Wednesday, July 3, 2013

Một Thoáng Hương Xưa

Hồ Viết Yên


Hằng năm vào dịp Tết âm lịch, anh em CH-47 Chinook hải ngoại chung góp một số tiền để gởi về tặng các bạn trong gia đình CH-47 còn ở Việt Nam. Món quà tuy khiêm tốn nhưng “của ít lòng nhiều” đã nói lên tình “huynh đệ chi binh” dù xa cách nửa vòng trái đất và thời gian đã kéo dài trên 35 năm. Dầu sao, may mắn nhất là chúng ta vẫn còn sống và được nhìn thấy nhau qua thư từ cũng như hình ảnh, dù rằng dung nhan, diện mạo mỗi người đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tình đồng đội, nghĩa anh em của gia đình CH-47 Chinook nơi hải ngoại hay quê nhà sẽ mãi mãi bền chặt và thân thiết.

Nhìn những hình ảnh các bạn gởi qua trong bữa tiệc họp mặt gợi cho tôi nhớ nhiều về các kỷ niệm xa xưa, từ những ngày tôi quyết định chọn con đường của người trai lớn lên trong thời chinh chiến. Bỏ lại sau lưng sách vở, những đứa bạn thân thương, và bỏ cả vấn vương với đôi ba cô bạn láng giềng vừa tròn đôi tám!

Hôm nay, may mắn còn sống nơi đây, được gặp lại và vui chơi bên những đồng đội đã và đang mang chung lý tưởng chiến đấu chống Cộng Sản, chống bọn côn đồ xâm chiếm mảnh đất tự do của miền Nam Việt Nam yêu quí... Nhớ lại, mới ngày nào đó, khi chúng tôi ở tuổi đôi mươi cùng chung đơn vị, cùng ngồi chung trên chiếc CH-47 Chinook đối đầu với tử thần; giờ đây các bạn tôi đang theo bước chân đàn anh đã và đang lần lượt bước vào khúc quanh mới của cuộc đời... Tôi muốn ghi lại đôi chút kỷ niệm về những ngày xa xưa khi quyết định “giã từ bút nghiên”, giã từ các sinh hoạt quay cuồng tuổi trẻ để hoà mình trong nghiã vụ “Bảo Quốc Trấn Không” ôm đầy mộng mơ và lý tưởng. Đặc biệt là niềm kiêu hãnh, khi thi hành những chuyến công tác biệt phái khắp bốn vùng chiến thuật.

Mới đó... Một tiếng nổ vang dội trong đêm khuya, nhà cửa rung chuyển, đánh thức mọi an bình trong giấc ngủ. Theo phản ứng tự nhiên, tôi bật dậy chạy xuống lầu và lăn vào hầm trú ẩn của gia đình để tránh đạn hoặc hoả tiễn của bọn Việt Cộng nằm vùng. Hầu như nhà nào cũng có hầm lớn hay nhỏ với những bao cát vây quanh để gọi là “né đạn” cũng như an toàn phần nào về tâm lý mỗi khi nghe tiếng hú gào của bom đạn.

Sau một hồi, mọi sự yên tĩnh trở lại, tôi mệt mỏi trở về phòng và cố tìm lại giấc ngủ. Sáng sớm hôm sau, tôi thức dậy khi vừa hết giới nghiêm, bước ra trước hiên nhà để nghe ngóng, tìm hiểu cho biết chuyện gì đã xẩy ra!!! Tôi thấy một số người đứng trước nhà bàn tán xôn sao về viên đạn đại pháo mà Việt Cộng và Cộng Sản Bắc Việt đã bắn vào thành phố, nơi dân chúng cư ngụ. Thật dã man khi chúng đang tâm giết hại dân lành, vô tội. Viên đạn pháo kích rơi vào khu Kiến Thiết trên đường Trương minh Ký gần cạnh khu tôi ở. Tò mò, tôi theo mọi người tới vùng viên đạn nổ để chứng kiến và tìm hiểu sự thiệt hại!! Tới nơi, chỉ cách nhà tôi vài trăm thước, một cảnh tượng thật đau lòng bày ra trước mắt, khi thấy căn nhà bị phá huỷ hoàn toàn, một lỗ hổng lớn và sâu còn đó giữa căn nhà. Viên đạn oan nghiệt này đã cướp đi sự sống của người mẹ và hai đứa trẻ thơ vô tội. Xác của ba mẹ con đang nằm dưới đất trước hiên nhà, một miếng vải bê bết máu phủ trên thân xác những người xấu số. Tiếng khóc, tiếng gào than của những người thân và hàng xóm khiến bầu không khí thật ai oán, đớn đau và não nùng.

