Wednesday, July 24, 2013

Hẻm 60 Yên Đổ


Trần Đình Phước

Dù chỉ là một con hẻm nhỏ, chiều dài không quá hai trăm thước. Nhưng nhiều kỷ niệm thời thơ ấu vẫn còn in đậm trong ký ức không thể nào nhạt nhoà trong tôi. Xin được ghi ra đây để quý bạn có thể hình dung ra con hẻm thân thương này. Xin được thông cảm bỏ qua những gì sai sót.

Hẻm nằm trên đường Yên Đổ. Phía bên kia đường là đường Huỳnh Tịnh Của. Nếu quẹo trái đi ra đường Hai Bà Trưng và quẹo phải thì ra đường Công Lý.

Từ đầu hẻm đi vào phía bên phải là tiệm tạp hoá Quảng Đức Long do một phụ nữ gốc Hoa, goá chồng làm chủ. Tiệm mang tên người chồng quá cố của bà. Con gái bà tên Xây Dùng rất duyên dáng và vui vẻ. Hai người con trai là A Xí và A Ngầu. Khi đến tuổi nhập ngũ, bà không muốn cho con làm lính kiểng, lính ma, tìm cách cho hai con trốn qua Campuchia. Rồi từ đó sang Hương Cảng. Tiệm QĐL bán đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày cho bà con lao động trong vùng. Từ cây kim, sợi chỉ, lọ chao, hũ mắm, cân muối, ký đường, than, củi, gạo và nhiều mặt hàng linh tinh khác. Đối với ai gặp hoàn cảnh khó khăn bà đều sẵn sàng vui vẻ bán thiếu. Tới cuối tháng, họ tự động mang tiền đến trả.

Trước cửa tiệm để chiếc xe ba bánh chở hàng. Bọn trẻ con nghịch ngợm phá phách như quỷ tụi tôi thường lén lấy đem giấu đi chỗ khác. Mười mấy đứa hò nhau hì hục vừa đạp, vừa đẩy, vừa nhào lên xe. Sau đó đem bỏ tận cuối xóm. Bà phải cho người làm đi tìm, lấy lại, rồi mét với cha mẹ chúng tôi. Thế là cả đám cùng hè nhau mà bị đòn. Tuy nhiên, chứng nào vẫn tât đó, hễ có dịp là chúng tôi tiếp tục “Con Đường Xưa Em Đi.”

Kế bên tiệm là hai căn phố lầu của Luât Sư Đinh Xuân Quảng. Phía trước nhà có cây me to. Trẻ con trong xóm và nơi khác thường trèo hái, hết ngày này qua tháng nọ khiến trái me mọc ra không kịp. Tiếp đến là một con hẻm rất ngắn, đi xuyên qua được hẻm 58 xóm Giếng, có nhà ông Hoàng Đạo Minh. Ông chỉ là thư ký của trường Đại Học Luật Khoa. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, khi đến các kỳ thi Luật, nhiều sinh viên tấp nập đến nhà ông để tặng quà và biếu xén. Gần đó có hai căn nhà của người gốc Hoa là nhà thím Lầm và Chú Hoà bán hủ tíu mì, hoành thánh. Kế bên có tiệm tạp hoá nhỏ của ông bà Ba Đồng Hồ.

Nhà ông bà có cái đồng hồ to nhất xóm! Con trai bà tên Đính thường chiếu phim Charlot 16 ly câm cho con nít xem, với yêu cầu là phải giữ thật trật tự và không được mang dép, guốc vào trong nhà. Nếu ồn ào chương trình sẽ chấm dứt ngay lập tức. Sau này, anh Đính lập gia đình với chị Dung là con gái ông Lê Văn Lung, Trường Ty Tiểu học Sài Gòn. Học sinh nào đã từng học trường Trung Học Công Lập Võ Trường Toản các lớp đệ thất, đệ lục, chắc chắn không bao giờ quên dung nhan cô giáo Dung dễ thương.

