Monday, May 12, 2014

Viết Cho Ngón Tay Giữa Của Mạ

Tạp Ghi

Xanh Thỵ Nhạn Trắng


Năm ngón tay mang năm niềm hạnh phúc lớn
Khi gắn liền, kết nối bởi bàn tay.
X.T.N.T.

Buổi sáng thức giấc, nhìn vào bàn tay mình, mạ bỗng thấy nhớ con lạ lùng. Câu nói của con một ngày nào cứ văng vẳng bên tai mạ “Mạ đừng lo chi hết. Năm chị em con cũng giống như năm ngón tay trên một bàn tay.”

Và bởi thế mạ vẫn hằng ngắm bàn tay mình, với nỗi gợi nhớ về các con. Mạ phân định rõ ràng. Cái ngón cái này là chị Ngọc, ngón trỏ là chị Nhi, ngón áp út là của Minh, và ngón út là Nam. Riêng con, với thứ lớp trong gia đình, lại chính là ngón giữa. Cái ngón vươn cao và mạnh mẽ nhất của bàn tay.

Mà cũng đúng thôi, trong gia đình mình gồm 4 gái và 1 trai, con không nhất sao được. Ngày sinh con ra, ba con là người mừng đến lướ qướ vì vui. Đành rằng trai hay gái cũng là con, nhưng trong thâm tâm ba, cũng như bên nội con, đó là một điều quá mừng. Dòng dõi mình quá ít con, do vậy, theo quan niệm có trai để nối dõi cũng là một chuyện thường tình đó mà.

Bởi thế sau khi con lọt lòng mạ, ba đã vội vàng đạp chiếc xe đạp cà tàng của mình về làng báo tin, và chỉ trong vòng chưa được tiếng đồng hồ sau, bác con, rồi bà nội cũng ghé lên thăm. Nội hí hửng với khuôn mặt đỏ lừ, hai mắt long lanh vì vui, cười nói líu ríu, "Tôi biết cha, thế nào cũng trai mà. Để coi nào, sau nay nếu sinh, vẫn sẽ là con trai nữa." Căn phòng nơi mạ nằm sinh là 1 căn phòng dài của trạm xá khu vực, kê những chiếc giường liền kề nhau, chỉ hở những lối đi nhỏ, hôm đó cũng đông kín những người đến sinh, ai cũng nhìn mạ tò mò và thèm muốn vì sự xăn vo của mọi người.

Rồi theo năm tháng, con lớn dần. Cuộc sống lao đao vì thời cuộc đổi thay, đã khiến ba con rơi vào cảnh thất nghiệp. Ba mạ chỉ có thể lo cho 5 chị em con cái ăn no về lượng, chứ về phẩm chất thì không thể đáp ứng được. Những buổi ăn quá đạm bạc, đã khiến cái bộ ngực nhỏ nhoi của con dần biến dạng. Những chiếc sươn sườn cứ dúm dó ép sát vào nhau, chụm lại như xương ức của con gà.

Mạ biết con bị còi, suy dinh dưỡng nặng. Bấm bụng, ba mạ gắng mua xương cùi ở tem phiếu họ bán lại để "bồi dưỡng" cho con. Những buổi ăn có thịt làm mắt con sáng rỡ vì sung sướng. Có lần, con đã ngủ, nhưng tay vẫn ôm chặt lấy soong thịt không chịu rời.

Ôi! tội nghiệp cho cái ngón tay giữa của mạ. Rồi thì như mưa nhỏ giọt lâu ngày, đất khô cằn cũng thấm nước, những cái xương sườn của con cũng dần dãn ra, trả lại cái bộ ngực phẳng lì như bao trẻ bình thường khác. Con thay da, đổi thịt, những túm đồng đanh thôi xuất hiện ở cổ và trán con. Con từng bước lớn dần như thế, nhưng nước da con vẫn hãy còn xanh lắm.

Trong bối cảnh kiếm sống từng ngày, "Cu Ều" của mạ đã phải lăn nhập vào guồng máy cuồng quay của gia đình để giúp đỡ gia đình. Con không được hưởng cái hạnh phúc rong chơi sau những buổi đi học về, cũng chả được cắp sách học thêm hay kềm cặp như bao bạn bè khác. Con đã tự đứng lên trên đôi chân của mình để lần mò mở cánh cửa tri thức, dầu rằng đã có không biết bao điều khó khăn phải vượt qua. Con đã là cánh chim đầu đàn của lớp trong 3 năm liền ở cấp 3 của 1 trường nổi tiếng nhất ở Huế và điều đó vẫn theo con khi vào đại hoc.

