Truyện ngắn Xanh Thỵ Nhạn Trắng
Buổi sáng thứ hai, buổi sáng đầu tuần, bao giờ phòng bệnh cũng đông và nhộn nhịp hơn mọi ngày. Phương liếc qua các hồ sơ bệnh án, đế nắm sơ qua số bệnh nhân ở phòng, và các việc cần làm, ghi vào sổ, xong quay ra, Phương tập hợp các học viên do nàng hướng dẫn lại, bắt đầu dặn dò và phân công việc cho từng người một. Các học viên bắt đầu tản dần vào phòng bệnh, để đo huyết áp, kẹp nhiệt, và làm những công việc chăm sóc thông thường hằng ngày, mà họ vẫn làm. Phương tản bộ dọc theo hành lang của phòng bệnh. Liếc nhìn các học viên của nàng đang hí hoáy làm việc, Phương như thấy lại hình ảnh của chính mình, mấy mươi năm trước đây, cũng ở những căn phòng như thế này, đi thực tập cũng như họ bây giờ. Thế mà đã 5 năm qua đi, bây giờ nàng đã là một Huấn Luyện Viên của trường. Sáng sáng hướng dẫn các học viên vào bệnh viện, để họ thực hiện những công việc chăm sóc điều dưỡng. Một công việc mà đối với Phương, chả lấy làm hứng thú gì, vì hằng ngày luôn phải tiếp xúc với các khuôn mặt đớn đau buồn bã, phải luôn gò bó trong những bức tường ảm đạm, với những mùi thuốc men, với những tiếng rên la đau đớn. Nhiều lúc Phương thấy sự lựa chọn của mình bị lệch hướng. Nàng đi theo sự vạch sẵn, hướng dẫn của ba nàng, và cảm thấy vui, vì đã làm thỏa mãn những gì ông trông mong ở nàng. Ngay chính việc làm huấn luyện viên của trường như hiện tại, cũng là một ý thích của ông. Phương đã không đắn đo, không ngần ngừ, để biến ước mơ của ba nàng thành hiện thực. Thói quen với hai chữ “Thôi kệ” làm nàng trở thành một con rối, với những diễn biến trong cuộc sống của chính nàng. Chưa bao giờ Phương có ý nghĩ, sẽ vùng vẫy hay giành dựt những ước mơ của mình, để sống cho cuộc đời mình có ý nghĩa hơn, hợp với những ý tưởng luôn bay bổng, lãng mạn trong người. Nàng sống và buông thả cho dòng đời cuốn lôi, đều đặn trong nhàm chán. Nàng chỉ cảm thấy thực sự thích thú, khi buổi chiều, với những giờ trên bục giảng, nhìn xuống những cặp mắt nai tơ nhìn lên, lắng nghe, như muốn nuốt lấy những lời giảng của nàng. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn, mà Phương có được trong nghề nghiệp, bởi lẽ Phương luôn cảm nhận, và thấy hình ảnh của chính mình trong đó, với những tháng ngày ngây thơ, hoang dại một thuở xa xưa, khi mới tập tễnh vào đời... Có tiếng gọi của cô học viên cắt ngang dòng tư tưởng của Phương: -- Cô ơi! Cô ơi. Phương quay lại, vẻ bối rối hiện lên trên khuôn mặt của hai học viên thực tập: -- Gì vậy? Có chuyện gì vậy em? -- Dạ, tụi em không thể nào đo huyết áp và kẹp nhiệt cho bệnh nhân mà em đang chăm sóc cả. -- Sao vậy? Bệnh nhân không cho à? Hai học viên đưa mắt nhìn nhau ấp úng. Cuối cùng một em mặt đỏ bừng, cất giọng nói: -- Dạ không. Nhưng bệnh nhân cứ nằm ôm riết cái ông người nhà, không