Trần-Công Anh-Dũng
“Cuộc đời binh nghiệp” của tôi bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 năm 1968, nhằm ngày Ất Mùi, tháng Tám (đủ) năm Mậu Thân. Ngày hôm đó, lịch Tam Tông Miếu dạy rằng: Nên khai trương, dời chỗ ở, rào vườn; hạp tuổi Bính Tuất, Giáp Tuất… Căn cứ vào đó, ngày này quả là hạp với tôi lắm lắm; này nhé, tôi tuổi Tuất là con chó cò, đi nhập ngũ tức là “khai trương” cho binh nghiệp của tôi, đến trình diện xong là nhập trại thì chẳng phải là "dời chỗ ở" đó sao? Lại còn cái khoản “rào vườn” thì đúng quá, đó là việc tối cần thiết phải làm đốí với một “chàng trẻ tuổi” phải đi xa để lại nhà cô vợ hiền đang độ “trông mòn con mắt”; do đó, để thực thi sự “rào vườn” tối cần thiết này, tôi đã tậu hai ổ khoá hiệu Yale to tướng, một cho cổng trước, một cho cửa sau. Những sự việc đó xem ra rất hợp ý trời; binh nghiệp của tôi bắt đầu với mọi sự lớn nhỏ đều “thuận theo thiên ý” như vậy ắt hẳn sau này sẽ rực rỡ lắm! Tôi rất tin tưởng nơi điều đó vì đã có rất nhiều thầy bói (mù cũng có mà sáng cũng có) quả quyết rằng tướng tôi là tướng võ và khuyên tôi nên theo nghiệp võ hơn là văn. Mặc dù chỉ cao 1m53 và cân nặng 39 kí, nhưng biết đâu tướng pháp huyền bí lại chẳng có ảnh hưởng quyết định; biết đâu tôi lại chẳng trở thành một Bonaparte của Việt Nam. Phụ nữ thật là vớ vẩn! Trong khi tôi đang hăng hái chuẩn bị đi cứu nước với hào khí ngất trời, xem mọi sự không bằng một mảy lông hồng, tưởng tượng đến hình ảnh oai hùng lúc giã nhà đeo bức chíến bào, thét roi cầu… Kiệu ào ào gió thu (Nhà tôi ở trong hẻm bên hông dốc cầu Kiệu thì đem cầu Kiệu vào thay cho cầu Vỵ cũng được chứ sao! Ai biết được cầu Vỵ ở đâu! Cái vụ cầu Kiệu và cầu Vỵ rất hợp “tông” hoán đổi được cho nhau trong văn chương cũng nói lên rằng đời tôi thích hợp với binh nghiệp biết là bao! Bởi nếu tôi mà ở gần cầu Bông, hay cầu Chà Và, cầu Chữ Y, hay cầu Ba Cẳng thì không thể nào… “ráp” được vào áng văn chương tuyệt tác của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thời chinh chiến xa xưa trong lịch sử. Thấy không?) Vâng, trong khi tôi đang hăng hái “…lên đường, nhập ngũ tòng quân, một lòng vì nước vì dân…” thì vợ tôi, vợ của một chiến sĩ quả cảm (tôi đoán thế) lại thút thít đem trò “nhi nữ thường tình” ra biểu diễn ngay trước cổng… Quân Vụ Thị Trấn! -- Khỉ ơi là khỉ! Em! Em nghe đây. Em có nín không, hả? Có phải em định đắp mô trên con đường binh nghiệp của anh không? Em có biết làm như vậy là vô tình tiếp tay cho địch lũng đoạn tinh thần chiến sĩ ta không? Hừ! Xê ra cho anh đi… cứu nước! Tôi lên giọng vừa thao thao vừa mạnh mẽ rồi hùng dũng phưỡn ngực tiến về phía cánh cổng sắt lầm lì có người lính lạnh lùng bồng súng gác. Tôi nghe sau lưng tiếng vợ tôi khóc oà! Khỉ thật! Giá không có tiếng khóc đó binh nghiệp của tôi đã bắt đầu được sớm hơn một tí! Thôi được, tôi quay lại một chút cũng chả sao, chỉ nghe nói “cứu bệnh như cứu hoả” chứ có nghe ai nói cứu nước như cứu hỏa đâu mà vội. Vả lại những người hùng đâu phải lúc