Bây giờ đến quán cà phê pha bằng vợt vải của ông Tư Ó. Có lẽ gương mặt ông giống như con Ó hay là ông có tướng Ó đâm, nên bà con đặt cho ông biêt danh này. Quán mở từ sáng sớm đến chiều tối. Bà con đến uống vì giá rất rẻ và có dịp trút các bầu tâm sự về chuyện gia đình, vợ con. Có thể nghe đưọc tuy dô, đoán chiêm bao hay bàn các hiện tượng xảy ra bất thưòng để đánh số đề được xổ vào buổi chiều. Lâu lâu tình cờ trùng hợp cũng trúng, rồi sau đó thì thua liên miên chí tử. Nợ nần tứ tung, phải bỏ xóm nghèo trốn đi nơi khác. Đúng là “Cờ bạc là Bác thằng bần”. Làm ăn đàng hoàng còn không khá, huống hồ lo chăn nuôi bốn mươi con thú làm sao mà khá được!

Cách quán cà phê một căn là tiệm may của anh Tài Lùn. Chuyên may quần tây và áo sơ mi, tính giá rất nhẹ. Mỗi dịp tựu trường và Tết đến cả gia đình anh phải tăng năng suất tối đa mới kịp thoả mãn cho khách hàng. Một con hẻm nhỏ, phía trong chỉ bốn căn nhà, có bà bán bún ở chợ Tân Định. Bà luôn luôn quấn khăn đen trên đầu, che cả hai bên tai. Bà có một con gái tên Tí Ghẻ. Sau này dến tuổi dậy thì đẹp hẳn ra,và một con trai mà người ta quen gọi tên là cu Bún. Có lẽ là con bà bán bún.

Kế bên là tiệm Bi Da, lúc nào cũng ồn ào vì cá độ. Vừa đánh, vừa chọc quê. Đôi khi các cơ thủ lấy cây cơ làm vũ khí ẩu đả. Một vài trường hợp phải đưa đi bệnh viện để vá các vết thương. Đặc biệt có môt ông thợ hớt tóc lớn tuổi, tốt nghiệp ở bên Tây về. Ông ghiền bi da. Đánh riết ngày này qua tháng nọ, đến nỗi phải bán căn nhà nhỏ, sang chỗ hớt tóc kiếm cơm để trả nợ, khiến vợ con nheo nhóc, không còn chỗ che nắng, tránh mưa.

Tiếp tục đi thêm khoảng hai chục thước là một con hẻm đi ra được đưòng Hai Bà Trưng, cầu Kiệu và chợ Phú Nhuận. Hẻm có tên là Vựa Gạo. Hẻm này có hai anh em Bé Tư và Bé Năm thích tập tạ, nên thân hình lực sĩ rất đẹp, được nhiều em trong xóm để ý. Thêm anh Quyền chơi cờ tướng thuộc loại kỳ thủ, chuyên phá mọi thế cờ. Anh có biệt danh là Đế Thiên, Đế Thích. Ngoài ra anh còn chuyên nghe hột bầu cua, đánh đâu trúng đó và được nhiều người bên ngoài đánh theo anh, khiến những tay lắc bầu cua vào dịp Tết năn nỉ xin anh tha, tôn anh là Sư Phụ, để còn kiếm ăn lai rai. Tiếp đến là tiệm bán dụng cụ học sinh của người Hoa có con trai tên A Biếu. Gia đình có thêm một tiệm lớn hơn ở gần tiệm may Tụ Bảo, đường Trần Văn Thạch, đối diện đường Lý Trần Quán – Tân Định.

Tiệm lấy tên là Thế Giới, được giao cho cô con gái lớn đứng bán. Sau đó là đến nhà của ông Hai Huệ và Năm Tòng. Thời Bình Xuyên cực thịnh, dân trong xóm đều ngán oai của hai ông. Nhất là đám con nít thấy hai ông chạy chạy bình bịch Harley thì phải lo né từ xa. Môt lần nọ, có anh bán bánh chưng, bánh giò chở bằng xe đạp.Vừa chạy vừa rao. Khi xuống dốc, thắng bằng gót chân không kịp, nên cán chết hai chú gà nòi con trong bầy gà quý của ông Hai Huệ. Mặt anh tái mét như tảu lá úa. Anh vừa đứng, vừa run lập cập vì biết là đã rơi đúng vào ổ kiến lửa. Phen này chắc tiêu tán đường quá! Bỗng dưng hôm đó ông Hai Huệ hiền như bụt, sai người nhà ra lượm xác hai cục cưng bỏ thùng rác và cho anh tiếp tục đi bán. Hú hồn hú vía! Chắc là kiếp trước anh có căn tu.

