Saturday, September 21, 2013

Phi Vụ Tuy Hoà

Hồ Viết Yên



Tối nay thật vui khi ngồi chung bàn với các bạn cùng khóa 7/68 Không Quân trong bữa tiệc Tiền Phi của tuần họp mặt sau 40 năm kể từ ngày rời ghế nhà trường, bỏ lại sách vở để bước vào đời sống quân ngũ. Bữa ăn hôm nay tại nhà hàng bò bảy món Pagolac thành phố Little Sàigòn vùng Orange County, California, nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn Cộng Sản.

Trên 100 bạn khoá 7/68 KQ khắp nơi trên Thế Giới và gia đình tề tựu về đây để tham dự ngày họp mặt đặc biệt này, cũng để gặp lại nhau cho bớt nhớ nhung sau những năm tháng xa cách. Không khí ồn ào, nhộn nhịp, tưng bừng, vui vẻ, mọi người vồn vã hỏi thăm nhau, ai cũng muốn chụp hình lưu niệm và sau cùng là cùng nhau nhập tiệc để thưởng thức những món ngon của vùng nắng ấm California.

Tôi ngồi kế Phạm xuân Trường đến từ San Jose California. Bạn Trường đã phục vụ tại phi trường Cù Hanh Pleiku nhiều năm và có lẽ là đơn vị chính của anh từ ngày rời quân trường cho đến ngày di tản. Sau khi nói chuyện, tôi được biết anh lập gia đình cùng một người của xứ sương mù mà sách vở hay văn thơ thường diễn tả là thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ”.

Cả bàn chúng tôi vui, ồn ào, cười, nói không ngưng về những kỷ niệm xa xưa, trong lúc thưởng thức những món ngon của nhà hàng, những ly rượu của Đặng Quỳnh trưởng ban tổ chức mang tới đãi bạn bè, thì Trường xoay sang tôi hỏi “Tôi nghe nói Yên bay phi vụ ở Tuy Hòa vào những ngày giờ chót cuối năm 1975 phải không? và Yên cũng chở nhiều người dân di tản từ Pleiku, Ban mê Thuột trên quãng đường từ Bồng Sơn về Tuy Hòa phải không?”. Tôi trả lời Trường là phải và bắt đầu kể về phi vụ ở Tuy Hoà mà tôi hãnh diện đã làm được những gì trong tầm tay và khả năng của tôi.

Ngày đó tôi cố gắng hết sức để chở những người dân di tản chạy trốn Việt Cộng từ Pleiku và Ban mê Thuột về Tuy Hòa. Ngược lại, Trường cũng kể chuyện về những người bên gia đình vợ ra đi trong những ngày di tản đã phải chịu biết bao vất vả, cực nhọc, hiểm nguy để mong được đến phần đất Tự Do. Nhiều người cũng đã vĩnh viễn ra đi trên đoạn đường này. Trường tỏ ý muốn tôi viết lại phi vụ mà tôi đã bay hôm đó.

Sau nhiều ngày suy nghĩ và nhớ lại chuyện người chú ruột của vợ tôi cũng đã qua đời trong chuyến di tản đau thương và đầy nước mắt, tôi muốn đáp ứng lại sự mong muốn của Trường nên xin ghi lại câu chuyện này như một kỷ niệm trong đời bay bổng, nói lên nỗi khổ của người dân Việt trong hoàn cảnh chiến tranh, lòng yêu Tự Do và cũng để hâm nóng lại lý tưởng của những ngày còn trẻ khi chúng tôi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, gia nhập vào quân đội để đóng góp vào sự bảo vệ lý tưởng Tự Do trên mảnh đất còn sót lại của miền Nam Việt Nam.

Tôi phục vụ Phi Đoàn 237 Biên Hòa từ ngày Phi Đoàn mới thành lập vào tháng 10 năm 1970 cho đến tháng 8 năm 1974 thì tôi hoán chuyển quân số ra Phi Đoàn 241 Phù Cát, và phục vụ PĐ241 cho tới ngày Phù Cát di tản.

Vài ngày trước khi PĐ241 rời Phù Cát, tôi trực tại Phi Đoàn thì nhận được lệnh từ Hành Quân Chiến Cuộc (HQCC) cần phi hành đoàn của tôi cất cánh xuống Tuy Hòa để nhận phi vụ. Những phi vụ tiếp tế cho quân bạn từ Tuy Hòa đến Cung Sơn hay Phú Bổn là công việc thường xuyên của Phi Đoàn 241 nên không có gì lạ đối với tôi. Xe trực đưa phi hành đoàn chúng tôi ra phi đạo, sau khi kiểm soát máy bay xong chúng tôi cất cánh đi Tuy Hòa cho phi vụ đầu tiên trong ngày trong tâm trạng bình thường của một ngày như mọi ngày.

