Tản Mạn Nguyễn Mạnh Trinh
Nơi ta ở, ngày ấy là.. trại tù. Nơi ta ở, ngày ấy là.. nơi chôn vùi những ước vọng thanh xuân. Nơi ta ở, là những cánh chim bị nhốt trong nan lồng. Nơi ta ở, ngậm ngùi đời bại binh dằn vặt… Một người Không quân, làm thơ, ở Long Khánh, mỗi ngày nhìn ngọn núi Chứa Chan và nghe tiếng còi tàu của chuyến xe lửa chạy qua, lại bồi hồi. Ngày tháng như hun bằng lửa đốt. Tháng ngày. như đếm bằng nỗi niềm. Có một bài thơ, đã được viết lên trong tâm cảm ấy. Và suốt trong những ngày ở trại thù, bài thơ ấy được giấu vào trong tận cùng tâm tư, thỉnh thoảng được đọc cho những người bạn cùng chia sẻ ý nghĩ khi dạt dào cảm khái:
"Nơi ta ở rào kẽm gai buộc trói Họ là những người tù rất trẻ và trong tâm thức dường như vẫn còn dai dẳng một cuộc chiến. Phần đông những người tù cải tạo đều hun đúc trong lòng những nỗi niềm nhưng cố giữ gìn để chờ mong một ngày được trở về nên sự chống đối chỉ là thụ động ngấm ngầm và không thành hành động. Nhưng có một số cá biệt. Họ vẫn nghĩ cuộc chiến vẫn còn và mong ước được một ngày thoát cũi xổ lồng và gặp được “quân bạn” để tiếp tục cuộc chiến đấu. Ôi! quân bạn, cái từ ngữ mà ngày nào ở trên bầu trời đã sát cánh với nhau, thì lúc sa cơ, lại thành chữ thiêng liêng của mộng lại tung hoành như xưa... Họ là những phi công trẻ, của những phi đoàn Thái Dương, Phi Hổ, Thần Ưng, Thiên Lôi, Bắc Đẩu,... hay những sĩ quan không phi hành ngày xưa. Đầu năm 1976, thời tiết hình như lạnh hơn mọi năm. Cái đói đi liền với cái rét. Lúc ấy chúng tôi đang ở Long Khánh, hòm thư 7509, mà chúng tôi đã đùa cợt khi nói tới bẩy năm mà chưa chín được thì làm sao “cải tạo tốt” để trở về lại với gia đình. Có phải đó là cái tên tiền định mà bất cứ người tù nào cũng đều căm ghét? Chiến tranh vẫn còn dấu vết, từ những chiếc xe tăng T-54 bị bắn cháy với hàng chữ “tiểu đoàn 87 BĐQ hạ tăng này“ màu đỏ chói đến những căn nhà trong doanh trại cũ đầy dấu đạn. Đó là với cảnh, còn với người thì rõ nét hơn. Những mắt cú vọ, những lời xỉ mạ của kẻ thắng và ánh mắt căm hờn hay chế diễu quân thù của người bại trận tù binh. Những tháng ngày nối tiếp để thấy ảo vọng hòa giải hòa hợp là không thực. Trong giờ đọc báo buổi tối, trên tờ Nhân Dân thấy tin những quân nhân của chế độ Tưởng Giới Thạch từ năm 1949 bị tù đày tới bây giờ (1976) mới được xét để trả tự do. Và càng ngày, càng thấy được những ngu dốt của kẻ chiến thắng, ăn nói một điệu như vẹt nhưng đời thường thì phét lác ăn nói ngập ngọng, nhiều khi là sĩ quan mà không thông phép toán cộng trừ nhân chia hay những điều khoa học thường thức sơ đẳng nhất. Nhớ lại những ngày ấy, không phải để nhớ đến những người còn sống. Mà, chính là dịp để tưởng niệm những người đã chết. Có rất nhiều anh hùng vô danh của tất cả các quân binh chủng đã ra đi, từ chủ lực quân đến địa phương quân, nghĩa quân. Rất nhiều gương kiêu dũng hào hùng. Riêng tôi, từ những ngày bị tù