Monday, March 4, 2013

Đoạn Đầu Đời Làm Vợ

Hồi Ký Dzuyên-Yên



Buổi sáng mùa hè ở Cali, mặt trời dậy rất sớm. Uyên nhìn đồng hồ 6:30 sáng. Huy và Khôi còn ngủ. Căn nhà yên lặng, thường thì nó vẫn yên lặng vì chỉ có ba người lớn. Nhưng buổi sáng với cái không khí mát mẻ và mùi cà phê thơm ngát Uyên thấm được sự yên lặng đó hơn.

Giở tờ báo Viễn Đông mà tối hôm qua lấy ở nhà hàng nơi vợ chồng Uyên vừa có bữa tiệc tái họp mặt với bạn bè khóa 7/68 Không Quân của Huy kỷ niệm 35 năm ngày họ gặp nhau trong quân trường. Uyên bâng quơ đưa mắt qua những tin tức về Việt Nam. Giở trang đầu. “ối dào”. Uyên chắc lưỡi giở thêm một trang tìm bài thơ “Chào các hảo hán 7/68” của nhà thơ họ Nguyễn, một thành viên của gia đình Không Quân. Đọc lại vì tối hôm qua không nghe kỹ. Vẫn hào hùng và đầy tình nghiã lắm.

Uyên toan gấp tờ báo lại bỗng thoáng thấy mấy hàng chữ “Vợ tù cải tạo...” in đậm ở đầu một trang. “Gì đây ?” một chút tò mò dấy lên. Cũng mới tối hôm qua Uyên đã làm một việc mà chưa có một người nào trong nhóm phu nhân của các bậc hảo hán làm trong nhiều lần họp mặt trước là ngoài việc xung phong hát một bài với Luyến, phu nhân của hảo hớn Khánh. Uyên còn xin được ngỏ đôi lời nhắc nhẹ đến vai trò của người phụ nữ bên cạnh cuộc đời các hảo hán, từ người vợ lính đến người vợ tù... từ những ngày u tối cho đến ngày tươi sáng... đã được các chị hoan hô quá sức. Bởi vì hầu hết các chị đã từng qua cái khổ ải nuôi chồng cải tạo kể cả Uyên.

Huy đứng sau Uyên từ lúc nào. “Good Morning! Em đọc gì mà chăm chú thế?" “Chuyện người vợ tù cải tạo cuộc thi viết do nhật báo Viễn Đông tổ chức"... "Bộ em định dự thi à?.. để anh đọc xem tác giả viết những gì nghe."

Huy tay pha trà mà mắt dán vào tờ báo. Một lúc sau chàng quay lại nhìn vợ. “Đây chỉ là một chuyến thăm nuôi. À, mà sao em không viết nhỉ? Em có dư chất liệu để viết và anh biết em có khả năng mà. Những lá thư em viết cho anh ngày hai đứa chưa lấy nhau, ngày anh trong trại cải tạo và những ngày dài của 10 năm xa cách anh vẫn còn giữ kìa. Mỗi lá thư là một câu chuyện mà anh không bao giờ chỉ đọc một lần. Thật ra anh muốn em viết từ lâu rồi, qua những mẩu chuyện vụn vặt mà thỉnh thoảng em kể cho anh nghe trong những dịp tình cờ. Nó kíck động tận tâm tư anh làm anh nhớ hoài. Giải thưởng chẳng qua chỉ là một nguyên nhân khởi động mình viết mà thôi. Mà vì mình muốn có một chút gì đó giữ cho mình bằng không mình sẽ quên hết em biết không? và hơn nữa tiếng nói của em cũng sẽ là tiếng nói chung cho những người vợ tù khác mà họ không có dịp để nói lên cho mọi người cùng thông cảm.”

Uyên nhấp tách cà phê nhìn chồng đôi mắt nheo nheo. “Bộ thuyết phục đó hả?”. Huy cười và nói “Không những thuyết phục mà còn khuyến khích nữa... viết đi rồi anh thương”. Uyên nhăn mũi rồi nói “được tiếng thương cái xương cũng không còn đó ông thầy à... nhưng để nghĩ coi.”

Trong đầu Uyên tư tưởng viết lách bắt đầu trổi dậy “Ừ sao mình không viết lại nhỉ. Viết rất thật , không màu mè, chẳng những cho riêng mình mà còn cho những bà vợ tù cải tạo nữa”.

Nắng ngoài sân bắt đầu gay gắt hơn, hứa hẹn một ngày nóng và khô như thường lệ của mùa hè Cali. Một ngày như mọi ngày trong quá khứ và sẽ như mọi ngày trong tương lai, chỉ khác chăng là thân phận mong manh của con người trong giòng thời gian thay đổi theo những thác ghềnh mà nó chảy qua, Uyên nghĩ không phải chỉ là chuyện của mình mà trong đó còn có nhiều những câu chuyện mà mình muốn nói ra. Chẳng hạn hai bà Mẹ của mình, Mẹ chồng và Mẹ ruột, cũng là hai câu chuyện và những người bạn cùng thăm tù với mình mà một số mình vẫn còn liên lạc.

Đám cưới của Huy và Uyên được tổ chức vội vàng trong phạm vi gia đình chỉ một tuần lễ sau ngày Sài Gòn sụp đổ. Họ hàng một số Dì, Cậu đã thoát đi. Chưa biết họ đã đi đâu và sẽ đi đâu. Bạn bè không một ai còn liên lạc. Quần áo được may hỏa tốc vì vải vóc đã mua sẵn cho đám cưới dự tính vào cuối năm, cô Loan là cô họ của Uyên đã khóc khi đo áo cho Uyên “Tội nghiệp con tôi, không bị thời cuộc này thì đám cưới mày phải là vui lắm”. Uyên không còn ý thức gì với những việc đang xảy ra từ sau ngày 30 tháng tư “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Nhà cầm quyền mới, Uyên nghĩ, họ có lẽ chưa hoàn hồn vì sự chiến thắng khá bất ngờ, sớm hơn họ dự đoán nhiều quá vì thế vẫn còn lúng túng trong việc làm thế nào để nắm vững tình hình nên những người của chính quyền cũ chưa bị nói đến.

Nhưng linh tính cho Uyên biềt rằng họ sẽ không để mình yên. Ba Uyên là Đại Úy Sĩ Quan Tài Chánh của Đặc Khu Rừng Sát Nhà Bè, Bố Huy là Thiếu Tá Nha Viễn Thông Bộ Nội Vụ, còn Huy là Trung Úy trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả đều dính líu đến chính quyền cũ. Trong những ngày náo loạn trước 30 tháng tư, hai gia đình cũng toan tính bằng nhiều cách để chạy khỏi VN nhưng ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’. Lúc này hai Ông như người mất hồn, ngơ ngác bỏ mặc chuyện gia đình cho hai bà Mẹ cùng bầy con.

Huy bảo Uyên nên trở lại trường xem mình có thể làm chút gì gọi là đóng góp để rồi có thể lấy giấy chứng nhận cho cái học trình Cử Nhân của mình hay không. Sáng hôm đó, Huy chở Uyên bằng xe đạp đến trường Đại Học Khoa Học. Đường phố đầy rác rưởi Ty Vệ Sinh chưa làm việc lại. Uyên đến văn phòng sinh viên vụ. Người mà phải tiếp xúc là Hy mà tụi Uyên vẫn gọi là Hy một rưỡi vì hắn chân cao chân thấp. Ghi tên tuổi và chứng chỉ mà mình đang theo học vào một cuốn sổ xong Uyên bắt đầu được lên lớp. Nào là “phải nhiệt tâm đóng góp để xây dựng một xã hội mới” và “phải cải đổi những suy nghĩ lỗi thời”, cuối cùng hắn kết luận” ngày mai chị trở lại đây 7 giờ sáng nhận công tác nhé”.

Quay trở ra Uyên nói với Huy "thì ra thế, hắn là tay nằm vùng. Thảo nào hắn học mãi không xong, Anh biết không? tụi em ghét nó như hủi”. Uyên phân vân ngày mai không biết có nên trở lại không và nó sẽ giao cho mình làm gì? Ra tới cổng Uyên gặp Ngân, người bạn cùng lớp, đầu đội nón lá, quần thường áo sơ-mi không như mọi ngày vẫn đi học trước đây. Mặc dù không thân thiết lắm nhưng Uyên vẫn vồn vã hỏi thăm và được biết ‘phát thẻ giữ xe’ là công tác của Ngân hiện tại, ngoài ra còn phải quét dọn đường phố và quanh trường.

Trên đường về Huy bảo Uyên “Thôi em à, anh thấy cho dù em có ra thân khuyển mã mà làm cho nó với một cái lý lịch của chồng, của Bố và của Bố chồng đều là Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thì không lợi ích gì đâu. Kệ bố nó, tới đâu thì tới.”

Con đường Cộng Hòa thêng thang mà ngày nào Uyên vẫn yêu thích mặc dù hai hàng cây phượng với những con sâu xấu xí đánh đu bằng những sợi tơ trong veo sẵn sàng nhảy dù xuống đầu xuống vai là nỗi kinh hoàng của Uyên trong những buổi học sớm, hôm nay lại càng thấy mù mịt hơn như tương lai của hai đứa.

Vợ chồng Uyên được bác Năm Thành là bạn của Bố Mẹ Huy để cho một căn phòng trong dẫy nhà cho thuê của Ông Bà. “Thế là mình cũng có một cái tổ nhỏ”. Phía gia đình Uyên, Bố Mẹ và các em vội vã trở về nhà sau gần một tuần lễ tá túc trên nhà người Bác, chị của Bố Uyên, trong những ngày cuối cùng của chế độ. Chứng kiến cảnh người ta đi hôi của ở những căn nhà mà chủ đã bỏ đi mặc kệ súng nổ đạn bay. Cũng vừa may là mọi người về đến nhà trước khi tường nhà bị đục thủng vì họ nghĩ là mình đã đi rồi.

Khoảng đầu tháng sáu đợt sóng đầu tiên bắt đầu tràn lên bờ. Ủy Ban Quân Quản thành phố HCM ( Sài Gòn đã bị đổi tên từ khi Cộng Sản miền Bắc đặt chân vào) ra lệnh cho các Hạ Sĩ quan của chế độ cũ phải tập trung tại địa phương để học tập về chính quyền mới, chủ nghiã mới trong ba ngày, sáng đi chiều về. Mọi việc xảy ra đúng như họ đã nói: Cấp giấy chứng nhận đã được học tập cải tạo và trở về điạ phương làm thường dân như những người dân khác.

Đợt thứ nhì của cơn sóng Đỏ bổ tới vào giữa tháng sáu. Các Sĩ Quan từ cấp Tá của chế độ cũ chuẩn bị hành trang cho một tháng học tập. Mọi người đều hiểu như nhau là các Sĩ Quan cấp Tá và các nhân viên chính quyền cao cấp ( từ ‘Ngụy Quân Ngụy Quyền’ được phổ biến rộng rãi từ đó ) sẽ phải học tập cải tạo một tháng rồi sẽ trở về đời sống dân dã. Bố và em rể Huy là hai người đầu tiên trong gia đình khăn gói qủa mướp lên đường đến trường Gia Long tập trung và sau đó được đưa đến làng cô nhi Long Thành.

