Sunday, July 7, 2013

Phi Vụ Di Tản 10,000 Dân An Lộc

Hồ Viết Yên


Hôm nay là ngày đẹp trời của mùa hè nắng ấm nơi miền nam Cali; cũng là ngày gia đình chúng tôi hân hoan tiếp nhận một hội viên mới, đó là sự chào đời của đứa cháu ngoại đầu lòng. Thực ra, khi viết những dòng tâm sự này thì cháu Dylan (tên của cháu ngoại) vừa tròn một tháng tuổi.

Những ngày đầu khi cháu từ bảo sanh viện về, vừa mừng vừa bối rối với trách nhiệm của ông bà ngoại mới bóc tem và bố mẹ cháu Dylan lại ở cách xa chúng tôi gần một giờ lái xe, do vậy tôi quyết định lấy một tuần vacation cộng với vacation dài hạn của bà xã, thế là chúng tôi khăn gói tiến thẳng đến nhà bố mẹ cháu Dylan để thực tập làm ông bà ngoại.

Mọi việc tiến triển tốt đẹp tuy có hơi mệt nhưng chúng tôi rất vui với giai đoạn mới của cuộc sống từ làm con, làm cha mẹ và bây giờ làm ông bà… Có thể nói mình đang từ từ biến thành cây cổ thụ của một gia đình lớn, một “family tree” đang dần dà trải rộng… Quí hơn hết, đây là một món quà vô giá mà Thượng Đế ban thêm cho gia đình chúng tôi…

Những thời giờ bên cháu, khi bồng ẵm, khi ru ngủ và sữa tã, chúng tôi bận rộn cả ngày. Chỉ những lúc cháu ngủ và đặt vào nôi thì mới có chút không gian và thời gian cho mình. Tôi thích ngồi cạnh cháu để ngắm nhìn giấc ngủ hồn nhiên và khuôn mặt thơ ngây, non nớt dễ yêu đó! Giấc ngủ thật bình an và hạnh phúc trong một thế giới hòa bình và tự do cùng với sự thương yêu đùm bọc của mọi người thân từ gia đình đến xã hội. Thử hỏi ai mà không muốn được sinh ra để được yêu thương, được quí trọng và được sinh tồn?...

Ngồi nhìn giấc ngủ của đứa cháu, lòng tôi chợt xao động và gợi nhớ xót xa về những tháng ngày xa xưa cùng với những hình ảnh đau thương nơi vùng trời rực lửa của chiến trường An Lộc trong mùa hè 1972. Tôi muốn ghi lại để chia sẻ với các bạn một kỷ niệm thời bay bổng, một biến cố đau thương của dân tộc.

Sáng hôm đó, người tài xế của Đ/uý Hoàng, TĐ33/Biệt Động Quân chở tôi về Phi Đoàn (PĐ). Ngày cuối ca, dầu không đi bay nhưng phải có mặt. Tôi bước vào phòng hành quân, theo thói quen mỗi khi vào PĐ là nhìn lên bảng ghi những phi vụ hành quân, tôi lấy làm lạ sao hôm nay trên bảng có nhiều phi vụ! Tất cả Chinook đã cất cánh đi Lai Khê.

Chưa kịp gặp để hỏi người sĩ quan trực thì T/tá Hồ bảo Định, Phi Đoàn Trưởng của PĐ, đi ra và chỉ thị cho tôi chuẩn bị đi bay. Sau vài phút thông báo cho anh em, phi hành đoàn (PHĐ) được chỉ định và ghi thêm vào bảng phi vụ. Chúng tôi cùng nhau ra kiểm soát tàu.

Bãi đậu Chinook gần như trống, chỉ còn vài chiếc ở cuối phi đạo. Khi tiếp xúc với người chuyên viên kỹ thuật của phi đạo, tôi được biết chiếc Chinook chúng tôi sắp bay đã nằm ụ nhiều tuần vì rung chưa sửa được, ngoài ra còn đồng hồ phi cụ bị hư chưa có vật liệu thay thế. Dầu vậy, bởi lịnh nên chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát tàu. Khi T/tá Định ra đến, ông hỏi tôi tàu khả dụng hành quân không? Tôi trả lời theo như nhân viên kỹ thuật của phi đạo cho biết. Ông bảo tôi lên quay máy, cất cánh, rồi tính.