nào cũng… cứng ngắc như sắt đá! Trái lại họ có con tim mẫn cảm, mềm dịu rất dễ rung động trước… người khác phái, (nhất là khi người khác phái đó lại là cô vợ trẻ một con của hắn ta.); người càng hùng thì càng… mềm! Những người hùng! Ôi cao quý thay! Tôi… tôi ở trong đám người hiếm hoi đó! Tôi bớt khuỳnh khuỳnh hai tay và quay lại dỗ vợ, -- Thôi nín đi em! Saigon với lại Quang Trung có xa nhau bao nhiêu đâu, vả lại anh sẽ về phép mỗi tuần kia mà. Em, em nghe anh, em ở lại nhà em ơi, em ở lại nhà nuôi thằng con trai đầu lòng của chúng mình bằng sữa đặc có đường chứ em đừng nghe lời má cho nó ăn sữa Guigoz như bữa nay hay mỗi lần mình gởi nó cho má. Nuôi con như vậy vừa tốn kém vừa làm cho nó không ý thức được rằng nó là con nhà lính, nó cần phải tập lấy tính nhà… binh cho quen kham khổ, nay mai bố nó sẽ mua sữa Quân Tiếp Vụ về cho nó ăn dài dài. Khi nào con nó hỏi anh đâu em cứ việc chỉ bóng em trên tường mà bảo là “bố con đấy, đêm tối mới về”. Anh thề sẽ không nghi oan cho em chút nào, em đừng việc gì phải trèo qua lan can cầu Kiệu nhảy ùm xuống sông. Vào những hôm “Ông Ta Nhà Đèn” cúp điện không chỉ bóng làm chồng trên vách được và phải bắt con đi ngủ sớm thì nói với nó là anh đi… công tác hay bận hành quân gì đó chứ đừng bảo là tại “Ông Ta Nhà Đèn” làm mất… bố nó! Em mà nói thế con mình nó giận mấy ông nhà đèn là làm sứt mẻ tình đoàn kết quốc gia đó! Thời buổi này mà làm sứt mẻ cái tình đoàn kết quốc gia là tội lớn lắm, là… là… là đâm sau lưng chiến sĩ! Mà từ giờ trở đi chiến sĩ,… chiến sĩ là… anh chứ là ai vào đó nữa! Trước mặt đã tùm lum súng đạn nghịch thù mà em còn từ sau lưng đâm tới thì… hết né! Chết chắc! Anh chỉ còn nước chết đứ đừ ra thôi!” Vợ tôi vừa nguôi thút thít sụt sịt được một lúc bây giờ oà ra khóc nức nở, khóc… mãnh liệt hơn lúc nãy, khóc… ào ạt như một cơn mưa rào! Tôi ngu thật! Tôi đã dại dột hăng tiết… vịt diễn thuyết vung vít, chẳng may đụng nhằm cái “huyệt khóc nhè” của vị nữ lưu cao quý xuất thân từ xứ… mít ướt này! Tôi cuống quýt, rối rít, và xoắn xít năn nỉ: “Thôi, thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Cho anh xin! Tội nghiệp anh mà em! Cho anh nhờ tí! Đáng lẽ lúc này em phải thổi điệu kèn xuất quân hùng tráng để anh hăng hái lên đường, đàng này em lại chơi bài “biệt ly” nức nở và bài… “chiêu hồi” não nuột thế thì anh còn gan ruột nào mà đi cho nổi nữa!”. Vợ tôi bơn bớt khóc, thỉnh thoảng đưa cánh tay lên quẹt nước mắt và nước mũi, chót mũi nàng đỏ hồng lên như chót mũi một chú mèo con, nàng quẹt hết bằng tay trái thì lại đến tay phải đều đặn, nhịp nhàng như hai cái quạt nước trên kính xe hơi. Tôi không dám nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của nàng, nhìn vào đó chắc tôi sẽ bị lây bệnh chảy nước mắt… cấp tính ngay. Chảy nước mắt trong hoàn cảnh này rất dễ bị ngộ nhận là khóc. Người hùng như tôi mà lại khóc với vợ trước cổng Quân Vụ Thị Trấn thì hỏng bét, còn nói chuyện cứu nước cứu non vào đâu được nữa! Vợ tôi bệu bạo: “Nhưng mà anh