Chuyện tản mạn Nguyễn Giang
Khi lên Pleiku vào cuối năm 1970, tôi có gặp ông Lê Bá Định, lúc đó là Thiếu Tá. Khi ấy, Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, Sư Đoàn VI Không Quân chưa thành lập. Sự hiện diện của KQ ở đây chỉ là Căn Cứ 92, bé tẻo tèo teo, từ quan đến lính rặt toàn thành phần không bị đì thì cũng kém kỷ luật (dĩ nhiên ngoại trừ những thằng lính mới tò te như tôi). Hầu hết đều có máu bất mãn kinh niên trong người, vì "cùng một lứa bên trời lận đận" nên chẳng anh nào nỡ đì anh nào cả, ngoại trừ một vài anh có máu "rếch lô" trong người! Ai cũng nghĩ đây là chốn tận cùng hằng số rồi, còn chỗ nào tệ hơn nữa đâu mà sợ. Tôi nhớ, sau khi bắt thăm phải phiếu lên Pleiku, tôi không biết nó ở đâu cả. Về nhà, hỏi ông cụ, người cũng rất ư mơ hồ, phải giở bản đồ ra để tìm vị trí. Tìm ra Pleiku ở đâu rồi, ông cụ thì thào: "Chết chết, cũng khá xa mày ạ!" Dưới trướng của tôi có dăm anh lính. Trong số đó, có một anh lính gốc Miên và một anh lính người Thượng. Anh người Miên thì chuyên lấy lòng tôi bằng bùa yêu: "Thiếu úy ơi, đeo cái vòng này vào tay đi, gặp cô nào cứ lẩm bẩm 7 câu tiếng Miên này là cổ theo Thiếu úy ngay!" Có lẽ trong 7 câu đó thể nào cũng có câu: EM XIN PHÉP ĐƯỢC YÊU ANH hoặc ĐỪNG THA EM ĐÊM NAY! Chàng tuổi trẻ "vốn dòng hào kiệt" cũng cố thử dăm lần trong các bal de famille cuối tuần. Nhưng đọc xong 7 câu thiệu thì đã thấy em nhẩy tung trời với kẻ khác. Có em kiên nhẫn ngồi nghe thì băn khoăn, không biết cái thằng cha ấm ớ này bị "ấm đầu" hay sao mà có cử chỉ giống như "ngày xưa té giếng" vậy. Biểu diễn màn này được vài lần, thấy chẳng công hiệu chi nên tôi dẹp luôn. Ấy thế mà khi mình hỏi qua loa về cuộc đời tình ái của tên Miên này thì hắn bảo, từ bé tới lớn hắn chẳng biết "cái ấy" hình thù ra sao! Thế mới ứa gan chứ! Anh người Thượng thì cứ hay xin đi phép để "bắt cái nước" con vợ tui (người Thượng gọi vụ đó là BẮT CÁI NƯỚC). Mà cái vụ ấy của bọn Thượng lạ lắm quí vị ạ. Hắn có mời tôi ra nhà hắn chơi vài lần. Vợ chồng con cái, thú vật nuôi như chó, vẹt (đã cắt cánh), kể cả khách khứa đều nằm chung trên sàn. Đến khuya, trằn trọc không ngủ được, tôi thấy hắn làm "nghĩa vụ công dân" . Hắn chỉ có nằm lên trên, theo kiểu trai trên gái dưới, không một cử động, không một tiếng thở, đừng nói đến tiếng rên. Thế mà cũng xong. Nghĩ đến mai đây có "bắt cái nước" một em Thượng nào mà phải tập trung tư tưởng để "giải thoát" như thế này, tôi lạnh cả người!.. Có lần, bực mình vì hắn đi phép quá qui định, ngoài việc không cấp giấy phép cho anh ta nữa, tôi còn gọi cho Trạm Hàng