Đi đến cuối hẻm, quẹo phải có hơn hai mươi căn nhà. Bên trái là nhà sàn nằm sát bên sông cầu Kiệu. Nơi đây có gia đình ông Hai Được là một gia đình theo đạo Thiên Chúa gốc. Cả nhà thường đọc kinh mỗi đêm trước khi đi ngủ, đi nhà thờ thường xuyên vào buổi sáng, và phụ giúp các công việc cho nhà thờ Tân Định. Có thầy Ba Chẩn tu tại gia, chuyên môn cạo gió, giác hơi, cắt lễ bằng cây kim vàng. Ai bệnh nặng không đi được. Thầy vui vẻ đến tận nhà. Thầy chữa bệnh rất mát tay, giúp nhiếu người khỏi bệnh. Bà con muốn trả bao nhiêu cũng đưọc. Thường thì thầy chỉ lấy tượng trưng. Mục đích là chữa bệnh làm phước. Thầy được mọi người kính trọng. Ngoài ra có gia đình ông Bảy. Ông bà có một cô con gái là nữ sinh Gia Long, tóc dài chấm vai, có nét như ca sĩ Thanh Thúy. Hình cô được trưng bày trong tủ kính trước cửa tiệm chụp hình Mỹ Quang, đối diện với rạp hát Kinh Thành - Tân Định, để làm kiểu cho thiên hạ ngắm. Cô được nhiều anh theo đuổi. Nào là Thủ Đức, Không Quân, Hải Quân, Võ Bị Đà Lạt... Bị bám riết quá, đến nỗi cô thi rớt Tú Tài I mấy keo liên tiếp. Buồn đời, cô đi lấy chồng khi tuổi mới vừa ngoài hai mươi. Bỏ dở dang cuộc chơi! Chồng cô lớn tuổi hơn cô cũng sấp sỉ một con giáp. Anh làm nghề dạy học. Ba Má cô an tâm vì ván đã đóng xuồng và không sợ con gái rượu của mình sớm trở thành Goá Phụ Ngây Thơ.

Trở lại đầu hẻm phía tay trái. Trước khi đi vào chi tiết của đoạn này cũng cần nhắc đến vài căn nhà ở phía ngoài mặt tiền đường Yên Đổ. Đó nhà anh Thịnh cho thuê Xích Lô Máy. Bỏ đi một căn là giang san của ban kích động nhạc Les Vampires nổi tiếng vào những năm thập niên 60, 70 với Tòng thổi Saxo, Hồng Hải chơi trống. Tiếp theo là nhà số 74 của chị Sáu Nhàn. Nơi thưòng lui tới của những đấng mày râu quyền thế và lắm tiền; thích ăn phở hơn xơi cơm nguội nhạt lách ở nhà.

Kế đến là nhà nữ tài tử Mai Trâm, một trong những vai nữ chính của phim “Chúng Tôi Muốn Sống.” Cô có hai công chúa tên Mai Dung và Mai Vân cũng xinh đẹp, duyên dáng như mẹ, được nhiều thanh niên trong vùng ngắm nghé. Nhưng cuối cùng chẳng anh nào lọt được vào mắt xanh hai nàng.