biểu là em đâm sau lưng chiến sĩ, đâm sau lưng anh gì đó! Hồi nào tới giờ em chỉ có đâm… muối ớt đặng ăn ổi thôi, em có đâm ai hồi nào đâu! Hu hu! Em đâu có làm gì anh hồi nào đâu! Hu hu hu! Anh… đổ hô cho em, anh nói oan cho em! Hu hu hu hu…" Tôi vội vã một tay bụm miệng vợ, ngay vào lúc volume khúc nhạc hu hu của nàng không còn… vừa đủ nghe nữa, tay kia “vỗ về trấn an tâm lý” bằng cách vuốt lia lịa mái tóc demie-garcon của nàng, cũng may từ khi có con nàng đã cắt tóc ngắn bằng không công tác “vỗ về trấn an tâm lý” của tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn với mái tóc dài “huyền thoại, liêu trai” trước đây của nàng (mấy chữ huyền thoại, liêu trai thật ra chẳng mắc mớ gì đến tóc tai của phụ nữ cả, nhưng vợ tôi cũng như đa phần các quý bà rất thích những danh từ cóc có ý nghĩa gì của mấy gã si tình “bào chế” ra để xưng tụng, tán tỉnh!!??) Tôi khẩn khoản, “Xin em tha thứ, anh lỡ dại mồm dại miệng, xin em bỏ qua đừng chấp làm gì, khi nào ca khúc khải hoàn tức là khi về… phép anh sẽ tạ lỗi với em cẩn thận, nhưng bây giờ việc binh gia là trọng, anh phải lên đường. Em hãy tạm ngưng khóc kẻo cái chí nam nhi của anh nó… lụt mất, vả lại hôm nay đã là hạn chót để anh trình diện rồi, lơ mơ là mang tội “bất phục tòng” đó em ơi! Mang phải cái tội đó là làm xấu hổ tông môn và đời anh sẽ đen như mõm chó… ngay lập tức!” Không, không đâu, trăm lần không ngàn lần không; tôi sẽ không bao giờ mang tội bất phục tòng vì binh nghiệp của tôi sẽ rực rỡ, sáng trưng như đèn pha xe hơi tới nỗi cả những ông thầy bói… mù (thứ thiệt, có giấy chứng nhận mù đàng hoàng) còn thấy được cơ mà. Chỉ cần vài bước thôi (sau khi màn chia tay với vợ tôi chấm dứt) tôi sẽ bước qua cánh cổng sắt nặng nề kia là a lê hấp bước ngay vào một cuộc sống mà radio, Ti Vi mô tả là hết sức hào hùng lẫn cả bay bướm huê dạng nữa. Tôi sẽ không còn là gã Trần-Công-Khai, thư ký cạo giấy quèn, ngày hai buổi lọc cọc đạp xe đi làm, cuối tháng lãnh lương đem về “nộp” hết cho vợ để hân hoan nhận lại vài trăm lẻ ăn xôi, uống cà phê bí tất mỗi sáng hay thỉnh thoảng đem cái đầu bờm xờm ra gặp ông hớt tóc… lộ thiên dựa theo vách tường sau lưng rạp ciné Tân Đô cho ổng… phát quang. Hừ! Bây giờ tôi là quân nhân Trần-Công-Khai với quân phục màu lá rừng, giày “bốt đờ sô” cứng như sắt, với bộ ngực tuy hơi “oméga” chỉ có 68 cm nguyên vòng số 1, nhưng lúc nào cũng ưỡn ra phía trước và đôi tay khuỳnh khuỳnh làm gồ ghề mọi cử động. Tôi sẽ biến ngay tút xuỵt thành một anh hùng, một thiên thần mũ… mũ… mũ… tạm thời chưa biết là mũ gì cả nhưng trông rất là oai vệ. Mỗi khi ra đường dù biết rằng tôi đã có vợ nhưng vẫn có rất nhiều cô em thơm phức xô đẩy chen lấn nhau chạy theo tôi để mà… mê. Gặp em nào hạp nhãn tôi chỉ cần nheo mắt bắt chước ca sĩ Hùng Cường cười tình một phát và nói “lính mà em” là xong hết. Lâu lâu tôi lại về phép trong bộ vó vừa… ăn khách vừa hùng dũng đó, mấy chú nhỏ gác Nhân Dân Tự Vệ trong xóm đêm đêm bớt nhi nhô ậm ọe trước nhà tôi, thôi