Monday, May 6, 2013

Sơn Tù Trưởng (phần năm)

Sơn Tù Trưởng

Phạm Văn Phú

Phần Năm


Phi Vụ Đầu Tiên Tại Sư Đoàn 3 Không Quân

Sau thời gian tăng phái Pleiku, Sơn được thuyên chuyển về phục vụ tại phi đoàn Lôi Điểu 223 thuộc Không Đoàn 43 Chiến Thuật / Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hoà do Trung Tá Trần văn Luân làm Phi Đoàn Trưởng. Trong phi vụ đầu tiên tại đơn vị mới, Sơn được Trưởng Phòng Hành Quân Trần gia Bảo cắt công tác tại tiểu khu quê nhà. Khi chiếc UH1-H bắt đầu vô tới địa phận Tây Ninh, Sơn được Đại Uý Trưởng Phi Cơ Nguyễn dương Hinh trao cần lái điều khiền con tàu bay lượn nhiều vòng thả khói màu chào kính trên vùng trời Thánh địa, khu vực làng Thái Bình xã Thái Hiệp Thạnh nơi ba má Sơn ở lúc sinh tiền, và trên nóc ngôi nhà nơi Sơn sinh trưởng trước khi cùng phi hành đoàn tiếp tục phi trình công tác... Kể từ đây, cuộc đời binh nghiệp của Sơn chuyển sang một bước ngoặt thật quan trọng với quyết tâm thực hiện bằng được lời thệ quyết vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm xưa của mình.

Gắn Bó Cùng Phi Đoàn Lôi Điểu 223

Cũng như tại Phi Đoàn Thần Tượng 215, nơi đầu tiên Sơn được dịp sống cùng các chiến hữu trong tinh thần không bỏ anh em không bỏ bạn bè, tại Phi Đoàn Lôi Điểu 223 tinh thần ấy cũng chan hoà trong tất cả mọi người khiến bản thân Sơn sống với tình cảm thật gắn bó với đơn vị.

Sơn nhớ từng âm giọng, hình ảnh, cử chỉ, dáng điệu của nhiều chiến hữu trong đơn vị mà Sơn có dịp học hỏi rút tỉa kinh nghiệm từ tác phong đạo đức lẫn kỹ thuật tác chiến. Tùy mức độ gây ấn tượng nhạt nhoà hay sâu đậm qua từng nét đặc thù của họ, tất cả thảy đều chiếm một địa vị quan trọng trong lòng Sơn.

Trong số các chiến hữu ấy Sơn luôn nhớ mãi nét trầm tĩnh của Thiếu Uý Nguyễn thế Hùng, người co-pilot từng cứu Sơn và toàn bộ phi hành đoàn tại đồn Bố Lá thuộc quận Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, Sơn đang mải mê cho con tàu bay rà thật thấp cùng Trung Tá Quận Trưởng Phan văn Hiệp khoá 17 Đà Lạt theo dõi từng lằn đạn đại liên của xạ thủ phi hành bắn hạ đám địch vây đồn văng khỏi hố cá nhân và giao thông hào thì những cụm mây nimbus đen ngòm thình lình kéo tới khiến Sơn buộc lòng phải bay lên sa vào mây nên bị vertigo nhất thời không định được phương hướng và độ cao thấp của con tàu. Trong giây phút thập phần nguy hiểm ấy, Hùng chụp cần lái bình tĩnh đưa con tàu ra khỏi hiểm trạng mây mù, sau đó đáp an toàn tại Bến Cát.

Chiến hữu có nét trẩm tĩnh thứ hai là 70-40-B3 Lạc văn Nở, nhân vật đã từng cùng Sơn bắt sống địch quân, một hành động đã được khá nhiều hoa tiêu ngành trực thăng thực hiện bằng nhiều dạng khác nhau.