Mười ngày sau đó đợt sóng đỏ cuối cùng càn quét tất cả những Sĩ Quan cấp Úy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũ tập trung học tập chỉ có mười ngày. Ba Uyên ra đi trước Huy một ngày. Buổi tối trước hôm ra đi, hai đứa ngồi xích-đu trên sân thượng. Đó là một đêm sáng trăng. Cái ồn ào của thành phố đã lắng, Uyên chợt bảo Huy “Bác Quất nói hay thật anh ạ. Khi bác lấy lá tử vi cho em, bác bảo số em không lấy chồng quan võ, hôn nhân giản dị dễ dàng, bác không hiểu tại sao. Bây giờ thì em hiểu rồi, mình lấy nhau khi anh đã không còn là một quân nhân và giản đơn hết sức. Mà bác bảo em cao số lấy chồng muộn thì mới tốt. Muộn là bao nhiêu, hăm nhăm hay ba mươi. Ừ, bây giờ cũng xong rồi. Anh xem còn có gì cần phải mang theo cho mười ngày tới không?”. Huy an ủi vợ “ Có mười ngày ấy mà. Sau đó anh về mình bắt đầu lại em nhé”.

Sáng hôn sau, Trí, người em thứ sáu của Huy, chở Huy tới địa điểm tập trung là trường Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Uyên đứng nhìn theo cho tới khi hai người lẫn vào dòng xe cộ tấp nập. Thành phố vẫn những sinh hoạt ồn ào, những cái ồn ào của hoang mang, cái vội vã không định hướng, không biết ngày mai sẽ ra sao. Hơn một tháng trời từ ngày lấy được Sài Gòn, nhà cầm quyền Cộng Sản chưa thực sự xuất đầu lộ diện. Cho đến hôm nay họ đã gom thu được nếu không muốn nói là 100% các người của chế độ Cộng Hoà. Vì cứ nhìn hai Ông Bố, các Chú, các Cậu và ông chồng mình; ai cũng cho rằng cố vượt qua cái ải mà gọi là ‘học tập cải tạo’ - Một tháng, mười ngày rồi thì về với gia đình sinh sống rất khiêm nhường hay ai cũng thấy rằng đó là một lối duy nhất còn lại ‘họ không giết là may rồi’.

Mấy ngày sau đó - khoảng bốn ngày - Uyên đi qua ngôi trường Lê Văn Duyệt; im vắng hoàn toàn; vậy là họ đưa mấy ông ấy đi đâu rồi. Uyên đâm hoang mang; trường Gia Long cũng không còn ai; thân nhân của những người bị tập trung cải tạo bắt đầu lo lắng; tìm nhau thì thầm hỏi thăm tin tức. Không một ai biết gì. Thế rồi mười ngày trôi qua không một sự manh múm của sự trở về ; không tăm dạng của những người thân. Uyên không chỉ có một mình Huy để lo lắng mà hai bà Mẹ với hai gánh nặng của đàn con uằn trên vai cộng thêm chồng giờ ở nơi đâu không biết. Uyên thật sự hoảng hốt. Mẹ Uyên thì vốn sẵn có tiệm tạp hoá bán gạo than đậu... vẫn tiếp tục buôn bán. Bà bảo “Nó chẳng cho được bao lâu đâu, thôi cứ tới đâu hay tới đó vậy, tao đã chạy Cộng Sản một lần rồi tao còn lạ gì nó”.

Còn Mẹ Huy, xưa nay Bà không buôn bán gì, chỉ lo thầu xây cất nhà cửa rồi bán; đến lúc nhốn nháo thì tiền bạc cũng không còn giữ được trong người bao nhiêu. Hai Bà quay ra cùng nhau buôn hàng ra miền Trung để bỏ mối. Uyên vẫn nhớ hôm phải vào trụ sở của Ủy Ban Quản Lý thương mại Quận để xin môn bài buôn hàng chuyến cho Mẹ; Uyên không rõ là mình đã khai như thế nào, nói như thế nào nhưng Uyên cảm thấy rõ ràng nó chẳng vào cái luật lệ nào hết mà cuối cùng Uyên cũng có được cái gọi là ‘Môn bài buôn hàng chuyến’ cho Mẹ. Trong thâm tâm Uyên nếu nói về mặt văn hóa thì cái đám cán bộ ở Quận này không có gì cả; cứ dùng từ đao to búa lớn và tỏ ra mình hiểu được khuôn phép nhà nước là làm được việc mình muốn, dù có vô lý.

Ngày vẫn trôi trong hơi thở phập phồng đứt quãng. Những nhớ nhung da diết trong những ngày sau khi Huy đi đã thay bằng sự lo sợ thật sự cho sinh mạng của người đi. Chiếc áo pyjama mà Huy vẫn mặc Uyên vẫn treo đó không muốn giặt, có nhiều tối Uyên đã mặc đi ngủ để tìm chút hơi ấm. Căn phòng nhỏ trở nên vắng lặng hơn.

Một tháng sau ngày Huy đi, Uyên thưa với mẹ chồng để trả lại căn phòng về lại nhà mình vì , thứ nhất hộ khẩu không khai được ở đây ( thực sự là con bé Hiếu, em Huy, khi khai lại hộ khẩu nó quên mất là có một bà chị dâu ‘mới’ trong gia đình nên xót tên), thứ hai là không biết bao giờ Huy mới trở về; vả lại nhà hai bên cũng gần nên Uyên vẫn thường xuyên chạy qua lại được, hơn nữa vì không có tiền nên Uyên muốn về phụ Mẹ và các em buôn bán.

Có được ít chục ngàn mà Huy đã kiếm được bằng cách trưng bảng nhuộm quần áo trước sân vì chàng thấy rằng mình có nhiều quần áo muốn cho tối mầu để cho hợp với xã hội mới, thì hẳn thiên hạ cũng thế. Qủa thật đó là một cái nghề rất đắt khách vào lúc đó cho tới ngày chàng phải đi. Uyên chia cho Huy một nửa rồi bây giờ phải làm để sống chứ.

Phía nhà Huy các em hãy còn nhỏ, con bé út mới có tám tuổi, Vy em kế Huy thì mới lấy chồng năm ngóai và được bé Giang mới bảy tháng; cô cũng ở bên khu Nam Hoà- cư xá Sĩ Quan Chí Hòa- nên cũng thường xuyên đi về vì chồng cô Vy cũng ra đi cùng lượt với Bố vợ; riêng cô vẵn đi làm ở Bộ Nông Nghiệp nhưng không biết được bao lâu vì tối ngày nó cứ bắt khai lý lịch.

Một hôm Mẹ Uyên bảo với các con “ Mẹ nghe nói họ nhốt mấy ông cải tạo ở Long Giao, Long Khánh. Chắc tao phải đi xem sao liệu có gặp bất cứ ai để mình hỏi thăm sự thể thế nào”. Thế là Bà ngưng một chuyến hàng để đi tìm chồng. Đến chiều ngày thứ ba Bà trở về có vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt xem như còn nhiều hy vọng. Chị em Uyên nhào ra vây lấy Bà, lũ nhỏ hỏi han tới tấp “Có thấy Ba không Má ? Có gặp Ba không Má ?” Uyên phải dạt đám em ra “ Cho Má thở cái đã” Uyên lấy cái khăn mặt “Thủy, mày làm ly nước; Hoa lo chút cơm nhé”.

Sau khi có được ly nước Mẹ Uyên mới bắt đầu kể “Không phải chỉ có mình Má vào khu đó, vừa mới từ quốc lộ một Long Khánh rẽ vào Long Giao dân ở đó họ đã nhìn ra mình rồi; Má gỉa như người đi buôn ( nghề của Bà ) hỏi thăm vào vườn bắp để cất bắp về vựa; tao thấy cũng có vài tốp dăm ba bà đi với nhau, nhìn là biết ngay mấy bà Sài Gòn- vẫn còn quần áo làlượt và cả son phấn nữa- thì đến đây chỉ có tìm mấy ông thôi chứ có gì khác hơn.

Má cũng vào một quán bên đường, thấy ông bà chủ có vẻ chân thật Má bèn hỏi xa xôi nhưng ông ta bảo “Bà đừng lo sợ vì mình là dân cũ cả và các ông ấy ở trong cái trại lính cũ tận mãi trong sâu kia, thỉnh thoảng cũng được đi ra gần đây để lao động, thành ra chúng tôi nhặt được khối thư của các ông bỏ dọc đường mong có người nhặt được để chuyển về cho gia đình; riêng tôi hễ nhặt được là bằng mọi cách tôi gởi đến tận địa chỉ, phải cho người ta liên lạc chứ”. Ông ấy vừa nói xong vừa nhìn ra ngoài rồi tiếp“ Chúng tôi ở đây cũng hay để chuối, xôi, nếp ở dọc đường các ông đi, mong gọi là chút an ủi. Nếu Bà muốn thì cứ đi sâu vào con lộ này; coi chừng lũ Công An Xã toàn bọn Bắc Kỳ mới khó ưa”.

Thế là Má biết có người bị giữ trong khu Long Giao đúng như họ đồn. Tao mới theo đường ông ta chỉ đi sâu vào trong; hai bên đường toàn bắp đến lúc Má thấy như có những nóc nhà xa xa thì tao cũng thấy cái đồn Công An; hai thằng áo vàng tất tả chạy ra hô lớn “Đứng lại, chị kia đi đâu”; Má bảo tôi dân đi buôn tìm mối bắp, họ chỉ tôi vào đây. Một thằng nói “ Buôn bán gì, đi tìm bọn ngụy chứ buôn bán gì. Vào đây”. Chúng nó dẫn Má vào trụ sở, hai thằng đó thì còn rất trẻ, da bủng bì bì, môi thâm sịt đúng là bị sốt rét kinh niên.

Đến khi vào trong tao gặp một thằng da sám chì , mắt trắng dã, nó ngồi thu hai chân trên ghế và có cái bàn trước mặt. Nó đòi giấy tờ và giảng cho tao một bài về việc phải để cho các ông ấy học tập tốt thì sớm về với gia đình…. Rồi nó giữ Má ở đó qua đêm sáng hôm sau mới trả lại tao cái giấy chứng nhận đi đường. Nhìn chúng nó mới thấy căm thù chỉ muốn đâm cho một nhát”. Nói tới đó nước mắt Mẹ Uyên đã lưng tròng, Bà quay đi để dấu và chép miệng “ Đã chạy bọn quỷ Đỏ một lần cũng không thoát. Chả biết làm sao mà sống với chúng nó”.

Uyên thấy cả một tương lai u tối. Phần Huy và Bố chồng cùng người em rể cũng mịt mù tăm tích. Các bà vợ của những người tù cải tạo ( bây giờ phải gọi họ là ‘tù cải tạo ‘ mới đúng nghĩa ) nhốn nháo . Họ tập trung trước ‘Ủy Ban Quân Quản thành phố HCM’ để biểu tình (đúng là lề thói Tự Do Dân Chủ cũ) đòi thả chồng đúng theo thời hạn học tập đã ấn định thì được trả lời là “Nhà nước chỉ bảo chuẩn bị hành trang cho một tháng, cho mười ngày chứ đâu có bảo rằng các anh ấy sẽ học tập ngần ấy ngày thôi đâu; bao giờ học tập tốt thì sẽ được về thôi”. Lúc bấy giờ mọi người mới thấy rõ là mình bị lừa trắng trợn.

Hy vọng Cha về, chồng về rồi thì sẽ uốn mình mà sống trong chế độ mới mong manh tan dần. Uyên được nghe nhiều chuyện xảy ra ở miền Bắc sau khi đợt di cư chấm dứt, bức màn sắt được buông xuống bên kia bờ sông Bến Hải; thân phận của những người ở lại hay bị kẹt lại không biết đi về đâu. Chính Ông Nội của Huy, cụ đã bị đầy ở trại Lý Bá Sơ, là một trại khốc liệt ở vùng Thượng Du, chỉ vì tội là địa chủ hơn ba năm may là còn sống sót trở về, còn Bà Dì và các chú cô thì bị đuổi ra khỏi nhà phải sống chui rúc ở một căn nhà chăn vịt ngòai đồng muôn phần khốn khó. Ở miền Nam có lẽ họ không làm nổi cái việc càn quét từng đường tơ kẽ tóc để trả thù như cái bản chất, chủ trương của chế độ; vì thù địch của họ qúa đông mà Sài Gòn vẫn còn nhiều tai mắt của Quốc Tế. Đó là một đồm lửa hy vọng nhỏ nhoi trong cái đen tối của tương lai để mong rằng mình sẽ còn gặp lại những người thân yêu.