Lần đầu tiên chứng kiến trước mắt hình ảnh của chiến tranh, cảnh Việt Cộng và Cộng Sản Bắc Việt giết hại dân lành không kể tình đồng bào ruột thịt đã khiến tôi thay đổi sự suy nghĩ, quan niệm sống và nhiều quyết định của đời tôi.

Ngày qua ngày mọi chuyện tiếp tục bình thường cho đến một hôm, hai bạn học cùng lớp rủ tôi cùng đi nộp đơn tình nguyện vào Không Quân (KQ). Hai bạn tôi được nhận và được hẹn ngày khám sức khỏe, còn tôi bị từ chối với lý do chưa đủ tuổi.

Cũng may, một người hạ sĩ quan KQ đã chỉ cho tôi cách làm đơn để ba má tôi ký và qua quận thị thực thì đơn của tôi sẽ được cứu xét. Cuối cùng thì tôi được nhận vào KQ. Nhưng ngược lại, hai bạn tôi vì lý do sức khỏe đã không được toại nguyện. Sau vài tháng chờ đợi, tôi được nhập vào Khóa 7/68KQ và được gởi đi thụ huấn quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, rồi trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức. Khi ra trường tôi và những bạn chọn ngành Phi Hành được gởi qua trường sinh ngữ quân đội để học bổ túc Anh Ngữ trước khi du học Hoa Kỳ.

Những bước đầu khó khăn khi tôi, Lê văn Bút, và Nguyễn văn Khanh, cùng đi chung một chuyến qua Mỹ. Bút và Khanh lớn hơn tôi, nhưng là Sinh Viên Sĩ Quan nên tôi bị làm trưởng toán để hướng dẫn toán 3 người đi Mỹ. Đây là lần đầu tiên tôi đối diện với những gì ngoài khả năng của tôi.

Khi đến phi trường Honolulu, mải mê với cảnh đẹp, không khí mát mẻ, mọi thứ mới lạ và giờ giấc thay đổi đã làm trễ chuyến bay kế tiếp đưa chúng tôi vào Mỹ. Cũng may cho chúng tôi là ngay sau đó gặp được một người lính KQ Mỹ còn túc trực tại phi trường, anh đã giúp và xin cho chúng tôi theo chiếc C-141 của KQ Mỹ bay tới phi trường Travis ở San Francisco. Đến đây lúc nửa đêm, tôi không liên lạc được với trường nên phải nhờ người lính Mỹ trực tại đây đưa chúng tôi về cư xá vãng lai của căn cứ để ngủ qua đêm. Bút và Khanh được đưa đến một nơi, còn tôi được đưa đến một nơi khác với lý do tôi là Sĩ Quan. Đến đây khuya, lại khác giờ và một phần vì mệt nên ngủ quên, khi thức dậy thì hỡi ơi đã gần trưa... Bút và Khanh đang tìm tôi.