chịu thả. Tụi em không làm sao bảo người nhà ra ngoài được cả. Phương tò mò thắc mắc: -- Bệnh nhân giường số mấy? -- Dạ, giường số 23. Phương nói: -- Thôi được, để cô xuống xem sao... Phương quày quả quay về phòng, lật hồ sơ bệnh nhân để xem. Đó là một bệnh nhân nữ. Lứa tuổi 22. Vừa được chuyển đến hôm chủ nhật, từ phòng cấp cứu, vì uống thuốc ngủ tự vẫn. Phương chặt lưỡi, quay người đi về phía giường bệnh. Những tiếng cười rúc rích của một số bệnh nhân quanh đó, và những ánh mắt vừa tinh nghịch, vừa tò mò của những học viên khác. Phương đưa mắt nhìn. Một cảnh tượng khá ngoạn mục, đập vào mắt nàng. Trên chiếc giường nhỏ chưa đầy 1 mét, một người con gái da thịt trắng hồng, mắt xinh, mũi đẹp, mặt mày bầu bĩnh, trong bộ đồ ngủ vẫn thường hay mặc ở nhà, tay cánh, đang quàng tay ôm chặt một chàng trai, cũng đang rất trẻ, mặt mày khá bảnh, dáng dấp cao ráo, dễ thương, trong quân phục bay, không quân hàm, không bảng tên. Chàng trai mặt đỏ bừng, nhắm mắt nằm yên chịu trận. Bên cạnh là hai học viên của nàng, đang lăng xăng dỗ dành: -- Anh chị thông cảm, đã đến giờ làm việc. Yêu cầu người nhà ra khỏi phòng, cho tụi em làm việc. Chàng trai gượng nhổm lên, gỡ bàn tay đang quàng của cô gái, một cách yếu ớt. Cô gái vùng vằng, càng ôm chặt chàng trai hơn: -- Không, anh không đi đâu hết. Ở đây với em, nếu không em chết nữa cho coi … Có lẽ câu nói này, là một áp lực mạnh với chàng trai, nên chàng trai đó lại vật ngã nằm xuống giường, nhắm mắt, dỗ dành nho nhỏ: -- Không, anh không đi đâu cả. Anh ra ngoài cho họ làm việc. Trưa anh lại vào với em, anh hứa mà! Mặc kệ, cô gái chả thèm nghe, cứ xiết chặt lấy chàng trai không thả. Thấy tình hình căng thẳng đó, Phương vội tiến lại gần, vỗ vào vai cô gái: -- Này cô, đây là phòng bệnh, chứ không phải là nhà. Giờ này là giờ làm việc. Tôi yêu cầu cô để người nhà ra khỏi phòng, để mấy em còn làm nhiệm vụ. Nếu không, buộc lòng tôi sẽ trình lên bác sĩ, để cho cô xuất viện ngay. Cô gái hé mắt nhìn. Thấy Phương, cô hơi lơi tay, nằm im. Chàng trai lúng túng, tháo gỡ cánh tay cô gái đang quàng ở cổ mình, ngồi nhỗm dậy, vội vã mang giày, và lỉnh ngay ra phòng ngoài. Phương tò mò nhìn chiếc phù hiệu phi đoàn được thêu trên áo bay, và nhận ra rằng, chàng trai đó cùng phi đoàn với chồng mình. Phương mỉm cười thú vị khi nghĩ đến Lương, chồng nàng. Có lẽ Lương sẽ ngạc nhiên, khi nghe nàng kể về chuyện này lắm đây. Buổi trưa, khi Lương đến đón Phương về, Phương đem chuyện sáng nay ở phòng bệnh, kể cùng Lương. Lương nhìn Phương cười, có vẽ không tin, khi nghe Phương nói anh chàng đó cùng phi đoàn với Lương. Lương chỉ nghĩ Phương trêu chọc chàng mà thôi. Câu chuyện xảy ra ở phòng bệnh cũng được lãng quên sau đó. Gần nửa năm sau, Lương xin được phòng trong cư xá không quân, và cùng Phương