Ba mạ hãnh diện vì tụi con biết bao. Vì có nằm mơ ba mạ vẫn không dám nghĩ sẽ có ngày tụi con đều có đại học cơ mà. Mạ còn nhớ một ngày rất xa, hồi đó con mới học lớp 11 thì phải, con đã nói với mạ “Mạ biết không, sáng nay con đi học sớm, khi mà những người quét đường đang còn làm việc, có một ông nớ đi xe Honda ngang qua cái vù, con thấy cái ông quét đường chợt ngừng tay, cầm chổi đứng sững nhìn theo, vẽ mặt rất buồn. Tự dưng con đạp xe đi và cứ nghĩ là bằng mọi giá, con phải gắng học để sau này có một cuộc sống tương đối khá trong xã hội, chứ con thấy cái cảnh ông quét đường đó con sợ quá.

Có lẽ từ những nghĩ suy đó mà con đã nỗ lực để lúc ra trường đại học con được giữ lại giảng dạy tại trường. Sự cố gắng đó đã vắt kiệt sức khoẻ của con, đã khiến có lần mạ lo sợ con sẽ thành phế nhân trong cuộc sống. Đó là những ngày u ám buồn bã nhất của gia đình mình, khi con liên tục bị ngất xỉu tại lớp, phải nhờ bạn bè xúm lại chở về nhà. Người con tái xanh, không còn sức sống. Rồi thì ngay tại nhà, con cũng ngã đình ngất xỉu mà không thể nào gắng gượng được.

Nhưng đau khổ nhất là tinh thần con suy sụp một cách đáng sợ. Con mất tự tin vào bản thân mình, không dám đi đâu ra khỏi nhà, và thu mình trong 4 bức tường của căn phòng. Mạ đau khổ nhìn con mà xa xót. Chỉ biết an ủi và tìm thầy chữa chạy. Nhưng những bác sĩ thần kinh chỉ cho con những cụm thuốc an thần để uống. Điều đó càng làm con mệt mỏi và luôn ở trong tình trang dật dờ, lơ mơ và tệ hại hơn mà thôi.

Bao đêm mạ không ngủ, suy tính và cầu xin ơn trên cho con được lành bệnh. Mạ biết phải làm một điều gì đó, không thì ngón tay giữa của mạ sẽ là một ngón tay không còn chức năng để tồn tại.

Trước đây, cũng đã 3 lần mạ hốt hoảng vì những tình huống xấu với sức khoẻ của con. Nhưng đó là vấn đề có thể xử lý dễ dàng, không ảnh hưởng đến tinh thần của con mấy. Chắc con vẫn còn nhớ chứ? Mạ biết ngay mà, làm sao con có thể quên được phải không con?

Hồi đó con cứ kêu đau và tê ở mặt. Mạ đã dẫn con đi khám và chớp hình, cuối cùng phát hiện là hai cái răng khôn của con bị mọc lệch 90 độ. Do sự phát triển không bình thường đó, mà 2 răng khôn của con ngày càng đẩy chèn toàn bộ những răng khác, và chèn cả dây thần kinh mặt. Bác sĩ bảo là phải nhổ 2 cái răng đó cho con ngay, kẻo khuôn mặt con sẽ bị biến dạng bởi sự chèn ép thần kinh có thể gây mắt lé hay miệng bị méo, nhưng ông ta lại từ chối nhổ cho con ở phòng khám tại nhà, vì sợ ăn cám trả vàng. Hai mạ con mình đã xuống bệnh viện trung ương Huế để nhổ. Ba con không đi theo vì ba con ghét vào bệnh viện và mệt khi thấy máu.

Nhớ lại mà mạ còn sởn cả da gà. Chưa bao giờ mạ thấy người ta nhổ răng mà phải dùng đến cưa điện để cắt từng mẫu răng nhỏ mà gắp ra cả. Máu trong miệng con tuôn ra thật nhiều, đến độ người ta phải dùng đến cả máy hút để hút. Cả một nhóm bác sĩ nha khoa túm quanh con hổ trợ. Bên cạnh, mạ loay hoay nắm chặt lấy tay con như để tiếp sức. Khi cái răng con được gắp khỏi miệng cũng là lúc cái chai se rum gắn ở máy hút máu dâng ngập cao có đến gần nửa bình và mặt con trắng bệch, tay chân con lạnh ngắt. Con đã bị ngất xỉu ngay trên bàn nhổ răng của bệnh viện.