Đến Tuy Hòa đáp xuống điểm hẹn, tắt máy, quân bạn đến tiếp xúc với chúng tôi cho biết tình hình và cung cấp chi tiết cần thiết cho phi vụ. Trong lúc đó thì anh em áp tải kiểm soát lại những kiện hàng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi nhận nhiệm vụ chuyên chở vật liệu là những vỉ sắt dài để làm một cái cầu dã chiến bắt ngang qua dòng sông phía Đông của quận Củng Sơn, hầu mở đường cho đoàn xe và những người dân di tản đang kẹt tại đó có thể băng qua được.

Chúng tôi quay máy, câu hàng và cất cánh bay về hướng Củng Sơn. Khi đến gần tọa độ thả hàng, chúng tôi liên lạc xin trái khói màu để biết chỗ thả vật liệu. Khi nhìn xuống để tìm kiếm khói màu thì mới thấy cả rừng người đang đứng ở phía Bắc dòng sông. Xa xa tiếng súng vẫn nổ, những đạn pháo kích của bọn Việt Cộng pháo theo bước chân của những người dân di tản mệt nhọc, đáng thương, vô tội này đã tạo nên những cụm khói và nhìn về ven sườn đồi thì những cụm khói trắng thỉnh thoảng tỏa lên, tôi đoán quân bạn vẫn còn đang chiến đấu để ngăn chặn bọn Việt Cộng tiến gần tới đồng bào đang cố gắng chạy thoát ra khỏi tầm tay của chúng.

Thả hàng xong, trong lúc cất cánh để bay trở về Tuy Hòa, từ trên nhìn xuống tôi thấy hàng ngàn con mắt của đồng bào ruột thịt đang trốn chạy Việt Cộng hướng mắt ngó theo tàu của tôi, nhưng vì không có lệnh chở dân về cho nên tôi không dám rước. Trong suốt đường bay trở ra Tuy Hòa, tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt, lý trí của tôi bị dằn vặt và khó chịu. Nhìn và nghĩ đến những người di tản đã bỏ nhà cửa, gia tài mà công sức của cả cuộc đời cực nhọc làm ăn, dành dụm để ra đi và ngày hôm nay sự nguy hiểm có thể xảy đến cho bản thân và gia đình của họ khi phải băng đồi, vượt núi, chịu bao cảnh khó khăn để mong sao đến được bến bờ Tự Do, thì mình nỡ lòng nào cúi mặt làm ngơ.

Tôi quyết định gọi máy liên lạc Quân Đoàn xin cho chở dân về, người trực phía Quân Đoàn nhắc lại nhiệm vụ của tôi là chở vật liệu để hoàn tất cây cầu càng sớm càng tốt để xe và người có thể vượt qua dòng sông, còn chuyện rước dân thì không có trong phi lệnh, tùy ý bạn. Câu trả lời càng làm cho tôi bối rối, khó tính hơn. Không biết mình có nên rước dân không? Nếu mình tự ý làm có chuyện gì thì mình sẽ chịu trách nhiệm và lãnh đủ, còn không chở dân ra thì khó chịu với lương tâm. Tôi suy nghĩ suốt đoạn đường chở hàng vào Cung Sơn. Không có lệnh mà làm thì thế nào cũng lãnh củ (tù), nhiều lúc có thể bị ra hội đồng kỷ luật, có thể bị lột lon. Nhưng không rước dân thì làm sao đối diện với lương tâm mình, khi những người dân di tản đáng thương, mỏi mệt đó đang mong chờ tôi ra tay giúp đỡ. Cuối cùng tôi quyết định sẽ rước đoàn dân này về Tuy Hoà, dầu phải chịu hình phạt nào... Nhưng để tránh cho anh em phi hành đoàn bị liên lụy với quyết định của tôi, tôi hỏi ý kiến coi anh em phi hành đoàn nghĩ thế nào? Tất cả đồng ý rước dân.

