Monday, April 15, 2013

Sơn Tù Trưởng

Sơn Tù Trưởng

Phạm Văn Phú

Thân tặng bạn Trần Kim Sơn để hồi tưởng lại những chuỗi ngày còn một chút gì để nhớ.

Lời Mở Đầu

Đã 7 giờ tối. Ngoài trời lất phất mưa nhưng trên đường phố thiên hạ vẫn nườm nượp qua lại. Xe đạp, xích lô, gắn máy đủ loại chen nhau lượn lách tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp. Dưới hàng hiên một quán cà phê gần chợ Phú Nhuận, tôi ngồi lặng yên lắng nghe tâm sự của Sơn, người bạn thuở cùng chung đại đội thụ huấn quân sự tại các quân trường Quang Trung, Thủ Đức, và chung phi trường Biên Hoà, nơi mỗi khi có dịp lên đài không lưu Spartan tôi thường được nghe giọng rặt miền nam của anh và các chiến hữu thuộc phi đoàn UH-1 Lôi Điểu 223 vang vang trên tần số. Từ dạo gặp Sơn lần cuối vào giữa tháng tư năm 1975, thế gian đã trải qua nhiều biến đổi. Tháng 10 năm 1975, Sơn đi tù gần tròn một con giáp tại các trại tập trung cải tạo khắp hai miền Nam Bắc. Xuất trại, lang thang bán vé số dạo; và giờ đây bạn cũ gặp nhau, tâm sự trùng trùng. Sơn bộc bạch niềm riêng, kể rõ ngọn nguồn từ thuở còn thơ; tôi trân trọng lắng nghe, ngược bước thời gian trở về thuở bạn mình còn tấm bé...

Phú Nhuận, ngày 20 tháng 7, năm 1991



Phần Một

Thời Thơ Ấu

Mùa thu năm 1948, tại làng Thái Bình, xã Thái Hiệp Thạnh, nơi thành lập thị xã Tây Ninh, bé Sơn cất tiếng khóc chào đời. Lúc bấy giờ địa thế xung quanh thị xã vẫn còn chi chít những rạch, suối, bàu, bưng, trảng, và thú dữ như cọp, beo rừng thường xuất hiện. Trong giai đoạn này, hay xảy ra những cuộc tàn sát do Việt Minh thuộc phe Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế gây ra đối với các tín hữu thuộc các tôn giáo như Cao Đài và Thiên Chúa. Bà con lối xóm cho biết, các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo luôn bị Việt Minh với chủ nghĩa duy vật vô thần cho là sản phẩm của thực dân du nhập vào cần phải loại trừ.

Năm 1953, khi Sơn bắt đầu ê a học đánh vần, công trình kiến trúc Toà Thánh Tây Ninh, niềm vui và tự hào chung của toàn thể tín hữu đạo Cao Đài, được hoàn tất sau hơn hai thập niên xây dựng. Những năm tiếp theo, làn sóng hàng triệu người ồ ạt di cư từ miền Bắc vào phiêu dạt khắp nơi trên mảnh đất miền Nam kể cả Tây Ninh. Đầu óc non nớt của Sơn lúc bấy giờ nào hiểu được tại sao họ lại bỏ nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của mình để bôn ba lập nghiệp, vì lẽ đối với Sơn không nơi nào quý và đẹp hơn nơi mình sinh ra cả. Qua giải thích của cô bác lớn tuổi và của chính đồng bào di cư, họ chạy vào nam để lánh nạn Cộng sản vì chính sách Cải Cách Ruộng Đất bắt đầu từ năm 1953 của đảng cầm quyền miền Bắc đã làm họ kinh hoàng. Hàng trăm ngàn người đã bị đấu tố kết tội là Việt gian, địa chủ, cường hào ác bá. Bà con ruột thịt của họ bị buộc phải chứng kiến hoặc phải tham gia tố khổ người thân của mình đến chết. Một số cô bác lên tiếng cho rằng chính sách này rập khuôn từ chủ trương của bọn Tàu Cộng. Trong giai đoạn đảng và nhà nước cộng sản còn non trẻ, việc thực hiện cái gọi là "tước của trọc phú chia đều cho bần cố nông" chỉ là cái cớ để đảng này dễ dàng củng cố chế độ độc tài thu gom của cải vật chất vào trong tay mình.


