Phạm Văn Phú
Phần Ba
Học Anh Ngữ Trong Nước
Sau khi rời mái quân trường, nhóm 7/68 KQ trở về trình diện Bộ Tư Lệnh để nhận chỉ số ngành, chờ phân phối công tác, thụ huấn chuyên môn, hoặc ra thẳng đơn vị phục vụ. Sau những giờ phút xum vầy còn sót lại là cảnh chia tay. Bồi hồi nhìn các bạn tản mát bước đi trong bộ quân phục thẳng nếp nổi bật nền thêu quân hiệu thiêng liêng Tổ Quốc Không Gian, tim Sơn đập mạnh trước cảnh đoàn đại bàng ra ràng tung cánh.
Cuối hè 1969, khi những trái điệp khô rụng đen đen trải đầy sân cỏ bùng binh khu vực gần phi trường Tân Sơn Nhất, một số anh em Không Phi Hành bắt đầu lên máy bay ra Nha Trang học Anh ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, còn Sơn cùng các bạn Phi Hành học Anh ngữ ngoại trú tại trường Sinh Ngữ Quân Đội toạ lạc trên đường Nguyễn văn Tráng ở khu vực Ngã Sáu Sài Gòn.
Thấm thoát mùa mưa qua, mùa hanh lạnh tới, Sơn mãn khoá Anh ngữ trong nước, nhập Trại Khoá Sinh (Tent City) chờ làm thủ tục lên đường du học
Học Anh Ngữ ở Lackland
Ngày 4 tháng giêng năm 1970, Sơn sang Hoa Kỳ. Lúc máy bay đáp xuống phi trường Travis trời đã xế chiều; gió mùa đông đất Mỹ thổi từng cơn lạnh buốt. Vậy mà, sau khi được xe bus đưa về BOQ (Bachelor Officer Quarters) nhận phòng nghỉ tạm, Sơn cùng một vài bạn đồng hành vẫn đón Taxi qua San Francisco để thưởng thức cảnh đẹp về đêm của thành phố “Cựu Kim Sơn” lịch sử nổi tiếng này. Sáng hôm sau, Sơn tiếp tục cuộc hành trình qua San Antonio, Texas nhập học Anh ngữ tại căn cứ không quân Lackland.
Lackland 1970 Graduation |
Buổi sáng sớm đầu tiên trên đường từ phòng nghỉ tới nhà ăn trước khi vào lớp, Sơn vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy cảnh những vũng nước đọng chiều qua ven lối đi và sân cỏ nay đã đóng băng khiến Sơn thích thú. Cứ như cậu bé con, thỉnh thoảng Sơn vừa đi vừa bước xuống ven lề đạp đạp day day trên những mảng băng mỏng để nghe tiếng lạo xạo vui tai cho đến khi gặp các học viên khác thuộc nhiều thành phần quốc gia trên thế giới đang đi tới mới thôi.
Sau bữa ăn sáng tại Mess Hall, Sơn vào lớp học. Qua tuần lễ kế tiếp, Sơn bắt đầu cảm thấy việc học tại trường Anh ngữ Lackland khá căng thẳng một phần vì đề thi mới tương đối khó hơn so với đề thi ở trường Sinh Ngữ Quân Đội và một phần do áp lực có thể bị gởi trả về nước nếu quá thời hạn qui định vẫn chưa đạt đủ điểm ECL (English Comprehension Level) tiêu chuẩn cho từng ngành nghề du học của mình tại Mỹ. Thế rồi miệt mài cho tới một ngày nắng ấm giữa tháng tư, Sơn được cấp chứng chỉ tốt nghiệp Anh ngữ trước sự chứng kiến của Trung Tá Trần minh Thiện, Trưởng Phòng Sĩ Quan Liên Lạc tại Lackland.
Khoá Bay 70-40-B3
Sau giai đoạn Anh ngữ, Sơn cùng với một nhóm khoá sinh trong đó có 7/68 KQ Phan minh Nhơn qua trường bay lục quân Fort Wolters ở Mineral Wells, Texas để học giai đoạn một cơ bản về trực thăng. Tại đây Sơn nhập khoá bay 70-40-B3 nón trắng bao gồm 25 khoá sinh do Trung Uý Ngô thành Phụng làm trưởng lớp.
Sau khi bầu xong trưởng lớp, toàn khoá 70-40-B3 bước vào chương trình huấn luyện. Ngoài những buổi học địa huấn chung, những buổi học bay được phân định trung bình cứ mỗi IP (Instructor Pilot) phụ trách hai khoá sinh. Vị thày dân sự dạy bay của Sơn và bạn đồng môn Nguyễn văn Thạch là William Comi.
