Trần-Công Anh-DũngTặng các “đối thủ” Tuệ-Châu, Tuệ-Quân, Tuệ Quang của bố Gia đình tôi qua Mỹ vào giữa mùa Hè 1993 theo chương trình H.O. và được định cư ở Orange County, tiểu bang California. Theo hướng dẫn của anh em bạn bè đi trước, chúng tôi thuê một căn apartment thuộc City of Westminster trong vùng ven biên của Little Saigon. Cũng như những gia đình cùng “trang lứa” khác, mỗi ngày một chút, chúng tôi vừa hăng hái vừa thận trọng làm quen với cuộc sống ở một nơi mình sẽ nhận làm quê hương mới. Trong các “tiết mục” đa dạng của cuộc sống mới trên xứ Cờ Hoa thì đi chợ là một “loại hình sinh hoạt” vừa thiết yếu vừa hào hứng và đầy... xúc cảm! Buổi đầu chưa có xe chúng tôi phải đi bằng xe bus để đến ngôi chợ gần nhà nhất. Lội bộ từ khu apartment ra trạm xe bus là một block đường hơn nửa cây số, ngôì xe 5 block đường thì đến nơi. Xuống xe băng qua đường một lần thì vào tới khu chợ. Chỉ có việc dắt vợ và ba đứa con tuổi choai choai băng qua đường khi tất cả các xe cộ đều ngừng vì đèn đỏ mà tôi không thể ngăn mình khỏi nhớn nhác, dáo dác trông chừng tứ phương, hối hả như hành quân qua địa bàn trống trải và có nguy cơ thình lình bị địch... pháo kích! Biết làm sao bây giờ! Tôi đã được sinh ra, lớn lên cùng với hơn 20 năm điêu linh vì chiến tranh không ngừng trên một quê hương đầy rẫy hầm hố chông mìn, bom đạn; rồi đi vào cuộc chiến đương đầu với những hiểm nguy rình rập hàng ngày. Đến ngay cả khi cuộc chiến đã qua đi thì trong cuộc sống đời thường người dân vẫn phải đối diện với dẫy đầy bất trắc, nguy hiểm, áp bức và đau thương.
Những lần đầu vào chợ, dù là chợ cỡ trung bình như chợ Phát Tài dạo xưa ở góc đường Westminster và Magnolia, tôi cũng thấy là chợ quá lớn dưới mắt mình, trong đó lại “trùng trùng điệp điệp” những dãy kệ bày hàng. Người đi chợ thì đông tuy hầu hết là đồng hương cả mà đâu có ai quen! Tôi nơm nớp lo ngại rằng nếu không cẩn thận thì vợ chồng con cái chúng tôi sẽ bị lạc nhau chẳng biết làm sao... đoàn tụ được; không khéo lại phải làm rộn đến Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc một lần nữa! Vì vậy mỗi khi vào trong chợ, vợ chồng tôi luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng! Tôi chỉ huy khai triển ngay một đội hình không thay đổi: Một hàng dọc, hai vợ chồng ở hai đầu, ba đứa con đi giữa. Chúng tôi di chuyển như thế từ dãy kệ này sang dãy kệ khác bất kể chợ vắng hay đông người. Mỗi khi một người trong gia đình có nhu cầu ngắm nghiá hoặc chọn lựa món hàng nào là “toàn ban” phải ngừng lại chờ. Do vậy một lần đi chợ kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ là thường. Được cái là mới qua còn có nhiều thì giờ rảnh rỗi nên không có gì trở ngại cả. Cách thức chúng tôi di chuyển chắc làm nhiều người đi chợ cùng buổi khó chịu khi họ phải lách qua đội hình dài ngoằng của chúng tôi, nhất là khi món hàng họ đang tìm kiếm đang nằm trong dãy kệ mà chúng tôi đang... án ngữ! Đứa con gái lớn 15 tuổi của chúng tôi đọc thấy sự khó chịu đó nên đã phàn nàn với tôi là không nên bắt cả nhà chơi “rồng rắn lên mây” ở trong chợ. Thật tình mà nói nhìn cách gia đình chúng tôi di chuyển trong chợ, người ta có thể liên tưởng ngay đến một nhóm đồng bào thiểu số ở cao nguyên Trung Phần đi đâu cũng đi thành hàng một. Khổ thay! Cho đến lúc bâý giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra được giải pháp nào “iu việt” hơn giải pháp “đội hình” nên tôi đành khỏa lấp rằng như thế “chúng ta đã đem được chút hình ảnh... nóng hổi từ cao nguyên quê nhà đến những ngưòi đồng hương đã bao năm xa lìa tổ quốc!”.
