Nguyễn GiangLời phi lộ: "Phiếm luận" là một từ khá xưa, ngày nay ít khi dùng so với từ "tản mạn," thời thượng hơn. Phiếm luận có nghĩa là nói chuyện phiếm, chuyện tàm xàm, chẳng có chủ ý gì, chẳng chờ đợi gì. Phiếm luận không phải là lý luận, biện luận, luận án, luận văn, luận về đời, về đạo... Người nói chuyện phiếm là người nói cho mình, không tìm cách tuyên truyền hay thuyết phục ai, không tìm cách chứng minh một điều gì. Ai thích nghe thì nghe, thích bàn thì bàn, tới khi nào chán nghe chán bàn chuyện tàm phào thì ta lại... phiếm luận chuyện khác...
Cụ Nguyễn Văn Vĩnh, người có công lớn trong nền văn chương Quốc Ngữ thời phôi thai, có viết một tiểu luận về cái cười của dân tộc Việt Nam, trong đó cụ cho rằng: "Người Việt Nam mình cái gì cũng cười, hay cũng hì, dở cũng hì!" Thời xưa, các cụ lúc nào cũng cố ra vẻ đạo mạo nên không mấy thích những kẻ hay cười. Mới có 40 tuổi đã làm Tứ Tuần Đại Khánh (lễ mừng thọ 40 tuổi). Thời ấy, càng già càng phải duy trì bộ mặt nghiêm trọng! Chả bù với bây giờ, 70 tuổi vẫn lắc Techno ào ào trên sàn nhẩy. Nếu các bạn thường đi khiêu vũ ở Orange County, chắc đã mục kích một cụ bà lưng đã còng gần thành một góc thước thợ với mặt đất nhưng bản nhạc nào cũng ra nhẩy, thật đáng phục! Hồi xưa, dù thua bà cả 20 tuổi nhưng các cụ đã mặc quần áo the thâm để đi chùa hay nhà thờ rồi. Dân mình, cũng như các dân tộc Á Châu khác, chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, thường đạo mạo hay cố làm ra vẻ đạo mạo. Ngài Khổng Tử đã trịnh trọng đưa Lễ vào Nhạc. Vì thế, ngay cả đến bây giờ trên xứ Cờ Hoa, dân Mít chúng ta vẫn thưởng thức âm nhạc theo kiểu bản nhạc nào cũng như là nhạc thính phòng cả. Hãy xem các buổi trình diễn của các ban nhạc Mỹ, khán thính giả đều lắc lư thoải mái theo tiết tấu bài nhạc. Thậm chí có kẻ còn ôm lấy nhau mà... khóc, dù bản nhạc rất vui và sôi nổi (xin xem các video của ban nhạc Beatles). Tôi thấy có sự trùng hợp về thái độ thưởng ngoạn âm nhạc của các dân tộc Âu Tây và các dân tộc bộ lạc chưa khai hóa, họ cũng nhẩy múa theo điệu nhạc rất say mê. Còn chúng mình? Hãy thử xem video Thúy Nga, dù trên sân khấu có trình diễn bản GIẾT EM ĐI RỒI CHIA LY theo thể điệu Techno, bà con ở dưới vẫn ngồi yên, lắm cụ còn phơi bầy một bộ mặt suy tư. Ối giời ơi, "riết" em đi thì có gì phải suy tư, không "riết" thì em lại chê là cả đẫn bây giờ! Ấy thế mà khi thắng giải đố-nhạc-có-thưởng-tiền thì lại nhẩy cỡn lên như điên cuồng vậy. Quan niệm nào cũng phải thay đổi theo thời gian và nơi chốn. Tư tưởng của các cụ, cách đây cả thế kỷ, có nên làm khuôn mẫu cho cách xử thế của chúng ta bây giờ? Trong các buổi đấu láo với bạn bè cùng khóa 7/68 KQ tại quán cà phê Lily sáng thứ Bẩy, tụi tôi thường bàn: "Bây giờ mới thấy các cụ sai lầm nhiều lắm!" Này nhé, câu nói: "Áo không mặc qua khỏi đầu" đã sai rồi. Ngày nay còn có áo mặc không qua khỏi... ngực nữa cưa mà! Câu nói: "Trứng mà đòi khôn hơn vịt" cũng sai bạo nữa. Tụi nhỏ bây giờ quá rành computer. Các cụ ú ớ về món này lắm! Cứ lẩn thẩn xin chúng nó "tư vấn" thì có ngày tức hộc máu ra mà chết. Này nhé, vào tuổi mình đâu có điều gì cũng nhớ nổi, cái