Phải kể thêm nhà ông thầu khoán có cậu con trai thuộc loại dân chơi tài tử tên Khai, trường dạy lái xe hơi Yên Đổ, nhà in Ngô Mạnh Hùng. Ông chủ nhà in có hai con gái. Một tên Ngô Kim Thu là một thì sĩ học trò, chuyên làm thơ ca tụng màu an pha đỏ Võ Bị Đà Lạt. Cô kia tên Ngô Phi Nga, nữ sinh Trưng Vương, có dáng xinh xắn như búp bê. Anh chàng nào láng cháng trêu chọc sỗ sàng thì biết tay nàng ngay và cuối cùng phòng mạch bác sĩ Trần Đình Ngân. Ông tốt nghiệp ở ngoại quốc về. Một con người đầy lòng nhân từ bác ái, thương người nghèo và tận tụy với mọi bệnh nhân. Rất tiêc số phần ông quá ngắn ngủi. Sau khi ông mất bác sĩ Vũ Ban thay ông tiếp tục cho đến 1975.

Bây giờ bắt đầu kể tiếp nhà thuốc Nguyễn Huy do Dược Sĩ Nguyễn Huy làm chủ. Ông cao lớn, vạm vỡ với hai con mắt thồ lộ. Bên hông nhà thuốc là môt khoảng đất trống nhỏ. Chỗ này có thể coi như một cái chợ nhỏ và một cửa hàng ăn uống dã chiến. Hoạt động từ tờ mờ sáng cho đến khuya lắc, khuya lơ. Ban ngày bán đủ các loại rau, hoa ,trái, thịt cá. Về ăn uống có bánh mì thịt, bánh cuốn, bánh bèo, bánh ít trần, xôi bắp, cháo huyết, cháo sườn, bún riêu, cơm tấm, hủ tiếu mì, khoai mì chà bông, sữa đậu nành, nước mía, đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, sương sa hột lựu, nước trà Huế... Ban đêm có xe bán sâm bổ lượng, hột vịt lộn, xe bò viên, cơm bình dân, khô mực với rượu đế, bắp nướng mỡ hành, bánh tráng mè nướng than. Đây cũng là chỗ các người đạp xích lô và các tài xế Honda ôm dùng làm bến nghỉ chân, đón khách.

Tiếp đến là đầu ngỏ hẻm 62, đi ra được đường Công Lý, sang chợ Phú Nhuận, còn gọi là xóm Nhà Đèn vì đa số là bà con từ Quảng Bình kéo nhau vô Sàigòn lập nghiệp mà hầu hết làm nghề thợ điện. Ngay đầu xóm là nhà ông Tư Soan hớt tóc, con cái đùm đề. Ông kiêm thêm nghề kéo đàn ò e đám ma. Khi nào có ai mời chơi nhạc cho đám tang thì ông tạm nghỉ hớt tóc vì kéo đàn thu nhập cao hơn và còn được mời ăn uống đầy đủ. Xóm này có thần đồng ca nhạc Phương Mai của ban Tạp Lục Tùng Lâm, về sau diễn kịch cho ban Tân Dân Nam. Có các hoa khôi như chị Nguyệt, chị Jacqueline, chị Nữ, Chị Thu, chị Bách và một số người đẹp khác mà tôi không nhớ tên hết. Tuy nhiên cũng phải kể thêm hai chị em ruột Phủ, Hạnh hợp cùng chị Hoa Lửa ở hẻm 58 để trở thành bộ tam sên khét tiếng trong giới nữ kê mà các đấng hào kiệt đều kiêng nể. Trong xóm có một cầu tiêu sông công cộng. Những gia đình ở gần rất khổ sở mỗi khi nước thủy triều xuống.

Ngay đầu ngõ là cà phê bình dân của bà Thân mở ra đã lâu. Bà nói năng ngọt ngào, giá cả bình dân, nên được cảm tình của dân ghiền cà phê. Con trai út của bà tốt nghiệp kỹ sư Điện trường Đại học Phú Thọ, vang tiếng cả vùng, làm bà hãnh diện với xóm làng. Chẳng uổng công sức bà ngày đêm pha cà phê nuôi con ăn học nên nguời.