Cũng xin nói thêm chút ít về hành trình xa lià tổ quốc của chúng tôi theo sự xếp đặt của cơ quan Di Trú Quốc Tế (International Organization of Migration) gọi tắt là I.O.M. Sau những thủ tục ngăn chặn, “cách ly” vừa căng thẳng vừa kém văn hoá đến “bước” kiểm soát lằng nhằng tỉ mỉ và thắt ngặt một cách ngớ ngẩn điều hành bởi các viên chức của nhà nước... iu việt tại trạm hàng không phi trường Tân Sơn Nhất chúng tôi được gặp các nhân viên của I.O.M. Những người không iu việt này vui vẻ chào đón, chúc mừng, dặn dò trao giấy tờ và tặng mỗi người một túi quà đi đường trước khi chúng tôi lên máy bay của hàng không Việt Nam. Máy bay cất cánh từ Saigon khi trời vừa tối; các con tôi 15, 12 và 10 tuổi bước vào cuộc hành trình đầu đời ra khỏi “lũy tre xanh” mà lại là hành trình gần 30 tiếng đồng hồ bay liên lục địa từ Saigon qua Singapore rồi Hongkong đến Los Angeles! Vừa căng thẳng vì các thủ tục, vừa mệt mỏi vì xách mang lếch thếch với ba lần gấp rút đổi máy bay, các con tôi đã riu ríu tuân theo những “chỉ thị” nghiêm ngặt của tôi. Giờ đây sau hai tuần... định cư chúng đã hoàn hồn và “lấy lại bản sắc” để bộc lộ sự khó chịu và phản ứng với cách di chuyển do tôi áp đặt đầy gò bó và khác người của gia đình chúng tôi trong chợ. Thấy được niềm tin của “đơn vị” vào “lãnh đạo” là tôi có vẻ dao động, lung lay tôi vội tìm cách trấn an, củng cố bằng cách cọp dê theo các bài học chiến thuật ở quân trường để loè ba đứa con, đặt tên cho cách di chuyển đó là “đội hình... mũi tên…mẹ đi trước” phóng tác từ “Đội Hình Tam Giác Mũi Đi Trước” trích ra từ binh thư học trong các quân trường Quang Trung, Thủ Đức; (xin hỏi quý đồng thuyền đồng hội H.O. còn nhớ bài học tiểu đội di hành này không? Xin gửi đến quý vị và quý quyến câu chúc an lành và lời chào thân kính). Bất kể cách giải thích quân sự hoá của tôi hùng hồn, đanh thép lại vừa ôn tồn thuyết phục đến đâu, “đội hình mũi tên” của tôi chỉ tồn tại đến lần đi chợ thứ tư. Các con tôi láu lỉnh hơn tôi hồi nhỏ nhiều; chúng làm đủ mọi cách... bất bạo động để tôi phải thay đổi “chính sách”. Thoạt đầu một đứa giả vờ mân mê một món hàng vớ vẩn nào đó mà nó biết chắc là tụi tôi không đủ sức mua, con bé làm bộ câu giờ năn nỉ ỉ ôi. Hai đứa kia cao giọng phụ họa, đứa tán vào làm bộ xin dùm chị; đứa bàn ra giả vờ can ngăn em. Chúng ông ổng như loa phát thanh công cộng rằng gia đình mình mới nhập cư, còn phải lãnh trợ cấp xã hội không nên đòi mua những thứ đắt tiền như vậy hay là bố mẹ mua cho nó đi, tuần sau mình lãnh food stamp rồi v.v...; những... hội thảo gây bối rối và inh ỏi như vậy gây thành một cái... chợ nhỏ ngay trong cái chợ thật. Khi tôi sốt ruột thúc dục hoặc vội vã phủ quyết thì cả ba đứa lập tức