Với kinh nghiệm trong những lần rước 10.000 dân từ An Lộc về Lai Khê, vào mùa hè đỏ lửa 1972. Tôi căn dặn từng người trong phi hành đoàn rất kỹ, từng việc phải làm, không mở cửa hông và không người nào trong Phi Hành Đoàn rời phi cơ, nhất là anh Cơ Phi thì không xuống đất khi mở cửa Ramp như thường lệ. Chinook có thể chở 45 người lính trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược để tác chiến, còn nếu chở dân cố gắng thì có thể chở từ 60 đến 70 người, tôi bảo anh em xếp 2 hàng ghế bên hông tàu lên và khi họ lên chỉ đứng chứ đừng để họ ngồi. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để chở dân về.

Thả hàng xuống chỗ quân bạn muốn, xong tôi bay tới, bay lui để lựa 1 toán có khoảng 60 tới 70 người, đáp xuống và chờ cho họ lên tàu. Nhưng tôi đã phạm 1 lỗi lầm lớn là đoàn dân ở đây không có ai chỉ huy ai cả, khác với những lần rước dân trước kia được những người lính giữ an ninh bãi đáp điều hành, xắp xếp, cho lên tàu theo thứ tự. Giờ đây thì tàu tôi bị nhiều toán người ở khắp mọi nơi tràn tới, bu đầy chung quanh và leo trèo lên quá đông!

Tôi đành phải bốc tàu lên khỏi mặt đất mà cửa sau (ramp) vẫn chưa đóng được. Anh Cơ Phi hoảng hồn báo cho tôi biết còn rất đông người bu chung quanh tàu và cửa ramp nên anh không thể đóng ramp được. Tôi giữ máy bay cách mặt đất khoảng 5, 6 feet đợi vài phút cho những người bu quanh mỏi tay rớt xuống. Tôi hỏi anh Xạ Thủ và Áp Tải ngó 2 bên hông và nhìn xuống bánh máy bay xem coi còn có ai bu không? Hai anh báo còn người. Tôi thấy không thể đứng đây quá lâu nên tôi quyết định đem tàu ra dòng sông nhúng nước với hy vọng những người bu bánh máy bay hoặc còn bám phía ngoài biết được ý định của chúng tôi. Khi máy bay đến giữa dòng sông gần 1 cồn cát, tôi xoay đít tàu về phía cồn và từ từ cho con tàu xuống nước và để cho những người đó có thể bơi vào bờ cát dễ dàng vì dòng sông không sâu lắm và mục đích là họ lên cồn cát thì chuyến tới tôi có thể đáp rước họ dễ dàng hơn. Sau khi thấy 4, 5 anh thanh niên lên cồn cát, tôi đáp xuống 1 cồn cát kế bên và nói anh Xạ Thủ mở cửa bên hông và leo xuống kiểm soát coi còn có ai bu ngoài tàu không? Đến khi biết chắc không còn ai bu nữa tôi bắt đầu cất cánh bay về Tuy Hòa.

Thật sự tôi không biết được số người ở trên tàu là bao nhiêu, nhưng 1 điều tôi biết chắc là máy bay của chúng tôi cất cánh lên không nổi, chỉ lên được 20 feet trên mặt dòng sông và tốc độ chỉ được 50 knots, cố gắng bay nhanh hơn thì mất cao độ. Tốc độ và cao độ đều không hội đủ điều kiện an toàn trong trường hợp khẩn cấp nhưng trong hoàn cảnh bây giờ thì chỉ cố gắng lết theo dòng sông mà về và nếu có bị bọn Việt Cộng nằm vùng đâu đó bắn thì cũng đành chịu, và chấp nhận như số phận an bài. Khi về đến Tuy Hòa tôi chọn phi trường bỏ trống có phi đạo dài để hy vọng đáp được. Số người quá đông và quá nặng thì chỉ có cách làm running landing. Hai bánh sau chạm đất thì tôi giảm tốc độ rồi từ từ hạ 2 bánh trước, đến cuối phi đạo thì phi cơ dừng lại. Anh em hạ ramp để cho người xuống và đồng thời cũng đếm số người già, trẻ, lớn, bé và báo cho tôi biết là hơn 140 người.

(Tôi xin được mở ngoặc nơi đây để quí vị nào đọc bài này là nạn nhân mà tôi nhúng nước hoặc quí vị nào có mặt lúc đó hoặc nghe kể lại thì xin thông cảm và hiểu cho chúng tôi. Vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm như vậy là để bảo vệ mạng sống của những người bu theo tàu. Khi bay sức gió sẽ đẩy quí bạn đó rớt hoặc khi về đến Tuy Hòa chúng tôi làm running landing thì quí vị đó sẽ bị rớt, bị thương và có thể bị chết.)

