Saturday, October 28, 2017

Bạn Tôi - Phan Minh Nhơn

Hồi ký Trần Văn Chính

Phan Minh Nhơn
San Jose, 20 July 2007
Ảnh chụp tại vườn nhà anh chị VN Trần
(by HLTT)
Học xong kỹ thuật ở Nha Trang, tôi, Lương Thế Cường, Lê Như Dân, Trần Khánh, Nguyễn Văn Tuyên và Phạm Văn Điệp bốc thăm về Cần Thơ, nhưng liền sau đó Phạm Kim Thành điều đình với Khánh nên cuối cùng Thành xuống Sư Đoàn 4 Không Quân còn Khánh ra Đà Nẵng. Ít tháng sau, tôi với Tuyên xuống Sóc Trăng. Phan Minh Nhơn về Cần Thơ sau này nên tôi không gặp. Mãi đến 1973, khi Căn Cứ 40 Chiến Thuật dời về Cần Thơ, tôi mới gặp lại Nhơn. Lúc đó anh đang bay cho phi đội Dustoff ở Phi Trường 31. Văn phòng Dustoff ở ngay trên đường dân kỹ thuật hay di chuyển từ phi đạo đến các xưởng nằm bên này bên kia dường bay. Gặp nhau nhận cùng khoá, nói ít câu bâng quơ không gọi là thân thiết gì lắm. Chẳng bao lâu, tôi xin đổi ra Nha Trang, thành phố tôi mê từ nhỏ, hai cái tú tài thi ở đây. Rồi Nha Trang mất, về Sài Gòn rồi qua Mỹ.

Ba Khoá 768 tôi gặp trước tiên là Trần Văn Luật, Nguyễn Bỉnh Trực và Trương Văn Tập. Tập ở Kingsport, Tennessee. Anh Luật ở Irvine, chỉ có Trực là ở gần tôi dưới Escondido. Anh Luật và Trực là hai K768 đã dự dám cưới dã chiến của tôi hồi đầu năm 77.

Đi học, đi làm, con cái túi bụi cho tới năm 1981 ra trường rồi, tôi mới bắt liên lạc lại với anh em. Thêm một số mới vượt biên, K768 thành một nhóm khá đông. Cuối tuần tụ họp, không ở nhà này, cũng ở nhà kia. Tôi gặp lại Nhơn trong khoảng thời gian này. Nhơn lúc đó cũng đã ra trường, đi đâu cũng lái chiếc motor home và mang một máy quay phim lớn phải đặt lên vai mới thâu hình được.

Thời gian này, ông bà nhạc tôi ở San Jose nên gia đình tôi hay lên đây chơi. Tiếp xúc với Nhơn mới thấy anh là người rất tốt bụng, lo lắng cho anh em cẩn thận và hoàn toàn vô điều kiện. Trong xe của Nhơn lúc nào cũng có đủ mọi thứ. Tools, first aid, medicine... cần là có. Tôi nhớ lần đi cắm trại ở Yosemite, tôi mang Ông Bà Cụ thân sinh với hai đứa nhỏ. San Jose có gia đình HB Thanh, gia đình Kiệt, gia đình LH Điệp, và vợ chồng Nhơn.  Với cái motor home, Nhơn mang đủ đồ nghề cắm trại, bếp núc, đồ ăn, thức uống..., kể cả lều extra cho ÔB Cụ tôi. Nấu nướng, sắp xếp mọi thứ Nhơn và vợ chồng Điệp lo hết, tụi tôi còn lại chỉ phải cà nhỏng và chăm cho mấy đứa nhỏ. Buổi tối mọi người đang ngồi quanh cái bàn ở trại, dưới ánh đèn bão lờ mờ, nhìn vào phía trung tâm camp site, tụi tôi bỗng thấy một con gấu thật bự đủng đỉnh đi qua, cách chỉ khoảng 10 mét. Ai nấy giật mình, Bác Nhơn để tay lên miệng ra dấu cho mọi người im lặng, ngồi yên. Phải đến cả phút sau, nghe xóm dưới đánh vung nồi inh ỏi bọn này mới dám nhúc nhích. Bây giờ mỗi lần nghe xấp nhỏ nhắc lại chuyện con gấu, tôi lại bùi ngùi nhớ đến những người đã ra đi, ÔB Cụ tôi, Thanh, Kiệt và bây giờ đến Nhơn.

Nhơn đặc biệt thích nghiên cứu về cây cỏ liên quan đến các vị thuốc chữa bệnh. Anh có nhiều sách vở, tài liệu về vấn đề này. Ngồi nói chuyện bệnh tật là Anh kể vanh vách tên các loại cây cỏ, cây nào chữa bệnh gì, sách vở chứng minh ra sao, đúng là một cuốn tự điển sống.