chuyển đến ở. Đó là một căn phòng đầu tiên của dãy cư xá. Thoáng mát, rộng rãi, gồm 2 phòng lớn, thông nhau bằng một cánh cửa lớn. Mỗi phòng đều có một cửa sổ rộng, bằng gỗ, bên trong được che chắn bằng những khung của sắt bảo vệ. Nhìn hướng ra bên ngoài, là một dãy hành lang láng xi măng rộng, chạy dài. Ngoài cùng là một con đường đất khá rộng, phẳng, chạy dọc theo chiều dài của dãy cư xá. Từ hàng rào B40 bao quanh cư xá, Phương có thể nhìn xe cộ chạy qua lại, trên tuyến đường chính, nối liền thành phố Nha trang với Cầu Đá, một địa danh du lịch ở đây. Nằm song song với dãy cư xá, cách nhau bởi con đường chính, đó là cửa hàng quân tiếp vụ, đối diện ngay với nhà nàng. Ở đây chuyên bán những mặt hàng chính như thuốc lá, mì gói, mì chính, đường, sữa, đồ hộp cho quân nhân. Đằng sau cửa hàng quân tiếp vụ là bãi biển Nha Trang. Chiều chiều, sau những giờ làm việc mệt nhọc, Phương thường bắt ghế ra ngồi ở hành lang, nhìn ra đường, ngắm người qua lại, nhìn ngắm cảnh mua bán ở cửa hàng và nghe lao xao tiếng sóng biển đập vào bờ, ấm áp, dịu dàng trong mơ hồ của tiềm thức. Phương sống khép kín cùng chồng, ít giao tiếp với mọi người trong cư xá. Công việc khiến Phương ít khi có mặt ở nhà, ngoài buổi chiều và tối. Căn hộ bên cạnh Phương cũng im vắng không kém. Hằng ngày, Phương vẫn thấy người hàng xóm của mình lủi thủi vô ra một mình. Thỉnh thoảng họ chào nhau. Đó là một cô gái miền Nam, có vẻ mộc mạc, với mái tóc dài, dáng thanh mảnh, ít nói, nom có vẻ hiền lành. Phương đoán chừng cô ta cũng gần trạc tuổi với mình. Không đẹp, nhưng trông dễ có thiện cảm. Có lần Phương hỏi chồng về cô gái: -- Ờ vợ thằng Tuấn, cùng phi đoàn đó. Nó đang biệt phái Phú Bổn, nửa tháng nữa mới về. Phương chỉ biết vậy. Cuộc sống của cô gái đó và nàng có khác chi nhau. Lương vẫn thường xuyên đi biệt phái lên các vùng khác, trong nửa tháng mới về. Và nàng cũng đã từng thui thủi một mình như vậy thôi. Thế rồi tình cờ một buổi chiều nọ, khi Phương bắt ghế ra hành lang ngồi, nhìn ngắm xe cộ qua lại, và nghe sóng biển vỗ về, thì thình lình Phương nghe có tiếng cười đùa vui vẽ ở căn hộ bên cạnh. Phương hơi ngạc nhiên, nhưng sực nhớ lời Lương đã nói, Phương đoán chắc là Tuấn, người hàng xóm, cùng phi đoàn của Lương, đã biệt phái về. Sự suy đoán của nàng được giải đáp ngay, vì khoảng chừng 10 phút sau, bóng dáng hai vợ chồng xuất hiện ở cửa. Có lẽ họ đang chuẩn bị đi đâu đó, bởi Phương thấy người chồng, đang loay hoay khóa cửa. Phương tảng lờ, giả vờ chú mục nhìn ra đường. Hai vợ chồng khi đi ngang chỗ nàng ngồi, Phương thấy cô gái khẽ gật đầu chào. Nàng đáp trả và ngạc nhiên thấy người chồng ngượng ngập, lảng tránh ánh mắt nàng. Phương thấy cái anh chàng Tuấn này có vẻ quen quen. Không biết nàng đã gặp đâu rồi thì phải. Cái ý nghĩ đó khiến đầu óc