Wednesday, May 1, 2013

Tự Bạch

Châu Chi




Dì nói ngày tôi sinh ra trời mưa rất lớn và mưa đã ròng rã đổ xuống suốt cả mấy ngày trước đó. Tiếng khóc oa oa chào đời của tôi, ngoài ba mạ ra, thì không được gia đình hoan nghênh cho lắm. Vốn dĩ ba tôi là con trai độc nhất nên ông bà đã ước ao có được một đứa cháu trai để nối dõi tông đường. Cũng không trách được ông bà vì quả thật ông bà cũng đã rộng lượng lắm rồi. Cháu đầu lòng đã là một bé gái, chính vì thế mà sự có mặt của tôi như một cái gai xốn mắt cho người trong nhà. Cũng oan cho tôi, thật sự mà nói tôi có muốn như thế đâu.

Bà nội đặt tên cho tôi là Lài, Nguyễn thị Lài, vì cho dù không thích sự hiện diện của tôi cho lắm, tôi vẫn là máu mủ của bà, mà bà lại rất thích hoa Lài, bất chấp sự phản đối của ba mạ tôi. Bà nội là người Tàu lai. Bố của bà nội là người Trung Hoa, vì một lý do nào không rõ, ông cố lưu lạc về Huế gặp được bà cố bên giòng Hương Giang trữ tình lãng mạn và quyết định định cư luôn tại đất Thần Kinh.

Trái hẳn với chị tôi, nét thanh tú, xinh xắn, tôi lại không có một nét nào thanh thanh như mạ, hay cao lớn như ông nội và ba. Dáng tôi cục mịch, tóc lưa thưa, mắt hí, người bé xíu, có chút giống bà nội và ông cố. Còn nhớ trong album của gia đình, còn những tấm hình chụp chung lúc nhỏ với chị, hai chị em cùng mặc áo dài, trông chị xinh xắn đáng yêu bao nhiêu với mái tóc đen mướt, nụ cười có má lúm đồng tiền, thì tôi có một dáng dấp phản ngược lại với nét thanh tú của chị, tóc thì ít, bụng thì cứ to phình ra - theo lời của mạ, tôi bị chứng hư tì -

Bà nội thản nhiên gọi tôi là Bé "Xấu" vì tôi xấu một cách đặc biệt. Và tên Lài Xấu theo tôi từ đấy.

Nghĩ cho cùng thì cũng chẳng oan uổng gì cho lắm với cái biệt danh của bà nội đặt cho. Bạn bè đến nhà chơi, nghe thế cũng bắt chước gọi theo, âm hưởng "Lài Xấu" khác biệt tùy theo mức độ thân sơ. Lâu ngày thành quen và dù muốn dù không, tôi bắt buộc phải chấp nhận số phận trời bắt xấu cùa mình.

Sau đó ba nhận một công việc ở Bến Tre và đưa cả gia đình vào Nam sinh sống. Vì chữ hiếu mạ tôi phải cắn răng để chị tôi ở lại với ông bà nội vì biết ông bà rất thuơng chị. Trong trí óc thơ dại của mình, tôi rất vui mừng khi ra khỏi nhà Nội dù tôi biết ông nội cũng rất thương tôi. Còn nhớ đêm trước ngày đi, ông đã ôm tôi vào lòng và nói "Bé Xấu của ôn, nhớ năng viết thư về cho ôn mệ, hỉ".

Tôi vui mừng vì nhiều lẽ. Thứ nhất, được đi đến một nơi chưa bao giờ biết, để có thể tự hào nói với các bạn nhỏ của mình "tao sắp vô Saigon", vì tôi biết sâu trong thâm tâm có khá nhiều bạn rất ước ao được vào Sài Gòn. Thứ hai, là tôi thoát được cái thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế, mưa chi mà mưa ròng mưa rã cả sáu tháng, mưa cho thúi cả đất (mà tuổi thơ tôi đã phải bó gối trong nhà nhìn mưa rơi "thúi đất" đó hết ngày này sang ngày khác). Thứ nữa là sau này khi đi ra ngoài với gia đình, mọi người sẽ không nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa chị tôi và tôi vì chị đã ở lại vói ông bà. Thực tình thì tôi không có ý ghét chị mình. Trái lại tôi biết sẽ rất nhớ chị vì không có ai nhường nhịn mình nữa khi xa chị.

Tôi đinh ninh rằng, khi rời khỏi nơi tôi sinh ra, xứ Huế buồn muôn thuở đó, thì tôi có thể trở thành một con người khác, người ta sẽ không biết đến cái biệt danh "Xấu" mà bà nội đã đặt cho tôi.

Nhưng tôi đã lầm to khi có cái suy nghĩ rất ngây thơ và ngờ nghệch đó. Vì thật ra chữ "Xấu" mà tôi ghét đã in hằn trên mặt của mình như cái dấu ấn mà một người tù khổ sai ngày xưa phải chấp nhận, cái hình phạt dành cho, từ một thanh sắt rèn từ lửa nóng in trên trán của họ và sẽ theo họ suốt cả cuộc đời.

Nhưng bây giờ, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, đã biết rõ một điều, người đến với người không chỉ bằng nhan sắc bên ngoài, mà là bằng tình cảm bồi đắp qua năm tháng, bằng sự chân thật của chính mình, là cứ hãy trải lòng ra cho dù có va vấp.

Và thôi thì cứ tự an ủi lấy mình khi suy gẫm về câu nói của người xưa để khỏi buồn phiền mỗi khi soi mình trong gương: "Cái nết đánh chết cái đẹp!" (chắc hẳn lời nói này cũng bắt nguồn từ một người, cũng xấu na ná giống như tôi!).

Lầu Xái (Châu Chi)



No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!