Gương Sáng Của Đàn Anh Trong Phi Đoàn Lôi Điểu 223

Ngoài sự gắn bó với các chiến hữu đồng cấp chức trở xuống, đối với cấp chỉ huy, những vị đã từng hiển hách chiến công từ thuở Sơn vừa dứt bậc tiểu học, Sơn không hề quên những kỷ niệm bản thân thuở ban đầu bỡ ngỡ đã được các đàn anh tận tình dìu dắt hướng dẫn từng bước những kỹ thuật tác chiến chưa từng được cập nhật trong binh pháp mà Sơn đã được học.

Trong số các đàn anh ấy, Sơn luôn khắc tâm gương sáng của Trưởng Phòng Hành Quân Trần gia Bảo qua cung cách cư xử thật nhẹ nhàng uyển chuyển đối với đàn em. Không những vậy, trong các cuộc hành quân lớn nhỏ, Thiếu Tá Bảo đều tiên phong không hề chịu để đàn em lâm vòng nguy khổn. Những hành động ấy của Thiếu tá Bảo đã được thể hiện điển hình trong các phi vụ thường xuyên tản thương tiếp tế cho căn cứ Tống Lê Chân toạ lạc tại biên giới giữa hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh do Thiếu Tá Lê văn Ngôn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân biên phòng chỉ huy, trấn giữ và tử thủ trước sự vây hãm bởi hàng sư đoàn cộng quân kể từ tháng 5/1972.

Thế rồi, vào một ngày trung tuần tháng 8 năm 1973, trong một phi vụ do Trung Uý Lâm Quẩn và Thiếu Uý Trần hồng Minh thực hiện, chiếc UH1-H của họ bị trúng đạn phòng không, Quẩn bị thương và toàn bộ phi hành đoàn bị kẹt lại tại căn cứ. Tức tốc, toàn bộ thành viên các cấp trong phi đoàn Lôi Điểu 223 được triệu tập để bàn đối sách trước thực trạng căn cứ Tống Lê Chân đang bị địch thắt chặt vòng vây và đan lưới lửa phòng không. Tinh thần xung phong lúc bấy giờ của mọi người dâng rất cao; tuy nhiên, Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Trần văn Luân đã hết sức đắn đo trong việc chọn nhân tuyển thích hợp vì lẽ công tác này đòi hỏi đối tượng xung phong cần hội đủ một số điều kỉện tối thiểu như độc thân, dũng cảm, lái giỏi, giàu kinh nghiệm nghi binh trong tác chiến, thành công nhiều lần trong việc giải cứu đồng đội, và dày kinh nghiệm đáp tại căn cứ Tống Lê Chân.

Đang lúc việc ưu tiên đề cử nhân tuyển trong số các Phi Đội Trưởng và Phi Đội Phó hội đủ điều kiện còn chưa ngã ngũ thì Thiếu Tá Bảo nhất quyết tình nguyện xung phong với lý do ngoài việc giải cứu đàn em, công tác này còn nhằm mục đích khích lệ tinh thần và nâng cao sĩ khí của mấy trăm chiến sĩ Biệt Động Quân Biên Phòng đang tử thủ tại căn cứ Tống Lê Chân dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Lê văn Ngôn, người bạn cùng khoá 21 Đà Lạt với mình. Sau buổi họp, ngay khuya hôm ấy, rời BCH hợp đoàn ứng chiến tại An Lộc, Thiếu tá Bảo cùng Co-pilot Thái ngọc Thành và cơ phi xạ thủ đã lên đường xuyên đột vòng vây địch với kết quả thành công mỹ mãn trong công tác tiếp tế quân y dược, bốc tản thương bệnh binh cùng phi hành đoàn Minh-Quẩn, đồng thời đích thân trao cặp lon vinh thăng Trung Tá đặc cách mặt trận vừa mới nhận được từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho Tiểu Đoàn Trưởng Lê văn Ngôn. Hình ảnh và sự kiện đôi bạn anh hùng gặp nhau nơi chiến địa, một bên mang nặng tinh thần không bỏ anh em không bỏ bạn bè của binh chủng không quân và một bên nêu cao tinh thần quyết chiến vì uy tín và danh dự chung của toàn binh chủng mũ nâu Biệt Động Quân, từ đó trở đi đã trở thành giai thoại truyền tụng rộng rãi trong toàn quân binh chủng...