nàng cứ lục lọi, tìm tòi để nhớ. Cuối cùng Phương “à” lên một tiếng rõ to, rồi ngã người lui sau ghế dựa mỉm cười. Cái anh chàng mặt đỏ tía, cứng đơ người trong bệnh viện một ngày nào đó, chợt trở về trước mắt Phương. Không lẽ anh ta chính là Tuấn, người cùng đơn vị với Lương? Thế cô gái trong bệnh viện dạo ấy là ai?Và cô gái phòng bên, có phải là vợ chính thức của anh ta không? Phương cố gạt những điều nghĩ ngợi vẫn vơ đó ra khỏi đầu, mà sao nó cứ rối mòng mòng trong trí óc. Vì thế lúc Lương về, Phương đem thắc mắc của mình hỏi và được Lương cho biết, cô gái phòng bên chính là vợ anh ta, còn người trong bệnh viện mà Phương gặp, có lẽ chỉ là bạn gái mà thôi. Phương buồn cười khi nhớ lại vẻ bối rối, ngượng ngùng của Tuấn, lúc đi ngang qua nàng. Ừ, hèn gì… Lộ tung tích rồi nhé. Nghĩ vậy, nhưng Phương chả bao giờ nói những điều đã được chứng kiến cho Hiền, vợ Tuấn, trong cả những khoảng thời gian dài sau đó. Hiền không bao giờ ngờ, là Phương đã biết được những điều bí mật trong cuộc sống của Tuấn. Những chiều rảnh rỗi, Phương và Hiền vẫn thường trao đổi, tâm sự cùng nhau. Hiền có vẻ lo lắng và rất mực yêu thương Tuấn, trong từng ý nghĩ và những chăm sóc vụn vặt. Những ngày Tuấn ở nhà, Hiền chăm lo áo quần, thức ăn, uống một cách chu đáo. Hiền luôn nấu món ăn thật hấp dẫn, theo lối miền nam chính gốc. Hiền người Rạch Giá, là một người vợ mẫu mực. Niềm đau duy nhất của Hiền là đã gần 5 năm chung sống, mà nàng vẫn chưa có con. Hiền đã ao ước biết bao, cái ngày được làm mẹ, được thấy sự tắt kinh của mình … Nhưng cuộc đời lại quá trớ trêu. Bao ước mơ cứ theo mơ ước mà bay cao. Thoạt đầu, vì cuộc sống bấp bênh, rày đây mai đó, Tuấn đã để Hiền ở lại nhà ba mẹ, nhưng sau mấy năm dài, Hiền đã không chịu đựng được sự xa cách đó, và nàng đã liều lĩnh theo Tuấn về ở cư xá này, nơi mà nàng không hề có một người thân, hay một bám víu nào khác ngoài Tuấn. Nàng mong đợi, hy vọng sự gần gũi với Tuấn, sẽ giúp nàng có được một đứa con, như nàng hằng ao ước. Nỗi ước mơ đó cứ ấp ủ mãi trong lòng, như một thôi thúc thèm khát, cho đến tận bây giờ, Hiền đã bắt đầu thấy lo sợ, cho đó là một điều viển vông, không thể nào có được nữa rồi. Vì thế, Hiền hay buồn, co rút với nỗi cô đơn, héo hắt của mình. Là người khéo tay, Hiền đã chúi đầu vào việc thêu thùa những bức tranh lớn, treo đầy cả căn phòng, vào những món ăn khô khá độc đáo cho Tuấn. Nàng lo sợ mất Tuấn. Càng ngày Hiền càng cảm thấy mình khô khan, cằn cỗi, trước một Tuấn ngày một trẻ ra, đầy sức sống, đầy quyến rũ. Và cái ngày lo sợ đã đến. Một buổi sáng thứ bảy, khi Phương từ phòng tắm tập thể của cư xá, quay trở về phòng mình, ngang qua phòng của Hiền, một cảnh tượng khá đặc biệt, chợt đập mạnh vào mắt nàng. Hiền đang ngồi ở giường, cạnh Tuấn, với hai mắt đỏ hoe. Cạnh đó, trên