Sau khi liên lạc được nhân viên quân sự ở phi trường Travis, chúng tôi lên xe bus để tới phi trường San Francisco cho kịp chuyến bay đến thành phố San Antonio của tiểu bang Texas. Một lần nữa chúng tôi đến phi trường San Antonio vào giữa đêm khuya, không liên lạc được và không có phương tiện về trường. Chúng tôi hỏi thăm những người lính Mỹ đang có mặt tại đây cách về trường, họ đã vui vẻ cho chúng tôi quá giang trên chiếc xe cứu thương của họ đang chờ đón các thương bệnh binh Mỹ về bịnh viện trong căn cứ Không Quân Lackland. Những binh sĩ Mỹ thật tốt đã đưa ba đứa tôi tới tận cổng trường và chúc chúng tôi nhiều may mắn. Thật hú hồn cho một chuyến đi đầy thử thách!

Vào căn cứ, các phòng ốc đều đóng cửa chúng tôi không biết phải ngủ ở đâu nên đánh liều mò đến phòng ngủ của các bạn tới trước xin ngủ ké. Hôm sau, thức dậy không thấy bạn bè trong phòng. Thì ra ba đứa chúng tôi lại dậy trễ và các bạn đã đi học từ lúc nào!! Lại một lần nữa chẳng khác gì ‘họa vô đơn chí’ Chúng tôi thay quân phục lên trình diện trường. Các sĩ quan liên lạc của KQ cho tôi biết là trường đã nhận được tin chúng tôi đào ngũ và trốn khi đến phi trường Honolulu. Trong lúc đợi quyết định từ cấp trên, các sĩ quan liên lạc của KQ hỏi tôi làm cách nào vào Mỹ và làm sao tới được trường. Sau khi nghe trình bày, cấp trên thông cảm ‘hoàn cảnh ngang trái’ của chúng tôi và cho làm thủ tục nhập học.

Xong chương trình anh ngữ tại căn cứ Lackland, tôi được gởi sang học bay TH-55 tại Fort Wolter, thành phố Mineral, tiểu bang Texas. Kế tiếp học bay UH1 tại Fort Hunter, thành phố Savanna tiểu bang Georgia. Ra trường đáng lẽ tôi theo các bạn về nước thì có tài khóa cho học CH-47 Chinook . Tôi được chọn ở lại và đưa qua Fort Rucker, tiểu bang Alabama học bay Chinook. Hoàn tất chương trình học CH-47 Chinook, tôi lên đường về nước và vinh dự chính thức được tham dự vào cuộc chiến bảo vệ mảnh đất tự do của miền Nam Việt Nam.

Ngày nào... Không Quân Việt Nam chưa có CH-47 Chinook nên chúng tôi được gởi lên căn cứ Phú Lợi thuộc tỉnh Bình Dương để bay chung với Phi Đoàn 205th (Geronimo) của Mỹ. Nơi đây chúng tôi được vị chỉ huy trưởng căn cứ Mỹ tiếp đãi tử tế. Ngoài chuyện bay bổng chúng tôi được vào các câu lạc bộ sĩ quan, được ăn uống tự do và mọi khoản chi phí chúng tôi tiêu dùng đều được vị Tướng của căn cứ đài thọ.

Phi vụ đầu tiên của tôi là tiếp tế cho một đơn vị lục quân Úc đóng tại Đất Đỏ gần thành phố Vũng Tàu. Sau phi vụ tiếp tế, tôi và người Trưởng phi cơ Mỹ được mời ăn trưa với vị chỉ huy Úc. Tuy chỉ là một căn lều được dựng lên nhưng khi vào bên trong, bàn ăn được trải khăn trắng, trên bàn được đặt mọi thứ cần dùng và thực đơn cho bữa ăn. Phải nói là chúng tôi đang ngồi trong một nhà hàng sang trọng. Quân đội hoàng gia Úc có khác, lối sống của họ thật hoàng gia.

Suốt hơn một tháng ở Phú Lợi, Thiếu Tá Hồ bảo Định và tôi bay về phi trường Biên Hòa nhiều lần vào những buổi chiều để quan sát chỗ đáp, bãi đậu Chinook và ở lại đêm. Ở đây, tôi gặp được Thiếu úy Trung trưởng phi đạo cũng là bạn cùng khóa 7/68KQ, tôi theo Trung về nghỉ đêm nơi các bạn K7/68KQ mướn. Thỉnh thoảng về đáp quá trễ hoặc gặp những ngày mưa không có Trung ở phi đạo, tôi theo Th/Tá Định về nhà. Th/tá Định là sĩ quan liên lạc tại trường bay ở Mỹ nhiều năm nên hầu hết Hoa Tiêu trực thăng đều biết anh chị. Anh chị đối với chúng tôi rất tốt và thường coi chúng tôi như những đứa em từ lúc còn ở trường bay.