lấy sào chọc cây khế trong sân và làm chó lối xóm sủa rân khiến con tôi giật mình khóc thét; còn anh “bạn dân” có bộ vó điển trai đầu xóm nữa, cái anh chàng hay cười cười mỗi khi gặp vợ tôi trong xóm, lại còn có lần dám… giúp nàng dắt cái xe đứt sên về tận nhà! Bạn dân? Đồng ý, nhưng phải hỏi xem… chồng của “dân” có… bực mình, có khó chịu không đã chứ! Có tiếng còi xe gào thật to bên tai làm tôi giật bắn người. Một chiếc xe mười bánh từ trong Quân Vụ Thị Trấn lừ lừ đi ra. Khiếp thật! Cái gì của nhà binh cũng... to! Tôi trở về với thực tại bằng chuyến xe đó; giờ làm việc đã sắp hết mà vợ tôi vẫn khư khư ôm lấy tay tôi thút tha thút thít, chót mũi vẫn đỏ hồng như chót mũi một chú mèo con, đôi mắt vẫn long lanh đẫm lệ có vẻ sẵn sàng để oà lên khóc…
Việc quái gì dù khó khăn rắc rối đến đâu rồi cuối cùng cũng phải trôi qua. Tôi cứ tưởng rằng cái buổi từ giã vợ tôi trước cổng Quân Vụ Thị Trấn sẽ kéo dài vô tận, nước mắt… nước mũi người chinh phụ mới toanh ấy sẽ ngập lụt cả con đường Lê-Văn-Duyệt và tôi sẽ chẳng thể nào rời khỏi nàng đến nửa bước để vào trình diện làm thủ tục nhập ngũ. Ấy thế mà cho đến giờ, hai tuần lễ đã trôi qua kể từ khi bản “Biệt Ly” được hát đến câu chót. Vợ tôi, người phụ nữ đáng yêu và… đáng kính, thất thểu trở về căn nhà nhỏ, có cây khế trước sân trong con hẻm bắt đầu từ bên hông dốc Cầu Kiệu, cặm cụi nuôi con bằng sữa đặc có đường, lặng lẽ chỉ bóng làm chồng những đêm không cúp điện. Còn tôi thì đi vào những nơi gió cát của… Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Con đường binh nghiệp mà tôi hăng hái và… hớn hở đi vào xem ra không phẳng phiu ngon lành và dễ dàng như tôi tưởng. Học làm một người lính sao mà rắc rối đến thế! 1, 2, 3, 4, chỉ có bốn con số vỡ lòng đó thôi mà cứ lảm nhảm “niệm” suốt ngày vẫn không “thuộc” nổi; chỉ có hai chân, mà là chân của mình chứ chẳng phải chân của ai khác, một phải, một trái mà cứ nhầm đi lẫn lại! Bây giờ khoá huấn luyện mới chỉ bắt đầu mà đã phức tạp rắc rối đến thế, còn nói gì mai mốt khi đi sâu vào chương trình với những bài học về vũ khí, về tác chiến… đồng thời là những vất vả của cuộc sống quân trường mỗi ngày mỗi đẫm mồ hôi hơn! Hai tuần qua với những xáo trộn “kịch liệt” trong nếp sống, tôi khác hẳn tôi của ngày bịn rịn giã từ vợ trước cổng Quân Vụ Thị Trấn; đến ngay tôi còn phải giật mình về sự đổi khác bên ngoài của mình thì chả trách gì vợ tôi bất kể đám đông đã khóc oà khi gặp tôi trong Vườn Tao Ngộ. Tôi bối rối vừa dỗ nín vừa dìu vợ tôi đến một chỗ trống đủ rộng để trải tấm poncho mà ngồi xuống bên nhau. Vợ tôi đó! Lại vẫn đôi mắt ướt đẫm, thêm chút thâm quầng của hai tuần thao thức, thổn thức chỉ bóng làm chồng dỗ cho con ngủ trong gian nhà hiu quạnh, lại vẫn cái chót mũi đỏ hồng như chót mũi một chú mèo con. “Kìa em! Stop lại đi, em nín em nhé! Đây là… giữa chốn ba quân rồi, em khóc làm anh khóc theo thì hỏng bét! Đám bạn anh sẽ cười anh không thôi, sẽ nhạo anh dài dài cho đến khi mãn khoá đó em ạ! Còn cu Tí mấy