Tiếp đến là trụ sở Hội Thuận Bài Tương Tế. Cách hai căn là nhà có cây mít rất sai trái. Chủ nhà là quản lý nhà hàng nổi tiếng Majestic, Quận Một, Sàigòn. Các con ông đều học giỏi, trong đó có Hà Cẩm Tuyền. Sát bên nhà ông là nhà của ca sĩ tài tử Trần Ngọc Phong là sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt với bài hát Mexico ngân dài hơi bất hủ. Anh Phong có một ông anh tên Trần Ngọc Giao. Không hiểu sao cứ khoảng mười giờ tối là lấy kèn Trompette ra thổi bản nhạc Cầu Sông Quay (The Bridge on the River Kwai.) Riết rồi bà con trong vùng không cần xem đồng hồ cũng biết. Bây giờ đã là mười giờ đêm: “Xin bà con cô bác vui lòng vặn vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần yên tĩnh nghỉ ngơi.”

Cạnh nhà anh Phong là nhà gia đình ông bà Phạm Tá. Ông tốt nghiệp kỹ sư Hoá Học ở Pháp về. Tướng bệ vệ, đeo kính trắng dầy. Ông ra ứng cử trong một liên danh vào Thượng Viện nhưng không được. Bà dạy nữ công gia chánh tại trường nữ Tiểu Học Đồ Chiểu vào buổi chiều.

Bỏ qua một hẻm nhỏ là tiệm giặt ủi không tên của hai ông bà di cư từ miền bắc vào năm 1954. Ngoài cô con gái. Hai ông bà có năm người con trai. Thật đúng là Ngũ Hổ Tướng. Du đãng dù sừng sỏ cỡ nào cũng không dám đụng vào đám anh em nhà này. Người con trai lớn tên Vũ Đình Sơn tức Sơn Đảo vì anh ở tù ngoài Côn Đảo được thả về. Anh Sơn Đảo có nước da trắng, cao ráo, đẹp trai, tướng oai hùng và giỏi võ. Anh được nhiều cô, nhiều bà mến mộ. Địa bàn hoạt động chính của anh là khu ngã ba Ông Tạ và ngã tư Bảy Hiền. Anh bị một người lạ mặt bắn tử thương tại góc Nguyễn Du và Lê Văn Duyệt, lúc anh cúi xuống bóp bánh xe mô tô mà kẻ nào đó cố tình xì lốp. Đám tang anh Sơn Đảo rất lớn, được nhiều giới giang hồ, đàn em khắp nơi về đưa tiễn. Ngưòi con trai kế tên Vũ Đình Tường là Sĩ Quan thuộc binh chủng Nhảy Dù, hy sinh khoảng cuối năm 1969 trong trận đánh ở đèo Lao Bảo. Tiếp đến là Vũ Đình Cương, một tay vợt bóng bàn có hạng của đội Quân Vận. Về sau anh Cương bị vào Chí Hoà. Trong lúc tranh giành ảnh hưởng. Anh đã bị một đàn em của Đại Ca Thay là Lâm chín ngón đâm chết. Sau đó giám thị Chí Hoà phải đổi ngay Lâm chin ngón đi nơi khác vì sợ đàn em của anh Cương tìm cách trả thù. Kế anh Cương là Vũ Đình Hoàn, năm nay đã ngoài 60, sống an phận như kẻ tu hành và người con trai út là Vũ Đình Tiềm mất vì bệnh ung thư sau năm 1975.

Đi thêm khoảng mười mét là võ đường Nhu Đạo của Võ Sư Nguyễn Hữu Khánh. Ông cũng là huấn luyện viên võ thuật của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Nghe đâu ông mất tại Mong Cáy năm 1977. Võ đường hoạt động một thời gian thì đóng cửa. Ông Phạm Tá mua lại võ đường này để thành lập xưởng nhuộm mang tên ông. Tuy nhiên, xưởng nhuộm chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì dẹp tiệm. Cạnh xưởng nhuộm là trường Tiểu Học Hùng Vương. Trường chỉ mở đến lớp ba. Thầy Vũ Hửu Tiềm, một giáo viên nổi tiếng dạy luyện thi Đệ Thất vào các trường công lâp đã mượn nơi đây để mở các lớp luyện thi. Nhiều phụ huynh, kể cả các nơi khác cũng gửi con em đến học rất đông. Năm nào sỉ số học sinh của thầy thi vào lớp Đệ Thất trúng tuyển cũng đông hơn các nơi luyện thi khác.