Ba má và bé Sơn

Mặc cho thế sự nổi trôi, tuổi thơ của Sơn xuôi êm đềm dưới sự cưng chiều của ba má. Trong cách xưng hô, ba thường gọi đùa Sơn là “Ngài” vì chỉ có “Ngài” mới muốn gì được nấy. Càng được nuông chiều, Sơn càng gắn bó với người thân và bản quán. Ngoài thời gian đi học, suốt ngày Sơn quanh quẩn trong khu đất và căn nhà ngói ba gian một chái do ba má dày công tạo dựng. Sơn thuộc từng ngõ ngách lối đi, cách trang trí nội và ngoại thất. Sơn nhớ từng khóm cây, bụi cỏ, giếng nước sau hè, cây me và rặng dừa ba má trồng trước nhà. Cảnh vật xa gần đối với Sơn là cả một thiên đàng kỷ niệm. Trong ký ức Sơn thường hiện ra hình ảnh rừng núi thân quen, dáng uy nghi của thánh đường Công Giáo nơi má dắt Sơn đi xin lễ cuối tuần. Ngoài ra, Sơn cũng không thể nào quên được cảm giác lành lạnh ở đôi chân mỗi khi nắm chặt tay má bước qua Cầu Quan bắc ngang rạch Tây Ninh, một nhánh nhỏ của sông Vàm Cỏ Đông, trên đường xuôi ngược từ nhà sang phố chợ. Tuy sợ nước vì mình không biết lội nhưng Sơn vẫn thích chầm chậm bước chân, mắt ngước nhìn về hướng Đông Bắc ngắm núi Bà Đen hùng vĩ nổi bật trên nền trời xanh xám, đồng thời ngắm cảnh sông nước bồng bềnh thiên hạ giăng câu và ghe đò qua lại thật vui mắt dưới chân cầu.

Bên cạnh huyền thoại của sơn lâm hà bá, bầu trời mây mưa trăng sao đối với tuổi thiếu niên của Sơn là cả một kho tàng khoa học viễn tưởng. Sơn mơ ước được cất cánh bay xa ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương. Hàng tuần, căn đúng ngày giờ ấn định của những chuyến bay dân sự vụ đem phim ảnh tài liệu tới chiếu cho bà con thị xã, Sơn ngong ngóng nhìn bầu trời và lắng nghe tiếng ù ù bụp bụp của chiếc máy bay kiểu tựa như L19 từ phương xa bay tới. Thoạt nghe tiếng động cơ quen thuộc, Sơn đã ba chân bốn cẳng chạy một mạch đến sân bay phía Tây Bắc để kịp xem máy bay đáp, ngắm nhìn con chim sắt một cách mê say cho đến khi nó cất cánh rời phi đạo và bay mất hút mới lững thững cuốc bộ về nhà.

Thuở Sách Đèn

Tháng sáu năm 1960, ba Sơn mất. Sơn càng quấn quít bên má hơn nhưng cũng chỉ vỏn vẹn đặng vài năm vì sau khi thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, Sơn phải chuyển lên Sài Gòn học Đệ Tam trường trung học Nguyễn bá Tòng.

Cứ hai tuần một lần, trên đường về thăm nhà, lòng Sơn nôn nao khôn tả. Tới ngã 3 Mít Một, trạm tạm ngừng để thả một số khách xuống đi về nẻo Thánh Thất Cao Đài trước khi xe tiếp tục chạy vào thị xã, Sơn muốn xuống xe chạy bộ ngay về nhà, nhưng ghìm lại được vì thấy mình không còn là cậu học trò tiểu học bé bỏng ngày xưa nữa. Ấy vậy mà, khi về đến nhà, ban đêm Sơn vẫn rúc vào nách má ngủ như thuở còn thơ. Đã thế Sơn lại sợ ma nên mỗi lần ra cầu tiêu sau vườn cách nhà khoảng hai trăm mét vào buổi tối, má vẫn phải xách đèn dầu đi kèm và đứng chờ Sơn bên ngoài để dẫn về.

Một buổi tối lần về thăm nhà vào khoảng giữa năm Đệ Tam, trên đường ra nhà vệ sinh, Sơn thấy một đoàn trực thăng bay là là trong tư thế sẵn sàng đáp xuống ở phía trước, tiếng cánh quạt phạch phạch vù vù, ánh đèn màu chớp tắt liên hồi trông thật mê hồn. Sơn nắm chặt tay má và thốt lời ấp ủ tận đáy lòng mình:

- Má ơi, sau này con sẽ học lái máy bay. Con hứa sẽ mua pom xá lị (táo và lê) má ưa thích cột vào dù trái sáng bay ngang nhà thả xuống cho má ăn.

Má xoa đầu Sơn rồi nói:

- Ừa, dzậy mày hãy ráng học cho giỏi đặng lái máy bay...

Từ bữa đó trở đi, Sơn chuyên tâm đèn sách. Năm 1965, Sơn học đệ Nhị trường Hưng Đạo, thi đậu Tú Tài I, nạp đơn vô không quân nhưng bị bác vì chưa tròn 18 tuổi. Thất vọng, quay trở về quê, gặp lúc má lâm bệnh nặng, Sơn đành gác mọi việc để lo chăm sóc má cho đến khi má mất vào ngày 4 tháng 11.

Năm 1966, Sơn lên Sài Gòn học trường Văn Học, thi đậu Tú Tài 2, rồi ghi danh học Luật niên khoá 1967-1968.

Trong thời gian học Quân Sự Học Đường, Sơn gặp lại Hằng, cô bạn gái quen ở Tây Ninh. Tâm đầu ý hợp, đôi bên kết thành chồng vợ. Tuy đã vào đại học, hương lửa vui vầy, nhưng Sơn vẫn nặng niềm trăn trở vì lời hứa với má năm xưa lúc nào cũng canh cánh bên lòng...


Còn tiếp...


Kỳ tới:

Phần Hai
- Nhập ngũ, Quân Trường Quang Trung, Quân Trường Thủ Đức.

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!