Phi Đoàn 237 thành lập và đặt bản doanh tại phi trường Biên Hòa. Ngoài những phi vụ chính yếu cho vùng 3 chiến thuật, Phi đoàn 237 còn thành lập các biệt đội Chinook tại Cần Thơ, Pleiku, Đà Nẵng để cung ứng và yểm trợ các phi vụ theo nhu cầu chiến trường của các vùng 1, 2, và 4. Trong khi chờ đợi các phi đoàn mới được thành lập, chúng tôi thay phiên nhau đi biệt phái ở các biệt đội của từng vùng. Đời biệt đội tuy nhiều gian khổ cùng với những khó khăn nhưng nó để lại không ít dấu ấn và các kỷ niệm vui buồn đời lính. Mỗi sân bay, mỗi căn cứ là cả một vùng trời chứa chan ký ức.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại chuyến biệt phái đầu tiên của PĐ237 vào đầu tháng 2 năm 1971. Khi được chọn bay phi vụ đặc biệt mà chi tiết về phi vụ không được tiết lộ. Chuyến công tác dài 7 ngày cùng với 3 phi hành đoàn. Sau khi Chinook cất cánh thì tôi mới được biết là trực chỉ Pleiku. Trước khi vào lính, tôi ít được đi đâu, chỉ quanh quẩn bên mẹ, hiền lành và ngoan đạo như một ‘ma soeur’. Thế nhưng, bây giờ đúng là thời điểm, cơ hội đã đến với tôi, được tung bay đến những miền xa, đất lạ, nghe qua địa danh, nhưng chưa bao giờ được đặt chân tới. Chỉ mới nghĩ tới thôi đã làm tôi thích thú, lâng lâng và phấn khởi... Từ đây tôi như có đôi cánh Đại Bàng, cũng là danh hiệu của PĐ237 và từ đây tôi sẽ được tung cánh khắp nơi trên mọi nẻo đường đất nước để ngắm nhìn, để ôm ấp và trải dài lòng mình cùng với quê hương thân yêu.


Phi trường Cù Hanh, Pleiku

Đáp xuống phi trường Cù Hanh tại Pleiku, chúng tôi được tiếp đón nồng hậu và đưa về cư xá vãng lai của căn cứ. Mùa này Pleiku lạnh và sương mù nhiều, nhưng cư xá vãng lai được trang bị máy điều hoà không khí nên rất dễ chịu, lại thêm giường nệm, nước nóng, nước lạnh đầy đủ, không thua gì những tháng ngày du học tại Hoa Kỳ. Thật quá tuyệt!

Ngay sáng hôm sau, chúng tôi nhận lệnh ứng trực phi vụ cho tới khi có lệnh mới. Các cấp chỉ huy và trưởng phi cơ đi họp liên tục. Chiều cùng ngày, tôi gặp Th/Tá Bông truởng phòng hành quân PĐ229 (nếu tôi nhớ không lầm). Ông đến trên chiếc xe Jeep để đưa một số bạn bè cũ đi ăn tối, không hiểu duyên cớ thế nào, tôi được tháp tùng theo. Trong xe, ngoài Th/Tá Bông và các vị Đại Uý đàn anh, chỉ có mình tôi là Th/uý mới ra lò. Lúc đầu hơi khớp, nhưng sau đó tôi cảm thấy hãnh diện và thấy mình lớn hẳn lên cùng một chút đắc chí. Buổi tối, chúng tôi được đưa đi uống cà phê. Sương mù bao tỏa khắp nơi, các ngọn đèn đường cũng mờ ảo bởi màn sương dày đặc, cộng thêm thời tiết lành lạnh, uống ly cà phê nóng, thơm ngon, thật không gì bằng.