chiếc xe đạp nhỏ hằng ngày Hiền vẫn đi chợ, cái cô gái Phương đã gặp ở bệnh viện, ngồi ở yên sau của xe, tay quàng ra đằng trước, ôm vào lòng một đứa bé trai, khoảng chừng 1 tuổi. Tất cả có vẻ yên ắng, nặng nề. Phương bước vào phòng mình, chợt thấy lo lắng, tội nghiệp cho sự hiền lành của Hiền. Chả biết Hiền sẽ xử sự ra sao trong cái cảnh éo le này? Buổi tối, Phương nghe có tiếng cãi vã ồn ào của phòng bên khá lâu. Sau đó Phương thiếp đi lúc nào chả rõ. Buổi sáng thức dậy sớm, đang đánh răng, thì Hiền, với 2 mắt mọng nước, chạy sang ngồi cạnh Phương, khóc òa. Phương im lặng, ái ngại nhìn Hiền. Trong những tiếng nói đứt quãng, bập bẹ, Hiền đã nói: -- Chị Phương ơi, em phải làm sao đây hả chị? Con nhỏ đó đem con hắn tới, nói là sẽ ở chung với anh Tuấn luôn. Hồi hôm hắn dỗ con hắn ngủ ở nền nhà xong, em đang nằm với anh Tuấn trên giường, hắn cũng phóc lên, nằm 1 bên. Em quàng tay ôm anh Tuấn, hắn cũng ôm. Em hất tay hắn ra, hắn cào em. Cả đêm cứ hất ra, hất vô, chả tài nào ngủ được cả … Chừ hắn vẫn ở lại, Anh Tuấn đi bay rồi, không có ai thân quen, em sợ quá, không dám về phòng … Phương an ủi: -- Có chi mà sợ. Chị là vợ trên danh chánh, ngôn thuận, cả cư xá này ai cũng biết cả mà. Chị cứ về ăn uống, cơm nước cho chính mình và nấu ăn cho anh Tuấn đi. Hắn dọa chị thế, chứ không dám ở lâu đâu. Đó, chị thấy kìa, hắn đang ẵm con bỏ đi rồi kìa... Hiền đưa mắt nhìn ra, thấy cô gái tay xách giỏ, tay ẵm con bước đi. Hiền chùi vội nước mắt, nhìn theo, đợi đến khi cô gái đi khuất hẵn trong tầm nhìn, Hiền vội vã cám ơn và quay về phòng. Đến trưa, lúc đang mơ màng trong giấc ngủ, thì Phương nghe tiếng đập phá, chửi rủa ở phòng bên. Phương lắng nghe. Có tiếng la toáng lên: -- Tao đập phá hết đó, mày làm gì tao? Có lý nào con tao và tao đói khát, mà mày lại sung sướng ăn uống, phè phỡn, nghĩ ngơi thoải mái. Này này, cơm nước này, tao không ăn thì mày cũng không được ăn, tao đổ hết … Rồi thì chén bát dĩa kêu loãng xoãng, tiếng xoong quánh va đập vào nhau. -- Đó, có giỏi thì mày làm gì tao coi … Không nghe có tiếng của Hiền đối đáp. Một thoáng sau, Phương nghe có tiếng gõ cửa vội vàng: -- Chị Phương ơi, mở cửa cho em vào với... Phương nhỏm dậy, ra mở cửa. Hiền, đầu tóc xác xơ, mắt đỏ hoe vì khóc, chạy òa vào phòng: -- Chị Phương ơi, nó đập phá hết đồ trong nhà em rồi. Cơm nước nấu ra, anh Tuấn chưa về, nó hất tung cả. Xoong nồi nó đánh méo xẹo. Cả những bức tranh em thêu, và những bức hình đám cưới treo ở tường, nó quật bể nát hết. Nó như con điên, em sợ quá, chị cho em trốn ở đây, chờ anh Tuấn về chị nhé … Phương ái ngại hỏi: -- Hồi sáng thấy nó đi rồi cơ mà. Sao quay lại hả? Hiền đáp: -- Nó đã đi, nhưng lại gặp mấy bà trong cư xá mình, cũng làm vợ bé xui xút. Do vậy nó ra gởi con ở nhà ngoài, và quay lại quậy phá lung