gì cũng phải ghi ra giấy. Ấy thế mà hỏi đám trẻ về computer, chúng nó cứ bấm ào ào, nhẩy từ trang này qua trang khác, mình theo bở hơi tai mà không kịp. Rụt rè hỏi lại thì chúng nó cứ gắt như mắm tôm, thậm chí lại nhìn mình như một con Dinosaur từ thời tiền sử còn sót lại. Ấy thế mà dù mình có ghi chép đình huỳnh, đọc lại vẫn không hiểu mình đã viết cái kí gì. Thật là "Chán như con gián" vậy. Ấy là chưa kể là các cụ còn có vô vàn sai lầm, từ viêc cấm đạo đến bế quan tỏa cảng, mê say văn chương mà bỏ qua phần thực dụng, chèn ép người phụ nữ... (về vụ chèn ép này thì bây giờ chúng ta vưỡn còn, nhưng chỉ hạn chế trên... giường mà thôi). Bây giờ, người ta đã công nhận lợi ích vô số từ tiếng cười. "Một tiếng cười bằng mười thang thuốc", không ai có thể chối cãi được lợi ích của tinh thần lạc quan trong việc điều trị các chứng bệnh. Bên Nhật, bên Trung Hoa cũng đang mở những lớp dậy về cách tập cười trong việc giao tế. Người Thái Lan thường tự hào quốc gia họ là "Đất Nước Của Những Tiếng Cười". Ai bảo tiếng cười không quan trọng? Tiếng cười là một vũ khí của kẻ thấp cổ bé miệng với kẻ cường hào trọc phú, là một phản ứng chống đối của người dân bần cùng với đám lãnh đạo cường trị. Sau 1975, bao nhiêu câu vè chế diễu chế độ Cộng Sản xuất hiện. Và sau này, thơ Bút Tre cũng đã là những tiếng cười dưới hình thức thật thà ngây ngô để chế diễu chế độ. Cụ Vĩnh khá võ đoán khi chẳng dựa vào một thống kê nào cả mà lại kết tội cả một dân tộc Việt Nam là hay cười! Dựa vào một vài người mà kết tội cả một dân tộc, điều này nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và thế quyền đều mắc phải! Ấy thế mà những anh dân ngu khu đen như mình lại không có cái vụ hồ đồ như thế. Thí dụ như kẻ hèn này đã mất đứa con đầu lòng vì hai anh Mễ, nhưng không vì thế mà thù ghét dân tộc Mễ Tây Cơ, bằng cớ là kẻ hèn này vẫn mặc đồ Mễ để hát nhạc Mễ như thường. Nếu cụ Nguyễn Văn Vĩnh sống đến bây giờ, chắc cụ sẽ... yêu mấy anh già ở Bắc Bộ Phủ lắm, vì mấy anh chóp bu của đảng Cộng Sản Việt Nam này mặt mũi khi nào cũng đăm đăm như bị táo bón, có bói cũng chẳng ra một nụ cười! Nghe nói cụ Vĩnh sau này cũng nhẩy xổ vào thương trường, nhưng có lẽ vì không biết dùng nụ cười làm vũ khí chiến lược nên thất bại nặng, đến nỗi cuối đời phải thất thểu sang tận xứ mắm ngóe để... đào vàng. Các cụ nhà ta luôn ghét tiếng cười! Cụ Vũ Tài Lục thì bảo: "Một trong những tính dâm của phụ nữ là chưa nói đã cười." Lạy thánh mớ bái, trong 100 tướng dâm của người phụ nữ mà cụ liệt kê, thì những người con gái tôi quen (kể cả vợ tôi) có đến 80% các tướng đó. 20% còn lại không có tướng dâm thì thuộc loại "em là gái trời bắt xấu" hoặc lẩn thẩn vô duyên không chịu được. Hồi tùng sự ở Pleiku, kẻ hèn này có quen với một cô gái. Dựa vào cuốn sách của cụ Vũ Tài Lục, tôi đoán em này chắc... "hot" ghê lắm, vì các tướng dâm lộ và dâm ẩn em đều có đủ. Này nhé, em đi thì uốn éo kiểu mình xà, má luôn hồng dù không đánh phấn (hồng diện đa dâm thủy), da lại hơi ngăm ngăm (nước da hồng quân cởi quần không kịp), giọng hơi trầm (sexy voice chăng?), mắt khi mô cũng ươn ướt, nhiều khi chưa nói đã cười, ngồi