Tôi lấy cao độ, mới bay 70 knots mà tàu đã rung, nên tôi không dám bay nhanh hơn. Kiểm soát lại phi cụ thì có vài mũi tên trong đồng hồ lắc tới, lắc lui và có mũi tên rung như ngựa nhảy! Không biết những đồng hồ này chỉ đúng hay sai! Tôi nói với T/tá Định tàu mình trống mà rung như thế này thì làm sao chở được gì?! Ông chỉ nói cứ bay lên Lai Khê rồi tính.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đáp xuống Lai Khê. Trong lúc T/tá Định vào họp thì tôi hỏi thăm bạn bè về phi vụ hôm nay thì được biết Bộ Tư Lệnh Không Quân chỉ thị phải có 10 chiếc Chinook lên Lai Khê để nhận lệnh. Chỉ thị này do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu để di tản 10,000 dân ra khỏi An Lộc càng sớm càng tốt, ngay sau khi T.T. Thiệu vào thăm và trở về. (xin mở ngoặc phần kỹ thuật: theo chỉ số bảo trì thì PĐ237 chỉ đủ khả năng cung ứng tối đa từ 2 tới 3 Chinook cho các cuộc hành quân mỗi ngày, nếu còn muốn có phi cơ khả dụng hành quân cho những ngày kế tiếp).

Thành phố An Lộc đã bị Việt Cộng bao vây từ lâu. Hằng ngày thành phố này phải chịu hơn vài ngàn quả đạn pháo lớn, nhỏ, bất kể ngày đêm, chưa nói đến những cuộc tấn công ở nhiều mặt đêm ngày chung quanh thành phố. Mọi nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của những người lính đang chiến đấu và đồng bào còn kẹt trong thành phố đều nương nhờ vào sự tiếp tế của các phi đoàn trực thăng.

Sau khi họp ra, T/tá Định đổi qua bay chiếc khác và cho lệnh tôi đem chiếc Chinook này về lại Biên Hòa. Trên đường bay về tôi cảm nhận được những khó khăn của cấp chỉ huy phải đối diện với những lệnh từ trên cũng như nhu cầu của chiến trường mỗi ngày. Chiều đó tôi xuống ca và được nghỉ ngày hôm sau.

Ngày kế tiếp, tôi chỉ nghe nhưng không chính thức tham dự vào phi vụ di tản. Nhưng hôm sau đó, tôi lên ca, với 2 Chinook cất cánh lên Lai Khê để tiếp tục công việc tiếp tế và rước dân di tản về. Tôi thắc mắc về động cơ nào đã khiến Tổng Thống Thiệu chỉ thị cho Quân Đội phải di tản 10,000 dân ra khỏi thành phố An Lộc trong hoàn cảnh này? Phải chăng vì lòng nhân đạo? Vì sự khốn khổ, an nguy của đồng bào ruột thịt? Hay là thành phố An Lộc đã bị san bằng và số dân chết vì những trận pháo kích trong những ngày tháng qua không sao đếm nổi? Thật khó mà biết được.

Hai chuyến đầu chúng tôi chở hàng tiếp tế vào và chở dân ra không gặp trở ngại nào. Nhưng tới chuyến thứ 3, sau khi thả hàng xong, đáp xuống để đợi cho toán người đứng bên lề đường lên tàu thì Việt Cộng bắt đầu pháo kích dữ dội vào đoạn đường này. Tôi gồng mình chịu trận, giữ cần lái để đợi cho đến khi người Cơ Phi có thể đóng được cửa sau (ramp) thì tôi cất cánh. Thấy tàu chở quá nặng nên tôi hỏi anh Cơ Phi sao tàu đông quá vậy? Anh cho biết: khi Việt Cộng pháo trúng vào những toán người phía sau làm họ hoảng sợ, vì vậy họ bỏ chạy và tràn lên tàu mình.