Đợt trả tự do cho những người ‘cải tạo tốt’ đầu tiên vào cuối tháng tám; một số gồm thành phần ‘Ngụy Quyền’ ( Công Chức) trẻ, ít năm phục vụ cho chính quyền cũ, ít có ‘tội ác với nhân dân’, được trả về với gia đình. Trong đợt này có Chính, em rể của Huy, nhờ đó mới biết rõ nơi họ giữ Bố và những Sĩ Quan cùng những viên chức cao cấp của chính quyền Cộng Hòa cũ.

Đợt thả đó cũng là đòn để Cộng Sản tạm trấn an xoa dịu dân Sài Gòn vì mười gia đình thì hết tám là có người đi. Bên cạnh chuyện canh giữ những người lính cũ, họ còn lo chỉnh đồn hệ thống cai trị để kiểm soát từng người dân, từng khu phố. Tổ dân phố, Đoàn thanh niên khăn quàng đỏ cho thiếu nhi…. hội họp liên miên để được nghe những chính trị viên lên lớp. Dưới mắt Uyên, họ là những công cụ đã được tẩy não một cách hoàn hảo, là những con ngựa thồ bị che mắt chỉ có một con đường theo Bác và Đảng, đến chết thì mơ đuợc gặp ông Lê-Nin ( mặc dù họ không tin là người ta có linh hồn, có Thiên Đàng hay Niết Bàn).

Gia đình Uyên rất đông anh chị em, mười một người, Uyên lớn nhất, trừ ba đứa bé dưới mười tuổi còn lại đều là tuổi thanh niên; dĩ nhiên là chúng nó ghét họp hành với kẻ thù, ghét cái lũ khố rách áo ôm bây giờ ti toe lãnh đạo nên cũng rất thờ ơ với những sinh họat của phường khóm. Có một lần Kiên là tên lãnh đạo đòan thanh niên phường đến nhà Uyên để phê bình về sự thiếu nhiệt tình đóng góp của các em Uyên. Hắn là con trai của bà Kiểm tạp hóa trong tận cùng con ngõ. Sau ngày 30 tháng tư hắn trở thành đòan trưởng của thanh niên phường, một loại ‘chó hùa theo voi hít bã mía’. Uyên nhìn trừng trừng vào mắt hắn trong lúc hắn thao thao những bài học của CS. Cơn giận bốc lên dần trong Uyên và thóat ra bằng đôi mắt. Có lẽ hắn cũng cảm thấy vậy nên hạ giọng dần và sau cùng kết luận vội vã “ chị phải bảo Hoa, Chinh, Thương, Thùy và Trang năng ra sinh hoạt với đoàn thể hơn thì gia đình mới được điểm tốt hỗ trợ cho Bác trai sớm đoàn tụ”.

Uyên chỉ lầm lỳ buông thỏng "Cám ơn”. Hắn rút lui và từ đó không thấy hắn trở lại hối thúc nữa.

Sáu tháng mười ngày kể từ ngày Huy đi Uyên nhận được lá thư đầu tiên từ trại cải tạo gởi về với địa chỉ, tình trạng hiện tại (thật hay không ????) cùng một danh sách những đồ cần thiết, mà Uyên sẽ được phép gởi bằng đường bưu điện tới chàng; giới hạn ba kí lô mỗi người. Ba Uyên và Bố Huy cũng đều có thư về; lá thư là bằng chứng cho sự sống còn của người thân; vừa mừng vừa tủi, vừa nghe cay đắng vì thân phận mình, thân phận của những người bại trận.

Thuốc ghẻ, an thần, cảm sốt và sốt rét cùng đường, bột là những món chính. Uyên cùng hai Bà Mẹ sửa soạn sao cho vừa số kí lô ấn định những món chính yếu, ngòai ra mang thêm một ít ngoại lệ nếu họ cho thì bỏ vào. Vy, Chính sẽ đi gởi cho Bố của Huy; Chinh, Hoa và em Thương sẽ đi gởi cho Ba của Uyên và Uyên đi gởi cho Huy ở bưu điện Sài Gòn. Cũng ngại sẽ rất đông người đi gởi nên Uyên lo đi cho thật sớm; 4:30 sáng đã có mặt ở cửa sau của Bưu điện Sài Gòn trên đường Hai Bà Trưng.

Có ngại cũng bằng thừa, vì trong cái mờ mờ của bình minh, con đường Hai Bà Trưng tại khu Bưu Điện đã đầy người, mỗi người một gói trên tay. Trời vẫn còn tối quá, 8 giờ họ mới bắt đầu làm việc. Uyên tuột đôi dép kê làm chỗ ngồi, dựa lưng vào tường và giỏ qùa được ôm trong lòng. Uyên nhắm mắt mà cố giữ cho đầu hoàn toàn trống rỗng, nếu không chắc là không nín được.

“Nè bồ, mình ngồi đây với bồ được không ?” Uyên mở mắt nhìn lên, một người con gái chạc tuổi Uyên cũng một gói qùa trong tay. “Đồng bọn đây” Uyên nghĩ “ngồi xuống đi, còn lâu lắm mới mở cửa, bồ gởi cho địa chỉ nào vậy, "T" mấy?”. Cô gái trả lời “ T2, nghe đâu ở sân bay Trảng Lớn, Tây Ninh, còn bồ ?”. “T3, chắc cũng ở đó hả, mình tên Uyên, còn bồ? “. “Mình tên Dung, nhà Uyên ở gần đây không ?”. “Không Dung ơi, nhà mãi tận trường đua Phú Thọ”. Dung chép miệng “Mình ở Bà Chiểu, lát nữa chắc chen lòi phèo luôn”.

Thế là Uyên có bạn, hai đứa ngồi rù rì… 7 giờ, trời hừng sáng dần, còn một tiếng nữa Uyên nhìn quanh, chắc toàn bộ dân Sài Gòn đi học tập hay sao mà người đi gởi đông ơi là đông. Trước mặt Uyên, một người con gái khác có lẽ đứng đó khá lâu tay ôm hai gói qùa… mà không, một gói qùa và một cái bầu nhìn cũng kha khá. Uyên khều Dung “ Bồ nè, cái bụng kia thì làm sao mà chen. Trời đất ơi, chắc dẹp lép em bé qúa”. Rồi Uyên gọi cô ta “Cô bạn ơi, ngồi xuống đây với tụi này, còn cả tiếng nữa đứng mỏi chân chết”.

Cô ta quay nhìn hai đứa mỉm cười nhẹ rồi ngồi xuống. Dung hỏi ngay “Mấy tháng rồi vậy, bộ nhà không có ai giúp sao mà vác bụng đi vậy, chen lấn sao nổi, lát nữa đi giữa hai đứa tôi nhé, phòng họ lấn quá thì chết, tên gì vậy”. Cô gái có vẻ bẽn lẽn vì cái bụng, đôi mắt to thật buồn “ Em là Lệ Giang, dạ cũng bảy tháng rồi; má em phải đi gởi cho ba, mấy đứa em còn nhỏ quá nên em phải ráng đi một mình; cám ơn hai chị đã để ý lo cho”.

Quả thật gần đến tám giờ người ta bắt đầu xích lại gần phía cửa, hai cánh cửa mầu nâu lạnh lùng chắc chắn; ba đứa cùng kéo nhau lại gần, Uyên và Dung đứng sau lưng Lệ Giang; làn sóng người từ từ đẩy mạnh phía sau lưng Uyên. Uyên phải la lên “Bà con ơi, đừng lấn quá nhé, có bà bầu đây nè”.

Đến đúng tám giờ, một bên cánh cửa hé mở, những người đứng sát đó bị đẩy bắn chúi vào trong ngay, thế là họ không mở cánh còn lại. Đám đông từ bốn phía đè tới dồn cục ngay tại cửa; Lệ Giang bị đẩy sát vào cánh cửa đóng làm Uyên và Dung phải gồng người chống tay vào cửa để che cho Giang khỏi bị đè bẹp. Hai đứa thở hồng hộc mặt mũi đỏ gay gắt. Sau cùng Giang lách được vào trong, đến Dung rồi Uyên, ba đứa ngồi phệt xuống đất vừa thở vừa chưởi bâng quơ. Lệ Giang bật khóc ngon lành, Uyên và Dung nhìn nhau ái ngại, để Giang khóc hồi lâu rồi bảo “ Thôi, lại sắp hàng đi Giang , xong rồi còn về”.

Đàng sau mỗi ô cửa sổ nhỏ, những nhân viên Bưu Điện cũ ngồi làm việc dưới sự giám sát của các cán bộ CS. Họ kiểm soát từng món, cân thật cẩn thận, liệt kê từng món không được qúa ba kí, sau đó người gởi phải gói lại, dán tên cùng địa chỉ của cải tạo viên.

Uyên lạc mất Dung và Giang. Sau khi xong ra khỏi Bưu Điện để lấy xe Uyên gặp Long , một người bạn hoạt động trong phong trào thanh niên; Long là người hay đàn cho Uyên hát trong những buổi văn nghệ của đoàn thanh niên. Long ngạc nhiên “ Uyên đi gởi cho ai đây, ông già hả ?”. Uyên đáp “Đâu có, ông chồng, còn anh?”. “Thằng em kế tui, mới ra khỏi Thủ Đức có mấy tháng. Bà già tui khóc tối ngày, rầu quá”.

Long là người miền Nam nên đã không hiểu CS nhiều. “Anh gởi xong chưa, ở T mấy vậy ?” . Long chua chát “ Rồi, ái dà, T(ê) nào cũng là tê tái thôi, biết ngày nào về”. Rồi Long kể chuyện gia đình anh với cái xưởng thuộc da bị họ quốc hữu hóa trắng trợn, với người em đi tù cải tạo, không biết ở đâu, sống chết ra sao, mẹ Long như người mất trí. Uyên nghĩ “ Bây giờ anh mới biết CS hé”. Uyên chào Long rồi đạp xe thẳng về nhà.

Buổi trưa Sài Gòn nắng gay gắt; mồ hôi chảy thành từng dòng xuống hai bên tai. Uyên hi vọng chúng nó đừng lừa dối như cái bản chất của chúng nó lần này để những người thân yêu có được chút ít tiếp tế mong sống còn. Các em của Uyên cũng làm xong nhiệm vụ một cách vất vả như Uyên. Kể từ này 30 tháng tư Mẹ Uyên và Mẹ Huy, hai bà nhận thức ngay là gánh nặng gia đình bây giờ hoàn toàn trên vai mình, những cột trụ trong gia đình đã gãy, những ông bố thì bị tập trung cải tạo không có ngày về và còn trở thành những mối lo cho các bà nữa.

Nhưng hai bà Mẹ cũng không thì giờ để lo nghĩ và bắt đầu lao vào cuộc sống mới mà tương lai thì mù mịt để thay thế các ông chồng nuôi đàn con còn dại khờ. Hai Bà bắt đầu cho những ngày cực khổ trước mắt bằng những chuyến đi buôn hàng miền Trung và những chuyến đi này thường kéo dài cả tuần. Ngoài những nỗi gian nan ra, các bà còn phải đối phó với những luật rừng của từng tỉnh đi qua, thuế má của từng trạm kiểm soát mà bọn CS dựng lên như nấm dọc những quốc lộ.

Mãi rồi cũng quen, các bà cũng biết cách tránh né trạm kiểm soát, dấu diếm những món hàng bị coi là cấm, chỉ có những cửa hàng quốc doanh mới có phép chuyên chở, hầu kiếm miếng cơm về cho đám con ở nhà và tiếp tế cho chồng trong những trại cảo tạo.