không yên chỗ, lúc nào cũng nhấp nhổm, đi đứng lại không mấy khoan thai... Ăn chắc quá rồi còn gì nữa, cụ Vũ Tài Lục ơi! Nhờ chịu khó nghiên cứu cuốn sách của cụ nên tôi mới vững tin như thế này! Tên quỷ Satan mới lú sừng là tôi bèn cho một anh lính ra nhà cô ta: "Mày cứ nói là Trung úy Giang đang ốm nặng mà cu ky mình ên, chẳng có ai săn sóc cả!" Khi em vào căn cứ để thăm tôi, dĩ nhiên Trung Úy cà lơ thất thểu nhà ta phải đầu bù tóc rối, đắp 2, 3 cái mền mà vẫn rên hừ hừ. Chàng bèn giở ngón nghề ra bằng cách ngồi ngay lên vạt áo dài của em, như thế em sẽ không dám di chuyển vì sợ bị bung áo dài thì "dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên" ngay. Xin cho kẻ hèn này được miễn tả chân những màn sau đó, bạn nào "bức xúc" có thể vào www.cõi thiên thai.com để cho đỡ vã. Chỉ biết rằng cuối cùng tôi đã bị em đạp tung xuống sàn gạch, gần gẫy cổ, dù miệng luôn hồi lảm nhảm: "Anh làm sế này vì quá yêu em!" Màn kịch Beauty and the Beast đến đây là hạ màn với một kết thúc chẳng có chi là có hậu! Ấy thế, cả trong những "tình huống" cực kỳ khẩn trương như trên, lúc nào trên môi nàng cũng nở một nụ cười. Nụ cười này là nụ-cười-khinh-bỉ hay là nụ-cười-tha-thứ hả các bạn? Sau đó, chúng tôi, cả hai đều ca bài "ta tôn thờ ta suốt đời", nghĩa là cùng đặt nhau lên bàn thờ mà ngắm, khỏi gặp nhau, khỏi đụng chạm đến nhau, coi nhau như người xa lạ. Từ đó, tôi căm hận cụ Vũ Tài Lục vô cùng. Mấy lần định đến nhà cụ để đập tráp. Nhưng khi nghĩ lại thì lại thôi, biết đâu cụ già rồi nên đổi tính, nhìn đâu cũng thấy dấu hiệu dâm dật? Tôi vẫn nghĩ những người đàn ông có vợ chỉ dâm với mình trong phòng ngủ mà thôi thì hạnh phúc vô cùng, chắc là kiếp trước đã tu tập cẩn thận lắm nên kiếp này mới thơ thới hân hoan như thế! Nhiều ông bạn tôi, chắc kiếp trước vụng tu hay chỉ tu ở chùa Bà Hom hay sao mà cứ gặp các bà vợ khó tính trong phòng ngủ. Thế thì có cái cười trong các quan hệ tình dục giữa vợ chồng với nhau hay chăng? Các bạn hãy nghe tâm sự vụn của một cụ trong khóa 7/68 KQ chúng tôi (xin miễn nêu tên vì đương sự rất ư là tự ti mặc cảm): "Đời sống tình dục của tôi mất mát vô số, kể từ khi lấy vợ, ông ạ! Ông nghĩ xem, cứ đụng đến là nó kêu mệt hoặc bận rộn việc bếp núc. Mà mình đòi hỏi có nhiều nhặn gì cho cam, mỗi năm có vài lần vào các dịp lễ hội thôi mà nó nỡ từ khước mình. Mẹ kiếp, nhiều lần chỉ muốn tự xử mà lại sợ bị chứng thần kinh tọa, ấy quên, chứng loạn thần kinh chứ. Nghe nói, làm cái vụ "chị Năm" ấy nhiều, có thể bị... mù mắt phải không ông?" Anh bạn tâm sự tiếp: "Gần nhau thì đương sự cứ nằm ườn ra như khúc gỗ, thỉnh thoảng lại nhếch mép cười. Mình thì vất vả sờ mó để cho đương sự hưng phấn (cả thích thú nữa, đúng không?), cứ như là nô lệ tình dục của hắn vậy. Nản bỏ mẹ!. Mình theo đúng sách vở của Dr. Masters & Johnson là Pre-coitus phải nửa tiếng hoặc hơn, tay mỏi dừ (nửa tiếng đồng hồ sờ cục thịt, dù có mầu mỡ đến đâu thì cũng trở thành sờ cục sắt mà thôi). Ấy thế mà đương sự vẫn chẳng tỏ dấu hiệu gì là hưng phấn cả, chán mớ đời! Trong phòng thì tắt đèn tối om om, làm mình cứ như thằng mù sờ voi, chẳng phân biệt được cái nào ra cái