Những Cuộc Hội Ngộ Kỳ Thú

Cuối năm 1972, sau khi hoàn tất khoá huấn luyện Trưởng Phi Cơ, Sơn hăng say lao vào các cuộc hành quân yểm trợ Sư Đoàn 5, 18, 25 Bộ Binh, và các công tác biệt phái tại tiểu khu Phước Tuy, Bình Tuy, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa, Hậu Nghĩa, Biên Hoà, Gia Định v.v. nên có dịp gặp lại nhiều bạn bè thân thiết thuở học trò đang phục vụ tại các binh chủng bạn.

Ngoài ra, Sơn cũng gặp lại một số cán bộ quân trường chuyển sang tác chiến, trong đó thú vị nhất là việc tương ngộ cùng hai vị niên trưởng hằng gây ấn tượng đẹp thuở đầu đời quân ngũ của mình. Vị niên trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Tham Mưu Phó Hành Quân Liên Đoàn Phòng Vệ Trần thế Phong, nguyên Đại Đội Trưởng khoá sinh thuộc Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ, mà Sơn có cơ hội thường xuyên sinh hoạt thắt chặt tình anh em sau những chuyến bay thị sát bảo vệ khu vực phi trường và vòng đai tiểu khu Biên Hoà.

Vị thứ hai là niên trưởng Trần văn Hiến, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Khoá Sinh Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ mà Sơn tình cờ gặp lại trên đường công tác biệt phái tại tiểu khu Gia Định. Bữa đó khi bay ngang khu Rạch Cát, Sơn phát hiện dấu vết địch quân bên dưới bèn liên lạc xin gặp bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 382 Địa Phương Quân trú đóng ở gần cầu Ông Thìn nên được biết vị Trung Tá Tiều Đoàn Trưởng chính là niên trưởng Hiến. Sau phút tay bắt mặt mừng cho cuộc tương ngộ kỳ thú đầy kỷ niệm thuở quân trường, niên trưởng Hiến tức tốc xách khẩu M79 cùng Đại Uý Trưởng Ban 3 và Sơn lên tàu bay thị sát việc triển khai lục soát hiện trường nghi điểm với kết quả phát hiện được một vài địa điểm ẩn nấp, một bè nổi vượt sông làm bằng can nhựa loại 20 lít, một khẩu AK và một số tài liệu quan trọng của địch. Việc tương ngộ hôm ấy tuy chỉ vỏn vẹn một lần ngắn ngủi nhưng mãi lưu lại trong Sơn nét uy dũng của vị niên trưởng mà một thời gian sau đó đã lên giữ chức vụ Liên Đoàn Truởng sau chiến dịch hành quân vào mật khu Lý văn Mạnh. Không những thế, vùng trời Rạch Cát nơi cùng niên trưởng Hiến bay thị sát cũng trở thành một ấn tích khó quên bởi lẽ chỉ hai tháng sau cũng tại địa điểm này vào ngày 23 tháng 3, Sơn và phi hành đoàn đã phát hiện bắt sống được một cán bộ Việt Cộng từ phía xóm Củi qua.

Tóm Lược Quá Trình Phục Vụ Tại Sư Đoàn 3 Không Quân

Đối với Sơn, trong suốt thời gian phục vụ tại Sư Đoàn 3 Không Quân, ngoài những điều đã học từ binh pháp, đa số những vụ phát hiện dấu vết địch dọc phi trình hành quân Sơn đều dựa vào kinh nghiệm một phần do các đàn anh trong đơn vị truyền thụ, một phần nhờ từng chiến hữu trong phi hành đoàn, và một phần đã học được từ Đại Tá Lê văn Năm, Tỉnh Trưởng Long An.