tung. Giá có anh Tuấn ở nhà, thì nó đâu dám. Ở nhà một mình em sợ quá. Nhỡ nó làm càn, đánh em thì sao? Chị cho em ngồi tạm đây nghe chị … Phương ngao ngán lắc đầu, kéo màn che giường ngủ mình lại, bảo Hiền vào đó nằm nghỉ, chờ Phương gọi điện vào Phi Đoàn, báo cho Tuấn về giải quyết vậy. Khoảng 1 tiếng sau Tuấn về. Cư xá bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, như đang chuẩn bị chờ xem một buổi kịch nhạc bắt đầu trình diễn. Họ chia làm 2 phe. Một phe của những bà vợ trên danh chánh, ngôn thuận, hậm hực, tức tối vì những cô vợ bé luôn chèn ngang, phá vỡ hạnh phúc gia đình. Họ chửi rủa nhau và quyết liệt đòi triệt đi mầm mống đáng sợ, cứ lăm le cuộc sống yên ấm hằng ngày của họ. Phe kia, của những bà vợ bé hoặc những bà vợ sống không hôn thú. Họ nghĩ họ vẫn là người được sống và thụ hưởng những gì họ có được trong đấu tranh, trong thua thiệt, mất mát. Họ xúi giục cô gái: -- Sợ gì, mày tuy không là vợ trong hôn thú, nhưng hôm trước, Tuấn cũng có đãi tiệc mời anh em và giới thiệu mày ra mắt cùng họ. Ai mà không biết mày với Tuấn có con cùng nhau. Thế thì ai dám bảo mày không là vợ Tuấn. Có chi tụi tao hổ trợ... Đừng ngán … Nhóm kia la ó: -- Vợ cái con khỉ mốc gì mà vợ. Đồ đĩ thối, dơ danh, không biết dị. Gặp mợ Hiền đây thiệt thà như đếm, chứ vào tay bà thì phải biết… bà xé ra từng mảnh, chứ đừng giỡn mặt mà chơi … Cô gái đứng lặng trong phòng, tay cầm cái chổi, vẽ mặt tần ngần không nói. Đúng lúc đó Tuấn xuất hiện. Đám đông dạt ra, tránh đường cho Tuấn đi vào phòng. Tuấn, mặt mày đỏ nhừ, mắt long lên vì giận, vì thấy cảnh hoang tàn, đổ nát của căn phòng. Cơm nước, đồ ăn vung vãi trên sàn, những chiếc xoong méo quẹo, những mảnh gương từ các bức tranh bể nát, tung tóe trên sàn nhà. Tuấn lặng yên, từ từ tiến tới, cô gái thụt lùi, thả vội chiếc chổi đang cầm trên tay xuống đất, lùi dần đến sát vách tường. Tuấn cứ bước tới, mắt nhìn chăm chăm một cách tức tối, và cuối cùng giáng tay tát một cái thật mạnh vào mặt cô gái, rít lên: -- Cút ngay, không tao giết chết bây giờ … Có lẽ vì vẻ mặt quá ghê của Tuấn lúc đó, cô gái ôm mặt chạy vù ra cửa. Đám đông nín thở theo dõi từ nãy giờ, chừ lại tóa ra, dạt sang hai bên. Những lời nói của đám đông vô công rồi nghề, hằng muốn có những cơ hội như thế này, để thỏa thuê cơn gào thét, nói cười của họ. Sự va đập, xáo trộn của gia đình người khác, như là một niềm vui cho những bới móc, trao đổi, với một niềm hăng say lạ lùng. Họ như những người trong cuộc, gào thét với những ý nghĩ sẽ làm gì, nếu họ là người trong cuộc. Bởi thế, trong những lúc không tự chủ được mình, lại được xúi giục bởi sự phản kháng của các cô, các bà cùng cảnh ngộ như mình, cô gái sau một vài phút yên lặng, đã bắt đầu gào lên tru tréo: -- Ôi, đồ vũ phu. Mày dám đánh tao hả? Mày theo cái