Tôi trở về đáp, tắt máy để kiểm soát lại tàu. Nhìn đoàn người mà chúng tôi chở ra đang ngồi kế phi đạo dưới những hàng cây cao su. Tôi đến gần thì thấy nhiều đứa bé đang khóc và trên khuôn mặt vẫn còn lộ nét sợ hãi. Khi hỏi thì mới biết chúng không tìm thấy cha hay mẹ. Có những đứa bé dắt tay các em mình, có những đứa bé đứng một mình lấm lét và run sợ... Lòng tôi buồn không sao diễn tả được. Nhìn kỹ những đứa bé thì có những đứa bị những vết sưng còn đỏ trên mặt, trên tay, nơi chân. Tôi băn khoăn, thắc mắc không biết tại sao?! Tôi hỏi anh Cơ Phi có biết vì lý do nào những đứa bé này bị sưng như vậy không? Anh cho biết khi bị pháo kích ai cũng hoảng sợ và cha mẹ chúng không lên được vì quá đông nên đã quăng con vào tàu, có người còn quăng con qua lỗ cửa sổ bên hông. Nghe đến đây lòng tôi xót xa cho số phận con người. Thật tội nghiệp cho những đứa bé này và tội cho những người cha, người mẹ vì sự sống còn của con mình mà họ đã làm bất cứ điều gì để con mình được sống. Tôi nhìn những đứa bé lòng bỗng dưng xúc động và hứa nguyện trong lòng bằng mọi giá tôi sẽ đem tất cả dân đã được chỉ định di tản trong ngày ra khỏi đó và hy vọng những đứa bé này sẽ gặp lại được mẹ cha chúng.

Trên đường bay vào tôi liên lạc với những người lính chịu trách nhiệm lo cho dân di tản và nhờ nói lại với từng toán người đang chờ đợi là nếu họ giữ trật tự và theo thứ tự lên tàu như đã xếp đặt thì tôi hứa sẽ chở đến người cuối cùng về trong ngày hôm nay. Tôi hăng say, phấn khởi, không thấy mệt và cũng không nghĩ đến chuyện nguy hiểm. Kỳ này tôi đáp thật xa chỗ dân, rồi bay sát mặt đường tới rước họ. Tôi tính và làm như vậy cũng chỉ hy vọng bọn Việt Cộng pháo vào chỗ tôi đáp thay vì vào những toán dân đang đợi. Mỗi lần đáp tôi vẫn còn nhìn thấy xác những người dân gục ngã bên đường, vẫn chưa có được một mảnh vải che phủ lên người. Lòng tôi buồn khôn tả.

Nhờ những chuyến về sau không còn phải chở hàng tiếp tế cho nên chúng tôi bay vào, bay ra nhanh hơn và cuối cùng thì chúng tôi cũng đã hoàn tất xong trách nhiệm trong ngày cùng sự hứa nguyện của lòng tôi.

Là người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chiến đấu để bảo vệ mảnh đất tự do của miền Nam Việt Nam, nếu phải hy sinh cho Tổ Quốc thì đó là điều hãnh diện không có vấn đề gì phải nói. Tuy nhiên, đối với người dân và trẻ thơ vô tội, khi nhìn thấy bọn Việt Cộng, Cộng Sản Bắc Việt cố tình sát hại thì tôi không còn lời nào, chữ nào để có thể diễn tả sự dã man của họ. Tại sao họ có thể làm được những việc phi nhân như vậy? Phải chăng họ là những kẻ không có trái tim và cũng chẳng bao giờ có được bộ óc của một con người…

Súng đạn do đàn anh Liên Sô, Trung Cộng cung cấp có thừa, sao họ không dùng đối diện trực tiếp với những người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà mà lại đem pháo vào những người dân vô tội này để cướp đi sự sống của họ và gia đình... Thật đáng ghê tởm, một loài quỉ đỏ!

Chuyện này xảy ra 40 năm về trước, nhưng khi nhớ lại lòng tôi vẫn buồn. Đặc biệt những khuôn mặt trẻ thơ lớn lên trong chiến tranh không khi nào phai lãng trong trí nhớ tôi.

Hồ Viết Yên
K7/68KQ - PĐ237 / PĐ241 Chinook




2 comments:

  1. Vừa xuất hiện "mới tinh khôi " trên Blog nhưng bạn Yên của chúng ta đã cống hiến cho chúng ta 2 bài viết thật hay. Bài viết này cảm động quá. Tiếc rằng bọn Kiwi chúng tôi không có được những giây phút đáng nhớ trong đời này, mà chỉ có những giây phút hốc hác vì yêu đương lẩm cà lẩm cẩm. Ước mong Yên tiếp tục cho anh em thưởng thức những sáng tác mới.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn bạn Yên đã cho anh em biết về cuộc di tản ở An Lộc mà bạn đã tham dự. Bài viết thật cảm động nói lên tình nghĩa Quân, Dân thắm thiết và ý Chí chiến đấu với Cộng Sản của Quân lực VNCH chúng ta. Trần Hữu Đại

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!