Một đam mê của Nhơn là trở thành nhà phát minh, sáng chế . Anh có nhiều sáng kiến để cải thiện những vật dụng trong đời sống, từ dụng cụ cho dến những máy móc, tiện nghi trong nhà. Ý kiến nào tôi nghe cũng hợp lý, nhưng nghe rồi cũng quên, thêm nữa với cái đầu bảy bó, vô ít, ra nhiều, đến nay chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Duy cái phát minh lúc gặp Anh ở Sài Gòn thì tôi còn nhớ.  Nhơn muốn ra một chiếc xe đạp có thể gấp được, gọn vừa một cái xách tay nhỏ và nhẹ để có thể mang theo đến bất cứ chỗ nào. Xe đạp gấp của Âu Châu cũng đã tốt nhưng vẫn còn cồng kềnh và nặng hơn ý muốn. Để làm nhẹ, Anh muốn dùng vật liệu mới tìm ra sau này, như graphite hay Microlattice chẳng hạn.  Về kích thước thì lúc ấy Nhơn đã cho làm vài prototypes rồi nhưng vẫn chưa vừa ý.

Nhơn là một người rộng rãi và chiều chuộng bạn bè hiếm có. Ai quen, nhờ chuyện gì cũng làm, xin gì cũng cho. Có một thời gian Nhơn hoạt động tích cực cho một số hội đoàn và các chùa chiền. Tối ngày hết chỗ này đến chỗ kia gọi Anh. Chiếc Mercedes anh dùng cho mình thì ít mà dùng cho hội đoàn thì nhiều. Đứng ngoài nhiều khi thấy ái ngại, nhưng với Nhơn, anh vui khi giúp đỡ người khác, nhất là chuyện anh nghĩ có ích lợi cho người quen hay cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Nhơn thích sưu tầm những thứ lạ. Nhà Anh như một nhà kho. Nhưng nếu có ai, không xin, chỉ thích thôi thì Anh cũng có thể cho, sưu tầm thì kệ sưu tầm, và khi đã cho thì khó từ chối. Một lần vợ tôi ra vườn thấy giỏ hoa quỳnh tỏ vẻ thích, thế là xong. Nhơn đưa tay lên giàn gỡ cái giỏ bỏ sẵn cạnh cửa hông ra driveway đằng trước. Tôi can ngăn, tìm đủ cách từ chối cũng không được. Chờ một lúc, tôi lén ra sau lấy cái giỏ treo lại chỗ cũ. Tưởng vậy là yên. Lúc về nhà trọ, nhìn ra băng sau lại thấy cái giỏ. Lần nữa, Hướng, Hoa, Châu Cay và tôi lên thăm Nhơn lúc mới nghe tin Anh đau. Hướng tỏ ý thích bức tượng Phật nhỏ, thế cũng xong ngay. Lúc ra xe, Nhơn đưa bức tượng cho Hướng, bắt phải mang về.

Nhơn không biết hờn giận, ít nhất là đối với bạn bè. Chưa bao giờ nghe Anh phàn nàn, hay lớn tiếng tranh cãi với ai. Anh chủ trương hành động là lời nói. Anh trình bày ý kiến của mình, thảo luận nhẹ nhàng, nhất định không kéo dài cuộc tranh luận cho đến lúc to tiếng. Tôi vẫn thường tự hỏi “How could Bác Nhơn be that cool?”

Tôi biết thêm về Nhơn khi anh em gặp nhau ở Sài Gòn. Năm 2013, tôi về Sài Gòn, nhờ Nguyễn Văn Hanh tụ tập cho tôi gặp Anh Em. Không ngờ Nhơn cũng có mặt.  Tôi thấy Nhơn ăn mặn, cứ thắc mắc hoài, mãi sau mới nghĩ ra, ở SG làm gì có những tiện nghi và vật liệu mà Nhơn cần. Ngay ở đây, những thứ Nhơn mua đều là mail order chứ ngoài chợ không có.

Gặp Anh Em đông đủ hôm trước. Hôm sau, Trang Như Phiên, Nguyễn Văn Đảm, Nguyễn Văn Hanh và một số Anh Em nữa đãi tôi lại. Nhơn cũng có mặt. Ăn uống xong Đảm cho cả bọn đi bia ô em mờ. Tôi và Nhơn đều là lần đầu, ngạc nhiên ít nhưng run nhiều. Chuyện qua lại, tai nghe, mắt thấy nhưng cả toán không ai đi sâu vào chi tiết.