Trong cái hỗn độn với những tiếng kêu lấy thuốc chích cho con, mạ thấy ông bác sĩ nhổ răng cho con lập tức quay chiếc ghế con đang ngồi, thay đổi tư thế. Đầu con được quay chúc xuống đất. Rồi họ xoa nắn cấp cứu tim cho con, trong lúc cùng phối hợp chích 2 mũi thuốc cho con. Người ta đuổi mạ ra khỏi phòng và dúi vào tay mạ một mảnh giấy, bảo chạy gấp ra nhà thuốc tây của bệnh viện đặt cạnh đó, mua gấp thêm một lọ thuốc nữa. Không hiểu sao mạ đã làm được điều đó, khi con người mạ lúc đó trống rỗng và vô thức. Đứng lớ ngớ bên ngoài khung cửa bị khép kín lại, mạ mới nhớ là phải gọi cho ba con biết. Hồi đó làm chi có di động như bây chừ con hí.

Mạ phải đưa tiền để họ bấm số về nhà và gặp ba con. Khi ba con và anh rể con chạy xuống bệnh viện, cũng là lúc các bác sĩ mở cửa phòng và gọi mạ vào. Con đã tỉnh. Người rịn mồ hôi nhão nhẹt và khuôn mặt tái ngắt. Chiếc ghế con ngồi đã được quay trở lại. Điều duy nhất của sự sống, được biểu lộ rõ trên khuôn mặt con lúc bấy giờ là đôi mắt có thần sắc của con. Mạ nắm lấy tay con mà sung sướng đến ứa nước mắt.

Mạ không cần biết ông bác sĩ nhổ răng cho con tay nghề quá non kém hay không, bởi lẽ chỉ cách có 1 tháng sau đó, mạ đã dắt con quay trở lại bệnh viện để nhổ tiếp cái răng khôn thứ 2, phía bên khác, cũng mọc lệch như vậy. Sau một hồi đùn đẩy nhau, bởi khiếp sợ vì lần nhổ trước, một ông bác sĩ mặt non choẹt được chỉ định để nhổ răng cho con, và ông ta đã làm mạ rất mừng, vì thời gian nhổ tuy có lâu như trước, nhưng con chỉ mất rất ít máu, chỉ như người ta nhổ một cái răng bình thường mà thôi.

Nhưng cả hai lần, sau khi nhổ, mạ đều quà cáp đàng hoàng cho kíp nhổ răng cho con. Mạ nghĩ người ta đã giúp con giải quyết vấn đề, và cái duy nhất mạ lưu tâm hơn hết là con đã bình yên.

Tuy nhiên những rắc rối cũng theo con từ đó. Sự sụt giảm sức khoẻ cứ âm ỉ khéo dài trong con, để rồi một ngày kinh hoàng khác lại đến. Mạ còn nhớ như in trong đầu cái ngày đó. Cái ngày mà ba định chở mạ sang phố, mua ít đồ dùng.

Hôm đó, khi ba con đang ở trên nhà trên của ông ngoại mượn bơm để bơm xe, mạ thì vừa bước ra cửa chính của nhà mình, bỗng nghe tiếng con gọi đằng sau lưng “Mạ ơi, con mệt...” Rồi như cái bóng, con chạy vụt từ trong nhà ra, mửa xối xả ra đất toàn máu cục to bằng ngón tay, đỏ ong.

Kinh hoàng mạ lao đến ôm lấy con, lúc đó mặt đang trắng bệch, người liêu xiêu muốn ngã. Mạ hét to “Anh ơi, nhanh lên, con chết mất.” Nghe tiếng mạ kêu, ba chạy lật đật xuống, cũng đúng lúc con khuỵ người rã rượi hổn hển nói “Con muốn đi vệ sinh.” Ba con chụp vội cái “bô”, ấn con xuống ngay chính cửa nhà mình và bảo “không ra nhà vệ sinh, con đi đây cũng được.”

Chẳng còn sức để phản kháng, con gieo mình xuống trên cái bô và đi gần nửa bô toàn máu tươi ròng, sau đó tay chân con lạnh toát, mồ hôi con vã ra. Mạ lật đật đặt con nằm xuống ngay ngạch cửa nhà. Ngưòi con mền nhũn như sợi bún. Ba con quay vội chiếc xe Honda, rồi lao vào cùng mạ dìu con ra xe. Con ngồi kẹp giữa ba và mạ. Đầu gục vào lưng ba con. Còn mạ thì đằng sau vòng tay ôm quàng lấy người con.