đày, đã thấy những người đồng đội Không Quân của tôi, kiên cường với lý tưởng của mình và thách đố bạo lực. Những người ấy, thỉnh thoảng còn nhắc lại trong đám bạn bè, nhưng dường như là những chiến sĩ vô danh ít được đời nhắc đến. Thực ra, tù đày là đồng nghĩa với khổ sở với nhân phẩm bị chà đạp và chẳng có ai hãnh diện vì cái thua thiệt của mình. Nhưng với người đã chết, phải có sự công bằng, của nén nhang tưởng nhớ của lòng tri ân vô vàn của những người còn sống sót. Một ngày trong năm 1976, ở trại tù L9-T5, khối chúng tôi bị trực nên được lệnh di chuyển hai conex lên phi trường không biết để làm gì. Lăn từng bước từng bước, ba chục tù một conex xúm nhau đẩy trên mặt đất ghồ ghề. Nửa chừng thì được lệnh lăn trở về vì không cần nữa. Về đến trại thấy ở giữa sân có hai xác người nằm bêu dưới nắng. Thì ra, là hai đồng đội của chúng tôi, vượt ngục ra đến bên ngoài thì bị bắn vì chống cự lại. Tất cả chúng tôi, mắt như sầm xuống với một cảm giác đau đớn và nén lại những xúc cảm vỡ òa. Hai xác người bê bết máu còn mặc bộ đồ trận cũ ngày xưa là hình ảnh bám mãi vào tiềm thức tôi và khi nhớ lại không khỏi trào dâng một sự đau đớn. Hai phi công trẻ, Lê Văn Bé và Nguyễn Văn Lộc của phi đoàn A37 ngày xưa bị phơi xác như một lối dằn mặt thị oai dã man thời trung cổ. Và những người quản giáo đã xỉ mạ người chết để răn đe người sống... Chuyện cũ tưởng đã vùi trong quên lãng thì một bữa ở xứ người tôi tình cờ gặp lại anh Huỳnh Văn Giàu, người bạn tù ngày xưa. Hai đứa không biết nhau cho đến khi tình cờ nói chuyện về trại tù Long Khánh. Giàu chính là người đã trốn thoát khỏi trại tù thành công và sau đó cũng tổ chức vượt biên để thoát được một địa ngục có thật trong nước. Giàu nói những chuyện ấy, nhỏ nhẹ tự nhiên và không có sự “nổ“ hay khoe khoang bản thân mình. Nhiều khi anh có có vẻ xúc động khi nhắc đến những người bạn đã chết. Bé, Lộc, và cả Giàu, cùng nhiều người bạn trẻ khác nung nấu ý định vượt trại với chủ đích đi sang Kam Pu Chia để đến Thái Lan. Dọc đường nếu có ”quân bạn“ của lực lượng kháng chiến sẽ gia nhập. Để sửa soạn họ phải sửa soạn cơm khô và vũ khí. Ở trong tù, cơm đã không đủ no mà phải để dành một nửa phơi khô và giấu diếm ngụy trang để những tên “ăng ten“ hoặc quản giáo khỏi để ý. Còn vũ khí là những trái lựu đạn còn sót lại mà những người tù hay tháo chốt ra để đầy trong lán ngủ mà ít ai để ý. Họ dồn những trái lựu đạn lại gắn chốt vào và cất giấu đi để chờ lên đường. Mỗi người sửa soạn một bao cát may khá kỹ càng để chứa cơm khô, lựu đạn, và một cây dao rựa cầm tay. Thời gian nuôi ý định cũng khá dài và cho đến khi họ cảm thấy sự nguy hiểm là có thể sẽ bị bại lộ. Lúc ấy ở L9T5 có quản giáo Hạ người gốc thiểu số thượng du thường tỏ ra căm thù và tổ chức màng lưới ăng ten trong bếp, trong khối để báo cáo mọi chuyện. Hắn mặt mày luôn khó đăm đăm, cái môi sứt luôn luôn đe dọa “cùm nhốt“ những người