Dựa vào những kinh nghiệm này, Sơn có thể phân biệt được những đối tượng Việt Cộng nào giả dạng dân làm ruộng rẫy qua cử chỉ, dáng điệu, cách trang phục với nếp nhăn gấp hoặc màu sắc đậm nhạt tươi bóng xỉn ố khác nhau; đồng thời nhận biết chính xác những dấu hiệu khả nghi trên mặt ruộng, kênh rạch, và trên khu rừng tràm hoặc vùng dừa nước rậm rạp tạo thành đám lá tối trời. Mỗi khi phát hiện, tiêu diệt hoặc bắt sống được địch quân, Sơn thật vui và an dạ vì đã góp phần tạo an toàn cho đơn vị mình và bạn, nhất là khi được biết những đối tượng địch đó lại là thành phần đặc công ám sát nguy hiểm hoặc cấp cao.

Với những kinh nghiệm chiến đấu nơi vùng biển bao la và đồi núi chập chùng kết hợp cùng những điều mới học hỏi từ chiến hữu các cấp trong và ngoài binh chủng trên vùng đồng ruộng rừng chồi dừa nước lau sậy rậm rạp kênh lạch sông ngòi chằng chịt, Sơn lập nhiều chiến công trong công tác yểm trợ các đơn vị bạn, đồng thời bản thân luôn rèn luyện với tinh thần tự thắng để chỉ huy không hề vi phạm quân phong quân kỷ. Từ tháng 8/72 đến cuối 1973, Sơn nhận lãnh 11 Anh Dũng Bội Tinh với kết quả được thăng cấp Đại Uý đặc cách mặt trận vào năm 1974.

Trở Về Tâm Bão

Trong những đoạn hồi tưởng về chiến trường xưa với những trận đánh ngoạn mục, có đôi lúc màn ảnh ký ức đang sống động ào ạt như phong ba bão tố bỗng trở về tâm bão phẳng lặng như tờ vì Sơn cảm thấy có một điều gì đó khiến lòng mình se thắt.

Tâm trạng này được thể hiện rõ nét nhất trong thời gian Sơn công tác biệt phái tại Tiểu khu Long An. Thông thường, sau khi chiến trường được thu dọn, Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê văn Năm luôn ra lệnh tập trung phân loại xác địch rồi đưa về trụ sở các xã sở tại để báo cho thân nhân của họ tới nhận lãnh đưa về chôn cất. Trường hợp nếu xác địch vô thừa nhận, Đại Tá Năm cũng lệnh cho các xã địa phương trích ngân quỹ thuê người an táng. Có đôi lần Sơn đưa Đại Tá Năm về một số trụ sở xã địa phương nên đã chứng kiến cảnh các thân nhân mắt đầy ngấn lệ khi tới nhận xác chồng con theo Việt Cộng. Lúc ấy, dù trong tâm luôn thề sống mái, một mất một còn với Cộng quân, nhưng trước cảnh các thân nhân mắt đỏ hoe ôm xác con em theo Việt Cộng đa số tuổi chưa đầy 18, Sơn cảm thấy lòng mình bất nhẫn.

Càng bất nhẫn chi tâm, những hình ảnh tương phản lại càng hiển hiện ngập tràn trong lòng Sơn với những tiếng khóc và những vòng khăn tang của các gia đình có thân nhân theo phe Quốc Gia bị Việt Cộng đang đêm gõ cửa dẫn đi thủ tiêu mà Sơn thực tế đã từng nhiều lần ghi nhận qua những chuyến công tác biệt phái tại các tỉnh vùng 3.

Mỗi khi nghĩ đến những hình ảnh ấy, Sơn luôn liên tưởng đến những điều ba của Sơn kể hồi Sơn còn nhỏ. Thời ba còn niên thiếu, vì không thể chấp nhận những hành động phi nhân của nhóm Việt Minh, ba của Sơn đã phải thoát chạy khỏi vùng ảnh hưởng của Việt Minh tại làng quê Thanh Điền, nơi ba vẫn luôn vương vấn rất nhiều kỷ niệm cùng bà con họ hàng thân thích, đặng sang lập nghiệp tại làng Thái Bình, xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh Tây Ninh. Chính vì vậy, sau những phút se lòng trong tâm bão, Sơn càng dứt khoát một lòng thề quyết chiến bảo vệ miền Nam.


Còn tiếp, phần sáu (phần chót)



No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!