Cũng may nhà mình gần bệnh viện con nhỉ. Chỉ mất có mấy phút mà sao mạ thấy nó dài ghê gớm. Đến nơi, ba mạ dìu con vào ngay phòng cấp cứu. Các bác sĩ xúm ngay vào con để khám, vì con tái xanh, không còn sức sống. Họ chuyển con ngay vào phòng hồi sức vì huyết áp con tụt quá thấp. Ba mạ chỉ còn việc đứng bên ngoài chờ họ gọi mua thuốc để chích và chuyền cho con. Người ta liên tục đổi thuốc, và còn bảo ba mạ kiếm người chuẩn bị lấy máu thử để chuyền cho con.

Khỏi phải nói tinh thần của ba mạ suy sụp thế nào trong những ngày con nằm hồi sức. Lòng lo sợ mất con cứ ám ảnh trong đầu óc của ba mạ. Người ta cho 1 người nhà vào chăm, phụ những chăm sóc cần thiết trong những giờ bác sĩ chưa đi khám. Ban đêm, ba và mạ thay nhau túc trực bên ngoài đợi người ta gọi đi mua thuốc để chuyền và chích liên tục.

Tiền nong bao lâu bán mua dành dụm cứ đội nón ra đi. Công ăn việc làm thì đình trệ, rồi lại còn 4 chị em con ở nhà ăn, học. Chao ơi là rúi rắm.

Giữa lúc đó thì con tạm đỡ hơn, người ta bắt đầu chuyển con sang phòng kế bên, nhưng vẫn thuộc phòng hồi sức, đợi ít ngày nữa sẽ chuyển sang khoa nội để điều trị tiếp.

Chính ở phòng này, con bị shock serum. Ba con đứng bên ngoài cửa kính được sơn màu trắng đục, nhìn vào qua 1 lỗ nhỏ bằng đồng tiền, do đã được một ai đó cào cấu trước đó để nhìn và chính ba con là người phát hiện thấy con run bắn, người giật nẩy từng hồi. Ba con đã vội vàng đập cửa kêu cứu.

Người ta chạy đến, rút serum, chích thuốc, nhưng con vẫn lạnh run, bởi thế họ phải đẩy dàn đèn điện đến để sưởi rồi tiếp tục cứu chữa.

Thật là quá dễ sợ. Chỉ cần chậm vài phút là mọi việc chấm dứt. Sau đó 2 ngày con được chuyển phòng đến khoa nội để điều trị tiếp. Buổi sáng con đến phòng nội thì buổi trưa đó con lại tự dưng đi vệ sinh ra máu cũng gần cả nửa bô. Bác sĩ vội chuyển sang nằm ở phòng cấp cứu của khoa nội tiếp. Đoạn trường điều trị kéo dài. Con chỉ được uống sữa hằng ngày, chứ không được ăn gì khác, cho đến khi về nhà mới tập ăn dần thức ăn nhẹ và lỏng.

Cái thời gian đó con phải chống chọi với cơn thèm. Cứ nhìn những bệnh nhân khác trong phòng ăn cơm với thức ăn, là con phải quay mặt đi. Khứu giác của con làm việc mạnh mẽ hơn. Con có thể ngửi được cả mùi hành tươi, mùi tiêu, mùi thịt người ta bỏ vào cháo, từ phòng căn tin của bệnh viện nằm ở tầng bên dưới và thi thoảng nói với mạ lúc nào về nhà sẽ ăn món này, món nọ. Tội con biết mấy... Cái thân hình còm nhom, xanh ngắt đó chắc chỉ ăn 1 chút là no rồi. Con mắt to hơn cái bụng đó thôi.

Tuy vậy, mạ rất mừng vì thấy đó là những dấu hiệu phục hồi của cơ thể con. Việc con thèm ăn là một dấu hiệu tốt.

Quả đúng như vậy, chỉ một tuần sau đó con đã được bác sĩ cho xuất viện với bệnh án là “Xuất huyết hoành tá tràng.” Bác sĩ dặn cần phải kiêng cữ những thúc ăn cay co, chua chát, lên men... và thật tiếc cho những thẩu nước cốc và me dầm, đành bị ba con đem đổ đi một cách phí phạm!