Lấy kinh nghiệm chuyến đầu, cũng như để tránh cảnh hỗn loạn xảy ra, những chuyến sau đó tôi chỉ đáp và đón những toán người rải rác từ 10 tới 15 người cho đến khi tàu đủ số người thì tôi bay về Tuy Hòa. Tiếp tục chở vật liệu vào cho quân bạn làm cầu thì tôi tiếp tục rước dân ra cho đến chiều. Cây cầu hoàn tất được phần nào và nhiều toán người đã qua được bên kia sông bằng cây cầu dã chiến vừa được dựng lên. Trên đường bay về khi quan sát khu vực đồi núi chung quanh tôi để ý thấy có nhiều toán 5, 7 người đi lạc rải rác ở các sườn đồi phía Bắc của giòng sông, mà trời thì bắt đầu xế chiều, suy nghĩ đến những điều mà họ có thể sẽ gặp nguy hiểm khi màn đêm buông xuống, rất dễ đi lạc đường, và chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn là những người đang ở dọc theo dòng sông. Nghĩ tội nghiệp cho họ, nên tôi tính cách để rước họ về.

Đáp sườn đồi cao đầy cây cối và đá lớn rất khó, nhưng đây là nghề của tôi từ lúc còn ở PĐ237 đáp bằng một hay hai bánh sau lên trên những tảng đá dọc theo triền đồi, mở cửa ramp và kéo từng người lên, với kinh nghiệm sẵn có khi phải đáp kiểu này mà tôi đã thực hiện trong nhiều năm khi còn ở Phi Đoàn 237 Biên Hòa, mỗi khi đáp đỉnh núi Bà Đen vùng Tây Ninh, để tiếp tế hoặc chở lính về, luôn luôn phải đáp bằng 2 bánh sau trên những tảng đá và đợi cho lính lên, xuống, nên cũng không có gì trở ngại. Chỉ kẹt là khi thấy những người đang leo trèo ở sườn đồi thẳng đứng, chật hẹp mà cố gắng rước thì nhiều lúc cánh quạt gần chém những cành cây cao chung quanh.

Trời về chiều lại càng khó rước những toán người này hơn và tốn nhiều thì giờ hơn vì mỗi lần đáp bằng hai bánh sau thì cần đến sự giúp đỡ, điều chỉnh của các anh em Cơ Phi, Xạ Thủ, và Áp Tải. Sau khi chọn và đáp được trên một tảng đá thì phải chờ đợi khá lâu cho những người di tản leo lên, cũng tội cho họ vì đã đi bộ nhiều ngày, phần mệt mỏi vì leo trèo và giờ đây còn bị sức gió đẩy từ cánh quạt Chinook làm cho họ té xuống rồi lại ráng trèo lên.

Trời càng mờ tối thì càng khó khăn, nguy hiểm và thời gian rước mỗi toán 5, 10 người thật lâu. Không còn bao lâu nữa thì Trời sẽ tối đen mà số người đi lạc trên triền đồi đó vẫn còn đông. Nhưng Thượng Đế cảm thông với sự khó khăn và lòng mong ước của chúng tôi. Tôi thấy một chiếc trực thăng UH1 xuất hiện và đang bay trên vùng, tôi bật qua tầng số Guard và liên lạc thì biết được là chiếc trực thăng UH1 này từ Phi Đoàn 219 ở Nha Trang, nếu trí nhớ tôi còn tốt và không lầm thì qua vài câu đối thoại tôi nhận ra đó là Tr/uý Nguyễn văn Biên cũng xuất thân từ K7/68KQ là 1 người bạn cùng khoá. Tôi nhờ bạn Biên rước người di tản ở triền đồi vì UH-1 nhỏ, dễ xoay trở, nên có thể rước được những toán người này đưa xuống các cồn cát nhanh chóng. Phi Hành Đoàn UH1 nhận lời giúp đỡ và làm nhiệm vụ rước người từ những sườn đồi đem thả họ xuống cồn cát giữa dòng sông. Chinook chúng tôi trở vào từ Tuy Hòa thì số người ở cồn cát thường lên đến 60, 70 người là vừa đủ cho 1 chuyến về Tuy Hòa. UH-1 và Chinook cùng làm việc với nhau cho đến khi Trời tối, không còn thấy đường để có thể đáp và rước được những người di tản còn lang thang ở những sườn đồi thì bạn Biên cáo biệt chúng tôi rời vùng để về Nha Trang. Tôi cũng quyết định chấm dứt phi vụ để trở về Phù Cát.