Sau chầu beer, mỗi người đi mỗi ngả. Hanh đưa tôi  về. Ngày hôm sau Nhơn đến nhà tôi sớm, đưa đi ăn phở trên đường Hùng Vương. Nhơn nói chỗ này phở thuộc loại ngon của SG, giá đắt gấp đôi hay hơn những chỗ tôi thường ăn.  Thú thực, phở SG làm tôi thất vọng. Sao ngày xưa ăn ngon thế mà bây giờ lãng xẹc, có lẽ mình già, vừa ăn vừa run, không còn biết ngon là gì.  Ai chửi việt kiều làm bộ, cũng đành chịu.  

Xong phở Nhơn đèo tôi đi lang thang. Vào một tiệm sách có nhiều sách tiếng Việt, Nhơn chỉ tôi mua một bộ sách sáu cuốn của một bác sĩ người Nga thuật lại chuyến du hành qua Ấn Độ  vào Hy Mã Lạp Sơn tìm những trái núi có hình kim tự tháp mong gặp được những kỳ nhân đã tạo ra những kim tự tháp đó. Theo vị bác sĩ này các kim tự tháp là chứng tích của các kỳ nhân đã tu tập thành chánh qủa . Con người không thể xây dựng được những kim tự tháp này, chỉ có các kỳ nhân với khả năng vận động được sức mạnh của vũ trụ mới thực hiện được. Theo truyền kỳ, những kỳ nhân này vẫn còn hiện diện trong thâm sâu cùng cốc, tuổi tác có đến ngàn vạn năm. Trong nhân gian hiện tại, chỉ kẻ nào có duyên nghiệp đặc biệt mới có hy vọng truyền thông với họ được. Tin tưởng vào lý thuyết này với một quyết tâm, vị bác sĩ Nga hy vọng mình là người được chọn. Nhơn cho rằng giả thuyết về sự hiện hữu và quyền lực của những kỳ nhân là có lý. Anh hẹn tôi sẽ bàn bạc thêm khi nào tôi đọc xong. Tôi về Mỹ, đọc được hai cuốn đã tẩu hoả nhập ma, chịu không tiếp tục được nữa.

Sau tiệm sách, Nhơn chở tôi về Bình Chánh, chỗ Anh có miếng đất. Ở đây tôi mới thấy Nhơn là người con có hiếu và là người anh biết lo lắng đùm bọc cho các em.

Nhơn đưa tiền về VN mua đất cát từ những năm 90s. Những chỗ khác tôi không biết, riêng chỗ Anh đưa tôi về thì khá rộng . Gia đình người em xây một cái nhà ngay chỗ cổng đi vào, hai cô em với gia đình ở phía trong, Nhơn về VN, ở với hai cô em.  Ở góc sâu phía trong, Nhơn cho xây một kiến trúc hình thức như cái lăng, một mặt tường, ba mặt trống, để mộ Hai Cụ Thân Sinh. Tường vách cột kèo xây dựng, trổ khắc công phu. Nhơn phải mang thợ từ ngoài Trung vào làm cho đúng kiểu cách ngoài ấy. Qủa là một công trình.

Nhơn nói, từ nhỏ lúc nào Anh cũng tâm nguyện sẽ cố gắng làm để Cha Mẹ Anh vui lòng, hãnh diện. Mang được Bố Mẹ, các em từ miền Trung vào Sài Gòn, cung cấp cho Bố Mẹ, gầy dựng cho các em, Nhơn thật đã làm tròn bổn phận.

Về tâm linh, cái tên TamDaiQuang@yahoo.com cũng đủ nói lên chân tâm Phật Đạo của Anh. Ai đến nhà thăm Nhơn, vừa bước qua cửa là đã thấy như đi vào một ngôi chùa.  Nhơn dùng căn phòng khách rộng làm nơi thờ Phật. Bàn thờ gồm một tượng Phật thật to, kích thước không thua gì các tượng ở những ngôi chùa lớn. Chung quanh có một số tượng nhỏ. Chuông mõ, mâm qủa, màu sắc không khác gì trong chùa thật sự.

Nhơn chịu khó nghiên cứu Phật Pháp và đã có lần đi theo kiểu Tây Ba Lô qua Ấn Độ, Nepal hành hương, tầm sư, học đạo.  Nhơn kể những khó khăn, nguy hiểm của cuộc ‘Hành Trình Về Phương Đông‘. Qua những nơi nghèo khó cùng cực, an ninh tối thiểu và đối thoại nhờ vào đôi tay. Nghe không cũng đã thấy ái ngại, mường tượng hình ảnh Đức Tất Đạt Đa, bỏ cung điện, vợ con, lang thang khất thực để đi tìm chân lý về nỗi khổ đau của con người.

Tôi không dám nói về công phu tu luyện của Nhơn, nhưng qua hai lần thăm Anh trong những lúc nghặt nghèo thì ít nhất đức tin, tâm giác ngộ của Anh đã hơn rất nhiều người tôi gặp.

