Phần Sáu
Giai Đoạn Sau Tháng Tư 1975
Di Tản
Sau Tết Ất Mão 1975, Sơn tiếp tục lao vào các cuộc hành quân chiến thuật lẫn biệt phái tại các tiểu khu. Lúc này, mặc dù cường độ giao tranh đôi bên vẫn diễn ra ác liệt, nhưng Sơn nhận thấy phía bạn có phần sút giảm trầm trọng về hoả lực so với trước kia vì ngoại viện quân sự đã bị cắt giảm nhiều trong khi quân Bắc Việt càng lúc càng được quân viện tối đa.
Giữa tháng 4, Sơn thực hiện lần cuối phi vụ bốc toán quá tải khi chở mấy chục chiến sĩ thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù ra khỏi rừng Phước Long đang bị Cộng quân tràn ngập.
Chiều 27 tháng 4, phi đoàn Sơn di tản về phi trường Tân Sơn Nhất, và Sơn vẫn tiếp tục phi vụ yểm trợ Sư Đoàn 18 BB giao tranh với Cộng quân tại Long Bình. Sau đợt pháo kích của Cộng quân vô phi trường Tân Sơn Nhất, Sơn bay xuống Nhà Bè.
Xế trưa ngày 29, Sơn xuống Long Xuyên đón vợ con nhưng không gặp đành bay rà theo dòng người di tản, có lúc đáp hẳn chiếc UH1-H xuống ven lộ, mắt dáo dác tìm thê tử một cách tuyệt vọng. Lúc này, ngoài phi hành đoàn bốn người ra, trên tàu còn có thêm 6 hành khách. Tất cả thảy đều dõi mắt tìm kiếm vợ con phụ Sơn nhưng chỉ hoài công. Thất vọng, đồng thời không thể chần chờ thêm nữa, đúng 5 giờ rưỡi chiều Sơn liên lạc với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ qua tần số guard. Trực chỉ biển Đông trong tâm trạng rối bời, Sơn nhủ lòng mình chỉ tạm thời di tản mà thôi, sau đó sẽ trở lại đón vợ con.
Tuy nhiên, ngay sau khi đáp xuống một chiếc hộ tống hạm và mọi người cùng Sơn vừa an lành bước xuống boong tàu thì chiếc UH1-H đã bị bốn binh sĩ Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sáp lại lật càng xô xuống biển để nhường chỗ cho các máy bay đáp khẩn cấp khác khiến Sơn bàng hoàng tiêu tan hi vọng vì phương tiện quay trở về đất liền không còn nữa...
Xế trưa ngày 30 tháng 4, ngay sau khi nghe tin Tổng Thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng và đoàn quân Bắc Việt mà Sơn luôn gọi là lũ xâm lược miền Nam đang tràn ngập Thủ Đô Sài Gòn, một ý tưởng kình chống bạo lực xen lẫn mối âu lo cho sự an nguy của vợ con lập tức bùng phát càng lúc càng xoáy ngự tâm não khiến Sơn nhất quyết bằng mọi giá phải trở về … Vài ngày sau, Sơn và đoàn người di tản được chuyển từ hộ tống hạm sang một tàu buôn. Tàu buôn này ghé cảng Subic neo đậu mấy bữa, sau đó Sơn và mọi người lại được chuyển sang một tàu buôn khác trực chỉ đạo Guam.
Trở Về Việt Nam Bằng Tàu Việt Nam Thương Tín
Vài tháng sau, tất cả thành viên đi cùng chuyến bay UH1-H với Sơn và mấy chục ngàn người khác đã lần lượt rời đảo Guam để qua định cư tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Còn Sơn mặc dù liên lạc được với gia đình ông bà Paul và La Verne Justice ở Texas sẵn sàng bảo trợ nhưng Sơn ngày đêm chỉ mong mỏi gặp lại vợ con mà thôi. Chính vì vậy, Sơn đã cùng với một số người có thân nhân còn kẹt lại ở Việt Nam tới văn phòng Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc xin được hồi hương. Vì vấn đề này đòi hỏi phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến công pháp quốc tế nhất là đối với tình hình phức tạp tại Việt Nam lúc bấy giờ, văn phòng Cao Uỷ LHQ thận trọng nghiên cứu giải quyết từng bước.