Sau một ngày mệt mỏi, chúng tôi tắt máy, nhờ quân bạn canh giữ máy bay và chở chúng tôi ra phố kiếm gì ăn trước khi bay về Phù Cát. Đang ngồi đợi bữa ăn tối dọn lên thì 1 sĩ quan bộ binh tới và yêu cầu tôi chở một số thương binh về Nha Trang. Tôi nói chúng tôi không có lệnh đi Nha Trang và tôi không thể nào làm việc này được. Nhưng vị sĩ quan này lại yêu cầu tôi chờ đợi cho cấp trên của anh liên lạc với Không Quân xin lệnh cho tôi chở số anh em thương binh về Nha Trang. Anh nói thêm rằng những thương binh bị thương rất nặng và ở đây không có đủ phương tiện và nhân lực chữa trị cho họ. Tôi không biết phải làm sao nên trả lời anh là sẽ đợi cho đến lúc ăn xong bữa cơm tối và nếu có lệnh thì sẽ tính.

Khi chiếc xe Jeep chở chúng tôi về bãi đáp, quang cảnh không xa nơi máy bay chúng tôi đậu, thay vào những kiện hàng mà chúng tôi đã chở hết vào Cung Sơn bằng những thương binh nằm la liệt dưới đất. Họ quằn quại, đau đớn, rên siết vì những vết thương trên thân thể mà vẫn chưa được băng bó. Nhìn không khác gì bãi chiến trường, thấy máu đổ, da thịt tả rơi cùng những khuôn mặt đau đớn, khốn khổ của những người đồng đội, họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để cố gắng bảo vệ từng tất đất của quê hương. Tôi không còn đủ can đảm và cũng không có một lý do nào để từ chối đưa họ về Nha Trang.

Tôi bảo anh em phi hành đoàn hạ cửa máy bay và giúp đỡ anh em bộ binh khiêng những anh em thương binh lên trên sàn Chinook để tránh bớt gió, bụi, đất, cát, bay vào những vết thương của họ khi những chiếc trực thăng UH-1 liên tục chở thương binh về đáp. Tôi cho người sĩ quan bộ binh biết là cứ tiếp tục liên lạc với phòng HQCC Phù Cát, nhưng dù được chấp thuận hay không, tôi sẽ chở hết số anh em thương binh về Nha Trang tối nay. Chờ chuyến cuối cùng UH-1 về đáp và nguời thương binh cuối cùng lên tàu mà vẫn chưa nhận được lệnh đi Nha Trang.

Tôi quyết định cất cánh bay về Nha Trang. Anh em cho biết có 36 thương binh trên tàu, họ bị thương rất nặng và chỉ được băng bó qua loa. Hầu hết những người thương binh này đều nằm một chỗ và không thể chuyển mình được. Suốt thời gian bay về Nha Trang, tôi mang tâm trạng nửa vui, nửa buồn và suy nghĩ đến những điều không may mắn có thể xảy đến cho tôi. Những hình phạt mà tôi có thể lãnh qua việc làm không có lệnh. Nhưng vạn bất đắc dĩ thì tôi mới phải chấp nhận làm một việc như thế nầy. Tuy vậy, khi đối chiếu với lương tâm thì tôi thấy không có gì ân hận, dù có nhận bất cứ hình phạt nào, chỉ mong anh em phi hành đoàn thông cảm nếu bị phạt lây.

Đến Nha Trang thì Trời đã quá khuya, từ trên nhìn xuống Nha Trang về đêm vẫn đầy ánh sáng đèn, yên tĩnh, đẹp và không có chút không khí chiến tranh. Nha Trang đang ngủ yên, thoải mái, vô tư, không biết gì về những người con yêu của Tổ Quốc đã chấp nhận hy sinh xương máu bảo vệ từng tất đất và sự bình an cho đồng loại mà giờ đây đang nằm đau đớn, rên siết trên Chinook của tôi.