hôm vắng anh nó thế nào?” Con tôi là một liều thuốc làm ngưng tức khắc chứng dễ khóc của vợ tôi, nàng tươi ngay nét mặt ríu rít kể các trò kháu khỉnh “hiện hành”của thằng bé mà hôm nay đã được “biệt phái” sang nhà bà ngoại để vợ tôi đi thăm chồng. Vợ tôi miệng hào hứng kể về con, tay thì thoăn thoắt mở cái giỏ tiếp tế cho chồng; nàng tận tình trình diễn ngay một cuộc “hậu phương yểm trợ tiền tuyến” bày ra trên tấm poncho “picnic” nào là cơm hấp lá dứa ăn với giò chả, gà luộc; nào là vịt quay ăn với xôi dẻo, lại còn bánh Flanc tráng miệng chưa kể cam quýt, bánh tây để đem theo vào trại. Ôi cái tình quân dân giữa tôi với nàng thật đậm đà thắm thiết. Quý vị độc giả đừng cười cho là tôi đã cố ý… cầm nhầm ba chữ “tình quân dân” ở đây. Không, tôi không cầm nhầm chút nào cả; đó là tình quân dân thuần tuý, tình quân dân một trăm phần trăm mà. Khi còn sống đời dân sự, có bao giờ tôi được vợ tôi… uỷ lạo một cách thịnh soạn, khuyên mời một cách sốt sắng như hôm nay đâu; hơn nữa chúng tôi đã gác một bên cái tình chồng vợ từ hai tuần nay. Bây giờ trong Vườn Tao Ngộ này chỉ có tình quân dân mà thôi; ngày tiếp tân ở đây người đông như kiến thế này thì bố ai mà dám biểu diễn cái tình… kia chứ! Kỳ thấy mồ đi!!!
Buổi chiều trời mát và buồn như tâm trạng những kẻ sắp xa nhau. Tình quân dân thể hiện qua bữa picnic bất đắc dĩ đã chấm dứt; tôi đứng lại trong rào xốn xang nhìn vợ mình xa dần, xa dần sau mấy lần nàng ngoảnh lại. Thằng bạn mới “kết”, nằm giường dưới trong trại tay xách giỏ nặng trĩu đi qua thấy tôi đứng như trời trồng hỏi một câu… lãng xẹt, “Bà xã dìa rồi hả?” Tôi gật đầu, định cười thản nhiên và nói một câu gì đó cứng cỏi như một chiến sĩ dạn dày xem nhẹ cả gió sương lẫn coi thường điều ly biệt, nhưng đôi môi sao như khô hẳn lại, hai bên mép như bị dán chặt vào nhau thật khó mà làm nổi một cái nhếch lên dù chỉ chút xíu! “Vợ tao cũng mới dìa rồi, tuốt mút dưới Cần Giuộc lên đây thăm tao!” Tiếng thằng bạn loáng thoáng bên tai, “nó nói, tới Vườn Tao Ngộ bữa nay, nó thấy tao… ngộ quá! Hi hi hi!” Tôi xoay lại để chiêm ngưỡng nụ cười của con người có thể khôi hài vào lúc... lâm li thế này cũng để bày tỏ sự thán phục phong độ dạn dày của hắn mà tôi vừa muốn có ban nãy. Nhưng nụ cười của hắn, nếu có thể gọi được như thế, lại méo mó một cách thảm hại! Tội nghiệp cho sự cố gắng dối lòng của nó, tôi cũng ráng cười theo và bắt chợt thấy nó nhìn tôi bằng cái nhìn của tôi đang nhìn nó. (Saigon tháng 10 năm 72)
Không ngờ sau gần 40 năm hoạn nạn chất chồng, “phong trần đến cả sơn khê, tang thương đến cả hoa kia cỏ này!” tôi lại còn có thể thấy được “trọn bộ” một bài viết tếu của mình đăng thành hai kỳ trên trang Văn Nghệ Kaki của Tuần Báo Văn Nghệ Tiền Phong cuối năm 72 ở Saigon. Vợ tôi vừa về Saigon hầu hạ, chăm sóc nhạc mẫu tôi trót tháng thì cụ mãn phần. Tang lễ xong nàng trở về với tôi, với người chồng chung thủy bền lòng… thủ tiết chờ nàng đến gần hai tháng. Cả tôi lẫn nàng tuy đã đứa trước đứa sau dắt nhau vào