Lần đầu tiên nghe Anh bị ung thư, bốn đứa, Hoa, Hướng, Châu Cay và tôi lên thăm Anh. Tránh làm phiền Chị Thuỷ, tụi tôi ngủ ở khách sạn, sáng mới lại thăm Anh. Nhơn vui lắm, cười nói, tới lui như không có chuyện gì xảy ra. Không những thế, Nhơn còn diễn giảng Phật Pháp cho Hướng và Châu Cay suốt buổi sáng. Sau khi rời nhà Anh, Châu Cay và tôi thì thầm với nhau, mở tròn mắt không tin là chuyện có thực.

Sau đó, thỉnh thoảng nói chuyện điện thoại, Nhơn nói, Anh vào được một chương trình thử nghiệm thuốc và phương pháp trị liệu mới. Thuốc mới này tác dụng trực tiếp trên tế bào ung thư. Sau những lần đi tái khám, bác sĩ cho Anh biết chỗ ung thư đã không phát triển thêm mà có vẻ còn giảm kích thước đi. Anh em nghe nói đều mừng cho Anh, tìm được đúng thày, đúng thuốc.

Lần thứ hai vào tháng 11 năm 2016, Nhơn lái xe cứ quẹt một bên, khám thấy một mắt thị giác yếu.  Chạy MRI, mới biết não bộ có vấn đề, phải mổ. Khi vợ chồng tôi vào thăm, Nhơn đã mổ xong. Trên đầu chỉ có một miếng băng nhỏ. Nhơn vui mừng khi thấy vợ chồng tôi đến. Bọn tôi ngồi chơi cả tiếng đồng hồ, Nhơn nói chuyện không dứt và không thấy mệt. Lúc gần về tôi nói với Nhơn “thấy Ông bình thản như vầy, tôi rất mừng và cảm phục Ông”. Nhơn cười, “bình thản và lạc quan cũng là một yếu tố để trị bịnh”.

Tôi lấy điện thoại cầm tay chụp Nhơn. Tóc cạo nhẵn, cặp mắt sáng, nụ cười  hiền hoà, Nhơn như một nhà chân tu ở mức thượng thừa.

Tháng 7 vừa rồi, tôi nhận được email của Nhơn rủ về Việt Nam chơi ba tháng.  Qủa thật lúc đó tôi đang lu bu. Cháu ngoại mới sanh, chưa biết ất giáp ra sao, vợ bể đầu gối đang vật lý trị liêu. Vân-Anh nói tôi muốn đi thì đi. Thương vợ, thương con, thương cháu, tôi không đi, để Nhơn về một mình. Anh về lại đây lúc nào tôi cũng không hay.

Hôm nay, 20 tháng 10, sáng 8 giờ, đọc tin nhắn của Châu Cay trên điện thoại.
“Good morning Chín! Hồi 6 giờ 15 phút sáng nay 10/20/2017 Chị Nhung vợ của Quí Nguyễn có gọi báo cho tôi biết là bạn Phan Minh Nhơn đã qua đời tại bệnh viện Kaiser San Jose. Xin thông báo cho Chín và các bạn mình hay.”

Tôi rụng rời, mắt tôi ướt.

Trần Văn Chính

Trần Văn Chính
by HLTT









2 comments:

  1. Hơn 15 năm trước,gia đình Nho từ LA đi tour lên San Francisco chơi,để giành thời gian thăm lại bạn bè khóa 7/ 68.Được anh chị Tập ra bến tàu chở gia đình Nho về nhà anh chơi,sau đó anh Tập chở tới nhà anh Phan minh Nhơn.
    Tới nhà anh Nhơn,thấy quá nhiều tượng Phật,đặc biệt có tượng cao khoảng 6'  (gần bằng tượng Phật được thờ tại chùa Phật Ân Minnesota).Bà xã nói với Nho những người lúc nào cũng biết Trời,biết Phật như anh Nhơn sẽ được Trời Phật chứng giám.
    Cầu mong ơn trên phò hộ cho anh sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.

    Huỳnh Nho

    ReplyDelete
  2. Bài viết của bạn Trần văn Chính làm tôi đã ngưỡng mộ Nhơn, nay lại càng ngưỡng mộ hơn.
    Đối với tôi, bạn Phan Minh Nhơn là mẫu người hiền hoà, dễ thương, sống tử tế, đàng hoàng và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.
    Nay bạn đã đi về miền miên viễn.
    Xin chúc bạn bình an, gặp lại bạn bè đi trước.
    Chúng tôi, trước sau gì lần lượt cũng sẽ gặp lại bạn.
    tdp

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!