Không Quân Sự để cấm không cho hắn lên máy bay. Biết vậy, hắn lầu bầu: "Thiếu Úy không cho Y Ban này về bắt cái nước với con vợ Y Ban, Y Ban cũng về, Thiếu Úy không cản được con chim này đâu." Thế là hắn thản nhiên lội rừng lội suối về bản, không cần đến cái máy bay. Cả tháng trời sau mới thấy đương sự lò mò về, mặt mũi hân hoan mà không có một lời xin lỗi. Một anh Sĩ Quan baby lắc như tôi, gặp phải trường hợp này quả là khó xử. Nhốt hắn thì hắn quá thoải mái, vì không phải làm việc. Dọa không cho lên binh nhất cũng chẳng có ép phê với hắn, vì trong đầu óc hắn hoàn toàn không có quan niệm về cấp bậc. Chẳng là khi nghe điện thoại, ai hắn cũng gọi là "thằng." Tướng tá gì cũng được hắn ưu ái gọi là "thằng" hết. La rầy hắn thì hắn gân cổ cãi lại: "Y Ban biết nó là Đại Tá chứ, Y Ban chưa muốn nói thôi, cái thằng Thiếu Úy này (là tôi chứ còn ai nữa) làm Y Ban đau đầu quá!" Khi về trình diện, hắn còn biếu tôi một cái gùi nhỏ, trong có lá rừng và gan, lòng của một con vật nào đó: "Thiếu Úy đốt cái này ra thành tro, ghét thằng nào, bỏ vào đồ ăn nó ăn, nó sẽ từ từ ra nhà ma!" Khỏi phải nói, tôi quẳng ngay cái bùa hại người này vào thùng rác. Lúc ấy, Pleiku đầy đặc không khí chiến tranh và mùi vị của miền Viễn Tây, chứ không vào khuôn khổ như sau này trở thành Sư Đoàn VI Không Quân. Con nhà lành 6 giờ chiều là không dám ra đường. Anh em KQ đa số phải mặc đồ civil hoặc đồ bộ binh để ra phố, vì chính Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ cũng khuyên không nên mặc đồ Không Quân ra phố. Tôi bèn chơi ngay một bộ quần áo đen Xây Dựng Nông Thôn cho chắc ăn. Đầu đội nón "bo", tóc để dài ra vẻ bất mãn quân đội, súng Colt nhét trong bụng, chân đi dép. Tôi cảm thấy mình như là một Django, mặc dầu suýt rớt mấy lần về bộ môn bắn ở Quân Trường. Thêm một cặp kính "dâm" nữa là đủ bộ. Ông cụ bà cụ tôi sức mấy mà tưởng tượng nổi quân đội đã biến đổi tôi như rứa. Còn em nữ sinh nhà lành nào mà thấy tôi những chiều tối đó chắc phải tưởng tượng đến một màn hiếp dâm không mấy nên thơ cho lắm. Trên con đường chính của Pleiku là đường Nguyễn Huệ, mỗi chiều tối đầy đặc lính của nhiều binh chủng. Có cả lính Mỹ nữa. Đám Biệt Kích gây quan ngại nhất, có anh đeo ở cổ vòng dây tai VC, có anh dắt heo mọi đi nghễu nghện. Heo mọi là loại heo người Thượng nuôi, da đen, thân hình dài hơn heo người mình nuôi một chút. Loại heo này rất khôn, leo cầu thang thoải mái như chó con, sáng sáng lon ton theo chân chủ ra ngoài rẫy. Cần sa và crack (ma túy, thứ bột trắng được bỏ vào điếu thuốc lá để hút) được bầy thản nhiên trong các