Bên nhà Huy thì đông con trai, Huyền người em kế Vy đã đi Ý du học từ 1971 và chạy sang định cư tại Hoa Kỳ sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ là niềm hy vọng của gia đình ở nước ngoài. Tuy nhiên hai bên vẫn không dám liên lạc bằng thư từ trực tiếp, mà phải đi vòng qua Ý cho khỏi bị sự để ý của đám địa phương. Dũng đã vào thanh niên xung phong mặc dầu Mẹ và các chị ngăn cản. Nó bảo “Em muốn đi học lại, họ hứa là sau bốn năm phục vụ mình sẽ được ưu tiên vào đại học vả lại em ở nhà chả giúp gì được cho gia đình. Thôi để em đi, Mẹ đừng lo cho con, con sẽ về khi có dịp, con sẽ viết thư cho Bố, biết đâu Bố chả kiếm thêm ít điểm để được về sớm”. Thế là nó đi.

Trí thì xin được vào Chi Nhánh của Bộ Canh Nông, vậy cũng tạm yên. Hùng thì chuyển từ đại học Minh Đức về Phú Thọ, còn hai năm nữa mới xong. Ba đứa bé nhất , lớp 9 – 6 và lớp một vẫn đi học. Bên nhà Uyên đông hơn nhưng nhiều con gái nên ít bị dòm ngó. Khai em kế Uyên đang học y khoa năm thứ hai vẫn còn bám lấy trừ khi nó đuổi thì ra; Chinh em thứ năm, cùng tuổi với Dũng bên nhà Huy, nhưng không muốn đi thanh niên xung phong mà ra chợ trời buôn bán lung tung với người ta. Uyên phải xin làm ở tổ may mặc của Phường để gọi là có công ăn việc làm.

Lúc này phong trào kêu gọi người đi về vùng kinh tề mới đang mạnh mẽ và họ nhắm vào những gia đình có người cải tạo với chiêu bài sẽ cho chồng, Cha về nếu dời thành phố. Mẹ Uyên bảo “Không đi đâu hết, tao còn lạ gì chúng nó;đi là mất nhà”. Và ra phường bà chỉ bảo “ Cứ cho chồng tôi về là tôi đi ngay”. Ngày tháng vẫn qua đi trong hoang mang vô định. Năm hết, cái Tết đầu tiên trong chế độ mới, cái Tết thê lương trong gia đình. Cả hai bà Mẹ của Uyên, sau chuyến hành chót mang thêm cho mùa Tết , nghỉ xả hơi dài hơn thường lệ để lo cúng kiến Ông Bà.

Cũng Trời đó, cũng đất đó; cũng cái oi nồng ban ngày, se lạnh ban đêm của những ngày cuối năm, nhưng cảnh đời đã thay đổi. Với cái hiện tại khốn khó và cái tương lai mù mịt với nỗi lo lắng cho người tù tội, miếng cơm manh áo cho đàn con rồi phải đối phó với những áp lực của chính quyền địa phương , Uyên thấy vô cùng khâm phục hai bà Mẹ. Nhiều đêm trằn trọc với niềm nhớ nhung da diết, Uyên chợt nghĩ “ Không biết các Bà có nhớ chồng như mình không nhỉ ? chắc là không vì đầu óc còn tính với toán, làm sao có đủ để nuôi chồng , lo cho con…. Chuyến hàng này thế nào, chuyến tới ra sao ?”.

Bên ngoài thiên hạ cũng lao xao với Tết trong rón rén rụt rè. Có lẽ trừ những gia đình có người đoàn tụ về từ miền Bắc sau hai mươi năm. Hai Mươi năm trước , cuộc di cư vĩ đại của dân miền Bắc vào Nam và một số người miền Nam tập kết ra Bắc đã gây bao cảnh chia ly. Hai mươi năm sau sự sụp đổ của một chế độ, một lần nữa gây chia ly tang tóc cho không biết bao nhiêu gia đình. Cái nước Việt Nam hình cong chữ S này có lẽ nằm trên một thế đất hãm nên cho dù có những trang sử thật oai hùng nhưng nghĩ cho cùng toàn là chinh chiến, triền miên chinh chiến.

Buổi sáng Uyên ở nhà mình, phụ Mẹ làm lưng cơm để cúng Ông Bà xong buổi chiều về bên nhà Huy để cùng đón Ông Bà về với Mẹ chồng và các em Huy. Uyên cười bảo Vy “Ông Bà về lần này chắc ngạc nhiên vì bị xét giấy dọc đường nhiều quá ! Không biết mình có đi đúng đường không ? Mẹ nhớ khấn địa chỉ mới nhé, Ông Bà chưa biết mình dọn nhà.” Bà Hoàng khẻ hừ “Chỉ đùa, thôi hết lần hương thì dọn xuống ăn đi các con”. Rồi Bà quay vội vào trong dấu đi đôi mắt đỏ hoe.

Lần đầu tiên kể từ ngày thua trận và các Ông phải ra đi, chị em mới lại có bữa cơm thịnh soạn thật sự không phải là ‘vui vì nồi cơm bobo đầy’ mà là cơm. “Cô Vy mua gà trong sở hả ?” Uyên hỏi . Vy lắc đầu “Mẹ mua của Bác Giáo, Bác bây giờ buôn gà từ xa cảng về Bà Chiểu mỗi ngày”. Bà Hoàng cười nụ chép miệng “Buôn bán gì, cứ hai con còn một rồi đứt vốn. Chồng con lại ra tiền cho vốn khác”.

Bác Giáo là chị ruột của Mẹ Huy mà hai bà khác nhau hoàn toàn về cá tính. Uyên nói “May cho bác là bác trai không phải đi lính, à hôm nào Mẹ mới tính đi hàng lại ?”. Mẹ suy nghĩ một chút “Tao tính nghỉ một tuần, ừ chắc cũng một tuần thôi không có người ta chờ mình không được, họ lấy chỗ khác thì mất mối. Còn Mẹ con thì sao ?”. “Chắc cũng một tuần thôi”. Bà Hoàng hỏi thêm “ Thế có nghe gì tin tức của Ba con không ?”. Uyên thở ra “Cũng đâu có biết ở đâu đâu Mẹ. Con nghe đồn là họ sắp cho đi thăm gặp mặt; không biết có nên tin không ?”. Bà Hoàng gằn giọng “Tin chúng nó thế nào được, đấy tin 10 ngày với một tháng. Thôi cứ tới đâu hay tới đó”.

Buổi tối mấy chị em cơm xong, ngồi tụ với nhau ngoài ban công nhìn xuống đường . Con đường Nguyễn Văn Thoại thênh thang; thỉnh thỏang vài ba chiếc xe đạp, đạp vội vàng về nhà cho kịp giao thừa. Trời tối đen đúng là đêm ba mươi Tết. Hiệp vác cây đàn ra, quào quào, quạt quạt rồi bấm những nốt vu vơ, bỗng nó nói “Em hát cho chị bài này nhé, chị Uyên“.

“Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành;
Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh”.

Vy cốc lên đầu nó một cái “Cái thằng này hay nhỉ, hát vớ hát vẩn. Mấy thằng bộ đội bên kia nó nghe ra mày coi chừng”. Uyên hiểu là Vy không để nó vô ý vô tứ chọc vào nổi buồn tủi của Uyên giờ đây như những con nước đã mấp mé mặt đê, chỉ một lỗ nhỏ trên con đê cũng tạo nên một cơn hồng thủy trong Uyên. Kể từ ngày lấy chồng Uyên trở thành vợ của một tù nhân thay vì một quân nhân oai hùng. Bao nhiêu những ước mơ mà Uyên đã dệt cho tương lai hai đứa trước ngày 30 tháng tư tích tắc tan thành mây khói, trong khoẳnh khắc sụp đổ tan tành.

Tối hôm nay, trong những giờ phút thiêng liêng của sự giao thời giữa năm cũ và mới, Uyên mới thấy thấm thía sự cô đơn, thương nhớ, mới thật sự nhận biết sự mất mát của cả một thế hệ không chỉ riêng mình.

Những bức tranh tuyệt đẹp mà Uyên đã vẽ được trong đầu khi hai đứa bàn tính chuyện hôn nhân, chuyện cuộc sống lứa đôi, chuyện mái ấm gia đình với những chú Huy con và cô Uyên con xinh đẹp trong quần áo của những ngày Tết. Con của Huy và Uyên sẽ vô cùng xinh xẻo vì mẹ chúng nó khâu vá thêu đan khéo tay. Những mơ ước đang dần đến thì cái ngày oan nghiệt đó đã đến trước cướp đi của Uyên tất cả, luôn cả người chồng mà men yêu thương vừa mới dậy, lửa hương vừa mới bén. Chiếc áo pyjama của Huy, Uyên gấp cất kỹ, không giặt để giữ nguyên mùi mồ hôi ấm áp.

Hàng xóm đã bắt đầu mang mâm qủa, hương đèn ra sân để cúng Giao Thừa. Bà Hoàng gọi mấy chị em phụ mang ra. Có lẽ Chúa và Phật cũng phải rát tai vì quá nhiều lời cầu xin dưới trần thế năm nay, nhưng tất cả chỉ là “ Bình an cho người thân đang ở chốn nào không biết”.

Tết qua, lại một lần nữa cho gởi quà và có lẽ cái Bưu Điện nhà nước không kham nổi việc chuyển hàng đến người nhận ở tận rừng xâu hay họ không có đủ cơm gạo mà nuôi những người gọi là bị “cải tạo” cũng nên. Thành ra họ cho đi “thăm nuôi”. Thăm và Nuôi nhé. Muốn mang bao nhiêu cũng được.

Uyên nhận được thư của Huy với một cái danh sách ngắn những thứ tối cần thiết, vitamin nhất là B1, đồ khô….. Uyên cũng bán tín bán nghi, cái điệu này là cũng dám bị phù thủng lắm chứ không chơi. Nửa mừng vì có tin thật sự và biết rõ nơi Huy đang bị giữ, đó là sân bay Trảng Lớn ở Tây Ninh, nửa lo vì với những yêu cầu đó thì Huy hẳn cũng bị vấn đề sức khỏe.

Phía hai Ông Bố, Ba Uyên thì sau khi ở Long Giao, nơi mà Mẹ Uyên đã đến tìm mà không gặp, một thời gian được mang về thành Ông Năm ở Hốc Môn. Đó là một trại lính cũ được giăng thêm nhiều giây kẽm gai để làm nơi giam giữ những ông tù cải tạo. Còn Bố chồng thì mới thật là sự lo âu vì Ông đang ở tận miền Bắc, trại cải tạo Hà Nam Ninh, phần nữa Ông lại là người không có thể lực tốt lắm; khi ra đi chỉ mang vài bộ quần áo mỏng manh vì lúc đó là mùa hè ở miền Nam; không biết Ông đã làm thế nào để chống cự được với mùa đông ở miền Bắc.

Thế là hàng trang của Mẹ chồng Uyên to thêm với áo ấm và những bộ quần áo dầy để đi lao động. Đó là những bộ quần áo lính được nhuộm lại và bán rất đắt ở những lề đường , chợ trời. Nhớ lại những ngày sau 30 tháng tư, Ba Uyên lo gôm hết những quần áo, tất cả những đồ thuộc về nhà binh đem vứt ra bãi rác công cộng; lúc đó cũng đã tràn ngập những thứ ấy rồi. Bây giờ lại phải bỏ tiền ra để mua lại, chuyện đời thật rõ hài hước, không biết đâu mà đoán được.