đồng ca rằng: “Các thành viên trong gia đình phải tôn trọng ý kiến của nhau”. Câu này chúng bảo là trích dẫn từ lời thuyết trình của viên chức cán sự xã hội ngày tụi tôi vừa mới đến Mỹ được hai ba hôm mà khi họ nói thì tôi mắc... ngủ gật. Quả tình là mấy ngày mới đến California do còn quen giấc ỏ quê nhà, trong lúc nghe thuyết trình “Welcome to America” của Sở Xã Hội tôi có vật vờ ngủ thật! Lũ nhóc con tôi rất có thể đã không bỏ lỡ cơ hội “ê đit” lại những lời dặn dò đó theo chiều hướng có lơị cho... kháng nghị của chúng! Dâù sao thận trọng bao giờ cũng hơn, tôi mới nhập “Mỹ gia” thì phải tùy “Mỹ tục”; không muốn có chuyện rắc rối với những người đại diện nhà nước tôi đành phải tạm nhịn ba đứa trẻ con này. Tôi hít một hơi thật dài lôi kéo nỗi bực tức từ đống tim gan phèo phổi đang đảo lộn trong người của một “đấng” gia trưởng ém xuống... đan điền (?!) rồi tươi cười hạ giọng, ôn tồn giải thích, điều đình trên tinh thần tôn trọng ý kiến của... đối phương và nhất là thượng tôn pháp luật! Qua dãy hàng kế tiếp đến, đến phiên một đứa khác thủ vai xin mua vớ vẩn để khơi mào, hai đúa kia lại bàn lại tán. Không biết lũ nhóc tì láu cá này học lóm binh pháp ở đâu mà biết dùng xa luân chiến đổi vai cho nhau để lấy đông thắng ít, lấy khỏe thắng mệt mà đối phó với tôi! Tôi cố nuốt giận giả vờ như không nghe thấy gì và kiên nhẫn... chịu trận! Tuy vậy đáng sợ hơn cả là cái màn giả bộ cãi nhau inh ỏi ngay giữa chợ. Cả ba đứa thay nhau gào to những chữ tôi thường hạ giọng nói vừa đủ nghe rằng là phải chờ nhau không thôi thì... lạc và bị bắt cóc, phải nhờ Liên Hiệp Quốc đi tìm , phải duy trì đội hình mũi tên mẹ đi trước, phải di hành theo binh thư bố đã học ở quân trường Quang Trung, Thủ Đức, v.v... Tôi tuy thuộc loại lì nhưng cũng phải “quê” trước những đòn tâm lý đáng sợ đó. Vợ chồng tôi đành phải thả cho ba đứa nhỏ đi tự do trong chợ. Tôi “bỏ cuộc chơi”… shopping để dõi mắt trông chừng ba đứa con; chả biết chúng đồng mưu với nhau từ lúc nào mà khi vừa có lệnh “xả trại” là chúng túa ra ba hướng khác nhau báo hại tôi phaỉ đôn đáo, dáo dác nhìn theo tứ phiá như gà đang cơn mắc đẻ mà bị ai giấu mất ổ rơm! Sau cùng tôi chỉ còn cách ra đứng ngay ở cửa chợ “đón lõng” để ngăn chặn không cho con mình dù cố tình hay vô ý đi ra khỏi chợ; đợi như thế cho đến khi cuộc đi chợ của gia đình... viên mãn, vợ tôi trả tiền xong đẩy xe ra trấn thủ ở... “vọng gác” đổi phiên cho tôi để tôi “hành quân lục soát” trong chợ tóm cổ ba tên thuộc cấp thích rong chơi ra cửa chợ để tập họp, điểm quân số và phân công “tải” lương thực, thực phẩm... “di hành về doanh trại”! Bận về tôi không cần phải ậm ọe hoặc dỗ dành ba đứa trẻ “bất phục tùng” chúng cũng tự động đi