Cơ thể con nhanh chóng trở lại trạng thái cũ nhờ thuốc men và bồi bổ. Mạ nghĩ sau những chặng đường đã vượt qua, mọi việc sẽ êm xuôi, như người ta vẫn thường hay nói “Sau cơn mưa, trời lại sáng.“ Thế nhưng bây chừ con lại rơi vào cái cảnh dở khóc, dở cười khiến mạ chua xót biết bao. Chẳng lẽ công lao của bạ mạ nuôi nấng, chăm sóc, cùng nỗ lực học tập của con đến giai đoạn này phải đem đổ tất cả xuống sông sao? Đó là một điều không thể chấp nhận được.

Còn nước còn tát. Bao lần mạ nói chuyện với con trong sự cố gắng thản nhiên, bao lần mạ khuyên con hãy mạnh dạn bước ra khỏi 4 bức tường của căn phòng, để đi chơi với bạn bè cho khuây khỏa. Nhưng như 1 con chim bị nạn, con lại không dám. Con đã thú nhận nỗi lo âu của con với mạ “Con sợ đạp xe ra đường nhỡ đang đi rồi té ngã giữa đường thì làm sao?”

Mạ thắt ruột nghe lời con nói, nhưng vẫn thản nhiên bảo “Con đừng lo, con ngã sẽ có người đỡ dậy. Con cứ đi đi. Không lẽ suốt cuộc đời của con, chỉ vì lo sợ mà mãi đóng khung ở đây sao?” Con im lặng nhìn mạ mà không đáp. Bạn bè của con cũng thương con, tới lui để thăm và rủ con đi chơi, nhưng con luôn chối từ.

Ngày, đêm, mạ lén nhìn con mà buồn lạ lùng. Mạ âm thầm khấn vái thần linh hổ trợ giúp đỡ. Không biết có phải vì sự thành tâm của mạ đã khiến ơn trên ngó lại hay không, mà một hôm ai xui khiến, để mạ bảo con đến khám ở một bác sĩ khác gần nhà. Sau 1 hồi suy nghĩ, con đánh liều đi bộ đến khám.

Thời gian đó, gia đình mình rất khó khăn. Ba con thì làm thuê để kiếm sống qua ngày. Mạ làm thu ngân ở tổ hợp ăn uống, nhận thêm việc làm sổ sách kế toán ngoài giờ, thế mà những xui rủi cứ dập dồn, để 1 gia đình nghèo khổ, khó khăn như gia đình mình, lại toàn phải đi mua gạo giá ngoài để ăn, chứ không được mua gạo giá tiêu chuẩn của nhà nước.

Nguyên nhân của sự việc này là do ba mạ đi làm cả ngày, vì thế khi bác tổ trưởng đến nhà thu sổ hộ khẩu để làm sổ lương thực theo nghị quyết của nhà nước, bác cứ nghĩ ba mạ cùng hộ khẩu với ông bà ngoại, nên chả thâu. Đến lúc sổ lương thực được phê duyệt và trả về từng hộ gia đình, ba mạ mới hay biết.

Đến khiếu nại, bác tổ trưởng đã nhiều lần đi kêu cứu dùm, nhưng lúc đó chả ai giải quyết. Do vậy cả nhà mình, từ lúc có sổ lương thực của nhà nước cấp, đều phải nghiến răng mua sắn, gạo hay bột mì theo giá con buôn bán lại, với giá cao gấp ba, bốn lần! Thật là nghèo lại gặp eo.

Bởi thế, nói là đi khám cho oai, chứ thực tình mạ chỉ đưa cho con mấy chục nghìn chắt chiu còn lại trong túi. Tội cho con, sau khi khám, tiền mua thuốc chẳng đủ. Khi vợ ông bác sĩ cho biết số tiền thuốc phải trả, con đã đứng thừ người một hồi, mới nói với bà ta là con không đủ tiền, thôi thì thay vì bán thuốc cho 5 ngày, bà hãy bớt lui cho đủ với số tiền của con. Không biết khuôn mặt của con lúc đó thế nào, mà bà ta bảo là cứ cầm lấy thuốc về uống, lần sau tái khám hãy trả tiếp số tiền thiếu cũng được.

Cũng từ thang thuốc thần kỳ đó, con dứt ra khỏi cái trạng thái lơ mơ, khỏe và phấn chấn hẳn lên. Con không còn bị choáng, giảm hẳn cái cảm giác mệt muốn lả người như trước đó đã từng có. Một tia hy vọng nhen nhúm trong con, giúp con lấy lại sự cân bằng của thân thể và trí óc.