Phố Pleiku

Cũng tại quán cà phê, tôi gặp lại Phong, bạn cùng lớp luyện thi lý hóa ngày xưa. Tay bắt mặt mừng. chúng tôi nói chuyện với nhau thật lâu. Phong vừa mãn khóa bay trực thăng ở Mỹ và được chuyển về đây. Phong hứa sẽ đưa tôi thăm phố Pleiku để biết ít nhiều về sinh họat nơi thành phố nhỏ bé nhưng nhiều huyền thọai này.

Đêm đó, tôi trằn trọc không sao ngủ được, có lẽ tại lạ giường? tại cà phê? hay niềm vui và hãnh diện vì đã được đi cùng đàn anh? Nằm đó, mơ màng nhớ lại những kỷ niệm ngày tôi và Phong cùng học trong lớp luyện thi toán lý hoá. Hai đứa tôi ngồi cạnh cửa sổ phía sau, thỉnh thoảng có những lúc nổi hứng bỏ học, bọn tôi trèo qua cửa sổ để đi ăn chè hoặc xi nê.


Pleiku

Đây là lần đầu tiên tôi gặp lại Phong sau kỳ học thi đó và cũng là lần cuối cùng chúng tôi chia tay vĩnh viễn. Phong đã hy sinh trong một phi vụ yểm trợ hành quân. Một cánh chim gan dạ đã lìa đàn. Tôi mất đi một người bạn thân thương. Chiến tranh càng tàn bạo và khốc liệt thì sự hy sinh càng chồng chất, nhất là sự hy sinh của những lớp trai trẻ hào hùng và hiên ngang trước đao gươm và bom đạn.

Lăn lộn với cuộc đời biệt đội từ những ngày đầu tiên 1971 cho đến ngày cuối 1975; đây là lần đầu cũng là lần cuối biệt đội Chinook được tiếp đãi nồng hậu với nơi ở khang trang và đầy đủ mọi tiện nghi. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, là những người lính, chúng tôi hiên ngang chấp nhận và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương và đồng loại yêu chuộng tự do.

Vì nhu cầu chiến trường mỗi ngày một gia tăng, nhiều Phi đoàn Chinook lần lượt được thành lập. Trong tình cảnh này, các bậc đàn anh lần lượt được bổ nhiệm về các phi đoàn mới để hoàn thành việc tổ chức một phi đoàn. Vì vậy, chúng tôi bước lên gánh vác trọng trách và trách nhiệm các anh để lại. Cuộc chiến bắt đầu khốc liệt hơn, nhu cầu của chiến trường đòi hỏi sự yểm trợ của Chinook mọi nơi, chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, bay nhiều hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi phục vụ các đơn vị của mọi binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ước muốn của tôi được toại nguyện vì được nhìn thấy tận mắt nhiều thành phố, làng mạc, núi rừng trên khắp quê hương. Có những buổi sáng trời trong xanh bay ở cao độ 5,000 bộ nhìn và chiêm ngưỡng cái đuôi hình chữ S của vùng Cà Mâu. Màu nâu của đất bồi nằm dưới lòng màu xanh của nước biển, hình ảnh đó đẹp tuyệt vời. Nghĩ lại, dầu bây giờ có đủ tiền, đủ phương tiện chưa chắc tôi có cơ hội ngắm nhìn lại những nơi mà một thời tôi từng được gần gũi trong tầm mắt.