theo một hàng dọc, có điều đứa này cách xa đứa kia “tuỳ hỉ” theo sức nặng các túi thực phẩm mỗi đứa phải xách. Cũng may khi băng qua địa bàn trống trải có thể bi địch pháo kich -- ủa nói lộn – khi băng qua đường để đến trạm xe bus các con tôi cũng biết là không nên... giỡn mặt với xe cộ nên các lần băng qua đường dù nhiều gấp đôi bận đi mà lại còn phải “tải” nặng, đơn vị của chúng tôi luôn được hoàn toàn vô sự. Ít lâu sau các con tôi vào niên học đầu tiên trên đất Mỹ. Việc học hành, bài vở, bạn bè giữ chúng ở nhà thay vì đi theo cha mẹ; vả lại, chúng tôi cũng đã “tậu” được một chiếc xe hơi “cũ người mới ta” nên vợ chồng tôi đi chợ với nhau, không cần đem theo ba nàng “sơn nữ” nhỏ để “gùi” thực phẩm về nữa. Nhưng quan trọng hơn hết, có một nguyên nhân sâu kín khiến tôi phải để lũ trẻ ở nhà khi chúng tôi đi chợ dù lúc nào tôi cũng muốn có chúng ở bên cạnh. Điều bí mật ấy tôi đào sâu chôn chặt trong lòng; một mình mình biết, một mình mình hay trong biết bao năm dài, và chỉ được tôi “bạch hoá”, “giải mật” cho... vợ con tôi biết vào dịp gia đình chúng tôi kỷ niệm 10 năm định cư trên đất Mỹ.
Số là lúc bấy giờ, sau hơn một tháng được bà con, bạn bè giúp đỡ chở đi chỗ này chỗ khác làm giấy tờ khám sức khỏe v.v..., giai đoạn tự lập bắt đầu. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của một ông bạn cùng khoá Không Quân qua trước mươi năm, tôi mua được một chiếc xe rất tốt dù được sản xuất từ năm vợ tôi sinh đưá con thứ nhì. Ông bà mình có câu “trâu chậm uống nước đục”, theo tôi không phải bao giờ cũng thế, tôi qua khỏi kỳ đi thi viết để lấy bằng lái một cách dễ dàng với số điểm khá cao nhờ trước khi thi đã được học “đề” qua 4 bộ bài thi cũ được một ông bạn đồng hương mới quen trong xóm đem sang thân tặng. Nếu không có người đi trước cho “đề tủ” tôi làm sao đọc hiểu hàng trăm câu tiếng Mỹ mà trả lời! Kế đến một đứa cháu lớn lên trên đất Mỹ, đem tôi đi tập lái ba bốn lần trên những đường vắng trong các xóm gia cư rồi... bò dần ra những đường nhiều xe cộ hơn và sau cùng đã đưa tôi “lai kinh” DMV ứng thí để thi thực hành lấy bằng lái xe. Thi lái xe thì không cách gì có “đề tủ” nữa. Lộ trình cuộc thi không được biết trước, gần đến ngã ba ngã tư ‘khảo quan” mới cho lệnh quẹo trái, quẹo phải hay đi thẳng, bí mật hơn cả hành quân biệt kích.. Tôi thi đến lần thứ ba mới đậu với số điểm tối thiểu! Người chấm đậu cho tôi trong lần thi thứ ba là một người da trắng, hơn tôi khoảng 5 tuổi có vẻ đã ở trong nghề rất lâu năm, ông ta hẳn là một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành vì trong khi tôi lái xe, ông ngồi một bên thỉnh thoảng lại kêu Oh! My God! Khi về tới sân đậu xe của DMV ông dặn tôi vội vã rằng tôi cần