nào, sờ vào cái miệng thì lại ngỡ là cái í, thế mới chết chứ!... Nói ra thì quá tội, chứ đến bây giờ tôi vẫn không biết cái ấy nó mặt ngang mũi dọc ra thế nào ông ạ! Nghe nói nó hình quả trám như viên Viagara, phải không hả ông?" "Ông ạ, lâu lâu muốn kiểu cách một tí, bảo nó đứng xuống đất, người úp trên giường thì nó lại chê là mỏi chân! Bảo nó làm một màn oral sex cho mình thì nó lại chê là dơ. Ấy thế mà mình bú mớm nó thì nó lại không cho là dơ, mà lại nhắm mắt enjoy nữa chứ. Ông thấy có bất công không? Chưa kể, hai anh chị đốc tờ Masters và Johnson còn cẩn thận khuyên nhủ sau vụ đó còn phải tiếp diễn màn ”hậu chấn” (post-coitus) nữa. Nghĩa là phải vuốt ve người đàn bà thêm nửa tiếng nữa, chứ đừng có ngủ ngay, vì người đàn bà sẽ có mặc cảm mình chỉ là đồ chơi của đàn ông." Ối ối, nghe nói không đã thấy mỏi tay kịch liệt rồi! "Xong cuộc rồi, mình hỏi đương sự: Em thấy sế lào, thấy anh ra nàm thao?" thì nó cứ cười cười, đếch thèm trả lời mình, thế mới ức chứ. Đúng là: "Hay cũng hì, dở ẹc cũng hì". Sách vở về vụ này thì mình thuộc như cháo. Từ các yếu thuật Tây Phương như: Interrupted Intercourse, Blocking sperm, Changing position... Đến các yếu thuật Đông Phương như: - Dùng ngón út ngoáy vào lỗ tai. - Dùng ngón chân cái chân này gãi vào lòng bàn chân kia. - Chuyển ngay qua thế giao hợp vòng tròn khi "bức xúc" quá đỗi. - Nhấp 8 lần, thực thi 2 lần. - Hít vào, giữ trong phổi. Dùng ngón trỏ ấn mạnh vào huyệt Tâm Thung cách đầu vú (vú của mình, nhớ đấy) 3 inches. - Bậm môi, cuốn lưỡi vào đốc hàm trên, trợn mắt rồi đảo vòng tròn. - Há mồm, dật tóc mai của mình. Ngón cái ấn vào huyệt Tôn Lò trên đỉnh đầu (cách huyệt Cô Tu 2 đốt ngón tay). - Cấu vào thằng bé thật mạnh, chỗ tiếp giáp với bụng. - Nghĩ đến tiếng động ồn ào, như tiếng xe lửa chạy, tiếng phi cơ phản lực vượt bức tường âm thanh... - Nghĩ đến một điều rất bực mình trong đời, như vợ bắt ăn cơm gạo lức với canh chua hoặc vợ tìm thấy chỗ dấu tiền trong xe... chẳng hạn. "Nhờ theo những bí kíp này, ông ạ, khi hành sự tôi cũng kéo dài được... cả phút, có thua thằng Tây nào đâu. Còn con vợ tôi nó cứ cười cười là có ý gì hả ông, bộ muốn khi dễ thằng này sao? Lạng quạng ông tẩn cho bỏ mẹ bây giờ! Thà cứ như con vợ cũ của tui, khi vào cuộc nó cứ cười khanh khách lên như ma ám còn đỡ tức, đằng này... Thế thế, cái cười của con vợ sau này của tôi có ý nghĩa ra răng hả bác?" "Nhiều lúc tôi nghĩ lăng quăng, hình như mình chỉ là đồ chơi của đàn bà, ông ạ. Các nhà văn sỡi, thi sỡi cứ lâm ly ca tụng các bà đã ban ân huệ cho mình, thậm chí có ông nhạc sĩ còn long trọng tuyên ngôn rằng thì là "anh nhớ ơn em, anh tôn thờ em suốt đời" nữa. Ối giời ơi mệt bở hơi tai ra mà cứ bị mang tiếng là nhận ân huệ của các bà". "Nhận được ân huệ gì mà lưng thì đau, mắt thì hoa, người mỏi mệt như vừa qua một trận đánh bốc với Mike Tyson. Đầu óc thì bần thần quên tới quên lui, ruồi đậu trên mép hổng thèm đuổi, thấy cái gì có hình tam giác thì giật mình hoảng hốt. Các bà sướng thật, đã enjoy tối đa, chẳng phải mần gì mà còn được mang tiếng là “cho” bọn này tặng phẩm trần gian!!!! Kiếp sau nhất định tôi phải làm đàn