Chuyến xe đò sớm nhất đưa Uyên, Bà Hoàng, Vy và bé Hạnh tới chợ Tây Ninh khoảng 8 giờ sáng. Mặt trời vừa hé ở phương Đông, nửa số khách là bạn hàng buôn bán, họ tản đi ngay sau đó , còn lại cũng nửa xe là người đi thăm nuôi; vì tất cả cũng như gia đình Uyên, từng nhóm, Cha, Mẹ, vợ, con cùng với những bao bị thức ăn tiếp tế thì ngơ ngác vì chưa biết phải làm sao để đi tiếp. Uyên và Vy mỗi đứa ôm một túi vải khá lớn mà Uyên đã may lấy, đã cẩn thận xềp từng gói bột, đậu khô, cá kho mặn, chà bông, đường, thuốc và quần áo rồi khâu chặt miệng bao lại phòng khi bị móc trộm dọc đường.

Nhưng tất cả không phải ngơ ngác lâu vì một đoàn xe kéo, loại xe chưa bao giờ thấy ở Sài Gòn gồm một thùng xe ngồi được sáu người được kéo bằng xe Honda hay Suzuki…. Bà Hoàng ngoắc ngay một chiếc và hối đám con leo lên. Kể từ sau ba mươi tháng tư, theo xe hàng là nghề của Bà nên Bà nhanh thoăn thoắt. Còn lại hai chỗ, bỗng Uyên nghe tiếng gọi “Này Bà ơi, cho chúng tôi lên với được không ?”.

Một người đàn bà cũng trạc tuổi Bà Hoàng và một cô gái trẻ tay ôm chú bé khoảng 6 tháng trông thật kháu khỉnh; bà vừa lôi theo hai cái tay nải vừa kêu, cô gái lúp xúp chạy theo. Bà Hoàng bảo “ Chị em mày xuống phụ một tay con” rồi Bà quay ra nói “Cứ từ từ để chúng tôi phụ cho”. Bỏ hết những bao bị, tay nải vào lòng xe.

Người đàn bà quay lại cô gái và đỡ lấy thằng bé con trên tay cô gái “Lên, lên ngồi đi đã rồi tao đưa em cho”. Uyên, Vy nhường cho cô gái ngồi giữa vì có thằng bé. Hai chị em ngồi lên hai bên cửa thùng xe. Người đàn bà ngồi cạnh Bà Hoàng thở hổn hển “Khốn khổ thân tôi, tội nghiệp thằng bé, lôi đi từ ba giờ sáng bà ạ. Cái lũ khốn nạn, chó má”. Bà Hoàng vội ngăn lại “ Thôi, thôi tai mách vạch rừng đấy, nhân dân là Công An, Công An là nhân dân. Cẩn thận kẻo phải vạ vào thân. Thế mang cháu vào thăm bố nó hay sao”. “Vâng, chúng nó lấy nhau cuối năm ngoái, đợi mãi không thấy gì đến khi thằng bố gần phải đi thì biết con mẹ nó có bầu, thế có thương không ? ; nên phải mang đi cho bố nó nhìn chứ. Bà nghĩ……Thế còn bà ?”. “ Tôi đi thăm con trai, đây con dâu với hai con gái. Chúng nó đám cưới ngay sau ngày 30/4 nhưng chưa có con cái gì”.

“Xong chưa các bác “ ông tài xế đổ thêm một chai xăng vào bình hỏi to “ Vào sớm thăm sớm, mấy ông ấy mong lắm đó “. Uyên hơi ngạc nhiên và nghĩ thầm “ Đâu ra một ông Bắc Kỳ dón ở cái xứ Tây Ninh này vậy”. Một chiếc xe lam ngừng ngay bên cạnh xe Uyên, phía sau xe là một cần xé loại lớn và vỏn vẹn chỉ có hai hàng khách, người đàn bà trạc Bà Hoàng và một thanh niên, rõ ràng là dân Sài Gòn, rõ ràng là đi thăm nuôi. Xe vừa ngừng bà ta nhẩy xuống ngay ngó quanh quầt; người nhỏ nhắn, áo bà ba trắng quần đen, búi tó.

Cứ nhìn cách ăn mặc, chắc chắn không phải người lam lũ như hai Bà Mẹ của Uyên. Nhìn những chiếc xe lôi đã đầy người dần dần chuyển bánh. Bà chạy theo phía xe Uyên “Ông tài ơi, xe đi vô Trảng Lớn đó hả ?” “Vâng, cứ theo chúng tôi, có một chỗ thôi, không lạc được “. Bà chạy ngược lại xì xào với ông tài xe lam rồi leo lên xe. Uyên khều Vy “ Trời đất ơi, coi họ thăm nuôi kìa, cả cái Trảng Lớn ăn cũng không hết nữa là một người. Không biết tụi nó có khám xét gì không?” rồi quay sang cô gái “ Bồ vô T mấy vậy ?” . Cô gái ôm thằng bé chặt hơn vì đường xóc ổ gà qúa “Chồng em ở L3 T3, còn chị” Cô nhìn Uyên rồi Vy. Uyên nói “ Tụi nầy đi thăm ông chồng tui, đây là em anh ấy; Vậy là mình cùng đến một chỗ rồi, tui cũng vào T3. Mà này, năm nay bồ bao nhiêu tuổi, trông còn trẻ qúa “. “Dạ em hăm mồt, còn anh ấy hăm tám “. Uyên thầm thở dài, nhớ đến Dung, Lệ Giang, những người con gái trẻ cùng một hoàn cảnh với mình; con của Lệ Giang chắc cũng cỡ chú bé này và chắc cũng được đi thăm bố. Vy thò nắm bàn tay nhỏ xiú của chú nhỏ lắc lắc “ Bố tha hồ mà nựng nhé, cháu xinh quá “ rồi Vy quay nhìn Uyên “Chị nhớ Khai bạn em không ?” Uyên nheo mắt “ Không rõ lắm, hình như gặp có một lần trong đám cưới của cô; cô ấy sao rồi ?”. “Tường đi cải tạo được ba tháng thì Khai sanh, thằng bé khỏe mạnh nhưng bị một cái bớt mầu xanh tím ngay trên môi, phía dưới mũi làn cho cái miệng hơi méo. Khai phải chụp hình con gởi cho bố nó xem mặt, tội nghiệp nó phải xoay một phía để che cái tật của thằng bé. Chặc, lần này thì thôi khỏi dấu được nữa; nó cũng lấn cấn với chuyện ấy”.

Con đường đất dẫn vào sân bay Trảng Lớn cũ bây giờ là trại cải tạo (hay trại tù cũng vậy ) vốn đã gồ ghề lồi lõm vì không có người sửa những ổ gà nay bị hư hại hơn nữa vì hàng ngày hàng đoàn xe chở người đi thăm tù tấp nập. Giầu nghèo, già trẻ hễ có được tin là phải gói gắm để đi thăm dù ít dù nhiều; thành ra xe Honda lôi là một dịch vụ mới của tỉnh Tây Ninh xem ra rất phát đạt.

Xe chạy được hơn ba mươi phút, Uyên hỏi vọng lên ông tài “Xắp tới chưa bác tài “. Ông tài vừa lái vừa trả lời “ Gần rồi, đường xấu quá thành ra chạy chậm, 10 phút nữa thôi “. Bỗng nhiên Uyên nghe thắt trong tim “Thế là mình đang gần nhau lắm Huy ơi, điều mà nhiều ngày qua em không tưởng được”. Khoảng cách tưởng mênh mông vô cùng tận bỗng chốc chỉ còn có 10 phút đường xe trước mắt, Uyên thoáng nghe ngộp thở và cảm thấy hồi hộp “ Cầu mong sao anh đừng bị bệnh tật gì”.

Và rồi những cuộn hàng rào giây kẽm gai hiện rõ dần ra, một khoảng đất khá rộng trước cổng làm chỗ đậu xe. Mọi người tuần tự từng gia đình xếp hàng đi vào cái cổng nhỏ bên hông để trình giấy tại trạm gác. Đồ đạc , xách, tha, lôi lể mễ. Hai tên áo vàng, mặt mũi nghiêm trang gờm gờm nhìn từng người và đọc rất kỹ từng tờ giấy một. Gia đình đứng trước Uyên gồm 6 người, hai ông bà già và bốn mẹ con, những đứa lớn ôm túi lớn, đứa nhỏ nhất khoảng bốn tuổi xách tòng teng nải chuối nhớn nhác nhìn quanh.

Tên cán bộ cầm tờ giấy thăm nuôi bỗng hỏi “Có xin giấy phép của phường khóm không ?”. Ông già nhanh nhẩu “ Có đây thưa anh “; “Anh em gì với các người “ tên cán bộ cao giọng gắt. Ông gìa bèn sửa lại “ Thế, thế thưa đồng chí “; lần này giọng hắn gay gắt hơn “ Láo, các người mà là đồng chí của chúng tôi à, gọi là cán bộ nghe chưa “.

Uyên nghe nóng bừng hai bên tai dù không phải xảy ra cho mình. Uyên nhủ thầm “không nóng, không nóng” đây không phải là lần đầu tiên Uyên trực diện với những con người mệnh danh là kẻ chiến thắng. Ở địa phương Uyên nói chầy nói cối với chúng nó chỉ vin vào một cớ là không biết chồng, Cha ở đâu, sống chết thế nào nên phải ở đây đợi họ về để tránh né chuyện đi kinh tế mới, đi tham gia đoàn thể….Còn ở đây, Uyên thấy rõ là số phận chồng mình trong tay chúng nó. Chưa bao giờ Uyên nghĩ là có thể thù hận ai đến thế, mặc dù biết rằng chúng nó cũng chỉ là công cụ của cái chủ thuyết vô thần, không tưởng. Những kẻ ngu si, những con ngựa thồ bị che mắt chỉ biết phía trước mà bước dưới lằn roi của đảng CS.

Bà Hoàng nhìn các con với cái nhìn đầy ý nghiã rồi hỏi “ Giấy tờ đâu con ? “ ; Uyên đưa “Đây mẹ, có đủ cả “. Tên ‘cán ngố’ vừa đọc giấy vừa nhìn Uyên rồi Bà Hoàng, Vy và bé Hạnh, có lẽ nó chạm những con mắt vừa lễ độ vừa không sợ hãi của Mẹ con Uyên nên không biết phải hạch hỏi gì bèn buông gọn “Rồi , qua đi “.

Cả nhà nối bước với hàng người đi vào phía trong sâu. Khu trại nằm phơi mình dưới ánh nắng đã bắt đầu gay gắt. Không một bóng cây. “Chẳng trách nào họ gọi là trảng, chỉ toàn là những bụi nhỏ; chị còn nhớ cua ‘môi sinh học’ không ? “ Vy nhìn quanh. Xa xa những tấm vỉ sắt được lót làm phi đạo vẫn còn. Những hàng rào kẽm gai được phủ kín bằng lá xanh và hoa vàng, có lẽ bầu bí hay mướt. Bỗng Uyên nghe từ phía sau đám lá xanh “ Khoẻ không mấy bác ơi, mấy cô ơi, gặp người đi thăm mừng quá; bên ngoài có gì lạ không ?”.

Một tốp các ông đang đào cuốc trong những bộ quần áo rất thảm hại, có người trong những bộ quần áo nhà binh cũ rộng thùng thình đã được nhuộm đổi màu, người thì có được cái áo ngoài bằng bao cát; nhưng tất cả đều có một loại bông in giống nhau là ‘Hoa thịt’. Tất cả trạc tuổi Huy. Bà Hoàng cũng hỏi lớn “Khoẻ không các cháu ? thôi ráng ‘học tập’ cho tốt rồi còn có ngày về, chúng tao đi nuôi không có bỏ đâu”. “Cám ơn bác “ Họ đồng nói lớn.

Tới khu nhà khách, một tốp áo vàng khác với súng ống đầy đủ đi tới lui như để giữ trật tự hay để canh chừng hoặc nghe ngóng những mẩu đối thoại trong cuộc thăm viếng thì đúng hơn. Gia đình Uyên ngồi vào một bàn gần cuối của căn nhà. Bà Hoàng bỏ xôi nếp, lạp xưởng ra sẵn trong khi chờ đợi. Con bé Hạnh chạy hẳn ra ngoài với đám trẻ con, đợi bố, để chờ anh.