phải tập lái thêm rất nhiều, ngẫm nghĩ mãi tôi mới đoán ra được rằng ông cho tôi đậu vì không muốn cái rủi ro là ông có thể phải ngồi lên xe tôi lái để chấm thi cho tôi lần nữa. Tôi kêu vói theo để cám ơn khi ông đã vội vàng đi thẳng vào... restroom. Lời dặn dò của “ân sư” Mỹ trắng DMV cứ vang vọng trong tai mỗi khi tôi lái xe. Tôi sợ nhất là phải đổi lane trên những đường đông xe cộ; trước khi đi đâu tôi xem bản đồ cẩn thận vẽ ra lộ trình chỉ lái xe “tử thủ” ở lane trong cùng gần lề đường nhất. Cũng may dạo đó xăng chỉ có độ 1.10 dollar một gallon, đường xá ở đây lại vuông vức như bàn cờ tướng nên khi cần quẹo trái ở một ngã tư tôi không đắn đo cứ việc chạy thẳng rồi rẽ phải 3 lần liên tiếp thì... chui ra đúng hướng mình muốn đi mà không cần phải đổi lane hoặc rẽ trái. Dạo đó mỗi khi có việc phải đi đâu tôi chỉ lái xe đi một mình, vợ chồng bịn rịn chia tay nhau ở chỗ đậu xe “em ở lại nhà, em ơi! Em ở lại nhà...” còn ba đứa con dại không thể thiếu cả cha lẫn mẹ! “Con Nhớn, con Nhỡ, con Nhỏ! Không, Em phải sống!” Cũng có những việc phải đi cả hai vợ chồng như đám cưới đám hỏi tụi tôi đành phải... liều chết ngồi chung xe! Những khi đó tôi dặn vợ tôi thay thế ân sư Mỹ Trắng van xin cầu khẩn liên hồi. Người phụ nữ của tôi tuy không kêu được Oh! My God... ròn rã như “ân sư” nhưng bù lại lời nàng van cầu rất thành khẩn, giọng nàng nghe rất tội nghiệp hệt như tiếng kêu van từ vực sâu. Có lẽ nhờ thế nên tụi tôi mới được... sinh tồn cho đến ngày nay. Như vậy đó! Lúc bấy giờ tôi lái xe đã vững chút nào đâu mà dám chở cả gia đình trên xe; lỡ có chuyện gì chết chùm cả đám thì lấy ai nối tiếp việc tế tự cúng giỗ tổ tiên hàng năm, kể cả cúng giỗ hai vợ chồng H.O. tụi tôi sau khi chuyện “lỡ có gì” nói trên xảy ra thật! Giấy rách cũng phải giữ lấy lề, sống ly hương lại càng cần phải bảo tồn văn hoá dân tộc mà việc giữ gìn hương hỏa là tối quan trọng.
Khi các con tôi không còn ríu rít lăng quăng “trêu ngươi” bố mẹ trong chợ thì cái đội hình mũi tên đã xong màn diễn của nó trong vở trường kịch “Gia Đình Tôi Trên Đất Mỹ”, bây giờ chỉ còn hai vợ chồng đi chợ với nhau. Các con tôi nay đã trưởng thành rồi, đứa nhỏ nhất cũng đã học xong và đi làm từ ba năm nay. Chúng đã túa ra ba hướng khác nhau trên đường học vấn và rồi ba hướng khác nữa trên đường đờì mà tôi tin rằng sẽ được quang đãng phẳng phiu, khác hẳn con đường đầy chông gai hầm hố cha mẹ chúng đã phải trải qua. Làm cha mẹ có lẽ ai cũng chỉ mong con mình thâu đạt được những điều như vậy. Bằng suy nghĩ của lý trí tôi không “cầm lên” gì về các con tôi, vậy mà thấp thoáng trong tình cảm lắm lúc tôi cứ thấy nuối tiếc những ngày đầu lơ ngơ, lớ ngớ đi chợ trên đất Mỹ với ba đứa con thơ dại.