bà. Đàn bà lúc nào cũng có cái vốn trời cho, chẳng bao giờ sợ chết đói như tụi mình cả, ông nhỉ!" Có những nụ cười mà chúng ta không biết rằng đúng hay sai! Chẳng hạn nụ cười của bọn tù chúng tôi, khi hay tin quân Tầu tấn công đất nước mình năm 1979. Thật khó giải thích. Một bên là kẻ thù ở gần ngay trước mắt, đang thi thố những đòn thù là bọn Cộng Sản. Một bên là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Kẻ thù nào... đáng thù hơn? Trong tác phẩm The Importance Of Living, cụ Lâm Ngữ Đường, nhà văn "u mặc" (anh Tầu dịch từ chữ "humour") của Trung Hoa, có nêu 100 cái sướng khoái của cụ Kim Thánh Thán. Sướng khoái thì bảo đảm phải cười rồi, như vậy ta vẫn có thể tán phét mà không ra ngoài chủ đề của bài này, phải không các bạn? Một trong những cái sướng khoái của cụ Kim Thánh Thán đó là buổi sáng thức dậy, nghe tin một tên hung ác trong thành vừa "ngồi trên bàn thờ để ngắm gà khỏa thân". Cái sướng khoái này, xét về phương diện nhân bản, có hợp lý hay chăng? Một nụ cười mà tôi nghĩ chúng ta khó có thể quên được, đó là nụ cười của Johann Moritz trong tác phẩm Giờ Thứ 25 của Virgil Georghiu, đã được quay thành phim do tài tử Anthony Quinn đóng vai chính. Moritz là một nông dân Roumanie, có người vợ đẹp. Một viên Đại Úy Cảnh Sát mê vợ Moritz, tìm cách vu cáo hắn là người Do Thái. Vì thế, Moritz bị tống vào trại tập trung. Nhưng sau đó, Moritz lại được khám phá bởi các nhà nhân chủng học Đức Quốc Xã như là một dòng dõi hiếm quý của nòi giống Aryan (dòng dõi tinh tuyền của người Đức) còn sót lại. Được quý trọng và ưu đãi, Moritz được trở thành lính Đức ngay. Khi Đức Quốc Xã thua trận, Moritz lại bị giam cầm và hành hạ bởi quân đội Sô Viết. Được thả ra, gặp lại vợ với mấy đứa con nhiều dòng giống mà không biết cha là ai, khi được phóng viên hô cười để chụp hình, nụ cười của Moritz quả là không còn gì cay đắng hơn! Nhà văn Phan Nhật Nam trong tác phẩm Tù Binh Và Hòa Bình có viết: "Đi đâu tôi cũng thấy người Cộng Sản... cười. Người CS đã cười theo chỉ thị, theo công tác, theo tiêu chuẩn? Nếu không thì tại sao, đâu đâu, ai ai cũng có một cách cười chung chung như thế? Có thể Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng... cười hả hê vì là Tướng, là cán bộ cao cấp được điểm Bác và Đảng. Nhưng rồi sao những công nhân nhà máy dệt, đội làm cầu, cán bộ mậu dịch... những người gầy còm, mắt trắng, những kẻ tóc bạc mệt nhọc đầy như tóc rối, như nếp nhăn, những người này có gì để phải cười như Giáp, như Đồng?!!" Tôi cũng đã cảm nhận được cái cười của người Cộng Sản như thế, trong đêm Giáng Sinh 1979 tại trại tập trung Phước Long. Đêm hôm đó, vào khoảng nửa đêm về sáng, chúng tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng súng nổ, tiếng chân chạy rầm rập cùng tiếng hô hoán vọng rõ mồn một trong đêm: "Ra đầu thú đi, tao thấy mày rồi, ra đi tao tha!" Khoảng 1 tiếng sau, chúng tôi được lệnh tập trung ra sân để thấy 2 bạn tù của chúng tôi bị lôi xềnh xệch ngoài vòng rào, máu me đầy người, đang hứng chịu những cú đấm đá liên hồi của bọn vệ binh và quản giáo. Họ chỉ biết kêu lên ai oán: "Mẹ ơi, cứu con với!" "Em ơi, cứu anh với!". Trong