Quá sốt ruột hay vì một động cơ thúc đẩy nào khác, một vài người quá khích đã xách động bà con tụ tập biểu tình đòi hồi hương ngay lập tức bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín đang neo đậu tại đảo khiến Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc buộc phải mở văn phòng ghi danh những ai có nhu cầu, và sau đó tiến hành việc chọn thuyền trưởng lẫn việc bảo hiểm cho chiếc tàu Việt Nam Thương Tín và hành khách. Hợp đồng bảo hiểm này đã được hãng bảo hiểm hàng hải quốc tế Đan Mạch đứng ra nhận lãnh khi biết viên thuyền trưởng xung phong điều khiển con tàu chính là Trung Tá Hải Quân Trần đình Trụ, người trước kia đã từng có kinh nghiệm sang đảo Guam lãnh tàu. Trước khi tàu rời đảo, đại dìện Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và viên chức đại diện chính phủ Mỹ mời riêng từng người vào một phòng tách biệt để phỏng vấn lần chót xem họ có thật sự tự ý dứt khoát muốn quay trở về nước hay không.
Cuối cùng, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín do Trung Tá Trụ điều khiển đã rời đảo Guam trực chỉ Việt Nam mang theo hơn một ngàn sáu trăm hành khách trong đó có Sơn lòng đầy thấp thỏm lo âu không biết vợ con mệnh hệ thế nào.
Vượt Trại Tù Lần Thứ Nhất
Cuối tháng 9, tàu Việt Nam Thương Tín về tới Vũng Tàu nhưng lập tức bị áp giải ra Nha Trang.
Tại Nha Trang, sau thủ tục kiểm dịch nhập nội, mọi người quay trở về đều bị tạm giam tại một địa điểm gần cổng phi trường để công an Cục Bảo Vệ Chính Trị tiến hành điều tra phân loại đối tượng về nước. Tại đây, Sơn tìm cách liên lạc với Thiếu Tá Hạm Trưởng khoá 16 Hải quân Nguyễn văn Phước, một chiến sĩ đàn anh thật bản lĩnh, với ý định cùng nhau thoát thân một khi tình hình biến chuyển không thuận lợi. Tuy nhiên, ngay sau đó cả hai cùng một tốp đông người trong nhóm hồi hương đã bị tống lên xe bít bùng chở tới trại giam A-20 thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy Hoà, Phú Khánh.
Tại trại A-20, trong quá trình tiếp tục chuẩn bị việc trốn trại ngoài dự kiến ban đầu chỉ có hai người, Sơn kết nạp thêm Đại Uý phi công AC-47 Nguyễn văn Hoá. Sau khi vượt trại được bốn ngày, bộ ba bị du kích phát hiện. Hoá bị bắt, còn Sơn và Phước tiếp tục băng rừng vượt núi trực chỉ hướng ngã ba biên giới. Ba bốn bữa sau vào lúc nhá nhem tối, Sơn và Phước bị Thượng cộng phát hiện bắt gò trói lại đạp nằm dưói đất rồi tập trung buôn làng tới hành tội. Lúc đầu, có hai tên Thượng cộng nói rành tiếng Việt nhào tới vừa chửi bới, đấm, đá, đạp Phước, Sơn túi bụi vừa hô hào mọi người xung quanh tiếp tay liệng đá giáng đòn, nhưng riết rồi thấy dân làng chẳng ai hưởng ứng cả nên hai tên này đành phải nhốt Phước và Sơn lại chờ áp giải về trại giam A-20.