Đi thêm khoảng năm căn nhà nữa là nhà của cô giáo Mai. Cô dạy trường Tiểu Học Con Trai Tân Định. Cô Mai cùng soạn chung với thầy Hiệu Trưỏng Nguyễn Văn Xuân một quyển sách Toán lớp Nhất và luyện thi vào đệ thất. Học sinh nào gia cảnh khó khăn, không có điều kiện học thêm. Nếu chịu khó ôn luyện quyển sách này kỹ, cũng hy vọng thi đậu vào Đệ Thất. Cô giáo Mai theo Đạo Phật. Cô qui y với pháp danh là Nhất Chi Mai. Cô đã tự thiêu để phản đối chính quyền đuơng thời đàn áp Phật Giáo. Trong hẻm nhà cô Mai có anh Chín Máy sửa xe hai bánh gắn máy rất giỏi. Anh không bao giờ vẽ vời khách hàng để lấy thêm tiền. Ngoài ra có hoạ sĩ nỗi tiếng tên Nhan Chí, tóc để dài như nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Ông có biệt tài về vẽ chân dung một cách xuất thần. Ông ghiền Bi Da còn hơn ông thợ hớt tóc già. Con trai ông tên Trung bị tật gù ở lưng bẩm sinh từ nhỏ, nên có biệt danh là Trung Gù cũng nối nghiệp ông. Hoạ sĩ Trung Gù chuyên vẽ chân dung các tài tử ngoại quốc như Slyvie Vartan, Dalida, Mary Monroe, Audrey Hepburn, Charles Bronson, Clark Gable, Marlon Brando, Johnny Halliday, Alain Delon, James Dean... để trang hoàng ở trước các rạp xi nê lớn như Rex, Đại Nam.

Bây giờ đến nhà ông Sáu Voi. Tướng ông cao, to như con voi đúng như cái tên mọi người đặt cho ông. Ông Sáu Voi chuyên làm việc xã hội, thâu tiền ma chay, thăm viếng người bệnh và hay tổ chức cho bà con Phật tử trong vùng đi hành hương các chùa chiền vào những dịp lễ lộc.

Cuối cùng quẹo phía trái gặp nhà bà Thìn bán tiết canh, lòng heo, cháo huyết. Bà bán chung với tiệm cà phê Hải Nàm, nằm ở đầu đường Yên Đổ + Hai Bà Trưng vào buổi chiều. Nhà bà Năm Nghĩa bán củi do ghe chở từ ngoài cầu Kiệu và đậu sau nhà sàn của bà. Kế bên là nhà giáo sư Pháp Văn Nguyễn Ngân. Thầy mù hai mắt, nhưng dạy các học sinh về văn phạm tiếng Pháp rất hay. Nhất là phần phân tích Grammatical và Logique. Học phí thấy lấy rất rẻ vì đa số học sinh là con nhà nghèo. Muồn đi vào nhà bà Năm Nghĩa và thầy giáo Ngân phải qua một cái cầu ván gập ghềnh. Mỗi khi nước thủy triều lên, việc đi lại rất khó khăn.

Con hẻm Cù Lao với hầu hết là bà con lao động là thế đó! Bây giờ những người muôn năm cũ không còn bao nhiêu. Một số đã theo Trời theo Phật. Một số vì hoàn cảnh phải dọn đi nơi khác. Nếu ai có dịp trở lại con hẻm Cù Lao này, chỉ biết ngậm ngùi cho cảnh vật đổi sao dời.

Dù sao nó cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ mà tôi cố ghi lại.

Xin được một lần chào con hẻm 60 Yên Đổ – Tân Định thời thơ ấu của tôi trước khi con hẻm này không còn nữa. Nó sẽ biến mất vì sự phát triển đô thị trong vài năm sắp tới.

Trần Đình Phước
(San José – Xuân Nhâm Thìn)

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!