Một Thời Kỷ Niệm - Tuổi Học Trò
Trần Đình Phước
Trần Quang Khải, khu Tân Định chỉ là một con đường nhỏ độ vài trăm thước. Giới hạn đầu đường là Hai Bà Trưng và cuối đường là Đinh Tiên Hoàng. Trên đoạn đường này có rất nhiều cửa hàng, cửa tiệm bán các món ăn, thức uống nổi tiếng và hấp dẫn. Tuy nhiên khi nói về món chè thì bất cứ học sinh nào ở Sài gòn cũng đều công nhận và tấm tắc khen ngợi chè Huỳnh Thị Ngà là không thể chê vào đâu và cũng không nơi nào có thể sánh đuợc. Ăn một lần là nhớ suốt đời. Ăn rồi cứ muốn ăn hoài. Nếu chưa ăn là coi như thiếu sót lớn trong đời học sinh. Tại sao lại có tên là chè Huỳnh Thị Ngà? Có lẽ không ai có thể trả lời được! Theo tôi, vì xe chè nằm trên đường Trần Nhật Duật, có trường trung học tư thục do bà Huỳnh Thị Ngà làm hiệu trưởng, nên bà con tự đặt tên là chè Huỳnh Thị Ngà cho tiện. Xe chè nằm ở góc đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Đối diện phía bên kia đường là đường Bà Lê Chân có tiệm bán dụng cụ học sinh Kim Thạch, có bà Sáu già bán trà Huế và hai bàn đá banh. Kế bên là quán cơm tấm chả, bì, sườn nướng, hột gà ốp la và cà phê pha bằng vợt của vợ chồng con trai nghệ sĩ cải lương Bảy Nhiêu. Ban đầu xe chè nằm phía bên trường Huỳnh Thị Ngà, cạnh bên có xe bán và đổ xí ngầu ăn bò viên của một người Việt gốc Hoa. Thường thường, học sinh đổ hay thua. Trong trường hợp thắng, ông chủ Tàu múc chung cho những viên bò viên nhỏ hơn là những bò viên mua bình thường. Về sau, xe chè dời sang phía đối diện, nhưng cũng nằm trên đuờng Trần Nhật Duật. Nhìn sang là đình Phú Hoà, có cà phê bình dân của chị Tư, có xe nước mía chị Hai. Nơi học sinh các lớp Đệ Nhị Cấp trưòng Huỳnh Thị Ngà thường tụ tập, la ó, chạy theo vuốt tóc, chọc ghẹo các nữ sinh của bất cứ trường nào đi ngang qua, để rồi sau đó tất cả các em trai quậy phá đều âm thầm, lặng lẽ vào chiều thứ Bảy. Khi những chàng Alpha Thủ Đức, còn gọi là các con kiến vàng được về phép cuối tuần xuất hiện. Các chàng đến đón các em đệ nhất, đệ tam, đệ nhị và cả các em đệ tứ để đi dạo phố, xi nê hay ăn kem. Mỗi khi như thế, các đàn anh nhìn đám con trai nhóc tì đang tụ tập, hình như thầm nhắn nhủ: "Các em muốn được như các 'Qua' bây giờ, thì hãy lo học kiếm cái Tú Tài một, để đi sĩ quan, mà được đeo cái quai chảo. Còn lơ tơ mơ, ham cua đào, cua ghệ không chịu học là mang cánh gà chiên bơ hay đơ dèm cùi bắp suốt đời đó nghen!!!" Bà chủ chè cùng gia đình từ miền Bắc di cư vô Nam năm 1954. Trên đầu bà lúc nào cũng quấn khăn bằng nhung đen. Cách bày trí xe chè rất giản dị gồm: các hũ keo lớn đựng đậu xanh, đậu đen, bánh lọt, nước dừa, nước đường. Ngoài ra, cũng bán thêm một ít suơng sa, sương sáo và chanh muối. Cách làm đậu xanh và đậu đen của bà phải nói là một nghệ thuật, không ai tài nào có thể bắt chước vào đâu được. Đặc biệt, món bánh lọt nước dừa thì tuyệt