Đến gần, tôi liên lạc và xin chỉ thị đáp. Tôi cũng liên lạc xin Quân Đoàn cho xe cứu thương đến trạm Hàng Không Nha Trang để chở những thương binh về Quân Y Viện. Đáp xuống, taxi vào Trạm Hàng Không, lựa chỗ đậu cho thuận tiện vì chúng tôi phải ở lại qua đêm. Sau khi cánh quạt đã ngừng thì chúng tôi lần lượt bước ra khỏi máy bay. Giờ này đã hơn 11 giờ đêm, xe cứu thương chưa đến để chở những thương binh về Quân Y Viện. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi anh em phi hành đoàn có nơi nào ngủ tạm qua đêm nay không? Anh em trả lời tự lo được. Tôi để anh em đi và hẹn gặp lại vào lúc 8 giờ sáng mai.

Tôi thì chưa biết ngủ ở đâu, ra ngoài thì quá khuya rồi, vả lại cũng không có phương tiện di chuyển, còn ở đây thì chưa biết phải ngủ nơi nào. Tôi vẫn nghe bạn bè cùng khóa 7/68KQ nói là Tr/uý Phạm minh Hoa (mà khóa 7/68 KQ đặt cho biệt danh là Hoa number one) là trưởng trạm Hàng Không Nha Trang nên tôi nghĩ có thể liên lạc với Hoa và ngủ đỡ tại hậu trạm đêm nay, còn kẹt lắm thì ngủ trên Chinook cũng được vì giờ này đã khuya mà thời tiết NhaTrang chỉ hơi lành lạnh. Tôi yên lòng ngồi đợi cho xe cứu thương chở thương binh cho đến chuyến cuối cùng. Tôi đóng cửa máy bay và để giữ cho máy bay được an toàn tôi thường gỡ bình điện, sau đó tôi đi vào hậu trạm.

Tôi hỏi thăm người lính trực hậu trạm về Tr/u Hoa thì anh cho biết Tr/u Hoa ở trên lầu phía sau hậu trạm. Lâu lắm rồi tôi không gặp bạn Hoa có thể từ ngày ra khỏi trường Bộ Binh Thủ Đức về trình diện bộ Tư Lệnh Không Quân cho đến ngày hôm nay. Sau bao nhiêu năm mỗi đứa 1 phương trời, mỗi đứa mang 1 trách nhiệm, không mấy khi có dịp gặp được nhau, không biết bạn Hoa có còn nhận ra tôi không? Tôi lên lầu, gõ cửa, 1 người lính mở cửa, tôi tự giới thiệu là bạn của Tr/u Hoa và muốn ngủ lại đây đêm nay, anh để tôi vào và cho biết là Tr/u Hoa đi ăn tối chưa về (tôi nghĩ trong bụng ăn tối gzì mà lâu dzữ dzậy...).

Vào phòng tôi thấy tuy nhỏ nhưng ngăn nắp và đầy đủ tiện nghi. Thấy có máy lạnh tôi bèn mở lên, sau đó đi tắm rồi leo lên giường ngủ. Giấc ngủ chưa kịp tới thì tôi nghe có tiếng cửa mở, sau đó tiếng Tr/u Hoa hỏi người lính giọng hơi nhè nhè (đặc biệt đệm trước bằng 2 chữ Đan Mạch) thằng nào nằm giường tao vậy? Người lính trả lời là Đ/uý Yên, bạn của ông. Bạn Hoa giở tấm mền che mặt tôi, cúi xuống ngó sát mặt, tôi vì mệt nên làm bộ ngủ, hy vọng mọi chuyện để sáng mai rồi tính. Tôi không biết bạn Hoa tối đó ngủ ở đâu? Chỉ biết sáng hôm sau khi thức dậy, người lính cho tôi biết là Tr/u Hoa đang đợi tôi dưới hậu trạm để ăn sáng. Sau 1 ngày làm việc mệt nhọc, 1 giấc ngủ an bình, thoải mái, và 1 bữa ăn sáng thật ngon với bạn Hoa trong tình anh em khóa 7/68KQ, đã đưa tôi trở lại với những phi vụ mới, của 1 ngày mới trong hoàn cảnh bi thương của đất nước.

Cảm ơn bạn Hoa và tình bạn thấm thiết của các bạn Khoá 7/68KQ.

Hồ viết Yên

K7/68KQ – PĐ237 / PĐ241 Chinook

2 comments:

  1. Bên trong người phi công trẻ trung bạn ta thuở ấy, đã có "built in" trái tim nhân từ của vị mục sư sau này.

    Rất quý bạn, Yên thân mến.

    TCADũng

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Bác Dũng và Bác Giang.
      Thân,
      Hồ viết Yên

      Delete

Cám ơn bạn đã ghi cảm tưởng!