Con trở nên tươi tỉnh và linh hoạt hơn. Có cho cả núi vàng ba mạ cũng không mừng bằng. Con lại tái khám sau 5 ngày. Lần này ba mạ tích cóp khá hơn, để con vừa đủ tiền mua thuốc và trả lại số tiền thiếu đợt trước. Nhưng khi con gởi lại tiền thiếu, bà vợ ông bác sĩ bảo là cho con. Những chuyển biến rõ rệt trong đầu óc và cơ thể, làm giảm áp lực nặng nề mà mấy lâu nay cứ ám ảnh con, giúp con tự tin hơn.

Con lại chập chững như con chim non tập bay ra thế giới bên ngoài, với chiếc xe đạp, đạp vòng vòng, loanh quanh những con đường gần nhà, rồi xa hơn. Thế rồi 1 hôm, trường con có văn nghệ buổi tối, bạn con đến kéo con đi. Sau một hồi chần chừ, mạ vui mừng thấy con thay áo quần để đi cùng. Lúc con bước ra cửa, con nhìn mạ, mạ gật đầu khuyến khích làm con thêm quả quyết.

Dẫu hôm đó chỉ mới xem trình diễn có 2, 3 bài, con đã thấy chóng mặt và bạn con đành chở con về nhà theo yêu cầu của con, nhưng ai bảo đó không là một tín hiệu đáng mừng của sự hòa nhập? Cái gì cũng phải từ từ chứ. Vội vàng sao được phải không con?

Con lại đến trường, lại học gấp để chuẩn bị cho kỳ tốt nghiệp. Hãnh diện biết bao, sau cả một khoảng thời gian đau ốm, cuối cùng con vẫn đỗ thủ khoa với bằng đỏ. Việc con được giữ lại trường cũng là một quá trình tranh cãi của ban hội đồng giáo sư. Có người đã dựa vào sức khỏe của con để phản bác.

Thế mà cuối cùng đâu cũng vào đấy cả. Sự nỗ lực bao giờ cũng được đáp đền. Giấc mơ thoát khỏi cảnh sống cùng cực vì yếu kém tri thức đã xa lùi. Con lại tiếp tục vươn lên, giành học bổng đi học tiếp thạc sĩ ở Thái Lan, và tiến sĩ ở Canada. Con đã đặt chân tham dự hội nghị khoa học trên nhiều nước. Giá ba mạ có giàu biết mấy, chắc gì có tiền mà con có thể mở rộng tầm mắt như vậy?

Mạ kể lại mọi chuyện như để cùng con ôn lại những gì đã qua. Đó chỉ mới là một phần trong cuộc sống gia đình với con. Còn biết bao nhiêu kỷ niệm, vừa đắng cay, vừa khó quên mà gia đình mình đã chung tay vượt qua nữa con hí.

Đoạn đường u tối đã lùi lại sau lưng. Chân trời hừng nắng đang hé mở. Tất cả đều nhờ vào ý chí và sự phấn đấu không ngừng nghỉ đó con. Lúc nào cũng phải cố bước đi, nếu con đứng lại trong lúc mọi người đều bước, thế là con đã tự thụt lùi đó con biết không?

Và tri thức sẽ là cánh cửa nâng bước con vào đời. Mạ chỉ có ý nhắn nhủ con như thế thôi, chứ không muốn gây áp lực để con luôn cố gắng đến mệt nhoài. Sau những gì đã xảy ra với con, con phải biết trân trọng sức khỏe của mình như con đã từng nói với mạ “không có sức khỏe thì mọi việc cũng bỏ thôi.“

Và một điều nữa, đó là con luôn nhớ trong cuộc sống, không phải khi ta giúp đỡ ai, người ấy sẽ trả ơn lại cho mình đâu. Đừng chờ đợi điều đó, bởi cuộc sống sẽ quay vần, rồi mình cũng sẽ nhận được những gì đã cho đi, từ tay một người khác con ạ.

Hỡi ngón tay giữa của mạ, mạ hy vọng những tình cảm vun đắp của gia đình sẽ kết chặt tụi con lại với nhau, sẽ sưởi ấm những gì khắc nghiệt và giá lạnh mà thi thoảng cuộc sống đem lại. Hãy mạnh dạn lên nghe con. Vì tương lai, cuộc sống và con cái sau này mà con.

Mạ yêu mến con biết bao.

Xanh Thỵ Nhạn Trắng

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!