con chết tiệt này, mà trở mặt với tao sao? Tao ngu, tao mới nghe lời mày. Tao đã lặng yên, nhưng ngày ngày, anh tao đi làm về, ngang qua đây, thấy mày ngồi kề vai sát cánh với nó, nói cười hân hoan, đú đỡn, trong lúc tao thì vò võ ôm cái thằng con của mày, thui thủi ngày qua ngày. Mày tàn nhẫn thế chưa vừa sao? Mày chỉ làm sao cho sướng cái thây của mày. Việc gì mày cũng giả vờ quên hết. Mày quên mày đã nhiều lần úp mặt vào tao, thế mà chừ mày lại đánh tao, sao hả, đồ con lợn … Tuấn điên tiết lao ra, cô gái vùng chạy ra bên ngoài cửa. Tuấn dừng lại ở ngưỡng cửa, tức tối, rồi lại quay vào. Cô gái chạy lui, cách Tuấn một quãng, tháo bỏ 2 chiếc giày cao đang mang ở chân, bỏ sang một bên. Lại bắt đầu hươ tay, múa chân chửi rủa. Những lời nói thô tục, nhơ nhớp cứ tuôn ra, không ngại ngùng. Đám đông cười ồ, như vừa chứng kiến một pha diễn quá ngoạn mục. Tuấn lại từ phòng tuôn ra, khuôn mặt đỏ tái, mắt lóe lên một vẽ man dại, dữ dội, vì những lời phĩ báng quá trớn của cô gái. Chàng cảm thấy nhục nhã và dị dạng biết bao trước đám đông, trước những cặp mắt hau háu đón chờ. Tuấn nghĩ nếu chàng tóm được cô gái, chàng sẽ không dễ gì tha thứ cho sự xúc phạm, hạ phẩm giá của chàng trước đám đông như thế. Chàng sẽ… chàng sẽ… bao ý nghĩ tức tối tràn đầy trong chàng. Thế nhưng, cô gái lại đâm đầu chạy ra xa, và Tuấn lại đành quay vào, ẩn mình ở trong phòng … Trong đám đông, lại bắt đầu hình thành một trò chơi mới. Họ thích thú lấy đôi giày của cô gái đã tháo gỡ, chuyền tay nhau và quăng bỏ đi. Khi cô gái quay trở lại, tìm tòi lục lọi đôi giày của mình, thì đã không còn nữa. Thế là một cuộc chửi rủa khác, hướng về những đối tượng khác, lại xảy ra. Cả một cư xá như loạn hẵn ra, với những lố nhố người nói cười, hò hét. Họ thích thú, lăn xã, nhập vào cuộc chơi, một cách hết mình. Họ bắt đầu lén búng những hòn sỏi nhỏ, vào người mình ghét bỏ. Họ chửi rủa, bênh vực lẫn nhau, loạn xà ngầu. Không ai quan tâm đến buổi chiều đã đến, cơm nước trong gia đình chưa nấu. Họ say sưa với những gì họ đang làm, cho đến khi những người trong ban bảo vệ cư xá được điều đến giãi tán. Bấy giờ họ mới quay về, tay còn hươ hươ diễn tả, cười nói huyên thuyên. Cô gái đi chân đất, theo một vài người trong cư xá về phòng họ, mượn 1 đôi dép khác và quay về nhà mình. Sự yên tĩnh được trả lại sau đó. Phương quay về phòng mình, bảo cùng Hiền: -- Về phòng đi. Có anh Tuấn bên a. Đúng lúc đó Phương nghe có tiếng gõ cửa, và Tuấn xuất hiện, lí nhí, ấp úng: -- Xin lỗi chị, có nhà tôi ở đây không? Phương quay lại gọi Hiền. Hiền lập cập bước ra. Nhỏ nhoi và yếu ớt. Nhìn Tuấn với cặp mắt đỏ mọng, không nói. Tuấn cám ơn Phương, rồi kéo tay Hiền: -- Về phòng thôi em … Cả hai quay đi. Đến tối, lúc Phương đang ăn cơm tối, thì vợ chồng Tuấn xuất hiện cửa. Tuấn chào