Khi chỉ còn hai vợ chồng đi chợ với nhau, chúng tôi đương nhiên là “Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Mua Sắm” của gia đình, quyền hạn ngang nhau. Khi nào cả hai không thỏa thuận đươc điều gì thì sẽ dùng một đồng penny, (là thứ chắc chắn lúc nào cũng có trong túi) chơi sấp ngửa xem ai được quyền quyết định. Ngoài ra tôi đươc giao thêm vài trách nhiệm quan trọng khác và được vợ tôi long trọng gọi tên là Ngoại-vụ và Hối-đoái Trừ các loại rau trái, cá thịt phơi bày hiển nhiên còn lại hầu hết các mặt hàng khác đều được đóng chai, bao gói in bên ngoài toàn chữ Mỹ; công tác “Ngoại-vụ” của tôi là phải dịch nghĩa các labels tiếng Mỹ trên tất cả các món hàng vợ tôi chú ý đến; còn “hối đoái” là làm tính xem món hàng nàng muốn mua tương đương với bao nhiêu tiền Việt Nam theo hối suất ngày chúng tôi rời quê nhà là 1USD = 11.435,00 Đồng VN. Vì con cái ở nhà, tụi tôi không muốn la cà lâu trong chợ, chỉ muốn về nhà càng nhanh càng tốt cho nên chúng tôi “phân chia trách nhiệm” mỗi người cáng đáng một phần việc mua sắm.. Trong khi vợ tôi và chiếc xe ở trong khu vực bán rau trái thì tôi đi tìm những món gia vị, thức ăn khô, đồ hộp theo danh sách vợ tôi đã ghi. Tung tăng trong khu vực thức ăn khô chả biết từ lúc nào tôi “mảng vui quên hết lời em dặn dò”; lâu lâu tôi ôm một…ôm những thứ không có trong danh sách, đem qua…“xóm rau” thẩy vào xe, rồi lại hí hởn đi…ôm nữa! Hậu quả của sự ôm... đại, ôm... ngoài chương trình của tôi là, sau hai lần “bội chi” tại quầy tính tiền, vợ tôi bực mình bãi bỏ phương thức “phân chia trách nhiệm”. Vợ tôi đánh giá phương thức này là kém hiệu quả và nghe có vẻ hành chánh khô khan! Thay vào đó nàng tung ra một chủ trương mới có tên gọi là “vợ đâu chồng đó”. “Vợ đâu chồng đó”’ dù trong bối cảnh chỉ là đi chợ mua thức ăn nghe vẫn đầy vẻ chan hòa hạnh phúc, son sắt thủy chung vừa văn hoa, vừa lãng mạn. Tôi vốn hay mơ mộng nên đồng ý ngay không đắn đo chút nào. Nhưng về sau khi hiểu ra thì…ván đã đóng thuyền, tình thế không thể đảo ngược lại được nữa! “Vợ đâu chồng đó” không hề tương đương với... chồng đâu vợ đó! Như thế có nghĩa là vợ, và chỉ vợ mà thôi, là cái đầu, chồng là cái đuôi. Cái đầu đi đâu thì caí đuôi lẽo đẽo đi theo đến đó; cái đuôi chẳng bao giờ bảo được cái đầu làm điều gì theo ý mình! Tóm lại là tôi phải đi theo một đội hình mới mà vợ tôi là người cầm đầu bất khả thuyết phục. Trong đội hình đó vợ tôi đi trước, tôi đi sau miệt mài đẩy chiếc xe chợ y chang như em tỉ tất Kim-Liên em hỡi Kim-Liên, đẩy xe cho chị tới miền Hà Khê trong truyện Lục Vân Tiên của Cụ Đồ Chiểu. Thỉnh thoảng nghe tiếng động (trong chợ thiếu gì tiếng động như thế) vị “đồng chủ tịch” quay lại nhướng mày tằm xoe mắt phượng kiểm soát xem tôi có... lén lút trà trộn “nhập lậu” món hàng “quổc cấm” nào vào xe không! Những lúc như thế tôi chợt thấy... tủi thân và nhớ các con tôi vô cùng, dù sau khi đi chợ xong về nhà thì đã gặp lại chúng (lại nghe chúng tố khổ nhau về những chuyện khi bố mẹ vắng nhà). Có chúng ở trong chợ việc trà trộn một vài món hàng mua thêm thật dễ như trở bàn tay. Không có các con tôi, tôi bị... cô lập, như người chiến binh lạc đơn vị đang một mình băng qua khu đất bằng trống trải, như con cá bị đem ra khỏi ao nước, như con cá nằm