏi và chép xuống cách thức làm bánh bèo của chị Biên. Tôi muốn ghi lắm mà bận làm nước mắm. Một lát lại đến đậu phọng da cá mà lúc đầu viết bài này tôi không nhớ tên. Đối với tôi đây là món thèo lèo cứt chuột, nguồn gốc tên này hư thực ra sao, tại sao lại có cái tên quá ư là kêu thì tôi không biết. Lại một màn các chị ghi chép. Tôi vội hỏi mượn Anh Khôi cái máy vi tính. Máy của anh lúc bây giờ cháu trai đang dùng. Anh mang cho tôi cái Ipad. Chưa dùng cái này nhiều cũng không biết rõ như thế nào. May là anh ấy có mở sẳn cái tài khoản email của anh ấy. Đáng lẽ tôi phải dùng tài khoản của tôi, nhưng đây chắc là cách hay nhất, nhanh nhất - thôi thì tôi cứ gởi từ tài khoản của Anh Khôi vậy. Mở một thư mới, đánh vội cách thức làm đậu phọng rang ngọt và gửi cho chị Luật và chị Khanh.

Xong màn đó, mọi người lại ăn, rồi dọn dẹp rồi Chị Tầm và Chị Nguyên karaoke một tí. Gần 3 giờ đến giờ chị Tầm phải đi chạy show, phải về quận Cam, để tập dượt văn nghệ. Chị Khôi mang ra mấy chậu poinsettia, một đặc sản của nam Cali, cây với hoa lá đỏ đặc biệt cho mùa Giáng Sinh. Poinsettia là loại cây xuất phát từ Mễ Tây Cơ. Người Mễ dùng cây này làm màu và thuốc hạ hoả. Tục truyền rằng vào khoảng thế kỷ thứ mười sáu, một em bé Mễ nghèo không có gì để dâng hiến cho Chúa Giê-Su trong dịp lễ Giáng Sinh. Cô bé này được thiên thần hướng dẫn gom góp cây cỏ dại ven đường cống hiến lên bàn thờ Chúa. Các cây cỏ dại này nở bông đỏ rực rỡ và đó là sự tích poinsettia và từ đó vào dịp Giáng Sinh cây này được trưng dụng trong nhà thờ.

Tại Mỹ, gia đình Ecke, một gia đình nông dân người Đức đến định cư tại vùng đất "Thiên Thần" vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Albert Ecke bắt đầu bán loại cây này ở các quán bên đường. Paul Ecke, thế hệ thứ hai gia đình Ecke, phát hiện ra cách ghép cây. Ông ghép hai loại poinsettia vào một cây, làm cho cây nở rộ, dầy đặc, màu sắc đẹp hơn cây thường. Paul Ecke Jr, thế hệ thứ ba, là người làm cho cây poinsettia trở thành cây của mùa Giáng Sinh. Ông gởi cây tặng không cho các đài truyền hình và các chương trình có tiếng như Bob Hope, Tonight show để trưng bày vào mùa Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh. Gia đình Ecke độc quyền bán cây này cho đến năm 1990, một học giả gốc Á Châu viết về bí quyết ghép cây giúp cho các nước nam mỹ trồng và sống với nghề này.

Mấy cây hoa lá đỏ này được các chị xúm lại cột nơ đỏ. Chị Khôi tặng cho mỗi gia đình một chậu mang về, để nhớ nhau trong những ngày lễ sắp tới. Rồi lại chụp hình, chụp tới, chụp lui, bắt cậu út của Anh Khôi làm phó nhòm. Mọi người giao cho Út Kha máy hình. Thế là cháu bấm máy mệt nghỉ.

Về đến nhà, thấy con ốm, phòng bừa bộn, ghét quá, mang hết quần áo, chất vào phòng giặt, thay luôn drap giường, chăn chiếu. Tối nay, tổng dọn dẹp, lôi hết quần áo, drap giường và chăn trong phòng con ra. Một đống đồ, không biết giặt đến bao giờ mới hết. Bắt đầu giặt một lố, vẫn chưa xong, Chắc giặt sáng đêm cho có việc để làm để hết một ngày không có Anh.

NYNH




3 comments:

  1. Cám ơn chị Vân Anh đã chia xẻ câu chuyện một ngày trong gia đình khi "anh Vân Anh" đi vắng.
    Những việc của bà nội trợ Việt Nam dù không tên không số nhưng luôn có thật; cả scheduled lẫn "unscheduled".
    "Bọn" unscheduled cứ "pop out" hàng ngày, hàng giờ làm rối đám scheduled gây ra traffic jam, build up, clog up
    Với đám đực rựa như tụi tui mà gặp tình trạng này thì chỉ còn cách ... đi nhậu cho ... quên cơn rối!!!
    Càng thấy mình dở, càng thấy các bà giỏi.
    Chừng đó việc trong một ngày, chừng đó người đã gặp, chừng đó tình huống phải đối phó, chừng đó nụ cười, chừng đó căng thẳng, chừng đó suy tưởng, chừng đó vân vân và vân vân được ngòi bút Vân Anh viết một lèo (tôi tin như vậy) cách dễ dàng, thoải mái, bình dị như nụ cười bình dị thoải mái tôi vẫn được thấy mỗi khi gặp chị.
    Cám ơn chị Vân Anh biết mấy, nhất là mấy điều sau đây (quý bà khác nên lưu ý và áp dụng): Lần đầu tiên được nghe một phu nhơn K7/68KQ chúng ta ví chồng mình với cọp; bạn TVChính của tui có quyền hãnh diện lớn vì theo tui biết, hầu hết đám đực rựa tụi chỉ được ví với ... "dê" không mà thôi, tên nào "đẳng cấp" lắm chỉ được gọi là ""dê xồm" hay "dê chúa" là cùng (muốn tui nêu vài cái tên để ... minh hoạ không?) Ha ha ha, có nhiều ông bạn quý của tui nhấp nha nhấp nhổm, ngày mai phone nhà, cell phone reo inh ỏi, rộn ràng: Bạn bè gọi trước là mắng mỏ sau thì ..."bỏ nhỏ





























































































































    mời đi uống cà phê trám miệng!!

    Một ngày không có anh ... xớ rớ, quờ quạng, làm rộn, quấy rầy, đang khi lửa cháy cơm sôi...bên cạnh, em làm được khối việc.

    "Thấy chưa"????

    Các chị nên ra tuyên bố: Cho mấy cha nội vô tích sự này về VN một tháng.
    Một lần nữa cám ơn "Chính Phu Nhân, Chị Vân Anh Thân Mến", rất mong được đọc thêm "chuyện đọc như nghe kể" của chị

    Trần-Công Anh-Dũng

    ReplyDelete
  2. Ới Ông Lão Tà Tà Blog Chủ ơi

    Xin ông xem và "fix" dùm cái comment của em, sao khi không nó bị chia làm hai đoạn cách nhau cả cây số vầy nè! Hu hu

    Đa tạ

    TCADung~

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!