tù cải tạo. Có lần hắn đã điểm mặt anh Lê Thụy một cựu nhân viên Việt Nam Thông Tấn Xã: ”Có bửa óc anh ra thì cũng chẳng cải tạo được. Chất phản động đã ngấm vào máu anh rồi!” Nói như thế khác nào tuyên án tử hình, chắc anh Lê Thụy giờ sống ở Quận Cam còn nhớ? Và, ở trong tù, cũng phải nói có nhiều người quá hèn hạ để chỉ điểm báo cáo bạn bè mình. Và quân chủng Không Quân cũng có những người như vậy. Khi được trả tự do, có một tên hồi trước làm giảng viên trường Anh ngữ làm khối trưởng đã bị đánh ngay tại bến xe Phước Bình vì những việc làm dơ bẩn báo cáo chỉ điểm hãm hại bạn bè. Hồi trước, đã có chuyện “tiến sĩ” Nguyễn Văn Hảo gửi thư chui về cho vợ đã viết là “đừng tin những gì mà bọn này nói“. Thế là anh bị biệt giam, và mỗi lần tập họp lại mang ra chì chiết xỉ mạ. Nào học tập mà còn tư tưởng không an tâm, nghi ngờ cách mạng, nào dám dùng chữ “bọn ấy“ để chỉ những người Cách mạng… Thực ra, anh này không phải là phó thủ tướng VNCH Nguyễn Văn Hảo thật mà chỉ trùng tên thôi và chuyện của anh cứ được nhắc lại hoài để bọn quản giáo răn đe hăm dọa. Không biết bây giờ anh lưu lạc nơi đâu?. Còn một chuyện khác là chuyện của nhà văn Dương Hùng Cường. Trong khi “lên lớp“ với bài học được soạn sẵn từ trung ương “truyền thống đoàn kết chiến đấu của dân tộc Việt nam” thì Dương Hùng Cường đã phản bác lại là chỉ có truyền thống chia rẽ chứ chẳng có đoàn kết gì cả, và ông đã mang lịch sử từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh để chứng minh. Kết quả là một chuỗi ghép tội, nào phản động, nào bóp méo lịch sử theo quan điểm Mỹ Ngụy,.. toàn những tội có thể đáng đem ra bắn bỏ. Dương Hùng Cường cũng là một nhà văn KQ và là tác giả của Buồn Vui Phi Trường, Vĩnh Biệt Phượng, và là cây bút châm chích nổi tiếng Dê Húc Càn của báo Con Ong thời trước. Về sau, ông bị bắt lại lần thứ hai trong Vụ Án Hồ Con Rùa và chết ở trong xà lim của trại giam Chí Hòa. Huỳnh Văn Giàu đã kể lại những giây phút sửa soạn ra đi nghẹt thở ấy. Thực ra không phải tất cả những người tham dự đếu đồng nhất ý kiến. Có người muốn chờ đợi thêm một thời gian nữa, có người muốn thực hiện ngay vì những nguy hiểm bại lộ chực chờ. Người chủ trương ra đi mạnh mẽ nhất là Lê văn Bé. Anh đang bị bịnh ghẻ vì chứng phù thủng nên cứ phải xin nước cơm để uống thay cho thuốc vitamin. Và cái hình ảnh mà cả anh em trong đội thường thấy là Bé cố gắng tập đi và tập phơi nắng để chữa bệnh ở sân trại. Chính Giàu đã nhiều lần thuyết phục Bé nhưng anh vẫn khăng khăng quyết định hành động. Giàu kể lại là bọn anh đã nghiên cứu khá kỹ những vọng gác và những lối ngõ có thể ra đi an toàn, mang lương khô và lựu đạn dấu ở ngoài và chọn một lối ra vượt hàng rào ở phía suối. Anh kể đã dùng hai cây cọc sắt để vượt rào kẽm gai cũng như dò lần ra đường dây điện dể cắt đi làm cho toàn thể cả khu mất điện làm cho các bóng đèn ở hàng rào không ánh sáng để dễ dàng cho việc vượt