cú mèo và cách thắng đường ai cũng đưa hai tay lên đầu bái phục, "thật ngọt ngào và thơm phưng phức!" Mỗi khi tan lớp, học sinh các nơi thường nườm nượp kéo đến đây như đi xem hội chợ. Xe đạp, xe Vélo Solex... đậu choán cả đường. Nào là học sinh trường: Bác Ái, Bồ Đề, Cao Thắng, Chu Văn An, Cửu Long, Đạt Đức, Gia Long, Hàn Thuyên, Hồ Ngọc Cẩn, Kiến Thiết, Jean-Jacques Rousseau, Les lauriers, Lê Văn Duyệt, Lê Bảo Tịnh, Marie Curie, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Pasteur, Quốc Anh, Régina Pacis, Saint Exupéry, Saint Thomas, Taberd, Trần Lục, Trung Thu, Trưng Vương, Văn Hiến, Văn Lang, Văn Hoá Quân Đội, Văn Học, Võ Trường Toản, Vương Gia Cần... và có cả Mạc Đỉnh Chi ở mãi tận Phú Lâm nữa!.. Trong lúc đứng chờ chè, liếc qua, nhìn lại, rồi kênh nhau, hoặc đôi khi lấy le với các em nữ sinh, để chứng tỏ là ta đây, nên xảy ra đánh lộn. Nhưng thời đó chỉ dùng tay, dùng chân mà thôi. Tuyệt đối! không bao giờ dùng đến dao hay bất cứ hung khí nào khác. Thường thường là bạt co tay đôi. Võ đài dã chiến được thiết lập ngay tức thì. Một khoảnh đất rộng, lấy các cặp táp phân chia ranh giới. Hai đối thủ đứng hai bên, lè lưỡi, cung hai đấm tay, lấy hai ngón tay trỏ và giữa kẹp ngón tay cái, cùng đứng thủ thế, nhún nha, nhún nhảy, nhích bên trái, rồi nhích bên phải, chạy vòng vòng. Trong khi đó, bên ngoài các cổ động viên hai phe reo hò inh ỏi và cùng hô to lên: "Đứa nào đánh trước làm Cha, đứa nào đánh sau làm Con." Bỗng nhiên trong chốc lát, hai chàng học sinh: một đứa được làm Cha, còn một đứa bị làm Con. Thế rồi hai đối thủ thở mạnh, hít qua, hít lại, hít tới, hít lui, sau đó là một màn quần thảo nhau. Cuối cùng, cả hai ngã lăn kềnh xuống đất. Đến khi người lớn can ngăn đươc thì một anh quần áo rách tả tơi, đầu tóc luôm thuộm, còn một anh thì trầy chân, sướt tay, sứt trán, lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc. Sau đó thì giảng hoà và bắt tay huề nhau. Các nữ sinh đứng xem, được dịp đưa tay che mũi cười mím chi. Riêng, hai nam sinh một phút bốc đồng, hăng tiết vịt đi về nhà chắc là bị ba má đánh đòn. Chè Huỳnh thị Ngà đã đem đến bao nhiêu mối tình thuở học trò, đã có trường hợp hai cô cậu nhờ xe chè mà trở nên duyên vợ chồng. Xe chè, đúng là sợi dây tơ hồng cột hai trẻ ăn chưa no, lo chưa tới. Hồi còn là học sinh trung học Đệ Nhất Cấp trường Huỳnh Thị Ngà, mỗi khi học sinh kéo đến đông, bà chủ xe chè trở tay không kịp, bà thường nhờ tôi bào đá, rửa ly và thối tiền giùm bà. Hồi nhỏ, thế mà tôi đã có uy tín về tiền bạc rồi đó, "thủ quỹ bất đắc dĩ." Sau khi học sinh về hết. Tôi giúp bà lo thu dọn chiến trường cho lẹ. Bà dúi vào tay tôi năm cắc và thưởng cho tôi một ly đá bào nhận đầy ấp, cho thêm vào một chút xíu nước si rô bạc hà và một lát chanh muối. Tôi nhắm mắt mơ màng thưởng thức, rồi tưởng như mình đang được lên thiên đàng. Ôi! sao mà hạnh phúc trong tầm tay quá!!! Sau này, khi bước chân vào đời quân ngũ, mỗi lần được về phép, tôi cũng bằng mọi cách dành thời gian đến thăm quán chè của bà, ít nhất là một lần. Khi ăn xong, tôi cũng đều mua thêm vài bịch chè, đựng trong bao nylon, mang về cho anh em trong nhà cùng thưởng thức. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng vật đổi, sao dời, vật giá gia tăng, nhưng chất lương chè Huỳnh Thị Ngà cũng không thay đổi một chút nào hết! Sau năm 1975, bà bán chè lớn tuổi và bắt đầu mệt mỏi, nên giao lại cho cô con gái duy nhất, cựu nữ sinh trường Lê Văn Duyệt tiếp tục sự nghiệp. Lúc này khách đến ủng hộ không còn đông như trưóc, vì người ta còn phải chạy lo cơm, lo gạo hàng ngày, lấy đâu mà dám mơ tưởng đến cháo với chè! Khoảng đầu năm 2006 tôi có dịp về Sàigòn. Khi ghé ăn chè, cô chủ cho biết "bây giờ bán buôn ế ẩm lắm! Thuế má, vật giá mỗi ngày một gia tăng khủng khiếp, chịu không thấu, chắc là phải giải nghệ thôi!" Rồi một thời gian sau tôi nghe tin xe chè không còn tồn tại nữa. Tôi thoáng buồn trong giây lát, như mất mát một cái gì quý giá trong đời. Cuối năm 2009, tình cờ gặp lại cô bán chè tại chợ Tân Định. Nay đã là bà ngoại, bà nội. Cô cho biết không thể tiếp tục bán nữa, vì hết vốn, vì vắng khách, vì bị dẹp lòng lề đường, vì bận bịu con đàn, cháu đống và quá chán nản. Ngẫm nghĩ lại, xe chè Huỳnh Thi Ngà đã xuất hiện trên đường Trần Nhật Duật, khu Tân Định, thấm thoát được gần hơn nửa thế kỷ. Xe chè đã đem lại cho bao nhiêu tuổi hồn nhiên, hoa mộng những kỷ niệm đẹp của một thời thơ ngây cắp sách đến trường. Những học sinh đã từng thưởng thức món chè độc đáo Huỳnh Thị Ngà năm nay đã ngoài 50, 60, 70 tuổi. Nếu nghe xe chè không còn nữa, chắc là họ cũng sẽ thoáng một chút bâng khuâng, bồi hồi, rung động và nuối tiếc! Chia tay cô bán chè tôi vừa đi vừa khẽ hát nho nhỏ:
"Tuổi học trò, thường buồn vu vơ
Trần Đình Phước
|
Thursday, July 11, 2013
Chè Huỳnh Thị Ngà
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Khong biet ngay xua TDP co "thuong buon vu vo" & Thuc trang dem lam tho, de doi cho, khong?...Chu ngay nay, khong bua Cho Troi nao vang mat TDP & khong 1 event nao o SJ vang bong chang.
ReplyDeleteTung SJ
Chè thì vẫn còn ngon như xưa. Nhưng ăn hoài mà không thấy no ông phụ tá bán chè và đếm bạc cắc TĐP ơi!!
ReplyDeleteSeattle, Wa 12 tháng 07, 2013
Nguyễn Huy Điền
Toi con nho Chi ban chum ruôt muôi ot goc duong Dang dung kê ben duong la xe bo vo viên etc... luc do tôi là hoc sinh lop 12A truong Huynh thi Ngà niên hoc 1972-1973
ReplyDeleteParis, France 15 janvier 2014
Vanhan
Tôi rất thich bánh bao chỉ và pâté chaux của hai cha con ông bán xe kem và si-rô đối diện nhà giáo sư Pháp-văn Huỳnh Văn Mĩ và nước chanh muối của chú Tửng bán độc quyền trong trường HTN nữa. Đệ Nhị B(chiều): 1966-67.
Delete