cõi… lục tuần, nhưng tôi vẫn quen gọi người bạn đời tận tụy của mình bằng chữ “nàng” vì tôi đã quen gọi như thế đã hơn 40 năm nay. Cái gì đã thành quen, tôi khó mà bỏ được huống hồ là tiếng trìu mến trân trọng gọi vợ mình mấy chục năm nay, cho nên xin quý vị độc giả thân mến thông cảm và châm chước cho. Ngày thứ nhì sau khi chúng tôi “đoàn tụ” nàng long trọng trao cho tôi một phong bì lớn dán bằng giấy hoa gói quà; nàng vừa cười cười vừa… tra mánh: “Có một người vẫn còn đẹp lắm ở gần nhà anh hồi đó, cô ấy hỏi thăm em về anh quá trời và còn gởi quà cho anh đây nè”. Là chiến sĩ dạn dày chiến trận, lại còn trải qua cả mấy lần bị thẩm vấn cùng mấy mươi lần khai lý lịch trích dọc, trích ngang trong trại tù của cộng sản, tôi không coi cách “khai thác… tù binh” sơ khởi này vào đâu nên làm mặt tỉnh; lại càng “yên chí nhớn” hơn nữa vì sau mươi giây “định thần” được, tôi nhận ra tờ giấy gói quà đó là giấy tôi mua ở Walmart hồi năm ngoái chưa dùng hết, lâu nay vẫn nằm trong closet. Món quà này chắc là của vợ tôi tặng, hoặc nếu có… người nào đó “từ… trăm năm” liều mạng vuốt râu… “sư tử” gởi “Sư Tử Airline” đem quà về cho tôi thì món quà gởi cũng vô hại, nó được gởi “open” không gói; nó phải... “absolutely clean” dưới mắt bất cứ ai. Tôi trả treo vừa thăm dò vừa ghìm nước trong ván… cờ thế vợ tôi vừa bày ra. -- “Gần nhà anh hồi đó có nhiều người đẹp lắm, nhưng đâu có ai dám chú ý tới anh; mấy cổ sợ em gần chết!” Vợ tôi nhìn tôi chăm chú, cái nhìn thoạt trông dễ thương cứ y như là “mắt nàng đăm đắm trông lên” nhưng… coi vậy mà không phải vậy! Đàng sau cái nhìn ấy là cả chục cái máy thu hình tinh vi tới tấp phân tích các hình ảnh hiện lên trên chừng đó các monitors phóng đại từng centimét vuông trên mặt tôi để cố phát giác một xao xuyến nhỏ, một chợt biến nhanh trên đó. Như con mèo vờn chuột, nàng không mong đợi một sự bình tĩnh của… con mồi. Nàng có vẻ hơi… cụt hứng! Nhân lúc… đối phương phân vân, tôi “chộp thời cơ” làm tới, “Hi hi hi, hồi đó có cô đánh tiếng, anh về bảo chị đừng ghen; để em thấp thoáng bóng đèn cho vui.” và… khiêu khích thêm, “thậm chí có cô khác còn than rằng gặp anh em cũng muốn chào, chỉ e chị cả dấu dao trong mình”. Vợ tôi từ thế tấn công thấy tôi phản công tới tấp vội… tái phối trí lực lượng lui một bước chỉnh đốn lại hàng phòng thủ, nàng chống chế, “Em đâu có dữ đâu, em hiền lắm mà, chính anh phải công nhận, anh còn viết lại có chứng cớ còn đăng báo đàng hoàng nè”. Nàng ngồi xà xuống bên tôi, tự tay xé cái phong bì giấy hoa, mấy tờ báo Văn Nghê Tiền Phong cũ hiện ra trước mắt, trong đó có đăng bài “Vợ và Những Ngày Đầu Đời Lính” mà quý vị vừa đọc ở trên. Những hàng chữ thân yêu tả lại một thuở lạc quan, tươi trẻ của mình hiện lại dưới mắt tôi. Những tờ báo mỏng manh này trước khi được vợ tôi tìm thấy ở nơi bán sách cũ của Saigon đã trải qua những cơ duyên may mắn hiếm hoi nào mà sống sót nổi qua cơn bão “phần thư” điên cuồng thiêu hủy sách báo văn hoá phẩm Miền Nam; cuộc hủy hoại đồng loạt