Độ nửa tiếng sau, một đoàn lố nhố các ông vừa đi vừa chạy ra phía nhà khách. Họ đây rồi, đám trẻ chạy túa ra kêu ba, kêu bố om xòm. Uyên thấy Huy đi nhanh hơn, vai có đeo một túi nhỏ, anh ôm lấy bé Hạnh và cùng đi vào trong về phía Mẹ và vợ “Mẹ, em và cả cô cũng lên nữa hả” anh cười; Uyên đứng lặng sau lưng Bà Hoàng, Bà nắm lắy cánh tay Huy và nắn nắn “Có bệnh hoạn gì không con ?” ; Anh nháy mắt ra hiệu đừng hỏi rồi quàng tay qua vai Uyên và xiết nhẹ “Tội nghiệp em tôi chưa, đừng khóc em, ngồi xuống đây đã; Mẹ ngồi xuống đi; Mẹ có khoẻ không ? ở nhà ra sao ? chừng nào mới đi thăm Bố?”

Huy tuôn ra từng tràng câu hỏi. Bà Hoàng vắn tắt cho Huy nghe tình hình ở nhà, trong lúc nghe Bà nói chuyện Huy luồn tay dưới gầm tìm tay Uyên; chàng xiết chặt; Uyên nghe một làn hơi ấm chuyền từ Huy sang gây cho Uyên một cảm giác hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tả tơi, đắng cay.

“Còn bên nhà thì sao hả em ? Có bị khó dễ gì không ? Ba ở đâu ? “. Uyên cho Huy biết Ba Uyên đã được chuyển về thành Ông Năm, Hốc môn tuần tới sẽ được đi thăm “Anh biềt không ? em là tổ phó của tổ may mặc phường 24 đó nhé, có tới 70 tổ viên chứ không phải nhỏ đâu. Rất bận rộn thành ra không phải lo cho em ở nhà”. Huy cũng kể cho nghe hai lần bị phù thủng, tê liệt vì thiếu dinh dưỡng; cũng may anh nằm gần mấy tay Bác sĩ quân y, họ nhường cho ít thuốc nhờ đó mới qua khỏi.

Cuộc thăm viếng chỉ có hai tiếng đồng hồ, thoáng một cái đã hết giờ; tay cán bộ lên tiếng báo giờ thăm chấm dứt; mọi người chậm chạp thu gọn để như kéo dài thêm thời gian.

Huy đưa cho Uyên một vài món quà mà chính tay chàng đã tạo ra trong những ngày tháng bị giam cầm như bằng chứng tình yêu của hai đứa, Uyên nhét vội vào túi chồng ít tiền để phòng thân. Lợi dụng lúc đông người Huy ghé tai Uyên hỏi nhỏ “Bên ngoài có tin tức gì lạ không em ?, có hy vọng gì khác không ?” Uyên nhìn nói khẻ “ Bác Nhung nghe đài BBC hằng đêm, chưa thấy có gì, duy chỉ có một lối khác mà mình có thể theo là người ta vượt biên bằng tầu nhiều lắm và các tầu ngoại quốc họ vớt đưa tới các trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai, Phi…..Điều quan trọng là anh và hai ông bố phải về đã, ráng giữ gìn cẩn thận, em sẽ đi thăm đều nếu được phép”.

Huy tần ngần “ Thôi em ạ, tồn tiền lắm, chừng nào anh bảo lên thì hãy lên “. Nói thế chứ, đôi mắt của Huy đã tố cáo ngược lại những điều anh đang nói. Nắng buổi trưa ở Tây Ninh mới thật là nắng, Uyên thấy chiếc xe lam ban sáng đậu ngay trước nhà vì không có ai khuân nổi chiếc cần xé khổng lồ chứa đồ tiếp tế, bọn cán bộ đành phải để cho ông tài chạy vào tận cửa. Thế mới biết có tiền vẫn làm được những điều mình muốn.

Nhìn theo Huy xa dần trên đường trở vào bên trong trại, mấy Mẹ con lững thững ra về. “Bác ơi, chị ơi mang mấy trái mướp về cho vui, tụi cháu có nhiều lắm” Người thanh niên đưa hai trái mướp thật to qua khỏi hàng rào. Uyên nhận lấy “ Cám ơn các anh nhiều, cố hy vọng lên nhé”.

Ra tới cổng, vẫn phải dừng ở trạm kiểm soát lần chót. Lần này là hai bộ mặt khác buổi sáng; chúng cũng lừ lừ nhìn; bỗng một tên hùng hùng hổ hổ nhìn Uyên “Cái chị kia, đứng trước mặt tôi mà còn đeo kính à, bỏ ra “. Uyên hơi sững người nhìn Vy, cô cũng ngạc nhiên không kém; Bà Hoàng nhanh trí đỡ ngay “À không các anh, vì em nó bị tật cận thi phải đeo kính mới thấy rõ”. Chúng nói chữa thẹn “Thôi đi đi”.

Qua khỏi cổng Uyên vẫn còn nghe uất hận, Vy nói rít qua kẽ răng “Trời ơi, sao mà cái lũ ngu si này lại có thể chiến thắng được, cả đời nó không biết cận thị viễn thị hay sao”. Thế mà họ đã thắng đó, cái chiến thắng đã đảo lộn cuộc đời của hàng triệu dân miền Nam. Tuần lễ sau đó Mẹ Uyên, Mẹ Huy cũng khiêng khiêng vác vác để đi thăm hai ông Bố; có thèm thì con nhịn Mẹ nhịn chứ còn thăm nuôi thì không thể thiếu được.

Hai Bà Mẹ của Uyên đúng là mẫu người tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam, nhẫn nại,chịu đựng bền bỉ và hy sinh vô cùng. Ngày 1954 với hai bàn tay trắng và vài đứa con, Bố Mẹ đưa nhau vào Nam chạy CS, với đồng lương nhà binh và một đàn con ngày càng đông Uyên không biết các Bà Mẹ đã làm thế nào để lo đủ cho gia đình; rồi thì cũng có nhà cửa, con cái đều đi học đến nơi đến chốn. Bổng chốc thời thế thay đổi, các bà Mẹ phải thay thế các ông Bố gánh vác tất cả, luôn cả việc nuôi các ông trong tù không chút thiếu xót. Uyên thì xót xa cho hai bà Mẹ quá vất vả, còn hai Bà thì cũng ngậm ngùi cho thân phận Uyên, vợ chồng vừa lấy nhau có vài ngày đã cách chia biền biệt.

Ngày lại ngày, cuộc sống trôi qua bằng những buôn bán, chộp dựt tạm bợ, bằng những nghe ngóng tin trong tin ngoài, những tin đồn họ chuyển các ông cải tạo từ trại này sang trại khác, lên những vùng Bình Long, Phước Long….vùng mà trước đây là những chiến trường lớn của cuộc chiến vừa qua, làm cho vợ con thêm lo lắng. Hơn ba tháng nay, Uyên không có thư của Huy từ Tây Ninh, chắc chuyển đi đâu nữa rồi, nỗi âu lo cứ âm ỉ trong lòng, rồi lại nghe tin chú Phương, ông chú họ rất gần của Uyên tuy chú chỉ lớn hơn Uyên có hai tuổi, với quân hàm Trung úy nên cũng lên đường đi học tập như mọi người. Chú bị di chuyển từ Hốc Môn đi Phú Quốc, rồi Tây Ninh; cuộc hành trình quá lao khổ mà chú vốn gầy yếu nên khi về đến Tây Ninh thì chết. Khi Mẹ chú mới mất tuần qua, tới lúc chết bà cụ vẫn đinh ninh con mình còn sống ở đâu đó. Thật không còn gì đau xót hơn!

Rồi một hôm Uyên nhận được thư Huy từ một địa chỉ mới, chàng cho biết sau kỳ thăm nuôi bọn chàng bị chuyển lên Đồng Ban sát biên giới Cam Bốt rồi lại bị đưa đến trại Bùi Gia Phúc thuộc tỉnh Phước Long kèm theo là giấy phép được thăm nuôi cùng với một số địa chỉ của vợ của các bạn tù do đó các bà có thể đi chung để trông chừng cho nhau. Đường xá thì xa xôi, nguy hiểm, lại nữa không có sẵn xe cộ vì trại nằm mãi tận rừng xâu. Cuối thư chàng cũng thòng theo một câu “Nều em thấy có thể được thì đi , còn khó khăn diệu vợi quá thì thôi em ạ, hy vọng đổi lên tận đây là cũng sắp được về rồi”.

Đọc xong thư Uyên thẫn thờ một lúc, vốn là dân thành thị Uyên chưa bao giờ biết rừng sâu núi thẳm, trừ Đà Lạt với đồi núi thơ mộng của những ngày rong chơi thời sinh viên, vô tư lự. Không hình dung được đường đi sẽ ra sao, thôi thì có một số hội viên ‘đồng hội đồng thuyền’ phải đi tìm thôi.

Người đầu tiên Uyên quyết định đến gặp là Hải, gần chợ vườn Chuối, dựa xe đạp vào bức tường thấp làm hàng rào của một căn nhà nhỏ sát chợ. Uyên bước vào trong, một ông già bước ra hỏi “Cháu tìm ai ?” “Thưa đây có phải nhà chị Hải vợ anh Hưng không bác ?” Uyên đổi giọng miền Nam cho dể nói chuyện. Một giọng phụ nữ từ phòng trong ngăn bằng tấm mành sáo “Ai đó ?, chờ chút nhé” . Ông cụ bảo “ Ngồi đi cháu, nó ra bây giờ, chắc chị em rủ nhau đi thăm nuôi phải không ? Thiệt sao trời đất gây chi cảnh này, có ai ngờ “.

Thiếu phụ khoảng trên ba mươi từ sau bước ra; thoạt nhìn Uyên có cảm tình liền, gương mặt tròn, hàm răng trắng đều, nụ cười tươi tắn cở mở. Chị hơi khựng lại khi thấy Uyên “Bồ là…..”, Uyên liền giải thích “Uyên là vợ của Huy ở cùng trại với anh Hưng, em nhận thơ hôm qua nên vội tìm tới coi chị em mình có thể kiếm xe cùng đi không ?”. Hải bật cười lớn “ Trời ơi, mình cũng có thơ ngày hôm qua, cũng đang tính đi kiếm Uyên trước tiên, vì qua thơ của anh Hưng, mình tưởng Uyên phải là một bà xồn xồn cỡ mình, dân buôn bán có xe chạy đường tỉnh, gìa dặn bản lãnh chứ ai mà dè gặp một tiểu thơ, khuê các mỏng manh như sương khói vầy nè; liệu đi có nổi không ?”.

Uyên cũng bật cười theo “Ai tới đâu thì mình tới đó mà, chắc ông chồng của em ông tưởng xe hàng của hai bà Má làm được một chuyến, hai Bà già theo xe tải không hà, mà mình chắc đâu có đi xe đó được hả. Vậy anh Hưng còn cho chị tên ai nữa ? chị em mình đi tìm thành một nhóm kiếm xe dễ hơn”.

Sau đó Uyên và Hải tìm tới một số các bà vợ khác, trong đó có Liễu, vợ của Thanh, trước đây là sĩ quan dưới quyền của Ba Uyên vì Thanh vẫn hay ghé nhà nên Uyên biết. Chả là trong lúc khai lý lịch, đó là việc trường kỳ của các ông, Thanh ngồi cạnh Huy thấy tên ba Uyên nên hỏi tới; Thế là đôi bên cảm thấy có chút gì liên hệ quen biết. Cuối cùng bọn Uyên tìm được một chỗ chuyên đưa đón thăm nuôi, đăng kí giữ chỗ hẹn giờ giấc, địa điểm xong xuôi Uyên bắt đầu lo đóng gói đồ ăn, một ít quần áo, lần này mang thêm một ít đồ thuộc loại hơi xa xỉ như đường cát trắng, thịt chà bông, kẹo bánh, v..v..