Một kỷ niệm khác, khi biệt đội được biệt phái tại Cần Thơ thuộc vùng bốn. Đó là, sau khi đáp xuống phi trường Cà Mâu để sửa soạn cho phi vụ tiếp tế tới một căn cứ ở phía Bắc. Tôi được các bạn UH1 cho biết là không thể đáp được vào căn cứ này từ nhiều ngày qua. Chưa đáp đã bị bắn, có vào được thì cũng bị pháo kích. Thấy nguy hiểm, tôi xin trực thăng võ trang hộ tống và được chấp thuận hai Gunship. Cất cánh, theo tần số chỉ định tôi liên lạc và được biết gunship hộ tống tôi là hai chiếc Cobra của Mỹ. Họ yêu cầu tôi giữ cao độ để họ lo an toàn bãi đáp. Tôi bay vòng ở cao độ bốn ngàn bộ và quan sát Cobra nhào lộn, quần thảo với những họng súng từ dưới bắn lên. Cứ nhìn hỏa lực của hai chiếc Cobra mà lòng ước ao một ngày nào đó KQ sẽ nhận được loại trực thăng Cobra này!!! Sau khi dẹp xong các họng súng bắn lên cũng như những địa điểm Việt Cộng đặt súng pháo kích, họ cho tôi biết có thể vào đáp. Dầu Cobra bay chung quanh căn cứ rất thấp nhưng tôi không chắc những họng súng đã bị hủy diệt hoàn toàn nên tôi đáp vào căn cứ bằng cách thảy lỗ... Thả hàng xong quân bạn yêu cầu tôi đáp. Tôi nghĩ chắc có thương binh cần đưa về nên tôi đáp xuống. Nhưng khi cất cánh lên thì anh em phía sau cho biết là họ tặng chúng tôi một càn xé rắn. Nghe xong, tôi lạnh cả người vì tôi vốn sợ rắn nên vội vàng dặn anh em cẩn thận đừng để đổ. Đời lính nghèo nhưng tình huynh đệ chi binh không bao giờ nghèo. Sống giữa hiểm nguy, cái chết cận kề nhưng có chút gì cũng giữ để tặng nhau. Thật đáng quí.

Sau vài chuyến tiếp tế cho những nơi khác chúng tôi bay trở về phi trường Bình Thuỷ. Trong lúc ghi sổ bay, tôi nói với anh em làm gì với mấy con rắn đó tuỳ ý. Nhưng chỉ vài giờ sau thì anh Xạ Thủ Công mà anh em trong phi đoàn hay gọi là Công Heo chạy vào loan báo cho cả biệt đội rằng, tối nay mọi người được mời ăn nhậu tại nhà hàng Vĩnh Ký Cần thơ. Tài ngoại giao của Công thật bén nhậy. Đưa giỏ càn xé rắn đổi một bữa ăn linh đình cho cả biệt đội và đây cũng là lần đầu tiên tôi nếm mùi thịt rắn. Sau này trong một phi vụ yểm trợ hành quân, Công đã bị một viên đạn trúng vào bụng và anh đã hy sinh cho Tổ Quốc. Tôi mất đi một đồng đội.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn thắc mắc là không biết tại sao lính KQ ngoài tên cha mẹ đặt cho thường hay có thêm tên tục, chẳng hạn: Công Heo, Cường Đĩ, Thành Lưỡi Lê, Yên Sữa, Lợi Móm, Trung Ngựa, Châu Điên, Phước Biển Mặn, Lập Râu, Thanh Bờ Lờ. v.v.

Biệt đội Đà Nẵng là nơi chúng tôi gặp nhiều cảnh khổ nhất. Mỗi lần thay đổi Phi Hành Đoàn (PHĐ) của biệt đội Đà Nẵng tốn thật nhiều thời gian. Trở ngại nhất là thời tiết xấu và số Chinook khả dụng hành quân cũng không đủ đáp ứng nhu cầu chiến trường nên PHĐ ra thay thế nhau nhiều lúc phải đi bằng C-130. Nhưng nhiều khi thời tiết xấu C-130 cũng không đáp được Đà Nẵng. Ở biệt đội Đà Nẵng kỳ này, chúng tôi bị kẹt đã hơn 5 ngày. Hết tiền, ở xa, không lãnh lương, chúng tôi phải chạy vòng vòng mượn tiền bạn bè để sống qua ngày. Đến khi PHĐ ra tới, thay thế chúng tôi thì thời tiết lại xấu và chúng tôi không được ưu tiên xếp lên C-130 để trở về Sàigòn nên đành ở thêm chờ tới phiên hay phương tiện di chuyển khác. Cũng may, các bạn trong PHĐ mới ra đều đã lãnh lương nên chúng tôi mượn tạm để sống lây lất cho đến khi được trở về Biên Hoà.