Ngày 23 tháng 4, Sơn chính thức học lái buổi đầu tiên trên chiếc trực thăng TH-55A mang số 6762 với tâm trạng đối nghịch hẳn với niềm háo hức hân hoan tuyệt diệu thuở học trò hằng tưởng tượng mình được cất cánh bay cao. Chiếc TH-55 trông mỏng manh nhỏ nhắn, vậy mà khi vừa ngồi vào ghế bay, Sơn thấy cả một bầu trời hoang mang lạnh toát trong tâm tưởng; tay chân đâm luống cuống vụng về. Đầu óc căng thẳng, miệng nhẩm checklist tiền phi, mắt dán vào bảng phi cụ, tai cố lắng nghe chỉ thị, Sơn gồng cứng toàn thân, tay bám chắc kéo đẩy thật mạnh cần điều khiển phối hợp đồng bộ, nhưng con tàu vẫn cứ ngóc lên chúi xuống hoặc vẹo mình lệch hướng lúc gặp gió giật hoặc bạt mạnh ngang hông.
Đã thế, sau khi trở về barrack, Sơn còn ngồi hàng giờ tập thao tác cho quen tay trong máy bay đồ chơi điện tử. Việc làm này tuy không tác dụng gì trong việc điều khiển máy bay thật, nhưng cũng giúp Sơn vơi bớt phần nào nỗi ám ảnh có thể bị loại ở vòng sơ khởi vì thiếu khả năng. Tuy nhiên, mọi việc đều suông sẻ. Huấn luyện viên William Comi lúc nào cũng nhỏ nhẹ trấn an khiến Sơn từ từ thư giãn sau đó mới chậm rãi chỉ dẫn từng động tác từ đơn giản đến phức tạp. Qua phong thái và cung cách lịch sự điềm đạm của người thày dân sự này, Sơn học được nhiều điều bổ ích. Dần dà khi thao tác càng lúc càng trở nên nhuần nhuyễn, Sơn có thể cảm nhận hướng gió qua cảnh vật lay động xung quanh, đồng thời vừa chính xác điều khiển thăng bằng con tàu lúc hover định vị, nhích phải, trái, tới, lui, lên xuống, đáp đậu trên mọi địa hình ngày cũng như đêm vừa mở rộng tầm mắt thưởng thức cảnh đẹp dọc phi trình.
Ngày 14 tháng 5, Sơn được thả solo. Một mình một tàu, Sơn đem hết khả năng sở học bay thật đúng bài bản dưới sự theo dõi chấm điểm từ phía đài quan sát của HLV William Comi và Flight Commander Donald Wolgamott. Kết quả là nét tươi cười rạng rỡ tràn ngập niềm vui khi Sơn được thày chúc mừng và gắn cánh...
Ngay sau khi Sơn và một vài khoá sinh khác được gắn cánh solo, toàn khoá bay 70-40-B3 cùng lên xe bus tới hồ bơi của Holiday Inn. Đến nơi, các khoá sinh vừa được gắn cánh trịnh trọng bước qua chiếc cổng hình chữ A do hai cánh quạt chính của trực thăng chập lại với nét ngang được nối bằng tấm bảng ghi hàng chữ “Các khoá sinh trực thăng lỗi lạc nhất thế giới đã bước qua dưới những cánh quạt này” (Under these rotor blades passed the finest helicopter students in the world.) Khi vào bên trong hồ, dưới sự giám sát của các huấn luyện viên, lần lượt từng khoá sinh trong bộ đồ bay mới gắn cánh nhảy ùm xuống nước ngụp lặn một hồi giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Tới lượt mình, Sơn vừa tìm cách lựa chỗ cạn vừa la to trước khi nhảy:
- Ê, tao không biết lội nghe tụi bay!!!
Ùm! Mặt nước bắn tung. Sơn lóp ngóp, quơ quơ đập đập hai tay; anh em xúm tới dìu Sơn lên bờ. Lần này, tiếng hò reo cổ vũ của mọi người càng vang động hơn nữa vì thích thú. Nghi lễ chúc mừng truyền thống diễn ra thật đơn giản, nhưng mỗi khi hồi tưởng lại Sơn luôn cảm thấy lòng mình rộn rã...
Cách ngày mãn khoá chừng ít bữa, các khoá sinh đồng sư đã hoàn tất giai đoạn solo được Flight Commander Donald Wolgamott và IP của mình cho phép bay chung. Tiết mục “Buddy Ride” này đối với Sơn thật vui nhộn và đầy ấn tượng vì mình được bay cùng Thạch, người bạn tính tình cởi mở, dễ mến, và trên môi hầu như lúc nào cũng nở một nụ cười hồn nhiên thoải mái. Suốt dọc hành trình luân phiên đáp đậu để hoán đổi vị trí giữa hoa tiêu chính và hoa tiêu phụ trong bước đầu làm quen với việc lên kế hoạch vạch phi trình hợp đồng thực hiện trọn vẹn một chuyến bay, cả hai tha hồ đối thoại với nhau bằng tìếng Việt với những tràng cười rôm rả do sự phối hợp đôi bên thảy đểu nhịp nhàng ăn ý.