trên thớt, trên thớt... của vợ tôi! Trên tấm thớt đó tôi chưa thấy sinh vật nào được toàn thây trước khi vào nồi! (Xin quý vị độc giả thứ lỗi, càng lớn tuổi tôi càng hay cảm khái... sảng!) Tôi muốn mua món gì thì phải bàn bạc với vợ tôi vì “đàn ông đi chợ thì hay mua thừa, không mua nhầm thì cũng mua đắt…”. Để củng cố cho sự... khuất phục của tôi nàng còn đem những dẫn chứng hùng hồn để nói rằng đàn ông không biết gì về mua bán. Nàng thao thao trích dẫn nào là ca dao: “đàn ông thấy bán thì mua, biết đâu mặn ngọt chát chua thế nào”, nào là ông Tú Xương học giỏi thế mà vẫn bị bà vợ cấm tiệt không cho theo bà buôn bán ở mom sông rồi hùng hồn kết luận rằng nhược điểm trong lãnh vực chợ búa của đàn ông là rõ ràng, được biết đã từ 4000 năm nay song hành suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đó là nhược điểm... di truyền theo giới tính, đó là “tuyệt nhiên định phận tại thiên thư”!! Còn“bàn bạc” nghe thì có vẻ dân chủ và bình đẳng lắm, nhưng thật ra chỉ là tiến trình phủ quyết của vợ tôi được tiến hành một cách chậm rãi hơn chút xíu. Tiến trình đó luôn được nàng kết thúc bằng một trong nhũng từ phủ định như “thôi”, “đừng”, “chớ”, “không” hay phũ phàng hơn: “dẹp”! Khổ một nỗi, mỗi món hàng tôi đề nghị và bị vợ tôi “cấm vận” đều có những nhược điểm mà vợ tôi kể ra vanh vách còn tôi thì mù tịt không biện hộ được tí nào! Đâu rồi người vợ mảnh mai năm xưa thẹn thùa, lỏn lẻn hỏi tôi: “Anh ơi, soy sauce có phải là nước tương không mà sao em thấy nó giống nước tương quá?”, giờ đây đi bên cạnh tôi chỉ thấy một vị nữ lưu oai vệ đầy kiến thức: “Cái này là nhóm carbohydrate đó, ăn vô chỉ tổ mập. Thôi!”, “Lại sườn barbecue nữa! Thức ăn chiên, nướng tạo ra carcinogene gây ung thư đó. Đừng!”, hoặc “Anh có nhớ cholesterol của anh là 260 không? Dẹp!”
Sau vài lần cố gắng “khởi nghĩa” đòi lại quyền bình đẳng khi đi chợ nhưng đều bị thất bại; tôi kể như mình đã “tận nhân lực” rồi, thôi thì đành chịu phép thừa nhận sự... bảo hộ của vợ! An phận như thế cho xong! An phận như thế tức là “tri thiên mệnh” vậy. “Lâu dần đời mình cũng qua”, tới nay tính ra tôi đã... tri thiên mệnh được hơn mười lăm năm rồi, có lẽ nhờ thế mà tôi tự thấy cũng được…mạnh giỏi! Vả chăng tôi cũng đâu có cô đơn gì. Cứ đi vào bất cứ chợ nào cũng gặp khối những người đàn ông... đồng đạo “tri thiên mệnh” với tôi, đẩy xe loanh quanh đi theo người phụ nữ của họ. Cũng có lúc ở trong chợ những ngươì đàn ông đẩy xe cho vợ trao đôỉ vơí nhau một caí nhìn rất nhanh, caí nhìn ấy dường như cũng đã được diễn tả ở đâu đó trong thơ, trong nhạc: “nhìn nhau buồn vơì vơị, có noí cũng khôn cùng, có noí cũng khôn cùng...” Có nói cũng khôn cùng thì nói làm gì cho... phí sức, chưa kể là rừng có mạch, vách có tai than thở mà đến tai vợ thì còn ra thể thống gì nữa! Đã tri thiên mệnh thì phải... tri cho trót! Sống tha hương xa quê nhà nửa quả địa cầu mà gặp được đông đảo đồng hương, đồng đạo, đồng hôị, đồng thuyền một cách dễ dàng như thế thì còn gì may mắn hơn. Tôi còn muốn gì nữa! Trần-Công Anh-Dũng |
Tuesday, February 4, 2014
Đi Chợ... Tri Thiên Mệnh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Qua hay , cam phuc tac gia da thanh that viet ve mot khia canh tuy nho nhung lai rat ro ret trong cuoc song.
ReplyDelete