tiệm chạp phô, giá chỉ bằng độ ba điếu thuốc Pall Mall. Chàng sĩ quan trẻ thất tha thất thểu như tôi bèn nghĩ ngay: "Cocaine không mắc hơn thuốc lá bao nhiêu, vậy hút thuốc lá làm gì, tầm thường quá! Chơi crack có phải lợi hơn không, phê hơn không!" Cũng may, tôi không bị lôi cuốn vào con đường nghiện ngập như mấy tên bạn Bộ Binh của tôi, suốt ngày ngồi đến nẫu người ra ở quán cà phê Tuyết, nơi có hai em Tây lai đẹp não nùng. Dạo ấy, đám SQ chúng tôi được ở gần với bọn Mỹ. Cứ tối đến thì hoặc ra phố chơi, hoặc vào mấy NCO Club với bọn Mỹ. Ngồi trong Câu lạc bộ Hạ Sĩ Quan Mỹ, nhấm nháp ly Vốc Ka và xem Sexy show, tôi lơ mơ nghĩ, hóa ra chốn lưu đầy này cũng đâu có tệ! Sexy Show của bọn Mỹ cũng "đối xử phân biệt" lắm. Tại NCO Club, các sexy girl chỉ được cởi phần trên thôi, còn ở Officer Club thì được (hay phải) cởi tuốt luốt. Thế mới biết, mần Sĩ Quan quả có lý hơn. Thỉnh thoảng, VC pháo vào căn cứ. Thế là bọn Mỹ áo giáp nón sắt hùng hục lao vào hầm trú ẩn, lắm anh va phải nhau, motherfucking ầm cả lên. Còn SQ VN trẻ thì cứ nằm dài trên giuờng, mồm lẩm bẩm: "Mẹ! cái số mà, chui vào mà rocket nó rơi trúng hầm thì cũng đi đời nhà ma! Bọn Mẽo chúng nó to thế, huých nhau với chúng nó để tìm chỗ nấp dám bị thương lắm ạ. Chi bằng cứ nằm trên giường thế này mà lại yên tâm, số chết thì trốn cũng chết!" Những mối tình ở Pleiku cũng ly kỳ lắm. Biết rằng thời gian phục vụ của anh em Sĩ Quan Binh Sĩ ở Pleiku chỉ là 2 năm rồi thăng (hoán chuyển qua đơn vị khác), các em gái hậu phương đều chấp nhận sự kiện này. Nghĩa là, yêu ai cũng chỉ yêu trong 2 năm thôi. Sau đó, nếu không lấy được chàng thì cũng đành ngậm ngùi tìm quên trong cuộc tình mới. Bởi thế, chúng tôi, những Sĩ Quan trẻ người non dạ cũng hớn hở chấp nhận những cuộc tình này mà không hề thắc mắc. Đa số coi Pleiku chỉ là nơi tạm trú trong đời binh nghiệp, nên chẳng ai muốn dính líu sâu đậm với người nữ nào. Nói thế, không có nghĩa là không có những mối tình tuyệt đẹp ở đây, giữa những SQ KQ và những nữ sinh trung học Pleiku. Những mối tình này kết thúc rất có hậu, họ lấy nhau, sinh con đẻ cái, và "live happily ever after", dù phải trải qua bao khốn khổ. Vài người bạn cùng khóa của tôi may mắn rơi vào trường hợp này. Tôi không được cái may mắn ấy. Khi về phép Sài Gòn, bà cụ hỏi: "Con có tính lấy vợ không, hay cứ lang bang mãi?" Tôi ấp úng: "Vâng, con có quen một con nhỏ!" - Ở đâu, người gì, đạo gì, làm nghề gì hả con? Bố mẹ nó ra sao? - Dạ, người Trung, đạo Thiên Chúa, hiện còn đi học, thỉnh thoảng phụ bố mẹ bán bún bò giò heo. Bà cụ cô ấy nghiện