Sau khi bị bắt trở về biệt giam tại trại A-20, cả Sơn, Phước lẫn Hoá đều bị chuyển về khám Chí Hoà. Tại đây, Sơn chính thức bị kết án tù kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1976, sau đó chuyển ra miền Bắc giam tại trại Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú trên cùng chuyến tàu với Đức Cha Nguyễn văn Thuận vào tháng 12 năm 1976. Tại trại Vĩnh Quang, tuy bị tách mỗi người một đội khác biệt, nhưng Sơn và Phước vẫn tìm cách thường xuyên liên lạc thăm hỏi động viên lẫn nhau. Vài năm sau, Thiếu tá Phước vượt trại nhưng bị bắt lại đày lên trại Cổng Trời thuộc tỉnh Hà Tuyên.
Vượt Trại Tù Lần Thứ Hai
Khoảng một tháng sau đợt học tập chính trị gọi là “học tập đào sâu suy nghĩ nhận rõ tội lỗi của bản thân” vào năm 1979 tại Vĩnh Quang, Sơn trốn trại. Rất tiếc, sự việc không thành. Lúc Sơn bị bắt lại, viên quản giáo đã giơ cao khẩu K-54 trở ngược báng giáng mạnh vào đầu Sơn, nhưng chính trị viên đứng gần bên đã kịp thời vừa đỡ gạt văng khẩu súng qua một bên vừa hét to:
-Xin đồng chí ngưng tay!
Sau lần trốn trại không thành ấy, Sơn bị cùm biệt giam khoảng bảy tháng trong một căn phòng ẩm thấp nhỏ hẹp; bên cạnh cùm có một thùng gỗ nhỏ để đại tiện và một ống nứa để tiểu tiện. Cứ cách khoảng ba bốn ngày Sơn mới được cai ngục mở cửa cho Sơn xách đồ phóng uế đem đi đổ một lần. Đây là một hình thức phạt mà các cán bộ trại gọi là nhằm tạo điều kiện để Sơn “tự phản tỉnh”. Trong mấy tuần lễ biệt giam đầu tiên, ngoài những khoảnh khắc phải tự kềm hãm những cơn vật vã vì đói khát đau nhức trong môi trường chật hẹp hôi thối nóng lạnh thất thường ra, Sơn ngày đêm chỉ sống với tư tưởng đào thoát vì bản thân không hề chịu khuất phục. Mặc cho đối phương gán tội hành xác, Sơn càng khẳng định lập trường của bản thân chống lại Cộng Sản, một chủ thuyết mà Sơn cho là ngoại lai du nhập vào Việt Nam với tiền tích đấu tranh đẫm máu bằng bạo lực.
Thế rồi, sau những tuần lể đầu tiên để bản thân tự “phản tỉnh” ấy, nửa năm biệt giam còn lại Sơn cảm thấy mình như đang chịu sự thử thách của Bề Trên nên đã dốc lòng cầu nguyện với niềm tin mãnh liệt vào sự hiện hữu màu nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng…
Xuất Trại Về Trình Diện Địa Phương
Năm 1982, Sơn được chuyển trở về miền Nam giam tại trại Z-30A thuộc địa phận Gia Ray, Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Năm 1987, ngày 11 tháng 9, Sơn được phóng thích, kết thúc thời gian tù đày gần tròn một con giáp kể từ lúc bị tạm giam vào cuối tháng 9 năm 1975 để trả giá cho sự hồi hương mong gặp lại vợ con của mình.
Sau khi xuống xe tại khám Chí Hoà, các bạn đồng tù chia tay nhau. Lúc đó trời đã xế chiều, Sơn theo Trung Tá Hùng thuộc Phi đoàn khu trục Biên Hoà về nhà bà chị ở Khánh Hội.