những lúc khốn cùng như thế, lạ thay, không ai kêu cứu đến Chúa, đến Phật, mà chỉ kêu cứu những người thân thiết của mình, cơ hồ Chúa và Phật ở quá xa, không sao kêu tới? Tên Thượng úy Trưởng Trại mà chúng tôi gọi là Thằng Bia, vì có bộ mặt giống như tấm hình Việt Cộng trên tấm bia chúng tôi tập bắn ở xạ trường Thủ Đức, khệnh khạng bước lên bục. Hắn nở nụ cười và "hồ hởi" tuyên bố: "Báo tin mừng cho các anh vui chung, chúng tôi vừa chận đứng một âm mưu trốn trại. Tất cả 5 thằng trốn, ta bắt được 2, còn 2 thằng đã bị bắt rồi còn bỏ chạy, ta đành bắn chết thôi. Thấy không, chúng tôi chỉ bắn kẻ chạy đi, không bắn kẻ chạy lại bao giờ! Thằng còn lại ta sẽ bắt nay mai, nếu không bắt được thì cũng thành con vọc trong rừng mà thôi! Này này, mỗi đội cử 1, 2 người ra để xem bạn của các anh chết ra làm sao nhé!" Nói xong, hắn cười khoái trá. Cái màn cười vô nhân này, đến nay tôi vẫn chẳng quên được. Nó như nụ cười của con Hắc Tinh Tinh, vô cảm và man rợ! Khi bị cử đi xem, chúng tôi thấy những vệt máu trải dài từ hàng rào trại đến một nơi cách khoảng 200 mét. Một người bạn ta nằm chết úp xấp, trên lưng lỗ chỗ vết đạn. Một vệt máu nữa dẫn đến bờ suối. Băng qua con suối cạn, bên kia là bức vách đất cao hơn đầu người, dấu tay cào thành từng vệt dài, chứng tỏ có người đã cố trèo lên mà không được. Cách đó dăm bước, bạn ta nằm ngửa, ống chân đầy máu, một bên thái dương có lỗ thủng của vết đạn còn vết khói súng chung quanh. Chắc chắn bạn ta bị bắn vào chân, cố lết đến đây qua dòng suối, nhưng không leo lên bức tường đất được, một phần vì bị thương, một phần vì mang ba lô đựng đồ nặng quá. Và bạn ta đã chết vì 1 coup de grace của bọn CS khốn nạn. Sau này, khi 2 người bạn ta được thả ra, chúng tôi mới được biết diễn tiến của cuộc trốn trại như sau: Các bạn ta đã sửa soạn cuộc vượt trại trước đó cả tháng. Một số dây gầu kéo nước của anh em được trưng dụng để nối lại đi trong rừng cho khỏi lạc, và cũng để phòng nếu phải vượt sông Mê Kông. Đồ ăn thì có khoai mì nghiền trộn đường, chiên lên làm thành bánh. Hôm trước đêm Giáng Sinh, cả toán ra nhổ vòng rào bằng tre lồ ô để tạo một lỗ chui. Có lẽ tiếng động đã khiến tụi vệ binh canh gác nghi ngờ, nên bọn chúng bèn tăng cường tối đa đèn pha ở nơi đó. Hôm sau, vào khoảng nửa đêm, khi cả toán vừa chui qua lỗ trống thì dàn đèn pha cực mạnh bật sáng, các bạn ta trở thành những tấm bia cho bọn vệ binh nhắm bắn. Cả toán chỉ có 1 cái địa bàn, nằm trong tay anh bạn bị giết ở bờ suối. Anh bạn vượt thoát được chắc sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm phương hướng. Cụ Nguyễn văn Vĩnh ơi! Giá cụ có sống lại, qua Mỹ hoặc Nhật, thấy các cô bán hàng lúc nào cũng cười tươi như hoa để moi tiền cụ. Dù cụ có mắng họ là thiếu nghiêm trang, họ vẫn cứ tươi cười. Thế thì cụ chắc ứa gan lắm lắm thể nào mà cụ không lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, hay cũng hì, dở cũng hì, nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết cả nghiêm trang“. Chán cụ quá! Hì hì!..
Nguyễn Giang
|
Friday, March 7, 2014
Phiếm Luận Về Cái Cười Của Dân Tộc Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!