Sau này, khi có dịp sánh vai tác chiến bên nhau trên vùng trời Quân đoàn 3 ở quê nhà, chuỗi cười sảng khoái ấy giữa Thạch và Sơn vẫn được duy trì nguyên vẹn, ngoại trừ vào những giây phút then chốt cần căng đầu quyết định thật nhanh chóng và dứt khoát việc phải bắn hạ hay lao xuống bắt sống địch quân. Điển hình trong số nhiều chuyến bay chung với Thạch, Sơn nhớ nhất phi vụ trinh sát nới rộng vòng đai tại Tiểu khu Long Khánh vào thời điểm sau Hiệp Định Paris do Thiếu Tá Trần gia Bảo cắt lệnh hành quân. Trong phi vụ này, Sơn Thạch phát hiện Việt Cộng phía dưới đang vọt chạy sắp lẩn thoát vào rừng.
Trước sự chứng kiến của Thiếu Tá Tân, trưởng phòng 3 tiểu khu, đôi bạn hội ý thật nhanh cho phi cơ lao xuống, và Sơn lấy tư cách trưởng phi cơ đã ra lệnh cho xạ thủ đại liên Bảy bắn hạ một cán binh Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt vừa mới kết nạp đảng...
Sau chuyến thực tập bay chung lần cuối vòng quanh phi trường trên vùng trời Mineral Wells với Thạch, Sơn từ giã IP William Comi, Flight Commander Donald Wolgamott, một số giảng viên địa huấn, và gia đình ông bà mẹ nuôi Paul và La Verne Justice để lên đường học bay giai đoạn hai bên Fort Hunter ở Savannah, Georgia, cùng các bạn khoá 70-40-B3. Rất tiếc, Trung Uý Ngô thành Phụng, vị trưởng lớp đầu tiên, vì lý do kỹ thuật phải ở lại; sau này Phụng chuyển sang ngành Navigator máy bay vận tải.
Khoá Bay 70-11
Qua tới Fort Hunter, một trường bay rộng lớn cách bờ biển Đại Tây Dương chừng 10 dặm, Sơn nhập khoá 70-11 nón đỏ học lái UH-1, loại trực thăng bán phản lực nhanh, mạnh, to và chắc chắn hơn so với chiếc TH-55 nhỏ bé bên trường bay cũ. Trên vùng trời Savannah, Sơn thích thú điều khiển càng lúc càng nhuần nhuyễn chiếc UH-1 cơ động bên cạnh vị IP dày kinh nghiệm hành quân tại chiến trường Việt Nam nhưng với cung cách ứng xử gắt nhanh như giông bão với dụng ý có lẽ ông muốn tập cho Sơn quen với chuyên thoại thực tế khi lâm trận.
Thấm thoát, thời gian học phi tác cơ bản đáp đậu trên mọi địa hình đã trôi qua cùng với các buổi thực tập bay Beacon FM Homing, Link và phi cụ IFR. Một ngày gần lễ Tạ Ơn, vài anh em xuất sắc nhất trong quá trình huấn luyện tổng hợp được nhà trường chọn học bay trực thăng vũ trang (gunship), còn Sơn và các anh em khác sang khu chiến thuật TAC-X ở Fort Stewart để học chuyên vụ bay slicks bao gồm chiến thuật trực thăng vận, bay hợp đoàn, đổ bộ, tản thương, cấp cứu, thả toán, rưóc toán, chuyển quân, và mưu sinh thoát hiểm.
Sau hơn bốn tuần đóng lều trại dã chiến thực tập ở TAC-X, nhóm Sơn trở lại Fort Hunter để chuẩn bị ra trường cùng với nhóm bay gunship. Lúc này đang nhằm dịp lễ Noel, trời trở lạnh nhiều, Sơn được gia đình ông bà mẹ nuôi Paul và La Verne Justice từ Texas qua thăm mấy bữa. Vào ngày tốt nghiệp, trong phút giây long trọng của buổi lễ, Sơn không cầm đặng xúc động khi được bà La Verne Justice gài cánh bay với những lời chúc lành thay cho má! Sáng hôm sau, giã biệt gia đình ông bà Paul và La Verne Justice, Sơn lên máy bay về nước...
Còn tiếp...
Kỳ tới:
Phần Bốn - Bốc thăm nhận đơn vị, Phi Đoàn Thần Tượng 215 Nha Trang, Biệt phái Pleiku.
Anh Trần Kim Sơn, Khóa 7/68 KQ/VNCH, là đứa con ưu tú, nghĩa tình của quê hương' Nắng cháy da người Tây Ninh
ReplyDeleteWpecurhae_o Angie Andrews https://wakelet.com/wake/d2atQY3hWu-pfttsZAF1_
ReplyDeletecurekdedoub