Hôm sau, Sơn ghé Phú Lâm thăm một bạn đồng tù đuợc thả về đợt trước, rồi đón xe đò xuống thăm bé Thi đang sống với bà ngoại ở Mỹ Tho. Phút chia tay để về trình diện chịu thêm 12 tháng quản chế tại địa phương, Sơn buồn rười rượi vì người vợ sống chung thứ hai tên Nguyễn thị Bé đã mất vì mìn bẫy ngày 30 tháng 5 năm 1975 tại khu vườn nhà thuộc vùng Việt Cộng chiếm đóng để lại bé Thi lúc ấy mới có hai tuổi lớn dần trong môi trường đào tạo với hệ tư tưởng khác biệt với bố; đồng thời người vợ sống chung ban đầu tên Hằng đã cùng bé Hương qua Pháp theo diện con lai và đã lập gia đình bên đó lúc Sơn còn đang ở trại tù Vĩnh Quang...
Trên đường rời Mỹ Tho về lại mái nhà xưa tại thị xã Tây Ninh sau mười mấy năm xa cách, mặc dù tâm sự ngổn ngang nhưng Sơn vẫn không sao nén được cảm giác nôn nao như thuở học trò ngày xưa thường đi xe đò từ Sài Gòn về Tây Ninh thăm má vào những ngày cuối tuần tại khu đất thần tiên và ngôi nhà ắp đầy kỷ niệm nơi sinh trưởng. Nhưng niềm háo hức ấy chợt vụt tắt hoá thành nỗi bàng hoàng chết lặng vì khi về tới nơi vào lúc bốn giờ chiều Sơn chỉ nhìn thấy cảnh nắng chiếu rọi xiên trên vách ba dãy phòng ốc hai tầng xa lạ vây quanh nền sân gạch rộng thênh thang.
Than ôi! Ngôi nhà cổ kính với những tàn cây phủ bóng mát quanh năm do ba má dày công tạo dựng đã không còn nữa !!!. Khu đất và căn nhà ngói ba gian một chái này của gia đình Sơn đã bị chính quyền địa phương tịch thu, phá huỷ biến thành Trường Mầm Non Một Tháng Sáu toạ lạc trên đường đổi tên từ Phan thanh Giản sang Cách Mạng Tháng Tám. Toàn bộ di tích khu nhà nay chỉ còn lại cây me chua, cụm dừa ba má trồng phía trước, và giếng nước ngọt trong sân được đào từ thuở Sơn chưa chào đời. Sau phút bàng hoàng, Sơn vô gặp cô hiệu trưởng để tìm hiểu ngọn ngành, sau đó đi vòng quanh sân, tới giếng múc nước uống, rồi thẫn thờ bước trở ra. Thế là hết, cả đến chút kỷ niệm thuở ấu thơ, niềm an ủi cuối cùng của Sơn cũng không còn nữa! Bất giác, bao nỗi chua xót đắng cay xen lẫn uất ức chợt ùa ập tâm tư khơi trào suối lệ khiến Sơn cứ ôm chặt lấy thân cây me đã từng một thời làm bạn với mình mà khóc ròng. Cuối cùng, không còn chỗ trú thân, Sơn phải sang một nhà quen ở lối xóm để ngủ nhờ...
Vài ngày sau Sơn đành phải tới văn phòng Công An tỉnh Tây Ninh xin giấy phép chuyển về Sài Gòn cư trú tại nhà ông anh, sau đó cầm giấy phép này trở lại trại tù Z-30A Xuân Lộc để điều chỉnh địa chỉ cư trú. Căn cứ vào giấy phép của Công An tỉnh Tây Ninh, giám thị trại Xuân Lộc bèn đánh máy dập xoá địa chỉ “B22/4 đường Phan thanh Giản, thị xã Tây Ninh” trên Giấy Ra Trại để thay vào bằng địa chỉ mới số 211/27 Bis, đường Minh Phụng, Phường 9, Quận 6, T.P. HCM.