Buổi sáng ngày đi thăm, 4 giờ sáng Chinh bỏ Uyên và hai túi khá lớn trước cửa nhà Hải, trong nhà đèn cũng đã sáng, con hẻm vẫn còn ngủ yên, lác đác một vài người đã dọn hàng dọc theo con hẻm dẫn tới chợ vườn Chuối. Trời vẫn còn mờ tối, Hải cũng đã sẵn sàng mọi thứ, hai túi lớn để gần cửa. Ba Hải cũng đã đứng đó và ông bảo Uyên “ Vô uống chút nước trà đi cháu, 4 rưỡi xe mới tới “. Hải và Hưng có bốn con, 3 gái 1 trai, đứa bé nhất mới có bốn tháng ngày Hưng ra đi; Hải vẫn còn làm ở trung tâm điện tín Bưu Điện Sài Gòn thành ra những lần gửi quà Hải được lợi thế hơn Uyên một chút. Nhưng Hải biết vì chưa có chuyên viên thay thế nên Hải còn có việc. Chưa biết tới ngày nào. Có lần Hải nói với Uyên “Kệ tới đâu hay tới đó, mình cùi rồi chẳng sợ lở nữa. Mình xin nghỉ phép để đi thăm chồng đó chớ, đâu có ngán. Có đều vốn liếng cũng thâm thủng nhiều rồi, cũng hơi lo lo..”. Nói rồi Hải nở nụ cười vẫn tươi "Mà nè, hỏi thiệt Uyên chớ, mình Nam Kỳ không biết CS đã đành, còn Uyên sao không chạy ?” . “Trời ơi, chạy mà không kịp đó chớ, ông bà già em biết CS quá mà!".

Có tiếng thắng của chiếc xe xích-lô trước cửa, Liễu và Ba Liễu cũng đã tới, túi bị lỉnh kỉnh “ Chị Hải ơi, sẵn sàng chưa ? mấy giờ xe tới ? “ . Giọng Liễu hơi ồn ào trong cái tĩnh mịch của buổi sáng sớm. Hải trấn an “ Chắc xe sắp tới rồi đó, ngồi chút đi; Uyên đã ở đây rồi, nhóm mình chỉ có vậy thôi, à xe tới rồi kìa. Thôi tụi con đi, Ba ngó chừng mấy nhỏ dùm con, chiều mai con mới về tới Ba nhé”.

Bác tài và chú phụ xe lo xếp hết đồ đạc lên mui chiếc xe ‘van’ cở trung, mười hai hành khách, nhưng Uyên đoán chừng đã có đến mười sáu người rồi, thêm bọn Uyên bốn nữa là đủ hai chục và cộng thêm hai bác tài nữa thì chắc là không hộp cá nào có thể chặt hơn được, vì nhỏ con nên Uyên bị nhét vào ghế trên gần tài xế, ngồi có nửa ghế. Trời vẫn còn nhá nhem nên Uyên cũng không nhận ra ai quen.

Đường Sài Gòn – Phước Long chỉ khoảng hơn trăm cây số , kể từ lúc xe lăn bánh Uyên đã nghe bồn chồn trong dạ, Uyên chắc Hải cũng vậy. Được một lúc Uyên hỏi ông tài “ Chừng mấy giờ thì tới vậy, bác tài ?” . Người tài xế nghiêng đầu qua nhìn Uyên “ Không nói trước được, tùy theo đường xấu hay tốt, mấy trận mưa hôm trước sẽ làm đình trệ nhiều đây. Đây là lần đầu tiên đi thăm hả bà ….bà Bác Sĩ ?”. “Tôi không phải là Bác Sĩ “ Uyên đính chính. Ông tài cười “ Thì tại bà đeo kính trắng trông như Bác Sĩ, thật ra nếu đường tốt thì chỉ 4-5 tiềng đồng hồ, mà như tôi nói, mấy cơn mưa lớn vừa rồi tai hại lắm nhưng cũng không đến nỗi, chỉ trong ngày thôi “.

Nói xong anh tài, Uyên phải gọi bằng anh tài mới đúng vì hắn cũng còn trẻ, nheo mắt cười cười ra điều “Đừng có nóng nảy, tôi biết rồi”.

Qua khỏi Bình Dương thì đường xá bắt đầu xấu, đây chỉ là con đường đất đỏ lại không được tu sửa, sau những trận mưa lớn con đường đã trở thành những vũng lầy với những ổ gà khắp nơi. Từ ngày cho phép thăm nuôi, số lượng xe cộ đã tăng lên kinh khủng nào là từ những loại xe đò nhỏ, xe lam ba bánh, xe lôi, xe gắn máy, xe đạp kể cả những chiếc xe từ thời Bảo Đại được chế biến lại chạy bằng than, với cái bình than to tướng đắng sau, rải rắc những muôn ngàn tàn cho đỏ rực trên đường, cho đến những chiếc xe buýt cồng kềnh cũng ráng đua chen trên con đường chật hẹp.

Quá trưa, xe dừng lại ở một chợ nhỏ trên đường; Uyên không biết đấy là đâu nữa, hình như tất cả xe đi qua đều dừng lại cho bà con nghỉ xả hơi và xả đủ thứ…….Sau khi giải bầu tâm sự xong, Hải và Uyên cũng mua một lon đậu luộc và ngồi nghỉ dưới bóng cây lớn chờ. “Bây đi thăm ở trại nào vậy con, nắng quá, ngồi trên xe từ sớm đến giờ muốn chết cái chân, Qua phải xuống đi qua đi lại cho dãn” Uyên và Hải cùng quay lại phía sau, một bà đúng kiểu quê miền Nam với một cục thuốc rê to tướng làm lệch hẳn bên môi, khăn rằn vắt chéo trên đầu, chiếc nón lá trên tay quạt lia lịa.

“Ngồi xuống đây nghỉ chút đi dì, dì đi thăm con hả ? “ Hải lên tiếng; bà già có lẽ phải trên sáu mươi thả cái nón ngồi xuống cạnh Uyên, tay vẫn đưa cục thuốc trên môi “Ừ, lần trước gặp thấy nó không khá, thành ra lần này phải ráng đi tiếp tế thêm, mụ cha nó học tập cái gì, tù muốn rũ xương ra mà mình còn phải nuôi chớ; còn bay thì sao ? mấy ‘thẳng’ nó có mạnh không ? phải chi nó có vợ, thì giờ này có vợ nó lo như bay, tao đỡ cái thân già không ! biểu hoài mà không nghe “ rồi bà chắc lưỡi thở dài. Mấy bác tài kêu khách trở lại xe để tiếp tục cuộc hành trình. Đường càng lúc càng khó khăn hơn vì những cơn mưa lũ trên rừng đã soi thành nhiều con rãnh rất xâu trên mặt đường đất đỏ, nhiều đoạn phải xuống phụ đẩy xe cho qua những vũng xình mênh mông.

Cuối cùng thì cũng phải tới nơi; trời đã chập choạng tối chiếc xe mới rẽ vào một đường mòn bị che lấp bởi những bụi cây rất lớn; nếu đi một mình thì không thể nào biết đó là lối vào. Chiềc xe ủi lá và những cành cây qua một bên mà lủi xuống con dốc trơn trượt, nó nhào qua bên trái rồi nhào qua bên mặt vì tránh những con rãnh bị nước bào mòn trên mặt đường. Cuối cùng xe lọt vào một cái lòng chảo, đồi thấp bao quanh. Uyên định thần để nhìn rõ chung quanh, hai dãy nhà làm bằng lồ-ô nằm giữa lòng chảo bên cạnh con suối, xa xa rải rác bên xườn đồi là nhiều dẫy nhà khác.

Xe dừng hẳn và mọi người cùng xuống xe; bây giờ chung quanh đã mờ trong bóng tối; những ánh đèn dầu le lói hắt ra từ những căn phòng của dẫy nhà lồ-ô, về sau mới biết đây là nhà khách của trại, những luồng ánh sáng mầu vàng rất khiêm nhượng trong bóng đêm dần phủ. Cả xe vào nộp giấy thăm nuôi rồi ngồi chờ. Hải nó nhỏ vào tai Uyên “ Chết cha, đêm nay ngủ đâu đây ?, hai dẫy nhà chật nghẹt rồi, mình tới trễ quá “ Uyên trấn an “Chắc mấy ông ấy phải kiếm được chỗ thôi“.

Khoảng nửa giờ sau, Huy xuất hiện với một gói lớn trong tay, rồi Hưng, rồi Thanh…. Uyên nhìn chồng sững người, Huy ôm lấy vợ thật chặt rồi hôn lên trán “Mệt không em ?, đi từ lúc nào hả ? tụi anh ngóng xuốt từ sáng đến giờ, biết thế nào cũng lên hôm nay mà, Ê Hưng, vào trong nhà tiếp tân đỡ đi”.

Huy dẫn Uyên vào căn chòi khá lớn chỉ có mái lá và bốn vách lửng làm nhà tiếp tân. Uyên nghĩ không ai ngủ được đêm nay, người trong tù thì muốn biết tình hình ở ngoài, người thăm thì muốn biết thực trạng trong tù. Uyên kể cho Huy nghe về chuyện đi Bắc của Mẹ chàng; Bố thì nhờ ốm o, ăn ít lại được làm chân nhà bếp nên cũng không đến nỗi khốn khổ vì đói, nhiều người mà mình biết, tai to mặt lớn khi xưa, đã bỏ xác vì đói rét , bệnh tật ở miền Bắc rồi. Còn Ba bị chuyển lên Bù Đăng Bù Đốp, ở nhà thì vẵn cứ lì ra với tụi địa phương. Đúng ra mình ở tại Sài Gòn nên tụi nó cũng không ruồng quá như các tỉnh và thôn quê; rồi người ta vượt biên ra đi càng ngày càng đông; có các trại tị nạn cho người Việt Nam ở tại Thái Lan, Indo, Mã Lai á…..Có lẽ đó là cái hy vọng, là con đường thoát sau cùng cho cái tương lai đen tối của những tuổi trẻ, Uyên và Huy không có một chỗ đứng , không thể sống chung với CS được.

Còn Huy cũng trấn an Uyên về tình trạng sức khỏe của chàng, hi vọng được về cũng bắt đầu thấy le lói sáng, tuy cũng vẫn phải đề cao cảnh giác vì có những cái chết, thương tâm có, lãng xẹt có, đã xảy ra nhiều ở trong trại. Tiếng thì thầm đây kia trong căn nhà thăm nuôi cùng với tiếng sương đêm rơi lốp đốp trên lá khô, tiếng động của những con rắn mối sột soạt trong bóng đêm giữa rừng núi âm u làm Uyên cảm thấy đã thực sự chạm tới cái hụt hẫng, ngỡ ngàng của một tương lai bị chặt cụt, chận đứng bất ngờ không lối thoát, Uyên khóc lúc nào không hay, Huy chỉ biết ghì chặt đầu vợ vào ngực mình.

Đêm rồi cũng phải qua, buổi sáng ở rừng núi thật mát, lại một lần nữa chia tay không hẹn ngày gặp lại. Uyên đưa Huy thêm ít tiền, đó là hết tất cả số tiền dành dụm ba tháng nay cho lần thăm nuôi. “Cái tổ may của em cũng đang hoạt động khá lắm, họ lấy một căn nhà rất lớn của hãng làm ống chích cho tổ may mượn vì đông nhân viên. Nhưng có đều là bọn ‘bần cùng khố rách’ trong phường cũng bắt đầu nhòm ngó, kiểm tra lao động, ghi ngày công v..v…v Tụi nó bảo Ban điều hành tổ may thì Tổ Trưởng là thành phần tiểu tư sản, còn hai Tổ Phó là hai vợ ‘Ngụy’ còn đang cải tạo. Trong khi nhiều gia đình Cách mạng trong phường, con em không có việc làm…..tụi nó ngu như chó thì làm sao mà điều hành nổi “.