thuốc nặng, lúc nào cũng vắt vẻo điếu Cẩm Lệ trên môi. Còn ông cụ cũng rít thuốc như máy, lại là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nữa. Thành thử ra, họ thấy con hút thuốc cũng chả nói gì! Bà cụ tôi thở dài cái thượt. Là một Phật tử thuần thành, tiêu chuẩn con dâu của cụ phải là: Người Bắc, đạo Phật, gia đình công chức (như nhà mình), học giỏi và cũng phải biết buôn bán (hình như 2 tiêu chuẩn này hơi chõi nhau), biết nghe lời chồng (nhưng khi thấy con gái mình chỉ huy đức ông chồng thì cụ lại hài lòng ra mặt.) Thế là mối tình đầu tiên và nguy nga của tôi, mối tình lãng mạn không thua gì Romeo and Juliet, Tristan and Yseult, tan vỡ ngay. Tụi tôi cũng đã thề thốt nghiêm trang, đại loại, anh mà không lấy được em là anh chết, em sẽ chết nếu cuộc tình mình "biến chứng". Thế mà sau đó, tụi tôi vẫn sống khỏe mạnh, chẳng ai dại dột tìm cái chết cả! Khi ấy, tôi làm ở Văn Phòng Chỉ huy Trưởng Căn Cứ, Thiếu Tá Định làm Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị, coi trên dưới 10 thằng vừa lính vừa sĩ quan nên công việc rất nhàn nhã. Người thường đứng ngoài sân, nhìn theo mấy cánh chim sắt tung trời mà cảm khái cho thân phận mình, bỗng chốc phải chỉ huy một đám chim cánh cụt! Mà cái đám này thì có cả dân bay bị cắt cánh hay được cắt cánh và dân chẳng bay. Dân bay thì tự cao vì mình dù sao đã là pilot. Dân không bay thì hãnh diện vì học thức của mình (đằng nào cũng xuất thân Sinh Viên). Bởi thế, chỉ huy cái đám này, chỉ có ông Định là có thể khiến họ tâm phục khẩu phục. Vì ông bay bổng chẳng thua ai mà học vấn, văn nghệ cũng ít người theo kịp. Ông Định người tầm thước, thuộc loại đẹp trai, là 1 tay ăn chơi có hạng. Chẳng thế mà lại có vợ cũng là dân chơi. Hai vợ chồng nhẩy Valse và Swing rất đẹp. Lê bá Định đúng là 1 biểu tượng cao đẹp của Không Quân, ăn chơi nhưng có tâm hồn văn nghệ cũng như học thức. Ông sáng tác truyện, thơ, những bài phú hoặc văn tế rất hay. Về học vấn, nghe đâu ông sắp sửa làm Tùy Viên Ngoại Giao thì bị hủy bỏ và tống lên Pleiku. Có thể nói ông là người văn võ toàn tài, bọn Sĩ Quan trẻ chúng tôi lắm thằng coi ông là thần tượng! Ông lại không có cái trò nịnh trên nạt dưới, nên tụi tôi càng quý ông hơn! Tài bất phùng thời, vì phải tiếp xúc với lắm kẻ ít học hơn ông trong quân chủng, nên ông lúc nào cũng có cái cao ngạo của loài chim Hồng chim Hộc phải miễn cưỡng sống chung với đám chim sẻ, chim ri. Cuộc đời binh nghiệp của ông vì thế cũng chẳng được xuông xẻ mấy. Tôi xin đan cử vài thí dụ sau: Hồi còn ở Căn Cứ 92, khoảng năm 1971, ông Định lấy tư cách là Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị, vì vậy phải làm sáng tỏ các lời đồn đại gây ảnh hưởng cho tinh thần binh sĩ. Ông đề cập trong buổi họp Sĩ Quan mà tôi làm thư ký, đến một tin đồn rằng có sự ăn thông của Phòng Kiến Tạo KQ và Khối Không Cụ, có thể có cấp cao hơn, đem vật liệu xây dựng bán ngoài phố. Vụ tố cáo này khiến Trung Tá Phúc ròm, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ bực mình vô cùng, vì ông ta là một vị chỉ huy khá trong sạch. Ông chỉ thị cho An Ninh KQ Căn Cứ điều tra, nhưng không thấy vết tích gì. Cho rằng Thiếu Tá Định tính bêu xấu mình, trong một buổi họp SQ thu hẹp, ông lớn tiếng hỏi Thiếu Tá Định có bằng chứng nào về tin đồn đó không? Thiếu Tá Định ú ớ, không đưa ra được bằng chứng nào cả. Tôi còn nhớ Trung Tá Phúc nghiêm sắc mặt nói: "Anh là Trưởng phòng CTCT mà phao tin đồn nhảm như thế, không biết tự ngượng với mình à. Tôi sẽ phạt anh nín thở, anh biết không?" Sau đó, Thiếu Tá Định phải lãnh một số ngày trọng cấm. Theo thiển ý, trong vụ này, Thiếu Tá Định khá lý tưởng. Khi làm Chỉ Huy Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật cũng ở Pleiku, trong một buổi họp Quân Đoàn, khi trận chiến Tân Cảnh đang sôi sục, Thiếu Tá Định đã quyết liệt công kích Tư Lệnh Quân Đoàn II đã cố tình đưa các Pilot của Không Đoàn vào chỗ chết và từ chối thi hành lệnh điều quân của Quế Tướng Công, vì biết chắc chắn nhiều pilot của Không Đoàn sẽ vong mạng vì những lệnh lạc thiếu suy xét này. Hơn thế nữa, nghe nói, ông còn đòi bỏ bom Quân Đoàn II. Hậu quả của việc cưỡng lệnh Tướng Toàn: Vợ chồng con cái Trung Tá Lê bá Định được lệnh phải rời bỏ Pleiku trong vòng 24 tiếng đồng hồ, no excuse! Thế là cuộc đời binh nghiệp của một SQ ngoại hạng đã tan tành như bọt nước. Có lẽ, ngoài 2 món ăn chơi là phạt trọng cấm, đuổi cổ khỏi Quân khu, còn 1 món nữa mới đủ bộ: CẤM KHÔNG CHO GIỮ BẤT CỨ MỘT CHỨC VỤ QUAN TRỌNG NÀO. Khoảng 1988, tôi có về Việt Nam, và có gặp ông xếp cũ là Đại Tá Võ Quế. Nhân nói về Trung Tá Định, ông Quế cho biết, ông Định vì thù ông bạn Đồng Minh phản bội chúng ta, nên nhất quyết không đi Mỹ dù có phương tiện. Ông ở lại Việt Nam, sống thoải mái bằng 2 nghề: dậy Anh Văn và dậy nhẩy đầm. Bây giờ, ông đã ra đi. Chúc ông yên vui nơi một vùng trời nào đó an bình. Với bọn Sĩ Quan "trẻ" chúng tôi, ông lúc nào cũng hiện diện trong ký ức của chúng tôi, dù đó là một ký ức càng ngày càng thu hẹp vì mất mát theo ngày tháng! Trung Tá Lê bá Định, người có một tâm hồn lý tưởng trong một hệ thống Quân đội đầy đố kỵ, lúc nào, với chúng tôi, cũng là một thần tượng.