Trở Lại Sài Gòn
Về địa chỉ mới, Sơn bán vé số dạo, ngày ngày lang thang trên nhiều con đường vương đầy kỷ niệm thân quen nhưng mang tên xa lạ giữa lòng thành phố Sài Gòn cũng bị đổi danh. Các đường phố chính vẫn đông đảo khách bộ hành, xe đạp, xích lô, gắn máy qua lại, duy chỉ khác xưa là có thêm nhiều bộ đội, công an mặc sắc phục lẫn dân ở miền Bắc vào, còn xe cộ có thêm xe hơi “cơ quan”, vô số xe đạp và xe gắn máy hiệu Trung Quốc xen lẫn xe Honda, Suzuki, Yamaha v..v. thời trước 75 hoặc được tuồn từ nghĩa địa xe ở biên giới Căm Pu Chia qua.
Đi dọc theo những căn phố cũ, lòng Sơn quặn thắt vì một số nhà quen đã bị đổi chủ, vắng bóng người xưa. Trong suốt thời gian Sơn bị tù, thành phố Sài Gòn đã trải qua nhiều đợt đổi tiền, kiểm kê của cải tư sản, khuyến dụ lẫn áp lực đưa dân đi vùng Kinh Tế Mới khiến nhiều gia đình thuộc chế độ cũ tiếp tục vưọt biên bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả. Ngoài ra, một số gia đình bạn bè thân quen có con em đi vưọt biên mà Sơn gặp lại sau khi về địa chỉ mới đã thổ lộ rằng chính họ đã phải tìm đủ mọi cách chỉ để lo cho con mình tới được một xứ sở tự do nơi mà chúng sẽ không còn bị liệt vào thành phần gia đình tư sản phản động bởi chế độ xét duyệt lý lịch của chính quyền Cộng Sản.
Hiện tại trước mắt Sơn, một thực thể xã hội mới đang được hình thành xuất phát từ giai cấp gia đình đảng viên được hưởng đặc quyền đặc lợi nắm giữ chức vụ quyền thế. Chẳng mấy chốc, giai cấp này sẽ trở nên giàu có vượt tách hẳn tầng lớp bình dân lao động.
Chương Trình ODP
Bắt đầu từ cuối năm 1989, Sơn cảm thấy bầu không khí tại các khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Bình, Gia Định trở nên sinh động hẳn lên vì Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự gọi tắt là ODP (Orderly Departure Program) ký kết giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Hà Nội bắt đầu được thực hiện. Hàng vạn gia đình ùn ùn nộp đơn theo diện đoàn tụ, và hàng vạn gia đình cựu tù cải tạo hội đủ điều kiện tiêu chuẩn nộp đơn theo diện HO (Humanitarian Operation). Sơn cũng đã ghi danh và đang chờ đợi giấy mời phỏng vấn. Cảm giác mong đợi này thật tuyệt diệu. Sơn cảm thấy lòng mình xao động trước hình ành các nhóm bạn cựu tù ngày ngày bắt đầu tụ tập ở tất cả mọi nẻo đường, từ vỉa hè quán cóc cho đến những nơi tôn nghiêm như khuôn viên Phật tự, Thánh đường để hàn huyên tâm sự lẫn bàn về mọi vấn đề xoay quanh Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự. Hơn bao giờ hết, Sơn hoà nhập cùng nhóm bạn để nghe chính lòng mình đồng cảm với niềm khát vọng tự do của từng chiến hữu đã cùng nhau trải qua nhiều năm tháng tù đày mà bản thân chỉ thực sự tìm thấy niềm vui chắp cánh của rìêng mình nếu may mắn được chìm vào giai mộng khi thiếp đi sau một ngày khổ sai lao động.
Trải qua bao thử thách, Sơn hiểu được bản thân mình vẫn giữ vững lập trường cố hữu thuở phơi phới ra trường vai mang cấp bậc Chuẩn Uý giã từ Quân Trường với bầu nhiệt huyết trào dâng và tín niệm Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm.
Hết
Phú Nhuận, ngày 20 tháng 7, năm 1991
Phạm văn Phú
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!