Trong thời gian chờ đợi, tôi tháp tùng theo PHĐ của Huỳnh bá Hùng và Vũ văn Bảo nhân phi vụ đi Huế. May mắn cho tôi là bạn Bảo có người anh em bà con là Quân Cảnh (QC) ở Huế. Anh đã đưa chúng tôi đi thăm Huế cùng với những đền đài của các vị vua chúa triều Nguyễn mà tôi chưa bao giờ được tới. Nơi đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy được “lá ngọc cành vàng” như thế nào. Tới mỗi nơi người bạn QC đều đưa chúng tôi gặp và giới thiệu với các “Mệ”. Chúng tôi có dịp nói chuyện và hiểu biết thêm được nhiều điều có giá trị lịch sử. Có điều đáng nói ở đây là các Mệ cho chúng tôi biết mỗi lần Việt Cộng và Cộng Sản Bắc Việt vào, nhất là Tết Mậu Thân, đã cướp đi rất nhiều đồ quí gía của hoàng tộc. Các Mệ chỉ dấu được số rất ít. Không biết những thứ quí giá, mang gía trị lịch sử của Việt Nam, bị lấy đi bây giờ đang ở phương trời nào? Cảm ơn người bạn QC. Dầu trước đây chưa từng biết nhau nhưng tình huynh đệ chi binh đã gắn liền chúng tôi như những người bạn chân thành.

Ngày tháng của cuộc chiến trôi qua, sự phản bội của Đồng Minh đã đưa đẩy tôi đến định cư nơi xứ này. Nhưng không bao giờ quên được ngày tháng cũ, bạn bè xưa, và bao kỷ niệm.

Giờ đây... Con cái đã trưởng thành, gánh nặng gia đình đã bớt đi. Nhưng ngược lại, quỹ thời gian bắt đầu cạn kiệt. Những lần CH-47 Chinook họp mặt hay những ngày họp mặt của Khoá 7/68KQ không biết còn được bao nhiêu lần? Cơ hội gặp nhau hôm nay chưa chắc sẽ còn cho những ngày tháng tới. Những cuộc gặp gỡ vui chơi với bạn bè cũ luôn đưa tôi về lại những ngày của tuổi thanh xuân. Tạo thêm cho tôi sức sống và sự tươi mát cho cuộc đời. Ngoài gia đình, còn gì sướng bằng khi còn những bạn bè, đồng đội cũ ngày xưa chung quanh với những cái bắt tay, những giọng cười, những tiếng mày tao, những câu chuyện cũ dầu đã được kể cả trăm lần nhưng nó vẫn còn đủ mãnh lực làm sống dậy một thời trai trẻ. Những ngày tháng sống oai hùng và oanh liệt mà tôi và các bạn tôi đã chọn bất chấp hiểm nguy đã mang lại cho chúng tôi thật nhiều kỷ niệm và chắc chắn riêng tôi sẽ mang theo khi về "bên ấy"!

Thời gian trôi thật nhanh, xin chúc quí niên trưởng, các bạn, cùng gia đình luôn khỏe mạnh, bình an để còn dịp gặp lại nhau.

Hồ Viết Yên
K7/68KQ - PĐ237 / PĐ241 Chinook



1 comment:

  1. Bài viết hay quá! Tác giả trông beau không chịu được, thế này thì không những các em mê như điếu đổ mà cả các anh cũng mê luôn. RU kỳ này chị nhà có tính hát bài nào không anh? Hay là Yên hợp ca với your other half 1 bài cho vui đời tỵ nạn chăng?

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!