khắp nơi chủ trương và chỉ huy bởi một bè lũ nửa người nửa ngợm ngu xuẩn, hợm hĩnh và tàn bạo gần bốn mươi năm trước! Trong bài viết vui đùa này, tôi thấy lại hình ảnh buồn cười của mình những ngày loay hoay giã từ nếp sống dân sự, và nhất là hình ảnh vợ tôi những ngày sầu muộn hoang mang chuẩn bị làm người chinh phụ. Buông tờ báo xuống tôi định choàng tay ôm cám ơn vợ thì thấy tay nàng đã quàng quanh vai tôi từ bao giờ; chúng tôi lặng người trong vòng tay nhau nghe hơi ấm của người này ân cần chuyền sang người kia! Nghe như thời gian âm thầm trôi ngược lại. Hơn 40 năm qua rồi! Tôi nghe tiếng vợ tôi thầm thì qua hơi thở, “Thấy hông, hồi đó em hiền quá chừng!” Tôi phì cười, hơi đẩy… vợ tôi ra để nhìn rõ con “sư tử”… người Việt gốc… giá “có sao nói zậy, người ơi” của mình. “Hồi đó!”, ha ha ha! Đúng rồi, hồi đó em hiền vô lượng, nhưng hồi này thì… Để đáp ứng với tình hình diễn biến dồn dập (cũng như trong chiến trận khi tình thế tới hồi quyết liệt không thể dùng ám ngữ trong mật lệnh truyền tin nữa mà nói thẳng bằng bạch văn luôn) đoạn đối thoại sau đây sẽ không có xuống hàng, gạch đầu giòng hoặc hai chấm mở ngoặc kép gì cả; quý vị độc giả thông cảm, chịu khó tự suy đoán và chấm câu dùm. Tại sống chung với anh riết, gần mực thì đen, em phải “thích nghi để tồn tại chứ"! Phải công bằng chứ, sao em không nói tới những lúc gần đèn thì sáng. -- Gần anh lúc nào cũng chỉ thấy tối thui! -- Hì hì hì! Ai biểu em không cho bật đèn! -- Đồ quỷ! Quý vị nam độc giả, chiến hữu thân mến, Khi quý vị được vợ đấm lụp bụp vào lưng với hai nắm tay nhỏ nhắn mềm mại và mắng yêu là “đồ quỷ” thì quý vị biết là mình phải làm gì rồi. Đúng không? Mà đã “làm gì” thì phải làm đến nơi đến chốn cho khỏi… mất mặt KBC. Đúng không? Bởi vậy bài này phải chấm dứt… ngang xương ở đây. California ngày... tháng... năm... Trần-Công Anh-Dũng |
Friday, May 16, 2014
Vợ và Những Ngày Đầu Đời Lính
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thời gian như thể bóng câu, mới đó mà đã 45 năm nơi vườn Tao Ngộ cũ. Hay là TCAD viết sống động quá làm tôi tưởng như mới đó đấy thôi? Kỷ niệm thời trai trẻ lúc nào cũng buồn vui chen kẽ.
ReplyDeleteTôi nhớ trong Đêm Bạn Bè Hát Nhạc Hoàng Khai Nhan, ‘nàng Sư Tử Airline’ từng đoạt vương miện là ‘Nàng Dâu Hiền Nhất Khóa 7’ kia mà. Hay là ngòi bút của TCAD lại ‘thậm xưng’ nữa rồi.
Chúc hai bạn tìm thêm nhiều kỷ niệm và chia sẻ với bạn bè.
Bác Khanh nhớ dai quá. Quả đúng như vậy. Trong đêm đó, cháu MC Yến Khanh đã nói bác Dũng gái là "Nàng dâu hiền nhất khóa 7" thật.
DeleteKhông hổ danh Dũng điếm! Cám ơn mày.
ReplyDeleteBài viết hay quá, đọc mấy lần mà không thấy chán! Văn tức là người, văn sống động quá, đọc bài này mà cứ ngỡ có bác Dũng thủ thỉ ở bên cạnh.Chỉ tiếc hồi đó tôi còn xê li bạt nên không được hưởng" thú poncho". Thế mà thiên hạ cứ nói rằng lấy vợ là vào tù sớm!!! NhàTù mà êm aí như của bác Dũng thì ai mà không muốn " hồ hỡi" chui vào! Kiếp sau chắc phải lấy vợ thật sớm mới được!
ReplyDelete