thoát. Giàu quyết định đi sau nhưng giúp Bé, Lộc và hai người bạn khác một là Quân Báo, một là Biệt Kích ra đi. Đêm hôm ấy mưa lớn, tối khoảng mười giờ, Giàu ra hàng rào cắt điện để lúc hai giờ đêm cả nhóm ra đi. Với cách dùng cọc sắt, dặt trên hàng rào, đi qua, rồi cứ thế tiếp tục, cả nhóm ra được bên ngoài. Giàu trở về trại. Và hình như họ chia làm hai toán. Lộc và Bé một toán, còn hai người bạn khác một toán đi song song nhau. Và khi Bé và Lộc bị toán dân quân bắt gặp sau khi đã đi được hai ngày. Bé kêu Lộc chạy thoát đi để anh cản đường và tung lựu đạn ra. Lựu đạn nổ và anh bị bắn hàng tràng đạn vào người. Lộc không đành bỏ bạn lại một mình cũng tung lựu đạn chống trả. Và cả hai đã hy sinh. "Không bỏ anh em không bỏ bạn bè", câu châm ngôn của quân chủng thật đúng với trường hợp của Bé và Lộc. Bọn VC đã căm thù bằng cách bêu xác hai anh rồi khi chôn lại chôn sấp nằm úp mặt dưới đất và cũng không cho làm bia mộ để làm dấu cho thân nhân về sau. Ông già Trạch, một người tù cải tạo trong toán đi chôn thấy thế nhảy xuống huyệt để lật ngửa xác Bé lên thì bị một tên vệ binh lên cò súng và chửi thề rồi hỏi “Đ.M. mày muốn xuống nằm chung không thì bảo?” Về sau, những người bạn tù đi qua, lén lút mang lại những hòn đá để làm dấu cho hai ngôi mộ. Không biết thời gian qua, có còn dấu vết gì để thân nhân hai anh cải táng? Huỳnh văn Giàu là người tù hầu như duy nhất của L9T5 vượt trại thành công. Anh là người tạo ra nhiều huyền thoại cho những bạn tù cùng trại. Có người nói anh đã qua tới Thái Lan, có người nói gặp anh ở Sài Gòn... Tôi hỏi và Giàu chỉ cười, không nói. Bản tính khiêm nhường khiến anh không muốn nói về mình nhưng lại rất xúc cảm, rất chân thành khi nói về hai người bạn đã hy sinh. Đã hơn ba chục năm, đáng lẽ con sông Bến Hải chia cách đã phải lấp từ lâu. Một cuộc chiến tàn khốc mà cả dân tộc bị thiệt hại và chỉ tạo lợi nhuận cho những đám kên kên sống trên những xác chết. Có nhiều người kêu gọi hãy quên đi dĩ vãng để xây dựng lại đất nước và hàn gắn lại dân tộc. Điều ấy, bất cứ một người yêu nước nào dù ở bên này hay bên kia đều mơ ước. Nhưng, những người nắm quyền lực trong tay, chỉ là thiểu số ít ỏi của hơn 80 triệu dân, ngoài mặt nói chuyện đoàn kết nhưng bên trong thì vẫn không từ một thủ đoạn chia rẽ nào để cố giữ lại quyền lực thống trị. Cả với người đã chết, như chuyện áp lực với các nước lân bang đập phá không cho dựng tương đài tưởng niệm những người bỏ mình khi vượt biển. Hay để nghĩa trang quân đội nơi chôn cất các tử sĩ của QLVNCH bị bỏ hoang phế, tượng Tiếc Thương bị kéo sập. Như vậy, chuyện cũ đã chưa thể quên lại cộng thêm những chuyện mới xảy ra. Thế thì làm sao tin tưởng được để hòa giải hòa hợp với nhau để hàn gắn lại những đau thương tan nát. Nguyễn Mạnh Trinh |
Thursday, May 1, 2014
Chuyện Những Người Không Quân Ngày Tan Chiến
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!