Nguyễn Giang |
Friday, February 14, 2014
VNAF Lê Bá Định - Một Vài Kỷ Niệm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Ngài Nguyễn Gian Viết:
ReplyDelete“Khi làm Chỉ Huy Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật cũng ở Pleiku, trong một buổi họp Quân Đoàn, khi trận chiến Tân Cảnh đang sôi sục, Thiếu Tá Định đã quyết liệt công kích Tư Lệnh Quân Đoàn II đã cố tình đưa các Pilot của Không Đoàn vào chỗ chết và từ chối thi hành lệnh điều quân của Quế Tướng Công, vì biết chắc chắn nhiều pilot của Không Đoàn sẽ vong mạng vì những lệnh lạc thiếu suy xét này. Hơn thế nữa, nghe nói, ông còn đòi bỏ bom Quân Đoàn II. Hậu quả của việc cưỡng lệnh Tướng Toàn: Vợ chồng con cái Trung Tá Lê bá Định được lệnh phải rời bỏ Pleiku trong vòng 24 tiếng đồng hồ, no excuse! Thế là cuộc đời binh nghiệp của một SQ ngoại hạng đã tan tành như bọt nước. Có lẽ, ngoài 2 món ăn chơi là phạt trọng cấm, đuổi cổ khỏi Quân khu, còn 1 món nữa mới đủ bộ: CẤM KHÔNG CHO GIỮ BẤT CỨ MỘT CHỨC VỤ QUAN TRỌNG NÀO.”Thưa ngài Nguyễn Gian,-Ngài dựa vào đâu để ghi lại những chi tiết trên ?
-Mặt trận Tân Cảnh xảy ra khi nào ?
-Trung Tá Lê Bá Định lên thế Đại Tá nguyễn Văn Bá chức vụ Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật lúc nào?
– Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư Lệnh Quân Đoàn II kiêm Vùng II Chiến Thuật bao giờ ?Ngài Nguyễn Gian không biết con nhưng con biết ngài là nhân vật vô cùng quan trọng của Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, là “hầu cận” của ông bà Đại Tá Võ Quế (Pa Pa của con) uy quyền tột đỉnh, hét ra lửa để xứng đáng giống dòng hào kiệt của ngài.
Ngài “Tự Sướng” hay nổ banh xác như thế nào con điếu ke, nhưng khi ngài trâng tráo dựng đứng về cấp chỉ huy của con là ngài buộc con phải lên tiếng. Có lẽ ngài lo bưng bô bà Quế nên không biết gì về xảy ra chung quanh.
Con xin tự giới thiệu, con xuất thân từ 1 gia đình bình dân của bình dân, không thuộc "Dòng Dõi Anh Hùng Hào Kiệt" như ngài, nhưng ông bà cha mẹ của con dạy dỗ con cháu rất nghiêm minh:
” Biết thì thưa thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe. Nếu con sủa bậy thiên hạ sẽ mắng rằng ông bà cha mẹ không biết dạy con”
Con vừa học hết lớp Ba trường làng, rồi ham vui rủ rê (không phải vô kỷ luật và càng không phải bị đì đâu nha) bạn bè lên chơi ở Pleiku từ đầu tháng giêng năm 1971 dưới quyền Thiếu Tá Lê Bá Định Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 530 mới vừa thành lập hồi tháng 10 năm 1970. Nhờ trời phú có sức khỏe và 1 bàn tay nhưng chỉ được bấm nút hay bóp cò, nếu cãi lời bẻ cong bàn tay (gian dối) sẽ bị thiên lôi đả.Vì ngài Nguyễn Gian không biết những câu hỏi ở trên, con xin thưa rằng:
Mặt trận Tân Cảnh bắt đầu từ thượng tuần tháng 4 năm 1972 và chấm dứt khi Đại Tá Lê Đức Đạt Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh mất tích ngày 24/4/1972.
Mươi ngày sau Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn mới nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn II thì Tướng Toàn có liên quan gì với mặt trận Tân Cảnh hả ngài Nguyễn Gian ?
Vì vậy Trăm Lạy Ngài Ngàn Lạy Ngài xin Ngài đừng phóng uế bừa bãi, vô tội vạ vì những gì ngài sủa sẽ lưu truyền muôn đời sau.
Còn nếu ngài muốn biết lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 27/5/1972 tại cổng Phi Vân cố Trung Tá Lê Bá Định, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 72 Tác Chiến đã ra lệnh gì cho Sĩ Quan Trực của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc, Không Đoàn 72 Chiến Thuật thì ngài cùng đồng bọn nên hỏi ông ấy, đừng nghe nói hear or say vì các ngài cùng 1 duột.
Philong51,