Trở về thành phố, trở về với hiện tại, lần này Uyên phải theo xe hàng ra Đà Nẵng thay Mẹ Uyên để Bà đi thăm Ông. Trong chuyến hàng này, cô Loan, người em họ rất gần của Ba Uyên cũng xin quá giang ra tới Qui Nhơn để thăm nuôi người em trai đang bị tù cải tạo ở đó. Người cô bé nhỏ gầy gò, cái tay nải lớn ôm bên nách khiến cô đi không muốn nổi. Uyên ái ngại hỏi “Rồi làm sao cô tha vào tới nơi ? phải đi bộ bao xa ?” “Có người vác cháu ạ, thuê họ vác cho mình đi bộ tới cổng trại, khoảng năm cây số đường rừng từ quốc lộ vào, cái nguy hiểm là hai con suối, mùa này mưa nước chảy xiết lắm. Cô mang thuốc không chứ có mấy đồ ăn đâu, còn thì đưa tiền”.

Uyên thở dài “Tất cả cho thăm nuôi, thăm để còn thấy người thân, nuôi để mong sống còn mà trở về, chẳng phải chỉ vợ, mà cả Mẹ, anh , chị, em”. Uyên gởi cô xuống nhà một người quen ở dọc quốc lộ ngay chân núi nhỏ Qui Nhơn, ba ngày sau khi xong hàng họ ở Đà Nẵng trên đường về thì đón cô. Lần này Uyên thấy cô như dúm hẳn lại, nhỏ thó hơn dù mới có ba ngày, vừa thấy Uyên cô nói như khóc “Tưởng đâu không còn gặp được cháu nữa, mưa to nước chảy xiết quá cuốn luôn cô đi, may mà người đưa đường họ túm lại được; khổ quá ! Chú Anh thì bị ghẻ lở khắp người, hai tay không làm gì được, anh em bạn tù họ giúp cho tất cả; chẳng biết có sống nổi mà về không ? Bà đi cùng với cô vào đến nơi thì mới biết chồng đã chết; Thật không còn trời đất nào nữa con ơi”.

Đã ba tháng nay Uyên không nhận được thư Huy, Hải cũng vậy. Thế là Hải và Uyên quyết định đi thăm, tụ tập thêm hai bà nữa rồi xin giấy ở phường để đi thăm nuôi với mục đích ‘khuyến khích học tập và bàn định việc đi vùng kinh tế mới’.

Lần này cả bọn phải đi xe đò vì không có xe thuê nữa, từ Sài Gòn đi Bình Dương, từ Bình Dương đi Phước Long. Tới nơi đã hơn hai giờ chiều, không có xe đi vào trong trại nên phải chờ đến sáng ngày mai; hiện giờ cũng đã có rất đông người chờ như bọn Uyên và quanh đây không có lấy được một cái nhà trọ; cuối cùng bọn Uyên xin được ngủ nhờ trước hàng hiên của một tiệm tạp hoá nhưng cũng chỉ chập chờn qua đêm vì sợ mất đồ.

Sáng hôm sau, sau khi mua thêm ít gạo và trái cây, chiếc xe đò đưa tất cả khách chờ đợi vào các trại. Uyên đâu có nhớ đường, đến khi người tài xế hô to “Các bà đi T3 xuống đây đi, đường vào phía bên trái đây nè”. Nhìn quanh Uyên chẳng thấy cái mà ông tài gọi là đường vào, hai bên đường toàn cây là cây; bốn đứa nhìn nhau chần chừ, sau cùng Tuyền, vợ của Lịch, e dè bảo “Chắc đúng là đây rồi, lần trước mình đi nhớ có cái cây bị cháy bên này thì đường vào bên kia”. Ông tài cũng thêm vào “Đúng rồi mấy bà ơi, xuống đi, xe còn đi mấy trại khác nữa “.

Cả bọn lục tục khuân đồ xuống , chiếc xe khuất dạng trên đường bụi đỏ hoang vu. Uyên nói với Tuyền “ Bà có chắc không đó ? không phải là tiêu nghe; rừng núi như vầy biết hỏi ai ra đường, với lại tôi nghe những vụ cướp bóc, hảm hiếp đã xảy ra ở đây rồi nghe bà”. Tuyết, vợ Minh nhìn Uyên “Phải chỗ này rồi, bên kia là đường đi vô bị đám cây che khuất đó” rồi Tuyết cười “ Tội nghiệp em tôi, chưa hưởng gì hết trơn mà bây giờ lãnh đủ, thôi ráng đi em “.

Cả bọn lại khuân vác lên đường, Uyên bảo Hải “ Kiếm khúc cây, em với Hải khiêng đi, rê mãi không có nổi đâu “. Thế là hai đứa tìm được khúc cây, xỏ hết những túi, nải vào và để lên vai; chỉ có tội là Hải thì lùn mà Uyên thì cao cho nên cứ đi được một chút thì mọi thứ đổ dồn về phía Hải làm cả bọn được một chút cười cho quên cơn mệt. Khoảng hơn một cây số đường dốc, Uyên nhớ lại lần trườc lúc chiếc xe lủi đầu qua vòm lá để vào cái lòng chảo; Đây rồi !

Khi vào trình giấy, đã có một số bà ở đó rồi, tất cả phải tụ tập trong căn nhà làm văn phòng để nghe cán bộ trưởng trại lên lớp, hắn hạch hỏi về chuyện ai chỉ bảo việc xin giấy phép thăm nuôi của địa phương “ Địa phương là địa phương, chúng tôi là khác, mà thôi đã lỡ lên tới đây rồi chúng tôi cũng sẽ để cho gia đình được vào thăm và ở lại tối nay. Thôi các chị và gia đình xuống nhà khách chờ “.

Chẳng biết phải chờ bao lâu, cả bọn bèn lôi nhau xuống suối tắm, vì cả hai ngày đường mệt mỏi. Khoảng hai giờ chiều, các ông mới được ra gặp vì còn phải lao động. Thật bất ngờ và sung sướng, lần này mọi người được nhiều thoải mái hơn vì không có đông người thăm nuôi như lần trước, do đó có nhiều thời gian hơn để trao đổi với nhau.

Trong kỳ thăm nuôi lần này, tinh thần các ông tương đối khá hơn, ai cũng hi vọng ngày về sẽ tới sớm vì đám cán bộ CS cũng mệt mỏi vì canh giữ các ông, và ganh ghét vì sự thăm nuôi ngoài sức tưởng tượng của họ; họ cũng phải ở nơi rừng sâu hẻo lánh như các ông bị cải tạo mà lại không người thăm nuôi, không có sự tiếp tế tiền bạc, không có gì hơn những người tù ngoài một chút tự do.

Về những tên quản giáo ở đây, có lần Huy bảo “ Em biết không ? phần lớn họ rất ít học, không biết gì về cái văn minh hiện đại của thế giới. Họ suốt đời chỉ biết có cầy bừa ở nhà quê rồi vào bộ đội. Có một lần một tay bộ đội trẻ thấy tụi anh đang nướng lạp xưởng , hắn hỏi cái gì đó, tụi anh bảo lạp xưởng, hắn bèn lên giọng “Các anh thật là chậm tiến, cái gì cũng ăn, ăn cả ‘con lạp xưởng’ “ Tụi anh cười quá trời. Thôi cố đi em, chắc ngày về cũng không còn xa; sau cơn mưa trời lại sáng em ạ “. Uyên cười “Sau cơn mưa thì trời mới tạnh thôi, vì có được về cũng sẽ vất vả với đám địa phương lắm, mình không có chỗ đứng trong xã hội CS anh ạ, phải tìm một chỗ khác thôi “.

Sau khi chia tay, cả bọn phải đi bộ ra chợ Phước Long mất sáu tiếng đồng hồ đường rừng, cũng may là ban ngày và có nhiều tốp từ các trại khác nhập bọn nên không có gì nguy hiểm hay sợ sệt. Chuyến xe đò chót trong ngày lăn bánh lúc hai giờ trưa, thực ra nhà xe họ biết sẽ có nhiều người đi bộ từ trong các trại ra nên có ý chờ. Con đường hoang vu, ngập bụi đỏ sau vài ngày nắng lớn, hai bên là đồng tranh chạy sát đến tận rừng cây ở tận đàng xa. Uyên thở dài “ Quê mình nghèo quá Hải ơi, bây giờ thêm bọn này cai trị nữa thì chỉ có chúi đầu đi xuống thêm thôi”. Hải ngáp “Chuyện Quốc Gia ngoài tầm tay bọn mình, thôi nhắm mắt chút đi, hy vọng lần này là lần chót mình đi thăm, nhưng về đi rồi hãy tính tiếp”.

Về tới Sài Gòn trời tối mịt, thành phố đã lên đèn, Uyên và Hải chia tay tại bến xe miền Đông, khu Ngã Bảy. Còn đang ngơ ngác tìm xe, bỗng nghe một giọng của ông già ngay phía sau lưng Uyên “Lên xe đi cháu, bác đưa về, đi thăm học tập cải tạo về phải không ?”.

Thì ra một ông già xích lô, ông sách ngay cái bị rỗng dưới chân Uyên bỏ ngay lên xe “Bác cho cháu về cư xá Lữ Gia, bao nhiêu hả bác ?” “Cháu cứ lên xe đi, không phải lo bao nhiêu cả, về nhà sớm nghỉ cho khỏe; Đi mấy ngày rồi cháu ? Các anh ấy có bình yên không ? bác cũng có một thằng trong đó, tối nào cũng đọc kinh cầu bình an cho tất cả các ông, buồn quá ! À thế có đói không ? bác dừng ở phở Tàu Bay cho cháu ăn, bác chờ không có sao".

Lòng buồn rươi rượi, Uyên chỉ muốn về thẳng nhà “Cám ơn bác, bác cho cháu về nhà”. Uyên rất cảm động vì những chân tình của những người đồng cảnh, những người Uyên đã gặp qua trên đường họ đều tỏ ra thông cảm và giúp đỡ. Đó cũng là một niềm an ủi rất lớn cho Uyên nói riêng, cho những người vợ của những người tù cải tạo nói chung. Và những niềm an ủi đó cũng là sức sống, là sự hy vọng cho Uyên để có thể đương đầu với một cái tương lai vô định.

Về đến nhà, lũ em đã không nhận ra nổi Uyên và thoảng thốt lên "Trời ơi, bà ở đâu về vậy cà ? Trông chị ấy kià, thật là thảm não". Uyên nhìn mình trong gương cũng muốn bật khóc, mặt , đầu và toàn quần áo phủ một lớp bụi đỏ, hai hốc mắt to và sâu hẳn xuống trông như là về từ Địa Ngục, mà quả thật là mình mới về từ Địa Ngục!

Dzuyên-Yên



2 comments:

  1. Chị Dzuyên Yên làm chúng tôi thương và nhớ mãi những vất vả của bao chinh phụ thăm nuôi chồng trong tận rừng sâu -Trong đó có cả Em tôi.

    Khanh

    ReplyDelete
  2. Những ưu phiền, vất vả của người cô phụ đã được chị tỏ
    bầy đầy đủ trong bài viết vô cùng xúc tích. Chỉ có 1 tình
    yêu lớn mới giúp chị vượt qua được những cám dỗ vật chất đầy dẫy ngoài xã hội để trông chờ 1 người tù chẳng
    biết bao giờ mới trở về. Và ngoài ra, còn phải kể đến nền tảng lễ giáo V N cũng đã góp phần không nhỏ.!

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!