Phương và nói: -- Chị làm ơn cho tôi gởi Hiền ở đây một lát. Tôi vào đơn vị, kiếm tàu cho Hiền về Rạch Giá một thời gian, kẻo ở đây sợ không ổn. Tôi đi tăng phái liên tục, nhỡ khi tôi đi vắng, xảy ra chuyện, Hiền chả biết nương tựa vào ai. Phải đành vậy thôi. Có lẽ rồi tôi cũng sắp xếp xin đổi về Nam luôn đó chị. Tôi sẽ về đón Hiền trong tối nay. Và chắc là sẽ gởi trả phòng lại cho cư xá, mà không ở đây nữa. Tôi cám ơn anh chị, trong những ngày qua đã đối xử tốt với vợ chồng tôi và xin chào anh chị luôn thể. Phương nhìn Tuấn, sự buồn bã, thiểu não hiện lên trên khuôn mặt. Có lẽ trong cuộc đời Tuấn chưa bao giờ có thể hình dung ra cái cảnh trớ trêu, đầy kịch tính như ngày hôm nay. Sự đổ vỡ trong tình cảm, sự đón nhận những xúc phạm danh dự trước đám đông, làm Tuấn như khọm hẵn đi. Phương chỉ nói: -- Được rồi, anh cứ để chị ở đây. Khi nào có tàu anh lui đón sau vậy. Luôn thể cũng chào chia tay với anh luôn … Tuấn quay đi. Hiền theo Phương vào phòng. Một chiếc xách nhỏ, gọn trên tay. Hiền thút thít: -- Em phải vào lại nhà thôi chị à. Ở đây em sợ lắm. Em chỉ đem mấy bức thêu và tấm hình đám cưới của tụi em thôi. Ở trong này này … Phương nhìn Hiền. Lòng rộn một niềm thương cảm. Sự hiền lành, khờ dại, đôi khi cũng là một thứ vũ khí mạnh mẽ, khiến người đối diện phải động lòng, muốn dang rộng tay để chở che. Không phải Tuấn cũng đang muốn bảo bọc, chở che Hiền trong lúc này như thế sao? Mấy ngày sau đó, cô gái lại đến tìm Tuấn. Cửa phòng đóng kín, khóa bên ngoài. Tần ngần một lúc, cô gái sang gõ cửa phòng Phương, ngập ngừng, bối rối hỏi thăm. Phương cho biết Tuấn đã dọn đi, gởi lại phòng cho cư xá rồi. Cô gái thở dài nói: -- Em thật bậy. Hôm trước em bị mấy chị trong cư xá xúi bẫy, thúc giục, nên đã đập phá, nói ra những lời xúc phạm nặng nề với anh Tuấn. Em biết tính của anh Tuấn, tự ái rất cao, những lời thốt ra của em hôm ấy, đã làm em mất anh ấy vĩnh viễn. Hôm nay em đến, chỉ với mục đích cầu xin anh ấy tha thứ. Nhưng chả gặp được nữa rồi. Em hối hận quá … Phương nhìn theo cô gái bước xa dần. Dáng nghiêng nghiêng trong chiều xuống. Cô độc và lẽ loi. Thấy thương cho một kiếp người không may lỡ bước. Mấy tháng sau nghe Lương, chồng nàng cho biết, Tuấn đã thuyên chuyển công tác vào Nam, công tác tại một đơn vị mới ở trong đó. Cuộc sống họ ra sao, thế nào Phương chẳng còn biết đến. Nhưng thi thoảng, khi nhớ lại những gì đã xảy ra, đã chứng kiến, cái hình ảnh 1 cô gái miền Nam hiền lành, nhút nhát, cứ lãng vãng trước mắt Phương. Phương vẫn cầu xin cho Hiền đạt được cái điều mong muốn, là có được một đứa con, để thắt chặt tình cảm vợ chồng hơn nữa, trong cuộc sống lứa đôi đầy sóng gió này … Xanh Thỵ Nhạn Trắng |
Monday, December 8, 2014
Chồng Chềnh Hai Lối
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!